CHƯƠNG 5: Làm thế nào để thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ?
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "THE DAILY STOIC" TIẾNG VIỆT BẢN MỚI 2022
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ - TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỂ GẶT HÁI SỨC BẬT TINH THẦN, TỰ TIN VÀ ĐIỀM TĨNH"
CHƯƠNG 5: Làm thế nào để thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ?
“Hãy để triết học là phương thức loại bỏ lỗi lầm của chính ngươi, thay vì là phương thức lên án lỗi lầm của người khác.”
– SENECA“Vì chúng ta nắm rõ và thông thạo sách vở nên chúng ta có khả năng thông hiểu các lý thuyết; nhưng nếu chúng ta bị đẩy vào tình huống thực tế chúng ta sẽ thấy mình thê thảm đến thế nào.” – EPICTETUS
Xin chúc mừng! Bạn đã thông qua phần lý thuyết. Đã đến lúc xuống nước thực hành.
Tuy nhiên, hãy lưu ý, chỉ vì chúng ta nắm rõ kiến thức sách vở không có nghĩa là chúng ta đã sẵn sàng cho thế giới thực. Hiểu lý thuyết và áp dụng nó vào thực tế là hai điều hoàn toàn khác nhau. Bạn sẽ thê thảm đó.
Hay như Epictetus nói, chúng ta có thể bị sụp đổ một cách thảm hại. Đó là lý do tại sao chúng ta phải luyện tập. Ông ấy nói rằng một người thợ mộc trở nên thạo nghề bằng cách học những điều cốt lõi. Và một người lái tàu trở nên thạo nghề bằng cách học những điều cốt lõi. Vì vậy, rõ ràng là nếu chúng ta muốn trở thành người tốt, chúng ta phải học những điều cốt lõi.
“Hãy tiến lên phía trước,” ông nói, “và tận dụng những gì đã học được. Không cần phải mổ xẻ kiến thức quá nhiều – các bài học Khắc kỷ là đủ rồi. Những gì chúng ta cần bây giờ là mỗi người áp dụng những gì học được và phải chịu trách nhiệm quan sát quá trình đưa lý thuyết vào hành động của mình. Làm ơn, hãy là người chủ động nhận lấy trách nhiệm, ta đã quá mệt mỏi trong việc lấy những tấm gương trong quá khứ, ta muốn có thể nêu ra một tấm gương trong thời đại của mình.”
Hãy là tấm gương đó. Đừng hài lòng với việc học đơn thuần, mà hãy thực hành, thực hành, thực hành! Bởi vì khi thời gian qua đi, Epictetus nói, chúng ta sẽ quên mất những gì chúng ta đã học và cuối cùng làm ngược lại, có những quan điểm ngược với những gì chúng ta nên làm.
Xin lỗi vì nói thẳng, nhưng bạn không phải là Siêu nhân. Bạn không thể chỉ nghe các nguyên tắc Khắc kỷ một lần và mong đợi dựa vào chúng khi việc gì đó xảy ra. Bạn phải luyện tập như một vận động viên chuyên nghiệp, và thể hiện trên sân cỏ mỗi ngày. Xuất hiện sớm hơn và về muộn hơn những người khác. Có làm thì mới có ăn.
Hãy nhớ rằng, triết học là cách sống. Như đã thảo luận trước đó, Epictetus so sánh triết học với các nghệ nhân – cũng giống như người thợ mộc sử dụng gỗ và nhà điêu khắc sử dụng đồ đồng, chúng ta sử dụng cuộc sống của chính mình, coi nó là nguyên liệu thô để thực hành nghệ thuật sống.
Mỗi sự việc trong cuộc sống của chúng ta đều như một khối đá cẩm thạch thô mà chúng ta có thể gọt giũa. Đó là cách chúng ta học cách sử dụng cái đục và cái vồ cho đến khi chúng ta thành thạo tay nghề của mình. Triết học gói gọn trong việc áp dụng các nguyên tắc của nó vào thế giới thực. Hãy nhớ rằng, chúng ta muốn trở thành những triết gia chiến binh và áp dụng những gì chúng ta học được vào thực tế.
Đó là nội dung của phần này. Bạn sẽ tìm thấy 55 Bài thực hành Khắc kỷ kết hợp với những lời khuyên thực tế. Mỗi bài thực hành có thể sử dụng riêng biệt. Để đơn giản, chúng ta hãy phân biệt giữa ba loại phương pháp: Thứ nhất là các bài thực hành khởi động mà bạn có thể tự chuẩn bị. Bạn có thể tự học ở nhà mà không cần hoàn cảnh cụ thể. Thứ hai là bài thực hành cho các tình huống thử thách trong cuộc sống: làm thế nào để kiểm soát bản thân trong những thời điểm căng thẳng. Và thứ ba là bài thực hành cho các tình huống trong mối quan hệ: làm thế nào để đối phó với những người không mấy dễ chịu.
Hãy nhớ rằng các cách tiếp cận khác nhau có thể hiệu quả với người này nhưng không có tác dụng với người khác. Coi các bài thực hành như những đề xuất, không phải là những quy tắc cứng nhắc. Hãy thử áp dụng các phương pháp thực hành, giữ lại phương pháp hiệu quả và bỏ qua phương pháp không hiệu quả. Đừng nghĩ quá nhiều.
Bây giờ trước khi chúng ta bắt đầu các phương pháp thực hành, chúng ta hãy xem nhanh một chú thích và ba chi tiết quan trọng sẽ giúp bạn tận dụng tối đa các phương pháp thực hành.
Gồng mình lên
“Ngươi nghĩ đi, Hercules sẽ trở thành người thế nào nếu không có sư tử, quái vật Hydra, con nai hay heo rừng? Anh ấy sẽ thể hiện được điều gì nếu như không có các thử thách?”- EPICTETUS
Hercules huyền thoại sẽ ra sao nếu không trải qua thử thách?“Rõ ràng là,” Epictetus nói, “anh ta sẽ chỉ lăn trên giường và ngủ tiếp. Vì thế, bằng cách đắm chìm trong sự an nhàn và thoải mái, anh ta sẽ không bao giờ trở thành Hercules bất khả chiến bại.”
Người bạn ngưỡng mộ nếu như không gặp khó khăn gì trong đời thì sẽ trở thành như thế nào? Mẹ của bạn? Đồng nghiệp mà bạn đánh giá rất cao? Roger Federer hay bất kỳ siêu sao nào khác?
Có một điều chắc chắn rằng, họ sẽ không phải họ như bây giờ nếu không có những thử thách mà họ chắc chắn phải đối mặt trong cuộc đời.
Những khó khăn đều rất quan trọng. Đó là lý do ta ở đây. Seneca nói rằng: “Thượng đế không muốn tạo ra một người nhu nhược; Người muốn anh ta phải bị thử thách, để trở nên cứng cỏi và sống với đúng mục đích của mình.”
Tất cả những khó khăn bạn phải đối mặt trong cuộc sống của mình, đây là những bài kiểm tra. Chỉ là quá trình rèn luyện mà thôi. Cuộc sống không nên quá dễ dàng, cuộc sống chính ra phải có nhiều thử thách để đảm bảo rằng bạn thực sự trưởng thành.
Seneca nói: “Và những điều khiến ta rùng mình hay run sợ đều phục vụ cho phiên bản tốt đẹp hơn mà ta sẽ trở thành.”
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bị mắc kẹt, hãy nhắc nhở bản thân về Hercules, người đã trở nên mạnh mẽ nhờ những thử thách mà anh ấy phải đối mặt.
Cuộc sống sẽ có lúc khó khăn. Ngẩng đầu lên, ưỡn ngực ra, bạn sẽ ổn thôi.
Bây giờ, hãy xem ba nội dung hữu ích sẽ giúp bạn tận dụng tối đa các phương pháp.
(1) Hãy chú tâm
Chủ nghĩa khắc kỷ không phải là một con đường dễ đi. Có nhiều nguyên tắc cần ghi nhớ và tuân thủ.
Và điều kiện tiên quyết quan trọng nhất là nhận thức được những gì đang diễn ra. Bởi vì triết học Khắc kỷ nói nhiều về cách chúng ta phản ứng với những gì xảy ra trong thế giới xung quanh chúng ta. Điều xảy ra không quan trọng vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta giải quyết nó như thế nào.
Để đối phó với những gì xảy ra một cách hiệu quả và chú tâm đến phản ứng của chúng ta, chúng ta cần phải nhận thức những gì đang diễn ra. Chúng ta cần có khả năng bước vào giữa tác nhân kích thích và phản ứng. Chúng ta không được cuốn theo sự bốc đồng của mình, nhưng hãy lùi lại một bước và nhìn nhận tình hình một cách khách quan.
Chủ nghĩa khắc kỷ yêu cầu chúng ta không thể phản ứng một cách bốc đồng với những gì xảy ra với chúng ta. Nó yêu cầu chúng ta phát hiện những ấn tượng ban đầu của mình, để chúng ta nhận ra mình có khả năng lựa chọn cách phản ứng. Khi chúng ta có thể nhìn ra số lần phản ứng tự động của mình, chúng ta có thể kiểm tra chúng và chủ động chọn có cho phép phản ứng đó xuất hiện hay không.
Hãy nhìn xem, nhận thức là bước đầu tiên đối với bất kỳ sự thay đổi to lớn nào. Nếu bạn không nhận thức được cái sai trong cuộc sống của mình, thì bạn muốn sửa chữa nó như thế nào? Nếu bạn không nhận ra khi nào mình tức giận, bạn muốn ngăn chặn điều đó tái diễn bằng cách nào?
Seneca nói: “Ý thức về hành vi sai trái là bước đầu tiên để chuyển mình. Ngươi phải bắt quả tang bản thân trước khi ngươi sửa chữa lỗi lầm.”
Chủ nghĩa Khắc kỷ yêu cầu chúng ta phải nhận thức được những gì chúng ta làm trong mọi khoảnh khắc. Để thể hiện phiên bản tốt nhất của chúng ta cùng với đức hạnh trong mọi thời điểm, chúng ta phải có khả năng chú tâm trong thời điểm đó và nhận thức điều gì đang xảy ra. Làm gì còn cách nào khác để lựa ra hành động tốt nhất của mình?
Theo định nghĩa, những suy nghĩ và hành động tự nguyện của chúng ta là những thứ duy nhất nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Và chúng chỉ tồn tại ở đây và bây giờ. Chúng ta không thể lựa chọn một hành động nếu chúng ta chìm đắm trong dòng suy nghĩ, nghiền ngẫm về quá khứ hay mơ mộng về tương lai.
Vì vậy, chúng ta nên tập trung sự chú ý vào thời điểm hiện tại, không bị phân tâm bởi quá khứ hay tương lai. Sau đó, chúng ta sẽ có cách đúng đắn để ứng phó với thách thức đang phải đối mặt ở hiện tại, cố gắng chấp nhận nó như nó đang là, và chọn một phản ứng phù hợp với các giá trị đạo đức của chúng ta.
Về cơ bản, chúng ta nên nhận thức được từng hành động của mình. Như đã nói trước đó, chúng ta nên xem mình như một con diều hâu và tập trung sự chú ý vào mọi khoảnh khắc như thể chúng ta đang đi chân trần trên tấm kính vỡ. Việc tự quan sát một cách tập trung và liên tục này là cần thiết để thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ một cách hiệu quả.
Đừng lo lắng nếu bạn cho rằng mình không phải là người có sự tập trung cao độ. Bạn vẫn có thể thực hành hầu hết các phương pháp sau. Thêm vào đó, rất nhiều bài thực hành trong này sẽ cải thiện khả năng chú tâm của bạn. Việc cải thiện nhận thức là một phần của Chủ nghĩa khắc kỷ. Bạn sẽ tránh bị cuốn theo sự bốc đồng, vì vậy bạn có thể phân tích và đặt câu hỏi về tính đúng đắn của hành động, sau đó quyết định phản ứng tốt nhất của mình.
(2) Nạp năng lượng cho sự tự kỷ luật
Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ không giống như xem TV. Nó cần nỗ lực. Bạn thực sự phải làm một cái gì đó.
Hầu hết các phương pháp thực hành đều đòi hỏi sự tự giác nếu bạn muốn thực hiện chúng. Một số phương pháp khá là khó, không vui vẻ mấy và dễ làm bạn nản chí. Nhưng đó là một phần của trò chơi. Và nó cũng tương tự với những thứ khác trong cuộc sống. Nếu bạn muốn giỏi ném tiêu, bạn phải tập luyện. Nếu bạn muốn nâng tạ tốt hơn, bạn phải tập luyện chăm chỉ.
Điều này cũng tương tự với chủ nghĩa Khắc kỷ. Nó đòi hỏi nỗ lực và kỷ luật, nhưng đồng thời cũng sẽ rèn luyện sức bền và tính tự giác. Nó sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn. Giống như việc nâng tạ sẽ làm cho cơ bắp của bạn khỏe hơn, thực hành các nguyên tắc Khắc kỷ sẽ làm cho ý chí của bạn mạnh mẽ hơn.
Đúng thế, có làm thì mới có ăn. Bạn sẽ luôn phải trả giá nếu muốn tiến bộ. Các bài thực hành sẽ làm cho bạn trở nên kiên cường, tĩnh lặng, can đảm, kỷ luật hơn.
Thêm vào đó, bạn phải nhớ rằng luôn có cái giá cho việc KHÔNG học hỏi và thực hành một triết lý sống. Tác giả William Irvine giải thích cái giá này một cách thẳng thắn: “Điều đáng sợ là bạn sẽ dành cả ngày để theo đuổi những thứ vô giá trị và do đó sẽ lãng phí cuộc sống của bạn”.
Điều đó tùy thuộc vào chúng ta. Hoặc chúng ta sẵn sàng đầu tư và gặt hái lợi ích, hoặc chúng ta không chịu làm gì và có nguy cơ lãng phí cuộc sống của mình.
Hãy nhìn xem, phần thưởng có thể gặt hái lớn hơn nhiều so với nỗ lực bạn phải bỏ ra. Nếu bạn hỏi tôi, tôi sẽ nói khoản đầu tư này là quá hời khỏi cần phải nghĩ ngợi. Có nhiều thứ đạt được mà chỉ mất một chút nỗ lực. Dưới đây là cách Irvine mô tả những gì bạn sẽ nhận được nếu chịu đầu tư: “Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ có thể biến mình thành những tấm gương đáng kinh ngạc với lòng dũng cảm và sự tự chủ. Họ sẽ có thể làm những điều mà người khác sợ phải làm, và họ sẽ có thể từ chối làm những điều mà người khác không thể cưỡng lại được.”
Bạn có thể trở thành một ví dụ đáng kinh ngạc này nếu bạn sẵn sàng nỗ lực. Hãy thực hiện những thực hành đó ngay cả khi bạn không cảm thấy muốn làm chúng. Đó là những gì bạn phải làm. Đừng chỉ đọc, gật gù rồi để đó không áp dụng vào thực tiễn. Điều này sẽ không làm cho bạn tốt hơn.
Hãy nhớ rằng, kỷ luật tự giác giống như một cơ bắp. Tập càng nhiều thì cơ càng chắc. Vì vậy, mỗi khi bạn quyết định vượt qua rào cản ban đầu và thực hiện bài thực hành, bạn đã rèn luyện cho mình tính tự giác và ý chí.
Nếu hôm nay luyện tập, có nhiều khả năng mai bạn sẽ tiếp tục luyện tập. Nếu hôm nay không luyện tập, có ít khả năng mai bạn sẽ tiếp tục luyện tập.
(3) Đừng tự gọi mình là một triết gia
Theo Epictetus, bạn sẽ bị chế giễu vì thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ: “Nếu ngươi theo đuổi triết học, hãy chuẩn bị tinh thần ngay từ đầu để bị chế nhạo, nhiều người sẽ chế nhạo ngươi.”
Bây giờ, tôi không biết liệu điều đó có còn đúng cho đến ngày nay hay không. Tôi không hay nói về việc thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ nên tôi chưa từng trải qua việc mọi người chế giễu tôi về điều đó. Dù sao, tôi nghĩ nếu bạn bè chế nhạo bạn vì bạn đang cố gắng cải thiện bản thân, bạn có thể muốn suy nghĩ lại về tình bạn đó.
“Hãy nhớ,” Epictetus tiếp tục, “rằng nếu ngươi vẫn tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc của mình, những người đầu tiên chế nhạo ngươi sau đó sẽ trở nên ngưỡng mộ ngươi.”
Vì vậy, ngay cả khi bạn bị chế giễu và những người khác khiến bạn gặp khó khăn trong việc cam kết hoàn thiện bản thân, hãy biết rằng nếu bạn kiên định, những người này sẽ ngưỡng mộ bạn.
Bí quyết đơn giản nhất để đảm bảo không ai chế giễu bạn cũng đến từ Epictetus: “Không bao giờ tự gọi mình là triết gia, và đừng bàn với người khác về các nguyên tắc của mình, mà hãy cứ làm theo các nguyên tắc đó.”
Đừng đề cập đến việc bạn đang thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, hãy cứ áp dụng nó. Bạn vẫn có thể nói cho những ai muốn biết về điều gì đang xảy ra với bạn khi họ nhận ra những thay đổi tích cực của bạn. Đó là mẹo đầu tiên mà William Irvine chia sẻ trong cuốn sách A Guide to a Good Life [Hướng dẫn để có cuộc sống tốt đẹp]: “Mẹo đầu tiên tôi muốn đưa ra cho những người muốn thử theo chủ nghĩa Khắc kỷ là hãy thực hành cái mà tôi gọi là Chủ nghĩa Khắc kỷ lén lút: Tôi nghĩ bạn sẽ làm tốt nếu bạn giữ bí mật rằng bạn đang thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Bằng cách thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ một cách lén lút, bạn có thể đạt được những lợi ích của nó trong khi tránh được một cái giá đáng kể: sự trêu chọc và chế giễu đến từ bạn bè, người thân, hàng xóm và đồng nghiệp.”
Chứng minh thay vì nói suông về những gì bạn học được. Bắt đầu thôi.