Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ

Nội dung bài viết

The Daily Stoic Tiếng Việt
Download sách này tại website: Keodau.net/sach

SÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 7

Ngày 1 tháng 7: HÃY LÀM VIỆC MÀ BẠN PHẢI LÀM

“Cho dù người đời có nói gì hay làm gì, thì ta vẫn sẽ hướng về cái thiện. Như cách viên ngọc bích hay một thỏi vàng thể hiện đúng màu sắc vốn có của chúng: ‘Cho dù người đời nói gì làm gì, thì ta bắt buộc phải theo đúng bản chất thật sự của mình’.”
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.15

Mọi người và mọi vật tồn tại trong vũ trụ này vì đều có lý do cả. Từ rất lâu, từ thời Hy Lạp cổ đại và Rome, người ta đã hiểu một cách mơ hồ rằng vũ trụ này là sự tổng hợp của hàng triệu những nguyên tố. Chính ý niệm này — về sự liên kết nối của mọi vật trong vũ trụ — là điều đã cho phép họ nhận ra mỗi con người và mỗi hành động được thực hiện đều là một phần của một hệ thống vĩ đại hơn. Mỗi người tồn tại đều sở hữu một nhiệm vụ riêng — một nghĩa vụ cụ thể được vũ trụ ban cho. Kể cả những người làm điều ác — họ cũng đang thực hiện nghĩa vụ riêng của chính họ, vì cái ác là một phần của cuộc sống.
Điều quan trọng nhất của hệ thống này là việc tin rằng bạn, học trò theo Chủ nghĩa Khắc kỷ, có nhiệm vụ quan trọng nhất: trở thành người tốt, trở thành người thông thái. “Luôn là con người mà triết học muốn ngươi trở thành.”
Từ hôm nay, hãy thực hiện những gì mà bạn phải thực hiện. Bất kể điều gì xảy ra, bất kể người khác có nghĩa vụ gì thì hãy thực hiện đúng điều mà số phận đã định cho bạn. Hãy trở nên tốt đẹp.

Ngày 2 tháng 7: NGHĨA VỤ VÀ HOÀN CẢNH

“Đừng bao giờ chùn chân trước việc xông vào giải hoàn thành nghĩa vụ của ngươi, cho dù ngươi có đang chết cóng hay nóng chảy mỡ, cho dù ngươi đang mệt nhừ hay khỏe mạnh, bị khinh khi hay được ca tụng, hay kể cả đang hấp hối hoặc bị áp lực bởi vô vàn yêu cầu từ người đời. Cái chết là một phần của cuộc sống, và kể cả khi ngươi đối diện với cái chết hay bất kì nghịch cảnh nào khác trong đời, hãy tận dụng mọi nguồn lực mình có để hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATION, 6.2

Liệu việc này có làm túi tiền tôi dày lên? Liệu người ta có ấn tượng không? Tôi cần phải cố gắng bao nhiêu? Sẽ cần bao lâu để giải quyết vấn đề này? Sau cùng thì tôi nhận được gì? Nên bỏ qua và làm việc khác không? Đây là những lời tự vấn của chúng ta giữa vô vàn cơ hội và bổn phận vây quanh ta.
Marcus Aurelius mang rất nhiều trách nhiệm với tư cách là người nắm giữ quyền lực. Ông phải phân xử các vụ án, lắng nghe các cầu khẩn từ thần dân, điều binh khiển tướng, họp hành với hội đồng điều hành đất nước, xem xét các quyết định ngân khố. Ông đã phải đối mặt với rất nhiều lựa chọn và quyết định. Liệu nên làm việc này hay là việc kia? Nên bận tâm chuyện này hay chuyện khác? Khi nào mới được nghỉ xả hơi? Có quá nhiều thứ đang đan xen tâm trí chúng ta: những lời khuyến khích, những phàn nàn, những nỗi sợ hãi, và những xung đột lợi ích. Lời nhắc nhở đơn giản ở trên là cách để vượt qua nút thắt Gordian của sự khích lệ, những lời phàn nàn, nỗi sợ hãi, và những xung đột lợi ích
Đây là điều bạn phải tận dụng để quyết định điều gì phải làm trong mỗi chặng của cuộc đời. Đạo đức nghe phức tạp quá — nhưng việc đúng đắn để làm thường khá rõ ràng và dễ cảm nhận được bằng trực giác. Nghĩa vụ của ta hiếm khi nào là dễ dàng, nhưng nó rất quan trọng. Đôi khi ta phải chọn lấy lựa chọn khó khăn thay vì những lựa chọn dễ dàng hơn. Nhưng ta nhất định phải làm.

Ngày 3 tháng 7: THAY ĐỔI PHẢI LÀM THÀNH ĐƯỢC LÀM

“Phận sự của một triết gia: ta hãy hòa hợp ý muốn của bản thân với những điều xảy đến trong đời, vì như thế, sẽ chẳng có gì xảy đến lại trái với ý muốn của ta và sẽ chẳng có gì ta mong ước lại không xuất hiện.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.14.7

Một danh sách những việc phải làm (To—Do list) thường nghe khá oải và nặng nề — Vì đó toàn là những việc ta phải hoàn thành trong ngày hoặc tuần. Nhưng một danh sách những việc được làm (Get To Do list) nghe như một đặc quyền — đây toàn là những việc mà chúng ta rất hào hứng vì có cơ hội để trải nghiệm nó. Đây không đơn thuần là phép chơi chữ nghĩa, mà là sự nhìn nhận vấn đề một cách trung lập của một triết gia.
Hôm nay, đừng gò ép thế giới này phải theo ý muốn của bạn. Thay vào đó hãy tự cho rằng bản thân thật may mắn vì được tiếp nhận và phản hồi ý muốn của cuộc đời.
Kẹt xe? Đó là một vài phút tuyệt vời để thả lỏng bản thân. Hỏng xe sau một hồi đề máy vẫn không lên? A, bạn được nguyên một ngày khỏe khoắn vì đi bộ rồi. Một kẻ ngốc vừa lái xe vừa nghe điện thoại và suýt nữa đụng phải ta lúc ta đang đi bộ trên vỉa hè và khiến nước bẩn bắn hết lên người? A, thật là một dịp đáng nhớ để nhắc nhở bản thân rằng sinh mạng con người mỏng manh thế nào, dại khờ gì mà lại bức xúc bởi một việc cỏn con như chuyện đi muộn hay gặp trục trặc với xe cộ!
Trở lại vấn đề, thoạt nhìn thì không có sự khác biệt lớn giữa việc xem cuộc đời như thể ta bị bắt buộc làm gì và như thể ta được cơ hội để làm gì, nhưng thật ra là có đấy. Một sự khác biệt to lớn!

Ngày 4 tháng 7: BẢO VỆ NGỌN LỬA

“Hãy bảo vệ sự tốt đẹp trong mọi thứ ngươi làm, còn với những thứ khác hãy lấy những gì được trao cho ngươi miễn là người sử dụng nó một cách lý trí. Nếu không làm thế, sự bất hạnh, thất bại, trở ngại và sự lúng túng sẽ đến với ngươi.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.3.11

Sự tốt đẹp trong mỗi người như một đốm lửa nhỏ vậy, và bạn là người canh giữ ngọn lửa của mình. Nhiệm vụ của bạn mỗi ngày là đảm bảo cho đốm lửa đó được tiếp đủ nhiên liệu, không được để cho nó chập chờn hay tắt ngóm.
Mỗi người có một ngọn lửa khác nhau, và họ cũng cần chịu trách nhiệm cho ngọn lửa của mình cũng giống như bạn vậy. Nếu họ đều thất bại, thế giới sẽ đen tối hơn rất nhiều — đó là điều bạn không kiểm soát được. Nhưng miễn là ngọn lửa của bạn vẫn cháy — vậy thì vẫn sẽ còn chút ánh sáng nơi thế gian này.

Ngày 5 tháng 7: KHÔNG AI NÓI LÀ NÓ DỄ DÀNG

“Người tốt sẽ làm những điều mà họ thấy là chính trực, kể cả khi việc đó đòi hỏi nỗ lực. Cho dù việc đó mang đến chấn thương, thậm chí nguy hiểm, họ vẫn sẽ làm. Ngược lại, họ không làm những việc họ coi là hạ đẳng, kể cả khi việc đó mang lại của cải, khoái cảm hay quyền lực. Không thứ gì kéo nổi những người như vậy ra khỏi việc làm điều đúng đắn. Và không thứ gì lôi kéo được họ vào việc đê hèn.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 76.18

Nếu làm điều tốt là dễ dàng thì ai cũng đã làm vậy rồi (và nếu điều xấu không có cám dỗ thì chẳng kẻ nào lại làm thế.) Lý luận tương tự cũng đúng với nghĩa vụ của riêng bạn. Nếu ai cũng làm được, vậy thì nghĩa vụ đó đã có thể được chuyển cho người khác làm. Nhưng thay vào đó, bạn lại là người đảm nhận.
Thật may, bạn không như bao người khác. Bạn không sợ việc khó, việc khổ. Bạn có thể ngó lơ những cám dỗ sai trái. Bạn làm được thế, đúng không?

Ngày 6 tháng 7: VỰC DẬY VÀ TỎA SÁNG

“Vào những buổi sáng khi ngươi khó mà thức dậy, hãy nghĩ điều này — ta thức dậy để làm các công việc của một người bình thường. Nếu như vậy thì tại sao ta lại khó chịu khi thực hiện những gì mà ta được sinh ra để làm, khó chịu khi thực hiện nhiệm vụ của mình ở thế giới này? Hay ta được tạo ra để rúc vào chăn cho ấm. Ồ, sướng thật đấy — vậy ta được tạo ra để hưởng thụ thú vui à? Nói tóm lại, giờ ta muốn là kẻ chây lười hay là người chịu khó?”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS 5.1

Thật ấm lòng khi biết rằng hơn 2000 năm trước, một vị hoàng đế La Mã (người được cho là mắc chứng mất ngủ nhẹ) phải tự lên tinh thần để có ý chí đạp chăn, rời khỏi giường. Từ ngày đầu tiên ta phải đến trường cho đến khi nghỉ hưu, chúng ta đều gặp khó khăn tương tự. Thật tuyệt khi bạn có thể nhắm mắt tiếp và tắt chuông báo thức đi vài lần. Nhưng bạn không được làm vậy.
Vì bạn có việc phải làm. Không chỉ vì bạn có trách nhiệm phải thực thi, mà còn vì một nguyên nhân lớn hơn mà các nhà Khắc kỷ luôn nhắc tới: lợi ích chung. Chúng ta không thể cống hiến cho bản thân, cho người khác, cho thế gian này nếu ta không thức dậy và bắt đầu làm việc — càng sớm càng tốt. Vậy thì dậy nào. Đi tắm. Uống café. Làm việc đi nhé.

Ngày 7 tháng 7: NGHĨA VỤ PHẢI HỌC

“Đây là những gì ngươi nên dạy ta, làm thế nào để như Odysseus: làm thế nào để yêu đất nước, vợ và cha của mình, và làm thế nào, ngay cả sau khi bị đắm tàu, ta vẫn có thể tiếp tục chặng đường những kết thúc vẻ vang đó.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 88.7b

Nhiều giáo viên dạy Sử thi Odyssey đều sai. Họ dạy ngày tháng, họ tranh luận liệu Homer có thực sự là tác giả hay không, anh ta có bị mù hay không, họ giải thích về phiên bản được truyền miệng, họ dạy học sinh Cyclops (người khổng lồ một mắt) là gì hoặc con ngựa thành Troy hoạt động như thế nào.
Lời khuyên dành cho ai đó khi học các tác phẩm kinh điển là hãy quên đi tất cả những điều đó. Những ngày tháng, những cái tên, những địa điểm — chúng hầu như không quan trọng. Điều quan trọng là đạo đức. Bạn hiểu sai mọi thứ từ Sử thi Odyssey, nhưng vẫn nắm được tầm quan trọng của sự kiên trì, sự nguy hiểm của sự kiêu ngạo, những rủi ro của cám dỗ và mất tập trung? Thì bạn thực sự đã học được một cái gì đó.
Ta không cố gắng để đứng đầu các bài kiểm tra hoặc gây ấn tượng với giáo viên. Ta đang đọc và học để sống, để trở thành những người tốt — luôn luôn và mãi mãi như vậy.

Ngày 8 tháng 7: DỪNG LÀM TRÒ KHỈ ĐI

“Cuộc sống đã đủ khốn khổ và những lời than thở rồi. Đừng làm trò khỉ nữa! Tại sao ngươi gặp rắc rối? Có gì mới ở đây? Cái gì khó hiểu vậy? Ai chịu trách nhiệm? Nhìn kỹ đi. Hay chỉ là bản chất vấn đề vốn vậy? Vậy thì hãy nhìn vào đó. Không có gì khác để xem xét. Thêm vào đó, bây giờ ngươi hãy cố gắng trở nên thẳng thắn và tử tế hơn. Cho dù ngươi đã xem xét những thứ này trong một trăm năm hay chỉ vỏn vẹn ba năm thì cũng giống nhau cả thôi.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 9.37

“Nghị lực”, Joan Didion viết trong một trong những bài tiểu luận hay nhất của mình, “đó là sự sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với cuộc sống của mình — là nguồn gốc từ đó lòng tự trọng dâng trào”.
Marcus đang thúc giục chúng ta đừng lãng phí thời gian để phàn nàn về những gì chúng ta đã có được hay những gì đã diễn ra. Chúng ta phải dừng làm những trò khỉ đi và trở thành chủ sở hữu của chính cuộc sống chúng ta. Nghị lực có thể được tôi rèn, và khi đó, sự tự trọng sẽ xuất hiện theo. Nhưng điều đó có nghĩa là hãy bắt đầu nghiêm túc về nó. Không phải sau này, không phải để sau khi một số câu hỏi đã được trả lời hoặc những thứ gây xao lãng được loại bỏ, mà là ngay bây giờ. Ngay bây giờ. Nhận trách nhiệm là bước đầu tiên.
Không có nghị lực là điều tồi tệ nhất trong tất cả mọi thứ. Như Didion đã viết trong “On Self—Respect” (Bàn về Tự trọng — ND): “Sống không lòng tự trọng như việc phải thức trắng đêm, không thể với tới ly sữa ấm, vỉ thuốc phenobarbital và bàn tay đặt trên ga trải giường, đếm những tội lỗi của việc đưa ra cam kết rồi lãng quên, sự tin tưởng bị phản bội, những lời hứa bị phá vỡ một cách tinh vi, những món quà bị lãng phí không thể cứu vãn được bởi vì sự lười biếng hay hèn nhát hay bất cẩn.”
Bạn tốt hơn như vậy nhiều mà.

Ngày 9 tháng 7: VỊ VUA TRIẾT GIA

“Vì ta tin rằng một vị vua tốt là người ngay từ đầu và cần thiết phải là một triết gia, và một triết gia là người ngay từ đầu có đức tính của một vị vua.”
— MUSONIUS RUFUS, LECTURES, 8.33.32–34

Đại tướng người Israel — Herzl Halevi tin rằng triết học là điều cần thiết đối với vai trò của mình — một nhà lãnh đạo và một chiến binh. “Người ta thường nói với tôi rằng quản trị kinh doanh là dành cho đời sống thực tế và triết học là dành cho đời sống tinh thần. Sau nhiều năm, tôi thấy nó hoàn toàn trái ngược —Tôi sử dụng triết học theo một cách thực tế hơn nhiều.” Chiến tranh và sự lãnh đạo yêu cầu một loạt các quyết định đạo đức đòi hỏi sự ưu tiên, cân bằng và rõ ràng. Đó là những gì triết học đem lại.
Plato biết đến điều này khi tưởng tượng ra một thiên đường không tưởng được cai trị bởi một vị vua triết gia. “Các nhà triết học nên trở thành các vị vua”, ông nói trong The Republic (Cộng hòa — ND), “hay những người hiện tại được gọi là vua nên đảm nhận triết học một cách thực sự và đầy đủ.” Marcus Aurelius là vị vua triết gia hoàn toàn theo nghĩa đen.
Điều đó có liên quan gì đến bạn? Ngày nay có ít vị vua hơn, nhưng chúng ta đều là các nhà lãnh đạo theo cách này hay cách khác — lãnh đạo của gia đình, của công ty, của đội nhóm, của một buổi họp báo, của một nhóm bạn, của chính chúng ta. Chính việc nghiên cứu về triết học giúp trau dồi lý trí và đạo đức của bản thân để chúng ta có thể làm tốt công việc của mình. Chúng ta không thể cứ thế bỏ qua được, quá nhiều người đang trông cậy vào chúng ta để làm điều phải.

Ngày 10 tháng 7: TRÂN QUÝ NGHỆ THUẬT ĐƠN GIẢN

“Hãy yêu mến những môn nghệ thuật đơn giản mà ngươi đã học được, và sử dụng nó như một cách để thư giãn. Dành phần còn lại trong ngày để dâng hết tất cả cho các vị thần, không phải làm nô lệ hay chủ nô của bất kì kẻ nào.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.31

Nếu bạn ghé vào một câu lạc bộ hài kịch vào một buổi tối nào đó ở New York hay Los Angeles, bạn sẽ thường xuyên gặp được những diễn viên hài nổi tiếng nhất, thành công nhất thế giới, đang trình diễn cho một nhóm nhỏ người xem. Mặc dù có thể kiếm hàng đống tiền khi xuất hiện trong các bộ phim hoặc biểu diễn trên đường phố, nhưng họ lại ở đây, trong câu lạc bộ nhỏ này, trình diễn hình thái đơn giản nhất của môn nghệ thuật đã đem lại tên tuổi cho họ.
Nếu bạn hỏi họ: “Sao bạn lại làm chuyện này? Sao bạn vẫn diễn hài ở quy mô nhỏ như vậy?” Câu trả lời bạn nhận được thường sẽ là: “Vì tôi giỏi ở khoản này bạn ạ. Tôi yêu việc này. Tôi muốn cải thiện kỹ năng của mình. Tôi thèm khát được kết nối với khán giả. Chỉ đơn giản là tôi không thể ngừng biểu diễn như vậy thôi.”
Biểu diễn ở quy mô nhỏ như vậy không giúp các nghệ sĩ hài này có cơ hội được lên sân khấu ở Carolines hay sân khấu Comedy Cellar vào lúc 1 giờ sáng. Chỉ đơn giản là việc biểu diễn này tiếp thêm sinh lực cho họ. Họ không bị ép buộc phải làm vậy. Họ được tự do, và họ chọn việc trình diễn như vậy.
Dù cho bạn đang luyện tập một môn nghệ thuật đơn giản nào đi nữa: Bạn có đang đầu tư thời gian cho nó? Bạn có yêu mến nó đến mức dành thời gian cho nó không? Bạn có tin rằng nếu mình bỏ công sức cho nó, nó sẽ tự phát triển, đơm hoa kết trái không? Bởi vì sự thật là như vậy đấy. Hãy yêu môn nghệ thuật, trở thành người nghệ sĩ.

Ngày 11 tháng 7: KHỞI NGHIỆP CHÍNH MÌNH

“Socrates đã nói gì nhỉ? ‘Có người cảm nhận được niềm vui khi đầu tư cho nông trại của họ, có người lại tìm thấy niềm vui khi đầu tư cho đàn ngựa của mình, còn ta thì hạnh phúc khi thấy bản thân phát triển qua từng ngày.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.5.14

Trào lưu ngày nay là khởi nghiệp, tạo dựng công ty riêng — trở thành nhà khởi nghiệp. Không có gì khó hiểu cả, vì xây dựng một công việc kinh doanh từ 2 bàn tay trắng thật sự rất hấp dẫn. Đó là lý do vì sao nhiều người dành cả đời để khởi nghiệp, làm việc nhiều giờ đồng hồ và chấp nhận vô số rủi ro.
Nhưng sao bạn không đầu tư cho chính bản thân mình, như cách mà bạn khởi nghiệp cho một công ty?
Giống như khởi nghiệp, hãy bắt đầu với một ý tưởng: bạn ươm mầm bản thân, đặt mình vào một thế giới nơi mà bạn có thể phát triển từ từ, và rồi theo thời gian, bạn tìm được những người đồng hành, nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư, và sự giàu có. Thật là lạ khi dành cho bản thân sự đối xử như cách mà bạn đối xử với một ý tưởng kinh doanh, phải không? Điều gì mới thật sự là vấn đề sống còn?

Ngày 12 tháng 7: MỘT VÀI NGUYÊN TẮC ĐƠN GIẢN

“Trong từng hành động của bản thân, đừng trì hoãn. Trong từng cuộc đối thoại, đừng bối rối. Trong từng suy nghĩ, đừng lan man. Trong chính tâm trí của mình, đừng quá thụ động hay hung hăng. Trong cuộc đời, đừng dành tất cả thời gian chỉ để kiếm tiền.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.51

Những điều đơn giản chưa bao giờ dễ thực hiện. Nhưng giờ bạn đã có một vài nguyên tắc cơ bản rồi, hãy ép bản thân sử dụng những nguyên tắc này ngay lập tức — ép bản thân thực hiện ngay công việc đầu tiên trong danh sách những việc cần làm của bạn, áp dụng nguyên tắc trên trong cuộc hội thoại đầu tiên của ngày hôm nay, trong suy nghĩ của bản thân và trong kế hoạch mà bạn đã vạch ra cho cuộc đời mình. Không chỉ hôm nay, mà mọi ngày sau này.
Viết ra trên một chiếc bảng đen và đừng quên nó.

Ngày 13 tháng 7: NGƯỜI DẪN DẮT

“Có một loại người, làm việc tốt cho người khác, ngay lập tức tính toán trông mong những đặc ân được nhận lại. Một loại người khác không tính toán nhanh như vậy, nhưng vẫn luôn coi đó là một món nợ và muốn nhận đặc ân. Một loại người thứ ba hành động như thể làm việc tốt là một điều tự nhiên, giống như một cây nho tạo ra chùm nho mà không yêu cầu gì thêm, như một con ngựa phải hoàn thành cuộc đua, hoặc một con ong cần mẫn làm mật. Một người như vậy, đã làm một việc tốt, nhưng không đứng trên mái nhà gào thét mà chỉ đơn giản là chuyển sang làm việc tốt tiếp theo giống như một cây nho tạo ra một chùm nho khác vào đúng mùa.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.6

Có bao giờ bạn nghe ai đó nói ra một trong những ý tưởng của bạn như thể đó là ý tưởng của họ? Có bao giờ bạn nhận ra một anh chị em hoặc người thân bắt chước hành vi của bạn, có thể là cách bạn ăn mặc hoặc thể loại âm nhạc bạn nghe? Có lẽ bạn chuyển đến một khu mới và một đám những kẻ bắt chước cũng theo sau. Khi chúng ta còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, chúng ta thường phản ứng tiêu cực với những trường hợp trên. Đừng có bắt chước tôi! Tôi là người đầu tiên!
Khi chúng ta trưởng thành hơn, chúng ta bắt đầu nhìn nó theo một cách khác. Chúng ta hiểu rằng làm gương và giúp đỡ là những gì mà các nhà lãnh đạo đem lại cho thế giới. Đó là bổn phận của chúng ta — trong cả những tình huống lớn và nhỏ. Nếu chúng ta trông mong trở thành người dẫn dắt, chúng ta cần thấy đó là một việc không mong sự đền đáp. Chúng ta cần làm những điều người lãnh đạo làm, vì đây là những điều người lãnh đạo làm — không phải để tạo ra những món nợ, không để nhận lời cảm ơn, cũng không trông mong sự thừa nhận. Đơn giản nó là nghĩa vụ của chúng ta.

Ngày 14 tháng 7: THIẾU HIỂU BIẾT RẤT NGUY HIỂM

“Tất cả những sức mạnh to lớn đều nguy hiểm cho những người mới bắt đầu. Bởi vậy, ngươi cần vận dụng chúng với sức mạnh mà mình có, nhưng tất nhiên phải hài hòa với tự nhiên.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.13.20

Những giáo viên tuyệt vời thường nghiêm khắc với những học trò có triển vọng nhất. Khi những giáo viên thấy được tiềm năng, họ muốn tiềm năng đó được phát huy. Nhưng những giáo viên tuyệt vời cũng nhận thức được tài năng thiên bẩm và khả năng hiểu biết nhanh chóng có thể khá nguy hiểm với học sinh nếu bị bỏ lại một mình. Lời hứa hẹn quá sớm có thể dẫn đến sự tự tin thái quá và tạo ra những thói quen xấu. Những người có khả năng tiếp thu nhanh thường dễ dàng bỏ qua các bài học cơ bản và lờ đi những nguyên tắc cơ bản.
Đừng để bị cuốn đi. Hãy chậm lại. Tôi luyện với sự khiêm nhường.

Ngày 15 tháng 7: LÀM ĐIỀU ĐÚNG ĐẮN LÀ ĐỦ RỒI

“Khi ngươi làm tốt và những người khác được hưởng lời từ điều đó, tại sao ngươi lại như một kẻ ngốc khi trông mong sự công nhận từ những hành động tốt hoặc trông mong được nhận lại điều gì đó?”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.73

Câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao bạn lại làm những điều đúng đắn?” sẽ luôn luôn là “Bởi vì đó là điều đúng đắn nên làm.” Rốt cuộc, sau khi bạn nghe hoặc thấy một người làm điều đúng đắn — nhất là khi họ phải chịu một vài thử thách gay go hoặc những hậu quả khó khăn khi làm điều đó — bạn có không nghĩ rằng Đó là một người tốt nhất của tốt nhất?
Vậy tại sao bạn lại cần lời cảm ơn hay sự công nhận khi làm những điều đúng đắn? Đó là việc của bạn cơ mà?

Ngày 16 tháng 7: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LINH HỒN

“Linh hồn của ta cam kết thực hiện những điều gì? Hãy liên tục tự hỏi chính ngươi những điều này và kiểm tra một cách kĩ lưỡng bản thân xem mình liên quan như thế nào đến phần được gọi là nguyên tắc nắm quyền kiểm soát. Ta đang sở hữu linh hồn nào? Ta đang sở hữu linh hồn của một đứa trẻ, một thanh niên….một kẻ bạo chúa, thú cưng, hay một con thú hoang?”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATION, 5.11

Bạn đã cam kết những gì? Vì nguyên nhân gì, nhiệm vụ gì, mục đích gì? Bạn đang làm gì? Và quan trọng hơn, tại sao bạn làm điều đó? Những điều bạn làm hàng ngày, theo một cách nào đó, phản chiếu các giá trị bạn quan tâm như thế nào? Bạn có đang hành động theo cách phù hợp với những gì mà bạn trân trọng, hay bạn đang lang thang, không được gắn kết với bất cứ điều gì khác ngoài tham vọng của chính bạn?
Khi bạn đặt ra những câu hỏi này, bạn có thể không thoải mái với câu trả lời. Điều đó rất tốt. Điều đó có nghĩa là bạn đã thực hiện bước đầu tiên để điều chỉnh hành vi của mình trở nên tốt hơn những sinh vật hoang dã mà Marcus đề cập. Điều đó cũng có nghĩa là bạn đang tiến gần hơn với việc khám phá những gì mà trách nhiệm của bạn bảo bạn phải làm trong cuộc sống. Và một khi bạn phát hiện ra nó, bạn đã tiến gần hơn một chút để hoàn thành nó.

Ngày 17 tháng 7: ĐỪNG BỎ RƠI NHỮNG NGƯỜI KHÁC … HAY BẢN THÂN MÌNH

“Khi ngươi tiến về phía trước trên con đường của lý trí, mọi người sẽ cản đường ngươi. Họ sẽ không bao giờ có thể ngăn ngươi làm những gì đúng đắn, vì vậy, đừng để họ đánh mất đi thiện chí của mình đối với họ. Giữ vững sự canh gác ở cả hai mặt, không chỉ đưa ra những đánh giá và hành động có cơ sở, mà còn nhẹ nhàng với những người sẽ cản trở con đường của chúng ta hoặc tạo ra những khó khăn khác. Việc tức giận cũng là một điểm yếu, cũng giống như việc từ bỏ nhiệm vụ hoặc đầu hàng dưới sự hoảng loạn. Dù là theo kiểu gì như trên đi nữa thì cũng đều là sự từ bỏ, một bên là sự rút lui và bên còn lại là sự xa lánh từ gia đình và bạn bè.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.9

Khi chúng ta bắt đầu tiến bộ trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp phải những rào cản của những người xung quanh. Nó giống như một chế độ ăn kiêng. Nếu mọi người đều không ăn uống lành mạnh, thì lúc này mọi thứ rất hài hòa. Nhưng nếu một người bắt đầu ăn uống lành mạnh, thì ngay sau đó sẽ có phản đối. Mọi người bắt đầu tranh luận nên đi ăn tối ở đâu.
Bạn không được từ bỏ con đường mới của mình đơn giản chỉ vì những người khác có thể gặp vấn đề với nó, tuy nhiên bạn cũng không được từ bỏ những người đó. Đừng chỉ đơn giản bỏ qua họ hay vượt lên cách họ quá xa. Đừng nổi điên lên hay chiến đấu với họ. Rốt cuộc thì họ chỉ đang ở vị trí mà bạn đã từng ở cách đây không lâu.

Ngày 18 tháng 7: MỖI MỘT CHỦ NHÀ CÓ LÃNH THỔ CỦA RIÊNG MÌNH

“Sự lựa chọn lý trí của ta là thờ ơ với sự lựa chọn lý trí của người hàng xóm của ta, cũng như với hơi thở và cơ thể của anh ấy. Dù chúng ta có được sinh ra để cộng tác với nhau nhiều như thế nào, thì lý trí nắm quyền kiểm soát trong mỗi người vẫn làm chủ các vấn đề riêng của mình. Nếu nó không phải là như vậy, thì tội ác của người khác có thể trở thành mối nguy hại của ta, và Chúa không muốn người khác kiểm soát sự bất hạnh của ta.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.56

Nền tảng của một đất nước tự do là khi quyền tự do của bạn kết thúc ở điểm mà nó bắt đầu gây tổn hại cho người khác. Đó là, người khác có thể tự do làm những gì họ thích cho đến khi nó can thiệp đến cơ thể và không gian vật lý của bạn. Câu nói này có thể áp dụng như một triết lý cá nhân tuyệt vời.
Nhưng sống theo cách đó sẽ đòi hỏi hai giả định quan trọng. Đầu tiên, bạn nên sống cuộc sống của chính mình theo cách mà nó không áp đặt tiêu cực lên người khác. Thứ hai, bạn phải cởi mở và chấp nhận đủ để cho người khác làm điều tương tự.
Bạn có thể làm điều đó chứ? Ngay cả khi bạn thực sự không đồng ý với những lựa chọn mà họ đưa ra? Bạn có thể hiểu rằng cuộc sống của họ là việc của họ và của bạn là của riêng bạn? Và rằng bạn đã hiểu đủ nhiều để vật lộn với chính bản thân mình mà không làm phiền ai khác?

Ngày 19 tháng 7: THA THỨ CHO HỌ VÌ HỌ KHÔNG BIẾT

“Như Plato đã nói, mọi linh hồn đều bị tước mất sự thật chống lại ý muốn của nó. Điều tương tự cũng đúng đối với công lý, tự chủ, thiện chí với người khác và mọi đức tính tốt khác. Việc liên tục giữ điều này trong tâm trí của ngươi là rất cần thiết, vì nó sẽ làm cho ngươi trở nên nhẹ nhàng hơn với tất cả.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.63

Khi gắng sức đi hết những chặng đường của Via Dolorosa để lên đến đỉnh đồi Calvary, Giêsu (hay Christus theo như Seneca và những người La Mã đương thời khác) đã phải chịu đựng cùng cực. Ông đã bị đánh đập, bị đâm, bị buộc phải vác lấy cây thánh giá của mình và bị đóng đinh trên đó bên cạnh hai tên tội phạm tầm thường. Ở đó, Giêsu nhìn những người lính rút thăm để xem ai sẽ giữ áo của mình, và nghe những lời chế nhạo và mắng nhiếc của người khác.
Bất kể bạn theo tôn giáo nào, những lời mà Chúa Giêsu đã nói tiếp theo — xem xét những lời này được nói ra khi Chúa Giêsu phải chịu sự đau khổ không thể tưởng tượng được dưới thân xác loài người — thấy lạnh sống lưng. Chúa Giêsu nhìn lên và nói đơn giản, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”
Đó cùng là một sự thật mà Plato đã nói hàng thế kỷ trước đó và Marcus đã nói gần hai thế kỷ sau Chúa Giêsu; các Kitô hữu khác hẳn đã nói lên sự thật này khi họ bị người La Mã hành quyết tàn khốc dưới triều đại Marcus: Hãy tha thứ cho họ; họ bị tước đoạt đi sự thật. Họ sẽ không làm điều này nếu họ không bị tước đoạt đi sự thật.
Hãy sử dụng kiến thức này để trở nên nhẹ nhàng và khoan dung.

Ngày 20 tháng 7: SINH RA VÌ CÔNG LÝ

“Kẻ bất chính hành động chống lại các vị thần. Tạo hóa tạo ra những sinh vật lý trí sống vì nhau, hướng đến lợi ích chung nhưng dựa trên giá trị đích thực chứ không bao giờ vì những điều gây hại, do đó những kẻ nào phá vỡ ý muốn của tự nhiên chắc chắn là đang chống lại các vị thần xa xưa nhất.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 9.1.1

Chúng ta tuyên bố tội ác chống lại tự nhiên là những hành động tàn ác nhất. Chúng ta coi một vài điều nhất định là một sự đương đầu chống lại loài người, cho rằng: “Điều này xâm phạm đến tất cả mọi thứ chúng ta yêu quý”. Cho dù chúng ta khác biệt về tôn giáo, giáo dục, chính trị, giai cấp hoặc giới tính, chúng ta vẫn có thể có chung một ý kiến như vậy.
Tại sao? Bởi vì ý thức về công lý của chúng ta đã đi sâu vào xương tủy. Bạn không thích khi có ai đó chen ngang vào hàng; bạn không thích những người ăn bám; chúng ta thông qua các điều luật để bảo vệ những người yếu hơn, không có khả năng tự vệ; và chúng ta đồng ý trả thuế để phân phối lại một phần của cải của chúng ta cho những người nghèo khó. Đồng thời, nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể trốn thuế, chúng ta sẽ cố gắng gian lận hoặc lách luật. Bill Walsh từng nói đại ý rằng, nếu để mặc cho chúng ta tự xoay sở, nhiều người sẽ có khuynh hướng sống “đi xuống”, giống như nước (chảy chỗ trũng) vậy.
Điều mấu chốt là giúp chúng ta hướng đến công lý (đây là một bản chất tự nhiên của chúng ta) với những ranh giới rõ ràng và những cam kết chắc chắn — mà theo như lời của Lincoln khi ông thúc giục đất nước bị chia rẽ đầy giận giữ này — để có thể ôm lấy “những thiên thần tốt đẹp trong bản chất của ta.”

Ngày 21 tháng 7: SINH RA ĐỂ HỢP TÁC

“Bất cứ khi nào ngươi gặp khó khăn trong việc thức dậy vào buổi sáng, hãy nhắc nhở bản thân rằng ngươi đã được tạo ra bởi tự nhiên cho mục đích làm việc với người khác, trong khi những động vật thiếu suy nghĩ còn đang ngủ. Và đó là mục đích tự nhiên của chúng ta — phù hợp hơn và thỏa mãn hơn.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.12

Nếu một con chó dành cả ngày trên giường — giường của bạn, rất có thể — điều đó cũng không vấn đề gì. Nó chỉ là một con chó. Nó không có mục đích, không có nghĩa vụ nào khác ngoài chính nó. Theo các nhà Khắc kỷ, con người chúng ta có nghĩa vụ cao cả hơn — không phải với các vị thần mà là với nhau. Điều khiến bạn và tôi rời khỏi giường mỗi sáng — ngay cả khi phải vật lộn để thức dậy giống như Marcus — là Praxeis koinonikas apodidonai (đóng góp vào sự vận hành chung). Nền văn minh và đất nước là những dự án tuyệt vời mà chúng ta cùng nhau xây dựng để tiếp nối tổ tiên của chúng ta trong nhiều thiên niên kỷ. Chúng ta được tạo ra để hợp tác (synergia) cùng nhau.
Vì vậy, nếu bạn cần thêm động lực để ra khỏi giường vào buổi sáng, nếu bạn cần một thứ gì đó mạnh hơn caffeine, hãy nhớ điều này. Đất nước này đang phụ thuộc vào bạn. Mục đích của bạn là giúp chúng tôi đóng góp công việc tuyệt vời này cùng nhau. Chúng tôi đang chờ đợi và rất háo hức khi bạn xuất hiện.

Ngày 22 tháng 7: KHÔNG AI DÍ SÚNG VÀO ĐẦU BẠN

“Những việc làm cao quý sẽ không là gì cả nếu việc làm đó được thực hiện với một cách miễn cưỡng hay bị ép buộc. Những hành động cao thượng đều là sự tự nguyện.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 66.16b

Bạn không cần phải làm những thứ đúng đắn. Bạn luôn luôn có những lựa chọn khác ích kỷ, thô lỗ, tồi tệ, thiển cận, tự mãn, xấu xa, hoặc ngu ngốc. Thực tế thì, đôi khi việc làm xấu cũng có sự hấp dẫn nhất định. Rõ ràng là không phải kẻ phạm tội nào cũng bị bắt.
Nhưng nếu ai ai cũng có suy nghĩ như vậy thì sao? Cuộc sống sẽ trở nên như thế nào?
Bạn không cần phải làm những việc đúng đắn, cũng như việc bạn không cần phải làm nhiệm vụ của bạn. Mà là bạn được làm. Bạn muốn làm.

Ngày 23 tháng 7: NHẬN ĐƯỢC HUY CHƯƠNG NHƯ CÁCH NHẬN ĐƯỢC SỰ COI THƯỜNG

“Nhận nhưng không kiêu ngạo, buông nhưng không bám chấp.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.33

Trong sự sụp đổ của đế chế La Mã, trong cuộc nội chiến giữa Pompey và Ceasar, Pompey đã quyết định trao quyền kiểm soát quân sự cho Cato. Đó là một vinh dự to lớn và một vị trí đầy quyền lực. Nhưng sau đó ít lâu, đáp lại sự phản đối ở trong cái vòng luẩn quẩn của sự đố kỵ, Pompey đã thu hồi lại quyết định và tước đi lệnh đó.
Đó có thể coi là sự sỉ nhục công khai lớn — khi được đề bạt thăng chức và sau đó tước nó đi. Sử sách đã ghi chép rằng phản ứng của Cato là xem như không có chuyện gì xảy ra cả. Ông đáp lại vinh dự và sỉ nhục bằng đúng một cách: chấp nhận và thờ ơ. Ông chắc chắn không để nó ảnh hưởng đến sự ủng hộ chính nghĩa của mình. Thực tế thì, sau khi bị sỉ nhục, ông đã làm việc để tập hợp những người lính trước trận chiến bằng một bài phát biểu truyền cảm hứng — những người đáng lẽ ra đã là cấp dưới nghe theo mệnh lệnh của mình.
Đó là những gì Marcus nói đến. Đừng vơ vào người sự coi thường — hay cả những phần thưởng hoặc sự công nhận, nhất là khi bạn đã được phân công một nhiệm vụ chính nghĩa rồi. Những chi tiết nhỏ bé về cấp bậc của bạn không nói lên con người bạn. Chỉ có hành vi của bạn — như trường hợp của Cato — mới nói lên con người bạn.

Ngày 24 tháng 7: Ở NƠI NÀO ĐÓ CÓ NGƯỜI ĐANG NGÃ XUỐNG

“Bất cứ khi nào những tin tức làm ngươi dao động được gửi tới, hãy luôn khắc ghi trong tâm trí rằng không có tin tức nào có thể ảnh hưởng tới sự lựa chọn lý trí của mình. Có ai có thể cho ngươi biết rằng giả thuyết hay sự khao khát của ngươi là sai không? Không đời nào! Nhưng họ có thể nói cho ngươi là một ai đó đã qua đời – nhưng cho dù là vậy thì sao chứ, nó có liên quan gì tới ngươi không?”
— EPICTETUS, DISCOURSES , 3.18.1

Một người bạn đúng nghĩa có thể hỏi bạn hôm nay như thế này: “Anh nghĩ gì về [bi kịch từ phần bên kia của thế giới]?” Bạn, cùng sự lo lắng tương tự với câu hỏi đó, có thể trả lời rằng “Tôi chỉ cảm thấy kinh khủng về việc này thôi”.
Trong hoàn cảnh này, cả hai bạn đã bỏ ngoài sự lựa chọn lý trí mà không có bất kỳ một hành động nào cho những nạn nhân ở trong bi kịch kia. Thật quá dễ dàng để bị lung lạc hay thậm chí là nuốt chửng bởi những tin tức tồi tệ từ khắp nơi trên thế giới. Câu trả lời thỏa đáng của một người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ trong lúc này không phải là không quan tâm, tuy nhiên sự cảm thông vô nghĩa và vô lý trong trường hợp này cũng không có mấy tác dụng (và thường bắt ta phải trả giá bằng sự thanh thản của chính mình, trong đa số trường hợp). Nếu bạn thực sự có thể giúp những người đau khổ này thì đúng là những tin tức này (và phản ứng của bạn) có liên quan tới sự lựa chọn lý trí của bạn. Nếu bạn chẳng có gì ngoài cảm xúc nhất thời đó, thì bạn nên quay trở lại với nhiệm vụ của mình — nhiệm vụ với chính bạn, với gia đình bạn, với đất nước của bạn.

Ngày 25 tháng 7: ĐIỀU ĐƯỢC KHẮC TRÊN MỘ BẠN LÀ GÌ?

“Khi thấy ai đó có thứ hạng hoặc vị trí gây choáng ngợp, hoặc những người thường được nhắc tên trong công chúng, đừng ghen tỵ vì điều đó; những thứ như vậy thường phải trả cái giá của cả cuộc đời…Một số sẽ chết khi bước lên được bậc thang đầu tiên của thành công, một số khác cũng sẽ chết trước khi họ chạm tới đỉnh cao nhất, và chỉ một số ít làm được điều đó, ở trên đỉnh tham vọng của họ, với một sự giận dữ vô cùng khi nhận ra rằng, cuối cùng thì nó chỉ là một dòng chữ được khắc trên bia mộ của mình.”
— SENECA, ON THE BREVITY OF LIFE, 20

Đôi lúc những cam kết với công việc của chúng ta trở thành cái kết cho chính chúng. Một chính trị gia có thể biện minh cho sự bỏ bê gia đình vì công việc của anh ta, hoặc một nhà văn tin rằng “thiên tài” của mình chính là lý do bào chữa cho tính chống đối xã hội hoặc các hành vi ích kỷ. Bất cứ ai chịu quan sát một chút đều có thể thấy được, sự thật là, chính trị gia kia chỉ là quá đam mê sự nổi tiếng, còn nhà văn nọ thích cảm giác đánh giá thấp người khác và tự cho rằng mình thượng đẳng. Kẻ nghiện công việc thì luôn luôn bào chữa cho tính ích kỷ của mình.
Trong khi những thái độ này có thể dẫn tới những kết quả ấn tượng, cái giá của nó thì rất hiếm khi được được đề cập. Khả năng làm việc chăm chỉ trong một thời gian dài thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng, bạn là một con người sống, không phải là một con người làm việc. Seneca chỉ ra rằng, bạn không phải động vật. “Chết trong bộ yên cương có thích đến thế không?” (to die in harness có nghĩa bóng là chết trong lúc làm công việc thường xuyên — ND). Aleksandr Solzhenitsyn có cách diễn đạt hay hơn thế : “Làm việc là lí do mà những con ngựa chết. Mọi người nên biết điều đó.”

Ngày 26 tháng 7: KHI NGƯỜI TỐT KHÔNG LÀM GÌ

“Sự bất công đến từ những gì ngươi không làm, chứ không chỉ đến từ những gì ngươi đang làm.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 9.5

Lịch sử đầy rẫy bằng chứng cho thấy loài người có khả năng làm điều ác, không chỉ ở thể chủ động mà còn bị động. Trong những khoảnh khắc đáng xấu hổ nhất của chúng ta — từ chế độ nô lệ tới Holocaust tới phân biệt chủng tộc tới vụ án mạng của Kitty Genovese — tội ác không chỉ gây ra bởi hung thủ mà cả dân thường, những người vì vô số lý do đã từ chối can thiệp vào sự việc. Có một câu nói kinh điển thế này: Điều kiện cần duy nhất để cái ác chiến thắng chính là khi những người tốt không làm gì cả.
Không làm điều xấu là không đủ. Bạn cũng phải làm những điều đúng đắn, và làm tốt nhất có thể.

Ngày 27 tháng 7: NƠI NÀO CÓ THỨ TỐT HƠN?

“Rõ ràng, nếu ngươi tìm thấy bất cứ thứ gì trong cuộc sống của con người tốt hơn công lý, sự thật, sự tự chủ, sự can đảm — nói ngắn gọn, bất cứ điều gì tốt hơn sự đủ đầy của tâm trí, thứ khiến ngươi hành động theo lý trí thực sự và chấp nhận những thứ số phận đem đến dù cho những thứ đó nằm ngoài quyền lựa chọn của mình — ta nói với ngươi điều này, nếu ngươi có thể thấy bất cứ điều thứ gì tốt hơn thế, hãy hướng tới thứ đó bằng cả trái tim cũng như tâm hồn của mình, và tận dụng tối đa những điều đẹp đẽ hơn mà ngươi đã tìm thấy.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 3.6.1

Chúng ta ai cũng theo đuổi những thứ chúng ta nghĩ là đáng giá. Tại một thời điểm nào đó, chúng ta nghĩ là tiền là câu trả lời, thành công là phần thưởng cao nhất, rằng tình yêu bất diệt của người đẹp sẽ làm chúng ta cảm thấy ấm áp bên trong. Chúng ta tìm thấy gì khi chúng ta thực sự đạt được những điều kia? Không phải là cảm giác trống rỗng hay vô nghĩa — chỉ có những người chưa đạt được chúng mới nghĩ như vậy. Nhưng cái chúng ta tìm thấy là những điều kia chưa đủ.
Tiền gây ra những vấn đề. Leo lên một đỉnh núi cao sẽ khám phá ra những đỉnh núi khác cao hơn. Không bao giờ là đủ trong tình yêu.
Chỉ có một thứ tốt hơn cả ngoài kia : đức hạnh. Tự nó cũng đã là một phần thưởng. Đức hạnh là một điều tốt mà bản thân nó đã nhiều hơn những gì chúng ta mong đợi và là một thứ không bằng cấp nào cho ta. Chúng ta đơn giản có nó hoặc không. Và đó là lý do tại sao đức hạnh — gồm công lý, trung thực, kỷ luật và can đảm — là điều duy nhất đáng để phấn đấu.

Ngày 28 tháng 7: KIỂM TRA ĐẶC QUYỀN CỦA MÌNH

“Một số người thì sắc sảo trong khi những người khác thì tẻ nhạt; một số được nuôi dạy trong môi trường tốt còn số khác thì không; nhóm đằng sau thì có những thói quen và lối sống xuề xòa, và sẽ cần nhiều dẫn chứng cũng như những chỉ dẫn tỉ mỉ để đưa vào khuôn khổ — cũng giống như cách cơ thể ở trạng thái xấu phải được chăm sóc kỹ càng cho đến khi đạt ngưỡng hoàn hảo.”
— MUSONIUS RUFUS, LECTURES, 1.1.33–1.3.1–3

Vào cuối một buổi trao đổi gây nên sự bực bội, bạn có thể bắt gặp bản thân nghĩ rằng: Hừm, đây đúng là một tên ngốc. Hay hỏi bản thân: Sao họ không thể làm cho đúng nhỉ?
Nhưng đâu phải ai cũng có lợi thể mà bạn có được. Điều này không có nghĩa là cuộc sống của bạn dễ dàng — chỉ là bạn có điểm xuất phát tốt hơn một vài người. Vì thế đó là nghĩa vụ của bạn để thấu hiểu và kiên nhẫn với người khác.
Triết học là sự cấu thành nên tinh thần, và là sự chăm sóc cho tâm hồn. Vài người thì cần điều này nhiều hơn người khác, cũng như một số người lại có xuất thân tốt hơn những người khác. Bạn càng dễ tha thứ và khoan dung hơn với những người khác — bạn càng có nhiều khả năng nhận thức được những đặc quyền và lợi thế của bản thân — và bạn sẽ càng trở nên hữu ích và kiên nhẫn hơn.

Ngày 29 tháng 7: PHƯƠNG THUỐC CHO CÁI TÔI

“Người sử dụng triết học như phương thuốc cho cái tôi sẽ có được một tâm hồn vĩ đại, lấp đầy bởi sự tự tin và bất khả chiến bại — và trở nên vĩ đại hơn khi ngươi đến gần.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 111.2

Thế nào thì được gọi là “phương thuốc cho cái tôi”? Có lẽ điều Seneca ám chỉ rằng, qua quá trình của tự nhiên và nuôi dưỡng, ta đã xây dựng nên một tập hợp các đặc điểm độc đáo — một số mang ý nghĩa tích cực và một số thì tiêu cực. Khi những yếu tố tiêu cực bắt đầu có ảnh hưởng đến đời sống của ta, một số tìm đến việc trị liệu, phân tâm học, hoặc sự giúp đỡ của nhóm hỗ trợ. Mục đích là gì? Là để chữa lành cái phần ích kỷ, mang tính phá hoại trong chúng ta.
Nhưng trong số tất cả các cách chữa lành phần tiêu cực trong chúng ta, triết học xuất hiện lâu đời nhất và đã giúp được nhiều người nhất. Nó không chỉ liên quan đến việc giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tâm thần hoặc bệnh thần kinh, mà còn được thiết kế để con người thăng hoa. Nó được thiết kế để giúp bạn sống một Cuộc sống Tốt đẹp.
Chẳng lẽ bạn không xứng đáng để thăng hoa sao? Chẳng lẽ bạn không muốn trở thành một tâm hồn vĩ đại, lấp đầy bởi sự tự tin và bất khả chiến bại trước những yếu tố bên ngoài? Chẳng lẽ bạn không muốn giống như một củ hành với những lớp vỏ của sự tuyệt vời?
Vậy hãy thực hành triết học thôi.

Ngày 30 tháng 7: NIỀM VUI KIỂU KHẮC KỶ

“Tin ta đi, niềm vui thật sự là điều rất quan trọng. Ngươi có nghĩ rằng ai đó có thể, với biểu hiện duyên dáng, gạt bỏ suy nghĩ về cái chết một cách dễ dàng? Hay mở cánh cửa dẫn tới nghèo đói, kiểm soát những thú vui, hay thiền định để chịu đựng sự đau khổ? Người thấy khoan khoái với những điều trên là người thật sự nắm được niềm vui đích thực, nhưng không phải người luôn hớn hở. Đây mới đích xác là kiểu niềm vui ta mong rằng ngươi có thể sở hữu, vì nó sẽ không bao giờ mất đi một khi ngươi đã trở thành chủ sở hữu đích thực.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 23.4

Chúng ta sử dụng từ “niềm vui” thật thường xuyên. “Đọc tin mà tôi vui quá chừng”. “Ở bên cô ấy toàn niềm vui”. “Dịp này vui ghê”. Nhưng không cái nào trong ví dụ này thật sự nói đến niềm vui thật sự. Chúng gần nghĩa với “phấn khởi” hơn. “Sự phấn khởi chỉ chạm đến bề mặt mà thôi.
Niềm vui, theo Seneca, nằm ở mức độ sâu sắc hơn. Nó là thứ ta cảm thấy ở bên trong mà gần như không dính dáng đến việc mỉm cười hay cười thành tiếng. Vì vậy khi người ta nói những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ là cố chấp và tiêu cực, thì có vẻ như họ đã hiểu sai vấn đề. Có ai quan tâm đâu nếu như một người nào đó đang háo hức khi đời đang đẹp? Đây là kiểu thành tựu gì cơ chứ?
Nhưng liệu rằng bạn có thể hoàn toàn mãn nguyện với cuộc đời, liệu bạn có thể dũng cảm đối mặt với những gì đời đem đến cho bạn mỗi ngày, bạn có thể bật lên từ mọi loại nghịch cảnh mà không chùn bước, bạn có thể trở thành cội nguồn của sức mạnh và cảm hứng cho những người xung quanh bạn không? Đây mới là niềm vui kiểu Khắc kỷ — niềm vui đến từ sự chủ định, sự xuất sắc, và nghĩa vụ. Đây mới là điều quan trọng — hơn là một nụ cười hay điệu bộ hăng hái.

Ngày 31 tháng 7: SỰ NGHIỆP CỦA BẠN KHÔNG PHẢI BẢN ÁN TÙ CHUNG THÂN

“Hổ thẹn làm sao hình ảnh người luật sư đang hấp hối trước phiên tòa, ở cái tuổi gần đất xa trời, mà vẫn phải bào chữa cho những người đương tụng vô danh và tiếp tục kiếm tìm sự chấp thuận của những khán giả không có kiến thức gì.”
— SENECA, ON THE BREVITY OF LIFE, 20.2

Vài năm một lần, một tin tức buồn lại được tiết lộ. Một tỷ phú đã có tuổi, vẫn là ông chủ trong đế chế kinh doanh của mình, lại bị đưa ra tòa. Các cổ đông và thành viên trong gia đình đã ra tòa để nói rằng ông không có đủ năng lực tinh thần để đưa ra quyết định — rằng người sáng lập này không còn phù hợp để điều hành công ty của chính mình và xử lý các vấn đề pháp lý. Bởi vì người quyền lực này đã từ chối từ bỏ quyền kiểm soát hoặc xây dựng kế hoạch kế nhiệm, ông phải chịu một trong những sự sỉ nhục tồi tệ nhất trong đời: những bí mật riêng tư nhất của mình bị phơi bày công khai.
Chúng ta không nên quá mải mê với công việc đến nỗi chúng ta nghĩ rằng chúng ta miễn dịch với sự lão hóa và thực tế của cuộc sống. Ai lại muốn trở thành người không bao giờ có thể buông tay? Chẳng lẽ cuộc sống bạn lại ít có ý nghĩa đến nỗi công việc là thứ duy nhất bạn theo đuổi cho đến ngày bạn nằm xuống trong chiếc quan tài?
Hãy tự hào về công việc của bạn. Nhưng nó không phải là tất cả.

Danh Sách Các Tháng Khác

Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết