Bài thực hành 37: Tránh Hấp tấp: Kiểm tra những Phản ứng của bạn (!)
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "THE DAILY STOIC" TIẾNG VIỆT BẢN MỚI 2022
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ - TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỂ GẶT HÁI SỨC BẬT TINH THẦN, TỰ TIN VÀ ĐIỀM TĨNH"
“Hãy thực hành nói với những phản ứng kích động: ‘Ngươi cũng chỉ là một loại phản ứng, không phải nguyên nhân gây ra phản ứng này.’ Sau đó hãy kiểm tra và đánh giá sự việc, đừng quên hỏi bản thân rằng ‘Điều này có nằm trong kiểm soát của ta hay không?’. Nếu nó không phải thứ ngươi có thể kiểm soát, thì hãy sẵn sàng với tâm thế ‘Vậy thì đây không phải mối quan tâm của ta.’”
– EPICTETUS
Chúng ta bẩm sinh sẽ lựa chọn những gì khiến ta thấy thoải mái và tránh xa những gì khiến ta thấy tệ hại. Đó là bản năng sinh tồn của ta. Và nó ảnh hưởng lớn đến hành vi của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Đây là lý do chính khiến chúng ta trì hoãn. Và đây là lý do chính khiến bạn chửi đổng người khác khi đang lái xe. Những tác nhân kích thích tạo ra phản ứng và chúng ta bị kéo theo nó. Trong hầu hết các trường hợp, những phản ứng này xảy ra tự động:
⦁ Một người tạt đầu xe chúng ta và chúng ta quát tháo kẻ đó.
⦁ Người bà mang cho ta bánh quy và chúng ta ăn chúng.
⦁ Anh trai của chúng ta đang xem TV, vì vậy chúng ta ngồi xuống và xem với anh ấy.
Vấn đề là gì? Các phản ứng của chúng ta luôn sai.
Những phản ứng về cảm xúc của chúng ta đang phản tác dụng trong thế giới ngày nay. Nếu chúng ta chỉ chọn những gì khiến ta thấy dễ chịu, chúng ta sẽ lãng phí cuộc đời của mình khi xem Netflix, ăn kẹo M&M và uống rượu Goon!
Vấn đề là, điều khiến ta cảm thấy hợp lý thường không phải là điều đúng đắn cần phải làm. Hãy nhớ rằng, với tư cách là những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ đầy tham vọng, chúng ta luôn muốn nắm quyền kiểm soát để có thể cân nhắc lựa chọn những hành động tốt nhất của mình. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là chúng ta không phản ứng bốc đồng, mà lùi lại trước khi phản ứng để kiểm soát bản thân tốt hơn.
Chúng ta phải tránh hấp tấp trong hành động của mình. Như Epictetus đã nói:
“Đừng bị cuốn theo những phản ứng dữ dội, nhưng hãy nói rằng: ‘Hỡi phản ứng này, hãy chờ ta một chút: cho phép ta xem ngươi là ai, ngươi là phản ứng gì; cho phép ta kiểm tra ngươi.”
Hãy kiểm tra những ấn tượng ban đầu của chúng ta. Sự việc có thực sự tồi tệ như vậy? Chính xác thì điều gì đã xảy ra? Tôi có thực sự muốn đi theo con đường đó không? Tại sao tôi cảm thấy một sự thôi thúc mạnh mẽ trong tôi? Tôi biết gì về người này?
Nếu bạn có thể lùi lại trước khi phản ứng để đặt những câu hỏi như vậy, bạn sẽ ít có khả năng bị những ấn tượng này cuốn đi và hành động thiếu suy nghĩ. Điều quan trọng là kiểm soát những phản ứng tự động. Từ chối những phản ứng bốc đồng. Hãy kiểm tra nó trước.
Bây giờ điều này không phải là dễ dàng. Nếu muốn kiểm tra những phản ứng này, nếu muốn lùi lại để quan sát chúng, thì chúng ta phải có khả năng phát hiện ra chúng ngay từ đầu. Điều này đòi hỏi sự tự nhận thức.
Vì vậy, có hai bước: Đầu tiên, xác định các phản ứng ban đầu của chúng ta và không được phép để bản thân bị cuốn theo những phản ứng này. Thứ hai, kiểm tra các phản ứng và bình tĩnh quyết định những gì cần làm tiếp theo.
Chúng ta có thể ngăn các phản ứng bộc phát bằng việc nói với bản thân rằng: “Chờ chút, đừng vội phản ứng” – đây là cơ sở để có thể sống có đạo đức. Đó là cách duy nhất khiến chúng ta tiết chế làm những gì khiến ta thấy thoải mái và sẵn sàng làm những điều đúng đắn.
Nếu bạn có thể tránh được sự hấp tấp trong hành động của mình và có sự tự kỷ luật cần thiết, thì bạn sẽ trở thành người có thể nói “không” với những điều mà người khác không thể chống lại và có thể làm những điều mà người khác e dè.
Bạn thấy đấy, kiểm tra phản ứng của bạn thực sự là một phẩm chất cần có của những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ. Hành động như vậy rồi bạn sẽ nhận ra điều khiến bạn hạnh phúc hay đau khổ không phải sự việc đó mà là những phản ứng của bạn với sự việc đó. Nếu bạn lựa chọn không phản ứng lại những chuyện nhỏ nhặt, bạn đơn giản là không còn quan tâm đến nó. Như thể không có chuyện gì xảy ra.
Nếu chúng ta chỉ cần chờ một chút cho những phản ứng ban đầu lắng xuống, chúng ta có thể chống lại thôi thúc phản ứng theo bản năng ngay tại thời điểm đó. Những phản ứng bốc đồng chẳng giải quyết điều gì cả.
Hãy tránh xa những phản ứng cảm xúc thiếu suy nghĩ. Và sau đó xem xét liệu ta có thể làm gì để giải quyết vấn đề đó hay không. Đừng lo lắng về những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta – vì chúng ta không thể làm gì với điều đó cả.
Chỉ có phản ứng của chúng ta là trong tầm kiểm soát của chúng ta. Vì vậy, hãy lựa chọn phản ứng đúng đắn nhất (hoặc lựa chọn không phản ứng) và tiếp tục cuộc sống của mình. Dưới đây là cách Epictetus đối phó với những phản ứng dễ chịu:
“Bất cứ khi nào ngươi có ấn tượng về một thú vui nào đó, bất kể ấn tượng đó là gì, hãy đề phòng bản thân không bị cuốn theo nó, hãy lùi lại và lựa chọn hành động trước khi phản ứng. Sau đó hãy so sánh hai trường hợp. Đầu tiên là cảm giác sung sướng khi được thả mình vào thú vui rồi sau đó lại thấy hối hận và ghét bỏ bản thân. Thứ hai là cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn khi ngươi có thể kiềm chế thói ham vui của mình.”
Điều quan trọng cần nhớ: Trước khi bạn phản ứng, hãy nói: “Chờ chút, đừng vội phản ứng, cần kiểm tra phản ứng này đã.”