Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

Bài thực hành 42: Bao dung và Tha thứ những người vấp ngã

“Bất cứ khi nào gặp ai đó, hỏi bản thân rằng ‘Anh ta có những định kiến gì về cái tốt và cái xấu trong đời?’ Khi một người tỏ ra là kẻ thù của ngươi, xúc phạm và chống đối ngươi, hãy nhớ rằng kẻ đó chỉ đang làm những gì mình cho là đúng, kẻ đó không biết gì hơn, vì trong mắt anh ta đó mới là điều đúng đắn.”
– EPICTETUS

Chủ nghĩa Khắc kỷ muốn chúng ta học cách tha thứ.

Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ nhắc nhở bản thân về sự thiếu hiểu biết của những kẻ làm sai. Họ không cố ý làm sai, họ chỉ đơn giản cho rằng những gì họ làm là điều đúng đắn.

Marcus nói rằng chúng ta được trao cho quyền, “yêu thương cả những người đã mắc sai lầm”. Ông tự nhắc nhở bản thân bốn điều: (1) những người mắc sai lầm cũng là người thân của ta, (2) họ chỉ vô tình làm sai mà thôi, (3) Dù sao chúng ta cũng sẽ chết, và (4) chúng ta chỉ có thể bị tổn thương nếu chúng ta chọn như vậy.

Do đó, chúng ta có khả năng (và nghĩa vụ) yêu thương ngay cả những người đã lầm lỡ. Seneca có cùng quan điểm, “Sẵn sàng tha thứ [cho người khác] nhưng không được tìm kiếm sự tha thứ [từ người khác.]”

Ông hiểu rất rõ rằng họ chỉ hành động theo những gì họ cho là đúng, vì thế ông dễ dàng tha thứ cho họ. Và đồng thời ông hiểu rất rõ rằng nếu họ không chịu tha thứ cho ông, đó là vì điều đó với họ là không cần thiết.

Hãy tha thứ, ngay cả khi những người khác không làm như vậy. Bạn làm gương, và bạn hiểu rằng người ta có quan điểm khác mình.

Các nhà Khắc kỷ cho rằng những người đã mắc sai lầm là những người bị lạc lối và thiếu sự sáng suốt, giống như tụi trẻ con chứ không phải những kẻ xấu xa. Họ không nhận ra những gì họ đang làm là sai trái. Họ không nhìn được điều đó. Nó giống như một căn bệnh.

Họ không “thấy” những gì họ đang làm. Họ không có lựa chọn nào khác vì họ đang bị “bệnh”. Chúng ta không thể trách họ được phải không? Đừng bực tức với những gì họ làm, vì điều đó cũng như việc bực tức với căn bệnh họ mắc phải.

Phản ứng thích hợp duy nhất là tình thương và sự tha thứ.

Marcus đưa ra một so sánh dễ hiểu: Ông nói rằng mong muốn một người bình thường không làm điều sai trái cũng giống như việc mong muốn một cây sung không ra quả sung, một đứa bé không khóc, một con ngựa không hí. Đều là những chuyện không thể tránh được. Là chuyện thuận theo tự nhiên.

Đừng mong người khác không mắc sai lầm, thay vào đó hãy mong bản thân có thể bao dung và tha thứ.
Nếu bạn chấp nhận rằng sai lầm của người khác là điều không thể tránh khỏi, là thuận tự nhiên, hoặc là vì họ đang bị “bệnh”, thì bạn có thể dễ dàng tha thứ hơn nhiều. Họ chỉ bị lạc lối mà thôi. Đó không phải lỗi của họ.

Nhắc lại lần nữa, phản ứng thích hợp duy nhất là tình thương và sự tha thứ. Ngoài ra, hãy cố gắng giúp đỡ thay vì trách mắng những người đã mắc sai lầm.

Chú ý: Luôn nhớ rằng có thể bạn mới là người làm sai. Có thể bạn mới là người đã mắc sai lầm.

Theo dõi Facebook Page của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ để tải thêm nhiều tài liệu hay (Click)

Tải sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” tiếng Việt (phát hành vào tháng 9 hoặc 10 năm 2021)

Nghe sách nói bản đầy đủ dài 7 tiếng của sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” :