Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng

Nội dung bài viết

The Daily Stoic Tiếng Việt
Download sách này tại website: Keodau.net/sach

SÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 8

Ngày 1 tháng 8: ĐỪNG MONG ĐỢI SỰ HOÀN HẢO

“Dưa chuột đắng? Thì ném nó đi. Có bụi gai trên đường? Thì đi vòng qua nó. Đó là tất cả những điều ngươi cần biết. Chỉ có bấy nhiêu thôi. Đừng đòi hỏi phải biết ‘tại sao những thứ như vậy tồn tại.’ Bất kỳ ai hiểu biết sâu rộng về thế gian sẽ cười nhạo ngươi, giống như một người thợ mộc sẽ cười vào ngươi lúc ngươi bị sốc khi tìm thấy mùn cưa trong xưởng của anh ta, hoặc một người thợ đóng giày sẽ cười vào ngươi khi ngươi bị sốc khi thấy những mảnh da vụn còn sót lại sau khi anh ta xong việc. Thợ mộc và thợ giày sẽ có sọt rác để dọn dẹp mùn cưa và vụn da, nhưng cuộc đời sẽ không đem cho ta cái sọt rác nào.”
—MARCUS AURELIUS, MEDITATION, 8.50

Chúng ta thường muốn mọi thứ phải hoàn hảo, vì thế ta thường đợi chờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa rồi mới bắt tay vào làm việc. Nhưng thực tế là nếu ta hành động ngay và tập trung ứng biến với hoàn cảnh để đạt được mục tiêu thì tốt hơn việc chờ đợi.
Marcus tự nhủ: “Đừng đợi cái hoàn hảo như mô hình Cộng Hòa của Plato.” Ông không mong chờ mọi sự phải trở nên chính xác như mình mong muốn mà tự tâm đã biết cái điều mà triết gia Công Giáo Josef Pieper sau này đã nhắc đến: “Bản thân ta vẫn có thể xoay sở tốt bất kể sự việc và hoàn cảnh xảy đến sẽ ra sao.”
Hôm nay, chúng ta sẽ không để sự hiểu biết hữu hạn của mình về thế giới ngăn cản mình làm điều tốt nhất; đồng thời cũng không để những phiền toái nhỏ nhặt cộng với những trở ngại vụn vặt ngáng đường ta thực hiện nhiệm vụ quan trọng của mình.

Ngày 2 tháng 8: CHÚNG TA CÓ MỌI CÁCH ĐỂ CÓ THỂ XOAY SỞ

“Thật vậy, bị lưu đày thì ảnh hưởng gì đến việc tự giáo dục bản thân hay tự trau dồi đức hạnh? Chưa từng ai vì bị lưu đày mà mất đi phẩm chất tự học và rèn luyện những điều cần thiết cả.”
—MUSONIUS RUFUS, LECTURES, 9.37.30 — 31, 9.39.1

Sau cuộc đại phẫu vào những năm cuối đời, tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt được báo rằng ông sẽ phải ngồi xe lăn cho đến khi lìa trần. Với tính cách bấy lâu của mình, ông ngang tàng rằng: “Chẳng sao cả! Tôi vẫn có thể xoay sở được!”
Đây là cách chúng ta đáp lại với cuộc đời — Bạn vẫn có thể xoay sở chỉ với những gì bạn có. Không gì ngăn cản bạn học hỏi. Thật ra mà nói những tình huống ngặt nghèo mới là những cơ hội ban cho chúng ta những bài học thực tế nhất, cho dù đây không phải là những bài học mà ta yêu thích.
Musonius Rufus, bị lưu đày ba lần (hai lần bởi bạo chúa Nero và một lần bởi Hoàng đế Vespasian), thế nhưng việc bị ép phải rời bỏ cuộc sống và quê hương không làm cho việc nghiên cứu triết học của ông bị ảnh hưởng. Để đáp lại tình huống mà đời bắt ông chịu đựng, ông nói rằng “Chẳng sao cả! Ta vẫn có thể xoay sở được.” Và ông ấy đã làm được điều đó, ông đã dành ra chút thời gian ít ỏi trong giai đoạn bị lưu đày để giảng dạy cho học trò tên là Epictetus, và nhờ thế đã giúp đưa Chủ nghĩa Khắc kỷ đến với thế giới.

Ngày 3 tháng 8: CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP Ở BẤT CỨ ĐÂU

“Ngươi đâu có một hành trình xác định, ngươi chỉ lang thang khắp nơi mà thôi, cho dù điều ngươi tìm kiếm — một cuộc sống tốt đẹp — thì nơi nào chả có. Kể cả nơi náo loạn như cái chợ, nếu muốn, ngươi vẫn có thể yên ổn mà sống.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 28.5b—6a

Một nhà văn tiếng tăm từng phàn nàn rằng, sau khi trở nên thành công, những bằng hữu giàu có luôn cố mời ông về những ngôi nhà tráng lệ của họ. Họ mời gọi rằng: “Nào đến thăm nhà tôi ở miền Nam nước Pháp đi!”, “Căn biệt thự gỗ Thụy Sĩ trên núi tuyết của chúng tôi sẽ là nơi tuyệt vời cho việc viết lách.” Nhà văn đã chu du khắp thế giới, sống trong nhung lụa, với hy vọng tìm thấy nguồn cảm hứng và sáng tạo trong các trang viên hay dinh thự lộng lẫy. Và rốt cuộc ông chẳng tìm thấy gì cả. Ông đã luôn bị ám ảnh rằng sẽ có một nơi ở độc đáo hơn, đẹp đẽ hơn. Sự xao lãng sẽ luôn xuất hiện, luôn có rất nhiều việc phải làm; và những tắc nghẽn cũng như lo lắng cản trở khả năng sáng tạo của ông sẽ đi theo ông đến bất cứ nơi nào ông đến.
Chúng ta luôn tự nhủ rằng chỉ khi có phương tiện cần thiết chúng ta mới xắn tay áo và nghiêm túc với việc cần làm. Hay chúng ta cũng cho rằng chỉ cần một kì nghỉ hoặc khoảng thời gian tách biệt thì mối quan hệ hoặc cơn ốm vặt sẽ trở nên tốt lên.
Dối lòng đến thế là cùng!
Tốt hơn hết, bạn phải có tính thực dụng và tính thích nghi — khả năng làm những điều cần làm tại bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Nơi để bạn làm những điều cần làm, để sống cuộc đời tốt đẹp, chính là ngay tại đây.

