Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề

Nội dung bài viết

The Daily Stoic Tiếng Việt
Download sách này tại website: Keodau.net/sach

SÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 6

Ngày 1 tháng 6: LUÔN GIỮ TƯ TƯỞNG DỰ PHÒNG

“Quả thật, không người nào có thể cản trở được mục đích của tâm trí của ngươi — vì nó chẳng thể bị tác động bởi lửa, thép, bởi sự bạo tàn, lời vu khống, hay bất kể thứ gì khác.”
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.41

Chướng ngại vật là một phần của cuộc sống — việc cứ thế diễn ra, có những thứ cản đường bạn, hay tình huống bất ngờ trở nên tồi tệ. Nhưng không gì cản trở được một tâm trí Khắc kỷ khi nó vận hành trơn tru, vì trong mọi hành động, tâm trí đó luôn có “tư tưởng dự phòng”.
Cái gì là tư tưởng dự phòng? Đó là một phương án B. Nếu một người bạn phản bội chúng ta, tư tưởng dự phòng lúc này là hãy tìm hiểu xem tại sao điều này lại xảy ra và bằng cách nào tha thứ cho lỗi lầm của họ. Nếu bạn bị quẳng vào tù, tư tưởng dự phòng lúc này là đừng để sự kiện này làm bạn mục ruỗng, cũng như làm cách nào để cống hiến cho những người bạn tù của mình. Khi một lỗi công nghệ nào đó xóa sạch công việc bạn đã làm, tư tưởng dự phòng lúc này là giờ bạn có cơ hội để làm lại, làm tốt hơn lần này. Lộ trình của bạn có thể gặp cản trở, nhưng tâm trí luôn có khả năng thay đổi — nó nắm giữ sức mạnh để định hướng lại con đường.
Một phần của việc này là ghi nhớ lộ trình thường nhật của mọi thứ — định luật Murphy đã khẳng định “nếu thứ gì có khả năng xảy ra sai sót, thì sai sót sẽ diễn ra.” Do đó, bạn hãy giữ tư tưởng dự phòng, vì bạn sẽ luôn biết rằng, có ngày nó sẽ phải được dùng đến. Không ai can thiệp được điều đó.

Ngày 2 tháng 6: GÓC NHÌN CỦA PLATO

“Plato đã diễn giải khéo léo rằng, Bất cứ khi nào muốn bàn về cuộc sống, tốt nhất là hãy nhìn dưới góc độ của một chú chim, hãy quan sát tất cả một cách toàn diện — quan sát việc thu hoạch, quân đội, nông trại, đám cưới và ly hôn, sinh và tử, phòng xử án ồn ào và cả những nơi im ắng, quan sát những người ngoại quốc, những ngày lễ, đài tưởng niệm, các chợ dân sinh — tất cả đều được trộn lẫn và sắp xếp thành những cặp đối lập.”

— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.48

Có một đoạn hội thoại tuyệt đẹp tên là “Iomenomenus, an Aerial Expedition” (Iomenomenus, một cuộc thám hiểm trên không — ND) của nhà thơ Lucian, trong đó người kể chuyện được ban cho khả năng bay lượn và nhìn thế giới từ trên không. Hướng tầm mắt về nơi mặt đất, chàng ta nhìn thấy mọi thứ nhỏ bé làm sao: kẻ giàu nhất, điền trang lớn nhất, hay cả đế chế. Mọi trận chiến, mọi nỗi lo trông thật nhỏ bé dưới tầm mắt này.
Vào thời xa xưa, tư tưởng này đơn giản chỉ là giả thuyết — vị trí cao nhất một người có thể lên được chỉ là đỉnh núi, hoặc một tòa nhà vài tầng nào đó. Nhưng nhờ công nghệ phát triển, con người đã có khả năng quan sát dưới góc độ của một chú chim, thậm chí còn từ phía cao hơn thế.
Một trong những người nhìn thấy Địa cầu đầu tiên từ ngoài vũ trụ, nhà phi hành gia Edgar Mitchell đã hồi tưởng:
“Từ ngoài vũ trụ nhìn vào, bạn ngay lập tức có ngay ý thức toàn cầu, sự quan tâm đến con người, cảm giác vô cùng bất mãn với tình trạng thế giới hiện tại cũng xuất hiện, cũng như cảm giác bị thúc giục phải làm gì với điều này. Từ Mặt trăng nhìn xuống, chính trị quốc tế trông thật nhỏ mọn. Bạn sẽ muốn xách cổ mấy thằng nguyên thủ lên, lôi hắn ra nửa triệu dặm ngoài vũ trụ và nói: “Đây, nhìn đi thằng khốn.”
Rất nhiều vấn đề có thể được giải quyết với góc nhìn của Plato. Hãy sử dụng nó.

Ngày 3 tháng 6: LINH HOẠT LÀ CẦN THIẾT

“Anh ta không phục vụ được trong quân đội? Hãy để anh ta làm sĩ quan tiếp xúc với dân. Anh ta muốn ở trong khu vực tư nhân? Được, hãy để anh ta là người phát ngôn. Nếu anh ta muốn giữ im lặng? Hãy để anh ta hỗ trợ cho những người quanh mình bằng cách là một nhân chứng im lặng. Nếu nơi tòa án nguy hiểm thì sao? Hãy để anh ta thể hiện bản thân mình, trong nhà, ở các sự kiện cộng đồng hay những buổi tụ tập, như một người bạn đồng hành trung thành, một người cùng bàn ôn hòa. Nếu anh ta đã mất quyền công dân? Vậy hãy để anh ta thực hành việc làm người.”
— SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 4.3

Không lâu trước khi mất, khi chiến thắng của cuộc Nội chiến Mỹ đã gần trong tầm tay mình, Lincoln đã kể câu chuyện cho những vị chỉ huy quân sự cấp cao của mình về một người đã gặp ông và yêu cầu một vị trí cao cấp trong chính phủ. Đầu tiên, người đàn ông hỏi liệu anh ta có thể được làm bộ trưởng ngoại giao không. Khi bị từ chối, người đàn ông yêu cầu một vị trí khiêm tốn hơn. Khi bị từ chối một lần nữa, anh ta xin việc làm nhân viên hải quan cấp thấp. Nhận thấy anh ta không thể có được điều đó, cuối cùng anh ta chỉ hỏi Lincoln một chiếc quần cũ. “Ah”, Lincoln cười trước khi kết luận “Thật là khiêm tốn!”
Câu chuyện trên nhấn mạnh sự linh hoạt và sự quyết tâm của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Nếu bạn không làm được điều này, bạn có thể thử làm nó đã. Nếu cái khác cũng không được, vậy thì cái kia có được không? Luôn có thứ khác để bạn thử, để bạn cố gắng. Nếu thứ cuối cùng ta có thể làm là trở thành một con người tốt — vậy thì cũng được, như vậy chúng ta luôn có cơ hội để thực hành triết lý sống của mình, để cống hiến cho xã hội.

Ngày 4 tháng 6: ĐÂY LÀ NHỮNG GÌ CHÚNG TA PHẢI LÀM

“Tại sao chúng ta bị xúc phạm? Tại sao chúng ta lại than vãn? Đây là những điều chúng ta phải làm tại đây.”
— SENECA, ON PROVIDENCE, 5.7b–8

Không ai nói rằng cuộc sống này thật dễ dàng cả. Và cũng không một ai nói rằng cuộc sống này công bằng hết.
Đừng quên rằng, dù thế nào đi nữa, thì bạn cũng đã có một chặng đường tiến hóa rất dài, những người đã sống sót qua những nghịch cảnh không thể tưởng tượng được, những khó khăn, và sự đấu tranh. Huyết mạch và gien của họ đang chảy trong bạn ngay bây giờ. Nếu không có chúng, bạn đã không tồn tại ở đây rồi.
Bạn thừa kế của cả một lịch sử tiến hóa ấn tượng — và cũng giống như là con ruột của họ, bạn có những khả năng tương tự như những gì họ có. Bạn là minh chứng cho điều này. Hãy nhân rộng nó lên.
Hãy giữ điều này trong tâm trí khi cuộc sống trở nên khó khăn.

Ngày 5 tháng 6: XÌ MŨI CỦA BẠN ĐI

“Chúng ta rơi lệ trước đấng toàn năng, làm sao để chúng con thoát khỏi nỗi đau này? Đồ ngốc, ngươi không có tay hả? Hay là Chúa quên cho ngươi đôi tay rồi? Ngồi đó và cầu nguyện rằng mũi mình không sụt sịt nữa đi! Hãy quẹt mũi và đừng tiếp tục cái trò kiếm lý do để đồ thừa nữa.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.16.13

Thế giới thật bất công. Những cuộc chơi có thể gian lận. Những điều này luôn có thể xảy đến với bạn. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế là — ngay tại đây và ngay lúc này — chúng có ích gì với bạn? Báo cáo của chính phủ hoặc một bài tin tức an ủi sẽ không thanh toán các hóa đơn hoặc làm lành lại cái chân bị gãy của bạn hay là giúp bạn tìm thấy khoản vay mà bạn cần. Chịu đựng việc thương hại bản thân và tâm niệm “lỗi tại tôi” và những thứ bạn kể lể nó hoàn toàn không là gì cả, ngoại trừ việc làm bạn hao mòn năng lượng và động lực bạn cần để giải quyết vấn đề của bạn.
Chúng ta có một lựa chọn: Hoặc là chúng ta tập trung vào những gì mà chúng ta đã làm sai, hoặc là chúng ta tận dụng những gì đang có và bắt tay vào làm? Chúng ta sẽ trông mong ai đó cứu chúng ta, hay chúng ta sẽ lắng nghe lời nói đầy hào hùng của Marcus Aurelius “Hãy chủ động giải cứu chính mình — nếu ngươi quan tâm bản thân — và hãy thực hiện nó khi mình còn có thể”. Điều đó tốt hơn là ngồi đó và sụt sịt mũi (đó là một bước tiến trong chính bản thân bạn đó)

Ngày 6 tháng 6: KHI NÀO NÊN GIỮ VÀ KHI NÀO NÊN TỪ BỎ

“Hãy nghĩ về những người, không phải vì sự thiếu nhất quán mà vì sự thiếu nỗ lực, không thể sống ổn định như mình mong muốn, mà chỉ đủ để sống như lúc họ bắt đầu.”
— SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 2.6b

Trong cuốn The Dip (Điểm chết chìm — ND), Seth Godin đã rút ra sự tương đồng thú vị từ ba kiểu người bạn thấy khi xếp hàng ở trong siêu thị. Một người thì đi vào một hàng ít người và giữ nguyên ở đó bất kể hàng này chậm hay nhanh hơn hàng khác. Một người thì thay đổi hàng liên tục dựa trên việc họ nghĩ rằng hàng nào có thể giúp họ tiết kiệm một vài giây. Và người thứ ba chỉ đổi hàng một lần duy nhất — khi mà hàng của cô ấy rất rõ ràng là đang bị chậm trễ và có một sự lựa chọn tốt hơn, sau đó cô ấy lại tiếp tục ngày của cổ. Và ông thúc giục bạn đưa ra câu hỏi: “Mình thuộc loại nào?”
Seneca khuyến khích chúng ta nên là loại thứ ba. Chỉ bởi vì bạn lựa chọn một con đường không có nghĩa là bạn tiếp tục đi con đường đó mãi mãi, đặc biệt là con đường đó không hoàn thiện hay thậm chí bị cản trở. Nhưng đồng thời, đây không phải là lý do mà bạn đứng núi này trông núi nọ. Bạn cần có can đảm để quyết định làm những điều khác biệt và tạo ra những sự thay đổi, cũng như có kỷ luật và nhận thức để biết khái niệm “Ồ, cái này còn tốt hơn ấy chứ” là một sự cám dỗ mà không được phép để mình bị cuốn theo.

Ngày 7 tháng 6: TÌM NHỮNG CỐ VẤN “XỊN”

“Chúng ta hay nói rằng chúng ta không được lựa chọn cha mẹ, vì điều đó là yếu tố ngẫu nhiên, nhưng chúng ta thực sự có thể chọn trở thành những đứa con mà chúng ta muốn.”
— SENECA, ON THE BREVITY OF LIFE, 15.3a

Chúng ta thật may mắn khi nhiều người vĩ đại nhất trong lịch sử đã ghi lại vào sách và nhật ký những kiến thức mà họ tích lũy được (sự khôn ngoan và cả những ngu dại). Nhiều người vĩ đại khác được người viết tiểu sử ghi chép lại chi tiết cuộc đời của họ — từ Plutarch đến Boswell đến Robert Caro. Các tài liệu có sẵn tại thư viện lên tới hàng triệu trang và hàng ngàn năm kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm.
Có thể cha mẹ của bạn không phải là tấm gương tốt, hoặc đơn giản là bạn thiếu một người cố vấn tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu bạn lựa chọn, bạn có thể dễ dàng tiếp cận sự thông thái của những người đi trước — những người mà bạn ao ước được như thế.
Bạn không chỉ nợ chính mình cơ hội tìm kiếm những kiến thức cần đầy sự nỗ lực để có được này, bạn còn nợ những người đã dành thời gian ghi lại những kinh nghiệm của họ để cố gắng giữ gìn truyền thống và noi theo tấm gương đi trước — hãy trở thành những đứa trẻ đầy triển vọng của những bậc phụ huynh xuất sắc này.

Ngày 8 tháng 6: TỪNG BƯỚC MỘT

“Ngươi phải xây dựng cuộc sống của mình bằng từng hành động nối tiếp nhau đều đặn, và hãy hài lòng nếu mỗi hành động đạt được mục tiêu của nó xa nhất có thể — không ai có thể ngăn cản ngươi làm điều này. Nhưng sẽ có một số cản trở từ bên ngoài! Có lẽ vậy, nhưng không có trở ngại nào ngăn ngươi hành động với công lý, sự tự kiểm soát và thông thái. Nếu một hành động của ta bị cản trở thì sao? Vậy hãy sẵn sàng chấp nhận trở ngại đó như nó vốn là và chuyển sự chú ý của ngươi sang những gì ngươi đang có, rồi sau đó hành động khác sẽ ngay lập tức diễn ra, một hành động phù hợp hơn với cuộc sống ngươi đang gây dựng.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.32

Các vận động viên ưu tú trong các trường đại học và thể thao chuyên nghiệp ngày càng tuân theo một triết lý được gọi là “Quy trình”. Đó là một triết lý được tạo ra bởi huấn luyện viên Nick Saban của Đại học Alabama, người đã dạy các cầu thủ của mình bỏ qua bức tranh lớn — những trận đấu quan trọng, đạt chức vô địch, sự dẫn trước quá xa của đối thủ và thay vào đó tập trung vào việc thực hiện tốt những điều nhỏ bé nhất — luyện tập với nỗ lực tối đa, hoàn thiện một lối chơi riêng biệt, chuyển sang kiểm soát bóng đơn. Một mùa giải kéo dài hàng tháng, một trận đấu kéo dài hàng giờ, theo đó có thể là bốn bàn thắng, nhưng đá đơn (cú sút ghi bàn) chỉ vỏn vẹn trong vài giây. Và các trận đấu cùng các mùa giải đều được tạo thành bởi vài giây đó.
Nếu các đội tuân theo Quy trình, họ có xu hướng giành chiến thắng. Họ vượt qua các chướng ngại vật và cuối cùng đạt đến đỉnh cao mà không bao giờ tập trung trực tiếp vào các chướng ngại vật đó. Nếu bạn áp dụng Quy trình trong cuộc sống của bạn — sắp xếp các hành động đúng theo đúng thứ tự, hành động này ngay sau hành động khác — bạn cũng sẽ làm tốt. Không chỉ vậy, bạn sẽ được trang bị tốt hơn để vượt qua nhanh chóng các chướng ngại vật trên con đường đó. Bạn sẽ quá bận rộn để bước từng bước một về phía trước đến nỗi không thể nhận ra vật cản đang ở đó.

Ngày 9 tháng 6: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ SỚM

“Mọi thói xấu xa đều có sự phòng thủ, không có thói xấu nào ngay từ đầu không khiêm tốn và dễ dàng can thiệp, rồi sau đó, rắc rối lan rộng. Nếu ngươi cho phép nó bắt đầu, ngươi sẽ không thể kiểm soát khi nào nó dừng lại. Mọi cảm xúc lúc đầu đều yếu đuối. Sau đó, nó tự khuấy động và tích tụ sức mạnh — việc làm chậm lại sẽ dễ hơn việc thay đổi một cách tức thì.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 106.2b–3a

Publilius Syrus nhắc nhở chúng ta với một cách nói trào phúng: “Thượng nguồn là nơi ta dễ dàng qua sông nhất”. Đó cũng là điều Seneca muốn nói. Làn nước dữ dội và những dòng chảy chết người của những thói quen xấu, kỷ luật tồi tệ, sự hỗn loạn và sự khác thường — ban đầu nó cũng chỉ như dòng chảy nhỏ giọt. Ban đầu nó cũng chỉ là một hồ nước êm đềm, thậm chí là một dòng suối ngầm sủi bọt.
Bạn thích làm gì hơn — suýt chết đuối trong một cuộc vượt sông nguy hiểm kéo dài một vài tuần hay vượt qua sông ngay bây giờ khi nó vẫn còn dễ dàng? Điều đó tuỳ thuộc vào bạn.

Ngày 10 tháng 6: BẠN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC

“Nếu ngươi tìm ra điều gì đó mà bản thân rất khó đạt được, đừng tưởng tượng rằng nó là không thể — những gì khả thi và phù hợp với những người khác thì ngươi cũng có thể dễ dàng đạt được.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.19

Có hai kiểu người trên thế giới này. Đầu tiên là người nhìn vào những người khác đã hoàn thành mọi việc và nghĩ: Tại sao là họ? Tại sao không phải là tôi? Còn lại là kiểu người cũng nhìn vào những con người đó và suy nghĩ: Nếu họ làm được, tại sao tôi không thể làm được?
Một bên là cuộc chơi có tổng bằng không (zero—sum) và đố kị (nếu bạn thắng thì tôi thua). Một bên thì ngược lại (với cách suy nghĩ là luôn có rất nhiều để đủ cho tất cả) và thấy thành công của những người khác như một nguồn cảm hứng. Thái độ nào sẽ thúc đẩy bạn tiến lên phía trước và đi về đích? Và thái độ nào sẽ đưa bạn đến sự đắng cay và tuyệt vọng?
Bạn sẽ trở thành ai?

Ngày 11 tháng 6: ĐỪNG LÀM MỌI THỨ TRỞ NÊN TỒI TỆ HƠN

“Hậu quả của sự tức giận và đau buồn có hại hơn rất nhiều so với ngoại cảnh khơi dậy chúng trong chúng ta.”
—MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.18.8

Nguyên tắc đầu tiên của những cái hố rắc rối, đó là khi bạn thấy mình nằm trong một cái hố rắc rối nào đó, thì hãy ngừng đào bới nó thêm. Đây có thể là bài học dễ bị đa số không tuân theo nhất. Bởi vì những gì mà hầu hết chúng ta làm khi có chuyện gì đó xảy ra, gặp trục trặc hay gánh nặng, trước tiên chúng ta đều khiến cho điều đó trở nên tồi tệ hơn, bằng cách tức giận hoặc cảm thấy bực tức, và sau đó, chúng ta vùng vẫy trước khi thực sự hành động một cách bài bản.
Hôm nay, hãy tự giao cho bản thân một trong những nhiệm vụ đơn giản và dễ làm nhất: Đừng làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Dù cho điều gì xảy ra, đừng đem sự giận dữ hoặc cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự cân bằng. Đừng phản ứng chỉ vì chỉ vì bạn muốn vậy. Để mặc nó như thế đi. Đừng đào bới thêm. Và sau đó hãy tìm đường giải thoát theo cách của bạn.

Ngày 12 tháng 6: MỘT TÂM TRÍ ĐƯỢC RÈN LUYỆN TỐT HƠN MỌI KẾ HOẠCH

“Lúc này ngươi phải hiểu rằng thật buồn cười như thế nào khi nói rằng: “ Hãy nói cho ta biết ta phải làm gì đi!” “Ta có thể đưa ra lời khuyên gì?”. Không, lời thỉnh cầu tốt hơn sẽ là: “ Hãy rèn luyện tâm trí của ta để có thể thích ứng được với mọi hoàn cảnh.” Khi đó, nếu những hoàn cảnh đó đưa ngươi đi lệch khỏi dự tính, ngươi sẽ không phải thất vọng khi đã có một lời gợi ý mới cho mình.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.2.20b–1; 24b–25a

Sẽ thật tuyệt nếu ai đó có thể chỉ cho chúng ta chính xác những gì cần làm trong mọi tình huống. Thật vậy, chúng ta dành phần lớn cuộc đời mình để: chuẩn bị cái này, nghiên cứu cái kia. Tiết kiệm hoặc dự đoán thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng các kế hoạch, như võ sĩ Mike Tyson chỉ ra, có tác dụng chỉ đến khi bạn bị ăn đấm vào mặt.
Những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ không tìm cách để có câu trả lời cho mọi câu hỏi hoặc lên kế hoạch cho mọi tình huống. Tuy nhiên, họ cũng không lo lắng. Vì sao? Bởi vì họ có niềm tin rằng họ sẽ có thể thích nghi và thay đổi theo hoàn cảnh. Thay vì tìm kiếm sự chỉ dẫn, họ trau dồi các kỹ năng như sáng tạo, độc lập, tự tin, khéo léo và khả năng giải quyết vấn đề. Bằng cách này, họ trở nên kiên cường thay vì cứng nhắc. Chúng ta có thể thực hành như thế.
Hôm nay, chúng ta sẽ tập trung vào chiến lược hơn là chiến thuật. Chúng ta sẽ nhắc nhở bản thân rằng được dạy bảo tốt hơn là được biếu không, và linh hoạt thì tốt hơn việc cứ bám theo một kịch bản nào đó.

Ngày 13 tháng 6: CUỘC SỐNG LÀ MỘT CHIẾN TRƯỜNG

“Ngươi có biết cuộc sống giống như một chiến dịch quân sự không? Một người phải làm nhiệm vụ theo dõi, một người đi trinh sát, người khác thì ở tiền tuyến. Cũng như vậy, với mỗi chúng ta, cuộc đời là một trận chiến dài và đa dạng. Ngươi phải biết theo dõi như một người lính và làm mọi công việc được giao phó. Ngươi đã được phân công vị trí ở một khu vực quan trọng suốt cả cuộc đời chứ không chỉ trong một thời gian ngắn.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.24.31–36

Nhà văn Robert Greene thường nói “Chiến tranh như thế nào, thì cuộc sống cũng như thế”. Đó là một câu cách ngôn đáng để học tập, bởi vì cuộc sống của chúng ta là một trận chiến theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chúng ta chiến đấu để sinh tồn trên một hành tinh thờ ơ với sự sống của chúng ta. Chúng ta cố gắng để sinh tồn trong thế giới hàng tỷ người. Ngay cả trong cơ thể này, những con vi khuẩn cũng đang chiến đấu với nhau. Vivere est militare (Sống là để chiến đấu).
Hôm nay, bạn sẽ chiến đấu để đạt được mục tiêu của mình, chiến đấu chống lại những xung động, chiến đấu để trở thành người mà bạn muốn trở thành. Vậy đâu là những phẩm chất cần thiết để chiến thắng trong những cuộc chiến này?
● Kỷ luật
● Ngoan cường
● Dũng cảm
● Sáng suốt
● Vị tha
● Hy sinh
Những tính cách khiến bạn thua trận là gì?
● Hèn nhát
● Cẩu thả
● Vô tổ chức
● Quá tự tin
● Bạc nhược
● Ích kỷ
Như trong cuộc chiến, những điều này cũng rất quan trọng trong cuộc sống.

Ngày 14 tháng 6: THỬ CÁCH KHÁC XEM

“Mỗi biến cố có hai cách xử lý, một cách có thể giải quyết được biến cố, cách khác thì không. Nếu anh em của ngươi làm điều gì sai, đừng chăm chăm vào lỗi lầm, bởi vì cách xử lý này không giúp đỡ người đó được. Thay vào đó, hãy dùng cách còn lại — hãy nhớ rằng, đây là anh em của ngươi, hai người cùng lớn lên với nhau, rồi sau đó ngươi sẽ tìm ra phương thức giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 43

Nhà báo nổi tiếng William Seabrook đã suy nhược vì mắc chứng nghiện rượu đến nỗi vào năm 1933, ông đã tự mình đến nhà thương điên nơi ngày trước được dùng để điều trị chứng nghiện ngập. Trong hồi ký Asylum (Nhà thương điên — ND) của mình, ông kể lại câu chuyện về cuộc đấu tranh để thay đổi cuộc sống của mình ở nơi này. Lúc đầu, ông mắc kẹt với lối suy nghĩ nghiện ngập của mình — và kết quả là ông là người ngoài cuộc, liên tục gặp rắc rối và nổi loạn chống lại nhân viên. Ông gần như không cải thiện được tình hình và sắp sửa bị đuổi ra khỏi bệnh việni.
Rồi một ngày, câu nói của Epictetus — rằng tất cả mọi thứ có hai cách xử lý – làm ông thức tỉnh. “Bây giờ tôi đã có cách cai nghiện khác”. Ông bắt đầu có một thời gian tươi đẹp ở đó. Ông tập trung để phục hồi với tất cả sự nhiệt huyết. “Tôi đột nhiên thấy việc được tỉnh táo mới tuyệt vời, lạ kỳ và đẹp đẽ làm sao… Cứ như thể một tấm màn che, một màng bọc hay tấm phim được lấy ra khỏi đôi tai và đôi mắt tôi.” Đó là một trải nghiệm được chia sẻ bởi nhiều người nghiện khi cuối cùng họ ngừng làm mọi thứ theo cách của họ và thực sự mở rộng tư tưởng, trí tuệ và hấp thu bài học của những người đi trước.
Không có gì hứa hẹn rằng việc thử mọi thứ theo cách này — cách trái ngược với trước đây — sẽ mang lại một kết quả tuyệt vời. Nhưng sao cứ phải cố tiếp tục thử phương pháp hiện tại dù nó không hiệu quả chút nào?

Ngày 15 tháng 6: LẮNG NGHE ĐEM LẠI NHIỀU ĐIỀU HƠN VIỆC LÊN TIẾNG

“Zeno đã nói những người trẻ ngu dại rằng: lý do chúng ta có hai cái tai nhưng chỉ có một cái miệng là để chúng ta nghe nhiều hơn và nói ít lại.”
— DIOGENES LAERTIUS, LIVES OF EMINENT PHILOSOPHERS, 7.1.23

Tại sao những người khôn ngoan có ít vấn đề hơn so với số đông còn lại? Có một vài lý do đơn giản sau:
Đầu tiên, người khôn ngoan biết cách kiểm soát kỳ vọng của họ. Họ hiếm khi mong đợi những gì không thể xảy ra.
Thứ hai, người khôn ngoan luôn xem xét cả hai trường hợp tốt nhất và tồi tệ nhất. Họ không chỉ nghĩ về những gì họ muốn xảy ra, mà còn nghĩ đến những gì có khả năng xảy ra nếu mọi chuyện không được như ý.
Thứ ba, người khôn ngoan hành động với mệnh đề ngược — họ không chỉ xem xét trường hợp mọi thứ không như ý, mà họ còn chuẩn bị tinh thần nếu điều đó xảy ra đúng như vậy — đó là cơ hội để họ trở nên xuất sắc và có đạo đức.
Nếu học tập theo họ, bạn cũng sẽ thấy rằng không có gì là ngạc nhiên hoặc xảy ra trái với mong đợi của mình.

Ngày 16 tháng 6: ĐỪNG XẤU HỔ KHI CẦN GIÚP ĐỠ

“Đừng xấu hổ khi cần giúp đỡ. Ngươi có nhiệm vụ phải hoàn thành, cũng giống như người lính đang ở trong chiến hào. Vậy giả sử ngươi bị thương và không thể trèo lên nếu không có sự giúp đỡ của người lính khác thì sao?”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.7

Không ai nói là bạn được sinh ra với tất cả những công cụ cần có để giải quyết mọi vấn đề bạn đối mặt trong cuộc sống. Thực tế, khi bạn vừa sinh ra, bạn hoàn toàn bất lực. Sau đó một vài người sẽ giúp đỡ bạn, rồi dần dà bạn hiểu được rằng bạn có thể yêu cầu sự giúp đỡ đó. Đó là cách bạn cảm nhận bạn được yêu thương.
Ừ thì, chúng ta luôn được yêu thương. Bạn có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ bất kì ai. Bạn không cần phải đối mặt với tất cả mọi thứ một mình.
Nếu như bạn cần giúp đỡ, hỡi người đồng chí, bạn chỉ cần yêu cầu thôi.

Ngày 17 tháng 6: TẤN CÔNG HAY PHÒNG THỦ

“Vận mệnh không có một tầm với xa, nàng chỉ có thể vòng tay bao vây những người ôm nàng thật chặt. Vì vậy hãy tránh nàng càng xa càng tốt.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 82.5b—6

Machiavelli, người được cho là ngưỡng mộ Seneca, nói trong cuốn The Prince (Hoàng tử — ND) rằng “Vận mệnh là một người phụ nữ, và để hạ gục cô ta, điều cần thiết là phải đánh bại và đấu tranh với người này.” Ngay cả trong thế kỉ mười sáu, hình ảnh đó cũng khá kinh hoàng. Nhưng đối với một người cai trị đầy tham vọng vô tận và tàn nhẫn, đó là điều dĩ nhiên. Đó có phải là lối sống bẩn thỉu mà bạn muốn không?
Bây giờ hãy so sánh quan điểm đó với quan điểm Seneca. Ông không chỉ nói rằng bạn càng đấu tranh với vận mệnh, bạn càng dễ bị tổn thương; mà ông cũng nói rằng con đường tốt hơn để bảo toàn là ở trong “bức tường bất khả xâm phạm” của triết học. “Triết học”, ông nói, nó giúp chúng ta chế ngự được “cơn cuồng điên của lòng tham và chế ngự sự ác liệt của nỗi sợ của chúng ta.”
Trong thể thao hay chiến tranh, phép ẩn dụ ở đây sẽ là sự lựa chọn giữa chiến lược tấn công bất tận, mệt mỏi và chiến lược phòng thủ linh hoạt, khéo léo. Bạn sẽ chơi cách nào? Bạn là loại người nào?
Chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi đó. Nhưng bạn sẽ cảm thấy hối hận nếu không xem xét đến kết cục cuối cùng của các hoàng tử trong cuốn sách của Machiavelli — chỉ có một số ít đã nhắm mắt một cách hạnh phúc trên giường, trong vòng tay của những người họ yêu thương.

Ngày 18 tháng 6: CHUẨN BỊ SẴN SÀNG VÀ CHỦ ĐỘNG

“Hãy để Vận Mệnh thấy chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng và chủ động. Một tâm hồn vĩ đại – là của một người biết cách quy hàng trước Vận Mệnh. Ngược lại là một người yếu đuối và suy đồi, người chống lại hoặc không có sự tôn trọng với quy luật của thế giới, và tìm cách sửa chữa lỗi lầm của các vị thần thay vì của bản thân.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 107.12

Bất cứ chuyện gì xảy ra ngày hôm nay, chúng ta hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng và chủ động: sẵn sàng cho những vấn đề, sẵn sàng cho những khó khăn, sẵn sàng với việc mọi người hành động theo những cách mơ hồ và đáng thất vọng, sẵn sàng để chấp nhận và tìm hướng giải quyết. Đừng bao giờ mong rằng chúng ta có thể quay ngược thời gian hoặc tái thiết lập quy luật của vũ trụ theo ý thích của mình. Điều tốt hơn và dễ dàng hơn là thay đổi chính mình để thích nghi với quy luật của vũ trụ.

Ngày 19 tháng 6: LUÔN TẬP TRUNG VÀO HIỆN TẠI

“Đừng để suy nghĩ về sự càn quét của cuộc sống nghiền nát ngươi. Đừng lấp đầy tâm trí ngươi bằng tất cả suy nghĩ về những điều xấu có thể xảy ra. Hãy dồn tất cả sự tập trung vào hiện tại và tự hỏi tại sao sự tập trung đó lại khó làm được và không thể tồn tại lâu.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.36

Khi bạn nhìn lại một số tình huống xúc động nhất, ngay cả sự sợ hãi, mà bạn đã trải qua hoặc chịu đựng, sao bạn có thể làm được như vậy? Làm cách nào bạn có thể vượt qua những tình huống nguy hiểm hoặc có cực kỳ bất lợi như thế? Như cách Marcus diễn giải, bạn đã quá bận rộn với việc chú ý vào những chi tiết nhỏ đến mức bức tranh toàn cảnh không thể nghiền nát bạn. Thực tế, ngay tại thời điểm đó, bạn thậm chí không nghĩ về nó.
Một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Lullaby (Bài hát ru — ND) của Chuck Palahniuk nói rằng: “Bí quyết để quên đi bức tranh lớn là nhìn tất cả mọi thứ cận cảnh.” Đôi khi, nắm rõ bức tranh lớn là điều rất quan trọng, và những triết gia Khắc kỷ trước đây đã giúp chúng ta làm điều đó. Mặc dù vậy, rất nhiều lần, nó phản tác dụng và khiến chúng ta choáng ngợp khi nghĩ về tất cả gì trước mắt. Vì vậy, bằng cách tập trung vào hiện tại, chúng ta có thể tránh hoặc loại bỏ những suy nghĩ đáng sợ hoặc tiêu cực ra khỏi tầm nhìn của chúng ta.
Một người diễn xiếc cố gắng không nghĩ về việc mình cách mặt đất bao nhiêu khi đi trên dây. Một đội quân bất khả chiến bại cố gắng không nghĩ về màn chiến thắng tuyệt đối của họ. Cũng như chúng ta, tốt hơn hết là tiến lên và xem mọi thứ khác là không liên quan.

Ngày 20 tháng 6: ĐIỀM TĨNH DỄ LÂY LAN

“Đừng xem những điều ngươi theo đuổi hoặc né tránh đang tìm đến mình, hãy xem như ngươi đang đi tìm kiếm chúng, ít nhất hãy giữ cho phán đoán của mình về chúng sao cho bình ổn, nếu vậy, chúng cũng giữ được sự bình tĩnh và ngươi sẽ không cần phải cố sức đuổi theo hoặc chạy trốn khỏi chúng.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.11

Đây là một câu châm ngôn của đội đặc nhiệm Navy SEALs truyền từ nhân viên này đến nhân viên khác, từ người này đến người khác. Ở giữa những sự hỗn loạn, ngay cả trong chiến tranh, lời khuyên được sử dụng là: “Điềm tĩnh dễ lây lan.”
Đặc biệt là sự điềm tĩnh đó đến từ một người lãnh đạo. Nếu mọi người bắt đầu mất đi sự mưu trí của mình, nếu như cả nhóm không chắc về việc nên làm gì tiếp theo, đây là điều duy nhất mà người lãnh đạo cần làm: truyền đi sự điềm tĩnh — không phải bằng vũ lực mà là hành động của chính mình.
Đó là người bạn muốn trở thành, bất kể công việc của bạn là gì: một người hành động bình thường, thoải mái trong mọi tình huống, người nói với mọi người hãy hít thở và đừng quá lo lắng. Bởi vì bạn đã bình tĩnh. Đừng trở thành kẻ kích động, hoang tưởng, hay lo lắng phi lý. Hãy bình tĩnh, đừng gây trở ngại.
Rồi mọi người cũng sẽ trở nên như vậy.

Ngày 21 tháng 6: HÃY ĐI DẠO

“Chúng ta nên đi dạo ngoài trời, để tâm trí có thể được nuôi dưỡng và làm mới bởi không khí thoáng đãng và việc hít thở sâu.”
— SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 17.8

Trong một thành phố nổi danh ồn ào như Rome, không thể có đủ yên bình và tĩnh lặng. Những tiếng ồn của xe ngựa, những tiếng la hét chào mời của thương nhân, những tiếng gõ búa của thợ rèn — đường phố bị lấp đầy bởi sự ồn ào (chưa nói gì về mùi hôi thối của một thành phố với những cửa xả nước thải và vệ sinh). Vì vậy, các nhà triết học đã đi bộ rất nhiều — để đến nơi họ cần đến, để giải tỏa đầu óc, để có được không khí trong lành.
Trong tất cả các thời đại, các nhà triết học, nhà văn, nhà thơ và nhà tư tưởng đã phát hiện ra rằng việc đi bộ mang lại lợi ích — thời gian và không gian để ta làm việc hiệu quả hơn. Như Nietzsche từng nói sau này: “Chỉ có những ý tưởng có được từ việc đi bộ mới có giá trị.”
Hôm nay, hãy chắc chắn rằng bạn có đi dạo. Và trong tương lai, khi bạn bị căng thẳng hoặc quá tải, hãy đi dạo. Khi bạn có một vấn đề khó giải quyết hoặc đưa ra quyết định, hãy đi dạo. Khi bạn muốn sáng tạo, hãy đi dạo. Khi bạn muốn có một chút không khí, hãy đi dạo. Khi bạn có một cuộc điện thoại cần thực hiện, hãy đi dạo. Khi bạn cần một bài tập thể dục, hãy đi bộ đường dài. Khi bạn có cuộc họp mặt hay gặp gỡ bạn bè, hãy đi dạo cùng nhau.
Nuôi dưỡng bản thân, tâm trí và giải quyết vấn đề của bạn trên đường đi.

Ngày 22 tháng 6: ĐỊNH NGHĨA CỦA SỰ ĐIÊN RỒ

“Nếu ngươi đã thất bại một lần và tự nhủ sẽ vượt qua được, nhưng lại tiếp tục hành động như trước; thì hãy biết rằng đến cuối cùng, ngươi sẽ trở nên yếu đuối và tồi tệ đến nỗi không nhận ra lỗi lầm mình mắc phải, và sẽ bắt đầu hợp lý hóa hành vi của mình.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.18.31

Một trong những định nghĩa của sự điên rồ, đó là làm đi làm lại cùng một thứ nhưng mong đợi kết quả khác nhau. Ấy vậy đây là điều phần lớn mọi người đã làm. Họ nói với bản thân: Hôm nay, tôi sẽ không tức giận. Hôm nay, tôi sẽ không tham ăn tục uống. Nhưng thực tế, họ không làm bất cứ điều gì khác đi. Họ tiếp tục lịch trình và thói quen cũ, nhưng lại mong mọi thứ sẽ khác đi. Hi vọng khác với kế hoạch!
Thất bại là một phần trong cuộc sống mà bạn không có quyền lựa chọn. Nhưng học hỏi từ thất bại thì khác. Bạn có quyền lựa chọn, chọn rút kinh nghiệm sau sai lầm. Bạn luôn cần ý thức làm mọi thứ khác biệt đi – điều chỉnh và thay đổi, cho đến khi bạn thực sự có được kết quả mình theo đuổi. Nhưng điều này lại khá là khó.
Dính lấy khuôn mẫu không thành công thì dễ. Điều đó không mất thêm chút chất xám hay nỗ lực nào — có lẽ đó là lý do tại sao hầu hết mọi người làm như vậy.

Ngày 23 tháng 6: MỘT CON ĐƯỜNG VÒNG

“Ngươi có thể tận hưởng ngay khoảnh khắc này với tất cả những thứ ngươi ước có được thay vì đi đường vòng — nếu ngươi dừng việc tách biệt bản thân khỏi chúng.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 12.

Hãy hỏi hầu hết mọi người về những gì họ đang cố thực hiện, và bạn sẽ có câu trả lời đại loại như: “Tôi đang cố trở thành [vị trí chuyên môn]”. Hoặc họ nói rằng họ đang cố được lọt vào mắt xanh của sếp, được vào vị trí nào đó, trở thành triệu phú, được khai phá, trở nên nổi tiếng — kiểu như vậy. Giờ hãy hỏi thêm vài câu nữa, như “Sao anh lại làm vậy?” hay “Anh nghĩ mọi thứ sẽ thế nào sau khi anh đạt được điều đó?”. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, đến tận cùng, mọi người muốn tự do, muốn hạnh phúc, và muốn sự tôn trọng của người khác.
Một người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ nhìn vào điều trên và lắc đầu trước tất cả các nỗ lực và chi phí mà chúng ta đã bỏ ra để theo đuổi những thứ đơn giản và dễ có được trực tiếp. Nó giống như thể bạn dành nhiều năm chế tạo cỗ máy lằng nhằng Rube Goldberg thay vì chỉ cần với tay và lựa chọn. Nó giống như việc bạn đi tìm kính râm khắp mọi nơi rồi nhận ra bao lâu nay nó vẫn ở trên đầu mình.
Tự do? Đơn giản thôi, ngay trong lựa chọn của bạn.
Hạnh phúc? Đơn giản thôi, ngay trong lựa chọn của bạn.
Sự tôn trọng của người khác? Ngay cả thứ đó cũng nằm trong lựa chọn của bạn.
Và tất cả các điều trên đều ngay trước mặt bạn. Không cần phải đi đường vòng để có được nó.

Ngày 24 tháng 6: KẺ CÓ HỌC SẼ KHÔNG GÂY GỔ

“Người tốt đẹp chẳng sinh sự với ai, hoặc cố gắng hết trong khả năng của mình ngăn kẻ khác sinh sự…đây chính là ý nghĩa của việc có giáo dục — học được đâu là chuyện của mình và đâu không phải. Nếu một người kiểm soát được bản thân, liệu liệu người đó có thể gây sự hay không?”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.5.1; 7b–8a

Socrates nổi tiếng với việc đi vòng quanh Athens, tiếp cận với nhiều người bất đồng quan điểm nhất, rồi thuyết phục họ trong những cuộc thảo luận dài. Trong những cuộc thảo luận này — hoặc trong những bản ghi chép còn lại — có nhiều trường hợp người tranh luận với Socrates trở nên cáu tiết, tức giận bởi hàng loạt câu hỏi của ông. Cuối cùng thì, người dân Athens tức giận đến nỗi họ kết án tử hình Socrates.
Nhưng Socrates dường như chưa bao giờ tức giận. Kể cả khi nói về vấn đề sự sống — cái chết, ông vẫn giữ sự bình tĩnh. Ông quan tâm đến việc nghe người khác nói gì, hơn là đảm bảo rằng mình được lắng nghe hoặc tìm cách thắng cuộc tranh luận (điều mà phần lớn chúng ta khăng khăng muốn).
Lần tới, khi bạn đối mặt với cuộc tranh cãi về chính trị, hay những bất đồng cá nhân, hãy tự hỏi: Liệu có lý do nào để tranh cãi không? Liệu tranh cãi có giúp giải quyết được điều gì hay không? Liệu một người được giáo dục, một người thông thái có xu hướng trở nên hiếu chiến như bạn hay không? Hay họ sẽ dừng lại, hít một hơi, thư giãn, và chống lại cám dỗ của việc tạo ra xung đột? Hãy nghĩ về điều bạn có thể thực sự đạt được — và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn đến thế nào — khi bạn khuất phục được mong muốn được tranh đấu và giành thắng cuộc cho những thứ vô cùng vụn vặt.

Ngày 25 tháng 6: NGƯỜI THÔNG THÁI KHÔNG GẶP “VẤN ĐỀ”

“Đây là lý do tại sao chúng ta nói rằng những gì xảy ra với người khôn ngoan không bao giờ trái ngược với điều họ trông đợi.”
— SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 13.3b

Nhà thơ Hesiod đã nói rằng: “Kho báu quý giá nhất đó là một cái miệng ít nói.” Robert Greene cho rằng đây là quy luật của sức mạnh: Luôn luôn nói ít hơn mức cần thiết.
Chúng ta trò chuyện vì chúng ta nghĩ rằng điều này sẽ hữu ích, trong khi thực tế nó lại làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn với chính chúng ta. Nếu bạn đời của chúng ta đang trút giận, chúng ta muốn nói với họ họ cần phải làm gì. Nhưng thực tế là, tất cả những gì họ muốn chúng ta làm đó là lắng nghe họ. Trong những tình huống khác, thế giới đang cố gắng đưa cho chúng ta thông tin hoặc phản hồi, nhưng chúng ta lại thuyết phục bản thân tránh né vấn đề — mà việc này chỉ làm cho những vấn đề đó tệ hơn.
Vì vậy, hôm nay, bạn sẽ là một phần của vấn đề tồi tệ đó hay sẽ là một phần cho giải pháp của vấn đề bạn gặp phải? Bạn sẽ lắng nghe sự thông thái của thế giới hay sẽ nhấn chìm nó bằng những lời nói văng vẳng bên tai?

Ngày 26 tháng 6: THỬ LÀM NGƯỢC LẠI

“Có sự trợ giúp nào có thể giúp chúng ta chống lại những thói quen xấu không? Hãy thử làm ngược lại đi!”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.27.4

Viktor Frankl, nhà tâm lý học xuất sắc và là người sống sót sau thảm sát Holocaust, đã chữa khỏi bệnh nhân mắc chứng ám ảnh hay những thói quen của thần kinh khi sử dụng một phương pháp mà ông gọi là “Ý định nghịch lý”. Hãy nói về một bệnh nhân không thể ngủ. Liệu pháp chữa trị tiêu chuẩn sẽ là những cách thức rõ ràng, như kỹ thuật giúp họ thư giãn. Mà thay vào đó, Frankl khuyến khích bệnh nhân cố gắng không được ngủ. Ông nhận thấy rằng việc chuyển trọng tâm ra khỏi vấn đề giúp chệch hướng chú ý của bệnh nhân ra khỏi ám ảnh đó và cho phép họ cuối cùng cũng có thể an giấc.
Những người hâm mộ chương trình truyền hình Seinfeld có thể nhớ một tập phim có tên là “The Opposite” (Trái ngược — ND) nơi George Costanza bằng một cách thần kỳ đã cải thiện cuộc sống của mình vì anh đã làm ngược lại bất cứ điều gì anh ấy thường làm. “Nếu tất cả mọi bản năng bạn có đều sai”, Jerry tự nói với mình, “vậy thì những thứ trái ngược với nó sẽ đúng”. Điểm đáng chú ý ở đây là đôi khi bản năng hoặc thói quen của chúng ta bị mắc kẹt trong một khuôn mẫu xấu khiến chúng ta bị đẩy ra xa khỏi phiên bản khỏe mạnh, tự nhiên của mình.
Bây giờ bạn không nên ngay lập tức vứt bỏ mọi thứ trong cuộc sống của mình — một số thứ vẫn có tác dụng (như việc bạn đang đọc cuốn sách này!). Nhưng sẽ thế nào nếu bạn thử làm những điều trái ngược với hôm nay? Sẽ thế nào nếu bạn phá vỡ khuôn mẫu đó?

Ngày 27 tháng 6: ĐIỀU MÀ GIAN KHỔ TIẾT LỘ

“Chồng của ta khiến bất hạnh thêm nặng nề hơn bằng việc phàn nàn về nó, điều này có ích gì kia chứ? Hãy đối đầu với những nghịch cảnh — điều này mới giống một vị vua. Ông càng bấp bênh, càng dễ mất đi quyền lực thì ông càng trở nên vững vàng để đứng lên và chống trả. Việc rút lui khỏi vận mệnh không hề mạnh mẽ chút nào.”
— SENECA, OEDIPUS, 80

Giống như CEO của Charles Schwab, Walt Bettinger đã tuyển dụng hàng trăm người mỗi năm và phỏng vấn cả ngàn người. Trong suốt cuộc đời của ông, chúng ta có thể giả định rằng ông ấy đã có những lúc thành công, thất bại, và bất ngờ khi đào tạo nhập môn cho nhân viên mới. Nhưng hãy xem xét một kỹ thuật mà ông ấy đã dùng khi trở nên dày dạn hơn: ông ấy đi với ứng viên để ăn sáng và nhờ quản lý nhà hàng cố tình làm xáo trộn những thứ mà ứng viên yêu cầu cho bữa sáng.
Ông ấy đang thử xem phản ứng của ứng viên đó ra sao. Họ có buồn bã không? Có hành động thô lỗ? Họ có để việc đó ảnh hưởng tới cuộc gặp này không? Hay họ sẽ xử lý việc này với sự thanh lịch và lòng tốt?
Cách bạn xử lý một nghịch cảnh nho nhỏ trông có vẻ không có gì to tát, nhưng thực tế, nó tiết lộ mọi thứ.

Ngày 28 tháng 6: KHÔNG CẦN TỰ HÀNH HẠ BẢN THÂN

“Triết học dạy ta sống một cách giản dị, chứ không dạy ta tự hành hạ bản thân — việc sống giản dị mà không lỗ mãng là việc khả thi.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 5.5

Những bài suy tưởng của Marcus luôn có sự khiển trách bản thân, cũng như trong các bài viết khác của những nhà Khắc kỷ. Dù thế, điều ta phải nhớ đó là nó cũng chỉ đến vậy mà thôi Hoàn toàn không có chuyện tự đánh đập mình, tự hành xác mình, cũng không có chuyện làm tổn thương lòng tự trọng của mình với cảm giác tội lỗi hay ghê tởm chính mình. Họ không bao giờ sỉ nhục bản thân như một thứ vô giá trị hay tuyệt thực hay cắt tay cắt chân để nhớ đời cả. Việc tự kiểm điểm trên hoàn toàn mang tính xây dựng.
Tóm lại, ca thán, tước bỏ lợi ích hay trừng phạt bản thân — là đang tự hành hạ mình, chứ không phải đang tự phát triển bản thân.
Bạn không cần phải quá nghiêm khắc với chính mình. Hãy luôn hướng đến một tiêu chuẩn cao hơn nhưng đừng cố tới mức chọn những tiêu chuẩn bất khả thi. Và quan trọng là hãy biết tha thứ cho bản thân những khi bạn mắc sai lầm.

Ngày 29 tháng 6: KHÔNG VIỆN CỚ

“Ngươi hoàn toàn có thể hạ thấp sự tự kiêu, vượt qua những thú vui và cả nỗi đau, vươn xa hơn chính những tham vọng của mình, và không giận dữ với những kẻ ngu ngốc và vô ơn — thậm chí ngươi còn thể hiện sự quan tâm với những kẻ này.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.8

“Tôi sinh ra đã thế này rồi.” “Tôi sẽ chẳng bao giờ học hỏi được điều gì mới mẻ.” “Cha mẹ tôi là những tấm gương tệ hại cho tôi.” “Ai cũng làm thế này mà.” Những câu này là gì? Là những lời viện cớ mà người ta biện hộ cho sự trì trệ của mình, du di cho thói tự kiêu thay vì tự nỗ lực phấn đấu.
Nếu người khác có thể: chiến thắng sự tự kiêu, kiềm chế cơn giận và trở thành một người chu đáo; thì không lẽ ta không thể? Rõ ràng cha mẹ người khác cũng không hoàn hảo; họ không sinh ra đã thánh thiện tới mức miễn nhiễm với bản ngã và cám dỗ. Họ đã phải nỗ lực rất nhiều mới được như hôm nay. Họ đặt nó làm ưu tiên. Ho giải quyết được điều này như cách họ đã giải quyết bao vấn đề khác: họ đã quyết tâm kiên trì đi tìm giải pháp và sự tiến bộ cho tới khi nào làm được thì thôi.
Vì thế họ đã trở thành con người như bây giờ. Và bạn cũng có thể làm được như vậy.

Ngày 30 tháng 6: CHƯỚNG NGẠI CHÍNH LÀ CON ĐƯỜNG

“Hành động của ta có thể bị cản trở nhưng ý định và thái độ của ta thì không, đây là hai thứ cho ta sức mạnh thích nghi với nghịch cảnh. Vì tâm trí của ta có khả năng thích nghi và chuyển hóa bất kì chướng ngại nào ta gặp trở thành công cụ giúp ta đạt được thành quả. Từ đây những hành động ta đưa ra để đối phó với chướng ngại trở nên sắc bén hơn. Chướng ngại trên hành trình trở thành con đường ta đi.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATION, 5.20

Hôm nay, sẽ có chuyện xảy ra trái ngược với kế hoạch của bạn. Nếu không phải hôm nay thì sẽ là ngày mai. Và chính bởi vì những chướng ngại này bạn sẽ không có khả năng hoàn thành những gì bạn đã đặt ra. Nhưng sự việc không hề tệ như bạn nghĩ, vì chúng ta có một tâm trí linh hoạt với khả năng thích nghi cao. Nhờ thế mà chúng ta có khả năng vận dụng những bài tập Khắc kỷ giúp lật ngược tình thế, để chuyển hóa nghịch cảnh đang đối mặt thành cơ hội và để luyện tập các đức hạnh đã được học và hoàn thiện mình.
Nếu ai đó khiến bạn đến trễ nơi bạn cần đến, thì đây là cơ hội để luyện đức kiên nhẫn.
Nếu nhân viên của bạn phạm một lỗi gây tổn thất lớn, thì đây là cơ hội để chỉ bảo người ta bài học có giá trị.
Nếu máy tính bạn có trục trặc và làm mất giữ liệu, thì đây là cơ hội cho một bắt đầu lại.
Nếu ai đó làm tổn thương bạn, thì đây là cơ hội để cho đi sự thứ tha.
Nếu mọi thứ trở nên khó khăn, thì đây là cơ hội để bạn trở nên mạnh mẽ hơn.
Hãy thử suy nghĩ theo cách này và xem có nghịch cảnh nào mà bạn không thể vận dụng nó để tôi luyện các đức tính hoặc hưởng lợi từ nó không. Không hề. Bất kì chướng ngại hay nghịch cảnh nào cũng là tình huống thuận lợi để ta trau chuốt cho hành động của mình sắc bén hơn bằng cách này hay cách khác.

Danh Sách Các Tháng Khác

Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết