Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc

Nội dung bài viết

The Daily Stoic Tiếng Việt
Download sách này tại website: Keodau.net/sach

SÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 2

Ngày 1 tháng 2: DÀNH CHO NGƯỜI NÓNG TÍNH

“Hãy luôn giữ suy nghĩ trong tầm kiểm soát khi ngươi cảm thấy một cơn thịnh nộ đang kéo tới — trông sẽ không được nam tính cho lắm khi giận dữ như vậy. Thay vào đó, sự nhẹ nhàng và lễ độ thì nhân văn hơn, nó sẽ giúp cho ngươi nam tính hơn. Một người đàn ông thực sự sẽ không để sự tức giận và bất mãn xâm chiếm, anh ta sẽ có đầy đủ sức mạnh, lòng can đảm và sự bền bỉ — không giống như việc nổi điên và phàn nàn về mọi thứ. Một người đàn ông tâm trí càng bình thản bao nhiêu thì anh ta càng mạnh mẽ bấy nhiêu.”
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.18.5b

Tại sao các vận động viên hay nói những thứ rác rưởi với nhau? Tại sao họ lại cố tình xúc phạm nhau và nói những thứ khó chịu với đối thủ của họ trong lúc trọng tài không để ý? Để kích động đối phương. Đánh lạc hướng và chọc giận đối thủ là cách đơn giản nhất để loại họ khỏi cuộc chơi.
Hãy cố gắng nhớ rằng khi bạn thấy bản thân trở nên điên loạn thì việc nổi giận không hề gây được ấn tượng hay sự cứng cỏi đâu — đó là một sai lầm. Đó là điểm yếu của bạn. Tùy thuộc vào việc bạn làm, có khi nó còn là một cái bẫy mà người ta dụ bạn giẫm lên. Người hâm mộ và kể cả đối thủ đã gọi tay đấm Joe Louis là “Ring robot” (Tay đấm trên vũ đài — ND) bởi vì anh hoàn toàn không có cảm xúc — anh ấy lạnh lùng, và thái độ điềm tĩnh của anh ấy đáng sợ hơn nhiều so với cái nhìn đáng sợ hay bất cứ cảm xúc bộc phát nào.
Sức mạnh nằm ở khả năng duy trì việc giữ mình. Đó là một người không bao giờ trở nên điên loạn, không thể bị kinh động, bởi vì họ đang kiểm soát khát vọng của họ — chứ không phải là để khát vọng kiểm soát.

Ngày 2 tháng 2: HÃY CHO TÂM TRÍ BẠN MỘT CÁI KHUNG THÍCH HỢP

“Hãy đóng khung suy nghĩ của ngươi như thế này: Ngươi là một người già cả, ngươi không muốn bản thân mình bị nô lệ bởi điều này một chút nào nữa, không muốn bị điều khiển như con rối bởi bất kỳ tác động nào, và ngươi sẽ ngừng phàn nàn về số phận hiện tại hay sợ hãi về tương lai.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 2.2

Bạn nổi điên mỗi khi có ai đó tới và tỏ vẻ bề trên. Đừng có nói với tôi về cách ăn mặc, cách suy nghĩ, cách làm việc, cách sống của tôi. Đó là bởi vì chúng ta độc lập, tự chủ. Hoặc ít ra thì đó là những điều bạn tự nhủ lòng mình vậy.
Tuy nhiên, nếu có ai nói điều gì mà bạn không đồng ý, có điều gì đó bên trong bạn mách bảo rằng bạn phải tranh luận với họ. Nếu có một đĩa bánh trước mặt, bạn phải ăn nó. Nếu ai đó làm điều mà bạn không thích, bạn phải nổi điên với chuyện đó. Khi điều gì xấu xảy ra, bạn phải buồn bã, chán nản hoặc lo lắng. Nhưng nếu một điều tốt xảy ra ngay sau đó, đột nhiên bạn lại vui mừng, phấn khích và muốn nhiều hơn nữa.
Bạn sẽ không bao giờ để ai điều khiển bạn như một con rối giống như cách bạn để cảm xúc điều khiển bạn. Vậy thì đã đến lúc bạn bắt đầu nhìn nhận mọi việc theo cách — bạn không phải là một con rối để bị điều khiển làm cái này hay cái kia chỉ bởi vì bạn cảm thấy muốn như vậy. Bạn nên là người kiểm soát điều đó, không phải là bị chi phối bởi cảm xúc, bởi vì bạn là người độc lập, tự chủ.

Ngày 3 tháng 2: NGUỒN GỐC CỦA NỖI LO LẮNG

“Khi ta thấy một người lo lắng, ta tự hỏi bản thân mình rằng, họ muốn gì đây? Vì nếu một người không muốn một thứ gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát, tại sao họ lại bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng?”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.13.1

Một người cha hay lo âu, luôn lo lắng cho đứa con của ông ta — Ông ấy đang muốn điều gì? Ông ta muốn một thế giới an toàn.
Một du khách đang phát điên — cô ấy đang muốn điều gì? Cô ta muốn thời tiết ổn định và giao thông thuận lợi để cô ấy có thể kịp chuyến bay.
Một nhà đầu tư lo lắng? Rằng thị trường sẽ đảo chiều và các khoản đầu tư bắt đầu có lãi. Tất cả các kịch bản này có cùng một điểm chung. Như Epictetus nói, đó là vì bạn luôn muốn một cái gì đó ngoài tầm kiểm soát của bạn. Cảm thấy bị kích thích, trở nên phấn khích, hồi hộp dồn dập, đau đớn, và những khoảnh khắc lo lắng rất vô ích và điều này cho thấy chúng ta vô dụng và lệ thuộc như thế nào. Bạn nhìn chăm chú vào đồng hồ, vào tấm vé, nhìn sang làn thanh toán kế tiếp, nhìn lên bầu trời – dường như chúng ta đều thuộc về một giáo phái tin rằng những vị thần của vận mệnh sẽ chỉ cho chúng ta những gì chúng ta muốn nếu chúng ta hy sinh sự bình an trong tâm trí của mình.
Hôm nay, khi bạn thấy mình đang lo lắng, hãy hỏi bản thân rằng: Tại sao trong tôi lại có một nút thắt? Tôi đang kiểm soát bản thân mình hay là sự lo lắng đang kiểm soát tôi? Và quan trọng nhất là: Sự lo lắng này có làm cho bản thân tôi tốt hơn hay không?