Ngày 4 tháng 8: TẬP TRUNG, CHỨ KHÔNG ĐỔ LỖI

“Ngươi cần dừng việc đổ lỗi cho Thánh thần, hay bất kỳ kẻ nào khác. Ngươi phải hoàn toàn kiểm soát những mong cầu của mình, và tránh những thứ cản trở ngươi đưa ra những lựa chọn có lý trí. Như vậy ngươi không còn cảm nhận sự nóng giận, buồn rầu, ghen tỵ hay tiếc nuối.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.22.13

Chống lại chế độ độc tài Apartheid (A—pac—thai) tàn bạo ở Nam Phi, Nelson Mandela lĩnh án tù trong 27 năm. 18 năm trong số đó, ông chỉ có một cái xô để làm hố xí, một cái phản cứng để nằm trong phòng giam chật hẹp. Mỗi năm, ông có cơ hội được viếng thăm 1 lần — chỉ trong 30 phút. Đây là biện pháp tàn độc nhằm cô lập và bào mòn tinh thần người tù. Bất chấp tất cả những khó khăn như vậy, Mandela vẫn trở thành một ví dụ tiêu biểu cho phẩm giá tốt đẹp trong ngục tù.
Mặc dù thiếu thốn đủ thứ, ông vẫn sáng tạo ra những cách để thực thi ý chí của mình. Một trong những bạn tù của ông, Neville Alexander, đã kể lại trên tờ Frontline, “Ông luôn thể hiện quan điểm của mình — nếu quản tù nói chúng tôi phải chạy, ông sẽ khăng khăng đi bộ. Nếu bị bắt đi nhanh, ông sẽ khăng khăng đi chậm. Đấy chính là điều quan trọng. Chúng tôi phải là người đặt ra quy định.” Ông tập nhảy dây giả và tập đấm gió để giữ giữ cơ thể cân đối. Luôn ngẩng cao đầu hơn các tù nhân khác, ông cũng động viên họ khi hoàn cảnh trở nên khó khăn hơn, và luôn giữ trong mình niềm tin vào bản thân.
Bạn cũng cần phải giữ niềm tin vào bản thân mình như vậy. Bất kể chuyện gì xảy ra hôm nay, bất kể bạn hoàn cảnh xô đẩy thế nào, hãy hướng sự chú ý của mình đến những lựa chọn có lý trí của mình. Hãy cố gắng nhất có thể lơ đẹp những cảm xúc nổi lên, thứ vốn rất dễ khiến bạn lung lay. Hãy tập trung [vào điều cần làm], chứ đừng trở nên xúc động.

Ngày 5 tháng 8: IM LẶNG LÀ SỨC MẠNH

“Im lặng là bài học có được sau rất nhiều khổ đau trong cuộc sống.”
— SENECA, THYESTES, 309

Hãy nhớ lại lần cuối bạn nói điều gì thực sự ngu xuẩn, thứ mà sau đó làm khổ bạn. Tại sao bạn lại làm vậy? Khá là chắc rằng bạn chẳng cần nói câu đấy, nhưng có thể bạn đã nghĩ nói như vậy thật thông minh, thật ngầu, hoặc sẽ giúp bạn hòa nhập vào nhóm.
“Càng nói nhiều, càng nói dại” — Robert Greene đã viết vậy. Dựa vào ý tưởng đó, chúng ta có thể phát triển thêm: càng nói nhiều, bạn càng dễ đánh mất cơ hội, ngó lơ những lời góp ý, và gây ra sự khổ sở cho chính mình.
Kẻ thiếu kinh nghiệm và sợ hãi cần nói để khiến bản thân an tâm. Chúng ta hiếm khi gặp người có khả năng lắng nghe, hay khả năng tránh xa cuộc nói chuyện phiếm mà vẫn sống ổn khi không cần những thứ đó. Im lặng là cách để gia tăng sức mạnh và sự độc lập.

Ngày 6 tháng 8: LUÔN CÓ NHIỀU CƠ HỘI HƠN BẠN NGHĨ

“Hãy suy nghĩ xuyên suốt các tình huống khó khăn — các thời điểm gian khổ có thể nhẹ nhàng hơn, đường hẹp rộng hơn, và áp lực lớn trở nên nhẹ hơn khi một người tạo được ra tác động đúng.”
— SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 10.4b

Đã bao giờ bạn cảm thấy tuyệt vọng, cho rằng cuộc chơi này mình thua rồi, và đột nhiên tình thế thay đổi và bạn thắng? Đã bao giờ bạn tưởng rằng kỳ thi nào đó mình trượt rồi, nhưng bằng việc cày cả đêm cộng với chút may mắn, bạn đã vượt qua với một điểm số tương đối? Hay đã khi nào bạn theo đuổi một thứ đến cùng, trong khi mọi người đã bỏ cuộc, “chỉ vì” bạn có linh cảm tốt về nó — và cuối cùng mọi thứ trở nên tốt đẹp?
Nguồn năng lượng và sự sáng tạo đó, và trên hết là niềm tin vào bản thân mình — đó là thứ bạn cần ngay lúc này. Chủ nghĩa thất bại chẳng đưa bạn đến đâu, ngoài chính thất bại. Điều tốt nhất bạn có thể làm trong những lúc khó khăn là, tập trung toàn bộ nỗ lực vào đó, dù cơ hội rất mong manh. Người phụ tá của Lyndon Johnson đã hồi tưởng về ông ấy như sau “[Quanh người đó] luôn có một cảm giác là, nếu bạn đã làm tất cả mọi thứ có thể, bạn sẽ thắng.” Tất cả mọi thứ. Hoặc như Marcus Aurelius đã nói — nếu nỗ lực đó nằm trong khả năng của loài người, vậy thì bạn hoàn toàn có thể làm được.

Ngày 7 tháng 8: SỐNG THỰC DỤNG VÀ CÓ NGUYÊN TẮC

“Bất cứ nơi nào có thể tồn tại, nơi đó có thể sống tốt; cuộc sống luôn yêu cầu một chốn dung thân, và nơi đó có thể sống ổn.”
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.16

William Lee Miller, trong cuốn “Tiểu sử đạo đức” độc đáo về Abraham Lincoln, đã chỉ ra điều quan trọng về vị tổng thống nổi tiếng này: sự ngưỡng mộ của chúng ta về con người này khiến chúng ta “quên” rằng ngài là một nhà chính trị. Chúng ta tập trung vào xuất thân khiêm tốn của ông, về quá trình tự học, về những lời phát biểu cao đẹp. Nhưng chúng ta không chú ý đến nghề nghiệp của ông — ông là một nhà chính trị. Điều đó khiến chúng ta bỏ lỡ một điều vô cùng đáng khâm phục: Lincoln là một con người cao cả: giàu lòng trắc ẩn, thận trọng, công bằng, cởi mở và sống có mục đích — và ông là con người như vậy kể cả khi đang làm chính trị. Lincoln làm chúng ta khâm phục, khi có đầy đủ các phẩm chất trái ngược với những thói xấu mà chúng ta thường gắn cho những nhà chính trị.
Sống có nguyên tắc và sống thực dụng không trái ngược nhau. Cho dù bạn sống nơi đầy cạm bẫy mang tên Washington, D.C, hay làm việc cùng những người duy vật nơi phố Wall, hay lớn lên từ một vùng quê lạc hậu, bạn vẫn có thể sống tốt. Rất nhiều người đã chứng minh điều đó.

