Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

Bài thực hành 26: Hãy đổ lỗi cho những Kỳ vọng của bạn

“Dưa chuột đắng? Thì ném nó đi. Có bụi gai trên đường? Thì đi vòng qua nó. Đó là tất cả những điều ngươi cần biết. Chỉ có bấy nhiêu thôi. Đừng đòi hỏi phải biết ‘tại sao những thứ như vậy tồn tại.’ Bất kỳ ai hiểu biết sâu rộng về thế gian sẽ cười nhạo ngươi, giống như một người thợ mộc sẽ cười vào ngươi lúc ngươi bị sốc khi tìm thấy mùn cưa trong xưởng của anh ta, hoặc một người thợ đóng giày sẽ cười vào ngươi khi ngươi bị sốc khi thấy những mảnh da vụn còn sót lại sau khi anh ta xong việc.”
MARCUS AURELIUS

Chúng ta tức giận, buồn bã hay thất vọng vì thực tế không đáp ứng đúng mong đợi của chúng ta. Chúng ta ngạc nhiên vì mọi thứ không như mong muốn. Khi bạn cảm thấy thất vọng, đừng đổ lỗi cho người khác hoặc các yếu tố ngoại cảnh, mà hãy đổ lỗi cho bản thân và những kỳ vọng không thực tế của bạn. Hãy hướng sự tập trung vào bên trong, hãy nhớ rằng, chúng ta phải chịu trách nhiệm.

Theo Seneca, lý do duy nhất khiến chúng ta phát cáu vì những chuyện vặt vãnh là vì chúng ta không mong đợi chúng. “Điều này là do tình yêu với bản thân quá mức. Chúng ta tự quyết định rằng chúng ta sẽ không bị tổn thương bởi kẻ thù của mình; tự cho mình là tuyệt đối đúng giống như một ông hoàng, sẵn lòng lạm dùng quyền lực mà không sẵn lòng chịu khổ vì nó”.

Chúng ta giãy nảy, đập phá và la hét như một đứa trẻ khi thế giới không tuân theo quan điểm của chúng ta. Chúng ta chỉ nghĩ đến những gì ta cho rằng thế giới nợ chúng ta mà quên mất việc biết ơn những gì chúng ta may mắn có được.

Những kỳ vọng và mong muốn lạc quan quá mức là lý do chính dẫn đến sự tức giận và thất vọng. Do đó, chúng ta phải đưa chúng sát với thực tế và sẽ không còn cảm thấy bị thế giới phản bội. Như đã nói trước đây, nếu chúng ta chỉ mong muốn những gì nằm trong tầm kiểm soát của mình, thì chúng ta sẽ không bao giờ nản lòng trong bất kể hoàn cảnh nào.

Là những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ đầy tham vọng, chúng ta nên cố gắng nhìn nhận thế giới như thể nó vốn là, thay vì đòi hỏi nó phải phù hợp với mong đợi của chúng ta.

Chúng ta phải nhắc nhở bản thân rằng bản chất thế giới xung quanh là gì, chúng ta có thể mong đợi gặp phải điều gì trong thế giới đó, và điều gì nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Người khôn ngoan, Seneca nói, “sẽ đảm bảo rằng những điều xảy ra không hề gây bất ngờ”.

“Cái không lường trước thì có hậu quả lớn hơn nhiều vì tính bất ngờ của nó khiến sự việc tồi tệ hơn. Việc không thể lường trước khiến người ta càng thêm đau khổ. Đây là lý do cần đảm bảo rằng chúng ta không bao giờ bị bất ngờ. Chúng ta nên lường trước mọi tình huống có thể xảy ra chứ không nên chỉ nghĩ đến những diễn biến thông thường.”

Nếu không lường đến ngay từ ban đầu, khi trường hợp đó xảy ra ta sẽ càng trở nên đau khổ.
Đó là lý do tại sao cần phải kiểm tra kỳ vọng của chúng ta bằng cách thường xuyên sử dụng Tưởng tượng tiêu cực. Nếu tưởng tượng điều tồi tệ nhất, chúng ta sẽ không phải đối mặt với những kỳ vọng không được đáp ứng và có thể giảm đáng kể những cảm xúc tiêu cực có thể trải qua.

Hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất có thể xảy ra và xem thử liệu tình huống có thể diễn ra trái với kỳ vọng và mong đợi của chúng ta đến thế nào – và chúng ta sẽ thấy an tâm dù cho bất cứ điều gì xảy ra.

Chúng ta không nên bị bất ngờ trước bất cứ điều gì, kể cả những sự việc bất thường.

“Hãy nhớ,” Marcus Aurelius nói, “ngươi không nên cảm thấy kinh ngạc khi cây vả tạo ra quả sung, hay những chuyện bất thường khác xảy ra. Một bác sĩ giỏi không bị nao núng khi thấy bệnh nhân của mình bị sốt, cũng như người lái xe không bị bất ngờ khi gió tạt vào người”.

Theo dõi Facebook Page của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ để tải thêm nhiều tài liệu hay (Click)

Tải sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” tiếng Việt (phát hành vào tháng 9 hoặc 10 năm 2021)

Nghe sách nói bản đầy đủ dài 7 tiếng của sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” :