Ngày 4 tháng 2: ĐỂ TRỞ NÊN BẤT KHẢ CHIẾN BẠI

“Vậy ai là người bất khả chiến bại? Chính là người không hề buồn phiền bởi bất cứ điều gì ngoài những sự lựa chọn hợp lý của mình.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.18.21

Bạn đã bao giờ xem một chuyên gia dày dạn xử lý đám truyền thông chưa? Không có câu hỏi nào là quá khó khăn, không có giọng điệu nào là quá chua cay hay xúc phạm. Họ đỡ từng đòn đánh bằng sự hài hước, đĩnh đạc và kiên nhẫn. Ngay cả khi bị đâm chọc hoặc khiêu khích, họ chọn không nao núng hay phản ứng. Họ có thể làm điều này không chỉ vì sự luyện tập và kinh nghiệm, mà bởi vì họ hiểu rằng phản ứng theo cảm xúc sẽ chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Các phương tiện truyền thông luôn chờ đợi họ sai sót hoặc trở nên kích động, vì vậy để điều hướng thành công các sự kiện báo chí, họ đã nội tâm hóa tầm quan trọng của việc giữ bản thân luôn bình tĩnh.
Không thể biết chắc liệu hôm nay bạn có phải đối mặt với một đám phóng viên đang tấn công bạn bằng những câu hỏi vô cảm hay không. Nhưng khi bất cứ điều gì căng thẳng, thất vọng hay quá tải xảy ra với bạn thì hãy hình dung ra hình ảnh đó và sử dụng nó như là mô hình của bạn để đối phó với chúng. Sự lựa chọn hợp lý của bạn — sự tiên đoán của bạn, như cách Chủ nghĩa Khắc kỷ gọi, nó là một loại khả năng bất khả chiến bại mà bạn có thể tôi luyện. Bạn có thể nhún vai trước các cuộc tấn công thù địch hay vượt qua áp lực và các vấn đề. Và, giống như hình tượng của mình, khi hoàn thành, bạn có thể chỉ vào đám đông và nói: “Người tiếp theo!”.

Ngày 5 tháng 2: BÌNH ỔN SỰ KÍCH ĐỘNG

“Đừng để bản thân bị rối trí, mà hãy giao sự kích động cho công lý và bảo vệ sự phán xét rõ ràng trong mỗi lần xuất hiện”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.22

Hãy nghĩ về kẻ điên rồ trong cuộc sống của bạn. Không phải những người không may bị mắc chứng rối loạn, mà là những người có cuộc sống và lựa chọn bị rối loạn. Mọi thứ đều hoặc là cao quá mức hoặc là thấp thậm tệ; hoặc là tuyệt vời hoặc là khủng khiếp. Những người đó không thấy mệt mỏi sao? Bạn có ước gì họ có một bộ lọc mà thông qua đó họ có thể kiểm tra sự tốt xấu của những điều kích động không?
Có một bộ lọc như vậy. Đó là: Công bằng, Lý trí, Triết học. Nếu có một thông điệp trọng tâm về Chủ nghĩa Khắc kỷ , thì đó là: Tất cả các loại kích động sẽ đến và công việc của bạn là kiểm soát chúng, như cách khiến một con chó vâng lời. Nói một cách đơn giản hơn: Hãy suy nghĩ trước khi hành động. Hãy tự hỏi: Ai đang kiểm soát ở đây? Những nguyên tắc nào đang dẫn dắt tôi?

Ngày 6 tháng 2: ĐỪNG TÌM KIẾM SỰ XUNG ĐỘT

“Ta không đồng ý với những người lao đầu vào giữa trận lụt và những người chấp nhận một cuộc sống hỗn loạn, hàng ngày phải vật lộn với hoàn cảnh khó khăn bằng một tinh thần thép. Người khôn ngoan sẽ chịu đựng điều đó, nhưng sẽ không chọn nó; họ chọn hòa bình, thay vì chiến tranh.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 28.7

Câu trích dẫn của Theodore Roosevelt trong bài phát biểu “Man in the Arena” (Người đàn ông trong đấu trường — ND) đã trở thành câu sáo rỗng (cliché) khi dùng lời ca ngợi “[Công lao thuộc về người đàn ông thực sự ở trong đấu trường,] khuôn mặt hoen ố vì bụi, mồ hôi và máu; người phấn đấu anh dũng …” để so sánh với các nhà phê bình chỉ đứng bên lề. Roosevelt đã có bài phát biểu đó ngay sau khi rời nhiệm sở ở đỉnh cao của sự nổi tiếng. Trong một vài năm, ông ta đã chạy đua với “học trò” (protégé) cũ của mình trong nỗ lực quay trở lại Nhà Trắng, nhưng thất bại nặng nề và suýt bị ám sát trong quá trình này. Ông cũng suýt chết khi khám phá một con sông ở Amazon, giết hàng ngàn động vật ở châu Phi, và sau đó cầu xin Woodrow Wilson cho phép ông nhập ngũ trong Thế chiến I mặc dù đã 59 tuổi. Ông làm rất nhiều thứ có vẻ hơi khó hiểu khi nhìn lại.
Theodore Roosevelt là một người đàn ông thực sự tuyệt vời. Nhưng ông cũng bị điều khiển bởi áp lực, chứng nghiện công việc và hoạt động, thứ dường như không có hồi kết. Nhiều người trong chúng ta cũng chia sẻ chuyện phiền não này, việc đang bị điều khiển bởi thứ gì đó mà chúng ta không thể kiểm soát. Chúng ta sợ sự bình yên, vì vậy chúng ta tìm kiếm xung đột và hành động để làm xao lãng nó. Chúng ta chọn tham gia chiến tranh, theo nghĩa đen trong một số trường hợp, trong khi trên thực tế, hòa bình mới là sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp hơn.
Đúng là người đàn ông trong đấu trường đáng được ngưỡng mộ. Cũng như người lính, chính trị gia, nữ doanh nhân hay tất cả các nghề nghiệp khác. Nhưng, và đây là một cái “nhưng” lớn, chúng ta đáng được ngưỡng mộ chỉ khi chúng ta tham gia vào đấu trường vì những lý do chính đáng.

Ngày 7 tháng 2: SỢ HÃI LÀ LỜI TIÊN TRI TỰ ỨNG NGHIỆM

“Nhiều người bị tổn hại bởi nỗi sợ hãi, ngươi càng sợ hãi điều gì thì điều đó sẽ trở thành hiện thực.”
— SENECA, OEDIPUS, 992

“Chỉ những kẻ hoang tưởng mới có thể sống sót” — Một câu nói nổi tiếng của Andy Grove, cựu CEO của Intel. Có thể điều đó chính xác phần nào. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng người hoang tưởng thường tự hủy hoại mình nhanh hơn một cách lạ kỳ so với bất cứ kẻ thù nào. Seneca, với sự tiếp xúc và hiểu biết sâu sắc giới thượng lưu quyền lực nhất ở Rome hiểu rõ điều này hơn hết. Nero, một học trò mà Seneca dù đã cố gắng kiềm chế các hành vi quá giới hạn, cuối cùng cũng giết không chỉ mẹ và vợ mình mà còn giương mũi giáo vào chính Seneca, thầy của mình.
Sự kết hợp giữa sức mạnh, nỗi sợ hãi và hưng cảm (trái ngược với trầm cảm – ND) là một điều rất nguy hiểm. Một lãnh đạo tin rằng mình có thể bị phản bội sẽ hành động trước và phản bội người khác trước. Nỗi sợ không được người khác nể phục sẽ khiến ông ta làm việc cật lực để trở thành tấm gương sáng trong mắt người khác. Tuy nhiên, nó sẽ có tác dụng ngược lại. Sợ rằng việc quản lý nhân viên không tốt, ông ta sẽ chú trọng tiểu tiết và trở thành nguồn gốc của sự quản lý sai lầm. Và còn nhiều thứ khác nữa, càng sợ hãi, càng lo lắng, ta càng trở nên mù quáng.
Lần tới, khi bạn lo lắng rằng kết quả sẽ không tốt, hãy nhớ rằng nếu không kiểm soát sự bồn chồn, nếu mất tự chủ, bạn có thể chính là nguồn gốc của thảm họa mà bạn sợ hãi. Những người thông minh hơn bạn, mạnh mẽ hơn bạn, thành công hơn bạn cũng đã từng sai lầm. Chúng ta cũng có thể phạm sai lầm như vậy.

Ngày 8 tháng 2: ĐIỀU ĐÓ CÓ LÀM BẠN THẤY NHẸ NHÕM HƠN KHÔNG?

“Ngươi khóc rằng mình đang phải chịu quá nhiều đau khổ! Rồi sao? Ngươi có cảm thấy nhẹ nhõm hơn không, nếu ngươi chịu đựng nó một cách không tự chủ?”
— SENECA, MORAL LETTERS, 78.17

Nếu có ai đó buồn bã đang ở gần bạn; họ khóc, họ la hét, họ đập vỡ đồ đạc; họ bị chỉ trích hoặc bị đối xử tàn nhẫn, hãy xem họ sẽ sững sờ đến mức nào với câu nói này: “Tôi hy vọng điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn”. Hiển nhiên là họ sẽ không cảm thấy tốt hơn. Chúng ta có thể hiểu được tại sao họ lại hành động như vậy, cũng như khi bong bóng cảm xúc của ta đã lên đến đỉnh điểm. Và sau đó, chúng ta thường cảm thấy ngượng ngùng và xấu hổ khi được yêu cầu giải thích hành động vừa rồi.
Rất đáng để áp dụng những tiêu chuẩn trên cho bản thân bạn. Lần tới, khi bạn thấy mình đang trong cơn hoảng loạn, hoặc đang rên rỉ với những triệu chứng của bệnh cúm, hoặc khóc lóc hối hận, chỉ cần hỏi: Điều này có thực sự làm tôi cảm thấy tốt hơn? Có thực sự làm giảm bất kỳ triệu chứng nào mà tôi muốn nó biến mất không?

Ngày 9 tháng 2: BẠN KHÔNG CẦN PHẢI CÓ Ý KIẾN

“Chúng ta có quyền không có ý kiến về một thứ gì đó và không để nó làm đảo lộn tâm trạng của mình. Bởi lẽ, những thứ đó không có sức mạnh tự nhiên để định hình các phán đoán của chúng ta.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.52

Đây là một bài tập thú vị: nghĩ về những điều khó chịu mà bạn không biết, về những thứ mà mọi người có thể đã nói sau lưng bạn, những sai lầm đã mắc phải mà bạn chưa từng ý thức, những thứ bạn đánh rơi hoặc làm mất mà chưa hề nhận ra. Phản ứng của bạn là gì? Không có, bởi vì bạn không hề biết về nó.
Nói cách khác, không nhất thiết phải suy nghĩ về một điều tiêu cực. Hãy tích trữ năng lượng thay vì sử dụng nó một cách bừa bãi. Đặc biệt khi suy nghĩ đó có khả năng khiến ta trở nên đau khổ hơn. Thực hành sự vô niệm — hành động như thể bạn không biết nó đã từng xảy ra hoặc chưa bao giờ nghe nói trước đây. Hãy để nó trở nên không liên quan hoặc không tồn tại với bạn. Có như vậy thì những thứ tiêu cực mới ít ảnh hưởng đến ta.

Ngày 10 tháng 2: GIẬN DỮ LÀ NGUỒN NĂNG LƯỢNG XẤU

“Không thứ gì đáng ngạc nhiên hơn sự giận dữ, không có gì khuất phục được sức mạnh của chính nó. Nếu nó chiến thắng, không gì kiêu ngạo hơn, nếu nó bị đẩy lui, không còn gì điên rồ hơn. Bởi vì cho dù có bị đánh bại nó cũng sẽ không lùi bước, khi vận mệnh lấy đi nguồn cơn giận dữ, nó quay lại gặm nhấm chính mình.”
— SENECA, ON ANGER, 3.1.5

Chủ nghĩa Khắc kỷ đã nhắc đi nhắc lại về việc giận dữ sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thường thì nó chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Chúng ta giận dữ, rồi người khác giận dữ, rồi mọi người đều giận dữ, và cuối cùng mọi chuyện chẳng đi tới đâu.
Nhiều người thành công sẽ cố gắng nói với bạn rằng sự giận dữ là một nguồn năng lượng to lớn cho cuộc sống của họ. Cái khao khát “chứng minh bọn chúng đều sai” hoặc “chửi thẳng mặt bọn chúng” từng thúc đẩy nhiều người trở thành triệu phú. Cái nỗi nhục khi bị gọi là đồ mập hoặc đồ ngu ngốc đôi khi khiến họ tỉnh thức tu luyện để có một cơ thể đẹp hoặc trở thành một triết gia thông thái. Sự tức giận khi bị từ chối đã thúc đẩy nhiều người tự vạch ra con đường cho mình.
Tuy nhiên, những câu chuyện trên về sự giận dữ thực quá thiển cận. Bởi lẽ, nó che giấu tác dụng phụ của cơn giận: sự tiêu hao tinh lực cho cơ thể. Nó không nói đến hậu quả khi sự bực tức lên đến đỉnh điểm — khi chúng ta phải gân cổ lên cãi cho bằng được (đó là: chúng ta lãnh đủ chính cơn giận của mình). Martin Luther King Jr. đã từng cảnh báo các nhà lãnh đạo dân quyền của mình vào năm 1967: “Sự thù ghét là một gánh nặng quá lớn”. Mặc dù, họ có mọi lý do để ăn miếng trả miếng.
Giận dữ và hầu hết các cảm xúc cực đoan khác chính là gánh nặng. Chúng là nguồn năng lượng độc hại. Quá rõ ràng, thế giới này có thừa nguồn năng lượng đó, nhưng đi cùng với nó, là cái hệ lụy không thể đo đếm được.

Ngày 11 tháng 2: ANH HÙNG HAY BẠO CHÚA NERO?

“Linh hồn của chúng ta đôi khi là một vị vua, và đôi khi là một tên bạo chúa. Một vị vua, thường gắn liền với từ ‘đáng tôn kính’, chăm sóc tốt cho cơ thể của mình, và không cho nó một căn cứ hay mệnh lệnh ô uế nào. Nhưng một linh hồn không được kiểm soát, chứa đầy ham muốn, mê muội quá mức đã biến từ một vị vua thành thứ đáng sợ nhất và đáng kinh tởm — một kẻ bạo chúa.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 114.24

Có ý kiến cho rằng quyền lực tuyệt đối là đồi bại. Thoạt nhìn thì đó là sự thật. Học trò của Seneca — Nero với những tội ác và những vụ thảm sát của hắn cùng đồng phạm là một ví dụ hoàn hảo.
Một hoàng đế khác, Domitian, đã tự ý trục xuất tất cả các nhà triết học khỏi Rome (Epictetus bị buộc phải chạy trốn như 1 điều tất yếu). Rất nhiều trong số các hoàng đế La Mã thời đó là những tên bạo chúa. Tuy nhiên, không nhiều năm sau, Epictetus đã trở thành bạn thân của một hoàng đế khác, Hadrian, người sẽ giúp Marcus Aurelius lên ngôi, một trong những minh chứng chân thực nhất của một vị vua triết học khôn ngoan.
Vì vậy, chưa thể rõ ràng rằng quyền lực luôn đi kèm với đồi bại. Trên thực tế, có vẻ như nó liên quan mật thiết, theo nhiều cách, với sức mạnh bên trong và sự tự nhận thức của cá nhân, những gì họ coi trọng, những niềm khao khát họ đang kiềm chế, liệu sự hiểu biết của họ về sự công bằng và công lý có thể chống lại những cám dỗ của sự giàu có vô hạn và sự tôn kính. Điều này cũng đúng với bạn. Trên cả phương diện cá nhân lẫn chuyên môn. Bạo chúa hay nhà vua? Anh hùng hay Nero? Bạn sẽ là ai?

Ngày 12 tháng 2: BẢO VỆ SỰ BÌNH YÊN TRONG TÂM TRÍ BẠN

“Hãy giữ sự bảo vệ liên tục đối với nhận thức của ngươi, vì điều mà ngươi đang bảo vệ không hề nhỏ nhặt, đó là sự tôn trọng, đáng tin cậy và kiên định của ngươi, sự bình yên trong tâm trí, sự giải thoát khỏi những đau đớn và sợ hãi, nói thẳng ra là sự tự do của ngươi. Vì điều gì mà ngươi sẽ bán đi những thứ này?”
— SENECA, MORAL LETTERS, 114.24

Công việc thất thường làm bạn căng thẳng, một mối quan hệ gây tranh cãi hay cuộc sống dưới ánh đèn sân khấu. Chủ nghĩa Khắc kỷ có thể làm cho những tình huống này trở nên dễ dàng chịu đựng hơn, vì nó giúp chúng ta kiểm soát và suy nghĩ thông qua các phản ứng cảm xúc của mình. Nó có thể giúp bạn quản lý và giảm thiểu các yếu tố kích thích mà dường như bạn liên tục gặp phải.
Nhưng ở đây có một câu hỏi: Tại sao bạn phải chịu đựng điều này? Đây có thực sự là môi trường dành cho bạn? Bị khiêu khích bởi những email khó chịu và một cuộc diễu hành bất tận của các vấn đề tại nơi làm việc? Tuyến thượng thận của chúng ta chỉ có thể xử lý rất nhiều việc trước khi chúng trở nên kiệt sức. Bạn có nên bảo vệ chúng trước những tình huống sinh tử không?
Vì thế, hãy sử dụng Chủ nghĩa Khắc kỷ để đối phó với những khó khăn này. Nhưng đừng quên tự hỏi: Đây có thực sự là cuộc sống tôi muốn không? Mỗi khi bạn u sầu, một phần nhỏ sự sống đang rời cơ thể bạn. Đây có thực sự là những thứ mà bạn muốn dành cho nguồn tài nguyên sống vô giá đó không? Đừng sợ việc phải thay đổi — kể cả đó là sự thay đổi lớn đi nữa.

Ngày 13 tháng 2: THÚ VUI CÓ THỂ TRỞ THÀNH SỰ TRỪNG PHẠT

“Bất cứ khi nào ngươi có ấn tượng về một thú vui nào đó, như với bất kỳ ấn tượng nào khác, hãy tự bảo vệ mình khỏi bị nó cuốn mình đi, hãy để nó chờ đợi hành động của ngươi, hãy cho bản thân một khoảng lặng. Sau đó, hãy nhớ đến hai thời điểm, thời điểm đầu tiên khi ngươi đã tận hưởng thú vui và lúc sau đó khi ngươi hối hận và ghét bỏ chính mình. Rồi so sánh nó với những niềm vui và sự hài lòng mà ngươi cảm nhận được khi bỏ qua nó hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu có một thời gian thích hợp để hành động, thì đừng bị sự thoải mái, dễ chịu và quyến rũ cuốn mình đi. Càng chống lại tất cả những điều này bao nhiêu, ý thức chinh phục nó sẽ mạnh mẽ hơn bấy nhiêu.”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 34

Tự kiểm soát bản thân là một điều khó khăn, điều đó không cần bàn cãi. Đó là lý do tại sao một mẹo phổ biến từ chế độ ăn kiêng có thể hữu ích. Một số chế độ ăn kiêng cho phép một ngày “ăn gian” (cheat day) — một ngày mỗi tuần, trong đó những người ăn kiêng có thể ăn bất cứ thứ gì và mọi thứ họ muốn. Thật vậy, họ được khuyến khích viết một danh sách trong tuần về tất cả các loại thực phẩm họ thèm để họ có thể thưởng thức tất cả chúng cùng một lúc (cách nghĩ ở đây là nếu bạn ăn uống lành mạnh suốt sáu ngày trong tổng số bảy ngày, thì điều đó có nghĩa là bạn vẫn có tiến bộ).
Lúc đầu, điều này nghe có vẻ như là một giấc mơ, nhưng bất cứ ai đã thực sự làm điều này đều biết sự thật rằng: sau mỗi ngày gian lận ăn no nê thỏa thích sẽ là cảm giác chán ghét bản thân. Chẳng mấy chốc, bạn đã sẵn sàng từ bỏ hẳn việc gian lận. Bởi vì bạn không cần đến nó, và bạn chắc chắn là không muốn nó. Nó chẳng khác nào việc một phụ huynh bắt quả tang được con mình đang hút thuốc lá và ép nó phải hút cả gói.
Việc tạo mối liên hệ giữa cám dỗ và tác động thực tế là điều rất quan trọng. Một khi bạn hiểu rằng sự nuông chiều thực sự có thể tồi tệ hơn việc chống lại cám dỗ, cám dỗ sẽ dần mất đi sự hấp dẫn của nó. Theo cách này, tự kiểm soát trở thành niềm vui thực sự, và sự cám dỗ trở thành sự hối tiếc.

Ngày 14 tháng 2: HÃY SUY NGHĨ TRƯỚC KHI HÀNH ĐỘNG

“Chỉ có một cách để trở nên khôn ngoan, đó là định vị sự chú ý vào trí tuệ của bản thân – thứ dẫn đường cho mọi việc khác.”
— HERACLITUS, QUOTED IN DIOGENES LAERTIUS, LIVES OF THE EMINENT PHILOSOPHERS, 9.1

Có lẽ bạn đã từng tự vấn bản thân rằng: Tại sao mình lại làm chuyện đó?. Chúng ta đều như vậy. Sao mình lại ngu như vậy? Mình đã nghĩ cái quái gì không biết?
Vấn đề ở đây là do bạn đã không nghĩ kĩ. Cái lý do cho hành động của bạn và cả trí tuệ mà bạn cần, nó vẫn luôn ở trong đầu của bạn. Phải đảm bảo rằng bạn đã trông cậy và tận dụng phần trí tuệ đó. Phải đảm bảo rằng chính tâm trí của bạn phải chịu trách nhiệm cho những quyết định này, chứ không phải là cảm xúc, cũng không phải là phản xạ, càng không phải là do hormones trong người bạn tăng vọt.
Tóm lại, hãy tập trung sự chú ý của bạn vào trí tuệ, và để cho trí tuệ làm việc của nó.

Ngày 15 tháng 2: CHỈ LÀ ÁC MỘNG THÔI

“Thức dậy, thả lỏng cơ thể và dọn dẹp mọi suy nghĩ, ngươi nhận ra giấc mơ tồi tệ vừa rồi đã làm mình rối loạn. Những thứ đáng sợ ngoài kia, cũng chẳng khác cơn ác mộng là mấy.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATION, 6.3

Raymond Chandler đã mô tả lại hầu hết chúng ta ở đây khi ông viết trong một lá thư cho nhà xuất bản của mình rằng “tôi không bao giờ nhìn lại quá khứ, mặc dù tôi đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn khi cố gắng nhìn về tương lai.” Thomas Jefferson đã từng nói đùa trong một lá thư gửi John Adams, đó là “Hầu hết những thứ tồi tệ khiến chúng ta đau khổ là những thứ chưa từng xảy ra”. Seneca thì có một câu thể hiện đỉnh cao của tinh thần Khắc kỷ: “Chẳng có gì khẳng định rằng thứ mà ta sợ hãi sẽ chắc chắn xảy ra hơn cái sự thật là hầu hết những điều ta khiếp đảm đều không có thực.”
Người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ tin rằng những điều làm ta thất vọng không có thật mà chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Giống như những giấc mơ, chúng sống động và thực tế vào thời điểm đó. Nhưng lại vô lý một khi chúng ta đã tỉnh giấc. Trong giấc mơ, chúng ta không quan tâm đến logic của sự việc. Chúng ta luôn để cho não bộ tiếp diễn các hình ảnh ảo diệu đó. Tương tự, khi chúng ta lên cơn giận, khi ta sợ hãi, hoặc khi ta phản ứng thái quá, đó là lúc ta để bản thân mình cuốn theo cảm xúc.
Nghĩ rằng bản thân đang đau khổ cũng giống như tiếp tục giấc mơ tồi tệ đêm qua vậy. Thứ kích động bản thân ta là ảo, nhưng phản ứng của chúng ta là thật. Cứ tiếp tục như vậy thì giấc mơ sẽ thành hiện thực. Đó là lý do tại sao bạn cần thức dậy ngay bây giờ thay vì nằm đó và tưởng tượng ra những cơn ác mộng.

Ngày 16 tháng 2: ĐỪNG KHIẾN MỌI THỨ KHÓ KHĂN HƠN

“Nếu ai đó hỏi làm thế nào để viết tên của ngươi, liệu ngươi có quát lên từng chữ cái? Và nếu họ bực tức, ngươi có đáp trả lại bằng sự giận dữ không? Ngươi không thích đánh vần nhẹ nhàng từng chữ cái cho họ à? Cho nên, nhiệm vụ trong cuộc đời là tổng hợp từng hành động của ngươi. Hãy để ý từng hành động này khi thực hiện trọng trách của mình. . . chỉ cần hoàn thành nó một cách cẩn thận là được.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.26

Hãy xem xét một kịch bản thường gặp sau. Bạn có một đồng nghiệp luôn khiến bạn thất vọng hoặc một ông chủ khó gần. Họ yêu cầu bạn làm việc gì đó và vì bạn không thích việc này, bạn ngay lập tức phản đối. Bạn đưa ra lý do này hoặc lý do khác, hoặc bạn cho rằng yêu cầu của họ thật đáng ghét và thô lỗ. Cho nên bạn nói với họ: “Tôi không làm đâu”. Sau đó, họ trả đũa bằng cách không thực hiện yêu cầu mà bạn đã giao cho họ trước đó. Và thế là cuộc xung đột dần leo thang.
Trong khi đó, nếu lùi lại một bước và nhìn nhận sự việc một cách khách quan, bạn có thể nhận ra rằng không phải tất cả những việc họ yêu cầu đều vô lý. Thậm chí, một số việc trong đó khá dễ thực hiện hoặc ít nhất là chấp nhận được. Và nếu bạn đã thực hiện những yêu cầu này, phần còn lại của công việc cũng dễ dàng hơn. Rồi dần dần mọi việc cũng sẽ hoàn thành.
Cuộc sống (và công việc của chúng ta) đã đủ khó khăn rồi. Đừng khiến nó khó khăn hơn bằng cách quá mẫn cảm về những vấn đề không quan trọng hoặc dấn thân vào những trận chiến ta không thực sự quan tâm. Hãy thuận theo tự nhiên (kathêkon*), hành động đơn giản, phù hợp trên con đường dẫn đến đức hạnh.

*Được dịch từ tiếng Anh—Kathēkon là một khái niệm của Hy Lạp, được tạo ra bởi người sáng lập Chủ nghĩa Khắc kỷ, Zeno xứ Citium. Nó có thể được dịch là “hành vi phù hợp”, “hành động phù hợp” hoặc “hành động thuận tiện cho tự nhiên” hoặc “chức năng phù hợp” 

Ngày 17 tháng 2: KẺ THÙ CỦA HẠNH PHÚC

“Còn khao khát thứ chúng ta chưa có thì rất khó để ta cảm nhận sự hạnh phúc. Hạnh phúc luôn có sẵn ở đó, luôn tràn trề như được đã nuôi dưỡng tốt, đừng theo đuổi nó nữa.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.24.17

Chúng ta tự nói với bản thân rằng chúng ta sẽ hạnh phúc khi tốt nghiệp. Bạn sẽ hạnh phúc khi được thăng chức, khi chế độ ăn kiêng này đạt hiệu quả, khi bạn có được số tiền mà bố mẹ bạn chưa bao giờ có. Các nhà tâm lý học gọi đây là kiểu hạnh phúc có điều kiện. Giống như hy vọng đi bộ đến đường chân trời, bạn có thể đi hàng dặm mà không bao giờ tới nơi. Thậm chí là quãng đường đi cũng chẳng hề ngắn lại.
Háo hức mong đợi một sự kiện nào đó trong tương lai, say mê tưởng tượng điều gì đó mà bạn mong muốn, trông chờ một kịch bản hạnh phúc diễn ra… Sự tự huyễn hoặc đầy khoái cảm này — chúng phá hỏng cơ hội để bạn cảm nhận hạnh phúc thực sự ngay ở thời điểm hiện tại. Hãy xác định nhiều hơn và chính xác hơn những khát khao mãnh liệt đó là gì và một ngày nào đó bạn sẽ nhìn thấu: nó chính là kẻ thù của sự viên mãn. Chọn nó hoặc hạnh phúc của bạn. Như Epictetus nói, hai thứ này không thể đi cùng nhau.

Ngày 18 tháng 2: CHUẨN BỊ CHO CƠN BÃO

“Người khỏe mạnh thực thụ là người luôn rèn luyện nghiêm ngặt để chống lại những thiên kiến sai lệch. Hãy luôn vững vàng dù chính mình là người đau khổ, và đừng để những thiên kiến sai lệch cuốn đi! Tranh đấu là điều tuyệt vời, nhiệm vụ thần thánh là có được quyền làm chủ, sự tự do, hạnh phúc và yên bình.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.18.27—28

Epictetus đã dùng một cơn bão để ẩn dụ rằng thiên kiến của chúng ta cũng như thời tiết khắc nghiệt có thể tóm lấy và làm chúng ta quay cuồng. Ta có thể liên tưởng đến lần ta bị kích động hoặc say mê điều gì đấy.
Nhưng hãy nghĩ về vai trò của thời tiết trong thời hiện đại. Ngày nay, chúng ta có những nhà dự báo và chuyên gia có thể dự báo khá chính xác những cơn bão. Bạn có thể chống lại chúng khi chú ý đến các cảnh báo và chuẩn bị đầy đủ.
Bạn cần có kế hoạch, nếu không học cách dựng những cửa sổ chống bão bạn sẽ phải chịu những tác động từ bên ngoài — và cả bên trong. Chúng ta vẫn luôn chịu sự trừng phạt bởi những cơn lốc có tốc độ gió lên đến 100 dặm/giờ, nhưng chúng ta có lợi thế là có thể chuẩn bị để chống lại chúng theo những cách mới.