Ngày 8 tháng 8: BẮT ĐẦU VỚI NHỮNG GÌ ĐANG CÓ

“Bây giờ, hãy thực hiện những gì mà tạo hóa yêu cầu ở ngươi. Thực hiện điều đó ngay bây giờ, nếu nó nằm trong khả năng của ngươi. Đừng để ý đến việc liệu người khác sẽ biết về chuyện này hay không. Đừng đợi một sự hoàn hảo như trong Cộng hòa của Plato — hãy biết hài lòng với từng bước nhỏ nhất, miễn sao nó đưa ngươi tiến lên phía trước, và hãy biết hài lòng với cả kết quả sau cùng dù cho nó có nhỏ bé đi nữa.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 9.29.(4)

Bạn đã từng nghe câu “Đừng để sự hoàn hảo trở thành kẻ thù của cái tốt vừa đủ”? Câu này không có nghĩa là bạn phải thay đổi hay hạ thấp tiêu chuẩn của mình, mà nó nhắc nhở bạn đừng để mắc kẹt trong cái bẫy của sự hoàn hảo.
Saul Alinsky, nhà hoạt động cộng đồng, đã mở đầu cuốn sách Nguyên tắc cơ bản (Rule for Radicals) của mình với thái độ thực dụng, nhưng mang đầy cảm hứng dựa vào ý tưởng trên:
“Là một nhà tổ chức, tôi bắt đầu từ cái thế giới như nó đang là, chứ không phải từ thế giới như tôi mong muốn. Việc chấp nhận mọi thứ như chính nó đang là, cũng không làm yếu đi khát vọng thay đổi thế giới này trở nên đúng như ta hy vọng. Nếu muốn thay đổi mọi thứ sao cho nó đúng như những gì ta nghĩ nó nên là, thì ta phải bắt đầu từ chính tình trạng hiện tại.”
Có rất nhiều thứ bạn có thể làm ngay bây giờ, trong hôm nay, để biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn. Có rất nhiều điều nhỏ nhặt nhưng khi bạn thực hiện chúng thì mọi thứ sẽ bắt đầu tiến triển. Đừng cho rằng điều kiện hiện tại là không hợp lý, hay mong chờ tình huống tốt hơn mới bắt tay vào làm. Hãy làm điều gì bạn có thể, ngay bây giờ. Và sau khi đã hoàn thành, hãy quan sát nó một cách khách quan chứ đừng phóng đại kết quả. Trước hay sau khi làm xong việc cũng phải tránh để Cái tôi và Cái cớ cản trở. 

Ngày 9 tháng 8: CHỈ BÁM SÁT VÀO SỰ THẬT

“Đừng tự suy diễn những điều nằm ngoài sự thật. Nếu ngươi được báo là có ai đó nói xấu ngươi — thì nó chỉ có nghĩa như vậy, chứ nó không mang nghĩa là ngươi đã bị hãm hại. Tương tự thế, ta thấy con trai mình ốm — chứ không có nghĩa là mạng sống của nó bị đe dọa. Vậy nên hãy chỉ chú ý đến những thông tin ban đầu, đừng suy diễn thêm — bằng cách đó, chẳng có gì có thể làm hại ngươi.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.49

Ban đầu thì có vẻ điều này trái ngược với tất cả những gì bạn đã được học. Chẳng phải ta cần tích lũy trí tuệ, học cách tư duy phản biện một cách chính xác để ta không chỉ đơn giản chấp nhận những giá trị bề nổi? Đúng là như vậy trong hầu hết các trường hợp. Nhưng cũng có lúc cách tiếp cận này có thể phản tác dụng.
Một triết gia sẽ có khả năng, mà Nietzsche đã miêu tả “dũng cảm dừng lại ngay tại bề nổi” và nhìn mọi thứ một cách đơn thuần và khách quan. Không hơn, không kém. Vâng, Stoic được ngài đánh giá là “hời hợt” và “thiếu chiều sâu”. Lúc này, trong khi những người khác dễ bị kích động bởi sự việc, thì chúng ta sẽ luyện tập điều này. Luyện tập sự thực dụng một cách trực diện — nhìn mọi thứ như đúng các ấn tượng ban đầu mang lại.

Ngày 10 tháng 8: HOÀN HẢO LÀ KẺ THÙ CỦA HÀNH ĐỘNG

“Chúng ta không từ bỏ việc theo đuổi các mục tiêu chỉ vì ta thấy tuyệt vọng khi biến chúng trở nên hoàn hảo.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.2.37b

Các nhà tâm lý học thường nhắc đến các biến dạng về nhận thức (cognitive distortions) — trạng thái các khuôn mẫu suy nghĩ trở nên lệch lạc, bị phóng đại — qua đó mang lại tác hại đến cuộc sống của người bệnh. Một trong những dạng dễ gặp nhất là lối suy nghĩ trắng đen rạch ròi (all—or—nothing thinking), hay còn là lối suy nghĩ chia nửa. Một số ví dụ về tình trạng này bao gồm:

● Nếu bạn không ủng hộ tôi, tức là bạn đang chống đối tôi.
● Sự việc là hoàn toàn tốt/hoàn toàn xấu.
● Bởi vì nó không phải sự thành công tuyệt đối, nó chính là sự thất bại hoàn toàn.

Dạng suy nghĩ cực đoan này thường gắn với trạng thái trầm cảm và tuyệt vọng. Sao mà không thể chứ? Chủ nghĩa hoàn hảo hiếm khi mang lại sự hoàn hảo thực sự — mà chỉ mang lại thất vọng thôi.
Sự thực dụng thì không như vậy. Sự thực dụng chỉ tận dụng những gì nằm trong khả năng của mình. Đó chính là điều mà Epictetus nhắc nhở chúng ta. Chúng ta không bao giờ hoàn hảo — giả dụ như sự hoàn hảo có tồn tại. Dù gì thì chúng ta vẫn là con người. Ta nên tập trung vào sự tiến bộ, cho dù sự tiến bộ đó có nhỏ bé đến đâu.

Ngày 11 tháng 8: KHÔNG CÓ THỜI GIỜ CHO LÝ THUYẾT, HÃY TẬP TRUNG VÀO KẾT QUẢ

“Chúng ta băn khoăn rằng liệu thói quen hay lý thuyết là cách tốt hơn để trở thành người có đức hạnh — mà trong đó, lý thuyết dạy cho ta cư xử phải phép, còn thói quen mang nghĩa là hành động một cách thành thạo dựa vào lý thuyết trên — Musonius cho rằng thói quen sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.”
— MUSONIUS RUFUS, LECTURES, 5.17.31—32, 5.19.1—2

Như Hamlet nói:
“Có nhiều thứ trên trời và dưới đất này,
Hơn là ông có thể mơ tưởng trong mớ triết lý của ông, Horatio à.”
Không có thời giờ để bạn suy luận phân tích logic xem liệu lý thuyết của mình có chuẩn hay không. Chúng ta đang đối mặt với thế giới thực tế ngoài kia. Điều đáng quan tâm là, cách bạn sẽ đối mặt với những tình huống ngay trước mắt, và liệu bạn có thể vực dậy để đối mặt với tình huống tiếp theo hay không. Điều đó không có nghĩa là mọi thứ xảy ra thế nào cũng được — nhưng bạn luôn cần nhớ rằng, cho dù lý thuyết thường đơn giản và gọn gàng, tình huống thực tế thì ít khi được như vậy.

Ngày 12 tháng 8: BIẾN TỪ NGỮ THÀNH CỦA MÌNH

“Rất nhiều câu nói thuộc về Plato, Zeno, Chrysippus, Posidonius, và những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ xuất sắc khác. Ta sẽ cho ngươi biết cách mà họ chứng minh rằng những từ ngữ đó là của bản thân — bằng cách áp dụng những gì họ đã rao giảng.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 108.35; 38

Một trong những chỉ trích về Chủ nghĩa Khắc kỷ từ các dịch giả hiện đại, cũng như từ các giáo viên — đó là sự lặp lại. Chẳng hạn Marcus Aurelius đã bị phê bình bởi các học giả về việc phong cách viết của ông không độc đáo, mà giống với những triết gia Khắc kỷ ở thời kỳ trước. Lời chỉ trích này đã bỏ quên điều quan trọng.
Trước thời kỳ của Marcus, Seneca đã ý thức được rằng, có rất nhiều nội dung được vay mượn và lặp lại giữa các triết gia. Đó là vì các triết gia thực sự không quan tâm đến vấn đề bản quyền, mà chỉ quan tâm đến kết quả. Hơn nữa, họ tin rằng hành động quan trọng hơn lời nói.
Và điều trên vẫn đúng đến ngày nay. Bạn có thể vô tư sử dụng mọi từ ngữ hay câu nói mà các triết gia vĩ đại đã sử dụng, và sử dụng nó theo ý thích của mình (dù gì họ đều mất cả rồi, họ chẳng để tâm đâu). Bạn cứ vô tư chỉnh chỗ nọ, sửa chỗ kia, thay đổi theo ý bạn muốn. Hãy biến tấu cho phù hợp với tình huống thực, thế giới thực này. Điều duy nhất chứng minh được bạn hiểu được điều mình nói và viết, rằng những gì bạn giao giảng thực sự là đến từ bạn — đó là thực hành. Hãy chứng minh bằng hành động, chứ không phải cái gì khác.

Ngày 13 tháng 8: CHỊU TRÁCH NHIỆM VÀ GIẢI QUYẾT RẮC RỐI CỦA MÌNH

“Đủ rồi đó! Ngươi đã chịu đựng vô vàn rắc rối — tất cả đến từ việc ngươi không để lý trí của mình thực hiện đúng nhiệm vụ của mình”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 9.26

Có bao nhiêu điều bạn lo sợ đã thực sự xảy ra? Bao nhiêu lần cơn lo lắng khiến bạn có cách hành xử để rồi về sau khiến bạn hối tiếc? Bao nhiêu lần bạn để sự ghen tuông, nỗi tuyệt vọng hay cái tham dẫn mình đi sai hướng?
Để cho lý trí của mình kiểm soát có vẻ sẽ đòi hỏi nhiều công sức hơn, nhưng nó lại giúp ta tránh khỏi khá nhiều rắc rối. Như Ben Franklin đã nói: “Một thang thuốc phòng ngừa bằng hàng trăm thang chữa.”
(ND: Tương tự câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”)
Não bạn được sinh ra để làm việc này. Mục đích của não bộ là để tách biệt điều quan trọng ra khỏi điều vô nghĩa, để nhìn mọi thứ một cách khách quan, và chỉ để tâm đến những điều đáng để tâm đến. Bạn chỉ cần thực hành như vậy thôi.

Ngày 14 tháng 8: ĐÂY KHÔNG PHẢI TRÒ ĐÙA. ĐÂY LÀ CUỘC SỐNG

“Triết học không phải mưu mẹo của đầu óc, hay được tạo ra để khoe khoang. Triết học không quan tâm đến từ ngữ, mà quan tâm đến sự thật. Nó không được dùng để mang lại niềm vui cho ngày mới, hay làm nhẹ bớt sự bứt rứt trong những thời gian rảnh của chúng ta. Triết học định hình và xây dựng nên tâm hồn, mang lại trật tự cho cuộc sống, đưa đến những hướng dẫn cho hành động, chỉ ra thứ gì nên và không nên làm — nó như bánh lái, quyết định hải trình khi chúng ta ở trên đại dương của sự không chắc chắn. Không có nó, không ai có thể sống một cách không sợ hãi hay không ưu phiền. Hằng hà vô số thứ diễn ra trong từng giờ và đòi hỏi những lời khuyên; mà những lời khuyên đó được tìm thấy trong triết học.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 16.3

Có câu chuyện như sau về Cato Trưởng lão, người là cụ của Cato Trẻ và là một nhân vật xuất chúng thời La Mã. Ngày nọ, Cato chứng kiến màn hùng biện của Carneades, một triết gia theo chủ nghĩa Hoài nghi — lúc này đang đánh bóng về tầm quan trọng của công lý. Nhưng ngay hôm sau, Cato lại được nghe Carneades lên tiếng đầy đam mê về những vấn đề của công lý — hắn ta cho rằng đây đơn giản là công cụ của nhà cầm quyền để tạo ra trật tự. Cato kinh ngạc với dạng “triết gia” này, kẻ coi chủ đề quan trọng như thế này không khác gì chủ đề để tranh luận — kẻ chỉ biết tranh luận hai phía [ủng hộ và phản đối], mà chủ yếu để thể hiện là chính. Để làm gì cơ chứ?
Do đó, Cato hối lộ Viện nguyên lão để đưa Carneades về Athens — ở đó, hắn không còn có thể thể tiêm nhiễm vào đầu trẻ em La Mã với mớ chiêu trò hùng biện của mình. Đối với một người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, cái việc bàn luận không đâu một vấn đề nào đó — tin tưởng hay phản đối hai ý kiến trái ngược — là điều đặc biệt lãng phí thời gian, sức lực và cả đức tin. Như Seneca đã nói, triết học không phải trò đùa. Nó có ý nghĩa hơn thế — nó phục vụ cho cuộc sống.

Ngày 15 tháng 8: TÒA ÁN TỐI CAO CỦA TÂM TRÍ

“Điều này có thể được giảng dạy chỉ qua vài lời ngắn gọn: đức hạnh là thứ duy nhất tốt đẹp; không có thứ gì chắc chắn tốt đẹp mà thiếu đức hạnh cả; và đức hạnh thuộc về phần cao quý hơn trong chúng ta, chính là phần lý trí. Và đức hạnh này có thể là gì? Xin thưa: đánh giá đúng đắn và dứt khoát. Vì từ đó, mọi thôi thúc nội tâm đều xuất hiện, và tất cả những gì kích thích thôi thúc đó của ta sẽ trở nên sáng tỏ.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 71.32

Hãy nghĩ về người mà bạn quen có tính cách vững như bàn thạch. Sao họ có thể đáng dựa dẫm, đáng tin, và xuất sắc đến như vậy? Tại sao họ lại có danh tiếng sáng ngời như vậy?
Bạn có thể thấy có một khuôn mẫu chung, đó là sự nhất quán. Họ trung thực không chỉ khi mọi thứ dễ dàng. Họ ở đó ngay cả khi không có ai ghi nhận sự đóng góp của họ. Những phẩm chất khiến họ được ngưỡng mộ luôn được thể hiện trong mọi hành động của họ. (“mọi thôi thúc nội tâm đều xuất hiện”).
Điều gì làm ta kính trọng một người, chẳng hạn như Theodore Roosevelt? Không phải vì ông là người gan dạ, can đảm, hay cứng rắn. Mà vì những đức hạnh đó xuất hiện trong mọi câu chuyện về ông. Khi ông còn nhỏ và yếu ớt, ông trở thành một võ sĩ quyền anh. Khi ông trẻ tuổi và mong manh, ông đến phòng tập vào cuối ngày, và tập luyện hàng giờ, ngày nào cũng như vậy. Khi nhận tin sét đánh về cái chết của cả mẹ và vợ mình trong cùng ngày, ông vẫn đến vùng Badlands để chăn gia súc. Rất nhiều câu chuyện như vậy.
Bạn là hiện thân của tất cả hành động của mình. Và điều xuất phát từ các hành động đó — chính là các thôi thúc nội tâm — sẽ phản ánh những hành động bạn làm. Vì vậy, hãy lựa chọn một cách sáng suốt.

Ngày 16 tháng 8: BẤT CỨ ĐIỀU GÌ ĐỀU CÓ THỂ TRỞ THÀNH LỢI THẾ

“Giống như những điều hợp lý giúp mỗi người có được sức mạnh lý trí, chúng cũng mang lại cho chúng ta sức mạnh tương tự như sức mạnh của Tự nhiên: Tự nhiên có khả năng tận dụng mọi trở ngại hay sự chống đối sao cho chúng phục vụ mục đích của mình, đồng thời sắp đặt nó vào trật tự định mệnh và dung hòa với chúng. Vậy thì bất cứ người có lý trí nào cũng đều có thể biến mọi trở ngại thành nguyên liệu thô phục vụ cho mục đích của mình.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.35

Với chiều cao một mét sáu mốt phẩy năm, Muggsy Bogues là người thấp nhất trong những giải bóng rổ chuyên nghiệp. Trong suốt sự nghiệp của mình, anh đã bị cười nhạo, đã bị đánh giá thấp, và bị cho ra rìa.
Nhưng Bogues đã thành công trong việc biến chiều cao của mình thành đặc điểm khiến anh ấy nổi tiếng toàn quốc. Một số người nhìn vào chiều cao của anh như một điều xui xẻo, nhưng anh ấy đã nhìn nhận nó như một sự may mắn. Anh ấy đã tìm ra những ưu điểm trong ngoại hình của mình. Trong thực tế, một thân hình nhỏ bé có rất nhiều ưu điểm: tốc độ và sự nhanh nhẹn, khả năng để lấy được bóng từ những người chơi chủ quan (thường là những người cao hơn anh rất nhiều), những người rõ ràng đã đánh giá thấp anh.
Cách tiếp cận này có thật là không hữu ích trong cuộc sống của bạn? Những điều bạn nghĩ đã kìm hãm bạn nhưng có thể trở thành một nguồn sức mạnh tiềm ẩn là gì?

Ngày 17 tháng 8: TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM

“Không có gì ngoài chính sự lựa chọn có lý trí của ta mới có thể cản trở hoặc làm hại chính nó. Nếu chúng ta học hỏi bằng cách này mỗi khi chúng ta thất bại, và chỉ trách không ai khác ngoài bản thân, đồng thời tự nhủ chỉ có những phán xét mới là nguyên nhân của một tâm trí rối bời và bất an, thì thề có Chúa, chúng ta sẽ có được sự tiến bộ.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.19.2—3

Ngày hôm nay, thử xem xem bạn có thể không đổ lỗi bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì hay không. Ai đó không làm theo hướng dẫn của bạn — đó là do bạn mong đợi vào một thứ gì đó khác. Ai đó nói điều gì đó thô lỗ — chính sự nhạy cảm của bạn đã diễn giải mọi thứ theo cách này. Danh mục đầu tư chứng khoán của bạn khiến bạn lỗ to — bạn còn mong đợi gì khi đặt cược lớn như vậy? Tại sao bạn vẫn theo dõi thị trường hàng ngày?
Bất cứ điều gì xảy ra, cho dù nó có tệ đi nữa, hãy xem liệu bạn có thể đặt nó vào sự lựa chọn hợp lý của mình cả ngày hay không. Nếu không thể làm điều này trong một ngày, hãy thử làm trong một giờ. Nếu không thể làm được trong một giờ, hãy làm điều này trong mười phút.
Bắt đầu ở nơi bạn thấy là cần thiết. Chỉ một phút không đổ lỗi cũng đã là sự tiến bộ trong nghệ thuật sống rồi.

Ngày 18 tháng 8: CHỈ CÓ KẺ NGỐC MỚI VỘI VÃ

“Một người tốt là bất khả chiến bại, vì họ không lao vào những cuộc thi mà họ không phải người mạnh nhất. Nếu ngươi muốn tài sản của họ, hãy lấy nó đi — hãy lấy luôn cả nhân viên, sự nghiệp và cơ thể họ. Nhưng ngươi không thể ép buộc họ theo ý mình, cũng không thể gài họ với những cái bẫy họ sẽ tránh được. Đưa ra những sự lựa chọn hợp lý là cuộc thi duy nhất mà những người tốt tham gia. Một người như vậy làm thế nào lại không bất khả chiến bại?”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.6.5—7

Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của võ thuật là sức mạnh không nên đối đầu với sức mạnh. Đó là: đừng cố gắng đánh bại đối thủ ở khía cạnh mà họ mạnh nhất. Nhưng đó lại chính xác là những gì chúng ta làm khi chúng ta cố gắng thực hiện những điều bất khả thi mà chúng ta còn chưa kịp nghĩ thông suốt. Hoặc chúng ta để người khác sắp đặt cho mình. Hoặc chúng ta nói “có” với mọi thứ ngáng đường ta.
Một số người nghĩ rằng “việc lựa chọn cuộc chiến của bạn” là yếu đuối hoặc đầy toan tính. Làm thế nào việc có thể giảm tối đa số lần chúng ta thất bại hoặc giảm thiểu tối đa những chấn thương không cần thiết? Làm thế nào đó lại là một điều xấu? Như đã nói, sự thận trọng là phiên bản hoàn hảo hơn của lòng dũng cảm. Những người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ gọi đó là sự lựa chọn hợp lý. Lựa chọn cuộc chiến của bạn là điều hợp lý. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định và khiến bản thân trở thành người bất khả chiến bại.

Ngày 19 tháng 8: DẸP BỎ NHỮNG THỨ THỪA THÃI

“Lời khuyên thường gặp là, nếu muốn có đầu óc thanh thản, hãy làm ít đi. Nhưng chẳng phải nó sẽ tốt hơn nếu ta nói, hãy làm những điều ta phải làm — đó là nhiệm vụ của một cá thể có lý trí, vốn được tạo ra để sống đời sống xã hội? Với thái độ đó, ta vẫn giữ được sự thanh thản khi làm ít việc, thậm chí sự thanh thản đó còn lớn hơn khi làm những việc đó một cách tử tế. Hầu hết những lời nói hay việc làm của ta là không cần thiết, vậy nên việc loại trừ chúng sẽ mang lại cảm giác bình thản và thư thái vô cùng lớn. Chúng ta, trong từng khoảnh khắc, luôn phải tự hỏi: Liệu điều này có cần thiết hay không? Và ta không chỉ loại trừ những hành động không cần thiết, mà cả những suy nghĩ không cần thiết nữa — để đảm bảo những suy nghĩ không cần thiết sẽ không dẫn đến những hành động không cần thiết.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.24

Những người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ không phải nhà sư. Họ không ẩn mình trong các tu viện, thánh đường, đền đài và chẳng màng thế sự. Họ là các chính trị gia, doanh nhân, chiến sĩ, nghệ sĩ. Họ thực hành triết lý sống của mình giữa dòng đời bận rộn — điều mà bạn cũng đang cố thực hiện.
Chìa khóa để thực hiện điều này là: hãy dẹp bỏ thẳng tay những thứ thừa thãi ra khỏi cuộc sống. Tất cả những thứ xuất phát từ sự phù phiếm, tham lam, thiếu kỷ luật, thiếu can đảm để từ chối — chúng ta phải dẹp, dẹp, dẹp hết.

Ngày 20 tháng 8: SỰ THAY ĐỔI NÀO MỚI LÀ QUAN TRỌNG

“Những gì thuộc nội tâm của chúng ta cần phải khác biệt về mọi khía cạnh, nhưng những gì chúng ta thể hiện bên ngoài cần phải hòa nhập với đám đông.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 5.2

Diogenes của chủ nghĩa Cynic (Chủ nghĩa Yếm thế/Hoài nghi — ND) là một triết gia nhiều tai tiếng, ông thường lang thang khắp phố như phường vô gia cư. Hơn ngàn năm sau, những phát biểu của ông vẫn khiến ta phải suy ngẫm. Nhưng nếu chúng ta trở lại quá khứ và nhìn thấy ông ấy, chúng ta có thể đã tự hỏi: “Kẻ điên này là ai vậy?”
Thật hấp dẫn khi thể hiện triết học đến mức cực đoan như vậy, nhưng như vậy để làm gì chứ? Thực tế là, việc bất tuân thủ những quy tắc cơ bản của xã hội sẽ khiến người khác xa lánh, thậm chí khiến người khác cảm thấy bị đe dọa. Quan trọng hơn nữa, sự thay đổi bên ngoài — quần áo, xe cộ, cách trang điểm — có vẻ là quan trọng đó, nhưng nó trở nên thật nông cạn nếu so sánh với sự thay đổi nội tâm. Đó là sự thay đổi mà chỉ có bản thân ta mới nhận thức được.

Ngày 21 tháng 8: ĐỪNG TỰ HÀNH HẠ MÌNH TRƯỚC

“Thật tàn hại cho linh hồn, khi nó lo âu về tương lai, sầu muộn về những đau khổ còn chưa đến, và bị nhấn chìm trong nỗi sợ rằng điều nó mong muốn sẽ không bao giờ có được. Những linh hồn như vậy không bao giờ được nghỉ ngơi — việc mong chờ những gì còn chưa xảy ra sẽ dẫn đến việc mất khả năng tận hưởng hiện tại.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 98.5b—6a

Thật lạ, chúng ta hay lo lắng về những điều tồi tệ còn chưa xảy ra. Về định nghĩa, “chưa xảy ra” nghĩa là điều xấu đó vẫn chưa đến thật, vậy nên việc có những cảm xúc tiêu cực cho những điều còn chưa đến là hoàn toàn do ta lựa chọn làm như vậy. Chúng ta vẫn làm vậy: cắn móng tay, thấy nôn nao trong lòng, thô lỗ với những người quanh mình — tất cả chỉ vì chúng ta sợ rằng, có điều tồi tệ nào đó có thể sớm xảy ra.
Một người thực tế, người nghiêng về hành động, sẽ không phí thời gian vào mấy việc ngốc nghếch như thế. Một người thực tế sẽ không thể nào lo lắng trước về mỗi một tình huống có thể xảy ra. Thử nghĩ mà xem. Giả sử trong trường hợp tốt nhất, mọi thứ xảy ra tốt đẹp hơn bạn nghĩ, vậy thì suốt thời gian vừa rồi bạn co rúm sợ hãi trong đau khổ bỗng dưng không để làm gì. Giả sử trong trường hợp xấu nhất, mọi thứ trở nên tệ hại — vậy thì chúng ta lại tốn thêm thời gian đau khổ, và chính bạn lựa chọn như vậy.
Liệu bạn có muốn sử dụng thời gian đó một cách tốt hơn không? Ngày hôm nay có thể là ngày cuối trong đời bạn — và liệu bạn có muốn phí cả ngày chỉ để lo lắng? Liệu có lĩnh vực nào bạn có thể cải thiện ngay lúc này, trong khi những kẻ khác đang ngồi co ro trên ghế, thụ động đợi chờ số phận giáng đòn?
Chuyện gì đến sẽ đến. Hãy thật bận rộn để không còn nghĩ ngợi đến nó nữa.

Ngày 22 tháng 8: ĐỪNG CHẤP CHUYỆN NHỎ NHẶT

“Ngươi cần nhớ điều quan trọng này, đó là chỉ nên chú tâm cho những hành động có mức độ quan trọng tương ứng; nếu ngươi không tự mua dây buộc mình vào những việc kém quan trọng hơn — vốn không được cho phép, thì ngươi sẽ không mệt mỏi, nản chí.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.32b

Năm 1997, nhà điều trị tâm lý Richard Carlson xuất bản cuốn sách “Đừng chấp chuyện nhỏ nhặt…và chuyện nào cũng nhỏ nhặt cả.” Nó rất nhanh đã trở thành một trong những cuốn sách được bán chạy nhất, nhiều năm trong danh sách những cuốn sách ăn khách nhất, bán được hàng triệu bản và được dịch sang nhiều thứ tiếng.
Cho dù bạn đã đọc quyển đó hay chưa, tuyên ngôn mà Carlson đưa ra về ý tưởng vượt thời đại này rất đáng để ghi nhớ. Ngay cả người thầy hùng biện của Marcus Aurelius, ngài Cornelius Fronto, cũng sẽ đánh giá cuốn sách là một cách tuyệt vời để diễn giải tri thức mà học trò mình truyền đạt qua câu trích dẫn trên. Thông điệp của cả hai đều giống nhau: đừng dành thời gian của bạn (thứ tài sản đáng giá nhất và khó lấy lại nhất) vào những thứ không đáng. Vậy đâu là thái độ đúng khi phải làm những thứ không quá trọng mà ta bị ép phải làm? Đơn giản thôi, hãy dành ít thời gian và suy nghĩ cho những chuyện đó nhất có thể.
Nếu bạn bỏ nhiều thời gian và năng lượng cho những thứ không đáng giá, chúng sẽ không còn là điều nhỏ nhặt nữa. Bạn đã biến chúng trở nên quan trọng với đống thì giờ dành cho chúng. Và buồn thay — điều đó cũng khiến những điều quan trọng thực sự — như gia đình, sức khỏe, những điều bạn cam kết — bớt quan trọng đi, vì bạn đã lấy đi thời gian đáng lẽ phải được bỏ ra cho những thứ đó.

Ngày 23 tháng 8: NÓ LÀ VÌ LỢI ÍCH CỦA BẠN

“Do đó, việc giải thích tại sao một người thông thái không nên say — không nên bằng lời nói, mà bằng bằng chứng về sự xấu xí và hung hăng của kẻ say. Đây là cách dễ nhất để chứng minh rằng, thứ ta gọi là thú vui, khi vượt quá các thang đo thông thường, thì không là gì khác ngoài sự trừng phạt”
— SENECA, MORAL LETTERS, 83.27

Thuyết phục người khác bằng cách dạy đời họ, còn cách nào kém hiệu quả hơn được nữa? Sử dụng những quan điểm trừu tượng, còn cách nào khiến mọi người bỏ đi nhanh hơn? Đó là lý do người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ không nói những câu như, “Đừng làm như vậy, đó là điều sai trái”. Thay vào đó, họ nói: “Đừng làm vậy, nó sẽ khiến bạn khổ sở.” Họ không nói, “Các thói ăn chơi không đem lại cho bạn sự vui thích đâu”. Mà họ nói, “Ăn chơi không biết điểm dừng — chính nó trở thành một dạng hình phạt.” Cách thuyết phục này được khai thác từ cuốn 48 Laws of Power (48 Quy luật của Quyền lực) “Tập trung vào điều mang lại lợi ích cho họ, chứ đừng tìm cách khơi dậy lòng nhân từ hay sự biết ơn từ họ.”
Vậy nên, nếu bạn cảm thấy phải thuyết phục ai thay đổi, hay làm điều gì đó khác đi, hãy nhớ rằng việc đánh vào những điều mà họ có thể hưởng lợi có tác dụng rất hiệu quả. Không cần phải nói thứ này thứ kia là điều xấu, hãy tập trung rằng nếu họ làm khác đi họ sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất. Chỉ cho họ thấy — đừng dạy đời.
Và chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ, khi bạn áp dụng cách nghĩ này để điều chỉnh hành vi của chính mình?

Ngày 24 tháng 8: HỌC HỎI TỪ MỌI NGUỒN

“Có gì phải ngại việc trích dẫn một câu văn hay của một tác giả viết tệ?”
— SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 11.8

Một trong những điều ngạc nhiên trong các lá thư và bài thuyết giảng của Seneca là ông thường xuyên trích dẫn những câu nói của triết gia Epicurus. Tại sao nó lạ? Vì chủ nghĩa Khắc kỷ và triết học của Epicurus là hai thái cực hoàn toàn đối lập nhau! (thực tế là cho dù có khác biệt đó tuy lớn nhưng đó là vì bị phóng đại lên)
Nhưng đó là cách làm của Seneca. Ông theo đuổi sự thông thái, chấm hết. Không quan trọng nó xuất phát từ đâu. Đây là điều mà các đối tượng đi tìm sự “chính thống” — trong tôn giáo, triết lý, trong mọi thứ — dường như đã bỏ qua. Ai quan tâm tri thức đó thuộc về một học giả Khắc kỷ nào hay không, ai quan tâm liệu tri thức đó có cân bằng hài hòa với Chủ nghĩa Khắc kỷ hay không? Điều quan trọng là, tri thức đó có khiến cuộc sống của bạn tốt hơn không, tri thức đó có khiến bạn tốt hơn không.
Sẽ có bao nhiêu tri thức hay sự trợ giúp bạn có thể tìm được hôm nay nếu bạn dừng việc kiểm tra ai là tác giả và sự uy tín của nó đến đâu? Bạn có thể mở rộng tầm nhìn hơn bao nhiêu, nếu bạn chỉ thuần túy tập trung vào giá trị [của tri thức]?

Ngày 25 tháng 8: TÔN TRỌNG QUÁ KHỨ, NHƯNG HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

“Liệu ngươi có bước trên con đường cũ của những người đi trước? Ta chắc chắn sẽ đi con đường cũ đó, nhưng nếu tìm được con đường ngắn và tiện hơn, ta sẽ trải bước trên đó. Những bậc tiên phong trên các con đường cũ không phải là thầy của ta, mà là những bậc tiền nhân dẫn lối. Sự thật luôn mở lòng đón nhận tất cả mọi người, nó không thuộc về riêng ai cả.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 33.11

Những cách truyền thống đã được thời gian chứng minh là phương pháp tốt nhất để làm mọi thứ. Nhưng cần nhớ rằng, những ý tưởng mà bây giờ chúng ta cho rằng là truyền thống, bảo thủ, thận trọng — đã từng là những ý tưởng tân thời, gây tranh cãi, nhưng đột phá. Vậy nên, chúng ta không được e sợ việc thử nghiệm những ý tưởng mới.
Trong trường hợp của Seneca, ông có thể xây dựng những ý tưởng triết học mới, được cải tiến từ tư tưởng của Zeno hay Cleanthes. Trong trường hợp của chúng ta, có lẽ sự đột phá về tâm lý học sẽ đến từ việc cải tiến từ tư tưởng gốc của Seneca hay Marcus Aurelius. Hoặc thậm chí, chúng ta tự đột phá với chính tư tưởng của mình. Nếu những ý tưởng bạn có là đúng đắn và tốt đẹp hơn — hãy bồi dưỡng bằng cách sử dụng nó. Không việc gì phải bị cầm tù trong những quan điểm của những người đi trước, những người đã ngừng học hỏi hai ngàn năm trước rồi.

Ngày 26 tháng 8: ĐI TÌM NHỮNG THẤT BẠI

“Ta đã chìm nghỉm trước cả khi leo lên tàu…hành trình đã chỉ ra cho ta rằng — có rất nhiều thứ ta nắm giữ là không cần thiết, và dễ dàng làm sao khi quẳng chúng đi khi cần, mà không bao giờ phải cảm thấy mất mát.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 87.1

Zeno, người được công nhận rộng rãi là người sáng lập Chủ nghĩa Khắc kỷ, từng là thương gia trước khi trở thành một triết gia. Trên hải trình giữa Phoenicia và Peiraeus, con thuyền chở ông bị đắm, toàn bộ hàng hóa cũng mất sạch. Zeno cuối cùng dạt đến Athens. Trong lúc ghé vào một hiệu sách, ông biết đến triết lý của Socrates, và sau này được gặp gỡ một triết gia người Athens tên là Crates. Điều này ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc đời ông, nó dẫn ông đến việc phát triển hệ thống tư tưởng mới, sau này được biết đến dưới cái tên Chủ nghĩa Khắc kỷ. Theo nhà viết tiểu sử thời cổ đại tên Diogenes Laertius, Zeno từng đùa rằng: “Ta đã trải qua nạn đắm tàu, vậy nên ta đang có một cuộc hành trình trọn vẹn”; hay như một số dị bản khác: “Vận mệnh ơi, sự sắp xếp của Người thật hoàn hảo, vì nó đã dẫn ta đến với triết học”.
Những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ không nói suông khi nói rằng chúng ta phải hành động kể cả khi mọi thứ không như ý; kể cả những sự kiện bất hạnh nhất cũng có thể trở thành tốt đẹp nhất. Toàn bộ hệ tư tưởng của triết lý này đã được xây dựng dựa trên quan điểm này!

Ngày 27 tháng 8: CƯỜI HAY KHÓC?

“Heraclitus thường đổ lệ mỗi lần ông phát biểu nơi đám đông — Democritus thì lúc nào cũng cười. Một bên cho rằng đời là bể khổ, một bên cho rằng mọi thứ thật nực cười. Vậy nên, chúng ta nên nhìn nhận mọi thứ nhẹ nhàng hơn, và đối mặt với một tinh thần thoải mái — vì sẽ nhân văn hơn khi cười vào cuộc đời thay vì than vãn về nó.”
— SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 15.2

Liệu quan sát trên có phải là nguồn gốc của câu nói sau, hay được dùng khi nghe một tin tuyệt vọng nào đó: “Tôi không biết phải cười hay khóc nữa?” Những người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ cảm thấy việc cáu giận hay buồn khổ về những thứ trung lập với cảm xúc của chúng ta là điều chẳng có ý nghĩa gì cả. Đặc biệt là khi những cảm xúc đó cuối cùng lại khiến ta cảm thấy tệ hơn.
Đây cũng là một bằng chứng khác cho thấy, những người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ hiếm khi nào là những người tuyệt vọng hay buồn bã. Kể cả khi mọi thứ thật là tệ, khi thế giới ép họ phải tuyệt vọng hay giận dữ, thì họ đã lựa chọn cười nhạo về những thứ đó.
Chúng ta có thể chọn lựa tương tự như Democritus. Sẽ có nhiều điều đáng cười hơn là đáng tức giận trong mọi tình huống. Và ít nhất là hài hước có hiệu quả — nó làm mọi thứ nhẹ nhàng hơn, chứ không phải ngược lại.

Ngày 28 tháng 8: NHÀ KHẮC KỶ SANG TRỌNG

“Đấng sáng thế, đấng ban ra các quy luật của cuộc sống, đã đưa ra điều khoản là chúng ta có thể sống tốt đẹp nhưng không phải sống trong xa xỉ. Thứ gì cần thiết cho một đời sống tốt đẹp đều đang ngay trước mặt mỗi người, trong khi sự xa xỉ đòi hỏi bao phiền muộn và lo lắng. Chúng ta hãy tận hưởng quy luật này như một món quà của tạo hóa, và vinh danh nó như là những điều tốt đẹp nhất.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 119.15b

Ngay trong khi còn sống, Seneca bị chỉ trích vì việc rao giảng những đức hạnh Khắc kỷ, trong khi sở hữu khối tài sản được cho là rất lớn ở La Mã. Seneca giàu có đến nỗi, một số học giả đã đưa ra giả thuyết, rằng ông cho những người trú tại vùng bây giờ là nước Anh vay các khoản vay lớn đến nỗi gây ra một cuộc nổi dậy đẫm máu ở đó. Đám chỉ trích ông đặt cho ông biệt hiệu “Nhà Khắc kỷ giàu có.”
Phản ứng của Seneca rất đơn giản: Đúng là ông giàu có, nhưng ông không cần sự giàu có đó. Ông không phụ thuộc, hay bị ám ảnh về sự giàu có của mình. Mặc dù sở hữu khối tài sản kếch xù, ông còn không kết thân với những kẻ giàu có hay ăn chơi khác của La Mã. Cho dù lời giải thích duy lý của ông có thật hay không (hay ông có phải một tên đạo đức giả hay không), thì tư tưởng này cả ông vẫn là lời chỉ bảo hợp lý giúp ta có hướng đi đúng đắn trong xã hội coi trọng vật chất và sự giàu có như ngày nay.
Đây là cách tiếp cận về của cải rất thực tế, chứ không dựa trên đạo đức học.
Bạn vẫn có thể sống tốt mà không trở thành nô lệ của sự giàu có. Và bạn không cần đưa ra các quyết định khiến mình phải làm, làm nữa, làm mãi, quên cả việc học tập và chiêm nghiệm, chỉ để có tiền để chi trả cho những thứ bạn không cần. Không có luật nào nói rằng, thành công tài chính bắt buộc phải mang nghĩa rằng hãy sống vượt quá nhu cầu thực sự của mình.
Hãy nhớ: chúng ta đều có thể sống hạnh phúc, dù sở hữu rất ít.

Ngày 29 tháng 8: KHÔNG MUỐN GÌ = CÓ MỌI THỨ

“Không người nào có quyền sở hữu mọi thứ mình muốn, nhưng trong người đó có sẵn quyền không ham muốn những gì mình không có, và biết dùng những thứ mình có một cách vui, khỏe, có ích.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 123.3

Liệu có người nào giàu đến nỗi không có gì họ không thể mua được? Chắc chắn là không rồi. Ngay cả những người giàu có nhất cũng thường xuyên thất bại trong việc mua lấy phiếu bầu, sự tôn trọng, đẳng cấp, tình yêu, hay vô số những thứ không mua bán được.
Nếu sự giàu có tột đỉnh vẫn không mang lại thứ bạn muốn, vậy mọi thứ chấm dứt rồi à? Hay có phương án khác để xử lý vấn đề? Với những người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, họ có đáp án khác: hãy thay đổi thứ mà bạn muốn. Bằng cách thay đổi suy nghĩ của mình, bạn sẽ làm được điều trên. John D. Rockefeller, người giàu nứt khố đổ vách, cho rằng “sự giàu có của một người cần được đo đạc bằng tỷ lệ giữa thứ anh ta muốn và thu nhập của anh ta. Nếu anh ta cảm thấy giàu có với 10 đô, và đã có tất cả những gì anh ta mong muốn, vậy thì anh ta thật sự giàu có.”
Hôm nay, bạn có thể tìm cách tăng tài khoản ngân hàng của mình, hoặc bạn có thể đi đường tắt — bằng cách ham muốn ít hơn

Ngày 30 tháng 8: KHI THẤY MÌNH LƯỜI BIẾNG

“Những thứ cần được làm, thì người có phẩm hạnh có thể thực hiện nó trong sự can đảm và sốt sắng. Với những người thực hiện điều cần làm với một tinh thần lười biếng và cáu bẳn, hay những người để đầu óc mình đi một đằng, người đi một nẻo và bị giằng xé bởi các xung đột mạnh mẽ đó — ta gọi chúng là những kẻ ngốc”
— SENECA, MORAL LETTERS, 31.b—32

Nếu bạn bắt tay làm gì, và ngay sau đó thấy mình cáu bẳn và lười biếng, hãy lập tức hỏi mình: Tại sao mình đang làm việc này? Nếu đây là nhiệm vụ cần thiết, hãy hỏi bản thân: Đâu là lý do cho sự miễn cưỡng của mình? Sợ hãi? Mệt mỏi?Khó chịu?
Đừng ảo tưởng rằng ai đó sẽ xuất hiện và giải phóng bạn khỏi nhiệm vụ nặng nề này. Hoặc người nào đó sẽ hiện lên và giảng giải một cách đầy cảm hứng cho bạn rằng, thứ bạn đang làm thật sự quan trọng. Đừng trở thành người nói được mà không làm được. Steve Jobs đã phát biểu trên tạp chí BusinessWeek vào năm 2005, chỉ vài tuần sau khi Apple vươn mình trở thành một trong những công ty đứng đầu trên Thế giới: “Chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng … Một pha home run luôn tốt hơn nhiều so với hai cú ghi điểm kép.”

Ngày 31 tháng 8: XEM XÉT CẢ SAI LẦM CỦA MÌNH

“Bất kể khi nào cảm thấy ức chế về việc sai trái của kẻ khác, hãy ngay lập tức nhớ về những sai trái tương tự nơi mình, như là coi rằng tiền bạc là quý giá, hay đề cao thú vui hay danh lợi — cho dù sai trái đó có ở dạng nào đi nữa. Bằng cách nghĩ về lỗi của mình, ngươi sẽ nhanh chóng quên đi cơn giận của mình, đồng thời xem xét điều gì ép buộc họ làm như vậy — họ đâu có lựa chọn khác? Hoặc nếu ngươi có thể, hãy hóa giải xiềng xích thói xấu nơi họ.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 10.30

Trước đó chúng ta có nhắc đến niềm tin đầy khoan dung của Socrates, đó là “không ai có chủ đích làm điều sai trái.” Bằng chứng rõ ràng cho giả định đó? Chính là những lần chúng ta làm sai nhưng không cố ý. Hãy nhớ lại nào. Lúc bạn cáu giận vì hai ngày rồi không được ngủ. Lúc bạn hành động phản ứng kích động khi nghe tin xấu. Lúc bạn mất bình tĩnh, quên mất gì đó, hiểu nhầm ai đó. Danh sách này cứ kéo dài mãi.
Vậy nên, điều quan trọng là không được phớt lờ họ hay coi họ là kẻ thù. Hãy tha thứ cho họ, như cách bạn đã tha thứ cho bản thân. Hãy bỏ qua cho họ như cách bạn bỏ qua cho mình, để bạn tiếp tục có thể hợp tác và sử dụng tài năng của họ.

Danh Sách Các Tháng Khác

Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết