Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

Bài thực hành 45: Cách Đối phó với Lời xúc phạm

“Nếu bị thương, chữa lành vết thương sẽ tốt hơn là tìm cách trả thù. Trả thù là việc lãng phí thời gian và thậm chí còn khiến ngươi phải chịu thêm nhiều tổn thương hơn trước. Sự tức giận còn dai dẳng hơn những cơn đau. Tốt nhất là hãy làm điều trái ngược. Có người bình thường nào muốn đá lại một con la hay cắn lại một con chó hay không?”
– SENECA

Những nhận xét vu vơ nhưng ác ý có thể khiến bạn không vui cả ngày. Nhưng chỉ khi ta cho phép nó làm như vậy. Rất dễ nổi giận và phản bác lại một lời xúc phạm. Hoặc nếu chúng ta không đồng ý với những gì người khác làm, chúng ta có thể nghĩ rằng, “Arrgh, mình phải lên án anh ta vì đã làm điều đó!”
Đây là những phản ứng tệ nhất có thể xảy ra khi đối mặt với một hành vi xấu.

Vậy, phản ứng Khắc kỷ đối với những lời lăng mạ là gì? William Irvine chia sẻ một số cách có thể áp dụng trong chương bàn về Lời xúc phạm trong cuốn sách A Guide to a Good Life [Hướng dẫn để có cuộc sống tốt đẹp]. Hãy cùng tham khảo từ cuốn sách của ông và của những người khác.

Cách thứ nhất là tạm thời không phản ứng lại và xem xét liệu lời nói đó có phải sự thật. “Tại sao đó là một sự xúc phạm,” Seneca thắc mắc, “nếu điều ai đó nói với ta một điều hiển nhiên?”

Ngoài ra, hãy xem ai là người đã xúc phạm mình. Nếu đó là người mà chúng ta tôn trọng, thì chúng ta sẽ coi trọng ý kiến ​​của người đó và chấp nhận đó là điều mà chúng ta cần cải thiện. Nếu chúng ta không tôn trọng người đã nói những lời đó, thì tại sao phải bận tâm?

Seneca khuyên bạn hãy coi người xúc phạm mình chỉ là một đứa trẻ to xác. Một người mẹ sẽ không ngốc đến mức để bản thân bị tổn thương bởi những lời bập bõm của đứa con còn nhỏ; tương tự như vậy, chúng ta cũng không ngốc đến mức để bản thân bị tổn thương bởi những lời xúc phạm của mấy tên trẻ con. Marcus nói rằng, những người có nhân cách thiếu sót như vậy không đáng để chúng ta tức giận, họ chỉ đáng để chúng ta thương hại.

Hãy nhớ rằng những người lý trí và khôn ngoan không xúc phạm người khác, trừ khi đó là vô ý. Vì vậy, nếu một người xúc phạm chúng ta, chúng ta có thể khẳng định người này chưa trưởng thành và nhân cách có vấn đề. Irvine so sánh việc cảm thấy bị xúc phạm bởi lời nói của người khác chẳng khác gì việc cảm thấy bị xúc phạm bởi tiếng chó sủa. Thật ngốc nghếch nếu buồn rầu cả ngày và cho rằng: “Trời ạ! Con chó đó không có thích mình!”

Marcus Aurelius coi việc xúc phạm người khác là một bài học: không được trở nên như vậy. “Cách trả thù tốt nhất là không trở thành kẻ đã làm tổn thương người khác”. Cách trả thù tốt nhất là bỏ qua và làm gương.

Và chúng ta nên ứng phó như thế nào?

Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ đáp trả với sự hài hước thay vì xúc phạm lại. Nghĩ ra một chuyện hài hước, cười rồi bỏ qua.

Có vẻ điều này khá là khó nhỉ? Vì vậy, cách khả thi hơn là không phản ứng lại. Musonius Rufus nói, thay vì nhảy dựng lên khi bị xúc phạm, “hãy bình tĩnh và lặng lẽ chịu đựng chuyện xảy ra.”

Hãy nhớ nghệ thuật của sự quy phục: chúng ta chấp nhận những gì xảy ra. Bởi vì nó không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta và chúng ta không thể thay đổi nó sau khi nó đã xảy ra. Thực tế là như vậy.
Vì vậy, đừng phản ứng trước sự xúc phạm. Đừng tìm cách đáp trả bằng việc tấn công, phòng thủ hay rút lui, mà cứ để nó xảy ra thôi. Coi như bạn không vô hình. Đừng phản kháng lại.

Bạn sẽ không bị thương. Bạn không thể bị xúc phạm nếu làm theo cách này. Sự xúc phạm không tác động đến bạn. Người đó không có quyền kiểm soát cảm xúc của bạn.

Tuy nhiên, bạn có thể cho người đó biết rằng hành vi của họ là không thể chấp nhận được, nếu bạn muốn. Trong các tình huống cụ thể, điều này có thể cần thiết. Chúng ta cần dạy dỗ trẻ cách cư xử đúng mực. Khi một đứa trẻ hoặc thậm chí một học sinh làm gián đoạn bài giảng bằng cách xúc phạm giáo viên hoặc các học sinh khác, thì giáo viên cần khiển trách đứa trẻ đó để ổn định trật tự.

Khiển trách không phải là một phản ứng cảm xúc khi đối phó với sự xúc phạm, mà là một hành động được lựa chọn hợp lý để giúp người xúc phạm thay đổi hành vi và ổn định tình hình.

Còn một cách nữa, tham khảo từ Epictetus:
“Ngươi cảm thấy bị xúc phạm không phải tại vì kẻ đã lăng mạ và chỉ trích ngươi; mà vì nhận định của ngươi đã cho rằng kẻ đó đang xúc phạm mình.”

Chúng ta chỉ có thể bị sỉ nhục nếu chúng ta để điều đó xảy ra. Nếu chúng ta không quan tâm đến những gì người khác nói, thì chúng ta sẽ không cảm thấy bị xúc phạm. Xét cho cùng, hành động của người khác không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, vì vậy hành động của người khác là vô thưởng vô phạt. Vì vậy, đừng quan tâm quá nhiều đến những gì người khác nói với ta hay bàn tán về ta. Họ thì biết cái gì? Hãy nghe những gì Marcus suy nghĩ: “Ta không ngừng ngạc nhiên với sự thật là chúng ta yêu bản thân hơn những người khác, nhưng lại quan tâm đến ý kiến ​​của người khác hơn là những nhận định của ta về bản thân . . . Chúng ta thừa tin tưởng ý kiến của người xung quanh về chúng ta, nhưng lại thiếu tin tưởng quan điểm của chính mình!”

Hãy ghi nhớ điều đó và đừng quá coi trọng ý kiến ​​của người khác về bạn. Hãy rèn luyện tinh thần để chịu đựng những lời xúc phạm của họ.

Bạn sẽ càng ngày càng biết cách đối phó phù hợp, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và thậm chí bạn có thể trở thành bất khả chiến bại, theo như Epictetus: “Người bất khả chiến bại là ai? Đó là người không cảm thấy phiền lòng bởi bất cứ điều gì không phải sự lựa chọn có lý trí của họ.”

Theo dõi Facebook Page của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ để tải thêm nhiều tài liệu hay (Click)

Tải sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” tiếng Việt (phát hành vào tháng 9 hoặc 10 năm 2021)

Nghe sách nói bản đầy đủ dài 7 tiếng của sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” :