Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "THE DAILY STOIC" TIẾNG VIỆT BẢN MỚI 2022
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ - TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỂ GẶT HÁI SỨC BẬT TINH THẦN, TỰ TIN VÀ ĐIỀM TĨNH"
Nội dung bài viết
ToggleSÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 11
Ngày 1 tháng 11: CHẤP NHẬN MỌI THỨ NHƯ NÓ LÀ
“Đừng mong tất cả mọi thứ sẽ xảy ra như ước muốn, mà hãy ước rằng mọi thứ sẽ diễn ra như nó sẽ thực sự xảy ra – khi đó cuộc đời của ngươi sẽ trở nên thuận lợi.”
– EPICTETUS, ENCHIRIDION, 8
“Thật dễ dàng để ca tụng sự phòng bị cho tất cả mọi thứ có thể xảy ra nếu ngươi có hai phẩm chất: Một cái nhìn toàn vẹn về những gì thực sự xảy ra trong mỗi tình huống và sự biết ơn đối với những điều đó. Thiếu lòng biết ơn thì cái chúng ta nhìn ra có nghĩa lý gì, và nếu không nhìn ra thì chúng ta biết ơn điều gì?”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 1.6.1–2
Đôi khi có những chuyện mà chúng ta ước rằng nó chưa từng xảy ra. Cái nào dễ thay đổi nhất: Ý kiến của chúng ta hay những điều đã diễn ra trong quá khứ?
Câu trả lời quá rõ ràng. Chấp nhận những gì đã xảy ra và thay đổi mong ước của bạn rằng ước gì điều đó không xảy ra. Chủ nghĩa Khắc kỷ gọi đó là “Nghệ thuật của sự Quy phục” (Art of acquiescence) – Chấp nhận thay vì chiến đấu với những điều nhỏ nhặt.
Và hầu hết những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ đều mở rộng khái niệm này. Thay vì chỉ đơn giản là chấp nhận những gì xảy ra, họ khuyến khích chúng ta thực sự tận hưởng những gì xảy ra dù có là điều gì đi nữa. Nhiều thế kỷ sau, Nietzsche đã đưa ra cách diễn tả hoàn hảo để nắm bắt được ý tưởng này: Amor fati (Yêu lấy định mệnh của mình). Không chỉ đơn giản là chấp nhận, mà yêu tất cả những gì xảy ra.
Mong muốn mọi thứ xảy ra như cách nó cần phải xảy ra, đây là một cách thông minh để tránh bị thất vọng vì giờ đây không có gì trái với mong muốn của bạn. Nhưng bạn còn thực sự cảm thấy biết ơn vì những điều ấy đã xảy ra? Và yêu cái cách mà chúng đã đến với chúng ta để ta có cơ hội hoàn thiện? Đây chính là công thức cho hạnh phúc và niềm vui.
Ngày 2 tháng 11: LIÊN KẾT NHỮNG MONG MUỐN CỦA MÌNH VỚI NHỮNG ĐIỀU SẼ XẢY RA
“Ta chưa từng một lần bị ý chí của mình trói buộc, và cũng không bị buộc phải chống lại nó. Làm sao có thể cơ chứ? Ta đã ràng buộc lựa chọn của mình để hành động theo ý nguyện của Chúa. Chúa muốn ta trải qua cơn bệnh, vậy đây cũng sẽ là ý muốn của ta. Người muốn ta phải lựa chọn điều gì đó, vậy ta sẽ lựa chọn. Người muốn ta phải đạt được điều gì đó, hoặc điều gì đó được trao cho ta – ta cũng muốn như vậy. Điều Chúa không muốn, ta sẽ không cầu.”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 4.1.89
Khi General Dwight D. Eisenhower viết thư cho vợ vào đêm trước cuộc xâm lăng Normandy, ông nói với bà: “Mọi thứ chúng ta có thể nghĩ tới đã được thực hiện; các binh sĩ đã trang bị đầy đủ và tất cả mọi người đang cố gắng hết sức mình. Kết quả thế nào sẽ do các vị thần quyết định.” Ông đã hoàn thành tất cả những gì ông có thể, và bây giờ, chuyện gì đến cũng sẽ đến và có lẽ Epictetus sẽ nói rằng giờ ông ấy đã sẵn sàng để đối mặt bất cứ điều gì. Trong thực tế, Eisenhower đã viết bức thư khác vào đêm hôm đó và chuẩn bị để gửi đi trong trường hợp cuộc xâm lăng thất bại. Nếu Chúa – hay Định mệnh, May mắn hay bất cứ thứ gì khác mà bạn muốn đặt tên cho nó – định rằng nó sẽ thất bại, thì ông đã sẵn sàng chấp nhận.
Đây là một bài học tuyệt vời. Người đàn ông chỉ huy đội quân có lẽ là hùng mạnh nhất thế giới, trước khi bắt đầu cuộc xâm lược được tổ chức và lên kế hoạch chuyên nghiệp nhất mà thế giới được biết, đủ khiêm tốn để biết rằng kết quả cuối cùng thuộc về ai đó hoặc một thế lực lớn hơn bản thân.
Điều này cũng đúng với những việc xảy ra với chúng ta. Cho dù có chuẩn bị kỹ càng bao nhiêu, cho dù chúng ta có thông minh tài giỏi đến đâu, kết quả cuối cùng vẫn nằm trong tay các vị thần. Càng biết điều đó sớm, chúng ta sẽ càng trở nên hoàn thiện hơn.
Ngày 3 tháng 11: LÀM THEO CHỈ ĐỊNH CỦA BÁC SĨ
“Ta thường nghe thấy mọi người nói rằng bác sĩ đã chỉ định cho người đó phải đạp xe, phải tắm nước đá, phải đi bộ chân trần; vậy ta cũng nên hiểu rằng Tự nhiên đã chỉ định cho người đó phải bị bệnh, hoặc tàn tật, hoặc phải trải qua sự suy nhược nào đó. Các bác sĩ chỉ định những điều gì cần thiết để giúp chúng ta lành bệnh. Còn Tự nhiên chỉ định những gì xảy ra với chúng ta là những gì cần thiết cho định mệnh của chúng ta.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.8.
Những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ là bậc thầy về phép loại suy và sử dụng chúng như một công cụ để giúp củng cố lý luận của mình.
Ở đây, Marcus đã quan sát được cách mà ý chí của chúng ta sẽ loại bỏ sự bất mãn nếu được chỉ huy với những từ kỳ diệu như “Chỉ định của bác sĩ”. Bác sĩ nói rằng bạn phải uống loại thuốc khó chịu này và bạn sẽ làm điều đó. Bác sĩ nói với bạn rằng bạn phải bắt đầu ngủ treo ngược đầu như một con dơi. Bạn sẽ cảm thấy ngớ ngẩn, nhưng chẳng mấy chốc bạn sẽ treo lủng lẳng vì bạn nghĩ điều này sẽ giúp bạn trở nên tốt hơn.
Mặt khác, khi đối mặt với ngoại cảnh, chúng ta phản ứng dữ dội để chống lại nếu có bất cứ điều gì xảy ra trái với kế hoạch của chúng ta. Marcus hỏi rằng, Nếu những điều này là chính xác những gì bác sĩ đã chỉ định cho quá trình điều trị của chúng ta thì sao? Nếu những điều này sẽ có lợi cho ta cũng như thuốc ta uống?
Chà, nếu thế thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Ngày 4 tháng 11: KHÔNG TỐT, KHÔNG XẤU
“Không có điều gì xấu trong việc thay đổi, cũng như không có điều gì tốt trong việc tồn tại trong một trạng thái mới.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.42
Khi người ta nói thay đổi là điều tốt, thường là để trấn an ai đó (hoặc trấn an chính bản thân họ). Bởi vì theo bản năng, ta nhìn nhận sự thay đổi là điều xấu – hoặc ít nhất ta sẽ ngờ vực sự thay đổi.
Các nhà Khắc kỷ muốn bạn loại bỏ hoàn toàn những suy nghĩ đó. Thay đổi cũng không hẳn là tốt. Hiện trạng không phải là xấu. Chúng chỉ như chúng là.
Hãy nhớ rằng các sự việc đều mang tính khách quan. Những quan điểm của chúng ta mới dán nhãn cho rằng điều đó là tốt hay xấu (và do vậy điều đó đáng để ta hoặc là đấu tranh bảo vệ, hoặc là chống lại). Một thái độ tốt hơn là gì? Hãy tận dụng mọi hoàn cảnh một cách tối đa. Nhưng để làm được điều đó, trước tiên bạn phải ngừng lại việc chiến đấu.
Ngày 5 tháng 11: QUYỀN NĂNG TỐI CAO
“Đây là điều tạo nên đức tính của người hạnh phúc và một cuộc sống sung túc – khi mọi sự việc trong đời được điều chỉnh theo sự hài hòa giữa ý chí cá nhân và ý nguyện của vũ trụ.”
– CHRYSIPPUS, QUOTED IN DIOGENES LAERTIUS, LIVES OF THE EMINENT PHILOSOPHERS, 7.1.88
Khi trải qua một chương trình mười hai bước, nhiều con nghiện vật vã nhất với bước 2: thừa nhận rằng có một quyền năng tối cao hơn tồn tại. Những con nghiện thường chống đối điều này. Lúc đầu, người ta tưởng rằng lý do là vì những người đó vô thần, hoặc vì họ không thích tôn giáo, hoặc vì họ không hiểu tại sao nó lại quan trọng.
Nhưng sau đó người ta nhận ra rằng đây chỉ là những cái cớ của kẻ nghiện – thực chất đây là một hình thức của sự ích kỷ và tự cho mình là trung tâm. Cách diễn giải của bước này rất dễ hiểu: “[Chúng ta] tin tưởng rằng Quyền năng vĩ đại hơn chính mình có thể giúp chúng ta khôi phục lại sự sáng suốt.” Các bước tiếp theo yêu cầu người nghiện quy phục và thuận theo. So với những bước khác thì bước này ít liên quan đến “thần linh” hơn – sự buông bỏ. Đó là việc hòa vào vũ trụ và buông bỏ ý tưởng độc hại cho rằng mình là trung tâm.
Không có gì lạ khi các nhà Khắc kỷ lại được nhiều người đang theo chương trình 12 bước biết đến. Rõ ràng kiến thức này đều có lợi cho tất cả mọi người. Bạn không cần phải tin rằng có một vị thần đang chỉ đạo vũ trụ, bạn chỉ cần ngừng tin rằng bạn là người chỉ đạo đó. Ngay khi bạn hòa vào tinh thần này, cuộc sống của bạn sẽ càng dễ dàng và hạnh phúc hơn, bởi vì bạn sẽ từ bỏ được cơn nghiện mạnh mẽ nhất trong tất cả: cơn nghiện Quyền lực.
Ngày 6 tháng 11: AI ĐÓ ĐANG QUAY CUỘN CHỈ SỐ MỆNH
“Bình minh đến, vẻ vang làm sao
Hoàng hôn buông, thất thế bẽ bàng.
Đừng tin tưởng quá nhiều vào chiến thắng,
Đừng từ bỏ hy vọng vào tương lai.
Thần Clotho quay cuộn chỉ số phận,
Vận mệnh xoay vần không ngừng nghỉ.
Chẳng ai nhận được ơn trên mãi
Để cuộc đời yên ổn ngày mai.
Thần khiến đời người luôn chao đảo,
Xoay vần ta trong cơn gió cuốn.”
– SENECA, THYESTES, 613
Tiểu thuyết gia Cormac McCarthy đang sống trong phòng trọ thì nghe tiếng gõ cửa. Một người đưa tin thông báo ông ấy đã được trao tặng “Giải Thiên tài” MacArthur cùng với số tiền $250,000. Sự kiện bất ngờ này có thể tốt cũng có thể xấu.
Ai có thể nghĩ đến một biến cố bất ngờ như vậy? Ai ngoài thần Clotho, một trong ba nữ thần định mệnh của Hy Lạp, người kéo sợi chỉ sinh mệnh của con người? Đối với người xưa, nàng là người quyết định các sự việc trong đời ta – có những sự việc tốt, có những sự việc xấu. Như nhà viết kịch Aeschylus đã viết, “Khi các vị thần gửi đến điều ác, không ai có thể thoát khỏi nó”. Điều tương tự cũng đúng với vận mệnh lớn và vận may.
Thái độ cam chịu của họ có vẻ xa lạ đối với chúng ta ngày nay, nhưng họ hiểu ai mới là người thực sự nắm quyền kiểm soát (không phải họ, không phải chúng ta!). Không có sự thịnh vượng hay khó khăn nào là chắc chắn hoặc mãi mãi. Một chiến thắng trở thành một thử thách, một thử thách cũng có thể trở thành một chiến thắng. Cuộc sống có thể thay đổi trong khoảnh khắc. Hôm nay, hãy nhớ rằng điều đó xảy ra thường xuyên như thế nào.
Ngày 7 tháng 11: LÀM THẾ NÀO TRỞ NÊN MẠNH MẼ
“Đừng tin vào danh tiếng, tiền tài, hay địa vị, mà hãy tin vào sức mạnh của mình – cụ thể là, những đánh giá của ngươi về những điều mà ngươi có thể kiểm soát và những điều ngươi không thể kiểm soát. Chỉ điều này thôi đã khiến chúng ta tự do và không bị xiềng xích, nó kéo chúng ta từ dưới đáy vực sâu thẳm và khiến ta ngang hàng với những kẻ giàu có và quyền lực.”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 3.26.34–35
Trong một cảnh trong cuốn tiểu thuyết kinh điển của Steven Pressfield về Alexander Đại đế, Ưu điểm của Chiến tranh (The Virtues of War), Alexander khi định băng qua sông thì gặp một triết gia không chịu nhường đường. Người của Alexander quát rằng: “Người này đã chinh phục thế giới! Còn nhà ngươi thì đã làm được cái gì chứ?”. Triết gia đó đáp lại với một vẻ hoàn toàn tự tin: “Ta đã chinh phục được nhu cầu chinh phục thế giới.”
Chúng ta biết rằng Alexander đã đụng độ với Diogenes, người theo Chủ nghĩa Yếm thế, một triết gia nổi tiếng với việc chối bỏ những giá trị xã hội quý trọng, mà ở đây là hình ảnh của Alexander. Giống như cuộc gặp gỡ giả tưởng Pressfield viết, trong thực tế khi Diogenes và Alexander gặp nhau, triết gia đó còn mạnh mẽ hơn người đàn ông quyền lực nhất thế gian – bởi vì không giống như người đàn ông đó, Diogenes có ít ham muốn hơn. Họ có thể nhìn vào mắt nhau và xem ai mới là người có sức mạnh kiểm soát bản thân, người đã đạt được sự tự chủ là người nắm trong tay sức mạnh thực sự và lâu bền.
Bạn cũng có thể đạt được điều đó. Hãy tập trung tìm kiếm sức mạnh bên trong thay vì hướng ra bên ngoài. Như Publilius Syrus, trước đây là một nô lệ, nói rằng: “Ngươi muốn có một đế chế vĩ đại? Hãy thống trị chính mình!”
Ngày 8 tháng 11: DIỄN VIÊN TRONG VỞ KỊCH
“Hãy nhớ nhà ngươi chỉ là một diễn viên trong một vở kịch, đóng vai một nhân vật theo ý muốn của biên kịch – vở kịch ngắn hay dài do biên kịch quyết. Nếu biên kịch muốn ngươi làm kẻ ăn xin, hãy đóng vai kẻ ăn xin thật xuất thần, tương tự nếu như ngươi được giao vai diễn một kẻ què quặt, một kẻ thống trị hoặc thường dân. Đó là nhiệm vụ của ngươi: Đảm nhiệm thật tốt vai trò được giao. Việc ngươi được giao vai nào là do người khác quyết định.”
– EPICTETUS, ENCHIRIDION, 17
Marcus Aurelius không muốn trở thành Hoàng đế. Ông không phải là một chính trị gia tìm kiếm chức vụ, và ông không phải là người thừa kế ngai vàng thực sự. Theo những gì chúng ta có thể kết luận từ những lá thư của ông và từ lịch sử, điều ông thực sự muốn là trở thành một triết gia. Nhưng giới thượng lưu quyền lực ở Rome, bao gồm cả hoàng đế Hadrian, đã nhìn thấy tiềm năng trong ông. Để chuẩn bị cho việc thừa kế, Marcus được nhận nuôi và được sắp xếp để nhận ngai vàng vì họ biết rằng ông có thể đảm đương được. Trong khi đó, Epictetus sống phần lớn cuộc đời của mình như một nô lệ và bị hành hạ vì những bài giảng triết học của mình. Cả hai đã làm khá tốt với vai trò mà họ được giao.
Cuộc sống của ta cũng có thể ngẫu nhiên như việc tung một con xúc xắc. Một số người từ khi sinh ra đã có rất nhiều đặc quyền, một số khác lại sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn. Có lúc ta được trao chính xác những cơ hội mà ta muốn. Có những lúc ta ăn may, nhưng ta lại cảm thấy cái ăn may đó chẳng khác gì một gánh nặng.
Các nhà Khắc kỷ nhắc nhở ta rằng bất kể điều gì xảy ra với chúng ta ngày hôm nay hoặc trong suốt cuộc đời của chúng ta, bất kể chúng ta gặp bất lợi nào về trí tuệ, địa vị xã hội hay thể chất; thì công việc của chúng ta không phải là phàn nàn hay than vãn về hoàn cảnh, mà hãy làm tốt nhất chúng ta có thể để chấp nhận và lấp đầy những bất lợi đó. Còn chỗ cho sự linh hoạt hay tham vọng chứ? Đương nhiên là có! Đã xảy ra rất nhiều trường hợp nhân vật phụ trong vở kịch vụt sáng thành nhân vật chính và thậm chí còn tiếp tục để lại dấu ấn trong các bản chuyển thể sau này. Nhưng để làm được điều đó, cần bắt đầu với sự chấp nhận và thấu hiểu – cùng với khao khát hoàn thành xuất sắc vai trò mình được giao.
Ngày 9 tháng 11: VẠN VẬT ĐỀU VẬN ĐỘNG
“Vũ trụ là sự biến đổi. Cuộc sống là những quan điểm.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.3.4b
Trong quyển sách Cuộc đời của Theseus (Life of Theseus) của Plutarch, ông mô tả cách con tàu của Theseus, một anh hùng người Athen, được người dân Athen bảo quản trong điều kiện luôn sẵn sàng để xuất chiến trong nhiều thế kỷ. Mỗi khi một tấm ván bị mục, nó sẽ được thay thế cho đến khi mọi thanh gỗ trong đó đã được thay thế. Plutarch đưa ra câu hỏi: Nó vẫn là tàu của Theseus, hay nó là một con tàu mới rồi?
Tại Nhật Bản, một ngôi đền Shinto nổi tiếng được xây dựng lại cứ sau hai mươi ba năm. Nó đã trải qua hơn sáu mươi chu kỳ. Vậy đây là một ngôi đền 1,400 tuổi đời? Hay đây là 60 ngôi đền được xây dựng nối tiếp nhau? Ngay cả Thượng viện Hoa Kỳ, dù đã trải qua bao lần bầu cử, cũng khó có thể nói là nó hoàn toàn bị thay đổi. Chẳng phải nó vẫn giữ dáng vẻ từ thời của George Washington hay sao?
Sự hiểu biết của chúng ta về điều gì đó chỉ như những bức ảnh được chụp vội – một quan điểm mang tính chất tạm thời. Vũ trụ luôn ở trong trạng thái thay đổi liên tục. Móng tay của chúng ta dài ra, được cắt tỉa, nhưng rồi lại tiếp tục dài ra. Da mới thay thế da chết. Những ký ức cũ được thay thế bằng những ký ức mới. Chúng ta vẫn là con người của trước đây chứ? Những người quanh ta thì sao? Không gì có thể thoát khỏi sự vận động này, ngay cả những thứ ta cho là thiêng liêng nhất.
Ngày 10 tháng 11: VẪN GIỮ NGUYÊN
“Hãy nghĩ đến thời của Vespasian, và ngươi sẽ thấy tất cả những điều này: kết hôn, nuôi con, ốm đau, qua đời, chiến tranh, lễ hội, giao thương, trồng trọt, tâng bốc, giả vờ, nghi ngờ, tính toán, cầu nguyện cho người khác chết, cằn nhằn vì vận may của người nào đó, yêu đương, tích lũy tài sản, ham muốn chức vụ và quyền lực. Những người đó chết đi… rồi đến thời của Trajan, mọi thứ vẫn giữ nguyên như vậy…”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.32
Ernest Hemingway mở đầu cuốn sách Mặt trời vẫn mọc (The Sun Also Rises) với một câu Kinh Thánh: “Thế hệ này qua, thế hệ khác đến; trong khi trời đất vẫn còn đó. Mặt trời mọc, rồi mặt trời lặn, vội vã trở về nơi nó mọc.” Ở chính đoạn văn này, biên tập viên của ông đã nói, “đó là nơi chứa đựng tất cả sự thông thái của thế giới cổ đại.”
