Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần

Nội dung bài viết

The Daily Stoic Tiếng Việt
Download sách này tại website: Keodau.net/sach

SÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 9

Ngày 1 tháng 9: MỘT TÂM HỒN MẠNH MẼ CÒN HƠN LÀ SỰ MAY MẮN

“Một tâm hồn phù hợp còn mạnh mẽ hơn bất kỳ một thứ vận may nào — và đó cũng là nguyên nhân của một đời sống hạnh phúc hay đau khổ.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 98.2b

Cato Trẻ có thừa tiền để mặc quần áo lộng lẫy. Ấy vậy mà ông thường đi dạo quanh thành Rome với chân trần, hờ hững với những lời đàm tiếu của người xung quanh mỗi khi ông đi qua. Ông đã có thể thưởng thức những mỹ vị tuyệt nhất. Nhưng thay vào đó ông lại chọn những món ăn đơn giản. Cho dù là mưa to hay nắng gắt, ông vẫn để đầu trần khi ra ngoài.
Tại sao ông không tận hưởng cuộc sống với nhiều tiện nghi? Bởi vì Cato đang rèn luyện tâm hồn của mình trở nên mạnh mẽ và kiên cường. Cụ thể hơn là Cato học cách thờ ơ: một thái độ “Cho dù bất cứ điều gì xảy ra” đã giúp ông rất nhiều khi chiến đấu trong quân đoàn, khi tham gia hội nghị hay Thượng viện, và còn được sử dụng trong cuộc sống của ông — ông còn là một người cha và là một chính khách.
Việc rèn luyện này đã giúp ông sẵn sàng cho bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ loại may mắn nào. Nếu chúng ta trải qua sự rèn luyện và có sự chuẩn bị, chúng ta cũng có thể thấy bản thân trở nên mạnh mẽ như vậy.

Ngày 2 tháng 9: NGÔI TRƯỜNG TRIẾT HỌC CŨNG LÀ NƠI CHỮA BỆNH

“Hỡi những người đàn ông, giảng đường của triết học cũng giống như một nơi chữa bệnh. Nhưng nhà ngươi không nên hài lòng khi rời khỏi đó mà nên cảm thấy đau đớn, vì nếu thấy hài lòng tức là ngươi đã không làm tốt những việc cần làm khi ở trong đó.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.23.30

Bạn đã bao giờ đi vật lý trị liệu hay là phục hồi chức năng chưa? Mặc dù tên thì rõ là kêu, mặc dù nhiều người nói rằng nó như đi mát xa, thì sự thật là nơi đó không thú vị chút nào. Chữa bệnh khiến bạn đau đớn. Các chuyên gia được đào tạo bài bản biết chính xác chỗ nào phải dùng lực hay bấm huyệt, để họ khiến những vị trí còn yếu của bệnh nhân được cải thiện và giúp kích thích phần cơ thể bị teo lại.
Triết học Khắc kỷ cũng tương tự như vậy. Những lời phê bình hay những bài tập sẽ đụng chạm vào “huyệt” của bạn. Tôi không có ý gì đâu. Nhưng việc trị liệu đòi hỏi bạn phải cảm thấy đau. Đó chính là cách để bạn trau dồi ý chí, để có khả năng chịu đựng và kiên trì vượt qua những khó khăn trong đời.

Ngày 3 tháng 9: TRƯỚC HẾT, PHẢI RÈN LUYỆN GIỮA TRỜI TUYẾT LẠNH GIÁ

“Chúng ta phải trải qua một khóa huấn luyện nặng giữa trời đông giá rét và không đâm đầu vào những thứ mà chúng ta chưa chuẩn bị.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.2.32

Trước khi chiến tranh hiện đại ra đời, quân đội thường giải tán khi mùa đông tới. Chiến tranh ngày trước không phải là cuộc chiến tổng lực như chúng ta hiểu ngày nay, nó là một loạt các cuộc đột kích và sau đó được kết thúc bởi một trận chiến mang tính quyết định.
Khi Epictetus nói rằng chúng ta phải trải qua khóa “huấn luyện mùa đông” — từ Hy Lạp là cheimaskêsai — Ông đang phản đối quan điểm cho rằng những người lính có thể làm việc bán thời gian (hay những lĩnh vực khác trong cuộc sống cũng được phép làm việc kiểu “bán thời gian”). Để đạt được chiến thắng, người đó phải tận dụng mọi giây phút và mọi nguồn lực để chuẩn bị và rèn luyện. Lebron James không nghỉ hè, anh ấy sử dụng thời gian đó để cải thiện kỹ năng chơi bóng rổ của mình. Quân đội Mỹ huấn luyện binh lính cả ngày lẫn đêm kể cả khi không có chiến tranh, để chuẩn bị cho lúc mà họ phải tham chiến. Khi tham chiến, họ chiến đấu cho tới giây phút cuối cùng.
Điều này cũng đúng với chúng ta. Chúng ta không thể sống một cách nửa vời. Không có thời gian để nghỉ ngơi. Cũng không có ngày nghỉ cuối tuần nào. Chúng ta luôn phải chuẩn bị cho bất kì điều gì mà cuộc sống ném vào chúng ta — và khi đó, chúng ta đã sẵn sàng và không dừng lại cho tới khi chúng ta giải quyết được vấn đề.

(Chiến tranh tổng lực: là một chiến lược trong đó quân đội sử dụng bất kỳ phương tiện nào cần thiết để giành chiến thắng — Google.) 

Ngày 4 tháng 9: KHI CHƯA ĐƯỢC THỬ THÁCH, LÀM SAO HIỂU ĐƯỢC MÌNH?

“Thật đáng tiếc cho ngươi vì ngươi chưa bao giờ trải qua nỗi bất hạnh. Ngươi trải qua cuộc sống này mà chưa gặp một đối thủ nào — và do đó, không ai biết khả năng thực sự của ngươi là gì cả. Ngay cả chính ngươi cũng không biết.”
— SENECA, ON PROVIDENCE, 4.3

Hầu hết những người đã vượt qua được những thời điểm khó khăn trong đời khi nhìn lại đều coi những trải nghiệm đó như bằng khen anh hùng lao động. Cho dù cuộc sống hiện tại khá hơn nhiều, họ nhìn lại những điều mình trải qua với chút tiếc nuối “Đó mới là những tháng ngày đại diện cho tuổi trẻ và khát vọng.” “Đó là điều tuyệt vời nhất đã xảy ra với tôi”, hoặc là “Tôi không muốn thay đổi bất kỳ điều gì trong quá khứ cả.” Khoảng thời gian đó thật khó khăn, nhưng nó là giai đoạn hình thành. Giai đoạn này đã khiến họ được như ngày hôm nay.
Thứ chúng ta gọi là bất hạnh cũng có lợi ích nhất định. Khi đã trải qua và sống sót, chúng ta bước tiếp cùng với nhận thức rõ ràng hơn về khả năng và sức mạnh nội tại của mình. Vượt qua những thử thách làm bạn thêm kiên cường, vì bạn hiểu rằng bạn sẽ đối phó được với những khó khăn tương tự trong tương lai. Nietzsche đã nói: “Thứ gì không giết được ta khiến ta mạnh mẽ hơn.”
Vậy nên hôm nay, khi mọi thứ có vẻ sắp toang hay vận may của bạn có vẻ sắp hết thì sao phải lo lắng nhỉ? Nó cũng chỉ là một trải nghiệm cần thiết trong quá trình trưởng thành, một trải nghiệm mà sau này bạn chắc chắn sẽ biết ơn nó.

Ngày 5 tháng 9: TẬP TRUNG VÀO NHỮNG GÌ THUỘC VỀ MÌNH

“Hãy nhớ, nếu tưởng rằng bản chất của nô lệ là tự do, và thứ gì không phải của riêng ngươi là của ngươi, vậy thì ngươi sẽ tự trói buộc mình và cảm thấy khổ sở, sẽ đổ lỗi cho thánh thần và cả những người xung quanh. Nhưng nếu có suy nghĩ rằng mình chỉ sở hữu những gì là của mình, và những gì thuộc về người khác nghĩa là không thuộc về mình; vậy thì không một ai có thể ép buộc hay ngăn cản ngươi, ngươi cũng sẽ không phải tìm bất kỳ ai để buộc tội hay lên án, ngươi không phải hành động trái với ý muốn của mình, ngươi không có kẻ thù cũng không có ai hãm hại — vì lúc này, chẳng có thứ gì làm hại ngươi cả.”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 1.3

Khi máy bay của đại úy James Stockdale bị bắn hạ, ông chịu đựng 7 năm rưỡi trong vô số trại giam. Bị tra tấn dã man, nhưng ông luôn kiên cường phản kháng. Một lần khi bị ép quay video tuyên truyền, ông đã cố tình tự làm tổn thương bản thân để điều đó không diễn ra.
Khi máy bay của Stockdale bị bắn hạ, ông tự nhủ “mình đang bước vào thế giới của Epictetus.” Ông không có ý là ông sắp được tham dự hội thảo triết học. Ông biết rõ mình sẽ đối mặt với điều gì khi hạ cánh. Ông biết rằng, để sống sót thật không dễ dàng chút nào.
Khi được Jim Collins phỏng vấn cho cuốn sách kinh doanh kinh điển Từ tốt đến Vĩ đại, Stockdale chia sẻ về những tù nhân phải chịu đau khổ nhiều nhất: “Đó là những kẻ lạc quan”, Stockdale nói, “…những kẻ nói rằng ‘Chúng ta sẽ rời khỏi đây trước Giáng sinh.’ Giáng sinh trôi qua. Rồi họ bèn nói, ‘Chúng ta sẽ rời khỏi đây trước lễ Phục sinh.’ Và lễ Phục sinh lại trôi qua. Rồi đến lễ Tạ ơn, rồi lại đến Giáng sinh. Và bọn họ mục ruỗng nơi đó với trái tim tan vỡ.”
Nhưng Stockdale đã rất kiên nhẫn và cuối cùng cũng được tự do. Ông đã tự kiềm chế những khát vọng của mình, và tập trung vào thứ duy nhất kiểm soát được: Đó chính là bản thân ông ấy.

Ngày 6 tháng 9: HỌ CÓ THỂ TRÓI BUỘC BẠN, NHƯNG…

“Ngươi có thể trói chân ta, nhưng ngay cả thần Zeus cũng không có sức mạnh để lấy đi quyền tự do lựa chọn của ta.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.1.23

Nghe kể rằng Epictetus đi khập khiễng vì từng bị xích chân lúc còn là nô lệ. 2000 năm sau, James Stockdale cũng bị xiềng hai chân (còn tay của ông bị trói ra sau và treo ngược lên trần nhà, khiến nó liên tục bị kéo ra khỏi ổ khớp).
Thượng nghị sĩ tương lai của Mỹ, John McCain cũng trong cùng một trại giam, trải nghiệm những hình phạt tương tự. Vì có bố là người nổi tiếng, McCain được đề nghị hãy bỏ mặc đồng đội ở đây và về nước đi. Ông đã sử dụng quyền tự do lựa chọn của mình, ông quyết định từ chối lời đề nghị hấp dẫn này mặc dù nó đồng nghĩa rằng ông sẽ đánh mất sự tự do thể xác mà ông đã vô cùng khát khao.
Không ai trong hai người bị sụp đổ tinh thần. Không ai có thể khiến họ bỏ đi nguyên tắc của mình. Đó là điều đáng nói — ai đó có thể trói bạn vào xiềng xích, nhưng họ không có khả năng thay đổi con người bạn. Cho dù phải chịu đựng những hình thức tra tấn khủng khiếp và vô nhân tính nhất mà loài người có thể nghĩ ra, sức mạnh kiểm soát tâm trí và sức mạnh tự do đưa ra quyết định của chúng ta sẽ không mất đi, trừ khi ta lựa chọn từ bỏ sức mạnh đó.

Ngày 7 tháng 9: SỨC MẠNH ĐƯỢC ẨN GIẤU

“Hãy xem xét ngươi là ai. Trên tất cả, một sinh vật sống có lý trí, đặt sức mạnh của sự lựa chọn hợp lý trên trên những thứ khác, đó là thứ sức mạnh để giám sát tất cả, và không bị ai khác chiếm đoạt”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.10.1

Nhà tâm lý học Viktor Frankl đã trải qua ba năm bị giam cầm trong các trại tập trung khác nhau, bao gồm cả trại Auschwitz. Vợ và gia đình ông đã bị giết, công trình nghiên cứu cả đời ông bị phá hủy, tự do của ông bị cướp đi. Ông gần như không còn gì cả. Tuy nhiên, sau bao lần chiêm nghiệm, ông phát hiện ra rằng mình vẫn còn một thứ: khả năng xác định sự đau khổ này có ý nghĩa gì. Ngay cả Đức quốc xã cũng không thể lấy đi điều đó từ ông ta
Hơn nữa, Frankl nhận ra rằng ông thực sự có thể nhìn vào mặt tích cực trong hoàn cảnh của mình. Rằng đây là một cơ hội để tiếp tục thử nghiệm và khám phá các lý thuyết tâm lý của ông (và kiểm tra lại nó). Ông vẫn có thể phục vụ người khác. Ông thậm chí còn tự an ủi rằng những người thân yêu của mình đã không phải chịu những đau đớn và khổ sở mà ông phải trải qua hàng ngày trong cái trại tập trung đó.
Sức mạnh tiềm ẩn của bạn là khả năng sử dụng lý trí và đưa ra lựa chọn, dù lựa chọn đó có nhỏ bé hay bị hạn chế như thế nào. Hãy suy nghĩ về những khía cạnh trong cuộc sống khiến bạn cảm thấy bị ép buộc hoặc bị đè nặng bởi nghĩa vụ.
Mỗi ngày hãy tự hỏi những lựa chọn bạn có thể cân nhắc là gì? Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên vì có rất nhiều lựa chọn dành cho bạn. Bạn có đang tận dụng những điều đó không? Bạn có đang nhìn vào mặt tích cực hay không?

Ngày 8 tháng 9: ĐỪNG ĐỂ BỊ LỪA DỐI BỞI SỐ PHẬN

“Không ai có thể bị gục ngã trước Vận mệnh trừ khi họ bị Vận mệnh đánh úp trước… Những người không tự đắc khi gặp thời, thì không bị chao đảo thời thế đổi thay. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người vững vàng luôn giữ cho tâm trí bất khả chiến bại, vì chính trong những thời điểm tốt đẹp họ có thể chứng minh được sức mạnh vượt lên nghịch cảnh.”
— SENECA, ON CONSOLATION TO HELVIA, 5.4b, 5b—6

Vào năm 41 sau Công nguyên, Seneca bị đày từ Rome đến Corsica, chúng ta không biết vì sao ông lại bị đày, nhưng họ đồn là ông đã ngoại tình với em gái của Hoàng đế. Một thời gian ngắn sau đó, ông gửi thư cho mẹ mình để trấn an và xoa dịu nỗi đau của bà. Nhưng bằng cách này hay cách khác, ông chắc hẳn cũng đã đối thoại với bản thân — tự trách một chút vì tai họa bất ngờ này.
Ông đã đạt được một số thành công chính trị và xã hội. Có thể ông đã lựa chọn những thú vui thể xác. Và giờ ông và gia đình đang phải đối mặt với hậu quả — cũng như chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình và chấp nhận những rủi ro.
Seneca sẽ phản ứng như thế nào? Ông ấy sẽ đối phó với chuyện này ra sao? Chà, ít ra thì ông đã an ủi mẹ mình thay vì than vãn về cái tai họa đó. Mặc dù một số lá thư khác cho thấy Seneca đã cầu xin và vận động để có lại quyền lực và trở về Rome (yêu cầu cuối cùng đã được chấp thuận), có vẻ như ông đã chống đỡ khá tốt với nỗi đau và sự nhục nhã của việc bị đày. Triết học mà ông nghiên cứu từ lâu đã giúp ông chuẩn bị cho nghịch cảnh này, đồng thời cho ông sự quyết tâm và kiên nhẫn cần thiết để chờ cho nghịch cảnh kết thúc. Khi Seneca trở lại với vai trò của mình, triết học này đã ngăn cản ông xem quyền lực như điều hiển nhiên và giúp ông không bị phụ thuộc vào nó. Điều này rất có ích cho ông vì một lần nữa ông lại bị Vận mệnh trêu đùa. Khi vị Hoàng đế mới trút cơn thịnh nộ lên Seneca, triết học đã giúp ông chuẩn bị sẵn sàng.

Ngày 9 tháng 9: KHÔNG CÓ GÌ PHẢI SỢ TRỪ BẢN THÂN NỖI SỢ

“Sẽ chẳng còn lý do để sống, đồng thời sự thống khổ sẽ đi đến cùng cực nếu ta để nỗi sợ hãi chiếm ưu thế.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 13.12b

Trong những ngày đầu của giai đoạn Đại suy thoái, Franklin Delano Roosevelt, tổng thống Mỹ mới lên đã tuyên thệ và có bài phát biểu nhậm chức đầu tiên. Với cương vị là tổng thống cuối cùng giữ chức vụ trước khi Twentieth Amendment Tu chính án lần thứ 20) được phê chuẩn, Roosevelt đã không thể nhậm chức cho đến tháng 3. Điều này đồng nghĩa với việc nước Mỹ không có được sự dẫn dắt của tổng thống trong nhiều tháng. Không khí hoảng loạn tràn ngập nước Mỹ, các ngân hàng phá sản và rất nhiều người sợ hãi.
Có lẽ chúng ta đã biết đến câu “không có gì phải sợ trừ chính bản thân nỗi sợ” mà Roosevelt nói trong bài phát biểu nổi tiếng của ông, nhưng toàn bộ câu nói đó cũng rất đáng đọc, vì ta có thể áp dụng nó đối với tất cả những điều khó khăn trong cuộc sống:
“Hãy để tôi khẳng định niềm tin vững chắc của mình rằng điều duy nhất chúng ta phải sợ là chính bản thân nỗi sợ. Chính cái sự hoang mang chưa rõ ràng, cái nỗi sợ chưa được kiểm chứng đang làm tê liệt những nỗ lực cần thiết để biến nguy thành cơ.”
Những người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ biết rằng thứ duy nhất đáng sợ chính là bản thân nỗi sợ vì sự thống khổ mà nó tạo ra. Những điều chúng ta sợ chẳng là gì so với thiệt hại mà chúng ta gây ra cho bản thân và những người khác khi chúng ta cố gắng tìm mọi cách để tránh nỗi sợ. Suy thoái kinh tế là xấu; nhưng sự hoảng loạn còn tồi tệ hơn. Sự hoảng loạn chỉ làm cho mọi thứ thêm khó khăn. Và đó là lý do tại sao chúng ta phải chống lại và từ chối nỗi sợ nếu muốn xoay chuyển tình thế.

Ngày 10 tháng 9: CHUẨN BỊ TRONG CẢ NHỮNG NGÀY ĐẸP TRỜI

“Đây là một bài kiểm tra tâm trí ngươi mạnh mẽ đến đâu: hãy dành ra một tuần chỉ ăn những thức ăn đạm bạc và rẻ mạt nhất, mặc những bộ quần áo sơ sài và tồi tàn và tự hỏi mình rằng, liệu đây có là điều tồi tệ nhất mà bản thân lo sợ hay không? Trong những ngày đẹp trời là lúc ngươi nên chuẩn bị cho khoảng thời gian khó khăn sắp tới, vì trong lúc Vận mệnh còn đối xử tử tế với ngươi thì ngươi cần chuẩn bị sẵn sàng cho lúc Vận mệnh quay lưng. Những người lính cần diễn tập trong thời bình, cần dựng chiến hào kể cả khi không thấy kẻ địch nào và tự vắt kiệt sức lực của mình dù không bị tấn công; để khi những thứ kia đến thật họ sẽ không thấy mệt nhọc gì.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 18.5—6

Điều gì sẽ xảy ra khi mỗi tháng một ngày, bạn trải nghiệm cái nghèo, cái đói, cảm giác cô lập hoàn toàn, hay bất cứ điều gì khác bạn thấy sợ hãi? Ban đầu bạn sẽ bị sốc, nhưng dần dần bạn sẽ cảm thấy bình thường và không sợ hãi nhiều như trước nữa.
Một người có thể chuẩn bị trước cho rất nhiều tình huống xấu, và thử giải quyết trước vô số vấn đề có thể xảy ra. Hãy giả sử rằng bình nước nóng nhà bạn bị hỏng. Giả sử rằng ví của bạn bị mất. Giả sử bạn không có đệm và phải ngủ trên sàn nhà. Giả sử rằng xe của bạn bị hỏng và bạn giờ phải đi bộ. Giả sử rằng bạn mất việc và cần tìm một công việc mới. Cần nhắc lại rằng, đừng chỉ nghĩ — hãy sống trong các tình huống đó. Và hãy làm như vậy ngay đi, trong lúc mọi thứ còn tốt đẹp. Seneca đã nhắc nhở chúng ta: “Kể cả khi được Vận mệnh đối xử nhẹ nhàng, tinh thần nên được rèn luyện trở nên cứng rắn hơn để chuẩn bị cho tình huống xấu sắp tới… Nếu muốn trở thành một người không nao núng trước khủng hoảng, hãy chuẩn bị và rèn luyện trước khi khủng hoảng đến.”

Ngày 11 tháng 9: ÍT ĐI THÌ THẾ NÀO?

“Chúng ta hãy làm quen với việc ăn tối một mình, phụ thuộc ít hơn vào nô lệ, chỉ sử dụng quần áo vào đúng mục đích của nó, và sống trong những nơi khiêm tốn hơn.”
— SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 9.3b

Nhà văn Stefan Zweig, người được biết đến với kiến thức khắc kỷ sâu rộng của mình, đã từng là nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất thế giới, và cuộc đời ông chỉ bị hủy hoại khi Hitler nắm quyền. Đó là khoảng thời gian đáng buồn, nhưng cũng là một phần của dòng lịch sử: các chính trị gia bị đuổi cổ vì đã can đảm đứng ra đấu tranh. Hàng loạt những người chăm chỉ và giàu có bị mất tiền vào tay những kẻ lũng đoạn tài chính. Một số người bị cáo buộc phạm pháp và phải mất nhiều năm để chứng minh họ vô tội.
Chúng ta đều có thể phải rời khỏi vị thế của mình và buộc phải làm quen với sự ít hơn — ít tiền hơn, ít được công nhận hơn, ít quyền hạn hơn, ít nguồn lực hơn. Càng lớn tuổi, ta càng có ít hơn: ít linh động hơn, ít năng lượng hơn, ít tự do hơn. Nhưng chúng ta có thể ít nhiều chuẩn bị cho điều này bằng cách làm quen với cảm giác đó.
Một trong những cách để bảo vệ bản thân trước những thay đổi của vận mệnh — và trước những biến động cảm xúc nảy sinh từ đó — chính là sống với những phương tiện thiếu thốn mà bạn có thể ngay từ lúc này. Vậy nên hôm nay, chúng ta có thể thử làm quen và sống dựa vào ít thứ hơn thông thường, để khi bị ép buộc phải sống với sự ít hơn, chúng ta vẫn thấy mọi thứ không quá tệ.

Ngày 12 tháng 9: SỐNG THỰC TẾ, NẾU KHÔNG MUỐN BỊ VỠ MỘNG

“Zeno luôn nói rằng không có gì vô lý hơn việc sống trên mây, đặc biệt là ở các bạn trẻ.”
— DIOGENES LAERTIUS, LIVES OF THE EMINENT PHILOSOPHERS, 7.1.22

Lá thư nổi tiếng của Isocrates viết cho Demonicus (mà sau này trở thành nguồn cảm hứng cho bài phát biểu “To thine own self be true — Để bản thân mình là sự thật” của Polonius) đã đưa ra lời khuyên tương tự như của Zeno. Trong lá thư cho chàng trai trẻ, Isocrate khuyên rằng: “Hãy hòa nhã trong mối quan hệ với những ai tiếp cận cậu, và đừng bao giờ ngạo mạn; vì cái giá của ngạo mạn lớn đến nỗi ngay cả những nô lệ cũng hiếm có thể chịu nổi.”
Một trong những mô típ phổ biến nhất trong nghệ thuật, từ trong văn chương cổ đại đến trong những bộ phim đại chúng — là hình ảnh một chàng trai trẻ, thô lỗ và tự tin thái quá, bị hạ bệ bởi một người đàn ông già dặn và thông thái hơn. Hình ảnh này bị dập khuôn, nhưng nó là thực tế của cuộc sống: mọi người thường ảo tưởng sức mạnh, cho rằng mình đã hiểu hết rồi và mình còn giỏi hơn những kẻ khác. Họ không thấy dễ chịu khi ai đó khai sáng cho họ.
Nhưng sự khó chịu này hoàn toàn có thể tránh được. Nếu bạn không ảo tưởng quá đà, người khác không cần khiến bạn vỡ mộng. Sự kiêu ngạo là một điểm yếu lớn, là một gánh nặng. Nhưng nếu bạn đã là một người khiêm tốn thì người khác không cần thiết đập cho bạn tỉnh ngộ — lúc này bạn ít có khả năng bị khó chịu với những bất ngờ khiến bạn phải phản ứng mạnh. Nếu bạn chọn cách sống thực tế, không ai muốn mất thời gian khiến bạn vỡ mộng hay thất vọng — nhưng một khi họ đã phải làm thế, thường họ sẽ khiến bạn thất vọng vô cùng.

Ngày 13 tháng 9: BẢO VỆ PHÁO ĐÀI BÊN TRONG TRƯỚC NỖI SỢ HÃI

“Không, đây là những sự kiện nảy sinh nỗi sợ hãi — khi người khác có quyền lực hơn mình hoặc có thể ngăn cản mình, thì người đó khiến ta thấy sợ hãi. Một pháo đài bị phá huỷ như thế nào? Không phải bằng sắt hay lửa, mà bằng những phán xét… ta phải bắt đầu từ đây, và chính là từ đây chúng ta phải bảo vệ vững pháo đài và đá văng những kẻ muốn đàn áp.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.1.85—86; 87a

Những nhà Khắc kỷ cho chúng ta một tư tưởng tuyệt vời: Cái pháo đài bên trong. Họ tin rằng chính cái pháo đài này sẽ bảo vệ tâm hồn ta. Mặc dù có thể cơ thể vật lý của chúng ta bị tổn thương, mặc dù ta bị Vận mệnh trêu đùa dưới nhiều hình thức, lãnh địa bên trong ta thì không xuyên qua được. Như Marcus Aurelius đã nói “không có sự việc nào có thể tác động đến tâm hồn.”
Nhưng lịch sử dạy ta rằng một pháo đài không thể xuyên qua được nhưng vẫn có thể bị thất thủ, nếu bị bên trong pháo đài có người phản bội. Những người sống phía trong những bức tường — nếu họ là nạn nhân của sợ hãi hoặc tham lam — có thể mở những cánh cổng và để kẻ thù đánh vào. Đây là điều mà nhiều người trong chúng ta làm khi ta bị mất tinh thần và chịu thua trước sợ hãi.
Bạn được ban cho một pháo đài vững chắc. Đừng phản bội lại nó.

Ngày 14 tháng 9: MỘT CÁCH KHÁC ĐỂ CẦU NGUYỆN

“Hãy thử cầu nguyện bằng cách khác, và xem điều gì xảy ra: Thay vì mong cầu ‘làm thế nào để ngủ với cô ấy’, hãy thử cầu ‘làm thế nào để không còn khát khao muốn ngủ với cô ấy’. Thay vì ước ‘làm thế nào để loại bỏ anh ta’, thử cầu ‘làm thế nào để không còn khát khao anh ta phải chết’. Thay vì cầu nguyện ‘làm thế nào để không mất đứa con’, thử cầu ‘’làm thế nào để không có sự sợ hãi ấy’.”
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 9.40.6

Lời cầu nguyện có ý nghĩa tôn giáo, nhưng trong cuộc sống chúng ta đều thấy bản thân hy vọng và cầu mong mọi thứ. Trong tình huống khó khăn, chúng ta có thể cầu nguyện sự giúp đỡ trong thầm lặng; trong một cuộc đấu thể thao, chúng ta có thể ngồi trên rìa ghế mong ước trận đấu có kết quả như mong muốn. Chúng ta luôn nói “Coi nào, làm ơn …” Ngay cả khi lời cầu nguyện không có người nhận, chúng ta vẫn luôn cầu nguyện. Nhưng, nó tiết lộ rằng, việc chúng ta đang mong mỏi khao khát điều gì đó một cách thầm lặng và mạnh mẽ đã thể hiện sự ích kỷ của những mong cầu ấy.

Chúng ta muốn có sự can thiệp của thánh thần để cuộc sống ta trở nên dễ chịu hơn. Nhưng sao không mong cầu sự kiên cường và sức mạnh để bạn có thể làm những gì cần làm? Chuyện gì xảy ra nếu bạn kiếm tìm sự thông suốt trong những thứ bạn kiểm soát, cái mà đã có sẵn trong quyền kiểm soát của bạn? Bạn sẽ thấy những lời cầu nguyện của bạn đã được trả lời rồi.

Ngày 15 tháng 9: KHU VƯỜN KHÔNG PHẢI ĐỂ GÂY ẤN TƯỢNG

“Đầu tiên, hãy thực hành không để người khác biết ngươi là người thế nào — hãy giữ kín triết lý của mình. Tương tự như cách hoa quả được tạo ra — hạt giống được gieo, vùi trong đất, cây phát triển dần dần để trưởng thành và đậu quả. Nhưng nếu quả mọc ra trước khi cuống được phát triển đầy đủ, nó sẽ không bao giờ chín… Ngươi cũng như cái cây kia, nếu để lộ ra ‘quả’ của mình quá sớm thì sẽ bị đánh gục khi mùa đông đến.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.8.35b—37

Sau khi bạn đọc xong, bạn rất có thể sẽ suy nghĩ thế này: Kiến thức này thật tuyệt vời. Tôi nắm được hết rồi. Tôi là một người Khắc kỷ. Nhưng nó không dễ dàng như vậy. Chỉ vì bạn đồng ý với triết lý này không có nghĩa là bạn đã nắm vững gốc rễ của nó.
Việc khoe mẽ đống sách đọc được để khiến mình trông có vẻ trí thức hoặc sở hữu một thư viện lớn đáng ngạc nhiên cũng tương tự như việc bạn chăm sóc một khu vườn chỉ để gây ấn tượng với hàng xóm. Chỉ trồng một cái cây để nuôi gia đình? Đó là một cách sử dụng thời gian tiết kiệm và có lợi cho bạn. Những hạt giống của Chủ nghĩa Khắc kỷ nằm sâu dưới lòng đất. Hãy làm công việc cần thiết để nuôi dưỡng và chăm sóc chúng. Để những hạt giống này và bạn được chuẩn bị và thêm vững vàng trước những mùa đông khó khăn trong đời.

Ngày 16 tháng 9: AI CŨNG CÓ THỂ MAY MẮN, NHƯNG KHÔNG PHẢI AI CŨNG CÓ Ý CHÍ

“Thành công có thể đến với những người thấp kém hoặc ít tài năng, nhưng điểm đặc biệt của một người vĩ đại là họ có thể chiến thắng những tai họa và sự kinh hoàng của kiếp người.”
— SENECA, ON PROVIDENCE, 4.1

Có lẽ bạn biết những người cực kỳ may mắn trong cuộc sống. Có thể họ liên tục trúng xổ số hoặc gặp thuận lợi trong cả sự nghiệp lẫn việc học hành. Mặc dù không bao giờ lên kế hoạch, đưa ra những quyết định cảm tính, thử đủ thứ trên đời, vậy mà bằng cách nào đó họ vẫn không gặp khó khăn gì. Có một câu nói: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”.
Việc ghen tị với những người này là điều vô cùng bình thường. Chúng ta muốn một cuộc sống dễ dàng — chí ít là chúng ta nghĩ vậy. Nhưng cuộc sống dễ dàng có thực sự đáng ngưỡng mộ?
Ai cũng có thể có may mắn. Sống khù khờ không đòi hỏi kỹ năng nào hết, và không ai cho rằng đó là điều vĩ đại cả.
Mặt khác thì sao? Có những người kiên trì vượt qua khó khăn, luôn nỗ lực khi người khác bỏ cuộc, người đến đích nhờ sự chăm chỉ và trung thực. Điều đó thật đáng ngưỡng mộ vì họ đã vượt qua gian khổ là nhờ sự dũng cảm và kiên cường, chứ không phải nhờ xuất thân hay hoàn cảnh thuận lợi. Người đó không chỉ vượt qua những trở ngại ngoại cảnh để thành công mà còn làm chủ bản thân và cảm xúc của mình trong suốt quãng đường. Điều này mới ấn tượng hơn nhiều. Người dù biết rõ hoàn cảnh của mình khó khăn hơn nhiều nhưng vẫn vượt qua được và chiến thắng? Đây mới gọi là vĩ đại.

Ngày 17 tháng 9: ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI CĂM GHÉT MÌNH

“Nếu ai đó khi thường ta thì sao? Cứ để họ như vậy. Nhưng ta sẽ đối phó với điều này bằng việc không làm bất cứ điều gì hay nói ra bất cứ điều gì đáng khinh thường.
Nếu ai đó ghét ta thì sao? Cứ để họ như vậy. Nhưng ta sẽ cho họ thấy rằng ta tốt bụng và tử tế với tất cả mọi người, và luôn sẵn sàng chỉ bảo cho những người ghét ta họ đã sai ở đâu. Không phải theo cách chỉ trích chê bai, hay để khoe mẽ sự kiên nhẫn của mình; mà chỉ bảo với sự chân thành và mang tính xây dựng.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.13

Khi ai đó có định kiến quá mạnh về một điều gì, nó chỉ thể hiện ra chính bản thân họ có vấn đề chứ không phải người hay việc mà họ nhắc đến. Điều này đặc biệt đúng khi người đó phẫn nộ hoặc căm ghét người khác. (Điều mỉa mai trớ trêu là những người có thành kiến thường bị thu hút bởi người mà họ công khai ghét).
Vì lý do đó, các người thực hành theo chủ nghĩa Khắc kỷ cần làm hai điều khi họ đối mặt với sự thù hận hay định kiến từ người khác. Họ tự hỏi: Định kiến này có nằm trong tầm kiểm soát của mình hay không? Nếu có cơ hội ảnh hưởng hoặc thay đổi nó, họ sẽ làm. Nhưng nếu không, họ chấp nhận người này như chính người đó (và không bao giờ ghét người ghét mình). Công việc của chúng ta đã đủ khó khăn rồi. Chúng ta không có thời gian để nghĩ về những gì người khác nghĩ, ngay cả khi những suy nghĩ đó đang nói về chúng ta.

Ngày 18 tháng 9: XỬ LÝ NỖI KHỔ ĐAU

“Bất cứ khi nào ngươi phải chịu đựng nỗi đau đớn, hãy nhớ rằng nó không có gì đáng hổ thẹn và nỗi đau đó không thể làm mất đi sự khôn ngoan của ngươi, cũng như nó không thể ngăn cản ngươi hành động có lý trí và hành động vì lợi ích cộng đồng. Và trong hầu hết các trường hợp, ngươi hãy tìm sự trợ giúp từ câu nói của Epicurus, rằng nỗi đau không thể không chịu đựng được hoặc không bao giờ kết thúc; để từ đó ngươi hiểu ra nỗi đau có giới hạn và không dùng trí tưởng tượng để thổi phồng nó. Nhớ rằng rất nhiều phiền toái phổ biến trong cuộc sống là nỗi đau được ngụy trang, chẳng hạn như cơn buồn ngủ, cơn sốt hay sự chán ăn. Khi nó bắt đầu khiến ngươi xuống tinh thần, hãy tự nói với bản thân rằng ngươi có thể chịu những nỗi đau đó.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.64

Vào năm 1931, trong một chuyến thăm New York, Winston Churchill bị tông bởi một chiếc xe chạy với vận tốc trên 30 dặm một giờ. Một nhân chứng tại hiện trường quả quyết ông chắc hẳn đã chết rồi. Ông ấy đã nằm trong bệnh viện tám ngày, với nhiều xương sườn bị gãy và một vết thương nặng ở đầu.
Bằng cách nào đó, Churchill giữ lại được ý thức. Khi ông ấy nói chuyện với cảnh sát, ông đã cố gắng hết sức để khẳng định rằng lỗi là do mình và không hê muốn làm khó người lái xe. Sau đó, người lái xe đã đến thăm Churchill ở bệnh viện. Khi Churchill nghe rằng anh ta đã bị đuổi việc, ông ấy đã cố gắng đưa cho người gần như đã giết chết mình một ít tiền. Thay vì chỉ nghĩ đến nỗi đau của mình, ông lo lắng rằng vụ tai nạn sẽ làm tổn hại đến tương lai nghề nghiệp của người tài xế và tìm cách giúp đỡ anh ta hết mức có thể.
Sau đó, ông viết trong một bài báo về điều mình đã trải qua: “Thiên nhiên rất khoan dung, Người không muốn đẩy những đứa con của mình, kể cả quái thú, vào những tình huống quá sức chịu đựng của chúng. Chỉ nơi nào xuất hiện sự độc ác của con người thì nơi đó cực hình địa ngục sẽ mở ra. Những gì cần tập trung là — sống hết mình; chấp nhận mọi sự việc khi chúng đến; không cần phải sợ hãi bất kỳ điều gì, tất cả rồi sẽ ổn thôi.”
Trong những năm sau đó, Churchill và cả thế giới chứng kiến những loại cực hình bậc nhất mà con người có thể chế tạo ra. Tuy nhiên ông ấy — cũng như tổ tiên của chúng ta — đã chịu đựng những điều đó. Dù rất kinh khủng, cuối cùng mọi thứ cũng tốt đẹp trở lại. Bởi vì như Epicurus nói, không có gì là mãi mãi. Bạn chỉ cần đủ mạnh mẽ và khoan dung để vượt qua chúng.

Ngày 19 tháng 9: SỰ LINH HOẠT CỦA Ý CHÍ

“Nhớ rằng ngươi có ý chí tự do để chấp nhận thay đổi chính kiến của mình và nghe theo sự điều chỉnh của người khác. Hành động này là ngươi hoàn toàn quyết định — hãy để nó đi kèm với sự thôi thúc và phán đoán, cùng với sự thông thái của ngươi.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.16

Khi bạn đặt tâm trí của mình vào một việc gì đó, bạn có luôn theo đuổi nó đến tận cùng? Nếu bạn làm vậy, nó sẽ là cả một kỳ công. Nhưng đừng để sự kiên định đó khiến bản thân bạn trở thành một tù nhân. Khả năng này có thể trở thành gánh nặng vào một ngày nào đó.
Thời thế thay đổi. Thêm nhiều sự thật được chứng minh. Tình huống phát sinh. Nếu bạn không thể thích nghi với chúng — nếu bạn chỉ ngoan cố tiến lên, không linh hoạt với hoàn cảnh — bạn cũng chẳng khác gì một con robot. Vấn đề không phải là có một ý chí sắt đá, mà là một ý chí linh hoạt — một ý chí tận dụng triệt để lý trí để sáng tỏ nhận thức, thôi thúc và phán đoán, để từ đó hành động hiệu quả vì mục đích đúng đắn.
Việc thay đổi và thích nghi không thể hiện là bạn kém cỏi. Sự linh hoạt bản thân nó là sức mạnh. Thực tế là, sự linh hoạt này kết hợp với sức mạnh là điều khiến chúng ta kiên cường và không thể bị ngăn cản.

Ngày 20 tháng 9: CUỘC SỐNG KHÔNG PHẢI ĐIỆU NHẢY

“Nghệ thuật sống giống với đấu vật hơn là khiêu vũ, bởi vì cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị để đối mặt và chịu đựng những cuộc tấn công bất ngờ không thể lường trước.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.61

Khiêu vũ là một phép ẩn dụ phổ biến cho cuộc sống. Người ta phải nhún nhảy và nghiêng mình theo điệu nhạc. Người ta phải cảm nhận, chuyển động theo nhịp điệu và kết hợp ăn ý với bạn nhảy. Nhưng bất kì ai đã cố gắng làm một điều gì đó khó khăn, điều đòi hỏi có sự cạnh tranh và đối thủ, đều biết rằng phép ẩn dụ về khiêu vũ cho cuộc sống là không đủ. Không một ai đứng trên sân khấu để cố gắng quật ngã một vũ công. Các vũ công cũng không bao giờ bị đối thủ bóp cổ.
Mặt khác, đối với một đô vật, nghịch cảnh và những điều bất ngờ là một phần không thể tách rời. Cuộc chơi của họ là một trận chiến, giống như cuộc sống vậy. Họ đang chiến đấu với một đối thủ cũng giống như giới hạn, cảm xúc và sự rèn luyện của họ.
Cuộc sống, giống nhưng đấu vật, đòi hỏi nhiều hơn là các chuyển động duyên dáng. Chúng ta phải trải qua sự huấn luyện chăm chỉ và nuôi dưỡng một ý chí không thể chế ngự để chiếm ưu thế. Triết học là phương tiện để chúng ta mài giũa ý chí và củng cố quyết tâm đó.

Ngày 21 tháng 9: DUY TRÌ SỰ BÌNH TĨNH, DUY TRÌ SỰ KIỂM SOÁT

“Khi bị hoàn cảnh ép buộc khiến ngươi bối rối, hãy nhanh chóng chấn chỉnh tinh thần. Đừng để bị mất phương hướng lâu hơn cần thiết. Ngươi có thể duy trì nhịp điệu nếu ngươi liên tục tìm cách chấn chỉnh bản thân.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.11

Chúng ta trở nên mất cảnh giác theo thời gian. Không chỉ bởi những sự kiện kiểu “thiên nga đen” — một vụ tấn công khủng bố hay một sự kiện hoảng loạn tài chính — mà còn bởi các sự cố nhỏ, bất ngờ xảy ra. Ắc quy ô tô của bạn hỏng, bạn bè hủy bỏ cuộc hẹn vào phút cuối, bạn đột nhiên cảm thấy không được khỏe. Những tình huống này khiến ta bị bối rối và xáo trộn. Chúng ta đưa ra một giả định về thế giới và xây dựng các kế hoạch dựa trên giả định đó. Bây giờ giả định đó đã sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của sự hiểu biết và kế hoạch của ta.
Điều đó là hoàn toàn bình thường! Nó luôn xảy ra. Một nhóm lính bộ binh sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công bào mòn tâm trí — điều quan trọng nhất là họ không cho phép sự hỗn loạn ngự trị. Những nhạc sĩ cũng sẽ lúc gặp khó khăn kỹ thuật và mất phương hướng. Trong cả hai trường hợp, vấn đề quan trọng là họ cần phải tìm cách chấn chỉnh bản thân trở lại trạng thái bình thường càng nhanh càng tốt.
Điều này cũng đúng với bạn ngày hôm nay. Trật tự và hòa bình có thể bị ảnh hưởng bởi một tình huống phát sinh. OK. Chấn chỉnh bản thân và trở lại trạng thái ban đầu thôi.

Ngày 22 tháng 9: CÓ GIAN KHỔ MỚI CÓ THÀNH CÔNG

“Trong gian khổ mới lộ rõ bản chất. Vì thế nếu phải đối phó với thử thách, hãy nhớ Chúa đang thể hiện vai trò là một một huấn luyện viên thể chất, xếp ngươi đấu với một đối thủ xứng tầm. Vì sao ư? Muốn trở thành vận động viên Olympic thì đương nhiên phải khổ luyện! Thử nghĩ mà xem, không ai có một thử thách tốt hơn của ngươi; hãy tận dụng điều đó giống như việc một vận động viên tận dụng cơ hội so tài với một đối thủ trẻ tuổi hơn.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.24.1–2

Các nhà Khắc kỷ thích sử dụng phép ẩn dụ từ Thế vận hội, đặc biệt là bộ môn đấu vật. Giống như chúng ta, họ xem thể thao vừa là thú vui tiêu khiển vừa là sân tập để rèn luyện những thử thách chắc chắn sẽ gặp phải trong cuộc sống. Như Tướng Douglas MacArthur đã từng nói, những lời sau này đã được khắc tại nhà thi đấu ở West Point*:
NHỮNG HẠT GIỐNG ĐƯỢC GIEO Ở NHỮNG VÙNG ĐẤT CÓ SỰ CẠNH TRANH THÂN THIỆN
THÌ Ở NHỮNG VÙNG ĐẤT KHÁC SẼ CHO NHỮNG QUẢ NGỌT CỦA CHIẾN THẮNG.
Mọi người đều thấy mình bị đối thủ vượt trội, thất vọng vì mình không có một số kỹ năng hoặc đặc điểm họ có — chiều cao, tốc độ, tầm nhìn, bất cứ thứ gì. Cách chúng ta chọn để phản ứng với cuộc đấu tranh đó cho chúng ta biết chúng ta là kiểu vận động viên gì, chúng ta là kiểu người như thế nào. Chúng ta có coi đó là cơ hội để học hỏi và mạnh mẽ hơn không? Chúng ta có bực bội và phàn nàn không? Hoặc tệ hơn, chúng ta có thể từ bỏ và tìm một trận đấu dễ chơi hơn, một trận đấu khiến chúng ta cảm thấy thoải mái thay vì bị thách thức?
Những người vĩ đại không lảng tránh những bài kiểm tra năng lực của họ như thế này. Họ còn chủ động tìm kiếm những bài kiểm tra đó, bởi vì chúng không chỉ là thước đo của sự vĩ đại, chúng còn là con đường dẫn đến sự vĩ đại đó.

(Giải thích của ND: Câu nói của McArthur là kiến thức bắt buộc đối với các học viên sĩ quan tại West Point, và được nhắc đến trong vài tuần đầu tiên của Khóa Huấn luyện Cơ bản về Thiếu sinh quân trước khi bắt đầu năm học với tư cách là sinh viên năm nhất. Theo cách hiểu thông thường, những bài học và kinh nghiệm mà các vận động viên rút ra được từ các trận đấu trước có thể sẽ dẫn đến năng lực và sự tự tin hơn trong trận đấu sau và giành được chiến thắng.) 

Ngày 23 tháng 9: PHÁO ĐÀI VỮNG CHÃI NHẤT

“Hãy nhớ rằng lý trí đang chi phối ngươi sẽ không thể bị khuất phục nếu nó được củng cố và chỉ dựa vào bản thân nó, vì thế nó sẽ không làm bất cứ điều gì trái với ý muốn của mình, ngay cả khi lập trường của nó có phi lý thế nào. Nếu những đánh giá [của lý trí] đã được cân nhắc cẩn thận và dựa trên lý lẽ thuyết phục, thì lý trí đó càng không thể bị khuất phục. Vì thế, tâm trí trở thành một pháo đài không thể bị xuyên thủng nếu tâm trí đó đã được giải phóng khỏi những cảm xúc mạnh mẽ — ở bất kỳ thời đại nào người ta cũng không thể tìm thấy một nơi trú ẩn an toàn hơn thế.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.48

Lý Tiểu Long đã từng khẳng định một câu rất thú vị: “Tôi không sợ người đã luyện 10,000 cú đá khác nhau, tôi chỉ sợ người đã luyện một cú đá 10,000 lần.” Khi chúng ta lặp lại một hành động thường xuyên, nó trở thành hành động vô thức, chúng ta có thể mặc định thực hiện hành động đó mà không cần suy nghĩ.
Huấn luyện võ thuật hoặc chiến đấu nghiên cứu rất kỹ những chuyển động. Đôi khi chúng ta nghĩ về những người chiến binh giống như những cỗ máy, nhưng những gì họ làm là xây dựng một khuôn mẫu ổn định về các hành vi vô thức. Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể xây dựng khuôn mẫu này.
Khi Marcus nói rằng tâm trí có thể đến trình độ mà “nó sẽ không làm bất cứ điều gì trái với ý muốn của mình, ngay cả khi lập trường của nó có phi lý thế nào”; ý của ông là việc rèn luyện thích hợp có thể thay đổi thói quen mặc định của bạn. Hãy rèn luyện bản thân để từ bỏ sự tức giận và bạn sẽ không tức giận dù chỉ là một chút. Hãy rèn luyện bản thân để tránh những lời đàm tiếu và bạn sẽ không bị lôi kéo vào đó. Rèn luyện cho mình bất kỳ thói quen nào và bạn sẽ có thể vô thức thực hiện thói quen đó sau rất nhiều lần cố gắng.
Hãy suy nghĩ về những hành vi bạn muốn biến thành mặc định nếu bạn có thể. Có bao nhiêu hành vi trong số đó bạn chỉ mới thực hiện có một lần trong ngày?
Hãy thực hiện hai lần từ hôm nay.

Ngày 24 tháng 9: ĐIỀU ĐÓ CŨNG CÓ THỂ XẢY RA VỚI BẠN

“Tính bất ngờ khiến thảm họa càng thêm kinh khủng, và việc bị bất ngờ luôn khiến người ta thêm đau khổ. Vì thế, chúng ta không nên bị bất ngờ bởi bất cứ điều gì. Tâm trí ta nên lường trước mọi thứ, và chúng ta không nên cân nhắc chỉ những điều bình thường mà còn cả những điều có thể xảy ra. Vì Vận mệnh có thể xoay chuyển bất cứ điều gì nếu điều đó khiến nàng [Vận mệnh] vui vẻ.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 91.3a–4

Vào năm 64, dưới thời trị vì của Nero, một ngọn lửa đã phá hủy thành phố Rome. Thành phố Lyons của Pháp đã gửi một số tiền lớn để cứu trợ các nạn nhân. Một năm sau, các công dân của Lyons bất ngờ phải chịu một vụ hỏa hoạn thảm khốc, khiến Nero phải gửi một số tiền tương đương cho các nạn nhân. Khi Seneca viết thư về sự kiện này cho một người bạn, ông hẳn đã bị tác động lớn bởi câu chuyện đó — một thành phố đang giúp đỡ một thành phố khác, rồi phải chịu thảm họa tương tự xảy ra không lâu sau đó.
Điều này có hay xảy ra với chúng ta không? Chúng ta an ủi một người bạn vừa mới chia tay nhưng lại thấy bị bất ngờ khi mối quan hệ của mình chấm dứt. Chúng ta phải chuẩn bị tâm lý cho những cú ngoặt của số phận. Lần tới khi bạn quyên góp cho tổ chức từ thiện, đừng chỉ nghĩ về việc bạn đang làm việc tốt mà hãy dành một chút thời gian để nghĩ đến viễn cảnh một ngày nào bạn sẽ có thể là người cần nhận sự từ thiện đó.
Chúng ta đã thấy rồi đó, Seneca thực sự đã thực hành theo những gì mình nói. Chỉ một năm sau khi viết lá thư này, ông đã bị buộc tội sai, ông bị cho là đã âm mưu chống lại Nero. Cái giá phải trả ư? Seneca bị kết án tử hình. Nhà sử học Tacitus đã kể lại cảnh những người bạn của Seneca đã khóc lóc và phản đối phán quyết đó. Seneca chỉ liên tục hỏi họ: “Châm ngôn triết học của các anh đâu rồi, bao năm tháng học hành để chuẩn bị sẵn sàng khi tai họa đến — nó đâu rồi? Ai mà không biết sự tàn ác của Nero chứ?” Ông ấy biết một ngày nào đó ông cũng có thể gặp chuyện không may, vậy nên ông ấy đã chuẩn bị tinh thần cho nó.

Ngày 25 tháng 9: NHƯỢC ĐIỂM CỦA SỰ PHỤ THUỘC

“Chỉ cho ta một kẻ không phải là nô lệ đi! Người này là nô lệ của ham muốn, kẻ khác nô lệ của sự tham lam, người kia lại là nô lệ của quyền lực, còn tất cả mọi người đều là nô lệ của sự sợ hãi. Ta có thể kể tên một cựu Quan chấp chính là nô lệ của một bà già nhỏ bé, một triệu phú là nô lệ của người hầu gái. Và không gì đáng ghét hơn việc trở thành nô lệ của sự tự áp đặt.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 47.17

Chúng ta đều là những người nghiện bằng cách này hay cách khác. Chúng ta nghiện công việc, nghiện cà phê, nghiện sự thoải mái, hay sự công nhận của người khác. Những phụ thuộc này chứng tỏ chúng ta đang không kiểm soát cuộc sống của chính chúng ta — chính sự phụ thuộc đang chi phối cuộc sống của chúng ta.
“Bất cứ ai thực sự muốn được tự do sẽ không bao giờ khao khát một thứ gì đó nằm trong tay kẻ khác, trừ khi họ muốn trở thành nô lệ” — Epictetus đã nói như vậy. Người yêu hay người thân của chúng ta có thể bỏ ta mà đi chỉ trong khoảnh khắc. Công việc của chúng ta cũng có thể bị gián đoạn, bác sĩ có thể cấm chúng ta uống cà phê, hay chúng ta có thể bị đẩy vào những tình huống không thoải mái.
Đây là lý do tại sao chúng ta phải củng cố bản thân bằng cách luôn kiểm tra các phụ thuộc này trước khi chúng có tác động lớn đến ta. Bạn có thể thử sống mà không có cái này hay cái kia trong một ngày không? Bạn có thể đặt chế độ ăn kiêng trong một tháng không? Bạn có thể cưỡng lại sự thôi thúc nhấc điện thoại để thực hiện cuộc gọi đó không? Bạn đã bao giờ tắm nước lạnh chưa? Sau vài lần tắm thử thì bạn sẽ thấy nó không quá tệ đâu. Bạn đã bao giờ lái một chiếc xe của bạn bè trong khi chiếc xe của bạn, vốn tốt hơn, vẫn để ở chỗ xưởng sửa chữa? Cảm giác đó có tệ đến thế không? Hãy để bản thân không bị ảnh hưởng bởi việc phụ thuộc vào những thoải mái hoặc tiện nghi, nếu không thì một ngày nào đó điểm yếu này của bạn có thể khiến bạn gục ngã.

Ngày 26 tháng 9: MỤC TIÊU CHO THỜI GIAN RẢNH RỖI

“Chơi mà không học chính là chết — đó là nấm mồ cho những kẻ đang sống.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 82.4

Bạn xứng đáng có một kỳ nghỉ mà! Bạn đã làm việc chăm chỉ, hy sinh đủ thứ, thậm chí còn tự thúc đẩy bản thân nữa. Nên là đã đến lúc cần phải nghỉ ngơi rồi. Lên máy bay, vào khách sạn đã đặt và đi đến bãi biển, không quên cầm theo một cuốn sách trong tay (đừng mang sách để tỏ vẻ mình có đọc). Hãy chắc chắn rằng bạn tận hưởng như một nhà thơ — không phải theo kiểu thơ thẩn mà theo kiểu chủ động quan sát thế giới xung quanh, khám phá và chiêm nghiệm về bản thân trong vũ trụ rộng lớn. Bạn có thể nghỉ làm một hai ngày nhưng đừng bao giờ ngừng học hỏi dù chỉ một ngày.
Có thể mục tiêu của bạn là kiếm đủ tiền để bạn có thể nghỉ hưu sớm. Điều đó tốt thôi! Nhưng mục đích của việc nghỉ hưu không phải là để sống một cuộc sống buông thả hay cố xài cho hết khoảng thời gian còn lại, điều đó quá dễ dàng.
Thay vào đó, bạn sẽ được phép theo đuổi tiếng gọi thực sự của mình ngay bây giờ vì bạn không còn bị xao nhãng bởi công việc. Ngồi cả ngày và không làm gì? Để rồi lại xem truyền hình hết kênh này tới kênh khác hoặc chỉ đơn giản là du lịch từ nơi này sang nơi khác để bạn có thể gạch tên các địa điểm đã đến trong danh sách những nơi muốn đến? Đó không phải là cuộc sống. Đó cũng chẳng phải là tự do.

Ngày 27 tháng 9: SỰ THỊNH VƯỢNG HÉ LỘ ĐIỀU GÌ?

“Ngay cả trong thời bình người ta cũng có thêm lý do để lo lắng. Cho dù hoàn cảnh có an toàn cũng không thể khiến ngươi tự tin một khi tâm trí đã bị choáng váng — một khi tâm trí có thói quen hoảng sợ vô căn cứ, nó càng không thể khiến bản thân cảm thấy được an toàn. Nó không tránh nguy hiểm, mà nó chỉ chạy trốn khỏi nguy hiểm. Và do đó chúng ta bị đặt vào vị thế nguy hiểm hơn khi quay lưng lại như vậy.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 104.10b;

Tục ngữ nói rằng tiền không làm thay đổi con người, nó chỉ khiến họ bộc lộ đúng bản chất của họ mà thôi. Robert Caro đã viết rằng “Quyền lực không xấu xa, nó chỉ vén màn sự thật”. Một cách nào đó, sự thịnh vượng tài chính và thành công cá nhân đều có thể hiểu theo cách như vậy.
Nếu tâm trí của bạn đã tạo ra “thói quen hoảng loạn” như trong ví dụ của Seneca, thì bao điều tốt đẹp xảy ra với bạn cũng chẳng quan trọng. Bạn vẫn luôn dễ dàng bị hoảng loạn. Tâm trí của bạn vẫn sẽ tìm thấy gì đó để lo lắng, và rồi bạn vẫn sẽ đau khổ. Có lẽ còn nhiều hơn thế, bởi vì bây giờ bạn có nhiều thứ để mất hơn.
Đây là lý do tại sao thật dại dột để mà mong chờ vào may mắn. Nếu bạn chỉ được cầu mong một thứ duy nhất, hãy mong có được ý chí mạnh mẽ để vẫn có thể thăng hoa khi gặp thời. Cách tốt hơn nữa là hãy tìm cách trau dồi ý chí và sự tự tin đó. Cân nhắc mọi hành động và suy nghĩ — hãy nghĩ rằng đây là những viên gạch giúp bạn xây dựng nên một ý chí không thể bị phá hủy. Sau đó hãy tìm cách để mỗi viên gạch khi đặt xuống đều chắc chắn và có ý nghĩa nhất định.

Ngày 28 tháng 9: BẠN GIỮ ÁT CHỦ BÀI

“Thuận lợi làm sao khi các vị thần chỉ trao chúng ta quyền kiểm soát một thứ duy nhất, nhưng lại là thứ vô cùng mạnh mẽ, thống trị tất cả những yếu tố khác — đó là khả năng tận dụng tình huống một cách hợp lý — ngoài khả năng đó ra, họ không trao cho chúng ta bất kể thứ gì khác cả. Liệu điều đó chỉ đơn giản là họ không sẵn lòng cho thêm? Ta thì cho rằng, nếu có thể, họ đã trao cho chúng ta nhiều hơn rồi, nhưng điều đó là bất khả thi.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.1.7—8

Chúng ta có thể nhìn vào mỗi ngày trôi qua và thấy tuyệt vọng bởi những gì ta không thể kiểm soát: là những người khác, là sức khỏe của mình, là thời tiết, hay là kết quả của một dự án khi nó không còn dưới quyền kiểm soát của mình.
Hoặc, chúng ta có thể vui mừng với mỗi ngày trôi qua vì những gì mình kiểm soát được: đó là khả năng quyết định ý nghĩa của bất kỳ sự việc nào.
Phương án hai mang lại cho bạn quyền lực tối cao — khả năng kiểm soát chân thực và đúng đắn. Nếu bạn có khả năng kiểm soát người khác, chẳng phải người khác cũng có khả năng kiểm soát bạn sao? Thay vào đó, bạn được ban cho con át chủ bài công bằng và dễ sử dụng nhất. Cho dù không kiểm soát được hoàn cảnh bên ngoài, bạn vẫn có được khả năng quyết định xem liệu mình sẽ phản ứng thế nào với những hoàn cảnh đó. Bạn kiểm soát được việc những sự kiện bên ngoài có ý nghĩa gì với bản thân.
Và những sự kiện đó bao gồm cả những khó khăn ngay trước mắt bạn lúc này. Bạn sẽ nhận ra rằng, nếu biết sử dụng đúng cách, thì con át chủ bài này trở nên vô cùng hữu dụng.

Ngày 29 tháng 9: NHU CẦU THỰC TẾ CỦA BẠN KHÔNG NHIỀU

“Chẳng có gì thỏa mãn được lòng tham, nhưng chỉ cần một chút ít thôi đã đủ để làm thỏa mãn tạo hóa rồi. Vậy nên sự nghèo khó của nơi bị đày đến không có nghĩa là bất hạnh, vì chẳng có nơi nào cằn cỗi đến mức không thể cung cấp đầy đủ cho con người”
— SENECA, ON CONSOLATION TO HELVIA, 10.11b

Việc nhìn lại những gì bạn từng cho rằng bình thường rất có ích. Hãy nhớ lại tháng lương đầu tiên của bạn — lúc đó số tiền ấy với bạn mới lớn làm sao! Hay nhớ lại căn hộ đầu tiên của bạn, với giường riêng, nhà tắm riêng, hay bát mì tôm ngày nào bạn còn vui vẻ húp trọn trong bếp. Ngày nay, khi bạn thành công hơn, thì cuộc sống trước đây được cho là “không đủ đầy”. Thậm chí, có thể bạn đang muốn nhiều hơn những gì đang sở hữu. Những điều kiện được cho là thiếu thốn này đối với bạn vài năm trước còn trên cả đủ — nó thật tuyệt vời!
Khi ta thành công, ta quên mất mình đã mạnh mẽ chừng nào. Chúng ta quá quen thuộc với những gì mình sở hữu, đến nỗi gần như chúng ta tin rằng đời mình coi như bỏ nếu thiếu chúng. Tất nhiên, đây chỉ là những lời an ủi. Vào những ngày còn chiến tranh, ông cha ta từng phải sống với xăng dầu, điện và bơ được cung cấp theo khẩu phần. Và họ sống vẫn ổn thôi, cũng giống như bạn khi bạn từng sở hữu ít thứ hơn vậy.
Hôm nay, hãy ghi nhớ rằng bạn vẫn sẽ ổn thôi nếu cuộc sống tự dưng bị xáo trộn. Nhu cầu thực sự của bạn là không nhiều. Có rất ít thứ có thể xảy ra và thực sự đe dọa sự sống còn của bạn. Hãy nghĩ về điều này — và điều chỉnh sự lo âu cùng nỗi sợ hãi sao cho hợp lý. 

Ngày 30 tháng 9: BẠN KHÔNG THỂ TÁC ĐỘNG ĐẾN TÔI

“Nếu ngươi động tay động chân với ta, ngươi có thể tác động tới thân thể ta, nhưng tâm trí của ta vẫn sẽ hướng về Stilpo.”
— ZENO, QUOTED IN DIOGENES LAERTIUS, LIVES OF THE EMINENT PHILOSOPHERS, 7.1.24

Không phải Zeno nói rằng mình có ma thuật gì, chỉ đơn giản là tâm trí ông thì tự do trong khi thân thể của ông có thể bị xiềng xích; tâm trí ông đã được triết lý bảo vệ — thứ được trau dồi dưới sự chỉ bảo của thầy ông là ngài Stilpo — và cánh cửa của pháo đài bảo vệ đó không thể bị phá bỏ từ bên ngoài, mà chỉ bị phá bỏ khi ông đầu hàng.
Rubin “Hurricane” Carter là một võ sĩ quyền Anh bị kết án giết người oan và sống 20 năm trong tù. Ông nói “Tôi không biết tù ngục là thế nào cả, với tôi thứ đó không tồn tại.” Tất nhiên, trại tù thì vẫn tồn tại ở đó, và về mặt thể xác, ông ta bị giam bên trong. Nhưng ông kiên quyết không để tâm trí mình bị cầm tù bởi nó.
Bạn cũng sở hữu loại năng lực này. Tôi hi vọng bạn sẽ không bao giờ phải sử dụng chúng trong những tình huống bạo lực hay bất công; tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, năng lực này vẫn luôn ở trong bạn. Bất kể cơ thể này có xảy ra điều gì, bất kể thế giới bên ngoài có trừng phạt bạn ra sao — tâm trí của bạn vẫn có thể duy trì sự can đảm. Tâm trí đó vẫn là của bạn. Nó không thể bị tác động — và theo một cách nào đó, bạn cũng vậy.



Danh Sách Các Tháng Khác

Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết