Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn

Nội dung bài viết

The Daily Stoic Tiếng Việt
Download sách này tại website: Keodau.net/sach

SÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 5

Ngày 1 tháng 5: HÃY ĐỂ TÍNH CÁCH TRỞ THÀNH LỜI TUYÊN BỐ LỚN NHẤT

“Triết lý không tồn tại trong các hành động bên ngoài, mà trong việc chú ý đến những gì cần thiết và luôn để tâm về điều đó.”
— MUSONIUS RUFUS, LECTURES, 16.75.15–16

Nhà sư mặc áo cà sa. Vị tu sĩ mặc áo có cổ đặc thù. Người làm ngân hàng thì đóng bộ đắt tiền và mang theo cặp da bên mình. Những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ thì không có đồng phục, và không gắn với bất kỳ khuôn mẫu bên ngoài nào. Họ không được định hình bằng vẻ bề ngoài, hoặc qua cách nói chuyện.
Làm thế nào để nhận ra họ? Bằng chính tính cách của họ.

Ngày 2 tháng 5: HÃY TRỞ THÀNH NGƯỜI BẠN MUỐN

“Đầu tiên, hãy tự xác nhận với bản thân loại người nào ngươi muốn trở thành, rồi sau đó hãy làm những gì phải làm. Trong gần như mọi lĩnh vực, chúng ta đều thấy điều đó đúng. Những kẻ muốn theo đuổi sự nghiệp thể thao đầu tiên chọn môn thể thao mình muốn theo đuổi, rồi sau đó mới đến việc tập luyện.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.23.1 — 2a

Một cung thủ gần như sẽ bắn trượt nếu anh ta không ngắm kỹ mục tiêu. Điều tương tự cũng sẽ đến với bạn, cho dù mục tiêu của bạn là gì. Bạn chắc chắn sẽ trượt mất mục tiêu nếu bạn chẳng buồn giương cung và bắn. Nhận thức và các nguyên tắc của chúng ta chỉ dẫn ta đến sự chọn lựa điều mình muốn — nhưng cuối cùng thì hành động của ta sẽ quyết định liệu ta có đạt được thứ mình muốn hay không.
Vậy nên hãy dành thời gian — thời gian cần thiết, không bị can thiệp — để nghĩ về điều gì quan trọng với bạn, và đâu là các ưu tiên của bạn. Sau đó, hãy làm việc theo hướng đó, và quên đi tất cả những thứ khác. Chỉ ước và hy vọng là không đủ. Mỗi người đều cần hành động — và hành động đúng đắn.

Ngày 3 tháng 5: THỂ HIỆN, CHỨ ĐỪNG NÓI, NHỮNG GÌ BẠN BIẾT

“Những kẻ mới tiếp nhận những lý thuyết mới ngay lập tức muốn tuôn trào nó ra ngoài, như cách mà bụng dạ khó chịu muốn đẩy thức ăn ra ngoài. Đầu tiên, hãy tiêu hóa những lý thuyết mới tiếp nhận đã, và ngươi sẽ không thải nó ra ngoài. Nếu không có khâu này, các lý thuyết đó sẽ sống sượng, mục ruỗng, và chả có ích lợi gì. Sau khi đã tiêu hóa được chúng, hãy cho chúng ta thấy sự thay đổi trong các lựa chọn duy lý của mình, như cách mà cặp vai của vận động viên thể hiện chế độ ăn uống và tập luyện của họ, hay như cách mà đồ mỹ nghệ bộc lộ những gì người nghệ nhân đã học được.”
—EPICTETUS, EPICTETUS, DISCOURSES, 3.21.1–3

Có rất nhiều cách ngôn Khắc kỷ dễ nhớ và thậm chí nghe rất tri thức khi được trích dẫn. Nhưng đây không phải điều mà triết học thực sự quan tâm. Mục tiêu phải là đưa những lời nói nói trên thành hành động cụ thể. Như Musonius Rufus đã khẳng định, sự đúng đắn của triết học là khi “một người kết nối giữa lời giảng dạy hợp lý với cách cư xử hợp lý.”
Hôm nay, hoặc bất kỳ lúc nào, khi bạn nhận ra mình muốn giảng dạy những hiểu biết mà mình có, hãy dừng lại và hỏi: Liệu tôi tốt hơn hết nên nói những lời này, hay để các hành động và lựa chọn của mình bộc lộ sự hiểu biết đó?

Ngày 4 tháng 5: ĐIỀU THỰC SỰ GÂY ẤN TƯỢNG

“Sẽ tuyệt vời hơn như thế nào khi được nhiều người biết đến bởi lối sống lành mạnh thay vì một lối sống xa hoa? Sẽ xứng đáng hơn bao nhiêu khi đầu tư vào con người thay vì vật chất?”
— MUSONIUS RUFUS, LECTURES, 19.91.26–28

Hãy nghĩ đến tất cả những gì bạn biết về lối sống của những người giàu có và nổi tiếng. Những người đó tiêu hơn triệu đô cho một căn nhà. Những người đó đi du lịch với thợ cắt tóc của riêng họ. Những người đó lấy con hổ hay con voi làm thú nuôi.
Những đồn đại và tiếng tăm tương tự cũng phổ biến ở thời La Mã. Một số người La Mã đã tiêu hàng ngàn sesterces (đồng tiền La Mã cổ đại — ND) cho những bể cá koi của họ. Số khác thì khét tiếng với những bữa tiệc trác táng và những bữa ăn xa hoa. Các tác phẩm của các nhà thơ La Mã như Juvenal và Martial đề cập rất nhiều thông tin về những kiểu người này.
Những kẻ rõ là giàu có này cuối cùng kiếm được thứ họ muốn từ việc tiêu xài: đó là danh tiếng của họ. Danh hão mà thôi! Có thật sự ấn tượng không, khi cứ tiêu, tiêu, rồi tiêu hoài như vậy? Nếu được cho tiền của, ai mà có thể không làm vậy cơ chứ?
Marcus Aurelius đã dũng cảm bán đi một số đồ sinh hoạt lộng lẫy để trả khoản nợ chiến tranh. Gần đây, José Mujica, cựu tổng thống Uruguay, đã đứng ra quyên góp từ thiện 90 phần trăm lương tổng thống và vẫn lái chiếc xe đã 25 tuổi đời. Ai có thể làm những điều như vậy cơ chứ? Không phải ai cũng làm được. Vậy người gây ấn tượng sâu sắc hơn là ai nào?

Ngày 5 tháng 5: BẠN CHÍNH LÀ CÔNG TRÌNH

“Chất liệu thô trong tay của một người giỏi hay xuất sắc chính là lý trí định hướng chính người đó, với bác sĩ hay huấn luyện viên thể hình thì nó là cơ thể, còn với người nông dân nó là nông trường của anh ta.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.3.1

Những chuyên gia không cần phải biện minh cho việc dành thời gian rèn luyện và thực hành công việc của mình. Đây là những gì họ làm, và họ thạo việc hơn bằng cách luyện tập. Chất liệu thô thì thay đổi theo từng loại công việc, cũng giống như địa điểm hay thời gian thì phụ thuộc vào từng cá nhân và nghề nghiệp của họ. Điều bất biến là quá trình khai thác những chất liệu này, là sự cải thiện và thành thạo dần dần từng chút một.
Với những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ, tâm trí bạn là tài sản cần được tập trung cải thiện — và thấu hiểu nhất.

Ngày 6 tháng 5: VẺ ĐẸP CỦA CHÍNH NGHĨA

“Vậy điều gì làm nên một con người đẹp? Chẳng phải đó là hiện diện của sự ưu tú sao? Người bạn trẻ, nếu muốn trở nên đẹp đẽ, hãy siêng năng tập trung vào sự ưu tú ấy. Đó là điều gì ư? Hãy quan sát những người ngươi khen ngợi mà không hề có chút thành kiến. Đó là người chính trực hay bất chính? Câu trả lời là người chính trực. Đó là người khí chất bình thản hay vô kỷ luật? Câu trả lời là người bình thản. Đó là người tự chủ hay không biết kiểm soát bản thân? Câu trả lời là người tự chủ. Trong quá trình ngươi trở thành người như vậy, ngươi sẽ trở nên đẹp đẽ — nhưng nếu ngươi bỏ qua những phẩm chất ấy, ngươi sẽ trở nên xấu xí, kể cả khi ngươi dùng tất cả những mẹo ghi trong sách để khiến mình trông có vẻ xinh đẹp.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.1.6b — 9

Quan niệm đương đại về cái đẹp thật lố bịch. Những quy chuẩn của chúng ta để định nghĩa những điều quyến rũ thật không Khắc kỷ chút nào – chúng ta ca tụng và tán dương những chi tiết mà con người gần như không thể kiểm soát được — gò má cao, làn da, rồi chiều cao, và đôi mắt sắc sảo.
Những giải xổ số về gen di truyền này có khiến bạn trở nên xinh đẹp? Hay là sự xinh đẹp còn tùy thuộc vào những quyết định, hành động, và tính cách của bạn? Sự bình thản, sự công tâm, và tính cam kết với nghĩa vụ. Đây đều là những nét tiêu biểu tốt đẹp — và sâu sắc hơn vẻ bề ngoài nhiều.
Hôm nay, bạn có thể chọn không giữ trong mình những định kiến, hành xử với sự công bằng, giữ một tâm hồn bình thản, và kiểm soát bản thân — kể cho dù điều này đánh đổi bằng sự hết lòng và hy sinh. Nếu đó không phải là cái đẹp, thì cái gì mới đẹp đây?

Ngày 7 tháng 5: CÁCH ĐỂ CÓ MỘT NGÀY TỐT LÀNH

“Chúa đã đặt ra luật này: nếu ngươi muốn những điều tốt, hãy tạo ra nó từ chính mình.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.29.4

Cách để đảm bảo bạn có một ngày tốt lành: làm những việc tốt.
Bất kỳ nguồn vui thú nào từ những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn đều sẽ qua đi. Nhưng niềm vui khi bản thân tự làm những điều tốt lúc nào cũng tồn tại. Đó là hình thức dựa vào sức mình.

Ngày 8 tháng 5: THIỆN VÀ ÁC? HÃY NHÌN VÀO NHỮNG LỰA CHỌN CỦA BẠN

“Điều thiện ở đâu? Trong sự lựa chọn của lý trí. Cái ác ở đâu? Cũng trong lựa chọn của lý trí. Điều gì không thiện mà cũng chẳng ác? Là những điều ngoài sự lựa chọn của lý trí.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.16.1

Hôm nay, khi mọi thứ xảy ra và bạn băn khoăn nó có nghĩa là gì — khi bạn thấy mình đang xem xét những hành động khác nhau, hãy nhớ rằng: điều đúng đắn để làm đến từ sự lựa chọn có lý trí. Không phải việc hành động để đạt được phần thưởng, cũng không phải để đạt được mục đích nào đó, mà đó là sự lựa chọn đúng đắn thì ta phải làm.
Lời khuyên của Epictetus giúp chúng ta hành động với sự tự tin và nhất quán. Liệu điều này tốt hay xấu? Liệu nó đúng hay sai? Chỉ nên tập trung vào sự lựa chọn của bạn, bỏ qua những thứ khác đi.

Ngày 9 tháng 5: CARPE DIEM — HÃY SỐNG VỚI NGÀY HÔM NAY

“Bỏ qua mọi phiền nhiễu hiện tại, cố gắng hết sức, hết lòng để đạt được mục tiêu trước khi ta nhận thức muộn màng rằng thời gian trôi quá nhanh và không cho ta níu kéo một phút giây nào. Mỗi sáng thức giấc tỉnh dậy, hãy chào đón một ngày mới như là một ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời và biến nó thành sở hữu của riêng ta. Chúng ta phải biết nắm bắt mọi khoảnh khắc.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 108.27b–28a

Hôm nay, bạn sẽ chỉ có một cơ hội mà thôi. Bạn chỉ có 24 giờ để sống. Ngày hôm nay rồi sẽ trôi qua mãi mãi. Liệu bạn có toàn tâm sử dụng 24 giờ này? Sẽ ra sao nếu bạn nhận thức được khoảng thời gian quý giá này và cố gắng hết sức làm những điều tốt nhất cho mình?
Bạn sẽ làm những gì trong ngày hôm nay, trước khi trôi tuột khỏi tay bạn và trở thành quá khứ? Nếu có ai đó hỏi hôm qua bạn đã làm được gì, liệu bạn có thực sự muốn trả lời rằng “không làm gì cả” không?

*Tiêu đề bài viết “Carpe Diem” là một thành ngữ la—tinh, nó có nghĩa là hãy sống với ngày hôm nay, hãy tận hưởng phút giây mà ta đang có, nắm bắt khoảnh khắc hiện tại… — ND

Ngày 10 tháng 5: ĐỪNG ĐỂ ĐƯỢC TRUYỀN CẢM HỨNG, HÃY ĐI TRUYỀN CẢM HỨNG

“Hãy tạo ra những hành động táo bạo của chính chúng ta và gia nhập hàng ngũ những người được (người khác) mô phỏng nhiều nhất.’’
— SENECA, MORAL LETTERS, 98.13b

Điều quen thuộc trong lịch sử Hy Lạp và La Mã, cũng như trong thời đại ngày nay, chính là việc các chính trị gia cố làm hài lòng khán giả của họ. Họ sẽ hào phóng ban tặng những lời tán dương dạt dào cho đám khán giả, cho đất nước của họ, cho những chiến thắng liên quan tới quân đội truyền cảm hứng trong lịch sử. Đã bao lần bạn nghe một chính trị gia nói là, ”Đây là đất nước tuyệt vời nhất trong lịch sử thế giới?” Như nhà hùng biện Demosthenes chỉ ra rằng, chúng ta sẽ vui vẻ ngồi xuống trong vài tiếng đồng hồ để nghe một người diễn thuyết đứng trước những địa điểm nổi tiếng và linh thiêng, ”ca ngợi tổ tiên của chúng ta, mô tả những kỳ tích của họ và liệt kê ra những kỷ vật của họ.”
Nhưng sự tâng bốc này đem lại cái gì? Không gì cả. Tệ hơn, sự ngưỡng mộ những lời ca ngợi hào nhoáng khiến chúng ta bị phân tâm khỏi mục đích thật sự của nó. Hơn nữa, như Demosthenes giải thích, việc này phản bội những tổ tiên nguyên thủy, những người đã truyền cảm hứng cho chúng ta. Ông ấy đã kết thúc bài phát biểu của mình với người dân Athen bằng những lời mà Seneca sau này đã nhắc lại và nghe vẫn hợp lý sau hàng thế kỷ. Ông nói: ”Hãy nhìn lại đi, tổ tiên của ngươi đã tạo ra những chiến tích đó, không phải là ngươi có thể nhìn chằm chằm vào chúng trong sự ngạc nhiên và thán phục, mà là ngươi cũng có thể học theo đức tính của những người đã tạo ra chúng.’’
Điều tương tự cũng xảy ra đối với các trích dẫn trong cuốn sách này và cho những câu từ truyền cảm hứng khác mà bạn biết. Đừng chỉ ngưỡng mộ. Hãy sử dụng chúng. Thực hiện theo ví dụ của chúng.

Ngày 11 tháng 5: CẢM GIÁC TỘI LỖI TỆ HƠN VIỆC BỊ CẦM TÙ

“Phần tuyệt vời nhất của sự bình an trong tâm trí là không làm gì sai trái. Những người thiếu tự chủ sống cuộc sống mất phương hướng và bị xáo trộn.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 105.7

Hãy xem xét những kẻ chạy trốn đã sẵn sàng quay đầu lại sau nhiều năm chạy trốn. Tại sao họ lại làm vậy? Lúc đó họ đã có tự do, sống ngoài vòng pháp luật, nhưng họ đã từ bỏ điều đó! Bởi vì tội lỗi và sự căng thẳng của cuộc sống chạy trốn cuối cùng trở nên tệ hơn viễn cảnh mất tự do — sự thật là, đó là một dạng cầm tù của chính nó.
Cùng một lý do tại sao khi còn là một đứa trẻ, bạn có thể đã thú nhận một lời nói dối với bố mẹ khi họ không nghi ngờ gì cả. Đó là lý do tại sao một bạn đời có thể tự nguyện thừa nhận việc ngoại tình nặng nề ngay cả khi người kia không hề hay biết gì cả. ”Tại sao lại nói với tôi việc này?!” Kẻ phản bội lớn tiếng trả lời khi cô ấy bước ra khỏi cửa. ”Bởi vì mọi thứ đang diễn ra quá tốt đẹp và tôi không thể chịu đựng nữa!’
Có hàng tá cái giá phải trả của việc phạm sai lầm, không chỉ cho xã hội mà còn cho kẻ gây ra nó. Hãy nhìn cuộc sống của những người từ chối đạo đức và sự kỷ luật, và những sự hỗn loạn và đau khổ rồi sẽ theo sau đó. Sự trừng phạt này thì hầu như luôn luôn tệ hơn bất cứ hình phạt nào mà xã hội ban ra.
Đó là tại sao nhiều tội phạm nhỏ lại đầu thú hay tự nguyện đầu hàng. Họ không phải lúc nào cũng như vậy, nhưng ở tại thời điểm khốn khó nhất, họ cuối cùng cũng nhận ra: đây không phải là cách sống đúng. Họ muốn sự thanh thản trong tâm trí đến với việc làm những điều đúng đắn. Và bạn cũng vậy.

Ngày 12 tháng 5: LÒNG TỐT LUÔN LÀ CÁCH PHẢN HỒI ĐÚNG ĐẮN

“Lòng tốt là bất khả chiến bại, nhưng chỉ khi nó xuất phát từ sự chân thành chứ không phải từ đạo đức giả hay thái độ bịa đặt. Điều gì mà một kẻ độc ác nhất có thể làm nếu ngươi tiếp tục thể hiện lòng tốt, và nếu được cho cơ hội, ngươi chỉ ra một cách nhẹ nhàng họ đã sai ở đâu — khi họ đang cố làm hại mình?”
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.18.5.9a

Điều gì sẽ xảy ra nếu lần tới bạn bị đối xử tệ bạc, bạn không chỉ kiểm soát bản thân để không đánh trả — điều gì sẽ xảy ra nếu bạn phản hồi với lòng tốt tuyệt đối? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể ”yêu kẻ thù của bạn, làm điều tốt cho những người ghét bạn”? Những loại hiệu ứng nào bạn nghĩ sẽ xảy ra?
Kinh Thánh có nói nếu bạn có thể làm điều tốt và quan tâm đến kẻ thù của bạn, đó như là ”chất đầy những than lửa hồng trên đầu hắn vậy” (khiến ai đó phải hối hận về sự vô tình của họ — ND). Phản ứng mong đợi đối với thù hận là hận thù nhiều hơn. Khi ai đó nói điều gì đó xấu xa hôm nay, họ mong đợi bạn hãy đáp trả bằng sự xấu xa đúng như thế — không phải bằng lòng tốt. Khi điều đó không xảy ra, họ cảm thấy xấu hổ. Nó là cú sốc đối với họ — và nó giúp họ cũng như bạn trở nên tốt hơn.
Phần lớn những điều thô lỗ, xấu xa, độc ác là mặt nạ cho điểm yếu sâu thẳm bên trong. Lòng tốt trong những trường hợp như vậy thì chỉ có thể xuất phát từ những người có sức mạnh tuyệt vời. Bạn có sức mạnh đó. Hãy sử dụng nó.

