
CHƯƠNG 4: Kẻ phản diện: Khi những cảm xúc tiêu cực xuất hiện
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "THE DAILY STOIC" TIẾNG VIỆT BẢN MỚI 2022
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ - TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỂ GẶT HÁI SỨC BẬT TINH THẦN, TỰ TIN VÀ ĐIỀM TĨNH"
Nội dung bài viết
ToggleCHƯƠNG 4: Kẻ phản diện: Khi những cảm xúc tiêu cực xuất hiện
“Một khi [sự tức giận] bắt đầu khiến chúng ta bị cuốn theo, rất khó để trở lại trạng thái tỉnh táo, bởi vì lý trí trở nên vô dụng khi sự kích động đã xâm nhập vào tâm trí. . .
Kẻ thù phải bị chặn đứng và đánh lui ở giới tuyến ngoài cùng: vì khi hắn đã bước chân vào trong thành và đánh hạ từng bức tường thành, hắn sẽ không cho phép bất kì ai cản đường đến thắng lợi vẻ vang của mình.”
– SENECA
Hạnh phúc có vẻ khá dễ đạt được, phải không? Đối với trường phái Khắc kỷ, nó chỉ bao gồm cách chúng ta phản ứng với các sự việc và cách ta lựa chọn hành động. Điều chỉnh hành động của chúng ta sao cho có đạo đức là điều kiện đủ (cũng là điều kiện cần) để cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy. Vậy điều gì xảy ra? Tại sao tất cả chúng ta không dễ dàng chạm đến cái đích này?
Cuộc sống vướng chân ta. Thực tế ngáng đường chúng ta; nó làm chúng ta ngạc nhiên, có chút choáng ngợp, gây ra sự sợ hãi, bất an, tức giận và đau buồn, và khiến chúng ta muốn bỏ chạy và trốn tránh. Mọi thứ khó khăn hơn ta tưởng, và chúng xảy ra khác với những gì ta mong chờ và mong muốn; và chúng ta phải đấu tranh để giải quyết chúng một cách hiệu quả hoặc thậm chí phải chấp nhận chúng ngay từ đầu. Nhưng đợi đã! Chủ nghĩa Khắc kỷ dạy rằng các ngoại cảnh không quan trọng và chúng ta phải tìm kiếm những điều tốt đẹp từ bản thân trước tiên. Có vẻ như cuộc sống vướng chân ta; nhưng trên thực tế, chính những cảm xúc tiêu cực của chúng ta đã gây ra cản trở. Những cảm xúc mãnh liệt này đánh bại tâm trí của chúng ta, thậm chí là toàn bộ cơ thể, khiến chúng ta không thể suy nghĩ rõ ràng và thôi thúc chúng ta làm ngược lại những gì chúng ta cho là đúng.
Một khi tâm trí của chúng ta đã bị thu phục bởi những cảm xúc tiêu cực, hoặc theo cách nhà Khắc kỷ gọi chúng – những cảm xúc kích động, chẳng hạn như sự sợ hãi, đau buồn, tức giận hoặc tham lam vô cớ; những cảm xúc kích động này sẽ nắm quyền kiểm soát và khiến chúng ta phản ứng một cách bốc đồng mà không hề suy nghĩ. Như Seneca đã nói trong những dòng mở đầu của chương này, một khi kẻ thù đã thâm nhập vào tâm trí, lý trí sẽ biến mất. Chỉ có một thứ được xuất hiện, hoặc lý trí hoặc cảm xúc kích động; khi cảm xúc kích động giữ tay lái, lý trí bị trói chặt và bịt miệng nằm im lìm trong cốp xe.

Cảm xúc tiêu cực đem lại cảm giác tồi tệ; hãy nghĩ đến sự đau buồn, sợ hãi, ghen tị, hoặc cảm giác thèm ăn đến cồn cào ruột gan. Vì vậy, khi cảm xúc giữ tay lái và trong ta cảm thấy tồi tệ, ưu tiên số một của chúng ta (một cách vô thức) là làm sao để cảm thấy tốt hơn và chúng tôi tự động tìm cách giảm bớt nỗi đau mà chúng ta đang cảm thấy. Cảm xúc tiêu cực ra lệnh cho chúng ta làm những gì khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn và làm nguôi đi nỗi đau trong thời điểm hiện tại, mặc xác những giá trị và mục tiêu dài hạn của chúng ta là gì. Cuối cùng, chúng ta gạt những giá trị quan trọng của mình sang một bên, và thay vào đó trốn tránh như một kẻ hèn nhát, đặt bánh pizza và tiramisu, say sưa xem phim Marvel, đập phá đồ đạc, hét vào mặt bạn bè và lũ trẻ, và mua những đôi giày cao gót màu đen mà chúng ta không cần đến.
Cảm xúc tiêu cực có vô số hình thức. Chúng có thể nuốt chửng chúng ta hoàn toàn, giống như cơn giận dữ dữ dội đột ngột khiến ta mất đi sự sáng suốt và hành động không suy nghĩ – bam! – Và sự đã đành. Cảm xúc tiêu cực có thể có dạng nhẹ nhàng hơn nhiều, ví dụ như sự đau khổ có thể dẫn đến sự tủi thân, những suy nghĩ trầm cảm và sự trì trệ. Hoặc cảm xúc tiêu cực có thể trở nên rất khó phát hiện; nó ở dưới dạng “chỉ là không có hứng làm gì cả”, điều này có thể xuất phát từ những cảm xúc khác nhau và khiến chúng ta đơn giản là không làm những gì chúng ta biết là chúng ta nên làm (đã bao giờ nghe nói đến sự trì hoãn chưa?).
Ví dụ, khi tôi còn là một thiếu niên, một người bạn của tôi đã bị một anh chàng khác ở trường đánh đập. Những đứa trẻ khác và tôi chỉ đứng nhìn, và tôi biết giúp đỡ là việc đúng đắn, nhưng có thứ gì đó bên trong đang kìm hãm tôi; Tôi không cảm thấy muốn giúp đỡ, tôi đã e sợ. Cảm xúc đã chiến thắng. Ví dụ khác là: vô số lần tôi thấy một cô gái đẹp trong quán bar và muốn làm quen, nhưng đồng thời tôi không cảm thấy muốn làm quen. Tôi đã sợ hãi. Cảm xúc đã chiến thắng gần như mọi lúc. Tất nhiên tôi đã có một số lý do bao biện hợp tình hợp lý; cô ấy không xinh đến như vậy, tôi chỉ không có tâm trạng [để làm quen], tôi ở đó chỉ vì muốn dành thời gian vui vẻ với anh em bạn bè, v.v.
Không quan trọng cảm xúc nào thực sự gây cản trở – đối với tôi, trong nhiều trường hợp, đó là nỗi sợ hãi (tôi đang cố cải thiện vấn đề đó), đối với bạn đó có thể là giận dữ, tham lam, oán giận hoặc tự hào. Vấn đề với những cảm xúc này không phải sự tồn tại của chúng, mà là chúng lấn át chúng ta đến mức chúng ta làm ngược lại những gì chúng ta phải làm. Và như chúng ta đã học trước đó, hành động lý trí là gốc rễ của hạnh phúc, do đó, chúng ta không thể sống một cuộc sống hạnh phúc khi để những rối loạn cảm xúc mạnh mẽ này chi phối hành động của mình. Các nhà Khắc kỷ tin rằng những cảm xúc kích động như vậy có hại cho cuộc sống tốt đẹp và gây ra khổ sở cho nhiều người. Đa số chúng ta biến thành nô lệ cho những cảm xúc này; chúng ta cũng thường hành động theo cảm xúc thay vì tiêu chuẩn đạo đức của mình.
Vì vậy, các nhà Khắc kỷ muốn chúng ta vượt qua những nỗi sợ hãi và mong muốn phi lý này, để chúng ta có thể hành động có đạo đức và đạt được hạnh phúc thực sự. Ngoài ra, đôi khi, những cảm xúc này đi ngược lại bản chất lý trí của chúng ta khi chúng lờ đi những điều đúng đắn.
Khi tôi lo sợ phải làm quen một cô gái nào đó, nỗi sợ hãi và sự thụ động của tôi hoàn toàn đi ngược lại đức tính của mình – thật không khôn ngoan và vô lý khi sợ hãi những gì không nguy hiểm, việc này chứng tỏ tôi thiếu kỷ luật tự giác vì không vượt qua được sự phản kháng bên trong; đây đơn giản là hành động hèn nhát. Điều cần thiết là phải vượt qua những cảm xúc tiêu cực này nếu chúng ta muốn thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Đây là lý do tại sao một phần quan trọng của triết lý Khắc kỷ là ngăn chặn sự khơi dậy của những cảm xúc tiêu cực, đồng thời chuẩn bị để đối phó với chúng một cách hiệu quả và không bị lấn át nếu chúng tuôn trào (và nó sẽ xảy ra!).
Vậy bí kíp là gì? Không có bí kíp thật sự nào cả (xin lỗi nha!).
Tuy nhiên, có những bài thực hành cụ thể sẽ giúp bạn chuẩn bị cho những tình huống khó khăn. (Những bài thực hành này được đề cập trong phần thứ hai của cuốn sách.) Sau phần ghi chú ngắn gọn, chúng ta sẽ xem xét hai lý do chính khiến cảm xúc tiêu cực chế ngự chúng ta ngay từ đầu. Khi chúng ta có thể giảm thiểu hai điều này, chúng ta sẽ ít có cảm xúc tiêu cực hơn và chúng ta sẽ đối phó với chúng tốt hơn nữa.
Chú ý: Bộ não của chúng ta được tạo ra vì mục đích tồn tại chứ không phải mục đích thăng hoa. Mục tiêu chính của tổ tiên chúng ta là tồn tại và tái tạo. Thức ăn và nước uống trước đây rất khan hiếm. Và nguy hiểm rình rập khắp nơi, vì vậy họ luôn phải đề phòng những con vật nguy hiểm và các phe cánh đối địch. Đó là lý do tại sao bộ não của chúng ta đã phát triển thành kiến tiêu cực – nếu họ bị một con sói bất ngờ bắt gặp, họ sẽ chết. Mặt khác, nếu họ bỏ lỡ một cơ hội kiếm ăn, họ vẫn có cơ hội khác. Vì vậy, trong quá khứ, tập trung vào tiêu cực quan trọng hơn là tập trung vào tích cực.
Và ngày nay, chúng ta vẫn sở hữu những bộ não giống như vậy – liên tục kiểm tra những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta có nguy hiểm hay không. Chính vì sự tiến hóa này mà chúng ta phát hiện ra những trở ngại nhanh hơn nhiều so với việc phát hiện ra những cơ hội. Bản chất của chúng ta là lo lắng về sức khỏe, sự giàu có và địa vị xã hội. Có vẻ như chúng ta cần những thứ đó để tồn tại. Do đó, chúng ta tự động so sánh mình với những người khác, tập trung vào những nguy hiểm có thể xảy ra và theo đuổi ngày càng nhiều thứ hơn.
Vì vậy, đừng lo lắng nếu bạn nghĩ rằng mình luôn tiêu cực, điều đó là bình thường. Đó chỉ là thành kiến tiêu cực có sẵn trong não bộ của ta.
Tuy nhiên, điều này khá là phản tác dụng trong thế giới hiện đại vì xét cho cùng, chúng ta đang rất an toàn và có đủ thức ăn nước uống – do đó, việc tồn tại chắc chắn được đảm bảo. Không có gì sẽ tấn công bạn vào ban đêm, và không có phe cánh đối địch nào sẽ đốt cháy túp lều của bạn. Vấn đề là, những cảm xúc tiêu cực này vướng chân ta và chúng ta phải cố gắng giảm thiểu chúng cũng như những ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống của chúng ta. Bây giờ chúng ta hãy xem xét hai lý do chính khiến chúng ta bị cảm xúc tiêu cực lấn át.
#1 Ta mong cầu thứ nằm ngoài tầm kiểm soát
“Cảm xúc kích động được tạo ra từ không gì khác ngoài sự thất vọng về mong muốn của một cá nhân.” Epictetus đưa ra quan điểm rằng những cảm xúc tiêu cực nảy sinh khi chúng ta không đạt được điều mình muốn. Sự thất vọng này “là nguồn cơn của nỗi buồn, tiếng thở than và sự ghen tị; nó làm chúng ta đố kỵ và ảo tưởng, và không còn khả năng lắng nghe lý trí.”
Về cơ bản, cảm xúc tiêu cực xuất phát từ mong muốn và sợ hãi những gì không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Như chúng ta đã biết trước đó, nguyên nhân sâu xa của sự đau khổ của chúng ta bắt nguồn từ việc lo lắng về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Đây là những quan điểm về giá trị bị sai lệch; chúng ta gán ý nghĩa cho những thứ bên ngoài vô thưởng vô phạt là tốt hay xấu. Chẳng hạn, việc đánh giá sai lệch những thứ vật chất là tốt hay đáng thèm muốn chính là nguyên nhân của sự thèm khát giàu có và khoái lạc. Sự thèm khát mạnh mẽ như vậy là một cảm xúc tiêu cực chiếm lấy tay lái và bắt ta làm bất cứ điều gì để thỏa mãn cơn thèm muốn ngay tại thời điểm đó, bất chấp tiêu chuẩn đạo đức của ta. Lúc này chúng ta không có khả năng lắng nghe lý trí, hãy nhớ rằng, lý trí đã bị trói chặt và bịt miệng nằm im lìm trong cốp xe.
Những đánh giá không chính xác này cũng hoạt động theo cách khác. Chúng ta đánh giá sai lệch một số ngoại cảnh vô thưởng vô phạt như mưa, những kẻ khó ưa, hoặc sự nghèo đói là điều xấu hoặc thậm chí là điều kinh khủng, và phán đoán sai về sự việc đã gây ra sự tức giận hoặc sợ hãi. Kết luận lại, các phán đoán sai lệch về sự việc là tác nhân gây ra cảm xúc tiêu cực, và những cảm xúc này lại cản trở cuộc sống hạnh phúc bởi vì chúng khiến chúng ta hành động một cách bốc đồng thay vì hành động một cách lý trí.
Donald Robertson đã nói rất rõ điều đó trong cuốn sách Stoicism and the Art of Happiness (Chủ nghĩa khắc kỷ và nghệ thuật hạnh phúc – ND): “Phần lớn những người bình thường thiếu sự thỏa mãn và bình yên trong tâm trí vì các giá trị của họ không được xác định rõ ràng và gây mâu thuẫn với nhau. Chúng ta lãng phí cuộc đời mình để chạy theo ảo tưởng về Hạnh phúc, dựa trên sự pha trộn giữa chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vị kỷ – những giá trị điên rồ, đáng phê phán được tạo ra từ thế giới ngu ngốc xung quanh chúng ta.”
Chúng ta thèm muốn và sợ hãi những thứ bên ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của chúng ta; chúng ta ngây thơ đánh giá những thứ vô thưởng vô phạt như sức khỏe, sự giàu có, và danh tiếng là tốt và thậm chí cần thiết cho cuộc sống hạnh phúc; và chúng ta cũng đánh giá bệnh tật, nghèo đói và sự nhạo báng là xấu và gây cản trở cho cuộc sống hạnh phúc. Những thèm muốn và nỗi sợ hãi về những thứ bên ngoài này là một biển cảnh báo đang nhấp nháy sáng, “Bạn đã quên những điều cơ bản! Hãy quay đầu và thấm nhuần những giá trị cốt lõi”. Nói cách khác, chúng ta vẫn chưa tiếp thu hết những nguyên tắc cơ bản của Khắc kỷ rằng đức hạnh là điều đúng đắn duy nhất; rằng những gì không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta đều là vô thưởng vô phạt; và chúng ta tự chịu trách nhiệm về sự thăng hoa của mình. Nếu chúng ta vẫn cảm thấy rằng mọi thứ xảy ra thuận theo hoặc chống lại chúng ta, ví dụ như phân chó khiến một ngày của ta bị phá hỏng, hay tiền thưởng khiến một ngày của ta thêm trọn vẹn; nếu chúng ta sợ hãi việc không đạt được điều mình muốn và cảm thấy tồi tệ khi không đạt được nó – thì chúng ta vẫn chỉ là một con rối của những cảm xúc xuất phát từ những phán đoán sai lệch về những gì thực sự là tốt hay xấu.
“Nhà ngươi thật ngớ ngẩn,” Epictetus nói, “[nếu] ngươi muốn những thứ không thuộc quyền của mình trở thành thuộc quyền của mình, và những thứ thuộc về người khác trở nên thuộc về ngươi.” Nếu chúng ta có thể cẩn thận phân biệt những thứ phụ thuộc vào chúng ta và những thứ không phụ thuộc vào chúng ta, và tập trung vào những thứ phụ thuộc vào mình và để những thứ còn lại diễn ra tự nhiên; thì chúng ta sẽ ít bị lấn át bởi những cảm xúc tiêu cực gây ra bởi những phán đoán sai lệch.
Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta bắt đầu làm chính xác điều đó, thì vẫn có một thứ khác ngáng đường: vô thức.
Chúng ta không đủ nhận thức trong các tình huống và quên rằng phải tập trung vào những gì chúng ta có thể kiểm soát; thay vào đó, chúng ta bị cuốn theo những ấn tượng ban đầu của mình và chỉ sau đó mới nhận ra rằng chúng ta đã đánh giá sai lệch sự việc. Sự thiếu nhận thức là lý do thứ hai khiến những cảm xúc tiêu cực nảy sinh và chiếm lấy chúng ta.
#2 Ta thiếu nhận thức và bị cuốn theo những ấn tượng ban đầu
Bạn có nhớ rằng các nhà chủ nghĩa Khắc kỷ muốn chúng ta chú ý đến mọi hành động của mình không? Giống như khi chúng ta chú ý làm thế nào để không đứng trên những mảnh kính vỡ? Chà, hãy đoán xem điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không chú ý đến những tình huống đầy thách thức? Chúng ta bị cuốn đi bởi những ấn tượng ban đầu mà không thể kiểm tra chúng. Những ấn tượng ban đầu này giống như khuynh hướng hành động theo một cách nhất định, nhưng khi chúng ta đủ nhận thức, chúng ta có thể gián đoạn quá trình này và lựa chọn phản ứng tốt nhất của mình, chúng chắc chắn khác với những phản ứng đầu tiên.
Đây là một ví dụ đã xảy ra với tôi khi tôi đi vệ sinh. Tôi đứng dậy khỏi ghế, đi vào nhà vệ sinh, và túi giấy vệ sinh mới trên bồn xả khiến tôi chú ý. Tôi đã mua nó ngày hôm qua khi tôi đi mua hàng tạp hóa vì tôi thấy đó là điều cần thiết. Sau khi nhìn thấy nó, tâm trí của tôi ngay lập tức quay cuồng, “Đúng vậy, mình đã đúng khi mua nó. Nils (người anh trai sống cùng tôi) thậm chí còn không nhận ra. Không có xíu xiu biết ơn hay gì khác.” Cảm giác tức giận và khó chịu xuất hiện, và tôi tự biện hộ, “Ừ thì, anh ấy đã nói cảm ơn mình vì đã đi mua đồ. Và anh ấy đã làm nhiều việc nhà khác, vân vân.” May mắn thay, tôi đủ nhận thức để nhận ra dòng suy nghĩ này, gián đoạn và dập tắt nó – đây là trận chiến tâm trí kinh điển mang tên cái-tôi-muốn-được công-nhận. Cảm giác tiêu cực đã biến mất trong chớp mắt.
Chính xác thì điều gì đã xảy ra? Tình huống giấy vệ sinh mới tự động gây ra ấn tượng ban đầu rằng điều này thật tệ hại và tôi bắt đầu trở nên tức giận. Rất may, tôi có đủ nhận thức, nhận ra nó và có thể dập tắt nó ngay lập tức. Nếu nó sẽ là một thách thức lớn hơn thì tôi đã phải sử dụng lý trí, hay logic của cái đầu lạnh và đánh giá tình huống một cách khách quan. Tôi đã tự nhủ rằng chỉ riêng việc làm điều đúng đắn là đủ rồi, bản thân nó đã là một phần thưởng và không cần người khác công nhận. Bây giờ, giả sử tôi không nhận thức được sự có mặt của những suy nghĩ phi lý trí đó, tôi sẽ trở nên tức giận và thất vọng, rồi bước vào phòng của anh trai tôi và đấm vào mặt anh ấy. Hoặc, nhiều khả năng hơn, ấn tượng tiêu cực sẽ cuốn tôi theo và khiến tôi chìm đắm trong dòng suy nghĩ một thời gian dài và đồng thời thấy tức giận vô cớ với anh trai mình.
Đó là lý do tại sao việc không có nhận thức lại rất nguy hiểm: Khi không nhận thức được, chúng ta không thể quan sát và nhận ra ấn tượng đầu tiên của mình và sẽ làm theo một cách thiếu suy nghĩ. Như Epictetus nói, “Khi ngươi buông thả tâm trí, ngươi sẽ không còn khả năng gọi sự đàng hoàng, khiêm tốn, hoặc chừng mực quay trở lại; thay vào đó ngươi làm mọi thứ xuất hiện trong tâm trí và bị cuốn theo xu hướng của mình.” Đó chính xác là những gì chúng ta đã học trước đó – một khi cảm xúc kích động đã giành quyền kiểm soát, chúng ta tuân theo như một con chó ngửi thấy mùi xúc xích. Lý trí có thể hét lên và huýt sáo đến thủng phổi, nhưng ta đâu thể nghe thấy lý trí nữa khi đã hoàn toàn bị dụ dỗ bởi miếng xúc xích mang tên cảm xúc kích động.
Người ta có thể lập luận rằng lý do khiến cho những cảm xúc tiêu cực lấn át là do phán đoán sai lầm chứ không phải do không nhận thức được. Cảm xúc nảy sinh vì sự phán xét phi lý trí cho rằng anh tôi là kẻ vô ơn. Tuy nhiên, người ta cũng có thể lập luận rằng nhiều phán đoán sai lầm xảy ra bởi vì ngay từ đầu chúng ta đã không có đủ nhận thức. Chúng ta không để tâm đến từng bước đi của mình và cuối cùng cuối cùng dẫm phải phân chó. Hoặc mẹ tôi không đủ nhận thức để biết mình đã uống bao nhiêu tách cà phê nên cuối cùng bà tự hỏi, “Ai đã uống hết cà phê của tôi?” Bà ấy có lẽ đã tưởng rằng mình đã pha đủ lượng cà phê rồi (có khả năng này không nhỉ?), nhưng lý do khiến bà đưa phán đoán sai lầm trên chính là việc trong hầu hết các trường hợp bà đã không có đủ nhận thức khi uống cà phê (xin lỗi mẹ, đôi khi con đã uống trộm một hoặc hai ngụm).
Mấu chốt là, nếu có đủ nhận thức, ta sẽ làm giảm số lần bị cảm xúc tiêu cực lấn át. Điều này rất quan trọng vì việc bị cảm xúc tiêu cực lấn át chính là thứ cản trở chúng ta thực hiện những hành động đúng đắn và có được cuộc sống tốt đẹp. Hãy nhớ rằng, đối với trường phái Khắc kỷ, điều tốt đẹp duy nhất nằm ở hành động tự nguyện của chúng ta và hành động của chúng ta chỉ có thể là tự nguyện khi chúng ta đưa sự tự nhận thức vào từng khoảnh khắc. Nếu chúng ta thiếu nhận thức đó, chúng ta cho phép bản thân bị cuốn theo và làm những hành động đáng xấu hổ và đáng coi thường, theo lời của Epictetus. Chỉ bằng cách đưa nhận thức vào thời điểm hiện tại, chúng ta có thể đương đầu một cách đúng đắn với thách thức bằng việc chấp nhận các ngoại cảnh với sự bình thản, đồng thời nuôi dưỡng sự thông thái, sự công bằng và kỷ luật tự giác trong phản ứng của mình. Nếu có nhận thức, chúng ta có thể cố gắng làm theo lời khuyên của Epictetus để chịu đựng và buông xả trong các tình huống hàng ngày:
1. Chúng ta nên chịu đựng những gì chúng ta sợ hãi và ghét bỏ một cách phi lý trí với lòng can đảm và sự kiên trì.
2. Chúng ta nên buông xả (hoặc kiêng khem) những gì chúng ta thèm khát một cách phi lý trí với sự thận trọng và kỷ luật tự giác.
Chúng ta chắc chắn cần nhận thức để phát hiện ra những nỗi sợ hãi và thèm muốn phi lý trí trước khi chúng ta có thể chịu đựng chúng bằng lòng can đảm và kiên trì, hoặc kiêng cữ chúng một cách thận trọng và có kỷ luật. Tuy nhiên, nhận thức vẫn chưa đủ. Không phải ai cũng có thể nhìn chằm chằm vào nỗi sợ hãi và làm điều đúng đắn bằng mọi giá. Thường thì tôi không thể làm như vậy. Ngay cả khi tôi đủ nhận thức để nhận ra nỗi sợ hãi của mình, đồng thời hiểu rằng nỗi sợ hãi là phi lý trí và nếu hành động bất chấp nỗi sợ hãi thì đó mới là điều khôn ngoan; sự thật là cảm xúc thường đánh gục lòng can đảm của tôi. Một ví dụ khác là cuộc chiến giữa những thèm muốn phi lý trí và sự tự kỷ luật. Sau một ngày dài làm việc và kiên trì với nhiệm vụ của mình, tôi nhận thấy ham muốn cập nhật một số tin tức. Tôi nhận thức rõ về cuộc chiến giữa ham muốn sung sướng và ý chí đang yếu thế của mình, và hầu hết mọi trường hợp thì ý chí đều chiến thắng, nhưng đôi khi tôi vẫn bị đánh bại bởi ham muốn.
Nhận thức có thể không đủ để giúp hành động luôn đi theo những nguyên tắc đạo đức của chúng ta, nhưng nó chắc chắn giúp bạn câu giờ và trì hoãn, để bạn có thể đánh giá rõ tình hình và ít nhất có thể cố gắng đưa ra quyết định có lý trí. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng làm chủ bản thân, hành động có lý trí và bước gần hơn tới cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy. Và nó sẽ khiến bạn không bị những cảm xúc phi lý trí cuốn đi, và bạn sẽ ít hành động dại dột (hoặc ít dẫm phải phân chó) hơn. Từng bước từng bước, bạn sẽ tiến lên phía trước.