Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "THE DAILY STOIC" TIẾNG VIỆT BẢN MỚI 2022
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ - TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỂ GẶT HÁI SỨC BẬT TINH THẦN, TỰ TIN VÀ ĐIỀM TĨNH"
Nội dung bài viết
ToggleSÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 10
Ngày 1 tháng 10: HÃY ĐỂ ĐỨC HẠNH TỎA SÁNG
“Liệu ngọn đèn có sáng mãi ngay cả khi cạn kiệt nhiên liệu không? Vậy tại sao tấm lòng chân thành, sự công bằng và sự tự chủ của ngươi không nên tỏa sáng cho đến khi ngươi không còn nữa?”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS , 12.15
Seneca, nói lại lời của Heraclitus, rằng “Chúng ta là những kẻ phàm được thắp sáng và lụi tàn.” Ánh sáng của lý trí tỏa sáng khắp vũ trụ. Dẫu cho ngọn đèn của bạn mới chỉ phát sáng lần đầu sau một thời gian dài tăm tối, hay thậm chí trước khi nhắm mắt xuôi tay, cũng không có gì khác biệt.
Vị trí hiện tại của bạn, hay bất kì vị trí nào đi nữa, cũng đều là vị trí thuận lợi để đức hạnh của bạn được tỏa sáng khi bạn vẫn còn tồn tại trên cõi đời này.
Ngày 2 tháng 10: TÀI SẢN GIÁ TRỊ NHẤT
“Người khôn ngoan có thể chẳng mất gì. Một người như vậy có mọi thứ trong tay, đến Vận mệnh cũng không thể tác động; tài sản của người đó được giữ gìn cẩn thận, được ràng buộc với đạo đức – thứ không bị phụ thuộc vào vận may, và vì thế tài sản đó không tăng thêm hay mất đi.”
– SENECA, ON THE FIRMNESS OF THE WISE, 5.4
Có những người bỏ tiền của họ vào các tài sản như – cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản. Những người khác thì lại đầu tư vào các mối quan hệ và thành tựu, và biết rằng họ có thể nhận lại thứ tương tự như việc rút gửi tiền vào ngân hàng. Nhưng còn có loại người thứ ba, mà theo như Seneca, là những người đầu tư cho bản thân họ để trở nên tốt hơn và khôn ngoan hơn.
Những loại tài sản nào trong này miễn nhiễm với những biến động của thị trường? Có phải là khi có chúng bạn có thể trở nên kiên cường khi đối mặt với thử thách và đau khổ? Chúng sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn? Cuộc sống của riêng Seneca là một ví dụ thú vị. Ông trở nên rất giàu có khi là bạn của hoàng đế, nhưng khi Nero ngày càng trở nên điên cuồng, Seneca nhận ra rằng ông phải thoát khỏi mối quan hệ này. Ông đã đưa cho Nero một thỏa thuận: Ông sẽ đưa cho Nero toàn bộ tiền bạc và quà của Nero đã tặng ông, đổi lấy sự tự do hoàn toàn của mình.
Cuối cùng thì, Nero không đồng ý với điều kiện này, nhưng Seneca vẫn rời đi, nghỉ hưu một cách tương đối hòa bình. Nhưng một ngày nọ, những kẻ hành quyết đến với sắc lệnh trên tay. Trong khoảnh khắc đó, Seneca đã dựa vào đâu? Không phải tiền bạc. Cũng không phải là bạn bè, mặc dù họ có ý tốt, họ chỉ có thể bày tỏ nỗi buồn và đau thương. Ông đã dựa vào đức tính và sức mạnh nội tâm của mình.
Đó là khoảnh khắc cố gắng hết sức của Seneca – lần cuối cùng và cũng là lần tốt nhất của mình.
Ngày 3 tháng 10: BẢN CHẤT CỦA VIỆC PHỤ THUỘC LẪN NHAU
Hãy nghiền ngẫm thường xuyên về mối liên kết và phụ thuộc lẫn nhau của vạn vật trong vũ trụ. Theo một nghĩa nào đó, tất cả mọi thứ đều đan xen lẫn nhau và do đó có một mối quan hệ với nhau – vì mỗi một điều dẫn tới một điều khác tùy theo mức độ chuyển động, sự khuấy trộn giao cảm, và sự kết hợp của các vật chất.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.38
Anne Lamott từng quan sát thấy rằng tất cả những nhà văn “là trăm sông đổ ra một hồ”; tất cả những đóng góp nhỏ nhoi cũng sẽ tạo nên một dự án lớn. Điều tương tự cũng đúng với nhiều ngành công nghiệp, nhưng mà đáng buồn thay, dẫu là trong cùng một công ty, mọi người vì tư lợi cá nhân mà quên mất là họ đang làm việc cùng nhau. Con người đều như nhau, đều hít thở cùng bầu không khí đã nuôi dưỡng tổ tiên chúng ta và và lại về với đất mẹ khi chúng ta chết đi.
Hết lần này tới lần khác, các nhà Khắc kỷ nhắc nhở bản thân về mối liên kết trong cuộc sống. Có lẽ là vì cuộc sống ở Rome và Hy Lạp vô cùng khắc nghiệt. Động vật và con người bị tàn sát dã man chỉ để phục vụ cho mục đích giải trí vô lý của quần chúng ở Đấu trường La Mã. Các quốc gia bị chinh phạt và người dân của họ bị bán làm nô lệ chỉ vì mục đích mở rộng đế chế (thứ vô nghĩa tới mức các nhà Khắc kỷ cũng phải ngao ngán). Sự tàn ác ở trong trường hợp này chỉ xảy ra khi chúng ta quên mất rằng bản thân chúng ta có mối quan hệ thế nào với đồng loại và tự nhiên.
Hôm nay, hãy nhớ rằng chúng ta được liên kết với nhau và mỗi chúng ta đều đóng một vai trò nhất định (người tốt, kẻ xấu, hoặc kẻ vô lại) trong thế giới này.
Ngày 4 tháng 10: MỘT NGƯỜI VÌ MỌI NGƯỜI, MỌI NGƯỜI VÌ MỘT NGƯỜI
“Thứ gì không lợi lạc cho cả tổ ong cũng sẽ không lợi lạc cho con ong.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.54
Trong khái niệm sympatheia của Chủ nghĩa Khắc kỷ có bao gồm quan điểm cho rằng mọi thứ trong vũ trụ đều kết nối với nhau, và đều là một phần của tổng thể. Marcus Aurelius là một trong những người đầu tiên viết về quan điểm về Chủ nghĩa Thế giới (cosmopolitanism) – ông cho rằng mình là một công dân của thế giới, chứ không phải của mỗi Rome.
Ý tưởng bạn là một chú ong trong tổ ong là lời gợi nhớ về góc nhìn này.
Marcus thậm chí còn phát biểu mệnh đề ngược của ý tưởng này sau đó trong cuốn Suy tưởng (Meditation), chỉ để mình không quên, rằng: “Thứ gì không có hại cho xã hội cũng không có hại cho cá nhân”
Chỉ vì thứ gì đó tệ với bạn không đồng nghĩa rằng nó cũng có hại cho nhiều người khác. Chỉ vì thứ gì đó mang lại lợi ích cho bạn không có nghĩa rằng người khác cũng được hưởng lợi từ nó. Hãy nghĩ về những nhà quản lý quỹ dự phòng sử dụng quỹ để đặt cược ngược lại nền kinh tế – họ kiếm được lợi nhuận nhờ vào việc mọi người đều thiệt hại và mọi thứ đều sụp đổ. Liệu đó có phải kiểu người bạn muốn trở thành? Một người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ thấu hiểu được những động lực đúng đắn và những hành động xuất hiện từ đó sẽ mang lại lợi ích cho tổng thể một cách tự nhiên; và đó là mong muốn chính đáng của một người sáng suốt. Ngược lại, nếu cả xã hội đều có những những hành động sáng suốt và tốt đẹp thì nó sẽ đem đến lợi ích cho từng cá nhân.
Ngày 5 tháng 10: LỜI NÓI RA KHÔNG THỂ RÚT LẠI
“Thà vấp chân còn hơn vạ miệng.”
– ZENO, QUOTED IN DIOGENES LAERTIUS, LIVES OF THE EMINENT PHILOSOPHERS, 7.1.26
Ngã thì luôn đứng dậy được, nhưng bạn hãy nhớ rằng, thứ gì nói ra rồi không bao giờ rút lại được. Đặc biệt là những lời nói độc địa và gây đau khổ.
Ngày 6 tháng 10: QUAN TÂM NHỮNG NGƯỜI KHÁC
“Việc quan tâm tới bạn bè, vui mừng với sự tiến bộ của họ như thể đó là sự tiến bộ của mình là việc làm hòa hợp với Tự nhiên. Nếu chúng ta không như vậy, thì đức hạnh – thứ chỉ có thể được củng cố nhờ vào việc rèn luyện nhận thức – sẽ không tồn tại nơi chúng ta nữa.“
– SENECA, MORAL LETTERS, 109.15
Nhìn những người khác thành công là một trong những điều khó nhất – đặc biệt là khi chúng ta đang không được ổn lắm. Trong tâm trí nguyên thủy săn bắn – hái lượm của mình, chúng ta cho rằng cuộc đời là một trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game) – tức là thành tựu của kẻ khác đồng nghĩa với việc thiệt hại ở phần ta.
Cũng như mọi khía cạnh khác của triết lý, ngay cả sự cảm thông và sự vị tha cũng cần được rèn luyện. Seneca nhận thấy chúng ta hoàn toàn có thể học được cách “vui mừng trong thành công người khác, và cảm thông khi họ gặp thất bại.” Đây là hành động của một người có đức hạnh..
Những người như vậy tự nhủ với bản thân rằng hãy tích cực chia vui với người khác – kể cả khi thành công đó đến từ thiệt hại của bản thân – và hãy dẹp bỏ ghen tị, đố kị và tính sở hữu. Bạn cũng có thể làm được như vậy.
Ngày 7 tháng 10: LÝ DO VỊ KỶ ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI TỐT
“Người nào làm điều sai trái với ai, cũng là đang tự làm điều sai trái với chính mình. Người nào đang bất chính với ai cũng là đang bất chính với chính mình – tự khiến bản thân trở nên xấu xa.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 9.4
Lần tới khi bạn làm điều sai trái, thử nhìn lại xem bạn thấy thế nào. Hiếm khi một người nói rằng “Tôi cảm thấy thật tuyệt vời!”
Ở hiện trường vụ án thường xuất hiện dấu vết nôn mửa. Lý do là, thay vì cảm thấy phấn chấn khi phá vỡ ranh giới kiểm soát bản thân hay khi đã trả thù thành công, kẻ phạm tội cuối cùng lại có cảm giác ghê tởm. Chúng ta đều có thể liên hệ với điều này khi chúng ta nói dối, gian lận, hay làm rối tung đời ai đó.
Vì vậy khoảnh khắc trước khi cảm giác ghê tởm dâng trào trong bạn, hãy hỏi: Tôi cảm thấy như thế nào về bản thân? Có phải đó là lúc nỗi sợ hãi ngập tràn trong bạn vì bạn hoài nghi liệu việc ấy có đáng không nếu bị bắt quả tang?
Sự tự nhận thức và những việc làm sai trái thì hiếm khi đi đôi với nhau. Nếu bạn cần một lý do vị kỷ để không làm điều ác – hãy để bản thân liên tưởng đến những cảm giác ấy. Đây đều là những thứ khiến bạn thoái chí dễ dàng trước những việc làm sai trái đó.
Ngày 8 tháng 10: HƠN CẢ NHỮNG THÚ VUI BÌNH THƯỜNG
“Đúng vậy, thực hiện được điều mong muốn thì tuyệt vời lắm. Nhưng chẳng phải đó cũng chính là nguyên do những khoái lạc vui thú dễ khiến ta vấp ngã sao? Thay vào đó, hãy xem thử những điều này có tuyệt vời hơn không – một tâm hồn cao thượng, sự tự do, sự trung thực, lòng nhân hậu, lòng thánh thiện. Không gì đáng thỏa mãn bằng sự thông thái, khi ngươi nhận thấy sự hiểu biết cũng như kiến thức đem lại sự chắc chắn và dễ dàng như thế nào.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.9
Không ai có thể tranh luận rằng niềm vui thú thì không mang lại cảm giác tốt đẹp. Chính bản thân định nghĩa của niềm vui thú đã thấy được điều này rồi.
Nhưng hôm nay Marcus Aurelius đang nhắc nhở bạn – cũng như ông tự nhắc mình – rằng những thú vui khó có thể thay thế đức hạnh. Cơn sốt dopamine đến từ việc quan hệ tình dục chỉ mang tính thời điểm. Niềm tự hào khi đạt thành tích hay tiếng vỗ tay nồng nhiệt của đám đông cũng vậy. Những thú vui rất mạnh mẽ, nhưng chúng dần mất tác dụng rồi lại khiến chúng ta ham muốn nhiều hơn nữa.
Điều gì tồn tại lâu hơn (và nằm trong sự kiểm soát của chúng ta)? Trí tuệ, phẩm chất tốt, sự điều độ và sự tử tế.
Ngày 9 tháng 10: ĐẶT RA CÁC TIÊU CHUẨN VÀ ÁP DỤNG CHÚNG
“Khi các tiêu chuẩn đã được thiết lập, mọi thứ được thử nghiệm và cân nhắc. Và công việc của triết học chỉ có như vậy, xem xét và duy trì các tiêu chuẩn, tuy nhiên công việc của một người tốt nằm ở việc sử dụng những tiêu chuẩn đó khi họ biết đến chúng.”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 2.11.23-25;
Chúng ta trải qua những ngày phản ứng và hưởng ứng (với các sự kiện trong đời – ND), nhưng hiếm khi bạn thực sự dừng lại và hỏi: Điều tôi sắp làm có nhất quán với những gì tôi tin tưởng không? Hoặc, câu hỏi hay hơn: Đây có phải điều mà hình mẫu lý tưởng của tôi sẽ làm hay không?
Công việc của cuộc sống là thiết lập những tiêu chuẩn và sau đó không thỏa hiệp với chúng. Khi bạn đánh răng, chọn bạn để chơi, mất bình tĩnh, rơi vào bể tình, dạy bảo con cái hay dắt chó đi dạo – tất cả đều là những cơ hội để thực hành.
Đừng nói, Tôi muốn làm thật tốt – đó chỉ là một cái cớ. Hãy nói, Tôi sẽ làm thật tốt trong việc cụ thể này, ngay bây giờ. Đặt tiêu chuẩn, kiên định với nó. Chỉ có vậy mà thôi.
Ngày 10 tháng 10: SỰ TÔN TRỌNG VÀ CÔNG LÝ
“Quá khứ – hãy để lại phía sau, tương lai – hãy để tạo hóa quyết định; chỉ tập trung vào hiện tại và dẫn dắt nó bởi sự tôn trọng và công bằng. Sự tôn trọng để ngươi yêu lấy những gì đã được giao cho, vì tạo hóa đã mang cả ngươi và chúng tới với nhau. Công bằng để ngươi có thể nói một cách tự do, không né tránh sự thật; qua đó ngươi hành xử đúng theo những yêu cầu của luật pháp và các giá trị.
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 12.1
Aulus Gellius từng đề cập về điều Epictetus đã nói: “Nếu bất kỳ người nào ghi tâm khắc cốt hai từ sau và sử dụng nỗi đau để quản lý và kiểm soát bản thân, thì người đó sẽ sống một cuộc đời không tỳ vết và vô cùng thanh thản. Hai từ đó là: kiên trì và kiềm chế.” Quả là một lời khuyên tốt. Nhưng dựa trên nguyên tắc nào chúng ta có thể quyết định điều gì nên kiên trì, và điều gì nên kiềm chế?
Marcus cung cấp cho chúng ta câu trả lời: dựa vào sự tôn trọng và công lý.
Nói cách khác, dựa vào đức hạnh.
Ngày 11 tháng 10: LUÔN TRUNG THỰC
“Thối nát và dối trá làm sao khi ai đó nói rằng họ chủ ý “nói thẳng với bạn.” Anh có ý gì đấy bạn hiền? Sự trung thực không cần phải nói ra, mà nó cần luôn được thể hiện như thể nó được khắc rõ trên trán, nghe rõ trong lời ăn tiếng nói, thấy rõ trong ánh mắt – được thể hiện rõ ràng như người được yêu cảm nhận tình yêu trong đôi mắt kẻ si tình. Nói ngắn gọn, một người tốt đẹp và thẳng thắn nên giống một con dê bốc mùi – ai cũng có thể nhận thấy sự tồn tại của người đó khi cùng ở trong phòng với mình.
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.15
Chúng ta đều đã từng dùng những cụm này. “Tôi sẽ thẳng thắn với anh…”, “Thành thật mà nói…”, “Không có ý xúc phạm đâu, nhưng mà…” Dù có sáo rỗng hay không, những câu nói trên gợi lên câu hỏi: Nếu chúng ta sử dụng những câu nói này để chứng minh điều mình nói là trung thực và thẳng thắn, thế còn những lúc khác ta nói thì thế nào? Nếu bạn nói là bạn đang trung thực lúc này, liệu nó có nghĩa là những lúc khác bạn không trung thực sao?
Giả sử rằng, thay vào đó, chúng ta cố gắng sống và tích lũy danh tiếng trung thực của mình – sao cho nó minh bạch như trái phiếu chính phủ, rành mạch và dứt khoát như hợp đồng, và trường tồn như hình xăm. Bạn vừa đỡ tốn công sức hứa hẹn đảm bảo, người khác vừa đỡ thời gian nghi hoặc suy xét – và hơn nữa, bạn sẽ trở thành con người tốt hơn.
Ngày 12 tháng 10: LUÔN YÊU THƯƠNG
“Hecato từng nói: ‘Ta có thể chỉ cho ngươi bùa yêu mà không cần sử dụng bất kỳ loại thuốc, thảo mộc hay câu phép đặc biệt nào cả – nếu người muốn được yêu, thì
hãy yêu người khác.“
– SENECA, MORAL LETTERS, 9.6
Năm 1992, Barbara Jordan diễn thuyết trước Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Dân chủ và lên tiếng chống lại lòng tham lam, ích kỷ và chia rẽ của thập kỷ trước.
Mọi người đã sẵn sàng thay đổi. “Thay đổi thành cái gì?” Bà hỏi. “Thay đổi để môi trường của những năm 80 trở thành môi trường tiêu biểu cho sự tận tụy với mục tiêu đại chúng, dịch vụ đại chúng, lòng nhân từ và tình yêu thương. Yêu. Thương.
Thương. Yêu.”
Thương. Yêu. Thương. Yêu. Tại sao phải vậy? Theo lời ban nhạc Beatles, “Đến cuối cùng, tình yêu một người nhận được chính bằng tình yêu người đó cho đi.” Điều này không chỉ đúng trong chính trị, không chỉ trong sự rộng lượng, mà còn trong đời sống cá nhân. Gần như không tình huống nào mà thù hận có ích. Và hầu hết các tình huống đều có thể trở lên tốt hơn nhờ sự yêu thương – lòng cảm thông, thấu hiểu, biết ơn – kể cả trong những tình huống bạn đối đầu với ai đó.
Và ai biết được, có thể bạn sẽ nhận lại được tình yêu mình đã trao đi đấy.
Ngày 13 tháng 10: PHƯƠNG THỨC TỐT NHẤT ĐỂ TRẢ THÙ LÀ KHÔNG TRẢ THÙ
“Cách tốt nhất để trả thù kẻ khác, chính là không trở thành kẻ đó”
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.6
“Nếu bị thương, chữa lành vết thương sẽ tốt hơn là tìm cách trả thù. Trả thù là việc lãng phí thời gian và thậm chí còn khiến ngươi phải chịu thêm nhiều tổn thương hơn trước. Sự tức giận còn dai dẳng hơn những cơn đau. Tốt nhất là hãy làm điều trái ngược. Có người bình thường nào muốn đá lại một con la hay cắn lại một con chó hay không?”SENECA, ON ANGER, 3.27.2
Giả sử rằng có một kẻ nào đó đối xử với bạn rất tệ. Giả sử rằng có một kẻ được thăng chức nhờ chiếm công của bạn, hoặc nhờ giở trò dối trá với bạn. Thường người ta hay phản ứng: Ồ, thế giới này vẫn luôn vậy mà hoặc là Rồi một ngày sẽ đến lượt mình làm như vậy. Hoặc một suy nghĩ phổ biến hơn: “Mình sẽ bắt những người đó trả giá”. Tuy nhiên, những phản ứng trên lại là những cách phản ứng tệ nhất.
Theo như những lời Marcus và Seneca đã viết lại, cách phản ứng phù hợp – thậm chí còn là cách tốt nhất – chính là không mảy may nghĩ về chuyện trả thù. Nếu bạn trả đũa kẻ đã đối xử thô lỗ với bạn bằng chính sự thô lỗ đó, thì tự bạn đã chứng minh rằng hành động trong quá khứ của kẻ đấy là chính đáng. Nếu bạn dùng sự dối trá để đáp trả sự dối trá của kẻ khác, đoán xem? Bạn chứng minh được việc kẻ đó dối trá với bạn là hợp lý, và giờ cả hai đều trở thành những kẻ dối trá.
Thay vào đó, hãy trở nên tốt đẹp hơn những gì đã khiến ta thất vọng hoặc tổn thương. Hãy trở thành tấm gương mà người khác muốn noi theo. Trở thành một kẻ lừa lọc, dối trá, ích kỷ, luôn muốn gây đau khổ cho người khác là một điều thật sự rất tệ.
Trái lại, sống một cách đạo đức, tốt đẹp là cũng đã rất đủ rồi.
Ngày 14 tháng 10: THAY VÌ TỨC GIẬN, HÃY GIÚP ĐỠ HỌ
“Ngươi có cảm thấy cáu giận khi đứng cạnh một kẻ bị hôi nách hay hơi thở của người đấy có mùi? Vấn đề ở đây là nách hay miệng cũng đều có mùi hôi. Ngươi cho rằng, một con người có nhận thức bình thường thì phải biết điều này chứ, người đó phải biết rằng bản thân đang làm người khác khó chịu chứ? Chúc mừng, ngươi là một người có nhận thức tốt đấy. Vì vậy, hãy sử dụng nhận thức của mình để khơi gợi, đánh thức “nhận thức” đang ngủ quên của người kia đi, chỉ cho người đó thấy, nói cho người đó nghe. Nếu người ta chịu lắng nghe, ngươi có thể giúp họ giải quyết vấn đề mà không cần phải tốn công cáu giận rồi. Đơn giản vậy, chẳng phải cần phức tạp hoá vấn đề.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.28
Cái gã xấu tính ngồi cạnh bạn trên chuyến bay, cái gã mà nói chuyện ồn ào, khua tay múa chân lung tung, kẻ khiến bạn nghiến răng ken két, căm hận đến tận xương tuỷ vì sự thô thiển, thiếu ý tứ, khó ưa đấy. Trong tình huống như thế này, có lẽ là bạn đã phải kiềm chế rất nhiều để không giết chết gã đáng ghét này.
Thật buồn cười ở chỗ là, chúng ta ít khi nghĩ đến việc yêu cầu gã đấy dừng lại theo một cách lịch sự, hoặc nghĩ đến việc đổi ghế ngồi. Chúng ta thà tức giận, cáu gắt, cay cú trong lòng còn hơn là phải mở một cuộc trò chuyện có phần hơi gượng gạo nhưng lại có thể khiến người này, và thậm chí là thế giới này, tốt đẹp hơn. Chúng ta không chỉ muốn người khác trở nên tốt hơn, mà ta mong đợi điều đó sẽ xảy ra một cách thần kỳ – chúng ta muốn người khác thay đổi, cho rằng cái nhìn giận dữ của mình có thể xuyên thẳng vào tâm trí họ giúp họ nhận ra điều đó và tự thay đổi.
Và khi nghĩ về những điều trên, bạn sẽ nhận ra ai đang là kẻ xấu tính ở đây.
Ngày 15 tháng 10: ĐỂ MỌI NGƯỜI HƯỞNG LỢI TỪ NHỮNG GIẢ ĐỊNH
“Mọi thứ bị tác động bởi nhận định của ngươi, và những nhận định này phụ thuộc hoàn toàn vào ngươi. Ngươi có thể chủ ý bỏ đi những phán xét vội vàng thiếu suy nghĩ, và giống như một con tàu đang đi uốn mình quanh mỏm đá, ngươi sẽ tìm thấy biển lặng, trời đẹp và một bến cảng an toàn.
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 12.22
Chánh án tối cao Oliver Wendell Holmes từng nói: “Đến một con chó còn biết phân biệt giữa việc bị người khác đá vào và việc bị người khác không may vấp phải nó.” Nếu bạn có lỡ dẫm phải chú chó của mình, thì phản ứng đầu tiên của nó thường là sủa hoặc lập tức đưa hàm răng về phía chân bạn. Trong khoảnh khắc đấy, con chó chưa phân biệt được – nó chỉ cảm thấy đau thôi. Nhưng sau đó nó sẽ nhìn thấy bạn, nghe được giọng bạn xoa dịu nó, và rồi sẽ lại ngoe nguẩy chiếc đuôi vui vẻ như mọi khi.
Một người có đức hạnh sẽ không vội vàng đưa ra những phán xét khắc nghiệt dành cho những người khác. Một người đức hạnh sẽ luôn có nhiều giả định trong đầu: Rằng chuyện đó có lẽ chỉ là một tai nạn, rằng người ta không biết, rằng sự việc đó sẽ không lặp lại nữa đâu. Điều này giúp chúng ta cảm thấy cuộc đời không quá khắc nghiệt, khiến chúng ta bao dung hơn. Trong khi trái lại, nếu bạn luôn cho rằng người khác có ác ý với mình – một phán xét thiếu suy nghĩ – sẽ khiến mọi thứ trở nên thật nặng nề.
Hãy bình tĩnh và bao dung trong từng phán xét của bản thân dành cho người khác và bạn sẽ thấy, như Marcus nói, biển lặng và trời đẹp hơn nhiều.
Ngày 16 tháng 10: HÃY LAN TỎA NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP
“Những cá nhân có đầu óc xuất chúng thường nhanh chóng hiểu rõ được đức hạnh hoặc tự họ lan tỏa đức hạnh đó ra. Nhưng kẻ lười biếng đang chìm ngập trong những thói quen xấu cần phải gột rửa tâm hồn liên tục. Những con người yếu đuối đó sẽ được giáo dục và thay đổi thói quen nếu chúng ta sử dụng triết học để chỉ dẫn cho họ.”
– SENECA, MORAL LETTERS, 95,36-37
Chủ nghĩa Khắc kỷ không phải là một loại truyền giáo. Bạn không có nghĩa vụ phải cứu rỗi bất cứ ai. Người ta không biết những lời dạy của Epictetus hoặc Marcus Aurelius không có nghĩa là cuộc đời họ sẽ như địa ngục trần gian.
Tuy nhiên, nếu bạn đã được học hỏi và tiếp thu từ con đường đúng đắn hơn, bạn hoàn toàn có thể giúp đỡ những kẻ lầm đường lạc lối khác. Bạn có thể chia sẻ sự khôn ngoan hoặc sáng suốt của mình với bạn bè hoặc người lạ – hãy nhớ rằng một tấm gương thực tế bao giờ cũng tốt hơn những lý thuyết suông.
Mọi người đều xứng đáng được hưởng lợi từ “các nguyên tắc triết học” – theo như cách nói của Seneca. Nếu bạn thấy ai đó cần được giúp đỡ hoặc đang yêu cầu sự giúp đỡ, hãy sẵn sàng giúp đỡ họ. Đó là nghĩa vụ của bạn.
Ngày 17 tháng 10: LỢI ÍCH CỦA SỰ TỬ TẾ
“Hãy chia sẻ những lợi ích cho mọi người chứ đừng giữ nó cho riêng mình. Làm điều tốt luôn là thuận tự nhiên. Ở đâu có con người, ở đó có cơ hội cho sự tử tế.”
– SENECA, ON THE HAPPY LIFE, 24.2-3
Người đầu tiên bạn gặp hôm nay, có thể là người quen hoặc bạn bè, dù bất kể hoàn cảnh tích cực hay tiêu cực, đều cho bạn cơ hội để thể hiện sự tử tế. Nhiều dịch giả đã giải thích câu nói trên của Seneca và cho rằng đây là một cơ hội có lợi cho cả bạn và người đó. Bạn có thể tìm hiểu xem họ đến từ đâu. Bạn có thể tìm cách hiểu họ là ai, họ cần gì và những động lực nào khiến họ hành động như vậy. Bạn có thể đối xử tốt với họ và cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.
Không kể là người đầu tiên trong ngày, người thứ hai, thứ ba, thứ n…, bạn cũng có thể đối xử tử tế với họ. Không có gì đảm bảo rằng họ sẽ đối đáp tốt lại với bạn, nhưng đó không nên là mối quan tâm của những con người theo đuổi Chủ nghĩa Khắc kỷ. Chúng ta luôn tập trung vào những thứ nằm trong tầm kiểm soát: trong trường hợp này là khả năng lựa chọn có đối xử tử tế với người khác hay không.
Ngày 18 tháng 10: NHỮNG KẺ HAI MẶT
“Không có gì tệ hơn việc một con sói làm bạn với một con cừu. Hãy tránh tình bạn giả dối bằng mọi giá. Nếu ngươi là một người tốt, thành thật và tử tế; thì điều đó nên được thể hiện qua đôi mắt ngươi và không thể che giấu.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.15
Hiển nhiên là người ta nên tránh những người xấu xa và những kẻ hai mặt. Điển hình như những người bạn hay đố kỵ, những bậc cha mẹ thiếu sự đồng cảm, người bạn đời không đáng tin cậy. Marcus Aurelius đang nhắc chúng ta tránh những người bạn giả dối.
Nhưng nhìn lại mình thử xem? Ta có tự vấn những lần ta nói dối những người bạn của mình không? Đừng quá soi xét hành vi của người khác, tự nhìn nhận, đánh
giá bản thân là điều quan trọng của những người thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ.
Đôi khi chúng ta đã từng là những kẻ hai mặt. Chúng ta giả vờ tử tế với đồng nghiệp vì họ mang lại lợi ích cho ta. Nhưng khi không còn chung chí hướng, ta lại quay ra nói xấu họ. Chúng ta đi theo người khác, chỉ quan tâm đến họ khi mọi thứ đang tốt đẹp, nhưng lại từ chối giúp đỡ khi người đó rất cần chúng ta.
Chúng ta có thể kiểm soát hành vi này. Hãy ghi nhớ đến điều đó khi bạn định chỉ trích ai đó là một người bạn tồi.
Ngày 19 tháng 10: THÓI QUEN TỐT “HỐT” THÓI QUEN XẤU
“Vì thói quen là thứ có ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ, và chúng ta đã quen với việc đuổi theo những thôi thúc để tìm kiếm hoặc chạy trốn những điều nằm ngoài sự kiểm soát của mình, chúng ta nên tạo ra một thói quen trái ngược với điều đó; và nếu gặp phải vấn đề nan giải, hãy rèn luyện lực phản kháng để đối chọi với nó.”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 3.12.6
Khi một con chó sủa lớn vì có người ở cửa, điều tồi tệ nhất bạn có thể làm là hét lên. Đối với con chó, nó sẽ thấy là bạn cũng đang sủa! Khi một con chó đang bỏ chạy, việc đuổi theo nó sẽ không hữu ích gì – một lần nữa, giờ thì giống như cả hai đều đang chạy. Một lựa chọn tốt hơn trong cả hai trường hợp là giao cho nó việc khác để làm. Bảo nó ngồi xuống. Bảo nó đi vào giường hoặc cũi của nó. Chạy theo hướng khác. Phá vỡ khuôn mẫu, làm gián đoạn xung động tiêu cực.
Điều này tương tự với chúng ta. Khi một thói quen xấu tự bộc lộ, hãy chống lại nó bằng một cam kết thực hiện một đức tính trái ngược. Ví dụ: giả sử bạn thấy mình trì hoãn ngày hôm nay – đừng cố phân tích và chống lại nó. Thay vào đó hãy đứng dậy và đi bộ để đầu óc tỉnh táo và chấn chỉnh bản thân. Nếu bạn thấy mình đang nói điều gì đó tiêu cực hoặc khó chịu, đừng tự đá mình. Hãy thêm một cái gì đó tích cực và tốt đẹp để biến nó thành một nhận xét tốt.
Làm lại những thói quen đã có, và sử dụng sức phản kháng từ quá trình luyện tập để tạo nên sự kiên trì và trở nên tiến bộ. Nếu bạn thấy mình đang làm biếng trong khi tập luyện hoặc khi chạy một dự án, hãy tự nói với bản thân: “Được rồi, bây giờ tôi sẽ tiến xa hơn nữa hoặc làm tốt hơn nữa”.
Những thói quen tốt có sức mạnh để loại bỏ những thói quen xấu. Và như chúng ta đều biết, những thói quen rất dễ cải thiện.
Ngày 20 tháng 10: NHỮNG DẤU ẤN CỦA CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP
“Với bao hành trình rong ruổi trên đời, ngươi cho rằng ngươi chưa bao giờ tìm được nghệ thuật sống – nó không nằm trong logic, sự giàu có, danh vọng hay bất kỳ sự đam mê nào. Không có nơi nào tìm được. Vậy nó nằm ở đâu? [Nghệ thuật sống] nằm ở việc thực hiện những gì bản chất con người yêu cầu. Làm thế nào để một người làm điều này? Bằng cách có những nguyên tắc làm gốc rễ cho mong muốn và hành động của mình. Nguyên tắc gì? Những nguyên tắc về thiện và ác; với niềm tin là chỉ có điều thiện mới tạo ra sự công bằng, sự tự chủ, lòng dũng cảm, và sự tự do; và chỉ có điều ác mới phá hủy những thứ trên.
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.1.(5)
Cuộc sống có ý nghĩa gì? Tại sao tôi được sinh ra? Hầu hết chúng ta đều phải vật lộn với những câu hỏi này – bất kể khi ta còn trẻ hay đã già. Chúng ta nhận ra rất ít điều trên con đường mình đi.Nhưng đó chỉ đơn giản là vì chúng ta bỏ lỡ mấu chốt của vấn đề. Như Viktor Frankl đã chỉ ra trong cuốn sách Đi tìm lẽ sống, đây không phải câu hỏi chúng ta cần phải đi hỏi. Thay vào đó, chúng ta mới là người được đặt câu hỏi. Và câu trả lời chính là cuộc sống của chúng ta.
Không một chuyến du lịch, đọc sách hay những nhà hiền triết thiên tài nào có thể cho bạn biết những gì bạn muốn biết. Thay vào đó, chính bạn là người phải tìm ra câu trả lời trong hành động của mình, trong việc sống một cuộc sống tốt đẹp – bằng cách thể hiện các nguyên tắc hiển nhiên về sự công bằng, tự chủ, can đảm, tự do và tránh khỏi điều ác.
Ngày 21 tháng 10: NHỮNG NGƯỜI HÙNG, Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ
“Một hành vi tệ hại! Mọi người không muốn ca ngợi những người cùng thời với mình, nhưng lại kỳ vọng nhiều vào việc được ca ngợi bởi các thế hệ tương lai – những người họ chưa gặp hoặc chưa từng gặp! Điều này cũng giống như việc ngươi cảm thấy khó chịu khi những thế hệ đi trước không ca ngợi mình.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.18
Alexandria, thành phố ở Ai Cập, vẫn mang tên của người sáng lập ra nó, Alexander Đại đế, khoảng 2.300 năm sau khi ông đặt chân đến đó. Cảm giác tuyệt vời biết bao khi có một thành phố mang tên bạn trong nhiều thế kỷ? Và bạn biết rằng cái tên của mình vẫn được người ta nhắc đến?
Bạn phải suy ngẫm: điều đó không hay ho chút nào. Bởi vì, giống như Alexander, bạn sẽ chết. Bạn sẽ không biết tên của mình có tồn tại qua nhiều thế kỷ hay không.
Theo định nghĩa, không một ai có thể tận hưởng di sản của chính mình.
Tệ hơn nữa, hãy nghĩ về tất cả những điều khủng khiếp mà Alexander đã làm để được nhớ đến. Ông đã chiến đấu những cuộc chiến vô nghĩa. Ông có một tính khí khủng khiếp – thậm chí đã giết chết người bạn thân nhất của mình trong một cuộc đấu khi say xỉn. Ông tàn nhẫn và trở thành nô lệ cho chính tham vọng của mình. Ông ấy thực sự đáng ngưỡng mộ đến vậy sao?
Thay vì lãng phí dù chỉ một giây để cân nhắc thế hệ tương lai nghĩ gì (những người đó thậm chí còn chưa được sinh ra), hãy tập trung hết sức vào việc trở thành người tốt nhất mà bạn có thể trở thành trong thời điểm hiện tại. Hãy làm điều đúng đắn, ngay bây giờ. Chuyện tương lai không liên quan đến ta. Hãy trở nên tử tế, cao quý và thật ấn tượng ngay bây giờ – trong khi còn có thể.
Ngày 22 tháng 10: TRỞ NÊN TỐT HƠN THÌ DỄ THÔI, NHƯNG TỐT HƠN Ở CÁI GÌ?
“Một người có thể rất giỏi trong việc hạ gục đối thủ, nhưng điều đó không khiến người đó trở nên ý thức về cộng đồng hơn, hoặc khiêm tốn hơn, hoặc chuẩn bị tốt hơn cho mọi tình huống, hoặc trở nên rộng lượng hơn với lỗi lầm của người khác.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.52
Sự tự hoàn thiện bản thân (self-improvement) là một mục tiêu cao cả. Nhiều người thậm chí không bận tâm đến điều này. Nhưng trong số những người có quan tâm, họ vẫn có thể bị sự kiêu căng và nông cạn làm hỏng quá trình theo đuổi sự tự hoàn thiện bản thân. Bạn muốn có cơ bụng sáu múi bởi vì bạn đang thử thách bản thân và cam kết cho một mục tiêu khó khăn? Hay chỉ vì bạn muốn gây ấn tượng với những người khác khi bạn cởi áo ra? Bạn đang chạy đường dài bởi vì bạn muốn kiểm tra giới hạn của bạn hay là vì bạn muốn chạy trốn khỏi những vấn đề ở nhà?
Chúng ta không nên bị định hướng để trở thành một người với vóc dáng hoàn hảo hoặc có thể nói nhiều ngôn ngữ nhưng lại không có một giây dành cho những người xung quanh. Chiến thắng trong các trận đấu thể thao để làm gì nhưng lại thất bại trong việc làm tốt bổn phận của một người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, hay những người con? Đừng nhầm lẫn giữa việc cải thiện mảng nào đó với việc cải thiện nhân cách của mình. Trong hai điều trên, có một điều là có mức độ ưu tiên lớn hơn điều còn lại rất nhiều.
Ngày 23 tháng 10: THỂ HIỆN NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA BẢN THÂN
“Mọi người không kính nể trí óc nhạy bén của ngươi? Hãy thể hiện đi. Nhưng ngươi còn có nhiều phẩm chất khác mà ngươi không thể bị lấy đi từ khi sinh ra. Vậy hãy thể hiện những phẩm chất đó trong khả năng của chính mình: sự trung thực, phẩm giá, bền bỉ, minh bạch, hài lòng, tiết kiệm, nhân hậu, tự do, kiên trì, không nói chuyện tầm phào và sự hào hiệp.”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.5
Chúng ta thật dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh. Có người chửi rủa vì họ khi sinh ra không được cao như người khác, có người lại thấy mình không được thông minh hơn người khác, hoặc có nước da khác biệt, hoặc sinh ra ở một đất nước khác. Rất khó để tìm được một người trên thế giới – thậm chí đến cả siêu mẫu – cho rằng họ không thiếu hụt điểm nào đó. Nhưng bất kể bạn có những điểm mà bạn cho là không bằng những người khác, hãy nhớ rằng bạn vẫn có thể phát triển những phẩm chất tốt đẹp – những phẩm chất không phục thuộc vào gien di truyền.
Bạn có quyền lựa chọn để trở nên thành thực. Bạn có quyền lựa chọn để trở nên đàng hoàng. Bạn có thể chọn sự bền bỉ. Bạn có thể chọn để trở nên hạnh phúc. Bạn có thể chọn để trở nên minh bạch. Bạn có thể chọn để trở nên tiết kiệm. Bạn có thể chọn để trở nên tốt bụng với người khác. Bạn có thể chọn để trở nên tự do. Bạn có thể kiên trì dưới những khó khăn bất lợi. Bạn có thể tránh buôn chuyện. Bạn có thể chọn để trở nên tử tế.
Và thành thực mà nói, chẳng phải những đặc điểm được tạo ra từ sự nỗ lực và kỹ năng thì ấn tượng hơn [những đặc điểm được tạo ra do gien] hay sao?
Ngày 24 tháng 10: SUỐI NGUỒN CỦA ĐỨC HẠNH
“Đào sâu vào tâm hồn ngươi. Dưới đó là suối nguồn của Đức hạnh; luôn dồi dào đến mức sẽ trào lên nếu ngươi tiếp tục đào xới”
– MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.59;
Ngày nay, chúng ta có thể hy vọng rằng sự tốt đẹp đến từ tin tức tốt, thời tiết đẹp hay sự may mắn. Hoặc chúng ta có thể tự đi tìm nó, trong chính chúng ta. Sự tốt đẹp không phải là thứ có thể được vận chuyển bằng bưu phẩm. Bạn phải đào sâu vào chính tâm hồn của bạn. Bạn tìm thấy nó ngay tại những suy nghĩ của chính mình, và bạn hiện thực nó với những hành động của mình.
Ngày 25 tháng 10: HAI NHIỆM VỤ
“Vậy thì điều gì khiến một người không gặp phải sự cản trở và tự đưa ra quyết định? Không phải sự giàu có, chức vụ cao, địa vị xã hội, hay vương quốc ngươi sinh sống; mà nó phải là thứ khác … khi sống trên đời, thứ đó chính là kiến thức về cách sống.”
– EPICTETUS, DISCOURSES, 4.1.62-64
Bạn có hai nhiệm vụ thiết yếu trong cuộc sống: trở thành một người tốt và theo đuổi nghề nghiệp mà bạn yêu thích. Tất cả những thứ khác đều lãng phí năng lượng và tiềm năng của bạn.
Làm thế nào để làm điều đó? OK, đó là một câu hỏi khó hơn. Nhưng triết lý mà chúng ta thấy từ Chủ nghĩa Khắc kỷ đã đưa ra câu trả lời đơn giản: nói không với những trò tiêu khiển, những cảm xúc phá hoại, và áp lực từ bên ngoài. Hãy tự hỏi bản thân: Điều gì mà chỉ mình tôi có thể làm được? Làm thế nào để tận dụng tối đa khoảng thời gian có hạn của tôi khi còn đang sống? Cố gắng làm những điều đúng đắn khi tình huống yêu cầu. Đối xử với người khác theo cách mà bạn hy vọng được đối xử. Và hiểu rằng mỗi lựa chọn nhỏ bé và mỗi vấn đề nhỏ bé đều là cơ hội để thực hành những nguyên tắc lớn hơn này.
Chính là nó. Đó là kỹ năng quan trọng nhất của tất cả mọi người: học cách sống.
Ngày 26 tháng 10: BA THÀNH PHẦN, MỘT MỤC TIÊU
“Số lượng đông đảo những tác giả giỏi nhất và vĩ đại nhất đã khẳng định rằng triết học bao gồm ba phần: Đạo đức, Tự nhiên và Lý trí. Phần đầu tiên đặt linh hồn vào trật tự vốn có của nó. Phần thứ hai kiểm tra thật triệt để trật tự tự nhiên của mọi thứ. Phần thứ ba tìm hiểu ý nghĩa thích hợp của những ngôn từ, cách sắp xếp và chứng minh để ngăn chặn sự giả dối len lỏi vào thay thế sự thật.”
– SENECA, MORAL LETTERS, 89.9
Ba phần này – đạo đức, tự nhiên và lý trí – có một mục tiêu. Tuy khác nhau nhưng chúng có chung mục đích: giúp bạn sống một cuộc sống tốt đẹp được kiểm soát bởi lý trí.
Không phải ở tương lai, mà là ngay bây giờ.
Ngày 27 tháng 10: TA GẶT HÁI NHỮNG GÌ TA ĐÃ ƯƠM MẦM
“Những tội ác quay lại hại người tạo ra chúng.”
(Crimes often return to their teacher)
– SENECA, THYESTES, 311
(ND: Một câu tương đương là “Ác giả ác báo”)
Thật mỉa mai khi Seneca lại thốt ra câu nói này. Như chúng ta đã biết, trong nhiều năm, Seneca đã phục vụ với tư cách là gia sư và cố vấn cho hoàng đế Nero. Có rất nhiều bằng chứng rằng trên thực tế, Seneca đã có ảnh hưởng đạo đức tích cực đối với người thanh niên loạn trí, nhưng ngay cả vào thời điểm đó, những người cùng thời với Seneca cũng thấy lạ khi một triết gia lại làm cánh tay phải cho một kẻ xấu xa như vậy. Họ thậm chí còn sử dụng từ tiếng Hy Lạp tyrannodidaskalos – giáo viên bạo chúa – để mô tả ông. Và đúng như Shakespeare đã quan sát trong Macbeth,
“Những lời chỉ dẫn đẫm máu đang được giao giảng/
Sẽ phản lại người tạo ra chúng”,
sự hợp tác của Seneca với Nero cuối cùng đã kết thúc bằng việc học trò giết chết thầy mình.
Đó là điều cần phải suy nghĩ khi bạn cân nhắc xem nên làm việc với ai và hợp tác kinh doanh với ai trong cuộc sống. Nếu bạn chỉ cho khách hàng cách làm điều gì đó phi đạo đức hoặc bất hợp pháp, liệu sau này họ có thể trả ơn bạn mà không nghi ngờ bạn không? Nếu bạn nêu gương xấu cho nhân viên, cho cộng sự, cho con cái của bạn, có chắc họ không phản bội bạn hoặc khiến bạn bị thương? Có câu nói Gieo nhân nào gặt quả nấy. Karma, hay Nhân quả, là một khái niệm chúng ta đã học từ phương Đông, cũng có nghĩa tương tự.
Seneca đã phải trả giá cho những chỉ dẫn của mình cho Nero. Các thời đại đã chứng minh, thói đạo đức giả của ông – dù có tránh được hay không – cũng đã phải trả giá đắt. Và bạn cũng có thể rơi vào tình huống như vậy.
Ngày 28 tháng 10: CHÚNG TA SINH RA ĐỂ DÀNH CHO NHAU
“Tìm thấy một vật thuộc về Trái đất ở nơi ngoài Trái đất còn dễ hơn tìm thấy một người sống tách biệt khỏi xã hội”
– MARCUS AURELIUS,MEDITATIONS, 9.9.3
Rất bình thường khi Marcus Aurelius và những triết gia Khắc kỷ khác không thấy quen thuộc với thuyết vật lý của Isaac Newton. Nhưng họ đều biết rằng, những thứ gì có lúc đi lên rồi sẽ có lúc phải đi xuống. Phép loại suy mà vị vua của chúng ta dùng ở đây là: sự phụ thuộc lẫn nhau giữa đồng loại còn mạnh cả hơn luật hấp dẫn.
Triết học thu hút những người hướng nội. Việc nghiên cứu về bản chất tự nhiên của con người khiến bạn nhận thức được sai lầm của người khác và nó có thể sẽ khiến bạn khinh thường họ. Rắc rối và khó khăn gian khổ cũng vậy – Nó cô lập chúng ta với thế giới.
Nhưng không gì có thể thay đổi một điều rằng chúng ta là sinh vật có tính xã hội như Aristotle đã nói. Chúng ta cần nhau. Chúng ta ở đây là để dành cho nhau. Chúng ta chăm sóc những người xung quanh (và ngược lại, chúng ta cũng cho phép họ chăm sóc lại mình). Nếu chúng ta giả tạo những điều trên, tức là ta đang vi phạm bản chất tự nhiên của chính mình; điều này ít nhiều khiến ta không thể sống trọn vẹn.
Ngày 29 tháng 10: TÍNH CÁCH LÀ SỐ PHẬN
“Mỗi người đều có tính cách riêng, nhưng vai trò chính thức của họ lại được quyết định bởi sự tình cờ. Ngươi nên mời tới bàn ăn của mình những người bạn thực sự xứng đáng được mời và cả những người bạn có thể sẽ xứng đáng được mời.”
– SENECA,MORAL LETTERS, 47.15b
Trong quá trình tuyển dụng, đa phần những người tuyển dụng đều đánh giá xem người này đã từng học ở đâu, đã từng nắm giữ vị trí gì trong quá khứ. Điều này là bởi vì những thành công trong quá khứ có thể là dấu hiệu của những thành công trong tương lai. Nhưng có phải luôn luôn là như vậy không? Có những người đã thành công nhờ vào may mắn. Có thể là họ được vào Oxford hay Harvard là nhờ cha mẹ của họ. Vậy thì những người trẻ chưa có đủ thời gian để đạt được những thành tựu thì sao? Họ là những con người không có giá trị gì à?
Tất nhiên là không rồi. Đây là lý do tại sao tính cách là thước đo tốt hơn nhiều bất kể người đó là nam hay nữ. Không chỉ là thước đo cho công việc, mà còn là thước đo cho tình bạn, mối quan hệ, cho tất cả mọi thứ trên đời. Heraclitus phát biểu câu châm ngôn: “Tính cách chính là số phận.”
Khi bạn tìm cách thăng tiến vị trí xã hội, tính cách là đòn bẩy tốt nhất – có lẽ nó không phải là một giải pháp ngắn hạn, nhưng chắc chắn nó là một giải pháp dài hạn.
Điều này cũng tương tự với những người bạn mà bạn có trong đời.
Ngày 30 tháng 10: AI HƯỞNG LỢI NHIỀU NHẤT?
“Ngươi không thấy xấu hổ khi chỉ dành cho mình phần thừa thãi trong cuộc sống, và chỉ tu dưỡng trí tuệ khi thời gian đó không làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của nhà ngươi hay sao?”
– SENECA, ON THE BREVITY OF LIFE, 3.5b
Ở một trong những lá thư của mình, Seneca có kể một câu chuyện về Alexander đại đế. Rõ ràng khi Alexander đi chinh phục thế giới, một số quốc gia chắc hẳn sẽ đưa ra một lời đề nghị là họ sẽ cống nộp cho ông một vài mảnh đất trong lãnh thổ của họ và đổi lại, ông hãy để họ yên ổn. Seneca viết, Alexander có thể sẽ nói với họ rằng, “Ta đặt chân đến châu Á không phải để nhận những thứ mà các ngươi có thể cống nộp, ta đến để quyết định xem các ngươi có thể giữ lại những gì”.
Theo Seneca, chúng ta cũng nên đối xử với triết học tương tự như vậy. Triết học không phải là nơi bạn dùng nốt thời gian hay năng lượng dư thừa sau khi làm xong các công việc khác; thay vào đó các công việc khác chỉ nên được làm sau khi việc học triết học của ta kết thúc.
Nếu cải thiện bản thân thực sự là điều mà chúng ta đang theo đuổi, vậy thì tại sao chúng ta lại bỏ dở việc đọc sách của mình và chờ đến khi chỉ vài phút trước giờ chúng ta tắt đèn đi ngủ mới bắt đầu lôi sách ra đọc? Tại sao chúng ta dành thời gian 8-10 tiếng mỗi ngày để đi làm hay đi họp mà lại không dành thời gian để nghĩ về những câu hỏi quan trọng? Một người, bằng một cách nào đó, xem TV trung bình 28 tiếng mỗi tuần – Nhưng nếu bạn hỏi họ có thời gian để học triết không, chắc có lẽ họ sẽ nói với bạn rằng “Tôi bận lắm, lấy thời gian đâu ra mà học ba cái thứ linh tinh”.
Ngày 31 tháng 10: NHÂN CHI SƠ, TÍNH BẢN THIỆN
“Từ khi sinh ra con người đã hướng về đức hạnh.”
– MUSONIUS RUFUS, LECTURES, 2.7.1-2
Ý niệm về nguồn gốc tội lỗi đã đè nặng nhân loại trong nhiều thế kỷ. Trên thực tế, chúng ta được sinh ra để giúp đỡ và đối xử tốt với nhau. Nếu không thì chúng ta đã không thể tồn tại rồi.
Các triết lý Chủ nghĩa khắc kỷ rất dễ hiểu đối với nhiều người. Những ý tưởng bên trong nó đi vào cốt lõi của việc chúng ta là ai và những gì chúng ta biết là sự thật. Điều duy nhất mà những ý tưởng đó xung đột với nhau là những phát minh khác nhau của xã hội – thường phục vụ cho một số lợi ích cá nhân hơn là lợi ích chung.
Bạn sinh ra đã có bản tính tốt. “Tất cả chúng ta đều được tạo ra bởi tự nhiên,” Rufus nói, “để chúng ta có thể sống không mắc lỗi và sống cao cả – không phải là việc người này có thể sống cao cả và những người khác thì không, mà là tất cả đều có thể.” Bạn sinh ra đã hướng về đức hạnh và khả năng làm chủ bản thân. Nếu bạn ra ngoài khuôn khổ, thì nó không phải vì bạn bẩm sinh đã xấu, mà bạn đã nuôi dưỡng những điều sai trái và chứa chấp những ý tưởng sai lầm. Như Seneca đã chỉ ra, triết học là một công cụ để loại bỏ những thứ trong cuộc sống sao cho chúng ta được trở về bản chất thực sự của chính mình.
Danh Sách Các Tháng Khác
Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết