Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

Bài thực hành 20: Bao năm qua đã đạt được Thành tựu gì?

“Không ai trân trọng giá trị của thời gian, người ta phí phạm nó như thể nó được ban phát miễn phí. Nếu cái chết cận kề, họ là những người quỳ lạy cầu xin bác sĩ… ngươi sẽ thấy họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để được sống… Chúng ta phải cẩn trọng với quỹ thời gian mà sẽ hết vào một ngày nào đó.”
SENECA

Chúng ta quên rằng chúng ta rồi sẽ chết.

Chúng ta sống như thể chúng ta bất tử. Cho đến khi nhận ra rằng không phải như vậy. Và đó là khi chúng ta khát khao ước gì đã sống một cách đúng đắn hơn.

Người ta sẵn sàng đánh đổi tất cả để được sống. Nhưng khi còn sống, họ lại lãng phí thời gian của mình. Không nhận thức rằng nó sẽ hết bất cứ lúc nào.

“Ngươi đang sống như thể ngươi bất tử và không có điểm yếu; ngươi không nhận ra thời gian đã trôi nhanh thế nào, vậy mà cứ nghĩ ngươi sẽ có vô hạn thời gian – mặc dù đó có thể là ngày cuối cùng ngươi được sống. Những điều ta sợ hãi thì ta mong nó sẽ sớm kết thúc, còn những điều ta ham muốn thì ta mong nó kéo dài vô tận.”

Câu cuối cùng này, Những điều ta sợ hãi thì ta mong nó sẽ sớm kết thúc, còn những điều ta ham muốn thì ta mong nó kéo dài vô tận – khá là đúng với tôi. Tôi được coi là một người chấp nhận rủi ro. Lập nghiệp, từ bỏ một công việc an toàn, bán mọi thứ, chuyển ra nước ngoài và cố gắng viết một cuốn sách.
Và tôi vẫn cảm thấy nỗi sợ hãi đang kìm hãm mình. Và tôi vẫn cảm thấy sẽ có đủ thời gian cho những việc tôi thực sự muốn làm. Tôi đoán đó là điều ai cũng trải qua.

Nhưng nếu chúng ta nhận thức được điều đó, nếu chúng ta nhận biết việc mình đã sống phí hoài, chúng ta có thể nhắc nhở bản thân về cái chết của mình, chúng ta có thể chống lại những gì được sắp đặt sẵn, thậm chí vượt qua nỗi sợ hãi, và đảm bảo mình có thể sống trọn cuộc đời với việc tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời.

Không có nghĩa ta không được chơi trò chơi điện tử, không xem TV, không làm quần quật suốt ngày – Trọng tâm là việc có nhận thức và chủ đích khi làm những việc đó. Chúng ta vẫn có thể chọn làm bất cứ điều gì mà ta nghĩ là xứng đáng với thời gian của mình.

Tuy nhiên, chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta có dành thời gian cho những gì mình cho là đúng không? Hay chúng ta sẽ trở thành người cầu xin bác sĩ, sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì chúng ta có để sống thêm vài tháng nữa?

Có phải chúng ta sẽ là người không sẵn sàng chết khi đến số? Và cho rằng có rất nhiều điều cần làm trước khi chết? Và thấy tiếc nuối vô cùng về những gì ta đã bỏ lỡ?

Nếu bây giờ nhìn lại cuộc đời mình, bạn đã sống trọn vẹn chưa? Bao năm qua bạn đã làm được gì? Bạn muốn có thêm trải nghiệm gì? Bạn muốn trở thành ai trên thế gian này?

Tôi muốn mình có thể nhìn lại cuộc đời và dõng dạc nói: “Đúng vậy, tôi đã sống hết mình. Tôi đã sống trọn vẹn. Tôi đã tận hưởng tối đa từng phút giây trong đời”. Trọng điểm không phải là phần thưởng và địa vị, mà là về quá trình trau dồi, phát triển thành một người trưởng thành, thể hiện xuất sắc những giá trị đạo đức như sự bình tĩnh, kiên nhẫn, công bằng, tử tế, kiên trì, hài hước, dũng cảm và kỷ luật tự giác.

Tôi hình dung về phiên bản tốt nhất của bản thân – và dành mỗi ngày để sống theo hình mẫu lý tưởng đó, cố gắng cải thiện và phát triển sao cho tôi giống với hình mẫu này nhất có thể.

Tôi muốn tận dụng tối đa những giây phút vẫn còn đang sống. Vì tôi hiểu tôi có thể phải chết bất cứ lúc nào.

Các nhà Khắc kỷ nói rằng không quan trọng bạn đã sống bao nhiêu năm, mà quan trọng là bạn đã sống như thế nào. Như Cato Trẻ diễn giải: “Sức khỏe tốt nằm ở sự bền bỉ, và đức tính tốt nằm ở sự chín muồi.”
Seneca bổ sung: “Vẫn có những người dù đã lớn tuổi nhưng trải nghiệm sống vẫn ít ỏi.”

Hãy đảm bảo rằng chúng ta sử dụng thời gian một cách khôn ngoan để có thể nhìn lại đời mình với nụ cười mãn nguyện thay vì thở dài tiếc nuối.

Theo dõi Facebook Page của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ để tải thêm nhiều tài liệu hay (Click)

Tải sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” tiếng Việt (phát hành vào tháng 9 hoặc 10 năm 2021)

Nghe sách nói bản đầy đủ dài 7 tiếng của sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” :