ĐỪNG BỊ PHÂN TÂM BỞI MẶT TỐI CỦA NGƯỜI KHÁC

ĐỪNG BỊ PHÂN TÂM BỞI MẶT TỐI CỦA NGƯỜI KHÁC

 

Các bạn có thể áp dụng những kinh nghiệm trường phái Khắc Kỷ Stoicism của hoàng đế Marcus Aurelius vào cuộc sống hằng ngày để có một tâm lý nhẹ nhàng hơn cũng như công việc đạt hiệu quả cao hơn. Những lời dạy này tuy đã có từ hàng nghìn năm trước, nhưng sống mãi với thời gian và trở nên đặc biệt cần thiết cho con người hiện đại ngày nay để đương đầu với stress mà vẫn giữ được đức hạnh. Mặc dù các giáo lý của trường phái Khắc Kỷ (Stoicism) hướng đến sự yên tĩnh, mục tiêu cuối cùng là sống có đạo đức và phù hợp với bản chất tự nhiên của càn khôn. Vì vậy, sự thành công của một người Stoic là sống một cuộc đời đức hạnh. Nhưng bất kể chúng ta theo đuổi điều gì, các giáo huấn của hoàng đế Marcus Aurelius chứa đựng nhiều lời dạy dựa trên logic và lý lẽ để giúp chúng ta cải thiện tư duy và thành công. Dưới đây là năm bài tiêu biểu:

(1) Hãy tạo ra những người thầy.

Marcus Aurelius đã học từ nhiều người xung quanh ông. Rất cảm hứng khi đọc về cách ông rút ra những khía cạnh tích cực của mọi người và coi đây là những bài học để kết hợp trong cuộc sống của chính mình. Ví dụ: Từ người mẹ, ông học được sự hào phóng; từ ông cố của mình, ông học cách tránh các trường công lập và thuê giáo viên tư thục giỏi giang; từ Diognetus, ông học cách không lãng phí thời gian vào những thứ vô nghĩa, và từ Maximus, ông học được cách tự chủ. Marcus mô tả nhiều người khác nhau là giáo viên của mình; từ những người thân trong gia đình đến các vị thần. Vì vậy, đối với ông, người thầy không nhất thiết phải là “giáo viên”, họ có thể là bất cứ ai.

Thay vì tìm lỗi, ông tập trung vào những khía cạnh tốt của những người mà ông có thể kết hợp vào cuộc sống của chính mình. Việc này có thể truyền cảm hứng cho chúng ta làm điều tương tự: hãy nhìn tốt về con người trong môi trường xung quanh, và thay vì chằm chằm phán xét sai sót của họ, chúng ta có thể ngưỡng mộ vì những đặc điểm tốt mà họ sở hữu. Chúng ta cũng có thể nhìn vào các triết gia, một số người nổi tiếng và cả các nhân vật tôn giáo để xem họ có thể dạy bảo điều gì. Ngoài ra, những người mà chúng ta coi là “xấu xa, độc hại” thường có những phẩm chất đáng ngưỡng mộ mà chúng ta có thể muốn khai thác cho bản thân. Bằng cách này, chúng ta tạo ra các giáo viên từ những người xung quanh, thay vì tạo thêm các đối thủ, kẻ thù và nhân vật phản diện. Bằng cách làm việc cùng nhau và mang lại lợi ích cho nhau, chúng ta có khả năng trở nên thành công hơn so với cách ngược lại. Bốn giáo lý tiếp theo dựa trên chương thứ tư của sách “Suy Tưởng” của Marcus Aurelius.

(2) Ngừng quan tâm đến người khác.

Điều này có vẻ hơi mâu thuẫn với giảng dạy trước đây, nhưng khi nói đến người khác, Marcus chỉ ra tầm quan trọng của việc không quan tâm.

“Sự yên tĩnh sẽ đến khi bạn ngừng quan tâm những gì họ nói, suy nghĩ, hoặc làm. Chỉ quan tâm đến những gì bạn làm. Không để bị phân tâm bởi mặt tối của họ. Để chạy thẳng đến vạch đích, không nao núng”
Quá thường xuyên, chúng ta thấy mọi người kìm hãm nhau lại. Chẳng hạn khi bạn bắt đầu làm gì đó mới mẻ, nhiều người hoài nghi và nghĩ rằng sẽ tốt hơn (và an toàn hơn) nếu bạn tập trung vào công việc thường nhật của mình. Theo một cách nào đó, họ đã đúng, nhưng vấn đề là: họ nói theo quan điểm của họ và có thể hoàn toàn khác với góc nhìn của bạn.

Điều này không có nghĩa là không nên xin lời khuyên từ người khác , nhưng cuối cùng, người biết điều gì tốt nhất cho bạn chính là bạn. Những người hoài nghi không có tầm nhìn và kiến thức của bạn, vì vậy họ không thể thể hình dung ra ý tưởng của bạn đâu. Mặc dù bạn tôn trọng ý kiến của họ, bạn không nên cho phép những người này ngăn bạn tiếp tục kế hoạch của mình.

Một phần trong những người hoài nghi có ý định tốt và cũng có những kẻ cố tình phá hoại chúng ta. Khi gặp trường hợp này, lời khuyên của Marcus Aurelius là hữu dụng nhất: đừng bị phân tâm bởi mặt tối của họ.
Nhiều người ghen tị. Nhiều người vui mừng khi thấy người khác thất bại. Điều này liên quan nhiều hơn đến sự bất an và thiếu sót của họ hơn là của chúng ta. Chủ nghĩa Khắc Kỷ có thể giúp chúng ta ít quan tâm đến những gì mọi người nghĩ, vì vậy chúng ta có thể chạy thẳng về đích, không hề nao núng, như lời của Marcus Aurelius.

(3) Làm những gì cần thiết.

Một giáo lý khác của Marcus Aurelius có thể được coi là một hình thức của chủ nghĩa tối giản. Nhiều người, bao gồm cả tôi, đã rơi vào cái bẫy làm nhiều việc không liên quan, gây lãng phí rất nhiều thời gian và sức lực. Khi không có tầm nhìn rõ ràng về những gì phải làm để đạt được mục tiêu, chúng ta trở nên vô mục đích. Hậu quả là chúng ta trở nên căng thẳng, hoặc thậm chí kiệt sức. Đó là lý do tại sao việc theo sát các yếu tố cần thiết rất quan trọng.

“Nếu bạn tìm kiếm sự yên tĩnh, hãy làm ít hơn. Hoặc (chính xác hơn) làm những gì cần thiết theo cách cần thiết, các thứ mà bản chất tự nhiên (logos) của một xã hội yêu cầu. Điều này mang lại sự hài lòng gấp đôi: làm ít hơn, tốt hơn. Bởi vì hầu hết những gì chúng ta nói và làm là không cần thiết. Nếu bạn có thể loại bỏ bớt, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn và yên tĩnh hơn. Hãy tự hỏi mình mọi lúc, ” điều này có cần thiết không ?” Nhưng chúng ta cũng cần loại bỏ những giả định không cần thiết, để lược ra các hành động thừa thãi theo sau”

Tùy thuộc vào những gì chúng ta muốn, làm điều thiết yếu không bao giờ làm chúng ta thất bại. Nếu muốn yên tĩnh hơn trong cuộc sống: hãy làm những gì cần thiết. Nếu chúng ta muốn kinh doanh : hãy làm những gì cần thiết, và loại bỏ mọi thứ không liên quan. Đối với tôi, tôi viết ra các nhiệm vụ cho ngày hôm nay vào đêm hôm trước. Những nhiệm vụ này có thể là viết kịch bản, mua sắm đồ tạp hóa hoặc bất kỳ hoạt động nào khác ngoài việc nằm ườn trên sofa. Điều này cho tôi sự tập trung; ngay cả trước khi tôi đi ngủ. Đặt mục tiêu rõ ràng về những gì tôi cần làm vào ngày hôm sau giúp tôi ngủ ngon hơn. Nó cũng bảo vệ tôi khỏi phải làm những thứ không cần thiết, bởi vì nhiệm vụ của tôi đã được xác định rất rõ ràng.

(4) Thay đổi nhận thức của bạn.

Khó khăn là một phần của cuộc sống. Khi chúng ta cố đạt được điều gì đó, hãy mong đợi sự kháng cự. Marcus Aurelius đã trải qua nhiều thất bại trong thời gian trị vì xứ La Mã: bệnh dịch, sự phản bội … vợ ông Faustina đã cắm sừng ông, qua lại với Cassius, thống đốc Syria, khi Marcus bị bệnh. Nhưng với tư cách là nhà Stoic, Marcus Aurelius vẫn đứng vững, chấp nhận những sự kiện này như một phần của tự nhiên và, do đó, vượt quá tầm kiểm soát của ông. Việc chúng ta có bị tổn hại bởi khó khăn, không tùy thuộc vào chính vận xui đó, mà vào cách chúng ta nhìn vào nó. Vì vậy, nó là một vấn đề về nhận thức.

“Cảm thấy không bị tổn hại và bạn sẽ thấy mình không bị tổn hại. Đừng cảm thấy bị tổn thương, và bạn có bị tổn thương đâu”

Lời khuyên của Marcus, nghe có vẻ hơi đơn giản, nhưng nó thực sự là nền tảng của một phương pháp phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong tâm lý học, được gọi là “liệu pháp hành vi nhận thức – cognitive behavioral therapy”. Liệu pháp này dựa trên ý tưởng rằng cảm xúc bắt nguồn từ suy nghĩ. Vì vậy, gốc rễ của cảm xúc không phải từ một sự kiện, mà từ suy nghĩ của chúng ta về sự kiện đó. Nếu phát triển tính trung lập đối với điều mà chúng ta không mong muốn thay vì có ác cảm, chúng ta sẽ không cảm thấy bị tổn thương khi phải chịu đựng điều đó. Và nếu chúng ta không cảm thấy bị tổn thương, thì chúng ta sẽ thấy mình không bị tổn thương. Biết được điều này sẽ làm cho chúng ta kiên cường hơn trên con đường thành công, bởi vì chúng ta dễ dàng chấp nhận những thất bại hơn và tiếp tục bất chấp chúng hơn.

(5) Theo đường lối của tự nhiên.

Bài giảng cuối cùng hơi giống với bài thứ ba nhưng về cơ bản là khác nhau. Lời dạy thứ ba là “làm những gì cần thiết”, có nghĩa chúng ta chỉ làm những việc cần thiết. Theo cách của tự nhiên, có nghĩa là đi theo con đường ngắn nhất và dễ nhất. Ý tưởng này cũng phổ biến trong Đạo giáo (Taoism); một triết lý phương Đông coi trọng con đường ít kháng cự nhất VD như đừng bơi ngược dòng sông. Vì vậy, làm thế nào để làm theo cách tự nhiên?

“Đi theo con đường ngắn nhất, con đường mà thiên nhiên đã lên kế hoạch – để nói và hành động theo cách lành mạnh nhất. Làm điều đó, và thoát khỏi đau đớn và căng thẳng, thoát khỏi sự tính toán và giả vờ”

Tôi thừa nhận lời khuyên của Marcus hơi mơ hồ. Mặc dù, xem xét mục tiêu cuối cùng của Stoic, ông hướng đến việc sống có đạo đức, do đó, phù hợp với các đức hạnh của Stoic. Tuy nhiên, trong quyển sách “Thiền Định” thứ hai, ông nói rằng hãy xem xét bản chất của thế giới, bản chất của chính chúng ta và cách chúng ta liên quan đến thế giới. Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi:

Điểm mạnh của tôi là gì? Điểm yếu của tôi là gì? Những hoạt động phù hợp nhất với tôi? Bằng cách nào tôi có thể đóng góp cho thế giới, phù hợp với bản chất của tôi? Tôi có thực hiện tốt hơn khi đơn thương độc mã? Hay tôi làm việc tốt hơn với một nhóm ? vv…

Bằng cách tôn trọng bản chất của chính chúng ta, tôn trọng chính bản thân mình với tư cách là con người và cá nhân, chúng ta có thể khám phá con đường ngắn nhất và dễ nhất dẫn đến thành công. Không có bộ tiêu chí cố định nào để xác định việc theo đúng bản chất, chúng ta phải tự tìm ra những gì phù hợp cho chính mình.
Có một khía cạnh ý thức hệ và đạo đức cho vấn đề này. Từ quan điểm khắc kỷ, thành công của chúng ta phải là một đóng góp cho nhân loại. Một người có thể là một kẻ buôn ma túy thành công trót lọt, nhưng từ quan điểm đạo đức, thành công của người này là một bi kịch đối với nhân tính. Ngoài ra, đó còn là bi kịch với chính bản thân người này vì “cái nghề” này gắn liền với sự căng thẳng, tính toán, giả vờ và nguy cơ bạo lực nhân danh lòng tham. Là một người Stoic, rất cần thiết để xem xét liệu thành công cá nhân có mang lại lợi ích gì cho thế giới. Nếu nó gây hại cho đời, thì đó chẳng phải thành công. Như Marcus tuyên bố:

“Thành phố và tiểu bang của tôi là Rome – cũng như Antoninus. Nhưng với một con người? Thế giới. Vì vậy, đối với tôi, “tôt đẹp” chỉ có nghĩa là những gì tốt đẹp cho cả hai cộng đồng”

 

Nguồn : https://www.facebook.com/invisiblepartner/posts/138424917787623

Xem thêm :

ĐÁNH GIÁ VỀ CÁC QUYỂN SÁCH CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ STOICISM

BỐN ĐỨC HẠNH CỦA STOICISM

NGUYỄN DUY CẦN, HỌC GIẢ ĐẬM CHẤT STOIC

CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ STOICISM LÀ GÌ
_________________________________
🌞Bài giảng rất hay về Stocism, nói về lịch sử hình thành của chủ nghĩa Khắc Kỷ và cuộc đời Marcus Aurelius.

🌞Giới thiệu Stoicism :

🌞Sách Stoicism tiếng Việt (cập nhập mỗi đầu tháng)

🌞Bốn đức hạnh của Stoic

🌞Sách “Suy Tưởng” bản gọn nhẹ :

Nguồn : Einzelgänger