CHƯƠNG 2: Tìm hiểu nhanh về Lịch sử
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "THE DAILY STOIC" TIẾNG VIỆT BẢN MỚI 2022
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ - TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỂ GẶT HÁI SỨC BẬT TINH THẦN, TỰ TIN VÀ ĐIỀM TĨNH"
CHƯƠNG 2: Tìm hiểu nhanh về Lịch sử
“Ta đã có một cuộc hành trình trọn vẹn khi ta trải qua nạn đắm tàu .”
– ZENO XỨ CITIUM
Năm đó là khoảng năm 320 trước Công nguyên. Một thương gia người Phoenicia bị đắm tàu ở đâu đó giữa Síp và đất liền Hy Lạp trên Biển Địa Trung Hải. Ông vừa mất hết tất cả thuốc nhuộm murex, một loại thuốc nhuộm màu tím có giá trị cao được chiết từ con ốc biển murex, cùng với đó là tất cả tài sản của ông. Ta đang nói đến Zeno xứ Citium, người nhờ có vụ đắm tàu này đã trở thành người sáng lập ra chủ nghĩa Khắc kỷ nhiều năm sau đó.
Bản thân cha của Zeno là một thương gia và thường trở về nhà sau chuyến du lịch với những cuốn sách mua ở thành phố Athen của Hy Lạp. Đây có thể là lý do tại sao sau vụ tai nạn trên biển, Zeno đến Athens, tìm một cửa hàng sách và đọc về triết gia người Athen tên là Socrates, người của một thế kỷ trước. Zeno ấn tượng đến mức hỏi người bán sách có thể tìm thấy những người như Socrates ở chỗ nào. Người bán sách chỉ về hướng của Crates – một người theo chủ nghĩa Cynic, người vừa đi ngang qua, và nói, “Hãy đi theo người đàn ông đằng xa kia.”
Thật vậy, Zeno đã đi theo Crates, triết gia hàng đầu vào thời điểm đó, và trở thành học trò của ông trong nhiều năm tới. Zeno rất vui vì cuộc đời của mình đã rẽ sang hướng khác và nói: “Vận mệnh ơi, sự sắp xếp của Người thật hoàn hảo, vì nó đã dẫn ta đến với triết học.” Khi nhìn lại trải nghiệm đắm tàu trong cuộc đời mình, Zeno sau này đã nhận xét: “Ta đã có một cuộc hành trình trọn vẹn khi ta trải qua nạn đắm tàu”.
Lưu ý: Câu chuyện đắm tàu thú vị này được viết lại bởi nhà viết tiểu sử người Hy Lạp Diogenes Laertius trong cuốn sách Lives of Eminent Philosophers (Cuộc đời của các triết gia lỗi lạc – ND) vào khoảng 150 năm sau cái chết của Zeno. Có nhiều phiên bản khác nhau của câu chuyện với ngày tháng không nhất quán và mâu thuẫn. Vì vậy, chúng ta không thể chắc chắn đây là câu chuyện có thật hay chỉ là câu chuyện hấp dẫn nhất về sự sáng lập của chủ nghĩa Khắc kỷ.
Sau khi học với Crates một thời gian, Zeno đã quyết định rời đi và học với các nhà triết học hàng đầu khác, trước khi ông bắt đầu tạo ra triết học của riêng mình vài năm sau đó vào khoảng năm 301 trước Công nguyên. Ban đầu, những người theo ông được gọi là Zenonian, nhưng sau đó được biết đến với cái tên Stoic (Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ) vì Zeno đã giảng bài ở Stoa Poikilê, hay còn gọi là “Painted Porch” (Cổng vòm thành Athen – ND), một cổng vòm nổi tiếng được trang trí bằng những bức tranh về các trận chiến lịch sử, nằm ở trung tâm thành phố Athen. Chủ nghĩa Khắc kỷ đã ra đời như vậy. Không giống như các trường phái triết học khác, những người theo trường phái Khắc kỷ noi gương anh hùng Socrates của họ, và đàm đạo ở nơi công khai, dưới cổng vòm này, nơi bất kỳ ai cũng có thể nghe. Vì vậy, triết học Khắc kỷ dành cho cả những người có học thức cũng như những kẻ tầm thường và do đó nó giống như một “triết học đường phố”.
Như chúng ta đã thấy, chủ nghĩa Khắc kỷ không phải tự dưng sinh ra, người sáng lập ra nó là Zeno và những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ thời kỳ đầu đã bị ảnh hưởng bởi các trường phái triết học và các nhà tư tưởng khác nhau, đặc biệt là bởi Socrates, những người theo chủ nghĩa Cynic (giống như Crates) (chủ nghĩa Yếm thế – ND), và các Viện sĩ (môn đệ của Plato). Các nhà Khắc kỷ đã đi theo câu hỏi của Socrates: Làm thế nào để sống một cuộc sống tốt đẹp? Họ tập trung vào việc áp dụng triết lý vào những thử thách hàng ngày, để cải thiện phẩm chất và trở thành những cá nhân tốt hơn, những người xuất sắc trong cuộc sống, quan tâm đến thiên nhiên và những người xung quanh. Một điều mà những người theo Khắc kỷ đã thay đổi so với những người theo chủ nghĩa Cynic là họ đã loại bỏ asceticism (chủ nghĩa khổ hạnh – ND) của thuyết Yếm thế. Không giống như những người theo thuyết Yếm thế, những người theo Khắc kỷ ủng hộ một lối sống cho phép những tiện nghi bình thường. Họ cho rằng mọi người nên tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống nhưng không bám chấp vào chúng. Như Marcus Aurelius sau này đã nói, “Nếu phải sống trong một cung điện, thì hãy sống trong cung điện thật tốt.” Việc cho phép sự xuất hiện của những tiện nghi là thứ khiến chủ nghĩa Khắc kỷ trở nên hấp dẫn hơn vào thời đó, và chắc chắn ngày nay cũng vậy.
Sau cái chết của Zeno (người được người Athen ngưỡng mộ đến mức họ đã dựng nên một bức tượng bằng đồng), trường phái Khắc kỷ giữ vị trí như một trường học triết học hàng đầu của người Athen (cùng với những trường phái khác) cho đến năm 155 trước Công nguyên, khi có một sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến triết học cổ đại – những người đứng đầu chủ nghĩa Khắc kỷ (Diogenes thành Babylon) và các trường học triết học khác đã được chọn làm đại sứ đại diện cho Athen trong các cuộc đàm phán chính trị với Rome, tại thành Rome. Mặc dù các cuộc đàm phán không được quan tâm mấy, nhưng chuyến thăm này đã để lại tác động văn hóa. Người Athen đã đem đến những bài giảng và khơi dậy mối quan tâm đến triết học trong lòng những người La Mã bảo thủ. Chủ nghĩa Khắc kỷ đã trở thành một trường phái thịnh hành ở Rome với tất cả các nhà Khắc kỷ nổi tiếng cùng các tác phẩm đóng vai trò là khởi nguồn cho triết học ngày nay: Seneca, Musonius Rufus, Epictetus và Marcus Aurelius (chúng ta sẽ tìm hiểu về họ sớm thôi).
Chủ nghĩa Khắc kỷ là một trong những trường phái triết học có ảnh hưởng và được ngưỡng mộ nhất trong gần 5 thế kỷ sau đó. Người thực hành chủ nghĩa này gồm cả người giàu kẻ nghèo, người quyền lực cũng như người đang bị áp bức, tất cả đều để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, sau cái chết của những giáo viên có tiếng – Musonius Rufus, Epictetus, và Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius – Chủ nghĩa Khắc kỷ rơi vào tình trạng tuột dốc mà vẫn chưa thể phục hồi. Tình trạng thiếu hụt các giáo viên có sức lôi cuốn và sự trỗi dậy của Cơ đốc giáo là những lý do chính dẫn đến sự suy tàn của triết học phổ biến một thời này.
