Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức

Nội dung bài viết

The Daily Stoic Tiếng Việt
Download sách này tại website: Keodau.net/sach

SÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 3

Ngày 1 tháng 3: NƠI TRIẾT HỌC BẮT ĐẦU

“Một điều quan trọng để bắt đầu tìm hiểu về triết học đó là: sự nhận thức rõ ràng về nguyên tắc hành động của bản thân.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.26.15

Triết học thật đáng sợ. Chúng ta nên bắt đầu tìm hiểu về triết học như thế nào? Đọc sách? Nghe giảng? Hay tiết chế sự hưởng thụ vật chất của bản thân?
Những cách trên đều không phải. Epictetus cho rằng một người trở thành triết gia khi họ bắt đầu đi tìm lẽ sống của mình, khi họ trở nên ngờ vực về những cảm xúc, niềm tin hay ngôn ngữ mà người khác xem là điều hiển nhiên. Người ta cho rằng một con vật có sự tự nhận thức khi nó có thể hoàn toàn nhận ra chính nó trong gương. Có lẽ hành trình với triết học bắt đầu khi chúng ta nhận thức được khả năng đào sâu phân tích tâm trí của chính mình.
Bạn có thể bắt đầu từ ngày hôm nay chứ? Khi làm thế, bạn sẽ thấy rằng từ đó bạn mới thực sự sống, mới thực sự tận hưởng cuộc đời. Như cách nói của Socrates, khi đó bạn sẽ sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Ngày 2 tháng 3: TỰ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CỦA BẢN THÂN

“Tự lượng sức mình là điều quan trọng hơn cả, bởi vì, con người thường hay ảo tưởng sức mạnh.”
— SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 5.2

Nhiều người không muốn đánh giá chính xác trình độ của bản thân. Có lẽ họ sợ việc tự soi xét sẽ làm suy giảm niềm tin về năng lực của chính họ. Theo châm ngôn của Goethe, “đánh giá cao bản thân” là thất bại khủng khiếp của mỗi cá nhân. Nếu bạn không thực sự xem xét điểm yếu của mình, làm sao bạn có thể tự nhận thức được bản thân?
Đừng sợ việc tự đánh giá năng lực vì bạn lo lắng phải thú nhận với bản thân điều gì đó. Vế sau của châm ngôn Goethe cũng rất quan trọng. Ông chỉ ra rằng “tự đánh giá thấp bản thân” cũng gây tổn hại không kém so với “đánh giá cao bản thân”. Có phải đôi khi ta cũng ngạc nhiên về khả năng vượt qua nghịch cảnh mà ta nghĩ mình không thể đối phó? Cái cách mà ta có thể gạt bỏ đi nỗi đau mất mát người ta thương yêu và quan tâm đến người khác dù chúng ta luôn nghĩ rằng chúng ta sẽ vô cùng suy sụp nếu có chuyện gì xảy ra với bố mẹ hoặc anh chị em của chúng ta. Hay cái cách mà chúng ta có thể vươn lên trong một tình huống căng thẳng hoặc tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống.
Tự đánh giá thấp khả năng của mình cũng nguy hiểm không kém sự ảo tưởng về năng lực bản thân. Hãy trau dồi khả năng đánh giá một cách chính xác và trung thực bản thân. Hãy suy xét chính mình để nhận ra năng lực của bản thân và cách mở khóa tiềm năng đó.

Ngày 3 tháng 3: (KHÔNG) HÒA HỢP

“Có những thứ không được đi cùng với nhau. Ngươi phải là một con người thống nhất, hoặc tốt hoặc xấu. Ngươi phải chăm chỉ tập trung vào hoặc là lý trí của mình hoặc là những điều nằm ngoài tầm kiểm soát — Chỉ nên đặc biệt quan tâm đến những gì bên trong chứ không phải những thứ bên ngoài. Hay nói cách khác là: Nếu không đứng cạnh triết gia thì sẽ phải đứng cạnh đám đông tầm thường.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.15.13

Con người rất phức tạp. Chúng ta có nhiều mặt xung đột trong ham muốn, khát khao và nỗi sợ hãi. Thế giới bên ngoài cũng không kém phần rắc rối và mâu thuẫn. Nếu chúng ta không cẩn thận, những ngoại lực mạnh mẽ này sẽ khiến ta chao đảo, và cuối cùng sẽ phân tách chúng ta ra. Dù sao đi nữa, chúng ta không thể sống hai mặt như Jekyll and Hyde* được. Tình trạng ấy không kéo dài mãi được đâu.
Chúng ta có một lựa chọn: hoặc là đứng cạnh triết gia và hết sức tập trung vào bản thân, hoặc là cư xử như một thủ lĩnh của đám đông ngu muội, trở thành bất cứ điều gì đám đông cần tại một thời điểm nhất định.
Nếu chúng ta không tập trung vào việc tự nhận thức và sự hòa hợp đến từ thế giới bên trong tâm hồn, ta sẽ rất dễ đối mặt với rủi ro không có được sự hòa hợp với thế giới bên ngoài.

*Jekyll and Hyde (Nguyên tác:Strange Case of Dr. Jekyll and Mr. Hyde): cụm từ “Jekyll & Hyde” đã được sử dụng để nói về một người có tính cách và đạo đức rất khác nhau trong nhiều trường hợp, mà tiếng Việt thường hay gọi là “đừng trông mặt mà bắt hình dong”, “nhìn vậy nhưng không phải vậy”. — ND

Ngày 4 tháng 3: NHẬN THỨC LÀ SỰ TỰ DO

“Người sống tự do là người mà sống theo những gì họ muốn, không bị ép buộc, không bị ngăn cản, cũng không bị giới hạn, là những người mà sự lựa chọn của họ không bị cản trở, những người khao khát thành công và là những ai không rơi vào cái bẫy ngăn họ đạt mục tiêu của mình. Liệu có ai muốn sống trong sự gian dối – vấp ngã, mắc sai lầm, vô kỷ luật, luôn phàn nàn, quẩn quanh trong một lối mòn? Chẳng ai muốn vậy cả. Còn đây chính là những người đó, những người không sống theo những gì họ muốn, và vì thế mà những người này không được tự do.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.1.1–3a

Thật buồn khi cân nhắc đến việc mọi người phải dành bao nhiêu thời gian về những việc “phải” làm trong 1 ngày — không phải là nhiệm vụ cần thiết như công việc hay gia đình, mà là những nghĩa vụ chúng ta chấp nhận làm xuất phát từ sự ngốc nghếch và thiếu hiểu biết.Hãy xem xét các hành động mà chúng ta thực hiện để gây ấn tượng với người khác hoặc thời gian chúng ta sẽ dùng để thúc đẩy sự thôi thúc hoặc mong muốn mà chúng ta thậm chí chưa từng nghi vấn. Trong một trong những bức thư nổi tiếng của mình, Seneca quan sát thấy mức độ thường xuyên của những người quyền lực trở thành nô lệ cho đồng tiền của họ, cho vị trí của họ, cho tình nhân của họ, thậm chí là cho cả những người nô lệ của họ (điều từng là hợp pháp ở Rome). Ông mỉa mai: “Không có chế độ nô lệ nào đáng xấu hổ hơn là một người tự áp đặt chính họ”.
Chúng ta thấy chế độ nô lệ này mọi lúc, một người bạn lệ thuộc không thể làm gì ngoài việc dọn dẹp mớ hỗn độn do người bạn tệ hại của mình gây ra, một ông chủ soi từng li từng tí nhân viên của mình và vắt kiệt từng xu. Vô số những vấn đề, sự kiện và các cuộc họp mặt mà chúng ta quá bận rộn để tham gia nhưng dù gì vẫn phải đồng ý một cách miễn cưỡng.
Hãy tự xem lại những nghĩa vụ của bạn. Xem có bao nhiêu trong số này là bạn tự áp đặt? Có bao nhiêu trong số chúng là thực sự cần thiết? Bạn có tự do như bạn nghĩ không?

Ngày 5 tháng 3: CẮT GIẢM CHI PHÍ ĐẮT ĐỎ

“Vậy nên, khi bàn đến những gì chúng ta theo đuổi, những gì khiến chúng ta nỗ lực một cách mạnh mẽ để đạt được, thì chúng ta thiếu đi sự cân nhắc này — chẳng có gì hữu ích trong số chúng, hoặc hầu hết đều không hữu ích. Một vài trong số đó là vô dụng, trong khi số khác thì không đáng giá đến như vậy. Nhưng chúng ta không hề nhận ra điều này và xem chúng như là miễn phí, khi chúng khiến ta phải trả giá đắt.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 42.6

Trong những bức thư của Seneca, đây chắc chắn là 1 bức thư quan trọng nhất và cũng là ít được hiểu rõ nhất. Ông đã đưa ra một quan điểm chưa từng thấy trong một xã hội của những ngôi nhà ngày càng to lớn hơn và sở hữu tài sản nhiều hơn: đó là một chi phí chìm cho tất cả những gì mà chúng ta tích lũy. Và chúng ta nhận ra điều đó càng sớm thì càng tốt.
Hãy nhớ rằng: ngay cả những gì bạn nhận được miễn phí cũng có một chi phí dùng để tích trữ nó — trong nhà kho và trong tâm trí của bạn. Khi bạn nhìn lại một lượt những gì bạn sở hữu ngày hôm nay, hãy tự hỏi: Tôi có cần cái này không? Nó có thừa không? Giá trị thật của nó là gì? Cái giá tôi phải trả cho nó là gì?
Bạn có thể ngạc nhiên bởi các câu trả lời và cái giá bản thân đang phải trả mà không hề hay biết.

Ngày 6 tháng 3: ĐỪNG KỂ CHUYỆN CỦA MÌNH

“Ở nơi công cộng tránh nói chuyện thường xuyên và quá mức về những thành tựu và những mối nguy hiểm của ngươi, cho dù ngươi rất thích kể lại những mối nguy hiểm của mình, nhưng nó không hề dễ chịu với người khác khi phải nghe về những vấn đề của ngươi.”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 33.14

Nhà triết học hiện đại Nassim Taleb đã cảnh báo về sự “ngụy biện tường thuật” — xu hướng lắp ráp các sự kiện không liên quan đến quá khứ thành các câu chuyện. Những câu chuyện này, mặc dù khiến người kể hài lòng, nhưng lại sai lệch. Chúng dẫn tới một cảm giác gắn kết và chắc chắn không hề có thật
Nếu điều đó quá làm bạn phấn khích, hãy nhớ Epictetus đã chỉ ra, có một lý do khác để không kể những câu chuyện quá khứ của bạn. Nó nhàm chán, khó chịu, và là sự tự mãn. Nó có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái khi làm chủ cuộc trò chuyện và khiến mọi thứ hướng về bạn, nhưng bạn nghĩ xem những người khác thấy thế nào? Bạn có nghĩ rằng mọi người thực sự thích những diễn biến trong ngày hội bóng đá ở trường cấp ba của bạn không? Đây có thực sự là thời điểm dành cho một câu chuyện phóng đại nào đó về khả năng tình dục của bạn không? Bạn hãy cố gắng hết sức để không tạo ra những quả bong bóng tưởng tượng này, hãy sống với thực tế. Lắng nghe và kết nối với mọi người nhưng đừng trình bày với họ.

Ngày 7 tháng 3: ĐỪNG TIN TƯỞNG CÁC GIÁC QUAN

“Heraclitus gọi việc tự dối lừa bản thân là một bệnh tật kinh khủng, và thị lực là một giác quan giả dối.”
— DIOGENES LAERTIUS, LIVES OF THE EMINENT PHILOSOPHERS, 9.7

Khả năng tự nhận thức là năng lực đánh giá bản thân một cách khách quan. Đó là khả năng đặt câu hỏi nghi vấn với trực giác, những khuôn mẫu, những giả thuyết của mình. Oiêsis*, sự tự lừa dối bản thân hay quan điểm ngạo mạn và cứng đầu, nó đòi hỏi bạn cứ khư khư ôm lấy quan điểm của mình một cách mù quáng, đến nỗi ngay cả thị giác cũng đánh lừa bạn.
Điều đó thật đáng báo động. Thậm chí ta còn không tin được chính giác quan của mình?! Chắc chắn, bạn có thể nghĩ theo hướng đó. Hoặc là, bạn có thể nghĩ rằng: vì các giác quan thường có sự sai lệch, vì cảm xúc thường bị kích thích quá đà, vì những tiên đoán thường lạc quan thái quá, vậy nên, ta không nên kết luận quá nhanh về bất cứ thứ gì. Mọi hành động, ta đều có thể đợi thêm một nhịp, để ý thức rõ ràng hơn về mọi thứ đang diễn ra – qua đó ta có thể đưa ra quyết định đúng đắn.

*Oiêsis (ottaἴησις): tự phụ, tự lừa dối, ảo tưởng, ý kiến kiêu ngạo hoặc ý niệm.

Ngày 8 tháng 3: ĐỪNG VÔ Ý GIAO SỰ TỰ DO CỦA MÌNH

“Nếu một kẻ khác trao cơ thể của ngươi cho một người vãng lai, ngươi sẽ tức giận. Nhưng ngươi lại tự trao suy nghĩ của mình cho bất kỳ ai ngươi gặp, và những người đó có thể hành hạ, mang đến những rối loạn và phiền toái cho ngươi – ngươi không thấy xấu hổ vì điều đó sao?”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 28

Một cách bản năng, bạn bảo vệ cơ thể vật lý của mình. Chúng ta không để người khác tự tiện động chạm, xô đẩy, chặn đường nơi bạn đi. Còn về tâm trí, bạn lại không có nhiều sự tự quản như vậy. Bạn sẵn sàng để tâm trí của mình bị dắt mũi bởi phương tiện truyền thông, mạng xã hội, truyền hình, bởi những gì người khác đang làm, nghĩ, hoặc nói. Vừa ngồi xuống để làm việc thì một lúc sau, bạn đã bắt đầu lướt web. Bạn vừa đoàn tụ với gia đình được vài phút thì bạn lại rút điện thoại ra. Đến một công viên yên bình, thay vì tự nhìn vào nội tâm mình, bạn lại đi phán xét những người đang đi qua.
Bạn thậm chí còn không biết mình đã, đang làm những hành động đó. Bạn không nhận thức được những hành động đó lãng phí, thiếu hiệu quả, độc hại và khiến bạn mất tập trung. Điều tệ hơn là – không ai khác chịu trách nhiệm cho những điều trên cả, mà là chính bạn.
Với những nhà Khắc kỷ, điều trên thật đáng ghê tởm. Họ biết rằng thế giới có thể nắm quyền kiểm soát thân thể này – có thể bạn sẽ bị ném vào tù, hoặc thời tiết hành hạ tấm thân này không thương tiếc. Nhưng còn tâm trí? Tâm trí là của bạn. Bạn phải bảo vệ nó. Làm ơn giữ quyền kiểm soát suy nghĩ và nhận thức của mình, những nhà Khắc kỷ sẽ khuyên bạn như vậy. Đó là tài sản đáng giá nhất của chính bạn.

Ngày 9 tháng 3: HÃY CHỌN ĐÚNG MÔI TRƯỜNG

“Trên hết, cần đảm bảo điều này — rằng ngươi sẽ không bám chấp vào những mối quan hệ cũ, những người bạn bè mà kéo ngươi xuống cùng đẳng cấp với họ. Nếu ngươi không thực hiện được, cuộc đời ngươi sẽ bị hủy hoại… Ngươi cần chọn giữa việc được ưa thích bởi những người bạn đó và vẫn là con người y như cũ, hoặc là trở thành một người tốt hơn và chấp nhận đánh đổi những người bạn này…Nếu cố chọn cả hai, ngươi sẽ chẳng có được tiến bộ, cũng như chẳng giữ được những gì ngươi từng có.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.2.1; 4–5

“Ngươi sẽ học được điều tốt từ người tốt, còn nếu giao du với kẻ xấu, ngươi sẽ hủy hoại linh hồn mình.”
— MUSONIUS RUFUS, QUOTING THEOGNIS OF MEGARA, LECTURES, 11.53.21–22

Jim Rohn có câu nói nổi tiếng, hay được trích dẫn thế này: “Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn thân nhất.” James Altucher khuyên các nhà văn trẻ, những doanh nhân khởi nghiệp hãy đi tìm “môi trường” của mình — một nhóm người thúc đẩy họ trở nên tốt hơn. Phụ huynh của bạn có thể nhăn mặt khi thấy bạn giao du với bạn xấu: “Hãy nhớ rằng, gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” Câu châm ngôn sau của Goethe có lẽ sáng tỏ hơn với nhiều người: “Hãy cho ta biết ngươi giao du với kẻ nào, và ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi là hạng thế nào.”
Hãy có ý thức trong việc cân nhắc xem những ai được phép bước vào cuộc đời bạn – không phải theo một cách thượng đẳng, mà dưới góc nhìn của người đang cố gắng kiến tạo một cuộc sống tốt nhất có thể. Hãy nghĩ về những người bạn gặp gỡ, dành thời gian cùng và tự hỏi: Liệu họ có khiến tôi tốt hơn? Liệu họ có khuyến khích tôi tiến lên phía trước và có yêu cầu tôi giải trình một cách thích đáng những gì mình làm? Hay là họ đang kéo tôi xuống cho bằng đẳng cấp của họ? Sau khi nghĩ kỹ câu trả lời, hãy tự hỏi mình câu hỏi quan trọng nhất: Liệu tôi nên dành thêm hay bớt thời gian cho họ?
Phần thứ hai của trích dẫn nói trên của Goethe nhắc chúng ta về sự mạo hiểm của lựa chọn này. “Nếu ta biết được ngươi dành thời gian thế nào”, Goethe nói tiếp, “vậy ta sẽ biết được thứ gì sẽ xảy đến với ngươi.” 

Ngày 10 tháng 3: TÌM CHO MÌNH MỘT TRIẾT GIA CATO

“Chúng ta có thể loại bỏ hầu hết mọi tội lỗi nếu chúng ta có một nhân chứng đứng bên cạnh khi chúng ta sắp làm điều sai trái. Linh hồn ta nên có một người để tôn kính, tấm gương của người đó có thể làm cho sự tôn nghiêm bên trong linh hồn trở nên bất khả xâm phạm hơn. Vui mừng là người đó có thể giúp người khác cải thiện không chỉ khi có mặt, mà ngay cả khi họ chỉ hiện diện trong ý nghĩ!”
— SENECA, MORAL LETTERS, 11.9

Cato Trẻ, một chính trị gia La Mã nổi tiếng với sự tự kỷ luật và sự dũng cảm bảo vệ Cộng hòa chống lại Julius Caesar, xuất hiện liên tục trong các tài liệu về Chủ nghĩa Khắc kỷ, điều này thật thú vị vì ông đã không viết xuống bất cứ điều gì. Ông không dạy các lớp học, cũng không trả lời phỏng vấn. Tấm gương táo bạo và dũng cảm của ông là điều khiến ông trở thành một triết gia rất hay được nhắc đến và trích dẫn.
Seneca nói với chúng ta rằng mỗi chúng ta nên có Cato của riêng mình — một người vĩ đại và cao quý mà chúng ta có thể cho phép vào tâm trí để hướng dẫn hành động của mình, ngay cả khi họ không có mặt. Nhà kinh tế học Adam Smith có một khái niệm tương tự là khán giả trung lập (indifferent spectator). Không nhất thiết phải là một người có thực ở thời điểm hiện tại, chỉ cần một người như Seneca nói, có thể làm chứng cho hành vi của chúng ta ngay cả trong suy nghĩ. Một người có thể âm thầm nhắc nhở chúng ta nếu chúng ta đang toan tính làm điều gì đó lười biếng, không trung thực hoặc ích kỷ.
Và nếu chúng ta làm đúng, sống cuộc đời của mình theo cách như vậy, có lẽ chúng ta có thể trở thành một Cato hay một khán giả trung lập của ai đó khi họ cần.

Ngày 11 tháng 3: SỐNG KHÔNG BỊ GIỚI HẠN

“Những người không bị giới hạn luôn làm chủ vận mệnh, nắm trong tay những gì họ mong muốn trong mọi tình thế, họ tự do. Ngược lại, những người bị giới hạn, bị ép buộc hoặc bị đẩy vào những thứ ngăn cản họ đến với niềm khao khát thực sự lại là nô lệ.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.1.128b–129a

Hãy quan sát những người quyền lực, giàu có và nổi tiếng nhất thế giới. Bỏ qua những cái bẫy của sự thành công và những gì họ có thể mua. Thay vào đó, hãy nhìn vào những gì họ buộc phải đánh đổi, vào những cái giá phải trả của sự thành công.
Hầu hết họ có sự tự do không? Công việc đòi hỏi họ phải cư xử giả tạo, đóng vest, tham dự những bữa tiệc, ôm hôn những người họ không thích. Họ không thể nói những gì họ thực sự nghĩ. Tệ hơn nữa, để thành công, họ trở thành một kiểu người khác hoặc phải làm những điều xấu.
Chắc chắn, họ có thể có nhiều tiền, nhưng họ chưa từng thực sự xem xét lại những đánh đổi. Như Seneca đã nói: “Nô lệ cư trú dưới đá cẩm thạch và vàng”. Quá nhiều người thành công là tù nhân trong nhà tù do chính họ tạo ra. Đó là điều bạn muốn? Đó có phải là những gì bạn làm việc chăm chỉ để có được? Hy vọng là không.

Ngày 12 tháng 3: NHÌN NHẬN MỌI THỨ NHƯ MỘT NGƯỜI CÓ LỖI

“Bất cứ khi nào ai đó làm điều gì sai với ngươi, hãy ngay lập tức cân nhắc xem người đó đã có suy nghĩ tốt hay xấu gì khi làm vậy. Vì khi đó, ngươi sẽ cảm thấy thương cảm, thay vì kinh ngạc hay nổi cơn thịnh nộ. Nếu ngươi có cùng quan điểm về tốt và xấu hay cũng làm điều tương tự, ngươi sẽ chấp nhận những gì họ đã làm. Nhưng nếu ngươi không còn giữ những quan điểm cũ, ngươi sẽ sẵn sàng khoan dung hơn cho lỗi lầm của họ.”
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.26

Socrates, có lẽ là người thông thái nhất từng sống, đã từng nói: “Không ai cố ý sai”. Có nghĩa là không ai có mục đích làm sai cả. Không ai nghĩ rằng họ sai, ngay cả khi họ sai. Họ nghĩ rằng họ đúng, họ chỉ sai sót mà thôi. Nếu không, họ sẽ không nghĩ đến nữa!
Có thể là những sự coi thường hoặc những tổn hại mà người khác đã gây ra cho bạn không phải là cố ý? Điều gì sẽ xảy ra nếu họ chỉ đơn giản nghĩ rằng họ đang làm điều đúng đắn đối với họ, ngay cả đối với bạn? Nó giống như lời tưởng niệm những người lính Liên minh miền nam thời Nội chiến Hoa Kỳ tại Arlington (những người làm sai đã đấu tranh vì mục đích sai trái), rằng những người lính Liên minh miền nam đã: “tuân theo đúng nghĩa vụ của mình, như cách họ diễn giải nó.” Một lần nữa, họ hiểu sai, nhưng đó là sự hiểu biết chân thật của họ, cũng giống như Lincoln đã thẳng thắn nói ra khi ông kết thúc bài diễn văn Cooper Union nổi tiếng: “Hãy để chúng tôi, cho đến cùng, dám làm nhiệm vụ của chúng tôi như cách chúng tôi hiểu.”
Hôm nay bạn sẽ bao dung và hiểu biết hơn bao nhiêu nếu bạn có thể xem hành động của người khác là cố gắng làm điều đúng đắn? Cho dù bạn có đồng ý hay không, lăng kính này sẽ thay đổi hoàn toàn quan điểm của bạn về các hành động gây khó chịu hoặc hiếu chiến như thế nào?

Ngày 13 tháng 3: MỘT NGÀY NÀO ĐÓ TẤT CẢ SẼ CÓ Ý NGHĨA

“Bất cứ khi nào ngươi thấy mình đang đổ lỗi cho tạo hóa, hãy dùng toàn bộ tâm trí để nhìn hết tất cả các khía cạnh và ngươi sẽ thấy những điều đã xảy ra đều có một lý do nào đó.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.17.1

Một phần lý do khiến chúng ta chiến đấu chống lại những điều xảy ra là chúng ta quá tập trung vào kế hoạch của bản thân mà quên rằng có một kế hoạch to lớn hơn mà chúng ta không biết tới. Không phải đó là trường hợp rất nhiều lần những chuyện ta nghĩ là thảm họa qua dấu vết của thời gian lại trở thành điều ăn may hay sao? Chúng ta cũng quên rằng chúng ta không phải những người duy nhất quan trọng trên thế gian này, và mất mát của chúng ta có thể lại chính là lợi lộc của người khác.
Lý do khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ là một vấn đề đơn giản của sự nhận thức. Chúng ta cần nhớ rằng tất cả mọi thứ đều có một lý do – nhưng đôi khi chúng ta không thể nhìn thấy những lý do đó bởi vì chúng lớn lao và mang tầm cỡ vũ trụ. Một cơn bão bất ngờ có thể hình thành do một con bướm đập cánh từ bên kia bán cầu hoặc những bất hạnh ta chịu đựng là mở đầu cho một tương lai dễ chịu và đáng ghen tỵ.

Ngày 14 tháng 3: TỰ LỪA DỐI LÀ KẺ THÙ CỦA CHÚNG TA

“Zeno cũng sẽ nói rằng nếu muốn nắm được tri thức một cách vững vàng, không có kẻ thù nào mạnh hơn sự tự lừa dối.”
— DIOGENES LAERTIUS, LIVES OF THE EMINENT PHILOSOPHERS, 7.23

Tự lừa dối, hay những ảo tưởng về sự vĩ đại – nó không chỉ là những đặc điểm tính cách khó chịu. Bản ngã (Ego) còn hơn cả sự khó chịu và đáng ghét. Đáng lẽ ra, nó phải là kẻ thù đáng nguyền rủa của khả năng học hỏi và phát triển.
Như Epictetus đã nói, “Một người không thể bắt đầu học hỏi nếu như anh ta nghĩ rằng anh ta đã biết tất.” Ngày nay, chúng ta sẽ không thể trau dồi tư tưởng, không thể học, không thể có được sự tôn trọng mọi thứ nếu như chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã hoàn hảo, nghĩ rằng chúng ta là một thiên tài có hiểu biết sâu và rộng. Trong đó, bản ngã và sự tự lừa dối là kẻ thù của những thứ chúng ta muốn có bởi vì chúng lừa dối bản thân chúng ta vào việc tin tưởng rằng chúng ta đã có được những thứ đó.
Vì vậy, chúng ta cần đối mặt với bản ngã bằng một thái độ thù địch và coi thường bởi vì chúng đang âm thầm dàn trận để chống lại chúng ta – dù chỉ là một ngày một lần, hãy tránh xa chúng.

Ngày 15 tháng 3: HIỆN TẠI LÀ TẤT CẢ NHỮNG GÌ CHÚNG TA CÓ

“Ngươi đã sống ba ngàn năm, hay thậm chí gấp nhiều lần số đó, hãy nhớ rằng không ai mất cuộc sống nào ngoài cuộc sống họ đang có và không ai sống một cuộc sống nào ngoài cuộc sống họ đang mất. Cuộc sống dài nhất hay cuộc sống ngắn nhất, là tương đương nhau, tất cả mọi người đều sở hữu thời điểm hiện tại và nó kéo dài như nhau. Không ai có thể đánh mất quá khứ hay tương lai, bởi vì làm sao họ có thể bị tước đi những gì không phải là của họ?”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 2.14

Hôm nay, hãy chú ý tần suất bạn muốn có nhiều hơn nữa. Đó là, muốn quá khứ tốt hơn những gì nó đã xảy ra (khác biệt, tốt hơn, vẫn ở đây…) hoặc muốn tương lai diễn ra chính xác như những gì bạn mong đợi (mà hầu như không nghĩ đến việc nó sẽ ảnh hưởng tới người khác như thế nào).
Khi bạn làm điều này, bạn đã bỏ quên khoảnh khắc hiện tại. Đó là sự vô ơn! Đây là một câu nói đáng nhớ của Bil Keane, họa sĩ truyện tranh: “Ngày hôm qua là quá khứ, ngày mai là tương lai, nhưng hôm nay là một món quà (gift). Đó là lý do nó được gọi là Hiện tại (present — vừa có nghĩa là hiện tại vừa có nghĩa là món quà — ND)”. Chúng ta sở hữu món quà này – nhưng chúng có một hạn sử dụng rất ngắn. Nếu bạn tận hưởng tất cả món quà, tận hưởng tất cả hiện tại, nó sẽ là đủ. Món quà đó có thể kéo dài cả cuộc đời nếu chúng ta biết trân trọng.

Ngày 16 tháng 3: THẦN TRÍ THIÊNG LIÊNG TRONG BẠN

“Hãy giữ gìn sự thiêng liêng của khả năng hiểu biết của ngươi. Bởi vì trong khả năng đó, những nguyên tắc của ngươi không chấp nhận bất cứ thứ gì trái với quy luật của tự nhiên hoặc trái với một sinh vật có logic. Nó đòi hỏi sự siêng năng, quan tâm đến người khác và sự vâng phục Chúa.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 3.9

Bạn có khả năng suy nghĩ, đọc những dòng này, và suy luận trong các tình huống để cải thiện hoàn cảnh và trở nên tốt hơn — tất cả điều này cho bạn khả năng cải thiện tình cảnh của mình và trở nên tốt đẹp hơn. Việc đánh giá cao khả năng này là quan trọng, vì nó là một khả năng đích thực. Không phải ai cũng may mắn như vậy.
Nghiêm túc mà nói, những gì bạn cho là hiển nhiên thì có người dù mơ cũng không có được.
Ngày hôm nay bạn hãy sống chậm lại một chút và nhớ rằng bạn được chúc phúc với khả năng sử dụng logic và lý trí trong các tình huống và hoàn cảnh. Điều này mang đến cho bạn sức mạnh không thể tưởng tượng để thay đổi hoàn cảnh của bạn và của người khác. Và hãy nhớ rằng quyền lực đi đôi với trách nhiệm.

Ngày 17 tháng 3: CÁI ĐẸP CỦA SỰ LỰA CHỌN

“Ngươi không phải là cơ thể của mình, cũng không phải kiểu tóc ngươi đang để, mà sự lựa chọn sáng suốt mới làm nên ngươi. Nếu lựa chọn những thứ tốt đẹp, ngươi cũng sẽ trở nên như vậy”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.1.39b—40a

Đây chính là câu nói mà tương tự với câu nói trong bộ phim Fight Club (Sàn đấu sinh tử): “Bạn không phải công việc bạn đang làm, bạn không phải số tiền bạn có trong ngân hàng. Bạn không phải chiếc xe hơi bạn lái. Bạn không phải những gì đang đựng trong ví tiền của mình.” Chắc chắn rằng Epictetus chưa từng xem bộ phim hay đọc quyển tiểu thuyết này – Nhưng có vẻ như chủ nghĩa tiêu thụ từng chiếm lĩnh những năm 1990s cũng đã từng tồn tại nơi Rome cổ đại.
Thật dễ dàng để nhầm lẫn hình ảnh chúng ta trình bày với thế giới về con người thực sự của chúng ta, đặc biệt là khi các thông điệp truyền thông đang cố tình làm mờ đi sự khác biệt đó.
Bạn có thể trông xinh đẹp ngày hôm nay, nhưng nếu sự xinh đẹp của bạn chỉ là kết quả của việc bạn quá bị ám ảnh phải trông xinh đẹp trong chiếc gương vào mỗi buổi sáng thì các nhà Khắc kỷ sẽ hỏi rằng bạn liệu có thật sự xinh đẹp? Một cơ thể cường tráng nhờ tập luyện chăm chỉ sẽ thực sự đáng ngưỡng mộ. Một cơ thể chỉ để gây ấn tượng cho người khác với những cơ bắp trong phòng tập thì không.
Đó là những gì các nhà Khắc kỷ thôi thúc chúng ta xem xét. Đừng chỉ nhìn nhận mọi thứ qua vẻ bề ngoài của nó, mà hãy nhìn vào hành động, nhìn vào nỗ lực, nhìn vào sự lựa chọn đã tạo nên kết quả như vậy.

Ngày 18 tháng 3: NÓ SẼ KHÔNG THỂ NÀO XẢY RA NẾU BẠN KHÔNG CHO PHÉP

“Hôm nay ta đã tránh cho bản thân thoát khỏi những tình huống trớ trêu, nói đúng hơn là, ta đã ném chúng ra, vì chúng không đến từ bên ngoài mà là bên trong ta, từ những nhận định của bản thân ta.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 9.13

Vào những ngày khó khăn, bạn thường tự nhủ rằng “Công việc của tôi thật quá sức chịu đựng” hay “Sếp của tôi thật gắt gỏng”. Giá như bạn có thể hiểu rằng điều này là không thể. Việc ai đó khiến bạn thất vọng hay công việc làm bạn thấy quá sức – Đều là những thứ bên ngoài và chúng không hề có quyền tác động vào tâm trí của bạn. Những cảm xúc, mà bạn cảm nhận được đều là có thật, tuy vậy chúng lại xuất phát từ trong đầu bạn chứ không phải từ hoàn cảnh bên ngoài.
Các nhà Khắc kỷ sử dụng từ hypolêpsis, có nghĩa là “chiếm lấy” – sự chiếm lấy nhận thức, suy nghĩ và sự đánh giá của tâm trí. Những gì bạn cảm nhận, những gì bạn sẵn sàng tạo ra trong tâm trí, điều đó tùy thuộc vào bạn. Bạn không thể đổ lỗi cho người khác vì đã khiến bạn cảm thấy căng thẳng hoặc thất vọng cũng như bạn không thể đổ lỗi cho họ vì sự ghen tị của mình. Nguyên nhân là từ bên trong bạn, họ chỉ đang là mục tiêu để bạn xả mà thôi.

Ngày 19 tháng 3: TRÍ TUỆ VƯỢT THỜI GIAN

“Có hai quy tắc luôn phải nhớ — đó là không có gì tốt hay xấu ngoài lựa chọn có lý trí của bản thân, và chúng ta không nên cố gắng dẫn dắt sự việc mà hãy thuận theo chúng.”
—EPICTETUS, DISCOURSES, 3.10.18

Vào giữa thế kỷ 20, có một linh mục Công giáo người Ấn Độ tên là Anthony de Mello. Sinh ra ở Bombay khi Ấn Độ vẫn còn thuộc quyền kiểm soát của nước Anh, de Mello là một sự pha trộn của nhiều nền văn hóa và quan điểm khác nhau giữa Đông và Tây, thậm chí Mello còn được đào tạo như một nhà tâm lý trị liệu. Thật thú vị khi người ta thấy trí tuệ vượt thời gian phát triển trong các trường học, qua các thời đại và ý tưởng. Đây là một câu trích dẫn trong sách của de Mello, cuốn The Way to Love (Con đường dẫn đến tình yêu — ND), nghe gần giống với Epictetus:
“Nguyên nhân khiến tôi khó chịu không phải ở người khác mà là ở tôi.”
Hãy nhớ rằng, mỗi cá nhân đều có một sự lựa chọn. Bạn luôn là người kiểm soát. Nguyên nhân của sự kích thích — hoặc quan niệm của bạn về cái gì đó không tốt — xuất phát từ chính kỳ vọng của bạn hay những cái nhãn mà bạn gán cho chúng. Thật dễ dàng khi bạn có thể thay đổi những cái nhãn này; bạn có thể thay đổi quyền lợi để quyết định chấp nhận và yêu thích những thứ xảy ra xung quanh bạn. Và trí tuệ này đã được lặp lại và phát hiện trong mỗi thế kỷ và mỗi quốc gia kể từ thuở xa xưa.

Ngày 20 tháng 3: HÃY TRONG TÂM THẾ SẴN SÀNG

“Ta có thể muốn thoát khỏi sự tra tấn, nhưng nếu đã đến lúc ta phải chịu đựng nó, ta sẽ muốn chịu đựng nó một cách can đảm với lòng dũng cảm và danh dự. Liệu ta có thực sự muốn rơi vào chiến tranh không? Nhưng nếu chiến tranh xảy ra với ta, ta sẽ muốn được ngẩng cao đầu mà mang theo những vết thương, sự đói khát và những gì cần thiết cho chiến tranh. Ta cũng không điên đến mức khao khát bệnh tật, nhưng nếu ta buộc phải đối mặt với bệnh tật, ta sẽ không muốn làm điều gì liều lĩnh hay đê tiện. Trọng tâm không nằm ở việc không ước những nghịch cảnh này xảy ra, mà nằm ở những đức tính giúp cho những nghịch cảnh này trở nên có thể chịu đựng được.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 67.4

Tổng thống James Garfield là một người vĩ đại — lớn lên trong hoàn cảnh khiêm tốn — tự học, và cuối cùng trở thành một anh hùng thời Nội chiến — người không thể đi hết nhiệm kỳ Tổng thống chỉ vì viên đạn của sát thủ. Trong thời gian ngắn tại vị, ông phải đối mặt với một đất nước bị chia rẽ cũng như nội bộ đảng Cộng hòa bất ổn. Trong một cuộc chiến thách thức chính quyền tổng thống, ông đứng dậy, nói với một cố vấn: “Tất nhiên, tôi không tán thành chiến tranh, nhưng nếu nó được đưa đến trước cửa nhà tôi, người mang nó đến sẽ tìm thấy tôi ở nhà.”
Đó cũng là những gì mà Seneca muốn nói ở đây. Ta sẽ là người điên nếu ta mong muốn được đối mặt với khó khăn trong cuộc sống. Và ta cũng điên rồ không kém khi giả vờ rằng điều đó sẽ không xảy ra. Đó là lý do tại sao khó khăn gõ cửa nhà bạn — rất có thể vào sáng nay — và hãy chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị để đáp lời. Không phải theo cách của bạn khi một vị khách bất ngờ đến vào đêm khuya, mà là cách bạn chờ đợi một vị khách quan trọng: mặc quần áo chỉnh tề, và trong tâm thế sẵn sàng.

Ngày 21 tháng 3: NƠI NGHỈ DƯỠNG TỐT NHẤT LÀ Ở ĐÂY, KHÔNG PHẢI NGOÀI KIA

“Mọi người tìm nơi nghỉ dưỡng cho chính bản thân họ ở vùng ngoại ô, hay ở gần biển, hay ở trên núi. Ngươi rất có khả năng cũng mong muốn những điều tương tự. Nhưng một người bình thường hoàn toàn có khả năng tìm nơi nghỉ dưỡng ngay trong chính bản thân mình bất cứ lúc nào. Không nơi nào ngươi có thể tìm thấy một nơi ẩn náu yên bình và ít bận rộn hơn trong tâm hồn của mình — đặc biệt là nếu để ý kỹ ngươi sẽ thấy nó thật dễ chịu, điều ta tin rằng nó được sắp đặt. Hãy thường xuyên đến nơi này và làm mới bản thân.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.3.1

Bạn có một kỳ nghỉ sắp tới? Bạn mong muốn đến cuối tuần để bạn có thể có một chút yên bình và yên tĩnh? Bạn nghĩ, có lẽ là, hãy để sau khi mọi thứ ổn định hoặc sau khi tôi làm xong việc này. Nhưng đã bao lần điều này có tác dụng?
Thiền sư Jon Kabat—Zinn có một câu nói nổi tiếng: “Bất cứ nơi nào bạn đến, bạn đều ở đó.” Chúng ta có thể tìm một nơi nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào bằng cách nhìn vào bên trong. Chúng ta có thể ngồi nhắm mắt và cảm nhận hơi thở của mình đi vào và đi ra. Chúng ta có thể mở một vài bài nhạc và phớt lờ thế giới xung quanh. Chúng ta có thể tắt những thiết bị công nghệ hoặc loại bỏ những dòng suy nghĩ lan man đâu đó trong đầu. Điều đó sẽ cho chúng ta yên bình. Không gì khác.

Ngày 22 tháng 3: DẤU HIỆU CỦA VIỆC HỌC TẬP ĐÚNG NGHĨA

“Học hành đúng nghĩa là như thế nào? Đó là học cách áp dụng những định kiến tự nhiên của chúng ta vào những điều đúng đắn thuận với Tự nhiên, và xa hơn nữa, là phân định những thứ nằm trong sức mạnh của chúng ta và những thứ không nằm trong đó.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.22.9–10a

Một tấm bằng treo trên tường có nghĩa là bạn có học thức, cũng như việc đôi giày trên chân bạn có nghĩa là bạn đang đi bộ. Nó là sự khởi đầu, nhưng không đủ.
Nếu không, làm thế nào nhiều người người Viking “có học” có thể đưa ra những quyết định khó hiểu đến vậy? Hay là bỏ lỡ rất nhiều điều hiển nhien? Một phần là vì họ quên rằng, họ chỉ nên tập trung vào thứ nằm trong khả năng kiểm soát của họ. Một tài liệu còn sót lại từ triết gia Heraclitus đã thể hiện điều thực tế đó:
“Nhiều người đã học
từ nhà thơ Hesiod
vô số tên của các vị thần và quái vật
đã không bao giờ hiểu
đêm và ngày thực ra là một.”
Giống như bạn vẫn có thể đi bộ tốt mà không cần giày, bạn không cần phải bước vào lớp học để hiểu những điều cơ bản, nền móng thực tế của tự nhiên và vai trò của chúng ta trong đó. Hãy bắt đầu với nhận thức và sự tự phản chiếu. Không chỉ một lần, mà là mỗi giây mỗi ngày.

Ngày 23 tháng 3: TÂM HỒN BỊ TRÓI BUỘC

“Căn bệnh của tâm hồn lý trí là những tật xấu lâu năm và cứng đầu, chẳng hạn như lòng tham và tham vọng – chúng đã đặt linh hồn vào một cái áo trói tay trói chân và chúng bắt đầu trở thành những tật xấu vĩnh viễn bên trong tâm hồn. Nói ngắn gọn, căn bệnh này là một sự biến dạng không ngừng của sự phán xét, vì vậy những thứ thay vì chỉ mong muốn ở mức độ nhẹ nhàng vừa phải thì lại được lùng sục mạnh mẽ sau đó.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 75.11

Trong thảm họa tài chính cuối những năm 2000, hàng trăm người thông minh, có lý trí đã mất hàng nghìn tỷ đô la của cải. Làm thế nào những người thông minh lại trở nên ngu ngốc như vậy? Những người này hiểu biết về hệ thống, biết các thị trường hoạt động như thế nào và đã quản lý hàng tỷ đô la, nếu không muốn nói là hàng nghìn tỷ đô la. Chưa hết, giống như là cùng một người, tất cả họ đều đã sai lầm — và đã sai về sức tàn phá cả thị trường toàn cầu.
Không khó để nhìn vào tình huống lúc đấy và hiểu rằng: lòng tham là một phần của vấn đề. Lòng tham là thứ khiến mọi người tạo ra những thị trường phức tạp mà không ai hiểu được với hy vọng kiếm được tiền nhanh chóng. Lòng tham khiến người khác thực hiện giao dịch trên những đống nợ đáng nghi. Lòng tham đã ngăn cản bất cứ ai nhận ra được rằng tình huống gì đang diễn ra — đó là một tình huống bấp bênh, chỉ chờ làn gió nhẹ để đánh sập nó.
Thật không tốt khi bạn chỉ trích những người đó sau khi chuyện đã rồi. Điều tốt hơn là nhìn vào sự tham lam và các tật xấu, xem chúng có thể có những ảnh hưởng tương tự như thế nào trong cuộc sống của bạn. Những sai sót trong phán đoán mà tật xấu của bạn có thể gây ra cho bạn là gì? Vậy “bệnh” của bạn có thể là gì?
Và làm thế nào lý trí của bạn có thể bước vào và kiểm soát chúng?

Ngày 24 tháng 3: TRIẾT HỌC NẰM TRONG MỌI THỨ

“Ăn uống như một con người, ăn mặc, kết hôn, sinh con, tích cực hoạt động chính trị — chịu đựng sự lạm dụng, kiên nhẫn với một người anh trai, người cha, người con trai, hàng xóm, hoặc bạn đồng hành cứng đầu. Cho chúng ta thấy những điều này để chúng ta có thể thấy rằng ngươi thực sự đã học được từ các nhà triết học”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.21.5–6

Plutarch, một nhà viết tiểu sử La Mã cũng như một người ngưỡng mộ các nhà Khắc kỷ, đã không bắt đầu nghiên cứu của mình về sự vĩ đại của văn học La Mã cho đến khi cuối đời. Nhưng, như ông kể lại trong tiểu sử của Demosthenes, ông ngạc nhiên khi thấy tất cả đến với mình nhanh như thế nào. Ông viết “Từ ngữ không hoàn toàn giúp tôi hiểu biết đầy đủ về các sự việc, mà bằng cách đó, chính những trải nghiệm cá nhân của tôi với những sự việc này đã cho phép tôi theo sát chặt chẽ ý nghĩa của các từ ngữ.”
Đây là những gì Epictetus muốn nói đến về nghiên cứu triết học. Học, đúng rồi, nhưng đồng thời hãy sống cuộc sống của bạn. Đó là cách duy nhất mà bạn thực sự hiểu ý nghĩa của triết học. Và quan trọng hơn, chỉ có từ những hành động và lựa chọn của bạn theo thời gian ta mới thấy được bạn có thật sự thấm nhuần được bài học gì không.
Hãy nhận ra điều đó ngay trong ngày hôm nay khi bạn đi làm, đi hẹn hò, quyết định bầu cho ai, gọi điện cho bố mẹ vào buổi tối, vẫy tay với hàng xóm khi bạn đi đến cửa nhà bạn, đưa tiền boa cho người giao hàng, hay chúc ngủ ngon người bạn yêu. Tất cả đó là triết học. Tất cả là trải nghiệm sẽ mang lại ý nghĩa cho các từ ngữ.

Ngày 25 tháng 3: GIÀU CÓ VÀ TỰ DO HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ

“Tự do không phải là thỏa mãn các ham muốn của ngươi mà là loại đi những ham muốn đó.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.1.175

Có hai cách để trở nên giàu có – đó là có mọi thứ bạn muốn hoặc là muốn mọi thứ bạn có. Vậy cách nào đơn giản hơn ngay vào lúc này? Nó cũng giống như là tự do. Nếu bạn bực dọc, chiến đấu, và đấu tranh để có nhiều hơn nữa, bạn sẽ không bao giờ được tự do. Nếu như bạn có thể tìm và tập trung vào sự tự do bạn đang có? Vậy thì bạn đã được tự do ngay lúc này rồi.

Ngày 26 tháng 3: NGUYÊN TẮC NÀO CHO LÝ TRÍ CỦA BẠN?

“Làm thế nào để lý trí tự quản lý chính bản thân nó? Vì nó chính là thứ vô cùng quan trọng để giải quyết mọi vấn đề. Dù cho còn lại là gì đi nữa, dù cho có nằm ở sức mạnh của sự lựa chọn của ngươi hay không, thì cũng chỉ còn lại không gì ngoài sương khói và tro tàn.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 12.33

Nhà trào phúng người La Mã Juvenal có câu hỏi nổi tiếng: “Quis custodiet ipsos custodes” (Ai sẽ trông chừng những người lính gác?) Theo một cách nào đó, đây là cái mà Marcus luôn tự vấn bản thân mình – và là những gì bạn có thể tự chất vấn bản thân mỗi ngày. Điều gì ảnh hưởng đến lý trí đang dẫn dắt cuộc sống của bạn
Điều này giống như là sự nghiên cứu các chủ đề như thuyết tiến hóa của sinh học, triết học, thần kinh học, và có cả tiềm thức nữa. Bởi vì những hình dạng năng lực sâu thẳm nhất nhiều nhất nằm ở những tâm trí có kỷ luật và lý trí. Bạn có thể là người kiên nhẫn nhất thế giới, nhưng nếu khoa học chứng minh rằng khi đói bụng bạn sẽ đưa ra những quyết định tồi tệ — Vậy sự kiên nhẫn đó có để làm gì?
Vậy nên đừng dừng lại ở Chủ nghĩa Khắc kỷ, mà hãy khám phá những sức mạnh mà có thể làm cho Chủ nghĩa Khắc kỷ khả thi hơn. Tìm hiểu những thứ mà cải thiện cũng như củng cố triết lý bạn đang nghiên cứu, cách mà cơ thể và tâm trí của bạn hoạt động. Hãy có hiểu biết không chỉ về lý trí đang kiểm soát bạn — người lính gác — mà còn về bất cứ ai hay bất cứ quy tắc nào đang kiểm soát lý trí bạn nữa.

Ngày 27 tháng 3: HÃY CHI TRẢ NHỮNG THỨ CÓ GIÁ TRỊ

“Diogenes thành Sinope nói rằng chúng ta bán những thứ có giá trị lớn để đổi lấy thứ có giá trị thấp hơn, và ngược lại.”
— DIOGENES LAERTIUS, LIVES OF THE EMINENT PHILOSOPHERS, 6.2.35b

Bạn có thể mua một chiếc ghế sofa nạm kim cương Plume Blanche với giá gần hai trăm ngàn đô. Và cũng có thể thuê một sát thủ để thủ tiêu một ai đó với giá năm trăm đô. Hãy nhớ lần sau khi bạn nghe một ai đó nói về cách thị trường quyết định thứ nào có giá trị. Thị trường có thể có lý…nhưng những người thâu tóm thị trường thì không.
Diogenes, người thành lập trường phái Cynic (Trường phái khuyển nho), nhấn mạnh giá trị thực sự (axia) của sự vật, một chủ đề vẫn tồn tại trong Chủ nghĩa Khắc kỷ và được thể hiện mạnh mẽ bởi cả Epictetus và Marcus. Rất dễ để đi lạc đường. Khi những người xung quanh bạn đổ gia tài của họ vào những món nữ trang đắt tiền, những thứ mà họ không thể mang theo khi họ chết đi, trông thì có vẻ như đó cũng là một khoản đầu tư đáng để cho bạn thử.
Nhưng mà dĩ nhiên là không rồi. Điều tốt đẹp trong cuộc sống thường có giá đúng như giá trị thực. Những thứ không cần thiết thì không đáng giá một đồng nào hết. Điều quan trọng là nhận thức được sự khác biệt.

Ngày 28 tháng 3: HÈN NHÁT LÀ MỘT VẤN ĐỀ CỦA KẾ HOẠCH

“Cuộc sống mà không có một kế hoạch thì thật không bình thường. Ngay khi mọi thứ vào đúng vị trí, các nguyên tắc trở nên cần thiết. Ta nghĩ ngươi sẽ thừa nhận rằng không có thứ gì đáng xấu hổ hơn cách hành xử không chắc chắn hay dao động, và rút lui một cách hèn nhát. Điều này sẽ xảy ra trong tất cả những gì chúng ta làm trừ khi chúng ta xóa bỏ những khuyết điểm đang chiếm giữ và giam cầm tinh thần của chúng ta, cái thứ ngăn không cho chúng ta tiến về phía trước và cố gắng hết mình.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 95.46

Bên đối thủ của bạn bước ra một cách mạnh mẽ, và sớm tạo ra vị trí dẫn đầu, còn bạn thì không có thời gian để hồi phục. Bạn bước vào một hội nghị kinh doanh, bị mất cảnh giác, và toàn bộ mọi việc sau đó trở nên tồi tệ. Một cuộc trò chuyện tế nhị biến thành một trận cãi vã. Bạn chuyển ngành học giữa chừng và phải bắt đầu lại khóa học cũ và sau đó tốt nghiệp muộn. Nghe quen thuộc chứ?
Những thứ đó chính là sự hỗn loạn sinh ra từ việc không có một kế hoạch. Không phải vì có kế hoạch là hoàn hảo, mà bởi vì những người không có kế hoạch — giống như một đội quân bộ binh mà không có người lãnh đạo tài giỏi — nhiều khả năng bị choáng ngợp mà sụp đổ. Huấn luyện viên của Super Bowl — Bill Walsh đã dùng cách viết kịch bản để tránh rủi ro khi bắt đầu trận đấu. “Nếu bạn muốn ngủ vào buổi tối trước trận đấu,” Bill đã nói trong một bài giảng về việc lập kế hoạch cho trận đấu, “hãy chuẩn bị 25 kịch bản đầu tiên được tạo ra trong tâm trí của bạn vào đêm hôm trước. Bạn có thể đi vào sân vận động và bắt đầu cuộc chơi mà không thấy căng thẳng.” Bạn cũng sẽ có thể biết cách lờ đi một vài điểm số dẫn đầu hoặc một bất ngờ từ đội bạn. Nó không liên quan tới bạn — bạn đã có sắp xếp riêng của mình.
Đừng cố làm mọi thứ qua quýt. Mà hãy có một kế hoạch. 

Ngày 29 tháng 3: TẠI SAO BẠN CẦN GÂY ẤN TƯỢNG LẠI LẦN NỮA?

“Nếu ngươi dùng ý chí của mình cho những thứ ngoài tầm kiểm soát để gây ấn tượng với một ai đó, thì chắc chắn ngươi đã phá hỏng toàn bộ mục đích sống của mình. Hãy biết hài lòng, sau đó hãy trở thành một triết gia trong tất cả những gì ngươi làm, và nếu ngươi muốn được nhìn nhận như một triết gia, hãy thể hiện bằng hành động trước và ngươi sẽ thành công.”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 23

Còn điều gì đáng buồn hơn chiều dài vô tận của những thứ mà chúng ta muốn làm để gây ấn tượng với ai đó không? Những điều chúng ta muốn làm để tìm kiếm sự chấp nhận của một ai đó, để khi được xem xét lại, giống như kết cục của một giây phút điên rồ. Đột nhiên, chúng ta mặc những bộ quần áo không thoải mái, lố bịch mà mà người ta khen là ngầu, chúng ta ăn uống khác đi, nói chuyện khác đi, háo hức khi chờ đợi một cuộc gọi hay tin nhắn. Nếu chúng ta làm những thứ đó bởi vì chúng ta thích nó, thì không cần bàn gì thêm. Nhưng không phải như vậy. Nó cách ta đạt được mục đích – khiến cho ai đó gật đầu.
Điều trớ trêu ở đây, như Marcus Aurelius đã chỉ ra rất nhiều lần, ý kiến của những người chúng ta ao ước không phải tất cả đều là tốt. Họ có thiếu sót — bị phân tâm và kinh ngạc trước tất cả những thứ ngớ ngẩn. Chúng ta biết điều này song chúng ta lại không muốn nghĩ về nó. Lại một câu trích dẫn từ bộ phim Fight Club (Sàn đấu sinh tử): “Chúng ta mua những thứ chúng ta không cần, để gây ấn tượng với những người chúng ta không thích.”
Nghe có vẻ vô lý? Nhưng hơn thế nữa, không phải nó làm bạn càng ngày càng xa rời sự thanh thản và bảo hộ mà triết học có thể mang lại hay sao?

Ngày 30 tháng 3: TẤT CẢ MỌI THỨ ĐỀU CÓ LÝ TRÍ

“Hãy nhanh chóng đến với lý trí đang thống trị của ngươi, với lý trí của Toàn thể, và của người hàng xóm của ngươi. Hãy khiến tâm trí ngươi làm những điều đúng đắn; hãy nhớ vị trí của mình trong tâm trí của Toàn thể; và với tâm trí của người hàng xóm, hãy tìm hiểu xem tâm trí đó ngu dốt hay chứa đầy tri thức — trong khi nhận ra nó cũng giống như tâm trí của mình.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 9.22

Nếu cuộc sống của bạn không được chỉ huy bởi lý trí, thì bị chỉ huy bởi cái gì? Động lực? Ý thích? Bắt chước? Thói quen không suy nghĩ? Như khi ta xem xét lại các hành động trong quá khứ, thật buồn khi thấy đây là trường hợp — mà ta đã không hành động một cách có ý thức và chủ động mà thay vào đó ta hành động mà không bận tâm để đánh giá. Và đây là như những trường hợp mà bạn có thể sẽ rất hối tiếc.

Ngày 31 tháng 3: BẠN LÀ SẢN PHẨM CỦA SỰ RÈN LUYỆN

“Theo đuổi những gì không thể làm thì thật điên rồ. Nhưng một người tầm thường thì không thể làm gì khác.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.17

Một con cún được thả ra để đuổi theo chiếc xe sẽ đuổi theo chiếc xe. Một đứa trẻ không được dạy dỗ sẽ trở nên hư hỏng. Một nhà đầu tư không có kỷ luật thì không phải là một nhà đầu tư — anh ta là một con bạc. Một tâm trí không thể tự kiểm soát bản thân, sẽ không thể hiểu được sức mạnh của nó để tự điều chỉnh, tâm trí đó sẽ xoay như chong chóng bởi các sự kiện bên ngoài và những tác động.
Đó không phải là cách bạn muốn ngày mai xảy ra. Vì vậy bạn phải nhận thức được điều này. Bạn phải đưa sự rèn luyện và thói quen vào khuôn khổ để thay thế sự thiếu hiểu biết và kỷ luật yếu kém. Rồi sau đó, bạn bắt đầu cư xử và hành động khác đi. Rồi sau đó, bạn sẽ dừng tìm kiếm những thứ không thể, những thứ thiển cận và không cần thiết.  



Danh Sách Các Tháng Khác

Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết