đánh giá sách chủ nghĩa khắc kỷ

ĐÁNH GIÁ VỀ CÁC QUYỂN SÁCH CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ STOICISM

REVIEW, ĐÁNH GIÁ VỀ CÁC QUYỂN SÁCH CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ STOICISM
đang có mặt trên thị trường Việt Nam và quốc tế hiện nay. Nếu thấy bài này hữu ích, hãy share rộng ra để người khác được tiếp cận thông tin. Cám ơn các bạn !

(1) VẤN ĐỀ VỚI CÁC DÒNG SÁCH STOIC

Theo tôi, việc mua và đọc phải một cuốn sách có giá trị thấp sẽ có hại: nó làm bạn mất thời gian, tiền bạc và tệ hơn là tư tưởng và cảm nhận của bạn bị cuốn sách đó làm sai lệch. Ngày nay, do chạy theo thị hiếu đám đông (vốn thích đọc những gì dễ chịu, dễ nuốt, lọt tai) và tối ưu hóa lợi nhuận nên một số sách Stoic lưu hành trên thị trường đã bị cắt đầu gọt đuôi. Do đó, giá trị nguyên bản của Stoicism bị ảnh hưởng ít nhiều. Đừng quên ví dụ về vụ Kiên Trần lừa phỉnh độc giả về cuốn IELTS handbook cách đây không lâu, bạn nghĩ cái gì được xuất bản và bán ra thị trường qua hệ thống nhà sách là chuẩn mực và được kiểm nghiệm kĩ ? Không có đâu ! Lợi nhuận là trên hết ! Có gì xảy ra thì họ văn vở vài câu rồi cười trừ mà thôi.

Tôi đã tiếp cận với Stoic từ đầu năm 2017 và đã đọc qua các sách Stoicism loại một, loại hai, loại ba (nói rõ hơn bên dưới) và nay tôi xin chia sẻ lại chút kinh nghiệm ít ỏi.

(2) CHỌN NGUỒN REVIEW NHƯ THẾ NÀO ?

Thứ nhất, các bạn phải chọn cho mình một người đánh giá có kinh nghiệm. Đây không phải là một người hót hay như chim khứu, một reviewer dạo, về cái gì cũng có thể chém gió tung nóc nhưng không có chiều sâu… Không khó để tìm thấy những người này trên Youtube và các cộng đồng về sách. Họ có thể là những người lần đầu tiên cầm quyền sách về Stoicism sau một thời gian dài đọc sách rác (  ), họ đọc qua vài dòng lọt tai rồi thích thú làm cái review tự nguyện hoặc do nhà xuất bản hoặc tác giả yêu cầu/trả phí, những người như này hoàn toàn không đáng tin cậy. Họ thiếu trải nghiệm và có thể bị lợi ích thao túng.

Thứ hai, không nên tin vào những người liên quan trực tiếp đến nhà xuất bản hoặc tác giả. Cái này là lẽ thường thôi. Có bao giờ bạn hỏi thẳng người bán thịt lợn lạ hoắc nào đó rằng thịt này có tươi, nấu lên có ngon hay không ? hay bạn sẽ đi hỏi một bà nội trợ có kinh nghiệm, ngụ tại địa phương ? Người nào đáng tin hơn ?

Ngoài ra, các bạn nên đọc thêm qua bài “bí kíp lùa gà” để tìm hiểu xem những kẻ “ngụy trí thức” sẽ dùng những chiêu trò gì để thao túng quyết định chi tiền của bạn : 

Vậy thì bạn nên tin những ai ? đó là những người có kinh nghiệm lâu năm về Stoicism, là những người đứng đầu các cộng đồng Stoicism uy tín và không tham vào việc viết sách/ dịch sách để bán vì lợi nhuận. Từ những người này, bạn sẽ tìm được những lời khuyên sâu sắc hơn và khách quan hơn.

(3) PHÂN LOẠI SÁCH STOIC

Tôi xin mượn trích đoạn của cụ “Thu Giang” Nguyễn Duy Cần để làm nền cho sự phân tích.

“Đọc sách hay cần đọc ngay nguyên văn. Nếu không đọc được nguyên văn, thì phải tạm đọc sách dịch. Như thế thì sự hiểu biết của ta cũng kể là hiểu biết tạm thời thôi. Văn dịch chỉ đưa đến cho ta một phương diện về tư tưởng của tác giả thôi, bởi người dịch cũng chỉ dịch theo sự hiểu biết tạm thời của họ. Câu nguyên văn, ta có thể ví như mặt biển rộng thênh thang, còn câu văn dịch không khác chi là mặt nước ao tù. Văn dịch, nếu dịch đúng, chỉ đem lại cho ta một phần nào cái ý vị của nguyên văn thôi. Bởi vậy, nếu muốn đọc sách cho đứng đắn, cần phải đọc chính văn. Đọc một trăm quyển sách khảo cứu về Vương Dương Minh, Lão Tử, hay Trang Tử không bằng đọc ngay Vương Dương Minh, Lão Tử hay Trang Tử. Vì vậy, học được nhiều ngoại ngữ chừng nào càng tốt đối với người muốn tạo cho mình một cơ sở học vấn rộng rãi và sâu sắc.

Có kẻ tưởng cần kiếm những sách nghiên cứu về Lão Tử, Trang Tử hay Vương Dương Minh để dễ thấy đại lược tư tưởng của các ông ấy hơn là phải đọc ngay các ông ấy, khó khăn hơn. Tính như thế thật sai lầm. Đọc sách nghiên cứu trước khi đọc một tác giả nào, có cái lợi là khỏi cần mất nhiều thời giờ để hiểu tác giả ấy trong khi đã có người làm trước cho ta công việc đó. Nhưng ta sẽ bị cái hại này là ta chỉ hiểu biết tác giả qua sự hiểu biết và nhận xét của nhà nghiên cứu thôi, chứ khó lòng biết được cái chân diện mục của tác giả. Muốn biết Lão Tử mà đọc cuốn Lão Tử của Ngô Tất Tố thì ta chỉ biết được Lão Tử theo Ngô Tất Tố chứ chắc chắn không làm gì hiểu được Lão Tử. Nhưng thực ra, cũng không biết ta phải hiểu cách nào mới thật là hiểu đúng theo như Lão Tử đã hiểu, là vì “không có một danh từ nào mà có một nghĩa đối với hai người” (aucun mot n’a le même sens pour deux hommes). Mỗi độc giả đối với Lão Tử có một cách nhận xét và phản ứng riêng, vì vậy, như ta đã biết, không biết bao nhiêu là bản dịch Đạo Đức kinh hoàn toàn khác nhau và những nhà chú giải Lão Tử cũng không sao kể xiết” – Nguyễn Duy Cần

Từ đây tôi sẽ chia các loại sách Stoics ra làm ba loại:

LOẠI NHẤT : là các sách Stoic tiếng Anh, dịch từ cổ ngữ đương thời của các nhà sáng lập Stoicism . Đây là dòng sách bạn nên đọc nhất vì nó bảo toàn được ý nghĩa gốc của các nhà sáng lập Stoicism. Nhược điểm là các sách này không được viết bằng tiếng Việt và khi đọc bạn phải căng não mới hiểu hết được hết được ý nghĩa rất sâu xa của nó. Sách loại nhất được viết rất thẳng thắn và ngắn gọn và xúc tích đến nỗi từ một ý nhỏ trong sách loại một, các tác giả viết sách loại hai có thể chém gió thành mấy trang dài dòng lê thê văn tự.

LOẠI HAI :

– Là sách được các tác giả đời sau viết dựa theo sách loại một. Các sách loại này có thể dễ hiểu hơn do tác giả có không gian để diễn giải và văn phong của họ có thể hợp với đại chúng hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến sách loại hai mang hơi hướng cá nhân của tác giả và nếu bạn quyết định chọn sách loại này thì phải kiểm tra xem tác giả là người như thế nào nữa. Qua quá trình đọc, tôi đã nhận ra một vài tác giả vô tình hay cố ý mà cắt chỗ này ghép vào chỗ kia, tổ lái ý nghĩa của Stoicism sang một lối sống bàng quan với xã hội, chạy trốn thực tại, khác hẳn với tinh thần gốc của các sách loại một. Đọc hết quyển vẫn chưa thấy chỗ nào giải thích đúng đắn về bốn Đức Hạnh của Stoicism.

– Là sách loại một được chuyển ngữ sang tiếng Việt từ sách loại một: Cái này rất hên xui vì tôi nói thẳng là tiếng Việt Nam KHÔNG ĐỦ TRÌNH thỏa mãn việc truyền tải 100% ý nghĩa từ tiếng Anh trong khi vẫn bảo đảm một văn phong ngắn gọn dễ hiểu. Kết hợp với xu hướng chạy theo đám đông và tối ưu hóa lợi nhuận mà tôi đã nói ở trên, thì nguy cơ các lý tưởng Stoicism bị cắt đầu bỏ đuôi là hoàn toàn khả thi, cao nữa là khác !

LOẠI BA : là sách được chuyển ngữ sang tiếng Việt từ các sách loại hai. Đây là dòng sách bạn nên né nhất. Lý tưởng Stoicism đã bị tác giả bản tiếng Anh ảnh hưởng lần một, và dịch giả trong quá trình chuyển ngữ tiếng Việt ảnh hưởng lần hai, cộng với sự thua thiệt của tiếng Việt trong việc truyền tải ý nghĩa và xu hướng cắt đầu bỏ đuôi để chạy theo thị hiếu đám đông, nâng cao lợi nhuận… thì sau tất cả, còn lại gì đây ?

(4) ĐÁNH GIÁ CỦA TÔI VỀ VÀI LOẠI SÁCH STOIC CÓ TRÊN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM VÀ QUỐC TẾ.

Các bạn nào quan tâm thì vào  để tải bản preview của sách. Nếu ưng, hãy mua sách giấy ủng hộ tác giả nhé. Việc cầm cuốn sách thật trên tay lật qua lật lại, ghi chú, highlight… cảm giác sẽ thích thú hơn.

Review, đánh giá sách “Enchiridion” và “Discourses” của Epictetus ; “Meditations” của Marcus Aurelius và “Seneca: Letters from a Stoic” : Đây là sách loại một mà nếu có điều kiện, bạn rất nên đọc qua để trải nghiệm ý nghĩa gốc của Stoicism.
Đánh giá : 10/10

Review, đánh giá sách “Suy Tưởng” : đây là bản dịch sang tiếng Việt Nam từ cuốn “Meditations” của Marcus Aurelius. Cuốn này là sách loại hai, nhưng chuyển ngữ khá tệ. Phải hiểu rằng Marcus Aurelius xem “Meditations” như một quyển sách nháp để ông vắn tắt ghi lại những châm ngôn đạo đức cho riêng mình. Ông có ước nguyện rằng nó sẽ được đốt đi khi ông qua đời, nhưng những người thời đó quyết định lưu lại cho hậu thế. Marcus Aurelius chưa bao giờ định xuất bản cuốn “Meditations”, nên văn phong của ông ngắn gọn, có chỗ cụt lủn, không thành câu hoàn chỉnh, viết vắn tắt, ghi chú khá khó hiểu. Khi dịch sang tiếng Việt cuốn này bị ảnh hưởng bởi style word-by-word nên nhiều chỗ khó hiểu vô cùng. Tôi mua cuốn này đọc thử, dù trước đó đã đọc qua cuốn “Meditations” bản tiếng Anh và phải bỏ nó xuống sau khi đọc xong 20 trang. Tôi cũng chẳng dám cho lại ai vì sợ người được cho sách hiểu sai về Stoicism. Sau đó, tôi quyết định việt hóa một video tóm tắt lại đầy đủ các ý chính về quyển “Meditations” ( ). Tuy nhiên lúc đầu hơi gà mờ về cách làm phụ đề cho video nên câu cú bị ngắt hơi chưng hửng. Tôi sẽ trích phụ đề ra và làm thành dạng bài text hoàn chỉnh rồi đăng lên sau. Sách này tôi không thấy có ưu điểm nào. Đây là đánh giá của các thành viên nhóm tôi về sách này.
Đánh giá : 3/10 – big red flag !

Review, đánh giá sách “Chủ Nghĩa Khắc Kỷ”: sách được dịch sang tiếng Việt từ bản gốc “A Guide to the Good Life: The Ancient Art of Stoic Joy” của William B. Irvine. Sách này thuộc sách loại ba mà bạn nên né tránh, như các lý do tôi nêu ở trên mục (3). Cuốn này viết khá dông dài, văn tự ở phần giới thiệu của tác giả. Cuốn này giống một quyển tự truyện của tác giả Irvine hơn, và hợp cho bạn nào thích nghiên cứu lịch sử. Các ý chính nói về Stoicism cũng được viết khá lê thê văn tự, cần hơn 300 trang để dẫn nhập rồi nói về các ý này thì hơi quá. Bạn có thể tìm hiểu thêm các đánh giá của độc giả nước ngoài tại :. Ưu điểm của sách : nó là một trong những sách tiếng Việt hiếm hoi trong làng sách Stoic, hạ giá xuống khoảng 50k-70k là hợp với giá trị thật.

“Thế nào là một quyển sách hay? Làm cách nào để nhìn ra nó và tìm ra nó? Sách hay, đây là nói về sách học trước hết. Tùy theo loại, mỗi loại đều có cái hay của nó và cách lựa chọn cùng việc đánh giá cũng khác nhau xa. Bắt đầu bằng cách loại trừ. Loại trừ đầu tiên những thứ sách học mà dài nhăng nhẳng, to lớn nặng nề. Một người đọc sách, nhất là đọc sách để học, ngày giờ của họ dĩ nhiên có hạn, sự chăm chú, năng lực tinh thần cũng như trí nhớ cũng có hạn. Bởi vậy, một quyển sách học mà dài lê thê bất tận không thể thích nghi được. ” – Nguyễn Duy Cần

Đánh giá : 5/10

Review, đánh giá sách “The Daily Stoic”: Đây là cuốn sách loại hai (bản tiếng Anh) khá nổi tiếng trong làng sách Stoic vì nó được thiết kế để độc giả đọc hàng ngày, tạo thành một thói quen. Ngoài kiểu form sách truyền thống, The Daily Stoic còn một phiên bản khác được thiết kế theo dạng lịch giấy 365 tờ, độc giả đọc xong ngày nào xé bỏ tờ đó. Sách này đã được cộng đồng “Stoicism For Redpiller” dịch gần hết và chia sẻ miễn phí, nhưng việc biên tập và phát hành bản chính thức được ngắt ra theo từng tháng. Bản dịch của sách được chia làm 12 phần tương ứng với 12 tháng trong năm để tiện in ấn và tăng tính lưu động. Mỗi tháng mang một chủ đề riêng và các trích dẫn Stoic hàng ngày sẽ xoay quanh chủ đề đó. Các trích dẫn gốc đều được diễn giải thêm một cách dễ hiểu bằng các ví dụ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Việc chuyển ngữ cuốn The Daily Stoic sang tiếng Việt khiến nó rớt xuống loại ba. Nhóm chúng tôi ý thức được điều này nên đã làm thêm một bài viết khác nói về bốn Đức Hạnh gốc của Stoics  và tóm tắt bài giảng của Michael Surge, một giáo sư đầu ngành về triết họcđể độc giả có kim chỉ nam mà bám vào.
Đánh giá: của nhà tự trồng, thôi nhường các độc giá đánh giá.

Review, đánh giá sách “Nghệ Thuật Sống – Epictetus” : Đây là sách loại hai, chắt lọc và diễn giải bằng tiếng Việt trực tiếp từ văn gốc của Epictetus như cuốn “Discourses” và tham khảo một phần của cuốn “Enchiridion”. Tôi có lời khen cho sách này, dịch khá sát, dịch thoát và văn xúc tích, ngắn gọn. Sách chỉ độ 120 trang nhưng bao hàm rất nhiều triết lý hay của Epictetus. Nhược điểm khách quan là do bản chât của tiếng Việt như tôi đã trình bày ở mục (3)
Đánh giá : 7/10

Hi vọng các bạn tìm được giá trị trong bài chia sẻ của tôi, đồng thời tôi mong các nhóm dịch sách cải thiện tình hình và góp phần mang Stoicism đến cộng đồng Việt Nam một cách công tâm và vô vị lợi nhất. Xin cảm ơn.

Nguồn :

Xem thêm :

CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ STOICISM LÀ GÌ. BÀI GIẢNG CỦA GIÁO SƯ MICHAEL SUGRUE

ĐÁNH GIÁ VỀ CÁC QUYỂN SÁCH CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ STOICISM

BỐN ĐỨC HẠNH CỦA STOICISM

NGUYỄN DUY CẦN, HỌC GIẢ ĐẬM CHẤT STOIC

DOWNLOAD SÁCH “SUY TƯỞNG” BẢN RÚT GỌN

MENU TẤT CẢ BÀI VIẾT CỦA TRANG NGƯỜI BẠN VÔ HÌNH (FACEBOOK)