Bài thực hành 16: Sống Tối giản – Sống Đơn giản
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "THE DAILY STOIC" TIẾNG VIỆT BẢN MỚI 2022
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ - TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỂ GẶT HÁI SỨC BẬT TINH THẦN, TỰ TIN VÀ ĐIỀM TĨNH"
“Thật điên rồ và mất trí khi ham muốn quá nhiều trong khi chỉ có thể nắm giữ rất ít hay sao?”
– SENECA
Quần áo để làm gì? Musonius Rufus khuyên chúng ta nên ăn mặc để bảo vệ cơ thể, không phải để gây ấn tượng với người khác. Tìm kiếm những thứ cần thiết, không phải những thứ xa hoa. Điều này cũng đúng đối với nhà ở và đồ đạc của chúng ta. Chúng phải thiết thực và giúp ta chống chọi cái nóng cái lạnh, che chắn cái nắng cái gió cho ta.
Tương tự như vậy, Seneca nói rằng không có gì khác biệt giữa ngôi nhà được xây bằng than bùn hay lát bằng đá cẩm thạch nhập khẩu: “Điều ngươi cần hiểu là mái nhà rơm đó cũng có cùng chức năng như mái nhà dát vàng mà thôi.”
Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ ủng hộ một lối sống đơn giản – một lối sống phù hợp với nhu cầu của chúng ta. Và chúng ta nên ghi nhớ rằng mọi sự là vô thưởng vô phạt. Điều quan trọng là chúng ta giải thích chúng như thế nào. Có điều, chúng ta không nên bám chấp vào những gì có thể bị lấy đi. Như Marcus nhắc nhở chúng ta, “Hãy đón nhận mà không kiêu ngạo, hãy cho đi mà không ràng buộc.”
Chúng ta không nên tích trữ nhiều thứ. Phần lớn là vô ích và thừa thãi. Những đồ đó rất rẻ hoặc là đồ được người khác cho, vì thế nên ta cho rằng chúng miễn phí, nhưng chúng có cái giá nhất định. Sự góp nhặt có chi phí ngầm, Seneca đã chứng minh điều đó. Nhiều hơn không đồng nghĩa với tốt hơn. Miễn phí không có nghĩa là không có chi phí.
Và một khi chúng ta trải nghiệm sự sang chảnh, chúng ta sẽ còn khao khát hơn thế nữa. Có trong tay nhiều thứ không khiến chúng ta hài lòng và chúng ta sẽ ngày càng muốn nhiều thứ hơn để làm dịu cơn thèm khát của mình. Tuy nhiên, như Epictetus nhận xét, “Tự do không đến từ việc thỏa mãn ham muốn, mà đến từ việc loại bớt ham muốn.”
Sự giàu có thực sự nằm ở chỗ muốn ít hơn. “Không ai có quyền đạt được mọi thứ họ mong muốn,” Seneca nói, “nhưng họ có quyền không muốn những gì họ không có và vui vẻ tận hưởng những gì đang có”. Mục tiêu của chúng ta nên là “tìm kiếm sự đủ đầy, không phải từ bên ngoài, mà từ bên trong chúng ta.”
Hãy nhớ rằng việc sống theo các giá trị như tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng và tự chủ – có ý nghĩa hơn sự giàu sang hay thành công. Chúng ta đừng bao giờ thỏa hiệp với phẩm chất của mình để trở nên giàu có. Trở thành một người có đức hạnh là điều quan trọng nhất. Và đó là tất cả những gì cần thiết để sống một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.
Nhưng nếu bạn giàu có thì sao? Giống như Seneca và Marcus Aurelius? Trước hết, sự giàu có phải đến một cách đứng đắn và được tiêu xài một cách đứng đắn, Seneca nói, và bổ sung: “Người thông thái không cho rằng mình không xứng đáng với món quà của Vận mệnh: anh ta không thèm khát của cải nhưng anh ta thà giữ nó trong tay; anh ta không giữ cho riêng mình mà san sẻ với gia đình, anh ta không chối bỏ mà giữ của cải với mong muốn nó cho anh cơ hội để thực hành giá trị đạo đức của mình.”
Sự giàu có thường là một phần thưởng đi kèm nếu chúng ta hành động có đức hạnh và thể hiện phiên bản tốt nhất của mình. Và nếu đã hiểu bản chất, thì chúng ta nên chấp nhận nó mà không kiêu căng nhưng cũng không bám chấp vào nó. Thật tốt khi có của cải và bạn có thể tận hưởng nó, nhưng bạn phải chuẩn bị tinh thần để buông bỏ nó.
Dù bạn có giàu sang hay không cũng không tạo ra sự khác biệt. Seneca nói thêm, “Ảnh hưởng của sự giàu có đối với người khôn ngoan giống như một cơn gió đi cùng hướng với thủy thủ trên hành trình của mình”.
Trọng tâm là việc bạn có thể tận hưởng việc sở hữu một cái gì đó và đồng thời không để tâm đến nó. Vì vậy, hãy đón nhận ngọn gió cùng hướng đó, nhưng hãy thờ ơ hoặc thậm chí thấy hạnh phúc nếu bạn không có được nó. Cuối cùng thì, thực tế vẫn vậy – là gió hay bão thì thủy thủ vẫn phải đi đúng hành trình.
Tác giả William Irvine nói: “Triết học Khắc kỷ kêu gọi sống giản dị, nhưng không phải sống khắc khổ. Nó không yêu cầu từ bỏ sự giàu có. Tuy nhiên, nó yêu cầu phải tận hưởng sự giàu có một cách cẩn thận và ghi nhớ rằng nó chỉ được vay mượn từ tự nhiên và có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào.”
(Lưu ý thêm: Các nhà triết học Khắc kỷ không có cùng quan điểm về vấn đề này: Musonius Rufus và Epictetus nghĩ rằng phải hoàn toàn tránh xa cuộc sống xa hoa vì nó làm chúng ta trở nên hư hỏng, trong khi Seneca và Marcus Aurelius nghĩ rằng việc sống trong cung điện không gây ảnh hưởng gì.)