ĐẠO GIÁO VÀ VÔ VI
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "THE DAILY STOIC" TIẾNG VIỆT BẢN MỚI 2022
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ - TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỂ GẶT HÁI SỨC BẬT TINH THẦN, TỰ TIN VÀ ĐIỀM TĨNH"
“Kẻ đứng trên đầu ngón chân không thể đứng vững. Kẻ lao đầu về phía trước không thể đi xa. Kẻ cố gắng sáng hơn người khác tự dìm ánh sáng của chính mình.” – Lão Tử
Làm thể nào mà cải thiện khi chúng ta ngừng cố gắng để cải thiện? Rất nhiều người lãng phí công sức của họ trong nỗ lực làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, với kết quả còn nhiều bàn cãi. Họ hấp thu kiến thức và theo đuổi những thứ bên ngoài, trong khi làm kiệt quệ cơ thể, và trĩu nặng tinh thần – rồi cuối cùng cũng vẫn sống trong sự bất toại lòng. Các triết gia Đạo giáo quan sát thấy rằng con người có xu hướng hành động theo những cách phi hiệu quả. Và trong những nỗ lực để sửa đổi sự vận hành của tự nhiên, họ chỉ khiến cho mọi thứ tệ hơn. Tất cả sự đấu tranh, lề lối, chuẩn mực đạo đức, giá trị, rõ ràng là được tạo ra để làm lợi ích cho con người. Nhưng theo những nhà hiền triết của Đạo giáo, chúng ta nên buông bỏ tất cả chúng. Vì sao vậy? Vì những tư tưởng do con người đặt ra chỉ tách chúng ta ra xa hơn khỏi dòng chảy tự nhiên của cuộc sống mà thôi. Cố gắng để sửa đổi những gì tự nhiên đã định cũng giống như bơi ngược dòng: điều này làm ta kiệt sức và không đưa ta đến đâu. Bài này nói về việc không cố gắng để thay đổi thế giới, để có được thế giới.
Đằng sau một vũ trụ vận động không ngừng là một nguồn lực bí ẩn và không thể đinh nghĩa mà các triết gia Đạo giáo tạm gọi là “Đạo”, do sự hạn hẹp của ngôn từ. “Đạo” bao hàm vạn vật, và nó vượt ra ngoài mọi thứ mà các giác quan của chúng ta có thể nhận biết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể biết đến và cảm nhận được Đạo, ngay cả khi chúng ta không thể thấu suốt nó. Điều này biểu trưng cho những nỗ lực bi kịch bởi con người để cụ thể hóa những thứ mà vốn vượt ra ngoài giới hạn hiểu biết của họ. Họ dùng những tên gọi, phạm trù, họ chọn lựa và phân định, nhưng lại không thể nắm bắt được vũ trụ thật sự là gì. Cho nên họ tạo ra một thứ quan niệm sai lệch, một thứ gì nhân tạo và can cợt mà cốt để làm cho cuộc sống trở nên dễ hiểu đối với con người. Nhưng bằng việc cố gắng hiểu, họ để tuột mất Đạo.
(1) BI KỊCH CỦA SỰ CỐ GẮNG
“Năm sắc màu làm ngợp con mắt. Năm âm thanh làm mụ mị đôi tai. Năm hương vị làm miệng mất đi cảm giác.”
Lão Tử đã viết như thế trong tác phẩm của ông có tên “Đạo Đức Kinh”. Cho nên, bằng cách sắp đặt các màu sắc, âm thanh, hương vị, chúng ta có thể tăng cường sự hiểu biết, nhưng đồng thời cũng tự giới hạn hiểu biết của chúng ta, do có vô số những thứ nằm ngoài những khái niệm cố định này. Điều tương tự cũng xảy ra cho xu hướng chung của con người khi tạo ra những quy định cứng như đá cho mọi thứ, để có được một cảm giác kiểm soát. Một lần nữa, chúng ta tự hạn chế bản thân mình theo cách này, bởi vì thế giới thì luôn luôn thay đổi, và những gì đúng hôm nay có thể không còn đúng ngày mai. Cũng vậy, từ tri giác về sự đồng thuận và công lý, con người tạo ra những cơ chế vĩ đại gồm những chuẩn mực đạo đức, quy cách ứng xử, và nghi thức mà định hình nên một lối sống đầy tính nhân tạo. Ngay cả khi ý định ban đầu là tốt, họ gồng mình để khiến cho mọi thứ vận hành tốt trong khi tự xây nhà tù cho chính mình.
Giờ hãy nói về từ “cố gắng”. Tôi cho rằng hầu hết chúng ta đều quen với quan niệm rằng chúng ta chỉ nên đơn giản là “hành động” và không “cố gắng”. Quan niệm này rất gần với triết lý về “trạng thái thuận theo dòng chảy tự nhiên”. Trong “trạng thái thuận theo dòng chảy tự nhiên”, chủ thể đồng nhất với hành động, giống như một vũ công đồng nhất mình với vũ điệu, hay nhà thơ đồng nhất mình với bài thơ. Đây là “Vô Vi”, một khái niệm mà có thể được hiểu nôm na là “bất tác ý” hoặc “không làm gì cả”.
Khi nói đến trạng thái thuận theo dòng chảy tự nhiên, “vô vi” nên được hiểu là “hành động một cách không gượng ép”, do chúng ta hành động trong tâm thế mượt mà và không đau đớn. Còn trong phạm vi bài này, “vô vi” có thể được hiểu với nghĩa là “bất tác ý” hoặc “không làm gì cả”. Theo nghĩa đen, “không làm gì cả” thường được xem là một lối sống không đem lại thành quả và vô dụng, lối sống nơi mà không có một sự tiến bộ nào được tạo ra. Nhưng theo Đạo giáo, điều này không đúng. Khi chúng ta ghi nhớ rằng vũ trụ là một vòng xoáy và ở trong một trạng thái hỗn mang, chúng ta sẽ nhận ra rằng luôn có sự phát triển trong dòng chảy tự nhiên của cuộc sống. Vì vậy thay vì dùng sức, và làm kiệt quệ bản thân (phương pháp yêu thích của văn hóa ngày nay), chúng ta có thể đi qua cuộc sống một cách dễ dàng hơn nhiều bằng cách sử dụng tuệ giác.
Chằng phải rất nhiều lần các vấn đề dường như tự chúng giải quyết lẫn nhau, và bằng cách “hành động” chúng ta thường làm cho mọi thứ tồi tệ hơn hay sao? Khi chúng ta lãng phí thời gian trong việc cố gắng cải thiện mọi thứ, chúng ta khiến bản thân xa rời dòng chảy tự nhiên. Chúng ta liên tục hành động theo những cách mà (theo như Đạo giáo) đi ngược lại với tự nhiên và lãng phí sức lực cũng như trí lực. Vậy thì vì sao ta lại làm thế? Điều này liên quan mật thiết đến cách mà chúng ta gán giá trị cho những thứ cụ thể. Ví dụ, trong khi chúng ta khinh ghét sự nghèo đói, ta lại thèm muốn tiền bạc và danh vọng, và trong khi chúng ta chán ghét sự cô đơn, ta lại thèm muốn là một phần của cái gì đó. Cho nên chúng ta cố gắng xóa sổ cái trước, và tăng trưởng cái sau, trong khi cái sau lại không thể tồn tại mà không có cái trước. Cũng như thế, chúng ta cho rằng cần thiết phải tuân thủ hoặc điều chỉnh tự nhiên dựa trên những hệ thống niềm tin cụ thể. Chúng ta cố gắng làm tốt đẹp hơn thế giới này, trong khi kết quả của những can thiệp của chúng ta thì còn nhiều bàn cãi.
(2) CÁCH MÀ CHÚNG TA CỐ GẮNG
Bây giờ, làm thế nào chúng ta có thể đem những triết lý cổ đại này vào cuộc sống hiện đại? Theo Đạo giáo, theo cách nào mà chúng ta, những người hiện đại, cứ “cố gắng”, trong khi những nỗ lực ấy cuối cùng cũng chỉ đem lại cho chúng ta những thành quả nhỏ nhoi không đáng kể? Hãy xét một vài ví dụ về cách mà chúng ta “cố gắng”, và soi chiếu với những kinh kệ cổ xưa của Đạo giáo là Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh. Đầu tiên là CỐ GẮNG CẢI THIỆN THẾ GIỚI. Alan Watts, một học giả thuần thành của Đạo giáo, từng chỉ ra rằng “những người mang lý tưởng cao đẹp lớn lao” của xã hội lại là những kẻ gây rối lớn nhất. Thái độ “phải giải cứu thế giới” của họ thường làm gián đoạn dòng chảy của tự nhiên, đơn giản là vì họ luôn kiếm tìm những phương cách để thực thi những ý tưởng do con người vẽ ra về cái gì là tốt đẹp và cái gì là xấu xa.
Một ví dụ là chủ nghĩa CS, thứ mà khời nguồn từ một khao khát thay đổi con người cho một xã hội tốt đẹp hơn, dựa trên sự bình đẳng và sự phân chia sản phẩm một cách trung thực. Tuy nhiên, gạt sang một bên những bàn luận rằng liệu hướng tiếp cận này có thuân tự nhiên hay không, cách mà những người CS truyền bá hệ tư tưởng của họ thì rõ ràng là hết sức tàn bạo.
Trong Nam Hoa Kinh, chúng ta tìm thấy một câu chuyện về một người đàn ông tên Nhan Hồi, người đã xin phép Khổng Tử để đi đến nước Ngụy, sau khi ông nghe rằng đất nước này bị cai trị bởi một vị vua kém cỏi. Nhan Hồi muốn vận dụng tất cả những gì ông học được về phép trị quốc để giúp nước Ngụy. Tuy nhiên, Khổng Tử lại can ngăn ông làm điều này, không chỉ vì kẻ trị vì hết sức khó ưa của nước Ngụy chắc hẳn sẽ không lắng nghe, mà còn vì con người, nói chung, không thích những kẻ bên ngoài nhảy vào, chỉ dạy cái gì là tốt hơn cho họ, từ góc nhìn của đạo đức thượng thừa. Như Khổng Tử từng nói: “Nếu ngươi không hiểu lòng người, mà thay vào đó lại xuất hiện trước mặt một kẻ bạo ngược và ép hắn lắng nghe những lời thuyết giáo về lòng nhân từ và đạo lý, những phương pháp và chuẩn mực – điều này đơn giản là sử dụng những điểm xấu của người khác để tung hô cái hay của mình.” Chúng ta có thể tự hỏi bản thân: có khi nào việc sử dụng những lỗi lầm của kẻ khác để tạo ra một vai trò tốt đẹp cho bản thân mình được coi là đức hạnh chân chính? Đó hẳn cũng là lý do vì sao mà những người được gọi là “chiến binh công lý xã hội – Social Justice Warrior – SJW” lại thường bị ghét cay ghét đắng.
Chúng ta sẽ không thể cải thiện tình hình bằng cách ác quỷ hóa một số nhóm người, trong khi đặt bản thân chúng ta lên trên một tòa đạo đức, một cách phiến diện một chiều. Điều này chỉ tạo ra nhiều chia rẽ hơn, nhiều căng thẳng hơn, và khó có thể thay đổi mọi thứ theo chiều hướng tốt đẹp hơn một cách lâu dài bền vững. Như Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh:
“Ngươi muốn cai trị thế giới và kiểm soát nó? Ta không nghĩ rằng điều này có thể thực hiện được. Thế giới là một mạch sống thiêng liêng và nó không thể bị kiểm soát. Ngươi sẽ chỉ khiến cho nó tồi tệ hơn nếu ngươi cứ cố. Nó sẽ trượt qua ngón tay ngươi và biến mất.”
Điều thứ hai là CỐ GẮNG ĐỂ HẠNH PHÚC Bất kể đó là việc theo đuổi tiền bạc, địa vị, danh tiếng, quyền lực, hay kiến thức, những nố lực không ngừng để được hạnh phúc ấy lại chính là lý do vì sao chúng ta không hạnh phúc. Chúng ta cho rằng mình hạnh phúc khi chúng ta có một triệu đô la trong ngân hàng, hoặc khi chúng ta xuất bản được một cuốn sách, hoặc khi kênh YouTube của ta có 100k lượt đăng ký. Nhưng vấn đề lại không phải như thế. Dĩ nhiên chúng ta cũng tận hưởng một chút sung sướng nhất thời, nhưng đó không phải là hạnh phúc theo cách hiểu của Đạo giáo. Ngoài ra, bằng việc theo đuổi những thứ hạnh phúc cạn cợt này, chúng ta làm kiệt quệ cơ thể và tinh thần, trong khi đó, thật là bi kịch, không bao giờ đạt được cái mà chúng ta tìm kiếm.
“Đây là cái thiên hạ trân quý: sự giàu có, sự trọng vọng, tuổi thọ cao, một cái tên đẹp. Đây là cái thiên hạ tìm thấy hạnh phúc trong đó: một cuộc sống dễ dàng, đồ ăn ngon lành, quần áo tốt, hình ảnh đep, âm thanh ngọt ngào. Đây là cái thiên hạ chê cười: sự nghèo đói, sự bủn xỉn, cái chết yểu, một cái tên xấu. Đây là cái thiên hạ thấy cay đắng: một cuộc sống không nghỉ ngơi, một cái miệng không có được đồ ăn ngon lành, không quần áo tốt cho cơ thể, không hình ảnh đẹp cho mắt, không âm thanh ngọt ngào cho tai. Những kẻ không thể có được những thứ này lao tâm khổ tứ và lo sợ – đây là một cách ấu trĩ để đối đãi cơ thể. Những kẻ giàu có bào mòn bản thân bằng cách lao vào làm ăn buôn bán, chất đống thêm nhiều của cải mà họ còn chẳng bao giờ dùng hết – đây cũng là một cách ấu trĩ để đối đãi cơ thể.”
Vậy, khi mà việc theo đuổi hạnh phúc chỉ là một con hẻm cụt, chúng ta nên làm gì thay vào đó? Các triết gia Đạo giáo đưa chúng ta một vài gợi ý. Nhưng trước khi ta nói đến chúng, hãy cũng nhìn vào yếu tố thứ ba: CỐ GẮNG ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT CÁI GÌ ĐÓ KHÁC.
Nam Hoa Kinh có kể một câu chuyện về các loài vật và cơn gió ghen tị với nhau về những đặc điểm vốn có của chúng. Con rết tị với con rắn vì rằng con rắn có thể di chuyển mà không cần chân, nhưng con rắn lại tị với cơn gió vì khả năng di chuyển đến khắp mọi nơi xa xôi mà thậm chí còn không cần đến cơ thể. Tuy nhiên, cơn gió cãi lại rằng chỉ cần một ngón tay hay ngón chân là đủ để chặn đứng nó. Tóm lại, tự nhiên đã tạo ra vạn vật với những đặc tính riêng biệt của chúng. Không có cái nào tốt hơn những cái khác; chỉ có sự phán xét khiến cho chúng thành ra như thế. Cũng vì lẽ đó, chúng ta cảm thấy một nhu cầu cần thay đổi con người mình, chỉ để cho phù hợp với một lý tưởng. Người da trắng cố gắng để có nước da bánh mật, trong khi người Đông Á lại cố gắng để trông “Âu” hơn. Tóc huyền cố gắng để trở thành tóc kim, và tóc kim lại cố gắng để trở thành tóc huyền. Cùng với đó, chúng ta cũng cố gắng để thay đổi bản thân vì chúng ta muốn tuân theo một thứ tiêu chuẩn do con người tạo ra, nằm vừa vặn trong đó, đơn giản là vì chúng ta được coi là khiếm khuyết nếu như chúng ta không làm thế. Cho nên, ngón tay thứ sáu bị chặt đi chỉ để cho vừa tiêu chuẩn năm ngón. Tại sao chúng ta không cứ là chính chúng ta, theo cách mà tự nhiên đã định cho chúng ta? Như thế dễ thở hơn nhiều.
Mọi người và mọi vật đều có vị trí của nó trong cái tổng thể. Và bằng cách cố gắng điều chỉnh điều này, chúng ta mang thế giới đến với sự mất cân bằng. “Khi con người thấy cái đẹp, cái xấu được tạo ra. Khi con người thấy cái tốt, cái xấu được tạo ra. Hiện hữu và không hiện hữu tạo nên nhau. Khó và dễ bổ sung cho nhau. Dài và ngắn định nghĩa nhau. Cao và thấp đối nghịch lẫn nhau. Đầu và cuối đi theo nhau.”. VẬN DỤNG Vậy, làm thế nào chúng ta có thể vận dụng được những triết lý này vào thực tế? Các triết gia Đạo giáo đưa ra một vài gợi ý. Đầu tiên, Nam Hoa Kinh chỉ ra những lợi ích của việc đi con đường trung đạo. Điều này có nghĩa là chúng ta không nên ép bản thân vượt quá những công cụ và giới hạn ta có, mà hãy lấy bản thân làm gốc và an trú trong chính ta, nhờ đó ta giữ được sức khỏe và trở về gần hơn với tự nhiên. “Đi con đường trung đạo, đi theo dòng chảy bất diệt của tự nhiên, và ngươi có thể bảo toàn được thân tâm, hãy giữ cho bản thân đầy đủ sinh khí, hãy chăm sóc cha mẹ, và sống trọn vẹn những năm tháng của đời mình.”
Đạo là một dòng chảy liên tục bất diệt. Và theo Lão Tử, người tìm Đạo buông xả những kiến thức mới họ học được mỗi ngày. Vì thế, thay vì giới hạn bản thân trong một hệ tư tưởng, chúng ta buông xả nó, giữ cho tâm hồn rộng mở, và để cho vũ trụ có chỗ để thể hiện chính nó. Cố gắng thay đổi tự nhiên là một sự đeo đuổi không đáng, cũng giống như là cố gắng khỏa lấp con mắt khỏi khung cảnh thiên nhiên bằng những công trình nhân tạo. Thay vì thêm kiến thức, chúng ta xả đi kiến thức, cho đến khi chúng ta đạt đến một điểm tĩnh lặng sâu bên trong. Chỉ khi đó, chúng ta mới đang mở rộng lòng mình với Đạo, hay theo quan điểm của thần học, còn có thể được gọi là Chúa. Trong trạng thái rỗng rang này, chúng ta cảm nhận được niềm an vui. Và niềm an vui là hạnh phúc đích thực. Đạo giáo gọi quá trình này là “the fasting of the heart” (giải phóng tâm thức khỏi những giới hạn của những gì đã biết và những định kiến). Bằng cách xả bỏ thứ gì đó mỗi ngày, những triết gia Đạo giáo đi đến trạng thái “không tác động gì cả”. Đó là nghệ thuật không cố gắng, trong khi không có gì là không được giải quyết.
Nguồn : https://www.facebook.com/invisiblepartner/posts/143655473931234
_______________________________