Và sự thông thái này là gì? Một trong những đặc điểm nổi bật nhất về lịch sử là khoảng thời gian con người làm những điều họ đã làm. Có những thái độ và lối sống xuất hiện rồi biến mất, những gì còn lại là con người – sống, chết, yêu thương, chiến đấu, khóc lóc, cười đùa.
Các báo cáo phương tiện truyền thông hoặc các cuốn sách nổi tiếng thường duy trì niềm tin rằng chúng ta đã đạt đến đỉnh cao của nhân loại, hoặc lần này, mọi thứ thực sự khác biệt. Điều trớ trêu là mọi người đã tin vào điều đó trong nhiều thế kỷ.
Những người mạnh mẽ chống lại quan niệm này. Họ biết rằng chỉ có vài ngoài lệ, còn không thì mọi thứ vẫn giống như chúng luôn luôn và sẽ luôn như vậy. Bạn giống như những người đến trước bạn, và bạn là một người dừng chân ngắn ngủi cho đến khi những người giống như bạn thế chỗ. Trái đất tồn tại mãi mãi, nhưng chúng ta sẽ đến và đi.
Ngày 11 tháng 11: KHÔNG PHẢI THỨ ĐÓ, MÀ LÀ CÁI TA TẠO RA TỪ THỨ ĐÓ
“Nếu ngươi bị tổn thương bởi bất kỳ yếu tố bên ngoài nào, không phải điều đó khiến ngươi khó chịu, mà là nhận định của ngươi về nó mới khiến ngươi khó chịu. Và ngươi nắm trong tay sức mạnh để xóa đi nhận định đó ngay bây giờ.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.47
Hãy tưởng tượng bạn sống một cuộc sống trong chính trường. Bạn còn trẻ, bạn rất mạnh mẽ và bạn đã đi qua nhiều vị trí quan trọng trong suốt sự nghiệp của mình. Sau đó ở tuổi ba mươi chín, bạn bắt đầu cảm thấy xuống dốc. Bác sĩ của bạn nói với bạn rằng bạn bị bại liệt và cuộc sống của bạn sẽ không bao giờ giống như trước nữa. Sự nghiệp của bạn đã kết thúc phải không?
Đây là câu chuyện của Franklin Delano Roosevelt, hiện được coi là một trong những nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất nước Mỹ. Ở tuổi trung niên, ông được chẩn đoán mắc bệnh bại liệt sau nhiều năm chuẩn bị và mơ ước chức tổng thống.
Rất khó để hiểu con người FDR mà không hiểu điều ông phải trải qua. Yếu tố bên ngoài ở đây là ông bị què quặt – theo đúng nghĩa đen – nhưng ông quan điểm điều này không thể làm tê liệt sự nghiệp hay con người của ông. Dù ông là một nạn nhân của căn bệnh không có thuốc chữa, ông đã gần như ngay lập tức gạt đi cái tâm lý thông thường của một nạn nhân.
Đừng nhầm lẫn giữa sự chấp nhận với sự thụ động.
Ngày 12 tháng 11: MẠNH MẼ NHẬN TRÁCH NHIỆM
“Nếu chúng ta chỉ đánh giá tốt xấu trong những việc nằm trong quyền kiểm soát của mình, chúng ta sẽ không đổ lỗi các vị thần hoặc trở nên thù địch với người khác.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.41
Trên bàn làm việc của Tổng thống Harry Truman có dòng chữ: TÔI SẼ NHẬN TRÁCH NHIỆM. Là tổng thống, với nhiều quyền lực và quyền kiểm soát hơn bất kỳ ai khác, ông biết rằng, bất kể tốt hay xấu thì ông không thể đổ lỗi cho bất kì ai khác ngoại trừ chính mình. Không ai khác chịu trách nhiệm. Trách nhiệm dừng lại ở đó, thuộc về phòng Bầu dục.
Chúng ta là tổng thống của cuộc đời mình, khi hiểu sức mạnh của ta nằm ở lựa chọn có lý trí của mình, ta sẽ phải có thái độ tương tự. Ta không kiểm soát những gì nằm ngoài phạm vi đó, nhưng ta kiểm soát thái độ và cách ta phản ứng với những sự việc này – riêng những thứ này cũng khá nhiều đó. Mỗi ngày chỉ cần ta biết rằng không ai khác ngoài bản thân là người nhận trách nhiệm, vậy là đủ rồi. Chỉ có ta là người phải nhận lấy trách nhiệm.
Ngày 13 tháng 11: KHÔNG PHÀN NÀN, KHÔNG GIẢI THÍCH
“Đừng cho phép bản thân phải chịu đựng bất cứ lời ca thán cuộc sống nào, không được phép để đôi tai này nghe thấy!”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.9
Không chỉ những người may mắn nhất trong chúng ta phàn nàn, dường như chúng ta càng may mắn, chúng ta càng phàn nàn nhiều hơn. Marcus Aurelius là một Hoàng Đế bất đắc dĩ – giống như bạn có thể bất đắc dĩ làm một kế toán viên, huấn luyện viên bóng đá thiếu niên hoặc luật sư.
Hoặc có lẽ bạn thích công việc của mình, nhưng bạn lại chỉ đảm nhận số ít trách nhiệm của vị trí này. Và suy nghĩ đó đưa bạn đến đâu? Không đâu cả ngoài một trạng thái tiêu cực của tâm trí.
Điều này gợi nhớ một câu châm ngôn của thủ tướng Anh Benjamin Disraeli: “Không bao giờ phàn nàn, không bao giờ giải thích.” Ông nói điều này bởi vì, giống như Marcus, ông biết rằng gánh nặng trách nhiệm là vô cùng lớn. Thật quá dễ để phàn nàn về điều này hoặc điều kia, hoặc cố gắng đưa ra lời bào chữa và biện minh cho những việc bạn đã làm. Nhưng điều đó không giải quyết được bất cứ điều gì, và nó không bao giờ nhẹ bớt đi gánh nặng của trách nhiệm.
Ngày 14 tháng 11: KẾT QUẢ DO BẠN CHỌN
“Anh ta bị tống vào tù. Nhưng lời phê bình ‘anh ta thật độc ác’ là do ngươi thêm vào.”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 3.8.5b–6a
Đó là cách suy nghĩ kinh điển của những nhà Khắc kỷ, và bây giờ đến lượt bạn. Một sự việc bản thân nó mang tính khách quan. Chính cách mà chúng ta diễn giải sự việc đó – rằng nó không công bằng, hoặc đó là một tai họa lớn, hoặc họ đã cố tình làm điều đó – phụ thuộc vào chính chúng ta.
Malcolm X (hồi đó là Malcolm Little) khi vào tù là một tên tội phạm mang trọng tội, nhưng khi ra tù ông lại trở thành một người đàn ông có học thức, có tôn giáo, và có động lực, người về sau đã tham gia đấu tranh cho các quyền dân sự. Ông có còn là một kẻ xấu? Hay ông lựa chọn trở thành một người khác với những trải nghiệm tích cực hơn?
Sự chấp nhận không hề mang tính thụ động. Đây là bước đầu tiên trong quá trình chủ động hướng tới sự tự cải thiện bản thân.
Ngày 15 tháng 11: MỌI THỨ ĐANG THAY ĐỔI
“Hãy nghĩ về những thứ đang hoặc sắp xảy ra sau đó nhanh chóng trôi ngang đời ta rồi biến mất khỏi tầm mắt. Vì mọi sự như một dòng chảy không ngừng, thay đổi và dao động không ngừng, hiếm có thứ gì bất biến”.
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.23
Marcus mượn phép ẩn dụ tuyệt vời này từ Heraclitus, người đã nói, “không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Bởi vì dòng sông đã thay đổi, và người đó cũng thế.
Cuộc sống luôn trong trạng thái biến đổi không ngừng. Và chúng ta cũng vậy. Việc thấy buồn bực bởi những thứ xung quanh chính là việc đưa ra giả thuyết sai lầm rằng những thứ đó sẽ không thay đổi. Việc thấy hối hận hoặc đổ lỗi cho người khác thì khác gì cố gắng vồ lấy một cơn gió. Và việc thấy không bằng lòng với sự thay đổi chính là việc đưa ra giả thuyết sai lầm rằng bạn có quyền quyết định điều gì xảy ra.
Mọi thứ đều thay đổi. Ôm lấy nó. Hòa cùng dòng chảy với nó.
Ngày 16 tháng 11: HY VỌNG VÀ SỢ HÃI ĐỀU GIỐNG NHAU
“Hecato nói, ‘hãy ngừng hy vọng và ngươi sẽ hết sợ hãi’. . . Nguyên nhân chính của cả hai căn bệnh này là thay vì thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, chúng ta lại đưa ra những suy nghĩ quá viển vông.”
– SENECA, MORAL LETTERS, 5.7b–8
Hy vọng thường được gắn với những điều tốt đẹp. Sợ hãi thường gắn với những chuyện xấu. Đối với một nhà Khắc kỷ như Hecato (được gọi là Hecato của Rhodes), chúng thuộc cùng một nhóm, cả hai đều là những dự đoán về những điều chúng ta không kiểm soát trong tương lai. Cả hai đều là kẻ thù của thời điểm hiện tại mà bạn đang hiện hữu. Cả hai đều có nghĩa là bạn đang sống một cuộc đời đối lập với Amor fati (Yêu lấy định mệnh của mình).
Điều quan trọng không phải là vượt qua nỗi sợ hãi của mình, mà phải hiểu rằng cả hy vọng và sợ hãi đều chứa đựng yếu tố nguy hiểm là mong muốn và lo lắng. Và, đáng buồn thay, mong muốn là nguyên nhân gây ra sự lo lắng.
Ngày 17 tháng 11: TỐT NHẤT LÀ KHÔNG PHÁN XÉT
“Khi triết học mang trong mình sự kiêu ngạo và bướng bỉnh, đó là nguyên nhân dẫn đến sự hủy hoại của nhiều người. Hãy để triết học là phương thức loại bỏ lỗi lầm của chính mình, thay vì là phương thức lên án lỗi lầm của người khác.”
– SENECA, MORAL LETTERS, 103.4b–5a
Hãy nhớ rằng, định hướng đúng đắn của triết học – trong tất cả những điều chúng ta đang làm ở đây – là tập trung vào bên trong. Để làm cho bản thân trở nên tốt hơn và để cho người khác tự họ làm điều đó cho bản thân và cho hành trình của riêng họ.. Sai lầm của chúng ta nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, và vì vậy chúng ta nhờ cậy sự giúp đỡ của triết học để giúp loại bỏ những sai lầm đó giống như việc loại bỏ những vỏ hà trên thân tàu. Lỗi lầm của người khác? Không nhiều đến thế đâu. Hãy để họ tự xử lý.
Để người khác xử lý những sai lầm của họ. Không có triết lý nào trong Chủ nghĩa Khắc kỷ trao quyền cho bạn đánh giá chúng – mà thay vào đó hãy chấp nhận những lỗi lầm của người khác. Đặc biệt là khi chúng ta còn có rất nhiều vấn đề của riêng mình.
Ngày 18 tháng 11: BỐN THÓI QUEN CỦA TÂM TRÍ KHẮC KỶ
“Bản chất lý trí của chúng ta di chuyển tự do về phía trước trong ấn tượng của nó khi nó:
1) Chấp nhận không có gì sai hoặc không chắc chắn;
2) Chỉ hướng động cơ của mình đến những hành động vì lợi ích chung;
3) Giới hạn những ham muốn và ác cảm của nó với những gì nằm trong kiểm soát của chính nó;
4) Trân trọng mọi thứ mà thiên nhiên ban cho nó.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.7
Nếu bạn để ý, Marcus liên tục nhắc nhở bản thân Chủ nghĩa Khắc kỷ là gì. Những gạch đầu dòng này rất hữu ích cho những độc giả của ngàn năm sau, nhưng thật ra chúng vốn được viết để giúp ích cho chính ông. Có lẽ ngày đó ông đã chấp nhận một ấn tượng xấu hoặc đã hành động ích kỷ. Có lẽ ông đã đặt hy vọng vào điều gì đó ngoài tầm kiểm soát của mình hoặc phàn nàn và chiến đấu chống lại điều gì đó đã xảy ra. Hoặc có lẽ ông đã nghĩ đến điều này được một thời gian và quyết định viết xuống như một lời nhắc nhở cho mình.
Bất kể trường hợp nào mà ông hay chúng ta gặp phải, hãy điều chỉnh tâm trí chúng ta theo bốn thói quen quan trọng này:
(1) Chỉ chấp nhận những gì là đúng.
(2) Làm việc vì lợi ích chung.
(3) Khớp những nhu cầu và mong muốn của chúng ta với những gì trong tầm kiểm soát của chúng ta.
(4) Trân trọng những gì thiên nhiên ban tặng cho chúng ta.
Ngày 19 tháng 11: CHÂM NGÔN CỦA BA NGƯỜI THÔNG THÁI
“Đối với bất cứ thử thách nào chúng ta cũng cần giữ ba ý nghĩ này trong đầu:
‘Hãy để Thần và Định mệnh dẫn lối,
Mục tiêu đó đã được sắp đặt cho ta từ lâu
Ta sẽ theo sát và không để bị vấp ngã; ngay cả khi ý chí của ta yếu đuối
Ta vẫn sẽ tiếp tục như một chiến binh.’
—CLEANTHES
‘Bất cứ ai nắm bắt được sự cần thiết đều được coi là khôn ngoan,
và có kỹ năng trong các vấn đề thiêng liêng.’
—EURIPIDES
‘Nếu điều đó làm hài lòng các vị thần, vậy hãy để nó như vậy. Những người đó có thể giết ta, nhưng họ không thể làm tổn thương ta.”
—PLATO’S CRITO AND APOLOGY”
—EPICTETUS, ENCHIRIDION, 53
Ba trích dẫn được biên soạn bởi Epictetus chứa đựng sự thông thái trong suốt chiều dài lịch sử – cho chúng ta thấy bài học về sự khoan dung, sự linh hoạt và cuối cùng là sự chấp nhận. Cleanthes và Euripides đưa ra khái niệm định mệnh và số phận để giúp ta dễ dàng quy phục. Khi một người tin vào quyền năng cao hơn và lớn mạnh hơn (của Thần hoặc các vị Thần), vậy thì với người đó không có sự việc nào là xảy ra trái với kế hoạch.
Ngay cả khi bạn không tin thần linh, bạn có thể tìm được sự nhẹ nhõm trong vô vàn các quy luật khác nhau của vũ trụ hoặc thậm chí trong vòng tuần hoàn của cuộc sống. Điều xảy ra với từng cá nhân trong chúng ta có vẻ ngẫu nhiên, gây khó chịu, hoặc tàn nhẫn, hoặc không thể lý giải được; nhưng thực tế thì những sự việc này lại trở nên hoàn toàn hợp lý khi ta nhìn vào bức tranh toàn cảnh, với góc độ rộng hơn dù chỉ một chút.
Hãy thực hành quan điểm này ngày hôm nay. Giả vờ rằng mỗi sự việc – dù muốn hay không mong muốn – đã được định sẽ phải xảy ra, được định là dành riêng cho bạn. Bạn sẽ không chống đối lại điều đó, đúng chứ?
Ngày 20 tháng 11: HÃY CHỨNG KIẾN, BÂY GIỜ VÀ NHƯ MỌI LẦN
“Nếu ngươi đã thấy hiện tại, tức là ngươi đã thấy tất cả mọi thứ, từ thời xa xưa đến muôn đời sau. Vì tất cả mọi điều xảy ra đều có liên quan và tương tự nhau.”
—MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.37
Các sự việc sẽ xảy ra hôm nay cũng giống như những sự việc đã, đang và sẽ luôn xảy ra. Con người sinh ra rồi chết đi, động vật sinh ra rồi cũng chết đi, những đám mây trôi đến rồi trôi đi, không khí bị hút vào và bị đẩy ra ngoài, điều này qua bao thời đại vẫn luôn như vậy. Như Emerson diễn giải, khoảnh khắc ngay tại giờ phút này, cũng giống như những khoảnh khắc đã đến trước và những khoảnh khắc sẽ đến sau.
Quan điểm này được thể hiện rất trọn vẹn trong bài thánh ca Cơ đốc giáo Gloria Patri: “Như đã từng có từ khởi thủy, đến bây giờ, rồi mãi mãi, và vô tận.” Suy nghĩ này đưa ra không phải để ta sinh ra chán nản hay nâng cao tinh thần. Nó chỉ là một thực tế. Tuy nhiên, nó có thể có tác dụng giúp ta trở nên bình tĩnh và định tâm. Không cần phải phấn khích, không cần phải bồn chồn như ngồi lên đống lửa. Nếu bạn chưa từng thấy điều này trước đây, người khác có thể đã thấy rồi. Và điều này có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Ngày 21 tháng 11: MỘT LẦN LÀ ĐỦ, MỘT LẦN CHO MÃI MÃI
“Cái tốt không thể tăng lên theo thời gian, nhưng nếu một người trở nên sáng suốt dù chỉ trong một khoảnh khắc, họ cũng hạnh phúc không kém so với những người có đức hạnh và sống hạnh phúc suốt đời với những đức tính đó.”
—CHRYSIPPUS QUOTED BY PLUTARCH IN MORALIA: “AGAINST THE STOICS ON COMMON CONCEPTIONS,” 1062, (LOEB, P. 682)
Trí tuệ và hạnh phúc có lẽ cũng như việc giành được huy chương trong thế vận hội Olympics. Không quan trọng bạn giành được huy chương từ một trăm năm trước hay mới 10 phút trước, không quan trọng bạn chỉ giành được huy chương một lần hay nhiều lần. Không quan trọng có người phá vỡ kỷ lục của bạn hay không, cũng không quan trọng việc bạn sẽ không bao giờ thi đấu lần nữa. Bạn sẽ luôn là người có được huy chương, và bạn sẽ luôn biết cảm giác chiến thắng đó thế nào. Không ai có thể lấy đi điều đó từ bạn – và bạn cũng không thể nào cảm nhận nhiều hơn thế nữa.
Diễn viên được đào tạo từ trường Juilliard, Evan Handler, người không chỉ sống sót sau bệnh bạch cầu tủy cấp tính mà còn bị trầm cảm nặng, đã nói về quyết định dùng thuốc chống trầm cảm của mình, điều mà anh ấy đã chủ đích làm trong một thời gian ngắn trước đó. Anh dùng thuốc vì anh muốn hiểu được hạnh phúc bình thường và chân thật thì sẽ có cảm giác như thế nào. Một khi anh đã dùng thuốc, anh đã biết anh sẽ dừng lại. Anh biết mình sẽ lại quay lại cảm giác khổ sở vật lộn như những người khác. Anh đã được trải qua cảm giác hạnh phúc đó dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi, và như vậy là đủ rồi.
Có lẽ hôm nay sẽ là ngày mà chúng ta cảm nhận được sự hạnh phúc và trí tuệ. Đừng cố gắng nắm lấy khoảnh khắc đó và níu giữ nó trong tay bằng tất cả sức lực của bạn. Khoảnh khắc đó kéo dài trong bao lâu không nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Hãy tận hưởng nó, nhận ra nó, và ghi nhớ lấy nó. Cảm nhận được điều đó dù chỉ trong một khoảnh khắc cũng tương tự như bạn đã có nó cả đời.
Ngày 22 tháng 11: CÁI LY ĐÃ VỠ RỒI
“Vận mệnh đánh úp kẻ không biết lường trước. Người luôn đề phòng thì có thể chịu đựng một cách dễ dàng.”
—SENECA, ON CONSOLATION TO HELVIA, 5.3
Có một câu chuyện về một thiền sư đã có một chiếc cốc quý giá tuyệt đẹp. Thiền sư sẽ lặp lại với chính mình, “Cốc đã bị vỡ rồi”. Ông rất thích chiếc cốc. Ông đã sử dụng nó. Ông đã khoe nó với du khách. Nhưng trong tâm trí ông, nó đã bị vỡ. Và thế là một ngày nọ, khi nó thực sự vỡ, ông chỉ đơn giản nói, “Tất nhiên là vậy rồi”.
Đây cũng là cách suy nghĩ của những nhà Khắc kỷ. Có một câu chuyện có thật về Epictetus và một chiếc đèn. Ông không bao giờ khóa cửa nhà, và vì vậy chiếc đèn đắt tiền của ông đã bị đánh cắp. Khi Epictetus thay thế nó, ông đã thay thế nó bằng một cái rẻ hơn để ông có thể ít gắn bó với nó hơn nếu nó bị đánh cắp một lần nữa.
Sự sụp đổ – cảm giác chúng ta hoàn toàn bị nghiền nát và bàng hoàng trước một sự kiện – chỉ ra rằng chúng ta ngay từ đầu đã không hề xem xét tình huống này có thể sẽ xảy ra. Không ai cảm thấy vỡ vụn khi thấy tuyết rơi vào mùa đông, vì chúng ta đã chấp nhận (thậm chí còn lường trước) những sự việc như vậy. Còn những biến cố làm chúng ta bất ngờ thì sao? Chúng ta sẽ không quá sốc nếu ngay từ đầu đã thực sự cân nhắc đến trường hợp có thể xảy ra.
Ngày 23 tháng 11: SỰ BÁM CHẤP LÀ KẺ THÙ
“Nói tóm lại, ngươi phải ghi nhớ điều này – nếu người dành tình cảm cho bất cứ thứ gì nằm ngoài sự lựa chọn có lý trí của mình, ngươi đã tự phá hủy khả năng lựa chọn của bản thân.”
—EPICTETUS, DISCOURSES, 4.4.23
Theo Anthony de Mello, “Có một điều và chỉ duy nhất một điều gây ra sự bất hạnh. Tên của nó là Sự Bám chấp (Attachment).” Bám chấp vào hình tượng bạn xây dựng nên về một người nào đó, bám chấp vào tiền tài và địa vị, bám chấp vào một địa điểm hay khoảng thời gian nào đó, bám chấp vào một công việc hay một lối sống. Tất cả những điều đó đều nguy hiểm vì cùng một lý do: Chúng nằm ngoài sự lựa chọn có lý trí của ta. Việc ta được sở hữu những điều đó trong bao lâu thì không thuộc kiểm soát của ta.
Như Epictetus đã nhận ra điều này từ hai nghìn năm trước de Mello, vì ta đã bám chấp nên rất khó để ta chấp nhận thay đổi. Một khi ta có được nó, ta không muốn buông bỏ. Chúng ta trở thành nô lệ để có thể giữ được những điều đó. Chúng ta giống như Nữ hoàng Đỏ trong Alice ở xứ sở thần tiên – chạy nhanh rồi nhanh hơn nữa chỉ để đứng nguyên ở cùng một vị trí.
Nhưng vạn vật biến đổi không ngừng. Chúng ta có một số thứ trong một thời gian nhất định, rồi sau đó chúng ta sẽ mất chúng. Chỉ có một thứ mà chúng ta sở hữu mãi mãi, đó là prohairesis, khả năng đưa ra lựa chọn hợp lý của chúng ta.
Những gì khiến ta bám chấp vào có thể đến rồi đi, còn lựa chọn duy lý của ta luôn ở đó và thích nghi với hoàn cảnh. Nếu ta nhận ra điều này càng sớm thì càng tốt. Ta càng dễ dàng chấp nhận và thích nghi với những gì xảy ra.
Ngày 24 tháng 11: HỌC CÁCH TỪ BỎ NHỮNG GÌ KHÔNG PHẢI CỦA MÌNH
“Bất cứ khi nào ngươi trải qua nỗi thống khổ khi mất đi một thứ gì đó, đừng coi nó như một phần của thân thể mình mà hãy coi nó như một chiếc ly có thể bị vỡ, để khi nó chẳng may vỡ ngươi sẽ nhớ đến điều này và không còn phải bận lòng. Cũng như thế, bất cứ khi nào ngươi hôn con cái, anh chị, hoặc bạn bè, đừng áp đặt lên trải nghiệm này những gì ngươi mong muốn, hãy kìm nén và ngăn chúng lại; cũng giống như người phụ tá đi sau những vị tướng đang ăn mừng chiến thắng và nhắc nhở họ rằng họ cũng chỉ là những người phàm. Tương tự như vậy, hãy nhắc nhở bản thân người mà ngươi yêu quý không thuộc sở hữu của ngươi, mà họ chỉ ở bên ngươi cho tới một thời điểm nhất định, chứ không phải mãi mãi…”
—EPICTETUS, DISCOURSES, 3.24.84–86a
Khi đội quân La Mã giành chiến thắng, phần lớn dân chúng sẽ dán mắt vào vị tướng đang đi đầu – một trong những vị trí đáng thèm muốn nhất thời La Mã. Chỉ có vài người mới để ý đến người phụ tá đi đằng sau vị tướng, thì thầm vào tai người đó: “Hãy nhớ đến cái chết”. Một lời nhắn nhủ đặc biệt khi đang ở đỉnh cao của vinh quang và chiến thắng!
Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải nhắc nhở bản thân câu nói này. Khi chúng ta trân trọng điều gì đó – hay yêu quý người nào đó – chúng ta tự nhủ với bản thân rằng điều này thật mỏng manh, không hề tồn tại mãi mãi, và không thực sự thuộc về chúng ta. Dù cho ta cảm thấy điều đó mạnh mẽ và khó bị đánh bại đến đâu, thì sự thật không phải là như thế. Ta luôn phải nhắc nhở bản thân những điều này có thể bị đánh vỡ, những người đó có thể sẽ qua đời hoặc rời bỏ chúng ta.
Mất mát là một trong những nỗi sợ khủng khiếp nhất của chúng ta. Sự thiếu hiểu biết và giả vờ không làm cho mọi thứ tốt hơn. Chúng chỉ làm cho nỗi mất mát càng thêm đau đớn khi nó xảy ra mà thôi.
Ngày 25 tháng 11: CÁCH CUỘC SỐNG VẬN HÀNH THẬT BUỒN CƯỜI
“Đối với ta, ta sẽ chọn ốm đau bệnh tật hơn là sống xa xỉ, vì bị bệnh tật chỉ làm hại cơ thể, trong khi đó sự xa xỉ phá hủy cả thể xác lẫn tâm hồn, gây ra những điểm yếu và bất lực trong cơ thể, và sự thiếu kiểm soát cũng như sự hèn nhát trong tâm hồn. Hơn nữa, xa xỉ cũng sinh ra bất công vì nó cũng sinh ra sự tham lam.”
—MUSONIUS RUFUS, LECTURES, 20.95.14–17.
Những người trúng số độc đắc hầu như đều cho ta một bài học: Đột nhiên kiếm được rất nhiều tiền là một lời nguyền hơn là một phước lành. Chỉ một vài năm sau khi họ nhận một khoản tiền lớn đó, nhiều người trúng xổ số còn ở trong tình trạng tài chính tồi tệ hơn. Họ mất đi bạn bè, còn gia đình thì ly tán. Toàn bộ cuộc sống của họ đã bị biến thành một cơn ác mộng chỉ bởi vì sự may mắn đáng sợ ấy.
Cũng như lời bài hát của Metallica (trong bài hát “No Leaf Clover”): “Rồi ánh sáng êm dịu cuối đường hầm xuất hiện/ Nhưng hóa ra chỉ là một chuyến tàu chở hàng đang đến.”
(ND: Ý nghĩa của bài hát là: Bạn tưởng cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhưng cuối cùng nhận ra mọi thứ không như mình tưởng.)
Nhưng còn phản ứng phổ biến nhất từ một người sống sót sau ung thư, người đã trải qua điều mà tất cả chúng ta sợ hãi và lo ngại? “Đây là điều tốt nhất từng xảy ra với tôi.” Cách cuộc sống vận hành thật buồn cười, phải không?
Ngày 26 tháng 11: TRÊN BÀN THỜ KHÔNG CÓ SỰ KHÁC BIỆT
“Chúng ta giống như rất nhiều những chân nhang rơi xuống trên cùng một bàn thờ. Một số rơi xuống sớm hơn, số khác thì muộn hơn, nhưng nó không tạo nên sự khác biệt.”
—MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.15
Đâu là sự khác biệt giữa bạn và người giàu nhất thế giới? Người này có nhiều tiền hơn so với người kia. Đâu là sự khác biệt giữa bạn và người già nhất thế giới? Người này sống lâu hơn người kia. Tương tự khi so sánh với người cao nhất, thấp nhất, nhanh nhất và nhiều cái nhất khác.
So sánh bản thân chúng ta đối với người khác khiến việc chấp nhận trở nên khó khăn, bởi vì chúng ta muốn những thứ mà họ có, hoặc chúng ta muốn cách sự việc đã có thể khác đi. Nhưng điều đó đâu có tạo ra sự khác biệt.
Một số người có thể thấy những lời này của Marcus nghe thật bi quan, trong khi một số khác lại thấy lạc quan. Đây chỉ là sự thật. Tất cả chúng ta đều đang sống và cuối cùng chúng ta sẽ rời khỏi thế giới này, vì vậy bạn đừng quá quan tâm đến những khác biệt nhỏ nhặt. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm.
Ngày 27 tháng 11: NIỀM VUI CỦA VIỆC BỎ ĐI NHỮNG ĐIỀU TIÊU CỰC
“Thật thỏa mãn làm sao khi loại bỏ và ngăn chặn bất kỳ ấn tượng khó chịu hay xa lạ nào, và ngay lập tức có được bình yên trong tất cả mọi thứ.”
—MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.2
Các nhà Khắc kỷ có thể thấu hiểu cho tình trạng quá tải thông tin trong xã hội ngày nay. Họ không có truyền thông xã hội, không có báo chí, không xem các đoạn hội thoại nhảm trên tivi để rước bực vào người. Nhưng ngay cả thế, một người vô kỷ luật thời đó vẫn có nhiều điều để bị phân tâm và phiền muộn.
Một phần tư duy của những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ là xây dựng sự thờ ơ lãnh đạm. Câu nói trào phúng của Publilius Syrus đã thể hiện rất rõ quan điểm này: “Hãy luôn phớt lờ những điều làm bản thân tức giận”. Nghĩa là: Hãy hướng tâm trí bạn ra xa khỏi những điều kích động nó. Nếu bạn biết rằng một cuộc tranh luận về chính trị trong bữa tối sẽ dẫn đến một cuộc tranh cãi, vậy tại sao bạn còn đề cập đến nó? Nếu những lựa chọn trong đời của anh chị làm bạn lo lắng, tại sao bạn không dừng lại việc suy nghĩ đến chúng và khiến chúng thành mối bận tâm của mình? Hãy làm điều tương tự với những điều khiến bạn buồn bực.
Việc tránh xa những điều đó không phải dấu hiệu của sự yếu đuối. Thay vào đó, đây là một dấu hiệu của ý chí mạnh mẽ. Thử nói: “Tôi biết tôi thường phản ứng như thế nào trong những tình huống này và lần này tôi sẽ không phản ứng như thế nữa.” Và sau đó tiếp tục nói: “Tôi cũng sẽ loại bỏ tác nhân kích thích này khỏi cuộc sống của tôi trong tương lai.”
Và sau đó những gì bạn nhận được sẽ là sự bình yên và thanh thản.
Ngày 28 tháng 11: KHÔNG PHẢI LỖI Ở HỌ, MÀ LÀ Ở BẠN
“Nếu một ai đó mắc phải lỗi lầm, hãy vui lòng chỉnh lại cho họ và chỉ cho họ những gì họ không hiểu. Nhưng nếu ngươi không thể làm thế, hãy tự trách bản thân mình – hoặc không thì đừng trách ai khác.”
—MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 10.4
Một giáo viên tốt biết rằng khi học trò thi trượt, lỗi thuộc về giáo viên chứ không phải ở học sinh. Chúng ta sẽ trở nên khoan dung và độ lượng đến thế nào nếu chúng ta có thể áp dụng quan điểm này sang những lĩnh vực khác của cuộc sống? Khi thấy một người bạn không đáng tin cậy, có lẽ là vì họ không biết điều gì là sai trái hoặc bởi vì chúng ta chưa từng thử giúp họ sửa chữa những thiếu sót của họ. Nếu một nhân viên làm việc kém hiệu quả, chỉ cần nói chuyện với họ hoặc tìm hiểu xem họ có cần sự hỗ trợ hay không. Nếu ai đó đang gây phiền nhiễu, hãy thử nói với họ vấn đề về hành vi của họ, hoặc không hãy tự hỏi: Tại sao tôi lại nhạy cảm như vậy?
Và nếu điều này không hiệu quả, hãy bỏ qua đi. Đây phải chăng cũng chỉ là một tình huống bất khả kháng mà thôi.
Ngày 29 tháng 11: BẠN SẼ ỔN THÔI MÀ
“Đừng than thở về điều này và cũng đừng chuốc lấy lo âu.”
—MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.43
Đây là cảm giác bạn có khi chuyện gì đó xảy ra: Tất cả kết thúc rồi. Tôi mất tất cả rồi. Những gì xảy ra sau đó là những lời phàn nàn và thương hại và đau khổ – cuộc đấu tranh đầy bất lực để chống lại điều gì đó đã bắt đầu rồi.
Quan tâm làm gì? Ta đâu biết tương lai sẽ ra sao. Ta đâu biết điều gì sẽ xảy ra tại bước ngoặt tiếp theo trong đời. Có thể sẽ có nhiều vấn đề hơn, hoặc cũng có thể đây chỉ là bóng tối trước bình minh.
Nếu chúng ta là người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ thì điều duy nhiên chúng ta có thể chắc chắn là: Bất kể điều gì xảy ra, chúng ta rồi sẽ ổn mà thôi.
Ngày 30 tháng 11: THUẬN THEO LOGOS
“Người thuận theo lý trí trong mọi chuyện sẽ có được cả sự thong thả và sẵn sàng để hành động – họ vừa vui vẻ vừa tự chủ cùng một lúc.”
—MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 10.12b
Lý trí chỉ đạo thế giới này – các nhà Khắc kỷ gọi là Logos – Nguyên tắc sản sinh của Vũ trụ – vận hành theo những cách bí ẩn. Đôi khi, Logos trao cho chúng ta những gì chúng ta muốn, trong khi những lúc khác nó lại trao cho chúng ta những thứ chúng ta không hề muốn. Trong cả hai trường hợp, người ta tin rằng Logos là một lực lượng toàn năng chi phối toàn bộ vũ trụ.
Có một phép so sánh hữu ích để giải thích về Logos: Chúng ta giống một con chó bị xích vào một cái xe kéo. Hướng của xe kéo sẽ xác định nơi chúng ta đi. Tùy thuộc vào độ dài của dây xích, chúng ta có quyền khám phá và quyết định tốc độ của mình, nhưng cuối cùng điều mà mỗi chúng ta phải chọn là liệu chúng ta sẽ tự nguyện đi theo xe kéo hay bị kéo lê một cách đau đớn.
Bạn sẽ chọn cái nào? Vui vẻ chấp nhận? Hay thờ ơ từ chối? Cả hai lựa chọn được chia đều như nhau.
Danh Sách Các Tháng Khác
Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết