Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "THE DAILY STOIC" TIẾNG VIỆT BẢN MỚI 2022
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ - TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỂ GẶT HÁI SỨC BẬT TINH THẦN, TỰ TIN VÀ ĐIỀM TĨNH"
Nội dung bài viết
Toggle
SÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 4
Ngày 1 tháng 4: SẮC MÀU CỦA Ý NGHĨ
“Tâm trí của ngươi sẽ mang hình dạng của những gì ngươi hay suy nghĩ, vì linh hồn con người được tô màu bởi những ấn tượng như vậy.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.16
Nếu bạn uốn cong cơ thể vào tư thế ngồi mỗi ngày trong một khoảng thời gian đủ lâu, độ cong của cột sống sẽ thay đổi. Một bác sĩ có thể cho biết từ X quang (hoặc khám nghiệm tử thi) khi ai đó có công việc ngồi bàn giấy suốt ngày. Nếu bạn nhét bàn chân vào đôi giày nhỏ xíu mỗi ngày, đôi chân của bạn cũng bắt đầu có hình dạng đó.
Điều này cũng đúng với tâm trí của bạn. Nếu bạn mãi giữ một viễn cảnh tiêu cực, chẳng mấy chốc mọi thứ bạn gặp sẽ mang sắc màu tương tự. Suy nghĩ hạn hẹn sẽ làm bạn trở nên thiển cận. Tô màu nó với những suy nghĩ sai lầm và cuộc sống của bạn sẽ có màu sắc giống như thế.
Ngày 2 tháng 4: CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG GÌ BẠN CHO VÀO TÂM TRÍ
“Sự việc đầy kịch tính, sự tranh đấu, sự kinh hãi, tê liệt và khúm núm — mỗi ngày những điều này xóa sạch các nguyên tắc thiêng liêng của ngươi, bất cứ khi nào tâm trí của ngươi nhìn nhận chúng một cách nửa vời hoặc để chúng lẻn vào.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 10.9
Thật khó khăn biết bao để làm điều đúng đắn khi bạn bị bao vây bởi những kẻ kém học thức. Phải làm thế nào để trở nên tích cực và đồng cảm trong bầu không khí tiêu cực của truyền hình? Thật khó khăn biết mấy để tập trung vào các vấn đề của riêng bạn khi bạn bị phân tâm với những vụ ồn ào và xung đột của những người khác?
Bạn không tránh khỏi việc sẽ phải tiếp xúc với những ảnh hưởng này vào một lúc nào đó, bất kể bạn cố gắng tránh chúng đến đâu đi chăng nữa. Nhưng khi đó, không có gì nói rằng bạn phải cho phép những ảnh hưởng đó xâm nhập vào tâm trí của bạn. Bạn có khả năng phòng bị và quyết định những gì bạn cho phép đi vào tâm trí mình. Những vị khách không mời có thể đến nhà bạn, nhưng bạn không cần phải yêu cầu họ ở lại ăn tối. Bạn không cần phải để chúng vào tâm trí của bạn.
Ngày 3 tháng 4: BỊ LỪA DỐI VÀ CHIA RẼ
“Hoàn cảnh luôn biết cách lừa phỉnh chúng ta, bản thân phải sáng suốt khi lỡ may gặp phải chúng. Chúng ta dâng mình cho điều ác trước cái thiện. Chúng ta mong muốn ngược lại với những gì chúng ta từng mong muốn. Những lời cầu nguyện của chúng ta đang có lại gây chiến với chính những lời cầu nguyện của chúng ta, những kế hoạch đối đầu với những kế hoạch.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 45.6
Một người phụ nữ nói rằng cô ấy muốn gặp một anh chàng tốt bụng và kết hôn với người ấy nhưng cô ta dành tất cả thời gian của mình xung quanh những gã trai hư. Một người đàn ông nói rằng anh ta ước mình có thể tìm được một công việc tuyệt vời, nhưng anh ta chẳng buồn bận tâm để bắt đầu việc tìm kiếm. Các giám đốc điều hành kinh doanh cố gắng theo đuổi hai chiến lược khác nhau cùng một lúc, họ gọi nó là ‘đi hai hàng’, và họ lại vô cùng sốc khi họ không thành công.
Tất cả những người này, cũng như chính bạn, bị lừa dối và chia rẽ. Một tay đang làm việc chống lại tay kia. Như Martin Luther King Jr. đã từng nói, “Một cuộc nội chiến đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta”, đó là một cuộc chiến trong mỗi cá nhân giữa những phần tốt đẹp của tâm hồn họ và phần còn lại không được tốt cho lắm.
Những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ nói rằng: chiến tranh thường là kết quả của những ham muốn mâu thuẫn của chúng ta, những phán đoán sai lầm hoặc những suy nghĩ thiên vị của chúng ta. Ta không dừng lại và hỏi: OK, tôi thực sự muốn gì? Tôi thực sự theo đuổi cái gì ở đây? Nếu ta làm như vậy, ta sẽ nhận thấy những mong muốn mâu thuẫn và không nhất quán mà ta có. Và sau đó chúng ta sẽ ngừng hành động chống lại chính bản thân mình.
Ngày 4 tháng 4: ĐỪNG ĐỂ NHỮNG THỨ NÀY CHUI VÀO ĐẦU BẠN
“Đừng biến mình thành “Hoàng đế”, tránh xa vết nhơ của sự chuyên quyền độc đoán. Ngơi có thể mắc phải nó bất cứ lúc nào, vì vậy hãy giữ cho bản thân được đơn giản, tốt đẹp, thuần khiết, thánh thiện, tôn trọng công lý, tôn kính các đấng bề trên, tử tế, giàu lòng yêu thương, và mạnh mẽ để hoàn thành những công việc của mình. Chiến đấu để duy trì con người mà triết học muốn ngươi trở thành. Tôn kính các vị thần và chăm sóc cho mọi người. Cuộc đời này ngắn lắm — vì vậy thành quả của cuộc đời ngươi đơn giản chỉ là một nhân cách tốt và những hành động hướng đến những lợi ích chung.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.30
Thật khó để biết được cuộc đời mà Marcus Aurelius đã trải qua như thế nào — ông không được sinh ra trong gia đình hoàng tộc, và cũng chẳng có ý định chiếm ngôi. Nó xảy đến với ông một khá cưỡng ép. Dù vậy, sự kiện này khiến ông trở thành người giàu nhất thế giới, dẫn dắt đạo quân hùng mạnh nhất thế giới, lãnh đạo đế chế lớn nhất trong lịch sử, và được coi như một vị thần giáng thế.
Cũng không khó hiểu khi ông viết những lời răn ngắn như trên để giữ bản thân mình ở trên mặt đất. Không có những lời răn này, hẳn có lẽ ông đã mất đi nhận thức về những thứ quan trọng — trở thành con mồi của những lời dối trá từ những kẻ muốn lợi dụng ông. Còn bạn, dù có đang làm việc gì, vẫn có thể đánh mất bản thân bất cứ lúc nào.
Khi bạn được trải nghiệm cảm giác của sự thành công, phải đảm bảo rằng thành công không làm bạn biến chất — rằng bạn phải duy trì được những phẩm chất của bản thân bất chấp những cám dỗ. Dù vận may có đến, lý trí vẫn luôn phải dẫn đường.
Ngày 5 tháng 4: TIN TƯỞNG NHƯNG PHẢI XÁC THỰC
“Đầu tiên, đừng để những ấn tượng ban đầu làm mờ mắt ngươi. Tự nhủ, ‘từ từ đã, để ta xem nhà ngươi là ai và đến từ đâu — để ta kiểm tra ngươi trước đã’…”
—EPICTETUS, DISCOURSES, 2.18.24
Một khả năng tuyệt vời của tâm trí bạn chính là nó có thể thấu hiểu và phân loại mọi thứ một cách nhanh chóng. Theo những gì mà Malcolm Gladwell viết trong Trong chớp mắt, chúng ta liên tục đưa ra những quyết định chớp nhoáng dựa trên kinh nghiệm và kiến thức lâu năm của bản thân, rồi cũng dùng đống kinh nghiệm đó để đưa ra các thiên kiến, định kiến, và giả thuyết. Rõ ràng là, kinh nghiệm và kiến thức trong trường hợp đầu là nguồn lực to lớn, nhưng trong trường hợp sau lại là một điểm yếu khổng lồ.
Bạn gần như chẳng mất gì khi dành ra vài giây để cân nhắc suy nghĩ của bản thân. Điều này có tệ không? Tôi thực sự biết được gì về người này? Tại sao tôi lại có những cảm xúc mãnh liệt như vậy? Liệu lo lắng như vậy có làm mọi chuyện tốt hơn không? […] có gì đặc biệt vậy?
Bằng việc tự đặt những câu hỏi như vậy — đưa những ấn tượng vào diện nghi vấn như Epictetus đã gợi ý – bạn sẽ ít bị những ấn tượng này làm lu mờ lý trí, hoặc đưa ra những hành động sai lầm, thiên lệch. Bạn vẫn được phép tự do sử dụng bản năng, nhưng luôn luôn, như trong một câu tục ngữ của người Nga, “tin tưởng, nhưng phải xác thực”.
Ngày 6 tháng 4: CHUẨN BỊ TINH THẦN ĐỐI MẶT VỚI ĐIỀU TIÊU CỰC
“Khi thức dậy vào buổi sáng, hãy tự nhủ: Ta sẽ phải gặp những kẻ nhiều chuyện, cao ngạo, dối trá, ghen tị và quái gở. Họ bị ảnh hưởng bởi những khổ đau này vì họ không phân biệt được tốt xấu. Vì ta đã thấu hiểu được vẻ đẹp của cái tốt và sự xấu xí của cái xấu, ta cũng nhận thức rằng những người kia cũng là anh em của ta … rằng họ không thể gây hại cho ta, cũng không thể dây những điều xấu xí kia vào ta— cũng như ta sẽ không tức giận hay thù ghét những người họ hàng này. Bởi vì chúng ta được sinh ra để hợp tác với nhau.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 2.1
Chắc chắn rằng, trong một ngày bạn sẽ phải tiếp xúc với một tên khốn nào đó (chúng ta đều phải vậy). Câu hỏi là: Bạn đã sẵn sàng để tiếp xúc với hắn chưa?
Bài thực hành này đến từ một câu đùa của một nhà văn, nhà viết kịch của thế kỉ XVIII, Nicolas Chamfort, ông đùa rằng nếu bạn “nuốt một con cóc mỗi sáng”, bạn sẽ có được sức mạnh để chịu đựng được những thứ kinh tởm khác mà bạn có thể phải trải qua. Liệu, chấp nhận — ngay lúc bạn thức giấc — rằng những người xung quanh thường có xu hướng cư xử ích kỷ hoặc vô tâm (hình ảnh con cóc) có khó hơn là phải nhấm nháp sự ích kỷ của họ cả ngày?
Nhưng mà vấn đề này lại có một mặt khác, cũng như vế còn lại trong trích dẫn của Marcus: “Không ai có thể dây những điều xấu xí kia vào ta — cũng như ta sẽ không tức giận hay thù ghét họ.” Điểm mấu chốt của sự chuẩn bị ở đây, không phải là để coi thường mọi người. Mà là, vì bạn đã chuẩn bị trước trong đầu, bạn sẽ cư xử bằng sự kiên nhẫn, tha thứ, và thấu hiểu.
Ngày 7 tháng 4: MONG CHỜ ĐƯỢC THAY ĐỔI Ý KIẾN CỦA MÌNH
“Có hai điều bắt nguồn từ con người – sự kiêu căng và tính đa nghi. Sự kiêu căng cho rằng không còn gì cần thiết để tiến xa hơn, và tính đa nghi, ngờ vực rằng trong cơn lũ của hoàn cảnh không gì có thể làm mình hạnh phúc.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.14.8
Đã bao nhiêu lần bạn làm một vài dự án mà bạn biết chính xác nó sẽ diễn ra như thế nào? Đã bao nhiêu lần bạn giao lưu gặp gỡ với những người khác và nghĩ rằng bạn biết chính xác họ là ai? Và đã bao nhiêu lần những giả định này được chứng minh là hoàn toàn chính xác hay là không đúng một chút nào?
Đây là lý do tại sao bạn phải luôn có sự kháng cự lại thiên vị và định kiến của bản thân: bởi vì đó là bổn phận của bạn. Hãy tự hỏi bản thân rằng: Tôi đã không cân nhắc điều gì? Tại sao điều này lại xảy ra như vậy? Tôi có phải là nguyên nhân trong vấn đề này hay là một phần của giải pháp kia? Có khi nào tôi sai ở đây rồi không? Hãy cẩn trọng gấp bội để tôn vinh lên những gì bạn không biết, và sau đó thiết lập lại kiến thức thực bạn đang có.
Hãy nhớ rằng, nếu như có một bài học cốt lõi của triết lý này, thì đó là bạn không đủ trí tuệ và sự thông minh như bạn nghĩ. Nếu như bạn thực sự muốn có trí tuệ, nó đến từ những câu hỏi và từ sự khiêm tốn – không như những thứ mà nhiều người vẫn nghĩ là từ sự bảo thủ, kiêu căng và đa nghi.
Ngày 8 tháng 4: CÁI GIÁ ĐỂ CHẤP NHẬN SỰ GIẢ MẠO
“Khi nói về tiền, rõ ràng đây là thứ chúng ta quan tâm nhất, chúng ta có tất cả nghệ thuật tới từ những người thử nghiệm đã sử dụng mọi phương pháp để khám phá được giá trị của nó… tựa như việc chúng ta chú ý quá nhiều đến việc đánh giá mọi thứ và điều đó có thể kéo ta đi sai đường. Nhưng khi nói đến nguyên tắc quản trị của riêng mình, chúng ta lại ngáp và ngủ gật, chấp nhận bất kỳ điều gì vụt qua mà không cần tính đến cái giá phải trả.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.20.8; 11
Khi mà những đồng tiền xu còn quá thô sơ, mọi người đã phải mất rất nhiều thời gian để kiểm tra xem thứ mà họ nhận được liệu có phải là tiền thật. Từ Hy Lạp dokimazein có nghĩa là “để thử nghiệm” hoặc là kiểm tra chất lượng của quặng khoáng sản. Những thương gia có kỹ năng, họ có thể kiểm tra bằng cách ném nó xuống một bề mặt cứng và lắng nghe tiếng của đồng xu chạm vào đó. Mặc dù ngày nay, nếu ai đó đưa cho bạn một tờ 100 đô, bạn có thể kiểm tra bằng cách chà nó giữa các ngón tay hoặc giơ nó lên ánh sáng, để xem nó có phải là tiền thật hay không.
Tất cả những điều này đem đến một loại tiền tệ tưởng tượng, một phát minh của xã hội. Cái chính của phép ẩn dụ này là làm nổi bật lên việc bạn bỏ ra bao nhiêu nỗ lực để đảm bảo tiền đó là thật, trong khi bạn lại dễ dàng chấp nhận những suy nghĩ hay giả định có khả năng thay đổi cuộc sống của bạn. Một giả định khá mỉa mai được đưa ra: rằng có càng nhiều tiền bạn sẽ càng giàu có. Hoặc là do có nhiều người tin vào điều gì đó thì nó chắc hẳn phải là sự thật.
Thực ra thì, bạn nên kiểm tra những quan niệm này một cách thận trọng như những người đổi tiền. Như Epictetus đã nhắc nhở chúng ta, “Nhiệm vụ đầu tiên của một triết gia là kiểm tra và tách biệt những sự việc, và không làm gì với những điều chưa được kiểm tra.”
Ngày 9 tháng 4: KIỂM TRA NHỮNG ẤN TƯỢNG BAN ĐẦU
“Ngay từ lúc ban đầu, hãy biến nó thành một thông lệ để nói điều này với những cảm giác khó chịu: “Bản thân ngươi chỉ là một cảm giác chứ không phải những gì ngươi đang thể hiện ra.” Tiếp theo là hãy khảo nghiệm và kiểm tra nó với những quy tắc ngươi đã đặt ra, điều tiên quyết và quan trọng nhất đó là — bất kể nó có thuộc sự kiểm soát của ta hay không, và nếu nó không, hãy sẵn sàng để đáp lại: “Nó không là gì với ta cả”.
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 1.5
Trong một thế giới có vô số chính sách và quy trình, sẽ luôn có những hướng đi khác nhau. Những nhà lãnh đạo bản lĩnh sẽ chỉ tin vào bản năng của họ. Một đạo sư tâm linh sẽ nói rằng điều này rất quan trọng đối với việc “để cho cơ thể chỉ dẫn bạn.” Một người bạn đang cố gắng giúp chúng ta với một quyết định vô cùng khó khăn có thể hỏi rằng: “Thứ mà bạn cảm thấy đúng ở đây là gì?”
Những cách tiếp cận để đưa ra các quyết định mâu thuẫn với các nghiên cứu khổng lồ về Bản năng của con người đã khiến chính họ gặp rắc rối. Giác quan của bạn đều sai trong mọi thời điểm! Khi mà các loài động vật đang tiến hóa cực kỳ chậm chạp, thì loài người đã phát triển đủ các loại phương pháp suy nghiệm, các khuynh hướng và các phản ứng cảm xúc — những thứ từng có tác dụng hồi con người còn sinh sống trên các cánh đồng hay thảo nguyên nhưng lại hoàn toàn phản tác dụng trong thế giới hiện tại.
Một phần của chủ nghĩa Khắc kỷ là trau dồi nhận thức cho phép bạn lùi lại và phân tích các giác quan của chính bạn, đặt câu hỏi cho tính chính xác của chúng và chỉ hành động với những điều tích cực và mang tính xây dựng. Chắc chắn, nó rất hấp dẫn để vứt cái kỷ luật và trật tự của bạn theo những cơn gió và đi theo những gì mà bạn cảm thấy đúng, nhưng nếu ở bất kỳ một thời điểm nào mà bạn cảm thấy hối tiếc, thì cảm giác đúng ngay tại lúc này không phải lúc nào cũng sẽ tồn tại theo thời gian. Luôn giữ cảm giác của bạn ở trạng thái nghi ngờ. Một lần nữa, tin tưởng, nhưng luôn luôn phải xác thực
Ngày 10 tháng 4: PHÁN XÉT GÂY RA PHIỀN NÃO
“Bản thân các sự việc không làm phiền lòng con người, mà những phán xét của họ về sự việc đó gây ra phiền não cho họ.”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 5
Kiếm sĩ samurai Musashi đã phân biệt giữa “con mắt nhận thức” và “con mắt quan sát”. Mắt quan sát cho ta thấy sự việc như nó là. Mắt nhận thức cho ta thấy sự việc đó như ta diễn giải . Bạn nghĩ con mắt nào khiến chúng ta đau khổ hơn?
Một sự việc là vô tri vô giác, nó có yếu tố khách quan. Sự việc chỉ đơn giản là sự việc. Đó là những gì mà mắt quan sát của bạn nhìn thấy.
Điều này sẽ hủy hoại tôi. Làm thế nào mà điều này có thể xảy ra? Hừm! Đó là lỗi của người này người nọ, cái này cái kia. Đó là góc nhìn mà mắt nhận thức của bạn đem đến. Mang đến sự buồn phiền và rồi đổ lỗi cho sự việc.
Ngày 11 tháng 4: NẾU MUỐN HỌC, HÃY KHIÊM TỐN
“Hãy vứt bỏ mọi ý kiến tự phụ của ngươi, vì một người không thể bắt đầu học hỏi những gì anh ta nghĩ rằng mình đã biết.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.17.1
Trong tất cả các những nhà Khắc kỷ, Epictetus là một giáo viên thực thụ nhất. Ông có một ngôi trường. Ông tổ chức các lớp học. Trong thực tế, trí tuệ của ông được truyền lại cho chúng ta thông qua một sinh viên đã ghi chép bài giảng cẩn thận. Một trong những điều khiến Epictetus thất vọng về các học trò học triết học — và đã làm nản lòng tất cả các giáo sư đại học ngay từ khi bắt đầu — là cách các học trò tuyên bố muốn được dạy nhưng thực sự trong thâm tâm tin rằng họ đã biết tất cả mọi thứ.
Thực tế là tất cả chúng ta đều mắc lỗi nghĩ rằng chúng ta biết tất cả, và chúng ta sẽ học hỏi nhiều hơn nếu chúng ta có thể gạt bỏ thái độ đó sang một bên. Bạn thông minh hay thành công như thế nào đi nữa vẫn luôn có người khác thông minh hơn, thành công hơn và khôn ngoan hơn bạn. Emerson nói rất rõ: “Mỗi người tôi gặp đều là thầy của tôi ở một lĩnh vực và tôi luôn học ở người ta điều đó”. Nếu bạn muốn học, nếu bạn muốn cải thiện cuộc sống của mình, tìm kiếm các giáo viên, các nhà triết học và những cuốn sách tuyệt vời là một khởi đầu tốt. Nhưng phương pháp này sẽ chỉ có hiệu quả khi bạn khiêm tốn và sẵn sàng buông bỏ những quan điểm bạn đã có.
Ngày 12 tháng 4: TỪ CHỐI NHỮNG MÓN QUÀ TRÊU NGƯƠI
“Atreus: Ai sẽ từ chối những món quà may mắn khi chúng ào đến như một cơn lũ? Thyestes: Bất cứ ai đã từng trải nghiệm việc những may mắn đó rời đi một cách nhẹ nhàng.”
— SENECA, THYESTES, 536
Thyestes là một trong những vở kịch đen tối và gây nhiễu loạn nhất của Seneca. Thậm chí hai nghìn năm sau nó vẫn là một tác phẩm kinh điển của thể loại báo thù. Tôi sẽ không tiết lộ trước tình tiết, câu trích dẫn trên xuất phát từ cảnh Atreus đang cố dụ dỗ em trai đáng ghét của mình là Thyestes vào một cái bẫy tàn nhẫn bằng cách tặng cho anh ta những món quà hấp dẫn và hào phóng. Lúc đầu, Thyestes từ chối, làm kẻ thù của mình hoàn toàn bối rối.
Chúng ta thường ngạc nhiên khi ai đó từ chối một món quà đắt tiền, một vị trí danh giá hay sự thành công. Tướng William T. Sherman dứt khoát từ chối lời đề nghị tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, ông nói: “Tôi sẽ không chấp nhận nếu được đề cử và sẽ không phục vụ nếu được bầu”. Nếu người bạn của ông Ulysses S. Grant đã đưa ra một “tuyên bố Shermanesque” như vậy (được biết đến như sự từ chối), Grant chắc chắn đã bảo tồn được di sản của chính mình khỏi những biến cố đáng sợ.
Mặc dù ban đầu có những mối nghi ngờ, Thyestes cuối cùng vẫn bị cám dỗ và chấp nhận “những món quà may mắn.”… nhưng hóa ra đó là một âm mưu che giấu bi kịch tàn khốc. Không phải mọi cơ hội đều đầy rẫy nguy hiểm, nhưng vở kịch nhằm nhắc nhở bạn rằng sự hấp dẫn đối với những gì mới mẻ và sáng bóng có thể khiến bạn gặp rắc rối nghiêm trọng.
Ngày 13 tháng 4: ÍT HƠN TỨC LÀ NHIỀU HƠN
“Đừng hành động miễn cưỡng, ích kỷ, lười biếng hoặc trở thành một người trái ngược với mọi người. Đừng choàng lên suy nghĩ của ngươi bằng từ ngữ đẹp đẽ. Đừng là một người nói nhiều và làm nhiều… Hãy vui vẻ mà không cần đến sự giúp đỡ từ người ngoài hay sự khuây khỏa họ mang tới. Hãy trở thành một người giữ vững lập trường của mình, không cần sự nâng đỡ.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 3.5
Gần như trong toàn bộ những lĩnh vực của cuộc sống, câu nói “Less is more” (Ít hơn tức là nhiều hơn — ND) luôn đúng. Ví dụ, những nhà văn chúng ta ngưỡng mộ có xu hướng trở thành bậc thầy của sự tiết kiệm và ngắn gọn. Những gì họ bỏ đi cũng quan trọng không kém, đôi khi quan trọng hơn cả những gì họ để lại. Có một bài thơ của Philip Levine với tựa đề “Anh ta sẽ không bao giờ sử dụng một từ mà không ai dùng”. Và trong vở Hamlet, một trong những người giỏi nhất — nữ hoàng Queen Gertrude sau một bài diễn văn dài từ Polonius đã nói với ông: “Bớt những từ ngữ hào nhoáng mà vào thẳng vấn đề đi (more matter with less art)”. Tập trung vào điểm chính!
Thử tưởng tượng vị vua của Rome, với những tù nhân là khán giả và sức mạnh vô hạn của mình, tự nhủ với bản thân rằng không trở thành người “nói nhiều và làm nhiều”. Hãy để câu chuyện này nhắc nhở bản thân mình vào những lúc mình nuông chiều bản thân hoặc cảm thấy mình đã đủ giỏi, trưởng thành, hoặc muốn gây ấn tượng với mọi người.
Ngày 14 tháng 4: TRỞ THÀNH CHUYÊN GIA TRONG NHỮNG LĨNH VỰC QUAN TRỌNG
“Hãy tin con, cha nên tập trung vào cuộc đời của chính cha hơn là dành tâm trí cho thị trường thóc lúa.”
— SENECA, ON THE BREVITY OF LIFE, 18.3b
Những lĩnh vực mà nhiều người quan tâm và cố gắng trở thành chuyên gia là: Fantasy sports (Một môn thể thao điện tử — ND), những thông tin vô bổ của người nổi tiếng, thị trường phái sinh, thị trường hàng hóa, thói quen tốt của những người đứng đầu tôn giáo ở thế kỉ 13.
Ta có thể làm rất tốt những việc bạn được trả tiền để làm hoặc giỏi trong sở thích mà ta ước ta có thể được trả tiền để làm. Tuy nhiên, cuộc sống của ta, những thói quen và những xu hướng lại là điều bí ẩn với ta.
Seneca đã từng viết lời nhắc nhở tới cha vợ của mình, người đã chịu trách nhiệm cho vựa lúa của Rome trong một thời gian. Nhưng vị trí của ông bị thu hồi vì mục đích chính trị. Ai thực sự quan tâm đến việc đó chứ — Seneca nói — bây giờ cha hãy tập trung năng lượng cho cuộc sống tâm hồn của cha.
Vào phút cuối đời, khi nhìn lại, bạn muốn mình trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào — có hiểu biết về cuộc đời và kinh nghiệm sống hay có hiểu biết về đội bóng Chicago Bears? Cái nào có ích cho con bạn hơn — những quan điểm của bạn về hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống, hay những kinh nghiệm theo dõi các tin tức chính trị trong suốt 30 năm trời?
Ngày 15 tháng 4: TRẢ TIỀN THUẾ CỦA BẠN
“Sẽ không có gì xảy đến với ta mà ta sẽ đón nhận với tâm thế u ám hay tâm trạng tồi tệ. Ta sẽ chấp nhận trả “thuế” của ta một cách vui vẻ. Bây giờ, tất cả những điều khiến ta phàn nàn hoặc sợ hãi đều là “thuế” của cuộc đời này — những điều mà, hỡi Lucilius yêu dấu, ngươi không nên hy vọng được miễn trừ hay tìm cách trốn thoát nó.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 96.2
Khi thuế thu nhập đến hạn, bạn có thể như nhiều người, phàn nàn về những gì bạn phải trả cho chính phủ. 40% thu nhập của tôi phải đến tay những người đó sao? Để làm gì cơ chứ?
Đầu tiên, thuế sẽ được sử dụng cho rất nhiều chương trình và dịch vụ mà hầu hết bạn sẽ được sử dụng miễn phí. Thứ hai, bạn nghĩ bạn đặc biệt đến thế sao? Người ta đã phàn nàn về thuế trong hàng ngàn năm và bây giờ họ đã chết rồi. Quen với điều đó đi. Thứ ba, đó là một vấn đề tốt nên có. Tốt hơn nhiều so với việc không có tiền để trả cho chính phủ hay sống trong tình trạng vô chính phủ và phải chi trả cho tất cả dịch vụ cơ bản trong cuộc chiến chống lại tự nhiên.
Nhưng quan trọng hơn, thuế thu nhập không phải loại thuế duy nhất bạn chi trả trong cuộc sống. Nó chỉ là hình thức về tài chính. Tất cả những gì bạn làm đều được đính kèm thuế trong đó. Chờ đợi là một loại thuế của du lịch. Tin đồn và nói xấu là một loại thuế của những người nổi tiếng. Bất đồng và những lúc thất vọng là những khoản thuế đặt lên những mối quan hệ hạnh phúc nhất. Trộm cắp là một loại thuế của sự giàu có và sở hữu những thứ mà người khác mong muốn. Căng thẳng và những bài toán khó giải là thuế đi kèm với sự thành công. Và còn nhiều thứ khác…
Có rất nhiều hình thức thuế trong cuộc sống, bạn có thể tranh luận với nó, bạn có thể tìm mọi cách trốn tránh nó (nhưng cuối cùng vẫn vô ích mà thôi), hoặc bạn có thể “chi trả” thuế và tận hưởng những thành quả bạn giữ lại được.
Ngày 16 tháng 4: QUAN SÁT NGUYÊN NHÂN VÀ KẾT QUẢ
“Hãy chú ý đến những gì đang được nhắc đến trong cuộc trò chuyện, và những gì xảy ra sau bất kỳ hành động nào. Trong hành động, hãy ngay lập tức tìm ra mục tiêu; trong lời nói, hãy lắng nghe kỹ những gì đang được ngầm báo hiệu.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.4
Thông qua công việc của nhà tâm lý học Albert Ellis, Chủ nghĩa Khắc kỷ đã tiếp cận hàng triệu người thông qua những gì mà người ta gọi là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT — cognitive—behavioural therapy). CBT giúp bệnh nhân xác định các mô hình phá hoại trong suy nghĩ và hành vi của họ theo thời gian, để có thể định hướng và tác động đến họ theo hướng tích cực hơn.
Tất nhiên, Marcus Aurelius không được đào tạo chính thức về tâm lý học, nhưng lời nói của ông ở đây cũng quan trọng như bất kỳ bác sĩ nào. Ông ấy yêu cầu bạn trở thành một người quan sát những suy nghĩ của riêng bạn và những hành động mà suy nghĩ đó tác động vào. Nó đến từ đâu? Nó chứa những thành kiến gì? Nó mang tính xây dựng hay phá hoại? Có phải nó khiến bạn mắc sai lầm hoặc làm ra những hành vi mà sau này bạn phải hối hận? Tìm kiếm các khuôn mẫu; tìm nguyên nhân gây ra những hậu quả.
Chỉ khi điều này được thực hiện, các khuôn mẫu hành vi tiêu cực mới có thể bị phá vỡ; sau đó cuộc sống mới thực sự được cải thiện.
Ngày 17 tháng 4: KHÔNG GÂY HẠI, KHÔNG LÀM BẾ TẮC
“Tránh xa ý tưởng rằng mình đã bị làm hại, và thiệt hại cũng sẽ bị loại bỏ. Tránh xa việc trở thành nạn nhân, và thiệt hại sẽ biến mất.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.7
Một từ thôi mà có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Từ đó có thể được sử dụng theo nghĩa cay nghiệt hoặc hoàn toàn vô hại. Cùng một từ có thể có nghĩa là một lời nói xấu độc ác hoặc một bó củi (Faggot có nghĩa đen là “một bó củi” và nghĩa lóng chỉ những người đồng tính nam). Theo cùng một cách, một điều gì đó mang tính mỉa mai khác hoàn toàn với một điều đã được chỉ ra có ý nghĩa rõ ràng.
Việc diễn giải một nhận xét hoặc một từ có một sức mạnh to lớn. Nó là sự khác biệt giữa việc gây cười và tạo ra những tổn thương sâu sắc. Nó là sự khác biệt giữa sự nổ ra của một cuộc chiến hoặc sự kết nối giữa hai cá thể thể khác biệt.
Đây là lý do tại sao trong sự tương tác lẫn nhau, việc kiểm soát các thành kiến và lăng kính bạn dùng là cực kỳ quan trọng. Khi bạn nghe hoặc thấy điều gì đó, bạn sẽ giải thích chúng bằng cách nào? Thành kiến của bạn về ý định của người khác là gì?
Nếu việc trở nên buồn bã hoặc tổn thương là điều gì đó bạn không muốn thường xuyên trải qua, thì hãy chắc chắn rằng những diễn giải của bạn về từ ngữ của người khác sẽ giúp bạn tránh được điều đó. Chọn cách diễn giải đúng đắn từ hành động của người khác hoặc từ các sự kiện bên ngoài sẽ giúp bạn tăng khả năng có những phản hồi đúng đắn.
Ngày 18 tháng 4: NHỮNG QUAN ĐIỂM CŨNG NHƯ…
“Xui xẻo là gì? Quan điểm. Xung đột, tranh chấp, đổ lỗi, buộc tội, không tôn trọng và phù phiếm là gì? Chúng đều là những quan điểm, và hơn thế nữa, chúng là những quan điểm nằm ngoài sự lý luận của chúng ta, được trình bày như thể chúng là tốt hay xấu. Hãy để một người chỉ chuyển quan điểm của họ sang những gì thuộc về những thứ họ chọn, và ta đảm bảo rằng người đó sẽ an tâm cho dù bất cứ điều gì đang xảy ra xung quanh họ.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.3.18b—19
Ai cũng có những quan điểm của riêng mình.
Nghĩ về tất cả những quan điểm mà bạn có: về việc thời tiết hôm nay có thuận lợi không, về những gì người theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo thủ tin tưởng, về việc liệu nhận xét đó có thô lỗ hay không, về việc bạn có thành công (hay không), tiếp tục như vậy. Bạn liên tục nhìn vào thế giới xung quanh và đưa quan điểm của bạn lên trên hết. Và quan điểm của bạn thường được định hình bởi giáo điều (tôn giáo hoặc văn hóa), quyền lợi, kỳ vọng và trong một số trường hợp, là sự thiếu hiểu biết.
Không có gì ngạc nhiên khi bạn thường xuyên cảm thấy tức giận và buồn bã. Nhưng nếu bạn bỏ những quan điểm này đi thì sao? Hãy thử dọn dẹp chúng (ekkoptein — có nghĩa cắt hoặc nhổ cỏ) ra khỏi cuộc sống của bạn để mọi thứ đơn giản như nó vốn là. Không tốt hay xấu, không tô màu cho quan điểm và sự phán xét. Xem mọi thứ như nó vốn là.
Ngày 19 tháng 4: KHẢ NĂNG ẢNH HƯỞNG CỦA TA
“Epictetus nói rằng chúng ta cần khám phá lại nghệ thuật đã mất của sự bằng lòng, cũng như đặc biệt chú ý đến khả năng ảnh hưởng của ta — sự ảnh hưởng này cần được dẫn dắt bởi sự cẩn thận, bởi quyền lợi chung, và nó là một phần của một giá trị đáng giá nào đó.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.37
Vâng, người đàn ông quyền lực nhất thế giới lúc bấy giờ, Hoàng đế La Mã trong nhật ký của mình đã trích dẫn những lời thông thái của một cựu nô lệ (và qua những thông tin có được, Marcus có thể đã sở hữu những ghi chép trực tiếp về các buổi giảng dạy của Epictetus qua một trong những học trò cũ của Epictetus). Sự thông thái trên hướng tới mục tiêu tối thượng là hoàn toàn quy phục và phục vụ sự thịnh vượng chung — về giới hạn quyền lực của chúng ta và tầm quan trọng của việc kiểm soát sự tác động của mình — điều mà mọi nhà chức trách cần biết.
Quyền lực và sự không có quyền lực hiếm khi đi cùng với nhau — nhưng một khi chuyện đó xảy ra, nó có thể thay đổi thế giới. Hãy nghĩ đến việc tổng thống Abraham Lincoln gặp mặt, hợp tác và học hỏi từ Frederick Douglass, một cựu nô lệ uyên bác, thông thái và có tầm nhìn khác.
Trong mọi trường hợp, những người đàn ông nói trên đã sống và làm việc theo các quy tắc sau: cho dùng trong đời sống chúng ta có quyền lực hay bất lực — điều cần thiết là để khoảng trống cho bất kể điều gì xảy ra, cũng như đặt sự thịnh vượng chung và các giá trị đúng đắn làm trọng tâm. Trên hết, hãy sẵn sàng học hỏi từ bất kỳ người nào, cũng như từ mọi người, bất kể họ có địa vị thế nào chăng nữa.
Ngày 20 tháng 4: NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP ĐỀU ĐƠN GIẢN
“Đây là cách để nghĩ về những thứ số đông đánh giá là “tốt”. Nếu ban đầu, ngươi làm việc với tâm trí mình, cho rằng sự thông thái, tự kiểm soát bản thân, công lý, lòng can đảm là những thứ tốt — với tiền đề như vậy ngươi sẽ không còn đồng ý được với số đông rằng có quá nhiều thứ tốt cần được trải nghiệm trong đời người.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.12
Liệu có gây tranh cãi không khi nói rằng, có những thứ mà mọi người coi trọng (và ép bạn coi trọng) — và có những thứ thực sự có giá trị? Tương tự với việc nghi vấn về sự giàu có và nổi tiếng có thực sự đáng như mọi người hay nói. Và Seneca đã nhận xét trong một vở kịch của mình: “Ước gì trái tim của kẻ giàu có hiện ra với mọi người! Nỗi sợ với sự giàu có đang cháy bùng trong tim họ.”
Trong hàng thế kỷ, sự giàu có đã được coi là liều thuốc tiên trong mắt đám đông — nó sẽ chữa tất cả sự bất hạnh hay vấn đề gì của họ. Làm gì có lý do nào khác khiến họ theo đuổi sự giàu có miệt mài như vậy? Nhưng tiền bạc và địa vị họ mong muốn đều đạt được, họ phát hiện ra mọi thứ không hẳn như họ hy vọng. Sự luẩn quẩn đó cũng đúng với rất nhiều thứ chúng ta thèm muốn mà không thực sự suy nghĩ.
Mặt khác, giá trị “tốt” mà những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ ủng hộ thì đơn giản và trực tiếp hơn rất nhiều: sự thông thái, tự kiểm soát bản thân, công lý, can đảm. Không ai đạt được những phẩm chất thầm lặng này mà lại hối tiếc như người mua hàng cả.
Ngày 21 tháng 4: ĐỪNG THẢ LƠ SỰ CHÚ Ý CỦA MÌNH
“Khi ngươi thả lỏng sự chú ý của mình dù chỉ một ít, đừng nghĩ rằng ngươi có thể quay lại với nó bất kỳ lúc nào ngươi muốn — thay vào đó, hãy nghĩ rằng do lỗi lầm hôm nay mà mọi thứ sau đó chắc chắn sẽ tệ hơn… Liệu có thể tránh được những sai lầm không? Không, nhưng ta có thể trở thành một người luôn cố gắng tránh xa các lỗi lầm. Chúng ta cần phải tránh sai lầm nhiều nhất bằng cách đừng để sự chú ý của mình bị thả lơ.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.12.1; 19
Winifred Gallagher, trong cuốn Rapt (Điều xấu hổ — ND) của mình, đã trích dẫn lời David Meyer, một nhà khoa học nhận thức tại trường đại học Michigan: “Einstein không phát minh ra thuyết tương đối trong lúc làm nhiều nhiệm vụ cùng lúc tại cơ quan cấp bằng sáng chế Thụy Sĩ.” Ông ý đã thực hiện điều trên vào sau này, khi ông thực sự có thời gian để tập trung và nghiên cứu. Sự tập trung vô cùng quan trọng — và trong thời đại mà sự chú ý của ta bị ảnh hưởng bởi hàng loạt ứng dụng mới, cũng như trang web mới, tài liệu, sách, dòng tweet, bài đăng — thì tầm quan trọng của sự tập trung còn tăng cao hơn nữa.
Một phần trong câu nói trên của Epictetus mang nghĩa rằng sự tập trung là một thói quen, và việc để bản thân lơ là, mơ mộng sẽ tạo ra thói quen xấu và khiến cho sai lầm dễ xảy ra.
Bạn chẳng bao giờ hoàn thiện được nhiệm vụ của mình nếu bạn để bản thân xao nhãng với bất kỳ sự gián đoạn nào. Sự tập trung của bạn là một trong những tài nguyên cá nhân quan trọng nhất. Làm ơn đừng lãng phí nó!
Ngày 22 tháng 4: DẤU ẤN CỦA NGƯỜI LÝ TRÍ
“Đây là những đặc điểm của tâm hồn lý trí: tự nhận thức, tự kiểm tra và tự quyết. Nó gặt hái được thành quả cho riêng mình… Nó thành công trong mục đích riêng của mình.”
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.1–2
Để trở nên lý trí ngày hôm nay, bạn phải làm được ba điều:
Đầu tiên, bạn phải nhìn được vào sâu bên trong bản thân.
Sau đó, bạn cần tự vấn lại chính mình.
Cuối cùng, bạn phải đưa ra những quyết định – mà không bị ngăn cản bởi những định kiến hay những quan niệm thông thường nào.
Ngày 23 tháng 4: TÂM TRÍ THUỘC VỀ BẠN
“Ngươi được cấu thành dựa trên ba yếu tố: Cơ thể, Hơi thở và Tâm trí. Trong số này, hai cái đầu tiên chỉ là của ngươi trong một chừng mực nào đó. Chỉ có cái thứ ba mới thực sự thuộc về ngươi.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 12.3
Cơ thể có thể bị tàn phá bởi bệnh tật hoặc chấn thương hay tàn tật trong một tai nạn bất ngờ. Nó có thể bị cầm tù hoặc bị tra tấn. Hơi thở có thể ngưng đột ngột vì thời gian của chúng ta đã hết, hoặc bởi vì ai đó đã lấy đi của chúng ta. Hơi thở có thể trở nên khó nhọc vì gắng sức cũng như vì bệnh tật. Nhưng dù có đến cái kết nào, thì tâm trí của bạn vẫn luôn là của bạn.
Điều này không có nghĩa là hai phần trên mà Marcus đã đề cập – Cơ thể và Hơi thở — là không quan trọng. Chúng chỉ ít “thuộc về bạn” hơn Tâm trí thôi. Bạn chắc sẽ không đời nào dành nhiều thời gian để đi sửa căn nhà mà bạn đang thuê chứ, phải không? Tâm trí của bạn là của bạn – Tự do và trong sáng. Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ cư xử tốt với nó.
Ngày 24 tháng 4: MỘT CÁCH SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CỦA SỰ KHINH THƯỜNG
“Khi thịt thà và đồ ăn được bày trước mặt, chúng ta nhìn thấy phần thịt của con cá chết, phần thịt của con chim hay con lợn; và loại rượu hảo hạng này cũng chỉ là nước nho lên men, áo choàng màu tím chỉ là lông cừu nhuộm với máu của sò biển; hay quan hệ tình dục chỉ là sự cọ xát của các bộ phận riêng tư và giải phóng tinh dịch. Cách nhìn nhận này vén màn sự thật về mọi vật khiến ta nhìn rõ bản chất của chúng.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.13
Có một bài thực hành Khắc kỷ được mô tả như biểu hiện của sự xem thường mọi thứ. Các nhà Khắc kỷ sử dụng một loại ngôn từ mang tính hoài nghi như một cách để loại bỏ một số phần hão huyền nhất hoặc được thèm khát nhất của cuộc sống. Sự chế giễu của Marcus về sex — tại sao ông ta lại nói như vậy? Chà, nếu bạn dành một giây để xem xét tình dục dưới một góc nhìn ngớ ngẩn, bạn sẽ ít có khả năng làm điều gì đó đáng xấu hổ hoặc hoặc ngại ngùng khi thực hiện nó. Nó giúp cân bằng những thiên kiến ta có về thứ khiến ta cảm thấy thỏa mãn (sex).
Bạn có thể áp dụng cách suy nghĩ tương tự cho rất nhiều thứ mà mọi người đánh giá. Hãy xem xét bức ảnh đáng ghen tị mà bạn nhìn thấy trên phương tiện truyền thông xã hội. Hãy tưởng tượng rằng người nào đó đang cố gắng dàn dựng nó. Điều gì khiến cho việc thăng tiến trong công việc trở nên quan trọng đến vậy? Hãy nhìn vào cuộc sống của những người khác được coi là rất thành công. Bạn vẫn nghĩ rằng nó đang nắm giữ một thứ sức mạnh huyền bí? Tiền, thứ mà chúng ta luôn muốn nhiều hơn và miễn cưỡng mỗi khi cho đi – hãy nhìn vào mức độ bao phủ của vi khuẩn và sự bẩn thỉu của nó. Người phụ nữ xinh đẹp, hoàn hảo mà bạn chỉ dám ngưỡng mộ từ xa? Hãy nhớ rằng nếu họ độc thân, thì hẳn phải là ai đó đã từng đá họ. Phải có điều gì đó không ổn đối với họ.
Bài tập này sẽ không biến bạn thành một người kẻ chỉ biết hoài nghi tất cả. Nhưng nó sẽ đem đến cho bạn sự khách quan cần thiết.
Ngày 25 tháng 4: MẮC SAI LẦM KHÔNG CÓ GÌ LÀ SAI
“Nếu bất cứ ai có thể chứng minh và cho ta thấy rằng ta nghĩ và hành động sai lầm, ta sẽ sẵn sàng thay đổi nó — vì ta tìm kiếm sự thật mà không ai bị tổn thương. Người bị tổn thương là người tuân theo sự gian dối và thiếu hiểu biết.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.21
Có người đã từng cố gắng tranh luận với nhà triết học Cicero bằng việc trích dẫn một vài điều mà ông đã nói hoặc viết. Người này tuyên bố Cicero phát ngôn điều này ở hiện tại nhưng trong quá khứ lại từng tin vào một điều khác. Ông đáp lại: “Ta chỉ sống qua ngày thôi! Nếu có cái gì làm ta ấn tượng thì tất nhiên, ta nói y vậy; và đó là cách mà ta, không giống những người khác, tồn tại như một đại diện của tự do.”
Không ai nên cảm thấy xấu hổ khi thay đổi tư duy mình — tư duy được tạo ra để được thay đổi. Emerson từng nói: “Sự kiên định một cách mù quáng là con yêu quái của những tâm trí tầm thường được ngưỡng mộ bởi những chính khách, các nhà triết học và thần học tầm thường.” Đó là lý do tại sao chúng ta đi những quãng đường dài như vậy để học hỏi và tiếp xúc với trí tuệ. Thật xấu hổ nếu như bạn không tìm ra được lỗi sai của mình trong quá khứ.
Hãy nhớ: bạn là một đại diện cho tự do. Khi ai đó chỉ ra thiếu sót chính đáng trong niềm tin hoặc hành động của bạn, họ không hề chỉ trích bạn. Họ đang chỉ ra một phương án tốt hơn. Hãy chấp nhận nó!
Ngày 26 tháng 4: NHỮNG ĐIỀU XẢY RA TRONG KHI RÈN LUYỆN
“Khi người tập luyện đấu đôi cùng ngươi va chạm hay đập phải đầu ngươi, thì ngươi sẽ không phản ứng thái quá, hay chống đối, hay nghi ngờ người đó, hay cho rằng người đó có ý định chống lại mình. Ngươi không coi anh ta như kẻ thù hay nghi ngờ anh ta, mà ngươi quan sát người đó để có thể tránh né những va chạm không cần thiết. Ngươi nên hành động như vậy với mọi sự trong đời. Chúng ta nên bỏ qua những gì đã xảy ra khi đang tập luyện với bạn đấu. Như ta đã nói, việc tránh né mà không ngờ vực hay ghét bỏ là chuyện có thể làm được.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.20
Bởi việc quan sát từng ngày, từng tình huống cũng là một kiểu thực hành rèn luyện, rủi ro trở nên thấp hơn. Cách bạn diễn giải sai lầm của mình và sai lầm của người khác đột nhiên trở nên rộng lượng hơn nhiều. Đó ắt hẳn là một thái độ kiên cường hơn là việc đi vòng quanh lo lắng rủi ro mỗi trận đấu sẽ khiến bạn mất đi cơ hội nhận được giải vô địch.
Khi bạn bắt được một cú thúc cùi chỏ hoặc một cú đánh không công bằng ngày hôm nay, hãy rũ bỏ nỗi đau và nhắc bản thân rằng: tôi đang học. Bạn đấu của tôi cũng đang trau dồi. Đấy là bài luyện tập cho cả hai chúng tôi — thế thôi. Tôi biết thêm một chút về anh ấy/ cô ấy và từ phản ứng của tôi, họ cũng sẽ học hỏi thêm một chút về tôi.
Ngày 27 tháng 4: XEM XÉT TỪ TRONG RA NGOÀI
“Lột trần nó ra và quan sát nó biến thành thứ gì khi già yếu, ốm đau và bị hạ thấp danh dự. Cuộc đời người khen lẫn người được khen thật ngắn ngủi làm sao; cũng như cuộc đời của kẻ ngồi hoài niệm lẫn người được tưởng nhớ. Ghi nhớ một số khía cạnh ở các phần này, cũng như không có phương pháp nào để áp dụng chung cho tất cả mọi người, hoặc riêng một cá nhân nào. Toàn bộ quả đất này cũng chỉ là một hạt bụi.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8,21
Những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ nói về nhìn nhận sự việc từ mọi góc độ, và một số trường hợp cụ thể thì dễ hiểu hơn từ nhiều góc nhìn khác nhau. Trong những tình huống cực kỳ tiêu cực, cũng như để có cái nhìn khách quan hay thậm chí hời hợt thực sự có giá trị hơn nhiều. Cái nhìn đó có thể cho chúng ta nhìn nhận sự việc một cách rõ ràng mà không quá lún sâu vào những gì chúng đại diện hoặc những gì gây ra chúng. Trong các tình huống khác, đặc biệt những trường hợp liên quan đến sự cảm kích hay khen ngợi, nói cách khác, việc biểu lộ sự khinh thường là hữu ích. Bằng cách xem xét các tình huống từ trong ra ngoài, chúng ta có thể ít nản lòng hơn, ít bị lung lay bởi chúng.
Hãy đào sâu vào nỗi sợ hãi của bạn về cái chết hoặc bóng tối, bạn sẽ tìm được điều gì? Lột trần một số nghi thức hào nhoáng rồi bạn nhận ra điều gì?
Ngày 28 tháng 4: MONG MUỐN SẼ BIẾN BẠN THÀNH NÔ LỆ
“Tantalus: Quyền hạn cao nhất là—
Thyestes: Không gì cả, nếu ngươi không khao khát thứ gì.”
— SENECA, THYESTES, 440
Trong thế giới hiện đại, sự tương tác của chúng ta với sự chuyên chế mang tính tự nguyện hơn so với thời xưa. Chúng ta chịu đựng người sếp thích kiểm soát của mình, cho dù chúng ta có thể làm một công việc khác nếu ta muốn. Chúng ta thay đổi cách ăn diện hoặc cầm lòng không nói ra những gì chúng ta thật sự nghĩ? Bởi vì chúng ta muốn mình hòa nhập với một nhóm người tuyệt vời nào đó. Chúng ta chịu đựng những nhà phê bình hay khách hàng khó tính? Bởi vì chúng ta muốn có được sự chấp thuận của họ. Trong những trường hợp này, quyền hạn của họ tồn tại là do mong muốn của chúng ta. Nếu bạn thay đổi, bạn sẽ tự do.
Cựu nhiếp ảnh gia thời trang Bill Cunningham thỉnh thoảng từ chối xuất bản tạp chí cho công ty của ông ấy. Một thanh niên mới phất hỏi ông rằng tại sao ông lại làm như vậy, và câu trả lời của ông quả là một kiệt tác: “Nếu anh không lấy tiền thì họ chẳng thể sai khiến anh làm điều gì cả, nhóc ạ.”
Hãy nhớ rằng: lấy tiền, muốn có tiền — dù là nghĩa bóng hay nghĩa đen — đều biến bạn thành nô lệ của người có tiền. Thờ ơ với nó, như cách mà Seneca làm vậy, biến quyền lực cao nhất (là tiền) thành không gì cả, ít nhất là trong chừng mực cuộc sống của bạn.
Ngày 29 tháng 4: GỘT RỬA BỤI TRẦN
“Ngắm những ngôi sao trên đường đi của chúng và tưởng tượng ngươi đang chạy bên cạnh. Không ngừng nghĩ về sự thay đổi mà các yếu tố tác động lẫn nhau, vì những suy nghĩ như vậy giúp gột rửa bụi trần.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.47
Gần như là không thể khi bạn ngắm nhìn những vì sao mà không cảm thấy gì. Như nhà vũ trụ học Neil deGrasse Tyson đã giải thích, vũ trụ lấp đầy chúng ta bằng những cảm xúc phức tạp. Mặt khác, chúng ta cảm thấy một sự nhỏ bé vô hạn so với vũ trụ rộng lớn. Cùng với đó là sự kết nối vô cực đến phần rộng lớn này.
Rõ ràng, chúng ta đang ở trong cơ thể của mình mỗi ngày, nó thật hấp dẫn nếu nghĩ rằng đó là điều quan trọng nhất trên thế giới. Nhưng chúng ta chống lại khuynh hướng đó bằng cách nhìn vào tự nhiên — thứ to lớn hơn chúng ta rất nhiều. Câu nói của Seneca, sau này đã trở thành một câu tục ngữ, thể hiện rất rõ cái nhìn sâu sắc của Marcus: Mundus ipse est ingens deorum omnium templum (Thế giới là một ngôi đền khổng lồ của tất cả các vị Thần).
Ngắm nhìn bầu trời rộng lớn là một liều thuốc giải độc cho sự đau đớn dai dẳng của những lo lắng trần tục. Và nó là một điều tuyệt vời, hãy thả lỏng bản thân với hành động đó thường xuyên nhất có thể.
Ngày 30 tháng 4: ĐIỀU GÌ HÒA HỢP VỚI BẢN TÍNH CỦA BẠN
“Quan điểm của mỗi người về những gì được coi là lý trí và phi lý trí là khác nhau, tương tự như vậy, quan niệm về những gì tốt, những gì xấu và những gì hữu ích, những gì vô dụng của mỗi người là khác nhau. Đây là lý do tại sao ta lại cần giáo dục, để chúng ta có thể học được cách điều chỉnh các quan niệm định sẵn của mình về sự hợp lý và phi lý trong sự hòa hợp với tự nhiên. Trong việc phân loại này, chúng ta không chỉ đơn giản dựa vào ước tính của mình về giá trị của những thứ bên ngoài, mà còn áp dụng các quy tắc phù hợp với bản tính của một người.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.2.5—7
Thật dễ dàng để bị bủa vây trong ý kiến riêng của bạn về mọi thứ. Nó như thể bạn đang tuân thủ các bản thể vô hình — làm theo hướng dẫn hoặc một khuôn mẫu mà bạn không thể hiểu được. Bạn càng đặt câu hỏi về các bản thể này và kiểm tra chúng một cách nghiêm khắc, bạn càng có khả năng định hướng chính mình. Bạn sẽ có niềm tin và suy nghĩ của riêng bạn và chúng không thuộc về ai khác.
Bản tính là lớp phòng ngự vững chắc trong một thế giới ưa thích việc quyến rũ được bạn, mua chuộc bạn, cám dỗ bạn và thay đổi con người bạn. Nếu bạn biết bạn tin vào những gì và tại sao bạn lại tin vào chúng, bạn sẽ tránh được các mối quan hệ, công việc độc hại, những người bạn lợi dụng, và tránh được những rủi ro mà đã gây ảnh hưởng đến những người không biết lường trước. Đó là sự giáo dục của bạn. Đó là lí do tại sao bạn lại làm việc này.
Danh Sách Các Tháng Khác
Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết