Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

Bài thực hành 25: Đập tan Nỗi sợ bằng Lý trí và Sự Chuẩn bị

“Chúng ta cảm thấy sợ hãi nhiều hơn là bị tổn thương; và nỗi đau khổ đến từ trí tưởng tượng chứ không phải đến từ thực tại.”
SENECA

Những gì chúng ta lo sợ thường sẽ không xảy ra trong thực tế. Nhưng nỗi sợ tưởng tượng của chúng ta có hậu quả thực. Chúng ta bị kìm hãm bởi nỗi sợ hãi của mình, và bị tác động bởi những điều không có thật.

Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ hiểu sự nguy hiểm của nỗi sợ hãi. Thiệt hại thực tế của những gì chúng ta sợ hãi sẽ không đáng kể so với thiệt hại do chính chúng ta gây ra khi chúng ta cố gắng ngăn chặn điều mình sợ một cách mù quáng.

Seneca nói, nguyên nhân chính của nỗi sợ hãi là do “thay vì thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, chúng ta lại đi lo xa”. Chính sự tưởng tượng về điều ta không kiểm soát được đã gây ra sự lo lắng.

Chúng ta mong cầu những điều không nằm trong tầm kiểm soát của mình, như Epictetus giải thích: “Khi ta thấy một người đàn ông trong trạng thái lo lắng, ta hỏi, ‘Người đàn ông này có thể muốn gì?’ Nếu anh ta không muốn thứ không nằm trong kiểm soát của mình, anh ta đâu cần phải lo lắng? Chính vì lẽ đó mà một người chơi đàn Li-a không hề thấy lo lắng khi biểu diễn một mình, nhưng khi biểu diễn trong nhà hát lại thấy lo lắng dù có giọng hát rất hay và chơi đàn rất giỏi: đó là vì anh ta không chỉ muốn biểu diễn tốt, mà còn muốn để lại tiếng tăm, và tiếng tăm nằm ngoài tầm kiểm soát của anh ta.”

Chúng ta lo sợ bởi vì chúng ta muốn những gì nằm ngoài khả năng của mình, hoặc chúng ta quá bám chấp với những thứ mà chúng ta không thể nắm giữ. Chúng ta bám chấp với những người ta yêu và sợ đánh mất họ. Chúng ta bám chấp với mức lương tầm trung vì đây là lựa chọn an toàn. Và ta khao khát những gì bất khả thi.

Chúng ta phải ngừng bị ám ảnh bởi những thứ bên ngoài và những ham muốn không nằm trong tầm kiểm soát. Vì không kiểm soát được nên ta mới sợ hãi.

Người không ham muốn điều gì ngoài tầm kiểm soát của mình thì không thể cảm thấy lo lắng.
“Người lường trước rắc rối sẽ biết đối phó với rắc rối” – Seneca nói.

Đó là lý do tại sao việc chuẩn bị cho những tình huống thách thức phát sinh là điều rất quan trọng.
Dự đoán trước tai họa không phá hỏng hiện tại mà giúp ta thêm tận hưởng hiện tại. Chúng ta sẽ bớt sợ hãi những thứ có thể không bao giờ xảy ra. Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ nghĩ rằng con đường tốt nhất dẫn đến tự do chính là tưởng tượng những gì chúng ta sợ hãi như thể nó sắp xảy ra và mổ xẻ nó trong tâm trí – cho đến khi ta không còn thấy sợ hãi.

Cách phổ biến để đối phó với nỗi sợ hãi là trốn tránh và cố gắng nghĩ về thứ khác. Nhưng đây có lẽ là biện pháp tồi tệ nhất. Nếu càng lơ nó thì nó càng trở nên đáng sợ.

Cách đúng đắn để đối phó với những gì chúng ta sợ hãi là suy nghĩ về nó một cách thấu đáo, bình tĩnh và thường xuyên – cho đến khi nó trở nên quen thuộc. Bạn sẽ cảm thấy nhàm chán với những gì bạn từng sợ hãi và những nỗi lo lắng sẽ biến mất.

Bằng cách đối mặt với nỗi sợ hãi, dù là trong tưởng tượng hay trong thực tế, nỗi căng thẳng gây ra bởi nỗi sợ sẽ giảm dần. Marcus có một cách khác để đối phó với nỗi sợ hãi: “Giữ tỉnh táo và tự nhủ đây cũng chỉ như cơn ác mộng sẽ biến mất khi thức dậy, rồi sau đó coi nỗi sợ hãi như cơn ác mộng sẽ sớm biến mất.”

Những gì bạn sợ hãi thường là sản phẩm của trí tưởng tượng của bạn, không phải thực tế.
Bạn sợ cái bạn tưởng tượng ra chứ bạn không sợ bản chất của cái đó. Phần lớn những người sợ nhện thậm chí chưa bao giờ từng chạm vào con nhện. Thế họ sợ điều gì?

Nỗi sợ là tưởng tượng, là một giấc mơ. Thay vì tiếp tục chìm đắm trong đó, chúng ta phải dừng lại và hỏi một cách lý trí: “Nỗi sợ này có ý nghĩa gì không?” Chúng ta đang tự tạo ra ác mộng cho chính mình. Đó là lý do tại sao chúng ta phải thức tỉnh và ngăn chặn sự điên rồ này. Chúng ta khó chịu bởi điều không có thật. Điều gì gây ra nỗi sợ hãi là không có thật, nhưng hậu quả của nó thì có thật và nó cản trở chúng ta. Chúng ta đang kìm hãm chính mình.

Hãy nhìn xem, bạn không thể chữa khỏi tất cả nỗi sợ hãi cùng một lúc. Nhưng nếu chúng ta cố gắng ít dính mắc vào nó, nhận ra rằng những gì chúng ta sợ hãi chỉ là tưởng tượng và nếu chúng ta tưởng tượng việc đối mặt với nỗi sợ hãi, chúng ta đã có thể vượt qua hầu hết nỗi sợ hãi của mình.
Cứ từ từ từng bước một mà đi.

Theo dõi Facebook Page của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ để tải thêm nhiều tài liệu hay (Click)

Tải sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” tiếng Việt (phát hành vào tháng 9 hoặc 10 năm 2021)

Nghe sách nói bản đầy đủ dài 7 tiếng của sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” :