Ngày 13 tháng 5: TIẾP THÊM NHIÊN LIỆU VÀO NGỌN LỬA

“Mọi thói quen và khả năng được củng cố và phát triển trong các hành động tương ứng, qua từng bước đi, từng bước chạy . . . do đó, nếu ngươi muốn làm điều gì đó thì hãy tạo thói quen cho nó, nếu ngươi không muốn làm điều đó thì đừng làm, nhưng hãy tạo thói quen cho những việc khác. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho trạng thái tâm trí của chúng ta. Vậy nên khi ngươi tức giận, ngươi không chỉ trải nghiệm sự xấu xa đó, mà ngươi còn khơi dậy nên thói quen xấu, đổ thêm dầu vào lửa.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.18.1–5

Chúng ta là chính những gì mà chúng ta làm lặp đi lặp lại, vì vậy Aristotle nói, “Do vậy, sự xuất chúng không phải là một hành động mà là một thói quen. Những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ đã bổ sung thêm cho ý kiến đó rằng chúng ta là một sản phẩm từ những suy nghĩ của chúng ta (“Thói quen suy nghĩ của ngươi như thế nào, thì nó cũng sẽ trở thành bản tính của tâm trí ngươi”, Marcus Aurelius đã nói vậy).
Hãy suy nghĩ về những hoạt động của bạn trong tuần trước cũng như những gì bạn đã lên kế hoạch cho ngày hôm nay và tuần tiếp theo. Người mà bạn thích được trở thành, hoặc người mà bạn thấy mình giống như vậy — làm thế nào hành động chặt chẽ của bạn thực sự tương ứng với anh ấy hoặc cô ấy? Bạn đang tiếp thêm nhiên liệu cho ngọn lửa nào trong mình? Bạn đang trở thành mẫu người nào?

Ngày 14 tháng 5: HẠNH PHÚC NẰM TRONG HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA

“Những người bị ám ảnh bởi danh vọng sẽ gắn liền hạnh phúc của họ với sự để ý của người khác, những người yêu thích thú vui gắn liền nó với cảm xúc, nhưng những người có hiểu biết thực sự chỉ tìm hạnh phúc trong những hành động của chính họ… Hãy nghĩ về tính cách của những người mà họ mong muốn được làm vừa lòng, những gì mà người ta muốn đạt được, và chiến thuật mà người ta sử dụng cho mục đích đó. Thời gian có thể xóa đi những thứ đó một cách nhanh chóng, và có biết bao nhiêu trong số đó sẽ bị xóa sổ.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATION, 6:51, 59

Nếu hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào việc hoàn thành những mục tiêu nhất định, điều gì xảy ra nếu số phận can thiệp? Nếu bạn bị người ta hắt hủi thì sao? Nếu sự kiện bên ngoài làm gián đoạn? Nếu bạn đạt được mọi thứ nhưng thấy rằng không ai bị ấn tượng bởi điều đó? Đây chính là vấn đề với việc để cho hạnh phúc của bạn bị quyết định bởi những điều bạn không thể kiểm soát. Đó là một rủi ro thật điên rồ.
Nếu một nghệ sĩ tập trung vào sự đón nhận của công chúng đối với một dự án — cho dù các nhà phê bình thích nó hay liệu đó có phải là một bản hit hay không, họ sẽ liên tục thất vọng và tổn thương. Nhưng nếu họ yêu thích màn trình diễn của họ — và dốc hết lòng mình cho nó — họ sẽ luôn cảm thấy hài lòng trong công việc. Giống như họ, chúng ta nên lấy niềm vui từ hành động của mình — trong việc thực hiện những hành động đúng đắn — hơn là kết quả đến từ chúng.
Tham vọng của chúng ta không phải là để giành chiến thắng trong cuộc chơi, mà là chơi bằng tất cả sự nỗ lực của chúng ta. Mục đích của chúng ta không phải là để được cảm ơn hay công nhận, mà là giúp đỡ và làm những gì chúng ta cho là đúng. Sự tập trung của chúng ta không nên để vào điều gì xảy ra với chúng ta mà nên để vào cách chúng ta phản ứng với điều đó như thế nào. Bằng cách này, chúng ta sẽ luôn tìm thấy sự mãn nguyện và sức bật tinh thần.

Ngày 15 tháng 5: ĐẾM NHỮNG PHƯỚC LÀNH CỦA BẠN

“Đừng đặt tâm trí của ngươi vào những thứ mà ngươi không thể sở hữu như thể chúng là của mình, nhưng hãy đếm những phước lành mà ngươi thực sự sở hữu và nghĩ rằng ngươi sẽ mong muốn chúng đến mức nào nếu chúng không còn thuộc về mình. Nhưng hãy tự nhìn lại bản thân, rằng ngươi không trân trọng những điều này cho đến mức ngươi sẽ thấy phiền lòng nếu nhỡ để mất chúng.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.27

Chúng ta thường xuyên thèm muốn những gì người khác có. Chúng ta tuyệt vọng cố gắng theo kịp *“nhà người ta”, trong khi những người đó đang khổ sở cố gắng theo kịp chúng ta.
Sẽ thật nực cười nếu điều đó không đáng buồn. Vì vậy, ngày hôm nay, hãy ngừng nỗ lực để có được những gì người khác có. Chống lại sự thôi thúc thu thập và tích trữ trong bạn. Đó không phải là cách sống và hành động đúng đắn.
Hãy trân trọng và tận dụng những gì bạn đã có, và để thái độ đó dẫn dắt hành động của bạn.

*Nguyên tác: ‘Keep up with the Joneses’ là cụm từ của Mỹ rất phổ biến từ thế kỷ 20 phát sinh từ chuỗi truyện tranh cùng tên của tác giả Arthur R. (Pop) Momand do Associated Newspapers phát hành đăng suốt 26 năm liền kể từ năm 1913 trên các nhật báo Mỹ trước khi được chuyển thành sách, ca kịch hài và phim. Cụm từ nhằm vào ý nghĩa chê cười người tự ti mặc cảm về kinh tế xã hội hay văn hoá vật chất của mình và luôn tìm cách so sánh với hàng xóm để cố tranh đua sao cho bằng họ về mặt địa vị xã hội hoặc tài sản.

Ngày 16 tháng 5: PHƯƠNG PHÁP CHUỖI

“Nếu ngươi không muốn làm người nóng nảy, đừng nuôi dưỡng thói quen đó. Hãy thử bước đầu tiên là giữ bình tĩnh và hãy đếm số ngày mà mình chưa nổi nóng. Ta đã từng tức giận mỗi ngày, còn bây giờ là cách ngày ta mới nổi cơn giận, sau đó giãn ra thành ba hay bốn ngày… nếu ngươi nhịn được cơn giận đến ngày thứ 30, tạ ơn Chúa! Vì thói quen là thứ dễ bị xói mòn và xóa bỏ nhất. Khi ngươi có khả năng nói ‘ta không mất bình tĩnh ngày hôm nay, hoặc ngày hôm sau, hoặc trong ba hay bốn tháng, và vẫn giữ được sự bình tĩnh dù bị khiêu khích,’ ngươi sẽ nhận ra sức khỏe mình được cải thiện.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.18.11b–14

Có một lần diễn viên hài Jerry Seinfeld đưa cho một chàng trai trẻ viết truyện tranh tên Brad Isaac một số lời khuyên về cách viết và tạo chất liệu (trong truyện). Lấy cuốn lịch ra, ông nói với anh ấy, ngày nào anh viết truyện cười thì đánh một dấu X. Sớm muộn thì anh sẽ có một chuỗi hoạt động — và sau đó việc của anh đơn giản là không phá vỡ chuỗi hoạt động đó. Thành công chỉ còn là vấn đề động lực. Khi bạn làm được một chút, thật dễ dàng để tiếp tục.
Trong khi Seinfeld sử dụng phương pháp chuỗi xây dựng một thói quen tích cực, Epictetus nói rằng nó cũng được sử dụng để loại bỏ thói quen tiêu cực. Không gì khác biệt hơn việc tiết chế “một ngày một lần.” Bắt đầu một ngày làm bất cứ việc gì, hãy chỉnh đốn cơn nóng nảy, đôi mắt lơ đễnh hoặc sự trì hoãn. Sau đó thực hiện tương tự ở các ngày kế tiếp sau cùng. Thiết lập một chuỗi và không được phá vỡ nó. Đừng phá streak của bạn (streak: chuỗi ngày liên tục bạn đạt được mục tiêu đề ra).

Ngày 17 tháng 5: CON NGƯỜI KHẮC KỶ LÀ MỘT CÔNG TRÌNH ĐANG HOÀN THIỆN

“Chỉ ra cho ta một người bị bệnh mà hạnh phúc, người trong cơn nguy kịch mà hạnh phúc, người sắp lìa đời mà hạnh phúc, người bị lưu đày mà hạnh phúc, người bị ruồng bỏ mà hạnh phúc. Hãy chỉ cho ta! Chúa biết ta mong mỏi được gặp một người khắc kỷ chuẩn mực nhiều thế nào. Nhưng vì ngươi không thể chỉ ta một người hoàn hảo như vậy, ít nhất hãy chỉ cho ta thấy một người đang chủ động trở thành như thế. Hãy chỉ cho ta thấy!”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.19.24—25a, 28

Thay vì xem triết học là kết quả cuối cùng cho những ai mong mỏi nó, hãy xem nó là một thứ có thể vận dụng. Không phải ngẫu nhiên, qua bài học cuộc sống – bạn đang tiến bộ dần trên hành trình của mình. Thực hành liên tục, đừng chỉ lấy kiến thức rồi bỏ không.
Epictetus muốn thức tỉnh học trò của ông bằng cách thoát khỏi lòng tự mãn đi cùng với sự tiến bộ của họ. Ông muốn nhắc nhở họ — và bây giờ là bạn — rằng cần làm việc liên tục và rèn luyện nghiêm chỉnh hằng ngày nếu bạn muốn trở thành phiên bản hoàn hảo ấy.
Quan trọng là chúng ta phải ghi nhớ điều này trong hành trình phát triển bản thân: điều này không bao giờ xảy ra. Nhà Hiền triết — người khắc kỷ hoàn hảo, là người cư xử hoàn mỹ trong mọi tình huống — đó chỉ là một lý tưởng, không phải là kết quả cuối cùng.

Ngày 18 tháng 5: CÁCH BẠN LÀM MỘT VIỆC CŨNG LÀ CÁCH BẠN LÀM MỌI CHUYỆN

“Chú ý vào những điều ở trước mắt — nguyên tắc, nhiệm vụ, hay những gì được khắc họa.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.22

Nghĩ về tương lai thật thích. Trầm tư về quá khứ thật dễ dàng. Tập trung vào những việc trước mắt bạn ngay lúc này thì lại khó khăn hơn — đặc biệt nếu đấy là chuyện bạn không muốn làm. Bạn nghĩ: Đây chỉ là một công việc thôi; nó không nói lên tôi là ai. Không thành vấn đề. Nhưng nó là vấn đề đấy. Ai biết được — đó có thể là công việc cuối cùng bạn từng làm. Nằm xuống đây là Dave, người bị chôn sống dưới một núi công việc chưa xong.
Có một câu nói cũ: “Cách bạn làm một việc cũng là cách mà bạn làm mọi chuyện.” Đó là sự thật. Cách bạn xử lý ngày hôm nay sẽ là cách bạn quán xuyến mỗi ngày. Cách bạn sử dụng giây phút này sẽ là cách bạn sử dụng mọi phút giây.

Ngày 19 tháng 5: HỌC HỎI, THỰC HÀNH, HUẤN LUYỆN

“Đó là lý do tại sao các triết gia cảnh báo chúng ta không được hài lòng với việc học đơn thuần, mà phải đi kèm thực hành và sau đó là huấn luyện. Vì thời gian trôi qua, chúng ta quên đi những gì chúng ta đã học và cuối cùng làm ngược lại, và giữ ý kiến trái ngược với những gì chúng ta nên có.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.9.13–14

Rất ít người có thể chỉ cần xem một video hướng dẫn hoặc nghe một cái gì đó được giải thích và sau đó biết rõ làm thế nào để làm điều đó. Hầu hết chúng ta phải làm một vài lần để thực sự nắm được. Một trong những đặc điểm nổi bật của võ thuật, huấn luyện quân sự và huấn luyện thể thao là hàng giờ thực hành đơn điệu. Một vận động viên ở cấp độ cao nhất sẽ luyện tập trong nhiều năm để thực hiện các động tác có thể kéo dài chỉ vài giây — hoặc ít hơn. Cuộc thao diễn dài hai phút, làm thế nào để thoát khỏi một kẻ siết cổ, một người “nhảy dù”* hoàn hảo. Chỉ biết thôi là chưa đủ. Nó phải ngấm vào từng thớ thịt trong cơ thể bạn. Nó phải trở thành một phần của chúng ta. Hoặc ta có nguy cơ đánh mất nó ngay giây phút ta gặp căng thẳng hoặc khó khăn.
Điều đó cũng đúng với các nguyên tắc triết học. Bạn không thể chỉ cần nghe một cái gì đó một lần và mong đợi dựa vào nó khi thế giới sụp đổ xung quanh chúng ta. Hãy nhớ rằng, Marcus Aurelius đã không viết những suy nghĩ khi thiền định cho người khác. Ông ấy đã chủ động thiền định cho mình. Ngay cả khi là một người đàn ông thành đạt, khôn ngoan và có kinh nghiệm, đến những ngày cuối đời ông ấy đã luôn thực hành và rèn luyện bản thân để làm điều đúng đắn. Giống như một võ sĩ đai đen, anh ấy vẫn xuất hiện trên võ đường mỗi ngày để tập lăn; giống như một vận động viên chuyên nghiệp, anh ấy vẫn xuất hiện để luyện tập mỗi tuần, mặc dù những người khác có thể nghĩ rằng điều đó là không cần thiết.

*The perfect jumper: kẻ bắt cóc lính từ trên cao, sau khi bị bắt không thể về điểm tập kết. Tình huống bị kẻ địch tấn công từ trên cao. — ND

Ngày 20 tháng 5: CHẤT LƯỢNG HƠN SỐ LƯỢNG

“Mục đích của việc có vô số sách và thư viện, thậm chí cả những tựa sách chưa từng động đến trong suốt cuộc đời là gì? Người học không được chỉ dạy, mà thay vào đó bị gánh nặng của số lượng đè lên vai; tốt hơn là hãy học từ số ít tác giả thay vì bị phân tán bởi quá nhiều người.”
— SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 9.4

Không hề có giải thưởng cho việc đọc nhiều sách nhất trước khi chết. Ngay cả khi bạn là người đọc tận tâm nhất trên thế giới, thậm chí — một cuốn sách mỗi ngày, thì — ngay cả bộ sưu tập của bạn cũng sẽ có lẽ không bao giờ lớn hơn một chi nhánh thư viện nhỏ. Bạn thậm chí không bao giờ tiến gần đến việc có đủ những gì được lưu trữ trên máy chủ Google Books hoặc theo kịp hàng trăm ngàn đầu sách mới được xuất bản trên Amazon mỗi năm.
Điều gì sẽ xảy ra nếu, khi bạn đọc và học, bạn ưu tiên chất lượng hơn số lượng? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đọc một vài cuốn sách tuyệt vời sâu sắc thay vì lướt qua tất cả những cuốn sách mới? Kệ sách của bạn có thể ít hơn, nhưng bộ não và cuộc sống của bạn sẽ đầy đủ hơn

Ngày 21 tháng 5: BẠN LÀ TAY ĐẤM NHƯ THẾ NÀO?

“Nhưng triết học là gì? Không phải nó chỉ đơn giản là chuẩn bị cho những gì có thể xảy đến? Ngươi có hiểu rằng nó thực sự giống việc nói rằng nếu ta chuẩn bị tinh thần để chịu đựng thì hãy để bất cứ điều gì xảy ra theo cách nó muốn? Nếu không, nó sẽ giống như võ sĩ thoát khỏi võ đài vì anh ta bị ăn vài cú. Trên thực tế, ngươi có thể rời khỏi sàn đấu quyền anh mà không có hậu quả, nhưng lợi lộc gì sẽ đến từ việc từ bỏ theo đuổi sự thông thái? Vậy nên, mỗi chúng ta nên nói gì với mọi thử thách mà chúng ta phải đối mặt? ‘Đây là điều ta đã luôn được huấn luyện, vì đây là quy tắc của ta.’”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.10.6–7

Những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ yêu thích việc sử dụng phép ẩn dụ đấm bốc và đấu vật giống như cách chúng ta dùng cho bóng chày và bóng đá ngày nay. Điều này có lẽ là do các môn thể thao của lối pankration, theo nghĩa đen: “toàn dùng sức”, nhưng là một hình thức võ thuật hỗn hợp thuần túy hơn người ta thấy ngày nay ở UFC đã là thứ không thể thiếu trong thời thơ ấu và trưởng thành của những người Hy Lạp và La Mã. (Trên thực tế, phân tích gần đây đã tìm thấy các bằng chứng về “tai súp lơ”, một vết thương vật lộn thông thường, trên các bức tượng Hy Lạp.) Những người theo đuổi theo Chủ nghĩa Khắc kỷ đề cập đến các cuộc chiến vì nó là những gì họ quen thuộc.
Seneca viết rằng người có sự thành công mà không có vết trầy xước thì thật yếu đuối và dễ bị đánh gục trên võ đài, nhưng “một người luôn đương đầu với những bất hạnh có được một làn da chai lỳ với khổ đau. Người này, như ông nói, chiến đấu một mất một còn và không bao giờ bỏ cuộc.
Đó cũng là những gì Epictetus nói đến. Bạn là loại võ sĩ nào nếu bạn rời đi vì bạn bị đánh? Đó là bản chất của thể thao! Điều đó sẽ ngăn bạn tiếp tục hay không?

*pankration: dạng thi đấu tại đấu trường

Ngày 22 tháng 5: HÔM NAY CHÍNH LÀ NGÀY ĐÓ

“Ngươi đạt được những gì ngươi xứng đáng. Thay vì ngươi chọn trở thành người tốt hôm nay, thì ngươi lại chọn trở thành một người tốt ngày mai.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.22

“Ta không phàn nàn về việc không có thời gian… Dù chỉ có ít thời gian vẫn đủ để ta tiến xa. Hôm nay — chính ngày hôm nay — ta sẽ đạt được những điều mà không cần phải để dành ngày mai. Ta sẽ bao vây các vị thần và làm rung chuyển thế giới.”
— SENECA, MEDEA, 423–425

Chúng ta hầu như luôn biết điều gì là đúng. Chúng ta biết rằng không nên buồn bã, không nên để bụng những gì người khác nói, rằng hôm nay chúng ta nên đi đến cửa hàng đồ ăn tốt cho sức khỏe thay vì để hôm khác, chúng ta cần phải ngồi xuống và tập trung trong một giờ. Phần khó khăn nhất là quyết định làm điều đó vào lúc nào.
Điều gì ngăn cản chúng ta? Tác giả Steven Pressfield gọi điều này là “Sự Kháng Cự”. Trích trong tác phẩm The War of Art (Cuộc đấu tranh của Nghệ thuật — ND): “Chúng ta không nói với bản thân mình rằng ‘Tôi không bao giờ viết bản giao hưởng của mình’. Thay vào đó, chúng ta nói: ‘Tôi sẽ viết bản giao hưởng của mình; Nhưng tôi sẽ bắt đầu vào ngày mai'”.
Hôm nay, không phải ngày mai, là ngày mà bạn có thể bắt đầu trở nên tốt hơn.

Ngày 23 tháng 5: HÃY CHỈ CHO TÔI CÁCH SỐNG

“Hãy cho ta thấy rằng cuộc sống tốt đẹp không nằm trong việc sống lâu đến đâu, mà trong việc tận dụng nó như thế nào, và một người hoàn toàn có thể, thậm chí đó còn là chuyện rất bình thường, có tuổi thọ cao nhưng thời gian thực sự sống thì quá ít.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 49.10b

Không cần thiết phải chỉ cho Seneca thấy, hãy tự chỉ cho bạn thấy rằng, không quan trọng bạn sống được bao lâu, điều quan trọng là cuộc sống của bạn được nhắc đến như một cuộc đời trọn vẹn. Chúng ta đều biết vài người như vậy — những người mặc dù mất sớm nhưng khi chúng ngồi nghĩ lại: “Nếu mình có để làm được 1 nửa như họ, thì cũng có thể xem là có 1 cuộc sống trọn vẹn”.
Cách tốt nhất để làm được như vậy là hãy tập trung những điều đang xảy ra, những việc bạn đang có trong tay — dù to hay nhỏ. Như ông ấy nói, bằng cách dùng hết sức mình và có chủ ý vào hiện tại, “nó sẽ khiến cái dốc thẳng đứng của dòng thời gian cũng trở nên thoải hơn.”

Ngày 24 tháng 5: TỰ TẠO NÊN VẬN MAY CỦA MÌNH

“Như ngươi hay nói, may mắn có thể được tìm thấy ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Nhưng những người may mắn là những người tự trao cho họ vận may. Họ là người cò tâm hồn bình lặng, động lực tốt đẹp và hành động đúng đắn.”
—MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.36

Định nghĩa về may mắn là gì? May mắn là dựa hoàn toàn vào những yếu tố ngẫu nhiên ngoài tầm kiểm soát; hay là xác suất may mắn sẽ cao hơn (không hoàn toàn đúng) nhờ vào những quyết định đúng đắn và sự chuẩn bị kĩ lưỡng? Tất nhiên là vế sau. Đây là lý do tại sao những người thành công thường có yếu tố may mắn bí ẩn nào đó.
Theo trang web tuyệt vời Quote Investigator, ý tưởng này bắt đầu thế kỷ thứ mười sáu trong câu tục ngữ “Siêng năng là mẹ của may mắn”. Vào những năm 1920, Coleman Cox đã tạo một hiện tượng với câu nói “Tôi là một người rất tin vào may mắn. Càng làm việc chăm chỉ, thì có vẻ như tôi càng có nhiều may mắn”. (Câu nói đó đã từng bị hiểu lầm là do Thomas Jefferson nói.) Hôm nay, chúng ta nói “May mắn là nơi nỗ lực gặp cơ hội”. Hay là ngược lại nhỉ?
Hôm nay, một là bạn hy vọng sẽ có phép màu nào đem vận may và may mắn sẽ đến với bạn. Hoặc là bạn có thể chuẩn bị tinh thần để gặp may mắn bằng cách tập trung làm đúng việc vào đúng thời điểm, và trớ trêu thay, tìm kiếm may mắn hầu như không cần thiết trong quá trình này.

Ngày 25 tháng 5: MỘT NƠI ĐỂ TÌM THẤY NIỀM VUI

“Niềm vui của con người nằm trong những việc làm đúng đắn của họ. Và những việc đó là: làm những việc xuất phát từ lòng tốt với những người khác, không bị các giác quan làm rối loạn, xác nhận được những ấn tượng đáng tin cậy, và suy ngẫm về trật tự của tự nhiên cũng như tất cả những điều xảy ra mà phù hợp với nó.”
—MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.26

Khi người huấn luyện chó bắt đầu tiếp cận với một con chó có tật xấu hoặc một con chó đang không tỏ ra vui vẻ, họ thường hỏi câu hỏi là: “Bạn có hay dắt nó đi dạo không?”. Họ hỏi thế vì chó được nhân giống để thực hiện một số nhiệm vụ nhất định — để làm việc — và khi bị tước đi phần thiết yếu này từ bản chất của chúng, chúng sẽ đau khổ và phản ứng lại. Điều này luôn đúng bất kể chúng có nghịch ngợm hay ngoan ngoãn thế nào.
Điều này cũng đúng với con người. Khi bạn nghe thấy các nhà Khắc kỷ gạt đi những cảm xúc nhất định hoặc những vật chất xa xỉ, không phải vì họ không thích chúng. Không phải vì cuộc sống khắc kỷ là cuộc sống bị tước đi hạnh phúc hay niềm vui. Các nhà Khắc kỷ chỉ đơn giản là giúp chúng ta tìm thấy bản chất của mình – đó là trải nghiệm niềm vui của từ những việc làm đúng đắn.

Ngày 26 tháng 5: NGỪNG VIỆC BẬN TÂM NGƯỜI KHÁC NGHĨ GÌ

“Ta không ngừng ngạc nhiên với sự thật là chúng ta có thể dễ dàng yêu bản thân hơn tất thảy những người khác, nhưng lại quan tâm đến ý kiến của người khác hơn là những nhận định của ta về bản thân . . . Chúng ta thừa tin tưởng ý kiến của người xung quanh về chúng ta, nhưng lại thiếu tin tưởng quan điểm của chính mình!”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 12.4

Ta có thể rất nhanh chóng xem nhẹ cảm giác của mình về điều gì đó và chấp nhận cảm xúc của người khác. Bạn nghĩ chiếc áo này đẹp với bạn nhưng lại trở nên xấu hổ và khinh bỉ khi mà người bạn đời của bạn hay đồng nghiệp đưa ra những nhận xét trái chiều. Bạn có thể vô cùng hạnh phúc với cuộc sống riêng của bạn – cho đến khi bạn phát hiện ra rằng một ai đó bạn không thích còn có nhiều thứ hay ho hơn mình. Hoặc tệ hơn nữa là bạn không thấy tự tin về tài năng của bạn cho đến khi được một người nào đó xác nhận như vậy.
Giống như hầu hết các bài thực hành Khắc kỷ, bài tập này dạy bạn rằng mặc dù bạn kiểm soát ý kiến riêng của mình, nhưng mà bạn lại không tài nào kiểm soát suy nghĩ của người khác – nhất là những suy nghĩ của họ về bạn. Vì thế, đặt mình vào vị thế phụ thuộc vào những ý kiến này và cố gắng đạt được sự chấp thuận của những người khác là một nỗ lực vô cùng nguy hiểm.
Đừng phí phạm quá nhiều thời gian về việc người khác nghĩ gì về mình. Nghĩ về những gì bạn suy nghĩ. Hãy suy nghĩ về kết quả, về động lực, về việc đó có phải là điều đúng đắn để làm hay không.

Ngày 27 tháng 5: ĐỔ MỒ HÔI VÌ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT

“Hạnh phúc được tạo ra từ những điều nhỏ nhặt, nhưng bản thân nó lại không nhỏ nhặt chút nào.”
— ZENO, QUOTED IN DIOGENES LAERTIUS, LIVES OF THE EMINENT PHILOSOPHERS, 7.1.26

Nhà viết sử nổi tiếng Diogenes Laertius đã nói rằng lời trích dẫn này của Zeno nhưng cũng thừa nhận là lời trích này cũng có thể được Socrates nói ra, có nghĩa là nó được trích từ một lời trích của một lời trích. Nhưng mà việc này có quan trọng đến vậy không (kiểm tra xem lời trích dẫn là của ai — ND)? Sự thật vẫn là sự thật.
Trong trường hợp này, sự thật là điều chúng ta biết rõ nhất: tích tiểu thành đại. Một người tự cho rằng mình là người tốt không phải bởi vì họ tự nói mình là như vậy, mà còn là vì người đó làm những hành động đứng đắn. Một người không thể nào bằng cái phép màu nào đó mà đùng cái chỉnh đốn lại hành vi của mình — nó phải xuất phát từ một loạt các lựa chọn riêng biệt. Như thức dậy đúng giờ, dọn dẹp giường chiếu, bỏ qua những “con đường tắt”, đầu tư cho bản thân, làm công việc của mình. Và thực hiện những việc đó mà không mắc một lỗi lầm nào: những việc đơn lẻ này thì rất nhỏ nhặt nhưng tác động của tất cả những việc đơn lẻ này khi cộng dồn lại thì không hề nhỏ bé.
Hãy tự nghĩ rằng tất cả những lựa chọn nho nhỏ đó sẽ xuất hiện trước mặt bạn mỗi ngày. Bạn có biết cách nào là đúng hay cách nào là đơn giản không? Hãy chọn con đường đúng, và xem tất cả những điều nhỏ bé đó sẽ khiến bạn chuyển biến mạnh mẽ thế nào.

Ngày 28 tháng 5: HAI ĐIỀU ĐẦU TIÊN TRƯỚC KHI HÀNH ĐỘNG

“Điều đầu tiên cần làm – đừng bị kích động. Tất cả mọi thứ xảy ra theo bản chất của chúng, và rồi ngươi cũng sẽ trở thành không ai cả và không ở nơi nào hết, cũng giống như những Hoàng đế vĩ đại Hadrian và Augustus ở thời điểm hiện tại. Điều tiếp theo cần làm – xem xét một cách cẩn thận nhiệm vụ của mình xem nó là gì, đồng thời nhớ rằng mục đích của ngươi là trở thành một người tốt. Hiểu rõ để làm đúng với bản chất của mình, và hãy lên tiếng khi ngươi cảm thấy thích đáng và phù hợp – lên tiếng với sự tốt bụng, khiêm tốn và chân thành.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.5

Hãy tưởng tượng, trong một giây, cuộc sống của Marcus khi là một hoàng đế phải như thế nào. Ông sẽ chủ trì Thượng viện. Ông sẽ lãnh đạo quân đội trong trận chiến, chỉ đạo chiến lược lớn của quân đội với tư cách là chỉ huy cao nhất. Ông cũng sẽ nghe những yêu cầu khẩn khoản từ công dân, luật sư, chính phủ nước ngoài. Nói cách khác, giống như hầu hết những người nắm quyền lực, ông được kêu gọi để đưa ra rất nhiều quyết định: suốt cả ngày, hết ngày này qua ngày khác.
Phương pháp cho việc đưa ra quyết định của ông là phương pháp thiện chiến: thực hiện và hành động đúng đắn – theo nghĩa đen. Đó là lý do tại sao chúng ta nên tự mình cố gắng sử dụng nó.
Đầu tiên, đừng buồn phiền, tức giận — bởi vì điều đó sẽ nhuốm màu tiêu cực cho quyết định của bạn và làm cho nó trở nên khó khăn hơn.
Thứ hai, hãy nhớ đến mục đích và nguyên tắc bạn coi trọng nhất. Việc sử dụng bộ lọc này trước khi hành động sẽ loại bỏ các lựa chọn xấu và làm nổi bật các lựa chọn đúng.
Đừng buồn phiền, giận dữ.
Làm điều đúng đắn.
Chỉ thế thôi!

Ngày 29 tháng 5: LÀM VIỆC LÀ LIỆU PHÁP

“Làm việc nuôi dưỡng những tâm trí cao quý.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 31.5

Bạn đã trải qua cảm giác khi bạn không đến phòng tập thể dục trong vài ngày chưa? Cơ bắp nhão đi, da dẻ nhợt nhạt, dễ cáu bẳn, cảm giác sợ hãi, tù túng, bấp bênh. Những người khác cũng có cảm giác tương tự khi kỳ nghỉ kéo dài quá lâu hoặc ngay sau khi họ nghỉ hưu. Tâm trí và cơ thể ở đó để được sử dụng, chúng bắt đầu báo hiệu khi không được làm việc năng suất.
Thật đáng buồn khi sự thất vọng này là một thực tế hàng ngày đối với nhiều người. Họ để lại quá nhiều tiềm năng chưa được sử dụng hết bởi vì công việc của họ quá nhàn hạ hoặc vì họ có quá nhiều thời gian trống. Tồi tệ hơn là khi chúng ta cố gắng đẩy những cảm xúc này đi bằng cách mua sắm, đi ra ngoài giải trí, gây xung đột, tạo phốt — nuông chiều bản thân trong những điều vô bổ thay vì tìm kiếm sự nuôi dưỡng thực sự.
Giải pháp rất đơn giản và, rất may là, luôn luôn trong tầm tay. Hãy đi ra ngoài và bắt tay vào làm việc.

Ngày 30 tháng 5: LÀM VIỆC CHĂM CHỈ HAY KHÔNG LÀM TÍ GÌ?

“Ta không thể đánh giá một người là làm việc siêng năng chỉ vì ta thấy họ đọc và viết, hay làm việc cả đêm. Ta không thể cho rằng họ chăm chỉ, cho đến khi ta biết người đó đang làm việc vì mục đích gì. Ta có thể [gọi họ là người chăm chỉ] nếu họ làm việc vì mục đích cuối cùng là nguyên tắc cốt lõi của riêng họ và dĩ nhiên điều đạt được phải luôn thuận với Tự nhiên.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.4.41; 43

Người bận rộn nhất mà bạn biết có thực sự là người làm việc hiệu quả nhất không? Chúng ta thường hay gắn liền sự bận rộn với lòng tốt và cho rằng người dành nhiều thời gian cho công việc nên được khen thưởng.
Thay vào đó, hãy đánh giá những gì bạn đang làm, tại sao bạn làm nó và khi hoàn thành việc đó sẽ đưa bạn đến đâu. Nếu câu trả lời chẳng hay ho gì, dừng lại thôi!

Ngày 31 tháng 5: CHÚNG TA CHỈ CÓ MỘT BỔN PHẬN

“Sứ mệnh của ngươi là gì? Trở thành một người tốt.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.5

Những nhà Khắc kỷ tin rằng, trên hết, công việc của chúng ta trên trái đất này là trở thành người tốt. Đó là một nhiệm vụ cơ bản, nhưng chúng ta là những người chuyên viện lý do để tránh né điều đó.
Tôi sẽ trích dẫn lại câu nói của Belichick: “Hãy làm công việc của bạn.”


Danh Sách Các Tháng Khác

Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết