Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

Bài thực hành 9: Chuẩn bị Tinh thần cho một ngày mới: Thói quen buổi sáng

“Khi ngươi mới thức dậy, hãy tự nhủ: Ta sẽ gặp phải những kẻ bận rộn, những kẻ ăn bám, những kẻ ích kỷ, những kẻ dối trá, những kẻ tị nạnh và quái gở. Tất cả bọn họ đều gặp phải những phiền não này bởi vì họ không biết sự khác biệt giữa tốt và xấu.”
MARCUS AURELIUS

Một trong những thói quen được các nhà Khắc kỷ ủng hộ nhất đó là dành thời gian để nhìn lại bản thân, phân tích và rút kinh nghiệm. Thời điểm tốt nhất để làm điều đó? Vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

Epictetus khuyên bạn nên nhìn nhận bản thân vào buổi sáng, và sau đó đánh giá tiến bộ của mình vào buổi tối. Mỗi buổi sáng, chúng ta nên tự hỏi bản thân:

⦁ Tôi còn thiếu điều gì để hoàn toàn giải thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực?
⦁ Tôi cần gì để đạt được sự bình thản?
⦁ Tôi là ai? Một người có lý trí.

Chủ trương là để tiến bộ mỗi ngày. Tiến gần hơn một bước tới mục tiêu của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta nên nhắc nhở bản thân về bản chất lý trí của mình để không quá bám chấp vào cơ thể vật lý, tài sản hoặc danh tiếng. Tốt hơn là chúng ta nên khao khát lý trí và đức hạnh, và tập trung vào hành động của mình.
Marcus Aurelius đề xuất việc nhắc nhở bản thân vào buổi sáng “về một đặc ân quý giá là được sống – được hít thở, suy nghĩ, tận hưởng và yêu thương”. Và như trong câu nói mở đầu của Bài thực hành 9, ông muốn chúng ta lường trước việc gặp gỡ những người không mấy dễ chịu này. (Xem lại Tưởng tượng tiêu cực, Bài Thực hành 7).

Mỗi ngày bạn đều có khả năng va phải một kẻ tồi tệ. Câu hỏi đặt ra là: Bạn sẽ sẵn sàng cho điều đó? Nếu bạn chuẩn bị tinh thần vào buổi sáng, rất có thể bạn đã sẵn sàng đối mặt với những tình huống thử thách sự kiên nhẫn, tha thứ, thấu hiểu và tử tế.

Cụ thể hơn: Bạn không chuẩn bị sẵn sàng để chống lại thế giới, bạn chuẩn bị sẵn sàng để hành động hợp lý trong một thế giới hỗn loạn, nơi không phải ai cũng chuẩn bị tốt như bạn. Marcus còn nhắc nhở bản thân rằng những người chống lại ông cũng là thân thuộc của mình, “tuy không cùng huyết thống hay năm sinh, nhưng đều là sinh vật có lý trí.” Những người này không thể làm hại ông và ông cũng không thể giận dữ với họ, vì con người là sinh vật có tính hợp tác.

Seneca nhắc nhở bản thân về sự vô thường của mọi vật vào mỗi buổi sáng: “Người khôn ngoan sẽ khởi đầu mỗi ngày với suy nghĩ, ‘Ta không hoàn toàn sở hữu bất cứ thứ gì Vận mệnh đem đến’. Không có gì là bất biến.”

Bất cứ thứ gì đã được xây dựng trong nhiều năm cũng có thể bị phá hủy trong chốc lát. Bao nhiêu thị trấn ở Syria và Macedonia đã bị nuốt chửng bởi một trận động đất? Bao nhiêu lần loại tai ương này đã khiến Síp thành một đống đổ nát?

“Mọi sự trên thế gian đã được định sẵn để chết đi. Khi ngươi được sinh ra, có kẻ chết đi và khi ngươi chết đi thì có kẻ được sinh ra. Lường trước mọi thứ, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thứ”. Memento mori (hãy nhớ, ngươi rồi sẽ chết). Việc chuẩn bị tinh thần vào buổi sáng này sẽ giúp bạn tập trung vào những việc quan trọng và bạn sẽ sẵn sàng đối mặt với khó khăn bằng sự bình tĩnh, kiên cường và kiên nhẫn.

Lường trước mọi thứ và sẵn sàng cho bất cứ điều gì – chỉ có như vậy bạn mới thể hiện phiên bản tốt nhất của chính mình mọi lúc.

Việc chuẩn bị tinh thần buổi sáng là rất quan trọng nếu bạn muốn giữ bình tĩnh và thể hiện cái tôi cao nhất của mình ngay cả khi đang ở trong cơn khủng hoảng.

Thay đổi các thói quen buổi sáng Khắc kỷ theo ý thích của bạn; có thể bạn muốn lập kế hoạch trong ngày hoặc có thể bạn muốn trò chuyện với chính mình, có thể bạn muốn tập thể dục, thiền định hoặc viết nhật ký, và có thể bạn muốn vừa tắm vừa hát. Thoải mái đi, chỉ cần đảm bảo duy trì thói quen buổi sáng đều đặn.

Hãy luôn nhớ rằng: “Khi ngươi được sinh ra, có kẻ chết đi và khi ngươi chết đi thì có kẻ được sinh ra. Lường trước mọi thứ, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thứ.”

Theo dõi Facebook Page của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ để tải thêm nhiều tài liệu hay (Click)

Tải sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” tiếng Việt (phát hành vào tháng 9 hoặc 10 năm 2021)

Nghe sách nói bản đầy đủ dài 7 tiếng của sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” :