Tuy nhiên, lý tưởng của chủ nghĩa Khắc kỷ đã được tìm thấy trong nhiều tác phẩm của các triết gia lịch sử như Descartes, Schopenhauer và Thoreau. Và nó đang tìm đường quay trở lại cuộc sống của những người bình thường như bạn và tôi (không có ý xúc phạm đâu nhé). Sự trở lại này của Chủ nghĩa Khắc kỷ có thể bắt nguồn từ Logotherapy (Liệu pháp Ý nghĩa – ND) của Viktor Frankl và liệu pháp hành vi cảm xúc lý trí của Albert Ellis, cả hai đều bị ảnh hưởng bởi triết học Khắc kỷ. Trong những năm gần đây, các tác giả như Pierre Hadot, William Irvine, Donald Robertson, và đặc biệt là Ryan Holiday đã thúc đẩy sự trở lại của chủ nghĩa Khắc kỷ.
Các Triết gia Khắc kỷ quan trọng nhất
Hãy nhìn xung quanh, tưởng tượng bạn đang ở giữa hàng nghìn người đang phấn khích vẫy cờ, hò hét và cổ vũ cuồng nhiệt cho những tay đua xe ngựa yêu thích của họ ở trường đua Circus Maximus – giờ phóng nhỏ, lấy cái nhìn toàn cảnh, dịch chuyển nửa dặm về phía bắc, rồi phóng to lấy cái nhìn cận cảnh – Graoo! Ngay trước mặt bạn, một đấu sĩ đang chiến đấu với một con sư tử; ở bên phải bạn, một đấu sĩ đang nhắm mũi giáo về phía bạn; còn phía bên trái, một con voi khổng lồ đang lao vào bạn! Trong những thời điểm gay cấn này, các nhân vật chính của chúng ta đã dạy và thực hành triết học Khắc kỷ. Mặc dù triết học kém thú vị hơn nhiều so với các trận chiến đẫm máu trong Đấu trường La Mã (nơi bạn vừa bị một con voi dẫm bẹp), nhưng đó là triết lý đã được truyền lại cho đến tận ngày nay. Lý do tại sao thì bạn sẽ tìm hiểu trong các chương sau.
Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét đến bốn nhà Khắc kỷ La Mã có các tác phẩm và bài giảng của họ đã tồn tại trong gần hai thiên niên kỷ và dựng nền móng cho Chủ nghĩa Khắc kỷ: Seneca, Musonius Rufus, Epictetus và Marcus Aurelius. Người ta nói rằng hơn một nghìn cuốn sách đã được viết về triết học Khắc kỷ nhưng chỉ một số ít còn sót lại – chủ yếu là những cuốn từ những danh nhân này. May mắn thay, những người đàn ông tuyệt vời (nhưng cũng có khiếm khuyết) này không sống trong hang động nào đó trên núi, mà tất cả họ đều hoàn toàn có mặt trong xã hội và làm việc chăm chỉ để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Bạn sẽ được gặp một nhà soạn kịch giàu có đáng kinh ngạc mà tương đương với doanh nhân thời hiện đại; bạn sẽ gặp một người theo thuyết nam nữ bình quyền thời kỳ đầu và một nô lệ tàn tật, người ảnh hưởng lớn đến Hoàng đế La Mã và người hùng mạnh nhất trên thế giới. Để nhất quán với tên của cuốn sách, ta sẽ chỉ đi qua bề nổi về cuộc đời hấp dẫn của bốn Triết gia Khắc kỷ quan trọng nhất.
(1) Seneca Trẻ (4 TCN – 65 CN)
“Nếu một người không để tâm đến việc mình đi thuyền ở cảng nào,
thì sẽ không thiên vị cơn gió nào”
– SENECA
Nhà triết học Khắc kỷ gây tranh cãi nhất, Lucius Annaeus Seneca, chủ yếu được gọi là Seneca Trẻ hoặc đơn giản là Seneca, sinh vào khoảng năm Chúa Giêsu ở Cordoba, Tây Ban Nha và học tập tại Rome, Ý. Ông nổi tiếng là một trong những nhà văn xuất sắc nhất thời cổ đại, nhiều bài luận cũng như những lá thư cá nhân của ông vẫn còn sót lại và đóng vai trò là tư liệu quý báu của triết học Khắc kỷ. Những bài viết này quan trọng với ta bởi vì ông tập trung vào khía cạnh thực tế của chủ nghĩa Khắc kỷ, ví dụ như cách đi du lịch, cách đối phó với nghịch cảnh và những cảm xúc kích động của nó như đau buồn hoặc tức giận, cách đối xử với bản thân khi có ý định tự tử, hay làm thế nào để đối phó với sự giàu có (điều mà ông biết quá rõ), và sự nghèo đói.
Seneca đã sống một cuộc đời phi thường, một cuộc đời dấy lên nhiều câu hỏi nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ngoài những bức thư vẫn được đón đọc gần hai thiên niên kỷ sau khi ông qua đời, tên tuổi ông nằm trong sử sách vì nhiều lý do khác. Ông ấy là một nhà viết kịch thành công. Ông trở nên cực kỳ giàu có nhờ những chủ trương tài chính thông minh (tương tự như những doanh nhân và nhà đầu tư trẻ tuổi thời đại này). Ông bị lưu đày vì tội ngoại tình với cháu gái của Hoàng đế, bị đày đến cái nơi ông gọi là “vùng đất cằn cỗi và khắc nghiệt” Corsica – nhân tiện thì, đây là một nơi nghỉ mát nổi tiếng với những cảnh quan đa dạng và tuyệt đẹp. Sau tám năm lưu đày, người vợ mới của Hoàng đế muốn Seneca làm gia sư cho con trai Nero.
Khi Nero trở thành Hoàng đế, Seneca được thăng chức làm cố vấn của ông và trở thành một trong những người giàu có nhất trong Đế chế La Mã. Theo tác giả Nassim Taleb, người đã dành hẳn một chương cho Seneca trong cuốn sách Antifragile (Khả Năng Cải Thiện Nghịch Cảnh), “tài sản của ông ấy là ba trăm triệu denarii (theo nghĩa tương đương, vào khoảng thời gian đó, Judas được ba mươi denarii, tương đương một tháng lương, để phản bội Chúa Giê-xu).” Sự giàu có tột độ này trong khi vẫn là một triết gia đề cao sự thờ ơ với tài sản hữu hình là lý do tại sao đôi lúc Seneca bị gọi là kẻ đạo đức giả. Một sự thật khác làm dấy lên nhiều nghi vấn đó là, ông là gia sư và cố vấn của Hoàng đế Nero, một người cai trị phóng túng và độc ác đã giết mẹ mình và nhiều người khác. Năm 65 CN, Nero ra lệnh cho Seneca tự sát vì bị cho là có liên quan đến âm mưu chống lại Hoàng đế.
Có phải kẻ đạo đức giả hay không thì Seneca cũng đã sống một cuộc đời đầy sóng gió, giàu sang và quyền lực nhưng cũng nhiều triết lý và quan sát nội tâm (ông đủ hiểu rằng mình không hoàn hảo). Chủ nghĩa Khắc kỷ vẫn giữ vị trí vững chắc trong cuộc đời ông và để lại dấu ấn trong những bức thư hữu dụng và đầy cảm hứng mà tôi sẽ trích dẫn tùy hứng trong cuốn sách này.
(2) Musonius Rufus (khoảng 30 CN – 100 CN)
“Ai rồi cũng chết,
vậy thà ra đi với sự xuất chúng còn hơn là sống thọ”.
– MUSONIUS RUFUS
Người ít được biết đến nhất trong bốn nhà Khắc kỷ La Mã vĩ đại, Gaius Musonius Rufus đã dạy triết học Khắc kỷ trong trường học của chính mình. Chúng ta biết rất ít về cuộc đời và những lời dạy của ông vì ông không buồn ghi chép lại bất cứ điều gì. May mắn thay, một trong những học trò của Musonius, Lucius, đã ghi chép lại bài giảng của ông. Rufus ủng hộ một triết lý sống thực tế. Như ông đã nói, “Cũng như việc nghiên cứu y học không có ích lợi gì trừ khi nó đem lại sự khỏe mạnh của cơ thể con người, triết học không có ích lợi gì trừ khi nó đem lại phẩm hạnh của tâm hồn con người.” Ông đưa ra lời khuyên chi tiết về thói quen ăn uống, đời sống tình dục, cách ăn mặc phù hợp và cách cư xử với cha mẹ. Bên cạnh việc cho rằng tư duy triết học cần có tính thực tiễn cao, ông cũng cho rằng nó cần có tính phổ quát. Ông cho rằng cả nam hay nữ giới đều có thể hưởng lợi từ việc học và nghiên cứu triết học.
Musonius Rufus là giáo viên phái Khắc kỷ lỗi lạc nhất vào thời điểm đó và sức ảnh hưởng của ông ở La Mã rất đáng nể. Sức ảnh hưởng ấy không được lòng Hoàng đế Nero độc tài đến cái mức đã đày ông đến hòn đảo Gyaros của Hy Lạp vào năm 65 CN (và vâng, sự lưu đày là điều phổ biến ở La Mã cổ đại). Mô tả của Seneca về Corsica như một “vùng đất cằn cỗi và khắc nghiệt” sẽ phù hợp hơn nhiều với nơi như Gyaros, nơi thực sự (và vẫn là) một hòn đảo giống như sa mạc. Sau cái chết của Nero vào năm 68 CN, Musonius trở lại Rome trong bảy năm trước khi bị lưu đày một lần nữa. Ông mất vào khoảng năm 100 CN và để lại không chỉ một vài bài ghi chép của Lucius, mà còn cả học trò nổi tiếng nhất của ông, Epictetus, người mà chúng ta sẽ tìm hiểu ngay bây giờ, người đã trở thành một giáo viên Khắc kỷ có sức ảnh hưởng.
(3) Epictetus (khoảng 55 CN – 135 CN)
“Đừng giải thích triết lý của mình. Hãy hóa thân thành nó ”.
– EPICTETUS
Epictetus sinh ra là một nô lệ ở Hierapolis (ngày nay là Pamukkale thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Tên thật của ông, nếu có, thì vẫn còn bỏ ngỏ. Epictetus chỉ đơn giản có nghĩa là “tài sản” hoặc “thứ đã được mua”. Ông được mua lại bởi Epaphroditos, một người tự do giàu có (bản thân đã từng là nô lệ), người từng làm thư ký cho Hoàng đế Nero ở Rome, nơi Epictetus đã trải qua tuổi trẻ của mình. Ông bị tàn tật một chân do bẩm sinh hoặc có thể do chấn thương từ một người chủ cũ. Chủ nhân mới của ông là Epaphroditos đã đối xử tốt với ông và cho ông theo học triết học Khắc kỷ dưới sự hướng dẫn của người thầy nổi tiếng nhất ở Rome, Musonius Rufus.
Một thời gian sau cái chết của Nero vào năm 68 CN, Epictetus được chủ nhân của mình trả tự do – một thực tế phổ biến ở Rome với những nô lệ thông minh và có học thức. Ông bắt đầu mở trường học của riêng mình và dạy triết học Khắc kỷ trong gần 25 năm cho đến khi Hoàng đế Domitian trục xuất tất cả các nhà triết học khỏi La Mã. Epictetus bỏ trốn và chuyển trường học của mình đến Nicopolis, Hy Lạp, nơi ông sống một cuộc sống giản dị với ít vốn liếng. Sau vụ ám sát Domitian, chủ nghĩa Khắc kỷ lấy lại được sự tôn trọng và trở nên phổ biến với người La Mã. Epictetus là giáo viên dạy phái Khắc kỷ hàng đầu vào thời điểm đó và lẽ ra đã có thể quay trở lại Rome, nhưng lại chọn ở lại Nicopolis, nơi ông qua đời vào khoảng năm 135 CN. Bất chấp địa điểm của mình, trường học của ông thu hút nhiều học trò từ khắp nơi trên Đế quốc La Mã và chỉ dạy họ, cùng với những nội dung khác, cách giữ được phẩm giá và sự bình thản ngay cả khi đối mặt với những khó khăn của cuộc sống.
Cũng giống như người thầy Musonius Rufus của mình, Epictetus không ghi chép lại bất cứ điều gì. May mắn thay, lại có một người ham học hỏi trong số các học trò, Arrian, đã chăm chú ghi chép và viết nên tác phẩm Discourses (Trò chuyện) – gồm một loạt các bài giảng của Epictetus. (Còn giờ thì tôi lại là người hăng say cố gắng sắp xếp tất cả những gì về Chủ nghĩa Khắc kỷ thành một cuốn sách nhỏ). Arrian cũng đã biên soạn cuốn sách ngắn Enchiridion (Giáo khoa thư), một bản tóm tắt các nguyên tắc quan trọng nhất của Discourses. Enchiridion thường được dịch là Sổ tay, nhưng nghĩa đen của nó là “sẵn sàng trong tầm tay” – giống như một con dao găm hơn là một cuốn sổ tay, luôn sẵn sàng đối phó với những thử thách trong cuộc sống.
(4) Marcus Aurelius (121 CN – 180 CN)
“Điều mà ta chưa bao giờ hết ngạc nhiên:
tất cả chúng ta đều yêu bản thân hơn những người khác,
nhưng quan tâm đến ý kiến của họ hơn là của chúng ta. ”
– MARCUS AURELIUS
“Không cần phí thời gian tranh cãi thế nào mới là một người tốt. Hãy trở thành một người như vậy.” Những lời này được viết ra không phải bởi một kẻ xuề xòa mà bởi một tấm gương hiếm hoi – một vị vua triết học và người quyền lực nhất hành tinh vào thời điểm đó – Marcus Aurelius, Hoàng đế của Đế chế La Mã huyền thoại. Ông là người nổi tiếng nhất trong số tất cả các nhà triết học Khắc kỷ với tác phẩm Meditations (Suy tưởng), một loạt 12 cuốn sách ngắn mà ông viết hoàn toàn cho chính mình (như một cuốn nhật ký) như một sự hướng dẫn và tự hoàn thiện bản thân, được coi là một trong những tác phẩm triết học vĩ đại nhất mọi thời đại.
Khi còn là một thiếu niên, Marcus được cho là không chỉ thích các hoạt động như đấu vật, đấm bốc, săn bắn mà còn cả triết học. Ông đã học với các nhà triết học khác nhau, một trong số họ đã cho ông mượn một cuốn sách Discourses của Epictetus, cuốn sách đã trở thành tác phẩm có ảnh hưởng quan trọng nhất đối với ông. Khi ông mười sáu tuổi, Hoàng đế Hadrian đã nhận nuôi người bác ruột của Marcus là Antoninus, người đã nhận nuôi Marcus (cha ruột của ông đã mất khi ông còn nhỏ). Khi Marcus bắt đầu cuộc sống trong cung điện, quyền lực chính trị của ông không khiến ông sinh kiêu ngạo (ông không cho phép điều đó), với tư cách là đồng hoàng đế với cha nuôi cũng như với tư cách là hoàng đế sau cái chết của Antoninus. Có điều, ông rất kiềm chế trong việc sử dụng quyền lực và tiền bạc. Hơn nữa, mặc dù quan tâm đến triết học Khắc kỷ, ông đã chọn không sử dụng quyền lực của mình để thuyết giảng chủ nghĩa Khắc kỷ mà chỉ giảng cho những cộng sự La Mã về lợi ích đến từ việc thực hành nó. Ông là một vị hoàng đế tốt hiếm hoi và trị vì từ năm 161 CN đến khi qua đời vào năm 180 CN và được coi là người cuối cùng trong chuỗi kế vị của những người cai trị mang tên The Five Good Emperors (Ngũ Hiền Đế – Wikipedia).