Ngày 19 tháng 2: BỮA TIỆC CỦA CUỘC SỐNG

“Hãy nhớ kiểm soát bản thân mình trong cuộc sống như cách ngươi làm vậy trong một bữa tiệc. Khi một món ăn nào đó được đưa đến trước ngươi, hãy đưa tay ra và lấy một lượng vừa phải. Món ăn được bưng qua chỗ ngươi? Đừng dừng nó lại. Nó vẫn chưa đến? Đừng để ham muốn về nó bùng lên, mà hãy đợi cho nó được đưa đến trước mặt ngươi. Hành động theo cách này với trẻ em, vợ/chồng, khi hướng tới địa vị, sự giàu có — một ngày nào đó điều này sẽ khiến ngươi xứng đáng có được một bữa tiệc cùng các vị thần.”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 15

Lần tới, khi nhìn thấy thứ gì đó bạn muốn, hãy nhớ tới Bữa tiệc cuộc sống của Epictetus. Nếu bạn cảm thấy phấn khích, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được nó, cũng như cách bạn đưa tay qua bàn và chộp ấy món ăn bạn thích trên tay một người khác, chỉ cần nhắc nhở bản thân: việc làm đó là thô lỗ và không cần thiết. Sau đó kiên nhẫn chờ đến lượt bạn.
Sự ẩn dụ này cũng có cách giải thích khác. Ví dụ, chúng ta có thể phản hồi rằng chúng ta cảm thấy rất may mắn khi được mời tham gia một bữa tiệc tuyệt vời như vậy (lòng biết ơn). Hoặc là chúng ta nên dành thời gian để thưởng thức những món ăn được đưa ra (tận hưởng khoảnh khắc hiện tại) nhưng đừng cố nhét tất cả những đồ ăn thức uống không dành cho ai vào bụng mình, nó không tốt sức khỏe đâu (sau tất cả, tham ăn là một tội lỗi chết người). Vào cuối bữa ăn, sẽ thật thô lỗ nếu không giúp chủ nhà dọn dẹp và làm các món ăn (lòng vị tha). Và cuối cùng, lần tới, sẽ đến lượt chúng ta tổ chức bữa tiệc và đối xử với những người khác như cách chúng ta được đối xử ngày hôm nay (lòng nhân ái).
Hãy thưởng thức bữa ăn!

Ngày 20 tháng 2: SỰ PHÔ TRƯƠNG MẠNH MẼ CỦA HAM MUỐN

“Những tên cướp, những kẻ biến thái, những kẻ giết người và những bạo chúa — chúng ở đây để ngươi xem xét những thứ chúng gọi là thú vui!”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.34

Đánh giá người khác chưa bao giờ là tốt, nhưng đáng để bỏ ra một giây xem xét làm thế nào một cuộc sống lại chỉ được dành để tận hưởng những thú vui. Nhà văn Anne Lamott đã đùa trong cuốn Bird by Bird (Những chú chim ở cạnh nhau): “Có bao giờ bạn tự hỏi Chúa nghĩ gì về tiền? Chỉ cần nhìn vào những người mà Ngài đưa tiền cho.” Điều tương tự với những thú vui. Nhìn vào những kẻ độc tài và hậu cung của hắn đầy những kẻ tình nhân mưu mô, xảo quyệt. Nhìn xem bữa tiệc của một ngôi sao trẻ chuyển sang chìm đắm trong ma túy một cách nhanh chóng như thế nào và kéo theo sự nghiệp bị đình trệ.
Tự hỏi bản thân: Điều đó có thực sự xứng đáng? Đó có thực sự là niềm vui?
Hãy lưu tâm đến điều đó khi bạn khao khát một thứ gì hoặc suy ngẫm về việc nuông chiều một thói xấu “vô hại”.

Ngày 21 tháng 2: ĐỪNG ƯỚC, ĐỪNG MONG

“Hãy nhớ rằng không chỉ ham muốn tiền tài và địa vị làm suy yếu và khuất phục chúng ta, mà cả những ham muốn cho sự yên bình, nhàn hạ, du lịch và học hỏi. Bất kể thứ ngoại cảnh đó là gì đi nữa, những giá trị mà chúng ta dành cho nó sẽ khuất phục ta. Nơi ngươi đặt trái tim chính là nơi mà trở ngại sẽ hiện diện.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.4.1–2

Vậy Epictetus có ý muốn nói rằng muốn yên bình, nhàn hạ, du lịch và học hỏi là những điều xấu, phải không? Ơn trời, không phải vậy đâu. Nhưng những ham muốn mãnh liệt này — kể cả bản thân nó không xấu — cũng vẫn ẩn chứa những biến chứng tiềm tàng. Những điều ta ham muốn chính là những điều khiến chúng ta trở nên mong manh và dễ bị tổn thương. Dù cho đó là mong muốn có cơ hội được đi du lịch vòng quanh thế giới, hay là được làm tổng thống trong 5 phút yên bình và kín đáo, thì khi chúng ta dành quá nhiều mong muốn cho một điều gì đó, chúng ta đặt niềm tin vào những hy vọng mong manh, và rồi thất vọng là không thể tránh khỏi. Bởi vì khi có bàn tay của số phận nhúng vào, chúng ta càng dễ dàng đánh mất bản thân.
Theo Diogenes, một nhà triết học hoài nghi, từng nói, “Đặc quyền của Chúa, là ông ấy không có bất cứ ham muốn gì, và đặc quyền của những người tiệm cận với thần thánh, là ham muốn rất ít.”
Có ít ham muốn khiến một người trở nên bất bại — vì khi đó chẳng có gì nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn cả. Điều này không chỉ đúng cho những ham muốn mà người ta vốn hay coi thường như giàu có hay danh tiếng — những kiểu cuồng vọng mà ta thường thấy trong các vở kịch và truyện ngụ ngôn kinh điển. Ánh đèn xanh mà Gatsby luôn nỗ lực để đạt được, có thể đại diện cho những thứ tươi đẹp như tình yêu hay một mục đích cao cả nào đó (Trong cuốn Gatsby vĩ đại — ND). Nhưng những thứ tươi đẹp như vậy cũng có thể huỷ hoại hoàn toàn một con người.
Khi cân nhắc những mục tiêu mà bạn đang nỗ lực vì chúng, hãy hỏi chính mình: Tôi có đang kiểm soát chúng, hay chúng kiểm soát tôi?

Ngày 22 tháng 2: CÓ NHỮNG ĐIỀU TỐT HƠN LÀ ĐỪNG NÓI RA

“Cato luyện tập những bài phát biểu trước công chúng, những bài phát biểu có thể làm lay động đám đông, những bài phát biểu cho rằng những triết lý chính trị phù hợp là cần thiết như việc mọi thành phố lớn cần duy trì trạng thái hiếu chiến. Nhưng ông không bao giờ luyện tập những bài phát biểu này trước mặt người khác và cũng chưa từng có ai được nghe ông tập nói những bài này. Khi biết có người đổ lỗi cho sự im lặng của mình, ông đáp: ‘Họ lẽ ra không nên đổ lỗi cho tôi. Tôi chỉ nói khi tôi chắc chắn rằng những gì tôi sẽ nói không nên được giữ trong lòng.”
— PLUTARCH, CATO THE YOUNGER, 4

Làm thì dễ — chỉ cần bắt tay vào làm. Cái khó là ở chỗ dừng lại, tạm ngưng lại để suy nghĩ: Không, tôi không chắc là tôi cần làm chuyện đó lúc này. Tôi không chắc mình đã sẵn sàng. Khi Cato tham gia chính trường, nhiều người kỳ vọng vào những hành động ghê gớm và trực diện từ ông — những bài phát biểu khuấy đảo, những lời lên án hùng hồn, những phân tích tinh tường. Ông nhận thức được rõ những áp lực này — những áp lực luôn đè lên vai mỗi người trong chúng ta, dù ở bất kì thời đại nào và ông đã chống lại nó. Thoả mãn đám đông (và thoả mãn cái tôi của bản thân chúng ta) thì không có gì khó cả.
Nhưng Cato đã chờ đợi, và chuẩn bị. Ông phân tích từng suy nghĩ của mình, để chắc chắn rằng ông không phản ứng một cách cảm tính, vị kỷ, vô tâm hoặc thiếu chín chắn. Khi ông phát ngôn — là khi mà ông tự tin rằng ngôn từ của mình đáng để người đối diện phải lắng nghe.
Để làm được điều này, cần phải có sự nhận thức. Chúng ta cần phải ngừng một chút và đánh giá bản thân mình một cách chân thực nhất có thể. Bạn làm được chứ?

Ngày 23 tháng 2: HOÀN CẢNH KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN CẢM XÚC CỦA CHÚNG TA

“Ngươi không nên để hoàn cảnh kích động cơn giận của mình, vì chúng không quan tâm đến cảm xúc của ngươi đâu.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.38

Phần lớn cuốn sách Meditations— Suy tưởng của Marcus Aurelius là những câu trích dẫn ngắn và những đoạn văn của các cây viết khác. Thực ra là do Marcus không muốn cố tạo ra một tác phẩm nguyên gốc — mà thay vào đó là ông ấy chỉ đang luyện tập, tự nhắc bản thân mình rằng đây kia vẫn còn nhiều bài học quan trọng, và đôi khi những bài học này là những thứ ông ấy đã từng đọc trước đây.
Trích dẫn trên khá đặc biệt vì nó có nguồn gốc từ một vở kịch của Euripides, vở kịch này ngoài việc có khá nhiều những trích dẫn lẻ tẻ ra thì nó đã bị thất lạc. Những gì chúng ta biết được về vở kịch này là: Bellerophon — người anh hùng, bắt đầu đặt nghi vấn về sự tồn tại của các vị thần. Nhưng trong một đoạn, anh ấy nói: Tại sao lại phiền lòng về những nguyên nhân và thế lực to lớn hơn chúng ta nhiều lần vậy? Tại sao chúng ta lại buồn lòng về chuyện đó? Cuối cùng thì, những sự kiện ngoại cảnh này đâu có phải là những thứ có lòng thương cảm — chúng không thể hồi đáp lại những tiếng thét và lời than khóc của chúng ta — và những vị thần vô tâm cũng vậy thôi.
Đó là những gì Marcus đã cố gắng nhắn nhủ với bản thân: Hoàn cảnh không thể quan tâm đến cảm xúc, đến nỗi lo âu hay sự phấn khích của mình đâu. Hoàn cảnh không quan tâm đến phản ứng của bạn. Hoàn cảnh không phải là con người. Vì vậy đừng có làm như là tức giận hay phấn khích sẽ thay đổi được tình hình. Tình hình cũng không quan tâm đâu.

Ngày 24 tháng 2: NGUYÊN NHÂN GÂY HẠI THỰC SỰ

“Giữ trong suy nghĩ của bản thân rằng sự tổn hại không phải là một ai đó mang nó đến và văng một cú đánh làm tổn hại ngươi, đúng hơn sự tổn hại này đến từ niềm tin của chính ngươi về điều đó. Khi một ai đó xung quanh làm ngươi trở nên giận dữ, hãy nhớ rằng chính ý kiến riêng của ngươi thúc đẩy sự giận dữ. Trong lúc này, phản ứng đầu tiên của ngươi là không để sự tổn hại cuốn mình đi bởi những ấn tượng xấu, ngươi sẽ dễ dàng làm chủ bản thân hơn nếu có thêm khoảng cách và thời gian.”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 20

Chủ nghĩa Khắc kỷ nhắc nhở chúng ta rằng không có sự kiện đã xảy ra nào là tốt hay xấu cả. Khi một tỷ phú mất 1 triệu đô—la trong cái thị trường đầy biến động này, nó khác với việc tôi và bạn mất 1 triệu đô—la. Việc bạn bị nhận lời chỉ trích từ kẻ thù tồi tệ nhất thì khác biệt nhiều so với việc nhận được những lời nói cay nghiệt của người bạn đời. Nếu một ai đó gửi cho bạn một bức thư mang đầy sự giận dữ trong đó nhưng bạn chưa bao giờ nhìn thấy nó, liệu sự tổn thương có thực sự xảy ra? Nói cách khác, những tình huống này được đánh giá là “xấu” nếu có sự tham gia và phân tích của bạn.
Phản ứng của bạn quyết định liệu sự tổn thương có xảy ra hay không. Nếu bạn cảm thấy bạn đã làm sai và trở nên giận dữ, thì đó chính là cách mà sự tổn thương xuất hiện. Nếu bạn lên tiếng vì bạn cảm thấy bị đối đầu, thì tự nhiên một cuộc đối đầu sẽ xảy ra.
Nhưng nếu bạn kiểm soát bản thân mình, bạn sẽ là người quyết định xem nên dán nhãn một thứ gì đó tốt hay xấu. Trong thực tế, nếu cùng một sự kiện xảy ra ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, bạn cũng có nhiều phản ứng khác nhau. Vậy tại sao chúng ta không chọn cách không dùng những nhãn dán này? Tại sao không chọn cách không phản ứng với nó?

Ngày 25 tháng 2: KHÓI VÀ BỤI TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN THẦN THOẠI

“Giữ một danh sách trong đầu về những người phừng phừng cơn giận và phẫn nộ về một điều gì đó, thậm chí đó là những người được biết đến vì sự thành công, bất hạnh, hành động xấu xa hoặc bất kỳ sự phân biệt đặc biệt nào khác. Sau đó hỏi chính bản thân mình, sao lại thành như vậy? Khói và bụi, những thứ còn sót lại của câu chuyện thần thoại đang dần trở thành huyền thoại…”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 12.27

Trong các tác phẩm của Marcus Aurelius, ông liên tục chỉ ra tại sao các vị hoàng đế xuất hiện trước ông hầu như không được nhớ đến dù chỉ vài năm sau đó. Đối với ông, điều này nhắc nhở rằng dù cho các vị hoàng đế có chinh phục được nhiều đến đâu, dù cho các vị hoàng đế có áp đặt ý chí của mình lên toàn thế giới nhiều đến đâu đi chăng nữa, nó cũng giống như việc xây một lâu đài cát vậy — sẽ sớm bị xóa sạch bởi những cơn gió thời gian.
Điều tương tự cũng xảy ra với những người bị đẩy lên cao bởi sự ghét bỏ, tức giận, nỗi ám ảnh hay cầu toàn. Marcus thích chỉ ra rằng Alexander Đại Đế — một trong những người đàn ông chủ động và tham vọng nhất từng sống — đã được chôn cùng khu đất với người đánh xe lừa của mình. Cuối cùng, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ trở về với cát bụi và dần trở nên bị lãng quên. Chúng ta nên tận hưởng khoảng thời gian ngắn ngủi khi chúng ta còn ở trên trái đất này — không biến thành nô lệ cho những cảm xúc khiến chúng ta đau khổ và bất mãn.

Ngày 26 tháng 2: GIỮ LẠI CHO RIÊNG MÌNH

“Người khác đã làm sai với ta? Hãy để anh ta tự thấy điều đó. Anh ta có khuynh hướng của riêng mình, và những vấn đề riêng của anh ta. Những gì ta có bây giờ là những gì tự nhiên mong muốn, và những gì ta nỗ lực để hoàn thành bây giờ là những gì thân tâm ta mong muốn.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.25

Đôi khi, Abraham Lincoln nổi giận với một cấp dưới, một vị tướng của mình, thậm chí một người bạn. Thay vì trực tiếp chỉ ra lý do từ người đó, Lincoln đã viết một lá thư dài, chỉ rõ tại sao họ sai và những gì Lincoln muốn họ biết. Sau đó Lincoln gấp lá thư lại, đặt nó vào trong ngăn bàn, và không bao giờ gửi nó đi. Rất nhiều lá thư trong số đó may mắn được giữ lại.
Lincoln biết, cũng như các cựu hoàng của thành Rome biết, rằng việc phản ứng lại thì rất dễ dàng. Thật hấp dẫn để cho họ biết một phần suy nghĩ của bạn. Nhưng sau đó bạn sẽ thấy hối tiếc. Bạn hầu như luôn mong ước rằng bạn đã không gửi lá thư đó đi. Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn mất kiểm soát. Kết quả là gì? Có lợi ích gì không?

Ngày 27 tháng 2: NUÔI DƯỠNG SỰ TRUNG LẬP KHI NGƯỜI KHÁC NUÔI DƯỠNG ĐAM MÊ

“Trong tất thảy mọi điều, một số là tốt, một số là xấu, và những cái còn lại là vô thưởng vô phạt. Cái tốt là những phẩm hạnh và tất cả những gì chia sẻ trong chúng; cái xấu là tật xấu và tất cả những thứ nuông chiều chúng; sự trung lập nằm giữa phẩm hạnh với tật xấu và những điều như sự giàu có, sức khỏe, sự sống, cái chết, niềm vui và cả nỗi đau.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.19.12b–13

Hãy tưởng tượng sức mạnh kỳ diệu mà bạn có trong cuộc sống và các mối quan hệ khi mà những điều gây rắc rối gây ra cho tất cả mọi người như – họ gầy bao nhiêu ký, họ có bao nhiêu tiền, họ còn sống được bao lâu, họ sẽ chết như thế nào – không còn quan trọng nữa. Điều gì sẽ xảy ra nếu, trong khi người khác thì buồn bã, đố kỵ, kích động, chiếm hữu hoặc tham lam, còn bạn thì khách quan, bình tĩnh và sáng suốt? Bạn có thể hình dung được điều đó không? Tưởng tượng xem, với điều đó, bạn sẽ làm được những gì cho những mối quan hệ của bạn tại nơi làm việc, hoặc cho tình yêu của bạn, hoặc cho những người bạn của bạn. Seneca là một người cực kỳ giàu có, thậm chí nổi tiếng nữa — nhưng ông là một người khắc kỷ. Ông có rất nhiều vật chất, tuy nhiên, như là một người khắc kỷ, ông cũng có thái độ trung lập với vật chất. Ông có thích thú chúng trong một khoảng thời gian, nhưng ông cũng chấp nhận rằng, rồi một ngày nào đó chúng sẽ biến mất. Đó là một thái độ tốt hơn so với tuyệt vọng ham muốn có nhiều hơn hoặc sợ hãi mất mát dù chỉ một xu. Trung lập là điều vững chắc nằm ở giữa.
Đừng hiểu lầm đó là sự né tránh hay trốn tránh, mà đó là việc không cho phép những điều đó có sức mạnh hay sự ưu ái nhiều hơn mức phù hợp. Đây không phải là điều dễ dàng thực hiện, chắc chắn rồi, nhưng nếu bạn có thể làm được việc này, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.

Ngày 28 tháng 2: KHI BẠN MẤT KIỂM SOÁT

“Linh hồn giống như một bát nước, và những ấn tượng của chúng ta với thế giới ngoài kia giống như tia sáng xuyên vào nước. Khi nước bị khuấy động, có vẻ như chính ánh sáng cũng di chuyển cùng theo, nhưng thực ra ánh sáng không di chuyển. Vì vậy, khi một người mất bình tĩnh, đó không phải là kỹ năng và phẩm hạnh của họ đang có vấn đề, mà là tinh thần của họ, và khi tinh thần đó bình tĩnh lại, những điều khác cũng sẽ lắng xuống.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.3.20–22

Bạn gây ra một chút rắc rối. Hoặc có thể bạn gây ra rất nhiều rắc rối.
Thì sao nào? Điều đó không làm thay đổi triết lý mà bạn biết. Nó không có nghĩa là sự lựa chọn hợp lý của bạn đã bỏ rơi bạn vĩnh viễn. Mà chính bạn mới là người đang tạm thời từ bỏ nó.
Hãy nhớ rằng các công cụ và mục tiêu huấn luyện của chúng ta không bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn của bạn thời điểm này. Hãy dừng lại. Lấy lại bình tĩnh. Nó vẫn đang chờ bạn.

Ngày 29 tháng 2: BẠN KHÔNG THỂ LUÔN CÓ CÁI BẠN MUỐN

“Khi những đứa trẻ đút tay vào một cái hũ mứt nhỏ hẹp, chúng không thể bỏ tay ra ngoài và bắt đầu khóc. Hãy bỏ bớt một vài thứ đang nắm chặt trong tay và ngươi sẽ rút được tay ra! Kiềm chế ham muốn của mình — đừng đặt trái tim của ngươi vào rất nhiều thứ rồi ngươi sẽ nhận được những gì ngươi cần.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.9.22

“Chúng ta có thể có tất cả” là một câu thần chú trong cuộc sống hiện đại của chúng ta. Công việc, gia đình, mục đích, thành công, thời gian giải trí — chúng ta muốn tất cả những thứ này, cùng một lúc (ngay bây giờ, để bắt đầu).
Ở Hy Lạp, giảng đường (scholeion) là một trung tâm giải trí nơi học sinh chiêm ngưỡng những điều cao cả hơn (điều tốt, điều đúng đắn và đẹp đẽ) với mục đích sống một cuộc sống tốt hơn. Đó là về sự ưu tiên, về việc đặt câu hỏi về các ưu tiên trong thế giới bên ngoài. Ngày hôm nay, chúng ta đã quá bận rộn để có được mọi thứ, giống như những đứa trẻ đưa tay chăm chăm đút vào hũ mứt nhỏ hẹp, đó là quá nhiều.
“Đừng đặt trái tim ngươi vào quá nhiều thứ”. Epictetus nói. Tập trung. Ưu tiên. Tập cho tâm trí bạn phải biết đặt ra câu hỏi: “Mình có cần thứ này không? Điều gì sẽ xảy ra nếu mình không có được nó? Mình có thể làm mà không có nó không?”
Những câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp bạn thoải mái, giúp bạn loại bỏ những thứ không cần thiết làm bạn bận rộn — thậm chí là quá bận rộn để có cuộc sống cân bằng hoặc hạnh phúc.

Danh Sách Các Tháng Khác

Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết