Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết

Nội dung bài viết

The Daily Stoic Tiếng Việt
Download sách này tại website: Keodau.net/sach

SÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 12


Ngày 1 tháng 12: GIẢ DỤ RẰNG HÔM NAY LÀ NGÀY CUỐI CÙNG

“Hãy để tâm trí của chúng ta được chuẩn bị như thể chúng ta đã đến những ngày cuối của cuộc đời. Đừng để bản thân trì hoãn bất kì điều gì. Hãy cân bằng lại những khoản nợ của cuộc sống mỗi ngày…Người nào chịu khó chuẩn bị cho đoạn kết của đời mình mỗi ngày sẽ chẳng bao giờ thiếu thời gian.”
– SENECA, MORAL LETTERS, 101.7b-8a

“Hãy sống như thể mỗi ngày luôn là ngày cuối cùng của bạn” là câu khẩu hiệu sáo rỗng. Nhiều kẻ nói câu đó nhưng chẳng mấy kẻ làm theo lời đó. Vậy những lời trên liệu có hợp lý chăng? Rõ ràng Seneca không cổ súy việc bỏ bê luật lệ và óc suy xét để chạy theo những cuộc chơi trác táng chỉ vì thế giới đang bước đến hồi kết.
Một cách sáng suốt hơn để nhìn nhận câu nói trên là suy nghĩ như một người lính sắp ra chiến trường. Không biết trước được mình còn sống sót trở về hay không, họ sẽ làm gì?
Họ sắp xếp di chúc của mình. Họ xử lý công việc của mình. Họ nói với những lời thương yêu với con cái và các thành viên gia đình mình. Họ không có thời gian cho những cãi vã hay những thứ tầm thường. Và đến sáng, họ sẵn sàng ra đi – mang trong mình hy vọng sẽ trở về toàn vẹn, nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn tâm thế rằng mọi chuyện sẽ không như mình mong muốn.
Hãy để hôm nay, chúng ta sống cuộc đời của mình như vậy.

Ngày 2 tháng 12: ĐỪNG BẬN TÂM, TÔI CHỈ LÀ KẺ ĐANG CHẾT DẦN

“Hãy để lời nói, hành động hay ý định của ngươi là lời nói, hành động hay ý định của kẻ sắp chết.”
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 2.11.1

Đã bao giờ bạn nghe câu hỏi: “Liệu bạn sẽ làm gì nếu ngày mai, bạn phát hiện mình bị mắc ung thư?” Câu hỏi trên được đưa ra để khiến bạn cân nhắc, nhìn nhận, xem xét xem cuộc đời của mình sẽ thay đổi thế nào nếu chỉ còn vài tháng nữa để sống. Không có gì đánh thức con người ta bằng chứng bệnh hiểm nghèo.
Nhưng điều cần chú ý là, bạn đã được chẩn đoán rằng sẽ “ra đi”. Chúng ta đều vậy! Như nhà văn Edmund Wilson đã nhận xét “Cái chết là lời tiên đoán chẳng bao giờ sai lệch.” Mỗi người khi sinh ra đều mang trên mình bản án tử hình. Những giây phút đã trôi đi là những giây phút bạn không lấy lại được.
Nhận thức được điều trên sẽ tác động mãnh liệt đến những gì bạn nói, bạn làm và bạn nghĩ. Đừng để cho bất kể ngày nào trôi qua trong vô minh, không nhận thức rằng mình cũng là kẻ đang chết. Chúng ta đều vậy. Liệu rằng hôm nay, chúng ta có bắt đầu thức tỉnh và thôi giả vờ rằng mọi thứ sẽ khác?

Ngày 3 tháng 12: TRIẾT GIA LÀ NGHỆ NHÂN CỦA SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT

“Triết học không tuyên bố rằng sẽ mang tới quyền sở hữu thế giới bên ngoài cho người nghiên cứu nó. Điều như vậy nằm ngoài triết học. Như gỗ với người thợ mộc, đồng với thợ điêu khắc, cuộc đời chính chúng ta là loại chất liệu hợp lý cho nghệ thuật sống.”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 1.15.2

Triết học không phải thú vui lúc nhàn rỗi, chỉ phù hợp cho dân nhà giàu hay những người hàn lâm. Thay vào đó, triết học là một trong những hoạt động thiết yếu nhất mà mỗi người có thể tham gia. Mục đích của triết học, như Henry David Thoreau đã phát biểu vài ngàn năm sau thời kỳ của Epictetus, là nhằm “giải quyết những vấn đề của cuộc sống một cách thực tế chứ không phải bằng lý thuyết.” Góc nhìn này tương đồng với câu nói nổi tiếng của Cicero: “Triết lý chính là học cách chết.”
Bạn chẳng nên đọc những câu trích dẫn trên và thực hành những bài tập tâm trí kể trên chỉ cho vui. Cho dù có thể mang tới sự thoải mái và giúp bạn nhẹ nhõm, mục tiêu của chúng là giúp bạn thiết kế và cải thiện cuộc sống. Và vì mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời và một cái chết, chúng ta nên đối xử với mỗi trải nghiệm của mình như cách mà người thợ điêu khắc làm với khối đá hoa cương của mình – hãy đục đẽo nó cho đến khi giải thoát được thiên thần nằm trong khối đá – theo lời của Michelangelo.
Chúng ta đều đang cố thực hiện nhiệm vụ khó khăn – đó là sống và chết – theo cách tốt nhất có thể. Và để làm được điều đó, chúng ta cần nhớ những gì mình đã học, và những lời thông thái chúng ta đã được nhận.

Ngày 4 tháng 12: BẠN KHÔNG SỞ HỮU NHỮNG GÌ KHÔNG THUỘC VỀ MÌNH

“Bất cứ thứ gì bị ngăn trở, bị tước đi hay bị cưỡng chế thì những thứ đó không phải của ai – nhưng ngược lại những thứ mà không bị cản trở thì nó sẽ thuộc về ngươi.”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 3.24.3

Nhà bảo tồn Daniel O’Brien đã nói rằng ông không “sở hữu” trang trại nuôi gia súc rộng hàng nghìn mẫu ở Nam Dakota, ông chỉ sống ở đó đơn giản chỉ vì ngân hàng cho phép ông ta thực hiện thanh toán thế chấp trên đó. Đây đúng là trò đùa của thực tế về kinh tế chăn nuôi, nhưng nó cũng nói lên một điều rằng đất đai không thuộc về một cá nhân, mà nó sẽ tồn tại lâu hơn chúng ta và con cháu của chúng ta. Marcus Aurelius từng nói rằng chúng ta không sở hữu bất cứ thứ gì và ngay cả cuộc sống của chúng ta cũng chỉ được hình thành từ lòng tin.
Chúng ta có thể cấu xé, tranh chấp và làm việc để sở hữu mọi thứ, nhưng những thứ đó có thể bị tước đi chỉ trong một khắc. Điều tương tự cũng xảy ra với những thứ khác mà chúng ta muốn nghĩ là “của mình” nhưng những thứ này đều bất ổn: tình trạng, sức khỏe thể chất, sức mạnh, hay các mối quan hệ của chúng ta. Làm sao những thứ này là thuộc về mình được khi mà những thứ như: số phận, xui xẻo, cái chết, v.v. – có thể thay đổi tất cả những điều đó mà không cần một điều báo trước?
Vậy thì thực sự chúng ta sở hữu điều gì? Chỉ là cuộc sống của chúng ta thôi – không còn gì khác nữa.

Ngày 5 tháng 12: LỢI ÍCH CỦA VIỆC SUY NGHĨ NGHIÊM TÚC

“Hãy để hình ảnh của việc chết đi và bị lưu đày hiển hiện trước ngươi mỗi ngày, cùng với mọi thứ tồi tệ tương tự vậy – khi làm điều này, ngươi sẽ không bao giờ có những suy nghĩ đơn thuần hay những ham muốn quá mức.”
-EPICTETUS, ENCHIRIDION, 21

Cơn bão chính trị có thể cuốn đi mọi thứ, tước đi của bạn những quyền tự do cơ bản nhất thứ mà bạn chắc chắn phải nhận được. Hoặc là, bất kể bạn là ai bạn được an toàn như thế nào, sẽ có một ai đó ở ngoài kia sẽ đến cướp mọi thứ và giết bạn chỉ vì vài đồng xu lẻ.
Như được viết trong cuốn Sử thi Gilgamesh vượt thời gian:
“Con người bị chém đôi như thể đám lau sậy trong bụi xương rồng
Người thanh niên xán lạn, người con gái xinh đẹp-
Họ còn quá trẻ khi Thần Chết đến bắt họ đi!”
Cái chết không chỉ là sự gián đoạn bất ngờ mà chúng ta có thể đối mặt – kế hoạch của chúng ta có thể bị vỡ vụn từng mảnh bởi hàng triệu thứ khác. Hôm nay có thể bạn sẽ thấy đôi chút thoải mái với việc bỏ qua những khả năng có thể xảy ra, nhưng cái giá bạn phải trả cho việc đó là gì?

Ngày 6 tháng 12: THANH KIẾM LƠ LỬNG TRÊN ĐẦU BẠN

“Đừng hành động như thể ngươi là bất tử. Số phận đã được an bài. Vậy nên hãy trở thành một người tốt ngay từ bây giờ, khi còn sống và khi còn có thể.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.17

Đây là một câu chuyện cũ về một cận thần, người đã làm nói rõ quan điểm của mình về trách nhiệm của nhà vua. Nhưng nhà vua muốn chứng minh người cận thần này đã sai, ông đã đổi chỗ cho cận thần để anh ta có thể trải nghiệm cảm giác trở thành một vị vua. Nhà vua thực hiện một điều chỉnh: ông đã sử dụng sợi tóc để treo một thanh kiếm trên ngai vàng để minh họa cho sự nguy hiểm và gánh nặng của vương quyền cũng như nỗi sợ có thể bị ám sát bất cứ lúc nào. Chúng ta gọi đó là lời nhắc nhở về cái chết và khó khăn luôn lơ lửng trên đầu là “Sword of Damocles”. (Thanh kiếm của Damocles – ND)
Thực tế là mỗi chúng ta đều có một thanh gươm tương tự như vậy – cuộc sống có thể bị tước đi khỏi chúng ta bất cứ lúc nào. Và mối đe dọa đó sẽ chia chúng ta theo hai hướng giải quyết: chúng ta có thể sợ hãi và khiếp sợ hoặc chúng ta có thể sử dụng nó làm động lực giúp mình tiến bộ hơn, để làm điều tốt, để sống tốt. Bởi vì thanh kiếm (cái chết và khó khăn) luôn chực chờ trên đầu, nên không có gì phải bận tâm ngoài nó nữa. Bạn có muốn khi mà bạn đang làm một hành động ích kỷ, đáng xấu hổ và thanh kiếm rớt ngay thời khắc đó không? Hay bạn có muốn thanh kiếm rơi xuống khi bạn vẫn đang chờ đợi để trở nên tốt hơn trong Tương lai?

Ngày 7 tháng 12: NHỮNG LÁ BÀI CHÚNG TA ĐƯỢC CHIA

“Nghĩ về cuộc đời mà ngươi đã sống như thể đây là lúc kết thúc và như một người đã chết, xem điều gì đã đến như một phần quà và sống thuận Tự nhiên. Hãy yêu lấy bàn tay mà số phận đưa ra cho nhà ngươi và sử dụng nó như thể đó là bàn tay của mình, còn điều gì phù hợp hơn thế?”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.56-57

Chúng ta có một nỗi sợ phi lý khi thừa nhận cái chết của chính mình. Chúng ta né tránh phải nghĩ về nó bởi vì chúng ta nghĩ rằng điều đó sẽ rất phiền muộn. Trên thực tế, việc suy ngẫm về cái chết thường có tác dụng ngược lại – tiếp thêm sinh lực cho chúng ta hơn là làm chúng ta buồn rầu. Tại sao? Bởi vì nó cho chúng ta sự sáng suốt.
Nếu bạn bất ngờ nhận ra rằng bạn chỉ còn một tuần để sống, bạn sẽ muốn thay đổi điều gì? Nếu bạn đã chết nhưng được hồi sinh, góc nhìn của bạn sẽ khác như thế nào?
Như nhân vật Prospero đã nói “mọi suy nghĩ thứ ba nên là nấm mồ của ta”, khi bạn nghĩ về cái chết, bạn sẽ ít có nguy cơ bị cuốn vào những điều nhỏ nhặt và xao lãng. Thay vì phủ nhận sự sợ hãi về cái chết, hãy để nó biến chúng ta thành những người tốt nhất có thể.
Ngay ngày hôm nay.

Ngày 8 tháng 12: ĐỪNG TRỐN TRÁNH NHỮNG CẢM XÚC CỦA MÌNH

“Việc chinh phục nỗi đau sẽ tốt hơn là lừa dối nó.”
– SENECA, ON CONSOLATION TO HELVIA, 17.1b

Tất cả chúng ta đều mất đi những người chúng ta từng thân thiết – một người bạn, một người đồng nghiệp, một người thân, một người lớn tuổi trong gia đình. Trong khi chúng ta đang chìm đắm trong nỗi đau của chính mình, một số người có thiện ý đã cố gắng hết sức để chúng ta xóa bỏ nó hoặc khiến chúng ta nghĩ về thứ gì đó khác trong vài giờ. Tuy họ rất tốt bụng, nhưng những hành động này là sai lầm.
Những người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ thường được định kiến là những người kìm nén cảm xúc của mình, nhưng thực ra triết lý của họ lại dạy chúng ta phải đối mặt, xử lý và đối phó với cảm xúc ngay lập tức thay vì trốn chạy chúng. Thay vì cố gắng lừa dối bản thân hoặc che giấu những cảm xúc mạnh mẽ như nỗi đau – bằng cách nói với bản thân và những người khác rằng bạn vẫn ổn – việc nhận thức và thấu hiểu những cảm xúc đó sẽ tốt hơn nhiều. Sự xao lãng có thể dễ chịu trong khoảng thời gian ngắn – ví dụ như một người La Mã tìm cách xao lãng bằng việc đến xem những trận giác đấu. Sự tập trung sẽ tốt hơn trong khoảng thời gian dài.
Điều đó có nghĩa là hãy đối mặt với nó ngay bây giờ. Xử lý và phân tích những cảm xúc trong bạn. Loại bỏ những kỳ vọng, quyền lợi của bạn, cảm giác của bạn về việc bạn đã từng làm sai. Hãy tìm kiếm điều tích cực trong các tình huống, nhưng đồng thời hãy ngồi xuống cùng nỗi đau và chấp nhận nó, nhớ rằng đó là một phần của cuộc sống. Đó là cách một người có thể chinh phục nỗi đau.

Ngày 9 tháng 12: NHỮNG KẺ LÃNG PHÍ THỜI GIAN

“Có phải tất cả những thiên tài của lịch sử đều tập trung vào chủ đề duy nhất này, họ không bao giờ có thể thổ lộ hết sự bối rối của mình trước bóng tối của tâm trí con người. Không ai chịu từ bỏ dù chỉ một xíu tài sản của họ, tranh chấp nhỏ nhặt nhất với hàng xóm cũng có thể trở thành địa ngục; tuy nhiên chúng ta dễ dàng để người khác xâm phạm cuộc sống của mình – tệ hơn, chúng ta thường mở đường cho những người khác chiếm lấy nó. Không ai đưa tiền của mình cho người qua đường, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta tự trao đi mạng sống của mình! Chúng ta rất chặt chẽ với tài sản và tiền bạc, nhưng lại nghĩ quá ít về việc lãng phí thời gian, thứ duy nhất mà chúng ta nên sử dụng một cách dè xẻn.”
– SENECA, ON THE BREVITY OF LIFE, 3.1-2

Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với những gián đoạn tưởng như bất tận: những cuộc gọi, thư điện tử, khách hàng, những sự kiện không mong muốn. Booker T. Washington đã nhận định rằng “số người sẵn sàng tiêu tốn thời gian hết một lần, hoặc giết thời gian không mục đích, gần như là vô số.”
Mặt khác, một nhà triết học biết rằng trạng thái mặc định của họ phải là trạng thái phản chiếu và nhận thức nội tâm. Đây là lý do họ rất siêng năng bảo vệ không gian cá nhân và suy nghĩ của họ khỏi sự xâm nhập của thế giới. Họ biết rằng một vài phút trầm ngâm có giá trị hơn bất kỳ cuộc họp hay báo cáo nào. Họ cũng biết chúng ta thực sự có ít thời gian như thế nào trong cuộc sống – và kho lưu trữ thời gian của chúng ta sẽ cạn kiệt nhanh như thế nào.
Seneca nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù chúng ta có thể giỏi giữ gìn tài sản vật chất của mình, nhưng chúng ta lại quá lỏng lẻo trong việc bảo vệ ranh giới tinh thần của mình. Của cải có thể được lấy lại; hoặc tìm thấy ở ngoài kia – thậm chí có của cải còn chưa được con người khai phá. Nhưng thời gian? Thời gian là của cải không thể thay thế được của chúng ta – chúng ta không thể mua nhiều hơn. Chúng ta chỉ có thể cố gắng ít lãng phí nó nhất có thể.

Ngày 10 tháng 12: ĐỪNG BÁN RẺ BẢN THÂN

“Ta cảnh báo, đừng hòng ai cướp được một ngày của ta mà không cam kết trả lại đủ số thời giờ mà họ đã lấy đi.”
– SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 1.11b

Số tiền mọi người tiêu khi sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn số tiền họ tiêu khi trả bằng tiền mặt. Nếu bạn từng thắc mắc tại sao các công ty sản xuất thẻ tín dụng và ngân hàng lại đẩy mạnh việc sử dụng thẻ như vậy thì đây chính là lý do. Bạn càng có nhiều thẻ tín dụng, bạn càng chi tiêu nhiều hơn.
Chúng ta có đối xử với những ngày của cuộc đời mình như chúng ta đối xử với tiền bạc của mình không? Bởi vì chúng ta không biết chính xác mình sẽ sống được bao nhiêu ngày và vì chúng ta cố gắng hết sức để không nghĩ đến sự thật rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ chết, chúng ta khá tự do với việc chúng ta sử dụng thời gian một cách thoải mái. Chúng ta để mọi người và những nghĩa vụ áp đặt vào thời gian đó, chỉ hiếm khi hỏi bâng quơ: Đổi lại ở đây tôi được gì?
Câu châm ngôn của Seneca cũng tương đồng với việc bạn cắt thẻ tín dụng và chuyển sang tiền mặt. Ông nói hãy đặt suy nghĩ nghiêm túc vào mọi cuộc giao dịch: Tôi có nhận được cái gì đáng tiền của mình ở đây không? Liệu đây có phải là một cuộc trao đổi công bằng?

Ngày 11 tháng 12: NHÂN PHẨM VÀ SỰ CAN ĐẢM

“Như Cicero nói, chúng tôi ghét các đấu sĩ nếu họ nhanh chóng bỏ chạy để cứu mạng mình bằng mọi cách; chúng tôi yêu mến họ nếu họ tỏ ra khinh thường mạng sống của mình.”
– SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 11.4b

Những người bạn học đại học của Lyndon Johnson từng kể một câu chuyện đáng xấu hổ về ông ta. Johnson rõ là một người hay khoác lác và cảm thấy mình phải thường xuyên thống trị và đe dọa người khác. Tuy nhiên, người viết tiểu sử của ông, Robert Caro, chỉ rõ rằng khi ai đó đứng lên bênh vực Lyndon thời trẻ, ông đã chứng tỏ mình hoàn toàn là một kẻ hèn nhát. Một lần, khi tranh cãi về trò chơi poker, thay vì đánh nhau, Johnson đã quăng mình xuống giường và “bắt đầu khua chân lên trời với một chuyển động điên cuồng giống cối xay gió. . . hệt như một cô gái”. Ông hét lên: “Nếu mày đánh tao, tao sẽ sút mày! Nếu mày đánh tao, tao sẽ sút mày!”
Sau đó trong cuộc đời của mình, Johnson cũng đã làm việc cực kỳ chăm chỉ để tránh phục vụ trong Thế chiến II và đi quẩy tới bến ở California trong khi những người lính khác chiến đấu và hy sinh ở nước ngoài. Sau đó ông ta đã tuyên bố mình là một anh hùng chiến tranh. Đó là một trong những lời nói dối đáng xấu hổ nhất của ông ta.
Chúng ta không cần phải coi thường sự an toàn về thể chất của mình hoặc tham gia vào các hành vi bạo lực bừa bãi để trở nên dũng cảm. Nhưng không ai tôn trọng một kẻ hèn nhát. Không ai thích một kẻ trốn tránh nhiệm vụ. Không ai ngưỡng mộ một người đòi hỏi quá đáng cho sự thoải mái và các nhu cầu của mình.
Đó là sự trớ trêu của cái hèn. Nó nhằm mục đích tự bảo vệ bản thân, nhưng nó cũng gây ra những bí mật đáng xấu hổ. Tự giữ mình an toàn chẳng hề vẻ vang gì vì đổi lại mọi thứ đều phải có sự trả giá.
Hãy sống can đảm. Hãy sống đường hoàng.

Ngày 12 tháng 12: NHỊP ĐIỆU THỜI GIAN VẪN LUÔN TIẾP DIỄN

“Lướt một vòng trong căn phòng trưng bày chiều dài của quá khứ, của các đế chế và vô số vương quốc nối tiếp nhau. Và ngươi cũng có thể nhìn thấy tương lai, vì chắc chắn nó sẽ có sự giống nhau, không thể đi chệch khỏi nhịp sống hiện tại. Tất cả đều là một cho dù chúng ta đã trải qua bốn mươi năm hay trải qua một kỷ nguyên trường tồn. Còn có gì nữa để xem?”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.49

Tất cả mọi thứ đều sẽ chết đi. Không chỉ con người mà cả các đoàn thể, vương quốc, tôn giáo và cuối cùng là những ý tưởng. Nước cộng hòa La Mã kéo dài 450 năm. Đế chế La Mã của Marcus Aurelius, người được coi là một trong “năm vị hoàng đế tốt nhất”, tồn tại 500 năm. Tuổi thọ dài nhất được ghi nhận của con người là 122 năm. Tuổi thọ trung bình ở Hoa Kỳ là hơn 78 năm một chút. Ở các nước khác, trong các thời đại khác, có thể nhiều hơn và cũng ít hơn. Nhưng cuối cùng, tất cả chúng ta, như Marcus đã nói, đều quy hàng trước nhịp điệu của các sự kiện – trong đó luôn có nhịp cuối cùng, mang tính quyết định. Bạn không cần phải lo lắng về sự thật này, nhưng cũng không có ích gì khi phớt lờ nó.

Ngày 13 tháng 12: CHỈ LÀ MỘT CON SỐ

“Ngươi chẳng hề bận tâm vì cân nặng của ngươi không lớn gấp đôi cân nặng hiện tại, phải không? Vậy sao ngươi phải bận tâm rằng mình không được trao cho cuộc đời kéo dài gấp đôi tuổi thọ được ban của mình? Tương tự như cân nặng thông thường, ngươi cũng nên hài lòng với thời gian mà mình được ban tặng.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.49

Người ta nói rằng, tuổi tác chỉ là một con số. Nhưng với một số người, đó là thứ rất quan trọng – nếu không thì phụ nữ đã không nói dối về tuổi mình để tỏ ra trẻ hơn, và những chàng trai trẻ tuổi đầy tham vọng đã không tỏ ra già hơn tuổi thật. Những kẻ giàu có, những kẻ cuồng tín về sức khỏe đã chi hàng tỷ đô la để nỗ lực kéo dài hạn sử dụng: từ 70, 80 tuổi thành vĩnh viễn – họ hy vọng thế.
Số năm con tim chúng ta đập không quan trọng. Điều quan trọng là những năm đó của ta bao gồm những gì. Seneca đã đúc rút về vấn đề này: “Đời sẽ dài nếu ngươi biết dùng nó như thế nào”. Buồn thay, hầu hết mọi người không như vậy – họ lãng phí cuộc đời đã được trao tặng của mình. Chỉ khi mọi thứ quá muộn, họ mới tìm cách bù đắp những lãng phí mình gây ra với hy vọng hão huyền rằng mình sẽ có thêm thời gian sống.
Thay vào đó, hãy dùng thời gian của mình một cách hợp lý trong chính hôm nay. Và trong mỗi ngày đang sống. Hãy khiến bản thân hài lòng về những gì mình được trao tặng.

Ngày 14 tháng 12: ĐIỀU CHÚNG TA NÊN BIẾT VÀO GIÂY PHÚT CUỐI

“Sớm thôi ngươi sẽ qua đời, vậy mà ngươi vẫn chưa đủ chân thành, chưa hết rối loạn, cũng như vẫn nghi ngờ rằng những thứ bên ngoài có thể làm hại ngươi, cũng chưa đối xử trân trọng với mọi thứ dù biết rằng sự thông thái và việc hành động công bằng là một – chúng giống nhau.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.37

Từ những gì chúng ta biết, Marcus viết nhiều dòng chiêm nghiệm vào khoảng thời gian cuối đời mình, lúc mắc bệnh nặng. Vậy nên, khi viết rằng “sớm thôi ngươi sẽ qua đời”, ông đang nói với bản thân về cái chết của mình. Điều đó hẳn rất đáng sợ. Ông nhìn thẳng vào khả năng mình sẽ qua đời, và ông không thích những gì mình thấy trong những giờ phút cuối cùng đấy.
Rõ ràng Marcus Aurelius đã đạt nhiều thành tựu trong đời mình, nhưng cảm xúc của ông vẫn gây nên những nỗi đau, nỗi bất an và cảm giác khó chịu. Nhưng ông biết rằng với khoảng thời gian ít ỏi còn lại, ông có thể có được sự nhẹ nhõm khi đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn.
Hy vọng rằng bạn đang còn nhiều thời gian sống – nhưng điều quan trọng hơn hết là bạn cần tiếp tục tiến bộ khi mình còn có thể. Chúng ta đều là những sản phẩm dang dở cho đến tận giờ phút lìa đời cuối cùng, và Marcus biết rất rõ điều đó. Càng sớm học được điều đó, chúng ta càng tận hưởng được thành quả lao động rèn luyện nhân cách của mình – và chúng ta càng sớm thoát khỏi (hoặc thoát dần khỏi) bất an, giả tạo, vô ơn, và những điều không giống với Chủ nghĩa Khắc kỷ.

Ngày 15 tháng 12: CÁCH ĐƠN GIẢN ĐỂ ĐO LƯỜNG NGÀY CỦA CHÚNG TA

“Sống mỗi ngày như thể đây là ngày cuối của cuộc đời mình, mà không có sự giận giữ, lười biếng, hay bất kể sự giả bộ nào – đó là dấu mốc của một nhân cách hoàn thiện.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.69

Những người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ đã không cho rằng ai đó có thể trở thành hoàn hảo. Ý tưởng về việc trở thành một bậc hiền nhân – lý tưởng cao nhất của một triết gia – với họ là từng là một điều không thực tế. Đó chỉ là lý thuyết suông mà thôi.
Tuy nhiên, mỗi ngày bắt đầu, họ đều cố gắng tiến dần hơn dấu mốc nói trên. Có rất nhiều thứ nhận được trong nỗ lực đó. Bạn thực sự có thể sống hôm nay như thể ngày cuối cùng của mình? Liệu có khả thi hay không việc chúng ta trở thành là hiện thân của sự hoàn hảo của ethos (nhân cách) của mình, làm tất cả mọi thứ một cách đúng đắn và nhẹ nhàng trong hai mươi tư giờ? Thậm chí, nỗ lực như trên trong vòng nhiều hơn một vài phút có khả thi hay không?
Có thể không. Nhưng nếu cố gắng thực hiện điều đó đã là đủ cho những người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ thì tức là nó cũng sẽ đủ cho chúng ta.

Ngày 16 tháng 12: MÃI MÃI CÓ THỂ CHẤT TỐT

“Hãy để ta nói với ngươi, ngươi chỉ cần học cách sống như một người khỏe mạnh…đó là sống trong sự tự tin tuyệt đối. Sự tự tin đó là gì? Đó là thứ duy nhất đáng giá để giữ, là thứ đáng tin cậy, không bị cản trở, và không thể bị tước đoạt – đó chính là lựa chọn có lý trí của nhà ngươi.”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 3.26.23b-24

Các triết gia Khắc kỷ đã nhắc nhiều lần rằng việc đặt niềm tin vào thứ gì bạn không kiểm soát là điều nguy hiểm. Còn lựa chọn duy lý của bạn thì hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát. Vậy nên, nó là một trong số ít thứ mà bạn có thể tin tưởng. Đấy là khu vực duy nhất của thể chất mà không thể dễ dàng xuất hiện bệnh nan y (trừ trường hợp ta bị mắc bệnh bẩm sinh). Nó cũng là thứ còn nguyên sơ, chẳng bao giờ hỏng học – thường chỉ người sở hữu nó từ chối sử dụng, chứ nó chẳng bao giờ từ bỏ người sở hữu.
Trong đoạn văn trên, Epictetus chỉ ra rằng nô lệ, người lao động và các triết gia có thể sống theo cách này. Socrates, Diogenes và Cleanthes đã sống như vậy – kể cả khi họ đã có gia đình, và khi họ là những học trò đang phải sống vật lộn.
Bạn hoàn toàn có thể sống giống như vậy.

Ngày 17 tháng 12: TỰ BIẾT MÌNH – TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN

“Cái chết gây ra cảm giác khó chịu
cho những kẻ được bao người biết đến,
nhưng đến lúc nhắm mắt lại chẳng biết được bản thân.”
– SENECA, THYESTES, 400

Một số kẻ quyền lực và quan trọng bậc nhất trên thế giới gần như chẳng có nhận thức gì về bản thân. Cho dù bao người không thân quen có thể biết rất nhiều chuyện phiếm về họ thì nhiều người nổi tiếng – hoặc do quá bận rộn, hoặc do làm vậy vô cùng đau đớn – dường như hiểu rất ít về bản thân mình.
Chúng ta cũng có thể mắc phải cùng lỗi lầm vậy. Chúng ta đã bỏ qua câu châm ngôn của Socrates “Hãy biết mình” – và chỉ nhận ra được điều đó vào những giây phút hiểm nguy nhiều năm về sau – một ngày nào đó, chúng ta tỉnh dậy và phát hiện mình rất ít khi tự hỏi: Tôi là ai? Điều gì quan trọng với tôi? Điều gì là điều tôi cần?
Bây giờ – chính lúc này – bạn có thời gian để khám phá bản thân, để tự hiểu về thân thể và tâm trí của mình. Đừng chờ đợi. Hãy biết bản thân mình. Trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.

Ngày 18 tháng 12: ĐIỀU XẢY RA VỚI TẤT CẢ CHÚNG TA

“Cả Alexander Đại đế lẫn người chăn lừa của ông đều có chung kết thúc khi cái chết dẫn đi. Hoặc họ sẽ trở về với nơi mà mọi thứ được sinh ra, hoặc họ sẽ tan thành cát bụi và biến mất.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.24

Trong thế giới mà theo nhiều cách đang dần trở nên thiếu bình đẳng hơn, không có nhiều trải nghiệm thực sự bình đẳng còn lại. Khi ngài Benjamin Franklin đưa ra nhận định rằng “trong thế giới này không có thứ gì có thể được coi là đương nhiên, ngoại trừ cái chết và thuế”, ông có lẽ không biết rằng sẽ có những người rất biết cách trốn nghĩa vụ thuế của họ. Vậy còn cái chết thì sao? Nó vẫn ở đó, và tất cả mọi người đều phải trải nghiệm một ngày nào đó.
Chúng ta đều sẽ đều sẽ chết. Cho dù bạn là kẻ chinh phục được toàn bộ thế giới, hoặc bạn đi đánh giày cho kẻ như vậy, thì đến cuối cùng, cái chết sẽ cân bằng tất cả – đó là bài học về sự khiêm nhường. Trong tác phẩm của mình, Shakespeare đã để nhân vật Hamlet trình bày rõ ràng logic trên trong trường hợp của cả Alexander và Julius Caesar:
Caesar vĩ đại, đã chết và biến thành đất sét, Có thể chặn một cái lỗ để tránh gió thổi bay: Hỡi trái đất đó, nơi khiến cả thế giới phải kính sợ, hãy vá một bức tường để đẩy lùi lỗ hổng mùa đông!
Hamlet to horatio – Nói chuyện với horatio về cái chết. Alexander vĩ đại cuối cùng chỉ biến thành cát bụi. Chúng ta phấn đấu cho sự vĩ đại có ích gì nếu chúng ta chỉ biến thành cát bụi.
“Caesar vĩ đại, đã chết và trở thành đất sét,
Có thể chặn cái lỗ để tránh gió lùa;
Hỡi trái đất này, nơi khiến nhân gian phải kính sợ,
Hãy vá một bức tường để chắn đi cái lạnh mùa đông!”
(Nguyên tác: “Imperious Caesar, dead and turn’d to clay,
Might stop a hole to keep the wind away:
O, that that earth, which kept the world in awe,
Should patch a wall to expel the winter flaw!”)

Lần tiếp theo bạn cảm thấy bản thân cao thượng và hùng mạnh – hoặc ngược lại, thấp bé và tầm thường – thì hãy nhớ rằng, chúng ta đều có cái kết giống nhau.
Khi chết rồi, chẳng ai hơn ai cả. Mọi câu chuyện của chúng ta đều có chung kết cục.

Ngày 19 tháng 12: CẤP ĐỘ CỦA CON NGƯỜI

“Hãy nghĩ về cả vũ trụ vật chất này còn ngươi thì nhỏ bé như thế nào trong đó. Hãy nghĩ về sự rộng lớn của thời gian, và sự ngắn ngủi – gần như chỉ ngang một khoảnh khắc – của khoảng thời gian được trao tặng cho ngươi. Hãy nghĩ về sự vận hành của định mệnh và vai trò tầm thường của ngươi trong đó”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.24

Số lượng vật chất trong vũ trụ này là khổng lồ – tính theo đơn vị nghìn tỷ nguyên tử. Trong số đó, một thân thể con người liệu chiếm được bao nhiêu phần trăm?
Trái đất này, theo khoa học hiện đại có tuổi là 4.5 tỷ năm, và chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngược lại, thời gian của chúng ta trên trái đất này thì sao? Vài thập kỷ chăng?
Đôi lúc chúng ta cần được những dữ liệu thực tế đập vào mắt mình để nhận ra mức độ nhỏ bé của con người trong tổng thể lớn.
Hãy nghĩ về điều này vào lần tới, khi bạn cho rằng mình siêu quan trọng, hay khi quan tâm đến việc mình sắp làm sẽ thành hay bại. Chúng – và bạn – chẳng quan trọng đến thế. Bạn chỉ là một con người trong số rất nhiều người khác, và đang cố gắng làm những điều tốt nhất có thể như nhiều người khác. Đó là tất cả những gì bạn cần làm.

Ngày 20 tháng 12: HÃY SỢ CHÍNH NỖI SỢ CÁI CHẾT

“Sau đó, liệu ngươi có ngẫm về mức độ tận cùng của tội ác con người, dấu hiệu chắc chắn nhất của sự hèn nhát không phải là cái chết, mà là nỗi sợ chết? Ta khuyến khích ngươi hãy thiết lập kỷ luật bản thân chống lại nỗi sợ đấy, hãy định hướng mọi suy nghĩ, mọi luyện tập, mọi điều ngươi đọc theo cách đó – và như vậy, ngươi sẽ biết được con đường duy nhất dẫn tới tự do của con người.”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 3.26.38-39;

Để tôi luyện bản thân trước lúc tự tử – thay vì thuần phục trước sự hủy diệt nền cộng hòa La Mã của Julius Caesar, triết gia Khắc kỷ vĩ đại Cato đã đọc một đoạn của tác phẩm Phaedo của Plato. Trong tác phẩm, Plato viết: “Chính đứa trẻ trong chúng ta là kẻ run rẩy trước cái chết”. Cái chết đáng sợ vì nó bí ẩn. Không ai quay trở về từ cái chết và kể cho chúng ta cái chết như thế nào. Chúng ta mờ mịt về nó.
Cũng ngây ngô và vô minh như chúng ta về cái chết, nhưng vẫn có nhiều người đàn ông, và phụ nữ thông thái ít ra có thể cho chúng ta những chỉ dẫn. Có lý do cho việc những người già nhất thế giới dường như chẳng sợ cái chết: họ có nhiều thời gian nghĩ về điều đó hơn chúng ta (để rồi nhận ra lo lắng là vô nghĩa tới chừng nào). Có một số nguồn thông tin tuyệt vời khác, chẳng hạn như cuốn nhật ký đậm chất Khắc kỷ của Florida Scott-Maxwell trong thời kỳ mắc bệnh nan y mang tên The Measure of My Days (Thước đo cho mỗi ngày tôi sống – ND). Hay những lời cuối của Seneca gửi cho người thân và bạn bè mình – những người đã quỳ xuống, cầu xin người xử tử ông. Seneca nhẹ nhàng khiển trách: “Đâu rồi những châm ngôn triết học, đâu rồi bao sự chuẩn bị suốt nhiều năm nghiên cứu việc chống lại cái ác?” Thông qua triết học, những lời lẽ cảm hứng, dũng cảm đến từ những người dũng cảm giúp chúng ta đối mặt với nỗi sợ này.
Còn có lối suy nghĩ đáng cân nhắc khác về cái chết đến từ các nhà Khắc kỷ. Nếu cái chết thực sự là dấu chấm hết, vậy thì đâu là điều phải sợ? Vì tất cả mọi thứ, từ nỗi sợ, cho đến cơn đau bạn cảm nhận được, cho đến những lo âu hay những điều ước chưa thành sự thật sẽ ra đi giống như bạn. Vậy nên, khi cảm thấy cái chết đáng sợ đến nỗi nào, hãy ghi nhớ: cái chết cũng chấm dứt nỗi sợ.

Ngày 21 tháng 12: NHỮNG NĂM THÁNG CỦA BẠN ĐÃ THỂ HIỆN ĐIỀU GÌ?

“Rất nhiều lần một kẻ lớn tuổi không có bằng chứng nào khác ngoài tuổi của mình để chứng minh rằng ông ta đã sống một thời gian dài.”
– SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 3.8b

Bạn đã sống được bao lâu rồi? Hãy lấy số năm đó, nhân với 365, rồi nhân thêm với 24. Bao nhiêu giờ bạn đã sống? Bạn có gì để minh chứng cho tất cả thời gian bạn đã sống?
Với rất nhiều người, họ không đủ minh chứng. Chúng ta có rất nhiều thì giờ và chúng ta coi rằng nó hiển nhiên. Tất cả những gì chúng ta có để minh chứng rằng, à, mình đã sống trên tinh cầu này chỉ là vài hiệp chơi gôn, vài năm dành cho công sở, vài lúc xem những bộ phim tầm thường, vài lúc đọc những cuốn sách vô bổ mà ta chẳng nhớ rằng mình đã đọc, hay một cái nhà kho đầy đồ chơi. Chúng ta như nhân vật trong tác phẩm The Long Goodbye (Lời tạm biệt dài – ND) của Raymond Chandler, kẻ đã nói: “Gần như là tôi chỉ giết thời gian. Và là một kẻ hết sức ngoan cố”.
Đến một ngày nào đó, kho tàng thời gian của chúng ta sẽ cạn kiệt. Sẽ thật tốt nếu đến lúc đó chúng ta có thể nói, “Kìa, ta đã tận dụng được biết bao thời gian!” Câu cảm thán trên không phải cảm thán dưới dạng thành tựu – không phải tiền bạc, không phải địa vị – bạn đều biết những người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ đánh giá thế nào về chúng – mà là câu cảm thán về sự thông thái, hiểu biết, và những tiến bộ thực sự trong những thứ mà tất cả nhân loại đều phải vật lộn.
Liệu sẽ như thế nào nhỉ khi bạn có thể nói rằng, mình đã tạo ra thành tựu từ số thời gian mà mình có? Liệu sẽ như thế nào nếu bạn có thể minh chứng rằng, mình đã sống trong [số tuổi của bạn] năm? Và không phải chỉ sống, mà là sống một cách trọn vẹn?

Ngày 22 tháng 12: THỂ HIỆN RA LÝ LẼ CỦA MÌNH

“Thật đáng xấu hổ cho một người già, hoặc một người đang đến ngưỡng cửa của tuổi già, mà chỉ có trong mình kiến thức sách vở. Zeno đã nói vậy… Ngươi thì sao? Cleanthes nói vậy. . . Còn ngươi thì nói gì? Ngươi chấp nhận bị kìm hãm trong những luận điệu của người khác đến bao giờ nữa đây? Hãy chịu trách nhiệm và thể hiện luận điệu của riêng mình – điều sẽ lưu truyền lại trong sách vở của hậu thế.”
– SENECA, MORAL LETTERS, 33,7

Trầm ngâm khi đọc về chủ đề bất tử trong văn chương, Ralph Waldo Emerson đã phàn nàn về cách các nhà văn bàn về một chủ đề khó bằng cách dựa vào các trích dẫn. “Tôi ghét trích dẫn, hãy cho tôi biết những gì bạn biết.”
Seneca đã nói điều tương tự vào khoảng hai mươi thế kỷ trước đây. Việc trích dẫn, hay dựa vào lời thông thái của người khác thì dễ dàng hơn nhiều. Đặc biệt là khi người bạn dựa dẫm vào đều là những mẫu người xuất chúng! Việc tự khám phá và và bày tỏ suy nghĩ của mình thì khó khăn và đáng sợ hơn nhiều. Nhưng bạn có nghĩ đến cái cách chính những lời thông thái đó được tạo ra như thế nào không?
Kinh nghiệm của riêng bạn cũng có giá trị. Bạn cũng đã tích lũy được trí tuệ của chính mình. Hãy bày tỏ luận điệu của chính bạn và để lại cái gì đó cho các thế hệ sau này – bằng lời nói và cả hành động cụ thể.

Ngày 23 tháng 12: BẠN SỢ HÃI ĐÁNH MẤT ĐIỀU GÌ?

“Ngươi sợ chết. Nhưng, nhìn lại đi, cuộc sống này còn là gì ngoài cái chết?”
– SENECA, MORAL LETTERS, 77,18

Seneca kể một câu chuyện đáng kinh ngạc về một người La Mã giàu có bệnh hoạn bắt nô lệ vác mình đi khắp nơi trên cái cáng. Có một lần, sau khi được nhấc ra khỏi bồn tắm, ông ta hỏi “Ta đã ngồi xuống được chưa?” Về cơ bản, quan điểm của Seneca là: Thật là một cuộc sống đáng buồn và thảm hại nếu bạn bị mất kết nối với thế giới mà bạn thậm chí không biết liệu mình có đang ở trên mặt đất hay không? Làm thế nào để một người biết liệu anh ta thậm chí có đang sống?
Hầu hết chúng ta đều sợ chết. Nhưng đôi khi nỗi sợ hãi này đặt ra câu hỏi: Chính xác thì nỗi sợ này bảo vệ cho cái gì? Đối với nhiều người, câu trả lời là: hàng giờ xem truyền hình, nói chuyện phiếm, ăn ngấu nghiến, lãng phí tiềm năng, tiếp tục một công việc nhàm chán, và nhiều cái khác nữa. Đây có thực sự là một cuộc sống đúng nghĩa hay không? Liệu điều này có đáng để giữ khư khư và sợ đánh mất?
Không, không đáng để sống như vậy.

Ngày 24 tháng 12: VÔ NGHĨA … NHƯ RƯỢU VANG LÂU NĂM

“Ngươi biết rượu vang và rượu mùi có vị như thế nào. Không có gì khác biệt cho dù là một trăm hoặc một nghìn chai đi qua bàng quang của ngươi – ngươi chẳng khác gì một cái bộ lọc.”
– SENECA, MORAL LETTERS, 77,16

Ở đây chúng ta có một biểu hiện khinh thường khác, lần này là từ Seneca, người mà với danh tiếng về sự giàu có của mình, có lẽ đã thường xuyên được thưởng thức những đồ uống ngon nhất. Quan điểm của ông có thể sẽ làm nhột bất cứ ai mà đã bị sự thành công và tuổi trưởng thành biến thành một kẻ khoác lác về rượu (mặc dù logic này có thể áp dụng dễ dàng cho những dân sành ăn, dân sành công nghệ, hay audiophile – dân đam mê tạo nhạc, v.v.).
Những khoái lạc này thì vui và thú vị thật đấy, tuy nhiên bạn cần đưa chúng về đúng vị trí của mình. Bạn không nhận được giải thưởng vào cuối đời vì đã tiêu dùng nhiều hơn, làm việc nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn, thu thập nhiều hơn hoặc tìm hiểu kĩ hơn về các loại rượu khác nhau so với những người khác. Bạn chỉ giống như một ống dẫn, một bình chứa mà tạm thời chứa đựng và tiếp xúc với những món đồ hào nhoáng này.
Nếu bạn thấy mình ham muốn những thứ đó, nghĩ về điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của chúng đấy.

Ngày 25 tháng 12: ĐỪNG VẮT KIỆT SỨC MÌNH

“Tâm trí phải được cho thư giãn – sau đó, nó sẽ sáng suốt và sắc bén hơn. Giống như cánh đồng phì nhiêu sẽ mất đi độ màu mỡ nếu không ngừng gieo trồng, việc liên tục nỗ lực làm việc sẽ làm biến dạng đi sức mạnh của tâm trí. Nhưng tâm trí sẽ lấy lại sức mạnh của mình nếu nó được tự do và thả lỏng một lúc. Liên tục làm việc sẽ mang tới một số dạng u mê và yếu đuối cho tâm hồn lý trí.”
– SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 17.5

Một người khi đọc cả tác phẩm của Marcus Aurelius lẫn của Seneca đều thấy sự khác biệt rõ rệt giữa hai tính cách. Mỗi vị kể trên có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Liệu bạn sẵn sàng trao cho ai trọng trách to lớn của vị trí hoàng đế? Có lẽ là Marcus. Nhưng liệu bạn mong muốn trở thành ai? Có lẽ là Seneca.
Lý do cho giả định trên là, Seneca dường như có thứ mà ngày nay chúng ta gọi là cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong khi Marcus có thể tiếp tục đọc cho dù đã mệt mỏi thì Seneca luôn cảm thấy giàu năng lượng, tươi mới và mạnh mẽ. Triết lý nghỉ ngơi và thư giãn – kết hợp với học tập nghiêm chỉnh và các thói quen Khắc kỷ khác – có lẽ đóng vai trò quan trọng cho việc đó.
Tâm trí cũng giống như cơ bắp, hay giống như mọi thứ khác – đều có thể bị hỏng hóc, quá tải, thậm chí là chấn thương. Sức khỏe thể chất của chúng ta cũng có thể đi xuống bởi sự tận tụy quá mức, thiếu nghỉ ngơi và các thói quen xấu. Bạn còn nhớ câu chuyện về John Henry, người thách thức máy móc? Cuối cùng, anh ấy đã qua đời vì kiệt sức. Đừng quên điều này.
Hôm nay, có thể bạn phải đối mặt với những thứ sẽ thử thách lòng kiên nhẫn, đòi hỏi sự tập trung và sáng suốt cao độ, hay đòi hỏi những đột phá sáng tạo. Cuộc đời là một hành trình dài, nó mang trong mình nhiều sự kiện như vậy. Liệu bạn có thể chống đỡ được chúng không nếu bạn liên tục vắt kiệt sức mình?

Ngày 26 tháng 12: CUỘC ĐỜI SẼ DÀI LÂU – NẾU BẠN BIẾT CÁCH SỬ DỤNG NÓ

“Chẳng phải cuộc đời chúng ta quá ngắn, mà là chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian trong đó. Đời đủ dài, và chúng ta được ban tặng cho một khoảng thời gian hợp lý để thực hiện nhiều điều tốt đẹp nếu thời gian đó được sử dụng đúng cách. Nhưng khi lãng phí chúng cho những sự xa xỉ và xao lãng, khi thời gian được dùng cho những mục đích chẳng tốt đẹp thì cuối cùng, chúng ta sẽ thấy nó trôi đi mà chẳng hề hay biết. Vậy đó, chẳng phải chúng ta được tặng cho một đời sống ngắn ngủi, mà chính chúng ta biến nó thành như thế.”
– SENECA, ON THE BREVITY OF LIFE, 1.3 – 4a

Không ai biết chắc chắn mình sẽ sống trong bao lâu, và điều đáng buồn là hầu hết chúng ta đều biết rằng, mình đã lãng phí rất nhiều thời gian sống. Lãng phí cho việc chỉ ngồi không, lãng phí khi theo đuổi nhầm thứ, lãng phí khi từ chối tự hỏi bản thân xem điều gì thực sự quan trọng với chúng ta. Thường xuyên, chúng ta hành xử một cách quá tự tin; và Petrarch, trong bài luận nổi tiếng của ông về sự vô minh, đã chỉ trích những kẻ như chúng ta: “những người liên tục tự vứt bỏ sức mạnh của mình bằng cách quan tâm tới những gì nằm ngoài họ, và tìm kiếm bản thân ở đó.” Vậy mà chúng ta chẳng biết được mình đang làm vậy.
Vậy nên hôm nay, nếu thấy bản thân vội vã, hoặc thốt ra câu nói “Tôi không có đủ thời gian”, thì bạn hãy dừng lại một lúc. Liệu điều này có đúng? Hay là bạn đang bỏ thời gian vào rất nhiều thứ không cần thiết? Liệu bạn có thực sự đang làm việc hiệu quả, hay bạn đang dành rất nhiều công sức để tích lũy những thứ vô dụng vào đời mình? Dân Mỹ trung bình dành khoảng 48 giờ một năm cho việc bị kẹt trong dòng xe cộ. Điều đó sẽ trở thành vài tháng trong cuộc đời mỗi người. Và do luôn có những lúc tắc nghẽn như vậy, nên bạn hãy dùng nó thay thế cho những hoạt động vô bổ khác – như xem tivi, mơ mộng giữa ban ngày, hay tranh cãi với người khác.
Cuộc đời thực ra khá là dài – chỉ cần bạn dùng nó đúng cách.

Ngày 27 tháng 12: ĐỪNG ĐỂ TÂM HỒN MÌNH ĐẦU HÀNG TRƯỚC

“Để tâm hồn mình đầu hàng trước khi thân thể làm vậy là một điều sỉ nhục trong cuộc đời này.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.29

Bất chấp những đặc quyền của mình, Marcus Aurelius có một cuộc sống khó khăn. Sử gia La Mã Cassius Dio mô tả về Marcus là “không nhận được vận may mà ông xứng đáng, vì thân thể ông không được khỏe mạnh, và ông liên tục phải đối mặt với nhiều rắc rối gần như xuyên suốt triều đại của mình.” Có lúc ông yếu đến nỗi người ta đồn rằng ông đã mất – và vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi vị tướng đáng tin cậy nhất của ông đã lợi dụng tin đồn đó để tuyên bố rằng mình là hoàng đế mới.
Xuyên suốt những khó khăn đó – bao gồm nhiều năm chinh chiến, bệnh tật, con cái mất nết – Marcus chưa bao giờ bỏ cuộc. Đây quả thực là tấm gương đầy cảm hứng cho mỗi chúng ta, khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, tuyệt vọng, hay phải đối mặt với một số thử thách. Đó là một người có đầy đủ lý do để trở nên cáu giận và cay đắng, người đã có thể từ bỏ những nguyên tắc của mình và sống một cuộc đời xa hoa hoặc dễ dãi, người hoàn toàn có thể đẩy trách nhiệm của mình qua một bên và tập trung chăm sóc sức khỏe của mình.
Nhưng ông chưa từng làm như vậy. Tâm hồn ông vẫn mạnh mẽ, kể cả khi thân thể ông đang yếu dần. Ông không bỏ cuộc, cho đến những giây phút cuối cùng của đời mình khi thân thể không gắng gượng nổi – khi ông từ trần ở vùng đất gần Vienna vào năm 180 sau Công Nguyên.

Ngày 28 tháng 12: VỀ VIỆC ĐƯỢC TƯỞNG NHỚ

“Mọi thứ đều kéo dài trong một ngày, người tưởng nhớ và kẻ được nhớ”
– MARCUS AURELIUS, SUY TƯỞNG, 4.35

Hãy đi bộ dọc đường 41 về phía Thư viện Công cộng Thành phố New York xinh đẹp, với những chú sư tử đá hùng vĩ. Trên đường đến thư viện mang tên “Library Way”, bạn sẽ đi qua một tấm bảng vàng được đặt trong xi măng, một phần của loạt trích dẫn từ các cây bút vĩ đại trong suốt lịch sử. Câu này là của Marcus Aurelius: “Mọi thứ chỉ diễn ra trong một ngày, cả thứ nhớ và thứ được nhớ.”
Bản thân thư viện được thiết kế bởi công ty của John Merven Carrère, một trong những kiến trúc sư tài ba nhất của thế kỷ XX. Nó kết hợp các bộ sưu tập của những người nổi tiếng và nhà từ thiện như Samuel Tilden, John Jacob Astor và James Lenox, và tên của họ được khắc trên đá. Ngày nay, quyền đặt tên thuộc về nhà quản lý quỹ đầu cơ Stephen A. Schwarzman. Lễ khai trương thư viện vào năm 1911 có sự tham dự của Tổng thống William Howard Taft, Thống đốc John Alden Dix, và thị trưởng thành phố New York William Jay Gaynor. Các bảng vàng trên đường đi được thiết kế bởi Gregg LeFevre xuất sắc.
Câu trích dẫn của Marcus khiến chúng ta phải suy ngẫm: Có bao nhiêu người trong số những người này mà chúng ta đã từng nghe đến? Những người liên quan đến câu chuyện về thư viện là một phần trong số những người đàn ông nổi tiếng nhất thế giới, những bậc thầy trong lĩnh vực của họ, thậm chí một số trường hợp còn giàu có ngoài sức tưởng tượng. Ngay cả dọc theo “Library Way”, nhiều tác giả nổi tiếng vẫn còn xa lạ với độc giả hiện đại. Họ đều đã qua đời từ lâu, cũng như những người còn nhớ đến họ.
Tất cả chúng ta, bao gồm cả Marcus – người mà những khách bộ hành qua đường chẳng hề biết đến – chỉ tồn tại trong trí nhớ của những kẻ lạ đó đúng một ngày, tối đa một ngày thôi.

Ngày 29 tháng 12: NÓI LỜI CẢM ƠN

“Trong tất cả mọi việc, chúng ta nên cố gắng làm cho mình biết ơn nhiều nhất có thể. Vì lòng biết ơn là điều tốt cho chính chúng ta, theo cách mà công lý, thường được coi là thuộc về người khác, thì không. Lòng biết ơn sẽ đem đến nhiều điều tốt đẹp khác.”
– SENECA, MORAL LETTERS, 81.19

Hãy nghĩ về tất cả những điều bạn có thể biết ơn cho ngày hôm nay. Rằng bạn đang sống, rằng bạn đang sống trong một thời kỳ chủ yếu là hòa bình, rằng bạn có đủ sức khỏe và sự thư thái để đọc cuốn sách này. Còn những điều nhỏ nhặt thì sao? Người mỉm cười với bạn, người phụ nữ giữ cửa mở cho bạn, bài hát bạn thích được phát trên đài radio, hay thời tiết dễ chịu.
Lòng biết ơn rất dễ lan truyền. Sự tích cực luôn rạng rỡ.
Ngay cả khi hôm nay là ngày cuối cùng của bạn trên trái đất – nếu bạn biết trước rằng nó sẽ kết thúc sau một vài giờ ngắn ngủi – liệu có còn nhiều điều để bạn biết ơn không? Cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn biết bao nếu bạn bắt đầu mỗi ngày với tâm thế như vậy? Nếu bạn mang trong mình lòng biết ơn xuyên suốt từ sáng đến tối và trong mọi phần trong cuộc sống của bạn?

Ngày 30 tháng 12: THOÁT KHỎI NGHỊCH CẢNH

“Chịu đựng thử thách với một tâm trí bình tĩnh sẽ cướp đi sức mạnh và gánh nặng của sự bất hạnh.”
– SENECA, HERCULES OETAEUS, 231-232

Những người bạn ngưỡng mộ, những người dường như có thể xử lý và đối phó thành công với nghịch cảnh và khó khăn, họ có điểm gì chung? Đó là cảm giác của họ về sự cân bằng, những quy tắc kỷ luật của họ. Ở các vạch đích 1m, giữa những lời chỉ trích, sau một thảm kịch đau lòng, trong giai đoạn căng thẳng, họ vẫn tiếp tục tiến lên.
Không phải vì họ giỏi hơn bạn. Không phải vì họ thông minh hơn. Nhưng vì họ đã học được một bí mật nhỏ. Bạn có thể thoát khỏi mọi tình huống khó khăn bằng cách mang theo một tâm trí bình tĩnh. Bằng cách xem xét tình huống và suy ngẫm về nó trước.
Và điều này không chỉ đúng với những nghịch cảnh hàng ngày của chúng ta mà còn đúng với thử thách lớn nhất và khó tránh khỏi nhất: cái chết chờ sẵn của chính chúng ta. Nó có thể đến vào ngày mai, nó có thể đến sau bốn mươi năm. Nó có thể nhanh chóng và không đau, hoặc nó có thể gây đau đớn. Tài sản lớn nhất của chúng ta trong thử thách đó sẽ không phải là tôn giáo, thậm chí sẽ không phải là những lời nói khôn ngoan của các triết gia. Nó sẽ đơn giản là tâm trí bình tĩnh và lý trí của chúng ta.

Ngày 31 tháng 12: CHỦ ĐỘNG TRONG VIỆC GIẢI CỨU BẢN THÂN

“Đừng phí thời gian! Ngươi không có khả năng đọc sổ ghi chép của chính mình, lịch sử cổ đại hoặc tuyển tập thơ mà ngươi đã thu thập để thưởng thức khi về già. Hãy bận rộn với mục đích của cuộc sống, gạt bỏ những hy vọng trống rỗng, và hãy tích cực trong việc giải cứu chính mình – ngươi quan tâm đến bản thân – và làm điều đó trong khi ngươi còn có thể.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 3.14

Mục đích của tất cả việc đọc và nghiên cứu của chúng ta là để giúp chúng ta theo đuổi cuộc sống tốt đẹp (và cái chết). Đến một lúc nào đó, chúng ta phải đặt sách vở sang một bên và hành động. Vì vậy, như Seneca đã nói, “lời nói trở thành hành động.” Có một câu nói cổ rằng “Thêm một học giả là mất một chiến binh.” Chúng ta muốn vừa là học giả vừa là chiến sĩ – những người lính với tinh thần chiến đấu cao.
Đó là điều tiếp theo dành cho bạn. Tiến lên, tiến về phía trước. Câu trả lời không nằm trong một cuốn sách khác. Ai biết bạn còn bao nhiêu thời gian, hay điều gì đang chờ đợi chúng ta vào ngày mai?

Danh Sách Các Tháng Khác

Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết