Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng

Nội dung bài viết

The Daily Stoic Tiếng Việt

SÁCH NÓI THE DAILY STOIC THÁNG 1


Ngày 1 tháng 1: KIỂM SOÁT VÀ LỰA CHỌN

“Công việc quan trọng hàng đầu trong đời chỉ đơn giản là: nhận diện và phân biệt được những vấn đề, để có thể xác định với bản thân, đâu là những yếu tố ngoại cảnh mà mình không thể kiểm soát, và đâu là những điều mình thật sự kiểm soát được. Từ đó nhận diện tốt xấu. Không phải là tốt xấu của những yếu tố ngoại cảnh, mà là nhận diện tốt xấu cho những quyết định của chính mình…”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.5.4–5

Công việc quan trọng nhất trong việc thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ là phân biệt được những thứ chúng ta không thể và có thể thay đổi. Phân biệt những thứ chịu tác động của chúng ta và những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Một chuyến bay bị trễ do thời tiết, dù bạn có gào thét vào mặt nhân viên đại diện của hãng hàng không đó bao nhiêu đi nữa, cũng không thể ngưng cơn bão được. Bạn cũng không thể ước mình cao hơn hay thấp đi, không thể ước mình sinh ra ở một đất nước khác. Dù bạn cố gắng bao nhiêu, cũng không thể khiến một người thích bạn. Và quan trọng hơn cả, thay vì dành thời gian cho những điều mình có thể thay đổi, có thể tác động được, bạn lại phí phạm chúng cho những thứ ngoại cảnh kia.
Những người muốn cải thiện bản thân thường nhẩm lời nguyện An tĩnh: “Lạy Chúa, xin ban cho con sự an tĩnh để chấp nhận những điều con không thể thay đổi, sự can đảm để thay đổi những điều con có thể thay đổi, và sự thông thái để phân biệt được hai điều trên.” Những người nghiện ngập ở hiện tại không thể thay đổi được quá khứ bị lạm dụng đau khổ của họ. Họ cũng không thể rút lại những lựa chọn của mình, rút lại những thống khổ mà họ đã gây ra cho bản thân. Nhưng họ có thể thay đổi tương lai — bằng chính sức mạnh mà họ đang nắm giữ ở hiện tại. Như Epictetus từng nói, họ có thể kiểm soát được quyết định mà họ sắp đưa ra. Với chúng ta ngày nay, mọi thứ cũng tương tự vậy. Nếu chúng ta tập trung vào xác định được đâu là những thứ nằm trong tầm kiểm soát, và đâu là những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân, thì chúng ta không chỉ hạnh phúc hơn, mà còn có lợi thế hơn hẳn những người đấu tranh trong vô vọng.

Ngày 2 tháng 1: GIÁO DỤC LÀ TỰ DO

“Thành quả của việc thực hiện theo lời dạy của ta là gì? Chính là những điều tốt đẹp nhất từ việc được giáo dục đúng cách — là sự thanh thản, lòng dũng cảm, và sự tự do. Chúng ta không nên nghe theo niềm tin của số đông, rằng chỉ có kẻ tự do mới được giáo dục, mà phải đặt niềm tin vào những người trân quý kiến thức thật sự, mà theo họ, người được giáo dục chính là người có tự do.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.5.4–5

Tại sao bạn lại chọn cuốn sách này? Sao không phải là một cuốn sách bất kỳ nào khác? Chắc chắn không phải là để tỏ ra thông minh hơn, không phải để giết chút thời gian trên máy bay, hay không phải để nghe những điều bạn không muốn nghe — có rất nhiều việc khác dễ dàng hơn việc đọc sách như thế này nhiều chứ.
Không, bạn chọn cuốn sách này vì bạn đang học cách sống. Vì bản muốn được tự do hơn, ít sợ hãi hơn, và đạt được trạng thái bình yên. Sự giáo dục — ở đây là việc đọc và suy ngẫm về những kiến thức uyên bác của những bộ óc vĩ đại — không phải là việc để làm cho vui. Tiếp thu giáo dục phải được thực hiện một cách có chủ đích. Hãy nhớ lấy điều này vào những ngày mà bạn cảm thấy mình đang xao nhãng, vào những khi bạn cảm thấy muốn hoài phí thời gian vào việc xem tivi hoặc ăn vặt hơn là dành ra để đọc sách hoặc nghiên cứu triết học. Kiến thức nói chung và việc tự học nói riêng, chính là chìa khóa dẫn đến tự do.

Ngày 3 tháng 1: HÃY TÀN NHẪN VỚI NHỮNG THỨ KHÔNG QUAN TRỌNG

“Đã bao nhiêu lần ngươi lãng phí cuộc đời mình, khi không thể nhận thức được những gì mà ngươi đánh mất, bao nhiêu sự hoài phí ngươi đã dành cho những đau buồn vô nghĩa, những niềm vui ngu xuẩn, những ham muốn tột cùng, những trò tiêu khiển của số đông — ngươi còn giữ lại được bao nhiêu cho mình. Khi ấy, ngươi sẽ nhận ra mình đang chết dần chết mòn trước cả khi cái chết tìm đến.”
— SENECA, ON THE BREVITY OF LIFE, 3.3b

Một trong những điều khó thực hiện nhất trong cuộc đời này, chính là nói “Không”. Nói không trước những lời mời mọc, trước những đòi hỏi, ép buộc, và trước những thứ mà người khác vẫn hay làm. Nói không trước thứ hoài phí thời gian như tức giận, phấn khích, xao nhãng, ám ảnh, ham muốn… thậm chí còn khó hơn. Không có gì trong những điều trên có vẻ là hiểm hoạ thực sự, nhưng nếu không kiểm soát kỹ, chúng ta sẽ dễ dàng thỏa hiệp với chúng.
Nếu bất cẩn, những điều trên sẽ áp đảo và chiếm lấy cuộc sống của bạn. Bạn có bao giờ tự hỏi rằng làm sao để lấy lại chút thời gian, làm thế nào để bớt bận rộn lại? Dễ thôi, hãy bắt đầu bằng việc nói “Không” — “Không, cảm ơn”, “Không, tôi sẽ không tham gia vụ đó”, “Không, hiện tại thì tôi không thể”. Làm thế có thể khiến một số người bị tổn thương, khiến họ cụt hứng, và thật khó để nói “Không”. Nhưng bạn càng từ chối những thứ không quan trọng, bạn càng có thời gian dành cho những điều thật sự cần thiết. Điều này sẽ cho phép bạn sống và tận hưởng cuộc sống của chính mình — một cuộc đời đúng như mong muốn của bạn.

Ngày 4 tháng 1: BA ĐIỀU LỚN NHẤT

“Tất cả những gì ngươi cần là: chắc chắn về những sự phán xét ở thời điểm hiện tại; hành động vì lợi ích chung trong thời điểm hiện tại; và một thái độ biết ơn ở hiện tại với bất kỳ điều gì ngươi nhận được trên con đường mà ngươi chọn .”
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 9.6

Nhận thức, hành động, ý chí. Đó là ba nguyên tắc xen lẫn nhau nhưng lại vô cùng quan trọng với chủ nghĩa Khắc kỷ (cũng như cách tạo nên cuốn sách này và hành trình dài một năm trời mà bạn mới bắt đầu). Chắc chắn là có rất nhiều triết lý – và chúng ta có thể dành cả ngày để nói về niềm tin độc đáo của các nhà Khắc kỷ khác nhau.
“Đây là những gì mà Heraclitus nghĩ …”, “Zeno đến từ Citium, một thành phố của Cyprus, và ông tin rằng …” Nhưng mà những sự thật như vậy có giúp ích cho bạn ngày nào không? Những thứ đã quá rõ ràng mà chuyện tầm phào này vẫn đề cập tới?
Thay vào đó, lời nhắc nhở sau đây tổng hợp ba phần thiết yếu nhất của triết lý Khắc kỷ đáng để bạn mang theo bên mình hằng ngày, và áp dụng cho mọi quyết định:
— Kiểm soát nhận thức của bạn.
— Hành động một cách đúng đắn.
— Sẵn sàng chấp nhận những gì ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Đó là tất cả những gì mà chúng ta cần làm.

Ngày 5 tháng 1: LÀM RÕ NHỮNG Ý ĐỊNH CỦA BẠN

“Hãy để tất cả những nỗ lực của ngươi hướng tới một điều gì đó, và hãy giữ lấy nó trong tầm nhìn của mình. Không phải chính sự việc đó, mà đó là quan điểm sai lệch về những thứ đó làm người ta trở nên điên dại.”
— SENECA, ON TRANQUILITY OF MIND, 12.5

Điều luật thứ 29 trong 48 Điều luật của Quyền lực là: LÊN KẾ HOẠCH TỪ ĐẦU ĐẾN CUỐI. Robert Greene viết như thế này, “Bằng việc lập kế hoạch chi tiết từ đầu đến cuối sẽ khiến bạn không bị choáng ngợp bởi hoàn cảnh bạn gặp phải, và bạn sẽ biết khi nào cần phải dừng lại. Từ tốn chỉ dẫn vận may và xác định cho tương lai bằng cách suy nghĩ ra xa hơn.” Thói quen thứ hai trong 7 Thói quen của người thành đạt là: Bắt đầu với một cái kết trong tâm trí.
Hình dung ra cái kết trong đầu không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ đạt được nó – không có nhà Khắc kỷ nào chấp nhận việc đó – nhưng mà không có viễn cảnh trong đầu sẽ dẫn đến một điều chắc chắn là bạn không bao giờ đạt được điều mình chưa hình dung đến. Với các nhà Khắc kỷ, oiêsis (quan niệm sai lầm) là phải chịu trách nhiệm với không chỉ là những xao nhãng trong tâm hồn mà còn là với sự hỗn loạn và rối loạn hành vi. Khi mà những nỗ lực của bạn không hướng vào nguyên nhân hay mục đích nào, làm sao bạn biết phải làm gì ngày này qua ngày khác? Làm sao bạn có thể biết khi nào nói có và khi nào cần phải nói không? Làm sao bạn có thể biết khi nào là đủ, khi nào bạn đạt thành quả, khi mà bạn bị lạc lối, nếu bạn chưa định nghĩa được những thứ đó là gì?
Câu trả lời là bạn không thể. Và do đó, bạn sẽ thất bại – hay tệ hơn là bị lạc lối vào phương hướng vô định.

Ngày 6 tháng 1: AI, Ở ĐÂU, CÁI GÌ VÀ TẠI SAO

“Một người mà không hay biết vũ trụ là gì, sẽ không biết nơi họ đang đứng là nơi nào. Một người không biết tới mục đích sống, sẽ không hay biết họ là ai hay vũ trụ là gì. Một người mà không hay biết bất cứ một điều gì ở trên thì không hiểu sao họ tồn tại làm gì nữa. Vậy nên, điều gì đã làm cho những người đang tìm kiếm hoặc lảng tránh những lời ngợi khen của những người không có kiến thức về nơi họ đang sống hay thậm chí còn không biết họ là ai?”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.52

Diễn viên hài quá cố Mitch Hedberg có một câu chuyện vui trong sự nghiệp của ông. Ở một buổi phỏng vấn, một DJ đã hỏi ông rằng: “Vậy thì, ông là ai?”. Trong một thoáng, ông đã suy nghĩ điều này: “Người này thực sự là một người sâu sắc, hay là mình tới nhầm chỗ rồi nhỉ?”
Chúng ta có thường xuyên tự hỏi bản thân mấy câu đơn giản như “Bạn là ai?” hay là “Bạn làm gì?” hoặc là “Bạn đến từ đâu?” Nếu ta chỉ coi nó là một câu hỏi hời hợt – thì ta cũng chẳng cần bận tâm tới một câu trả lời cũng hời hợt tương tự.
Nhưng, khi mà chĩa súng vào đầu họ, thì đa số mọi người không thể cho ra được một câu trả lời thỏa đáng. Bạn có thể không? Bạn có dành thời gian để tỏ tường được việc bạn là ai và bạn đại diện cho điều gì không? Hay là bạn quá bận rộn để theo đuổi những thứ không quan trọng, bắt chước theo những trào lưu sai lầm, hay theo đuổi những ước mơ nghèo nàn, hay thậm chí nó còn không tồn tại?

Ngày 7 tháng 1: BẢY CHỨC NĂNG CỦA TÂM TRÍ

“Công việc đúng đắn của trí não là rèn luyện sự đúng đắn của sự lựa chọn, sự từ chối, sự khao khát, sự ghê tởm, sự chuẩn bị, mục đích và sự đồng ý. Điều gì có thể làm sa đọa và cản trở sự vận hành đúng đắn của tâm trí? Chẳng có gì ngoài quyết định sai lầm của chính nó.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.11.6—7

Hãy làm rõ từng ý:
● Sự lựa chọn — để nghĩ và làm đúng
● Sự từ chối — với những cám dỗ
● Sự khao khát — để trở nên tốt hơn
● Sự ghê tởm — với những điều tiêu cực, những tác động xấu, những điều không đúng
● Sự chuẩn bị — với những điều dối trá trước mặt hoặc bất cứ thứ gì có thể xảy ra
● Mục đích — xác định những nguyên tắc và ưu tiên cao nhất của chúng ta
● Sự đồng ý — không bị lừa dối về những gì nằm bên trong và bên ngoài sự kiểm soát của chúng ta (và sẵn sàng chấp nhận vế sau)

Đây là những điều tâm trí cần làm. Chúng ta phải chắc chắn nó làm những điều đó — và xem tất cả những thứ khác là sự sa đà và cản trở.

Ngày 8 tháng 1: NHÌN NHẬN NHỮNG THÓI QUEN XẤU

“Chúng ta phải từ bỏ nhiều thói quen xấu, phải coi điều đó là tốt. Nếu không, lòng can đảm sẽ tan biến thay vì được thử thách liên tục Sự cao thượng của tâm hồn sẽ biến mất, điều không thể trở nên nổi bật trừ khi nó coi thường những điều nhỏ nhặt mà đám đông khát khao nhất.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 74.12B—13

Những gì chúng ta coi là những thú vui vô hại có thể dễ dàng trở thành thói quen xấu. Chúng ta bắt đầu buổi sáng với một tách cà phê, và chẳng mấy chốc chúng ta không thể bắt đầu buổi sáng mà thiếu nó. Chúng ta kiểm tra e—mail bởi vì nó là một phần của công việc, và rất nhanh chúng ta sẽ có những ảo tưởng về việc điện thoại rung trong túi quần vài phút một lần. Có thể bạn không nhận ra, những thói quen đó đã, đang và sẽ điều khiển cuộc sống của chúng ta.
Những thú vui vô hại đó không chỉ làm sứt mẻ sự tự do và tự chủ, chúng còn che mờ đi sự sáng suốt của chúng ta. Chúng ta tưởng rằng mình đang nắm quyền kiểm soát – nhưng có thật như vậy không? Những thói quen xấu hình thành khi chúng ta “mất đi sự tự do để kiềm chế”. Hãy cùng nhau đòi lại sự tự do đó. Những thói quen xấu nào bạn có thể từ bỏ: Nước uống có ga? Chất kích thích? Than phiền? Tám chuyện? Internet? Cắn móng tay? Nhưng bạn cần phải lấy lại năng lực để tiết chế bởi vì bên trong khả năng đó là sự sáng suốt và tự kiểm soát bản thân.

Ngày 9 tháng 1: ĐIỀU CHÚNG TA KIỂM SOÁT VÀ KHÔNG KIỂM SOÁT

“Một số thứ trong vòng kiểm soát của chúng ta, trong khi những thứ khác thì không. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát sự đánh giá, sự lựa chọn, sự khao khát, sự ác cảm của mình và tất cả những thứ mà chúng ta làm. Chúng ta không thể kiểm soát cơ thể, của cải, danh tiếng, địa vị và tất cả những thứ mà chúng ta không làm. Hơn nữa, những thứ trong sự kiểm soát của chúng ta về bản chất là tự do, không có sự cản trở và không có chướng ngại, trong khi đó tất cả những thứ chúng ta không thể kiểm soát thì yếu đuối, đê tiện, có thể bị cản trở và không phải của chúng ta.”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 1.1—2

Ngày nay, bạn không thể kiểm soát những sự kiện xảy ra bên ngoài. Nó có đáng sợ không? Một chút thôi, nhưng bạn sẽ thấy cuộc sống khá cân bằng khi chúng ta có thể thấy chúng ta có thể kiểm soát những đánh giá của chúng ta về tất cả những sự kiện đó. Bạn quyết định nó tốt hay xấu, công bằng hay không công bằng. Bạn không thể kiểm soát hoàn cảnh, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tất cả những gì bạn nghĩ về nó.
Xem nó hoạt động như thế nào? Từng điều một nằm bên ngoài sự kiểm soát của bạn – thế giới bên ngoài, người khác, may mắn, nghiệp chướng, bất cứ thứ gì – thường biểu hiện một cách tương ứng với những gì nằm trong tầm kiểm soát của bạn, bạn là “người khác của người khác”. Chỉ điều này đã cho chúng ta sự kiểm soát tối cao, quyền năng tối cao.
Trên hết, một sự hiểu biết đúng đắn về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát cho chúng ta một sự đánh giá khách quan nhất về thế giới: tất cả những gì chúng ta có là tâm trí của mình. Hãy nhớ tới điều này mỗi khi bạn cố gắng mở rộng tầm với ra bên ngoài, và hướng vào bên trong một cách thích hợp hơn.

Ngày 10 tháng 1: NẾU BẠN MUỐN ỔN ĐỊNH

“Bản chất của cái thiện là một kiểu lựa chọn hợp lý nhất định; cũng như bản chất của cái ác là một kiểu lựa chọn hợp lý khác. Thế còn những biểu hiện bên ngoài thì sao? Chúng chỉ là tác nhân ban đầu cho sự lựa chọn hợp lý của chúng ta, thứ tìm thấy bản chất thiện hay ác là khi thực hiện chính hành động đó. Làm thế nào để chúng tìm ra được tính thiện? Không phải bằng việc chú tâm vào các tác nhân đó! Vì nếu những phán đoán về tác nhân là đúng đắn thì lựa chọn của chúng ta là lựa chọn tốt, nhưng nếu những phán đoán đó bị vặn vẹo, thì những lựa chọn của chúng ta trở thành xấu xa.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.29.1–3

Những nhà Khắc kỷ tìm kiếm sự ổn định, bình yên và sự bình thản, những điều hầu hết chúng ta mong muốn nhưng dường như chỉ trải nghiệm thoáng qua. Làm thế nào để họ thực hiện mục tiêu khó nắm bắt này? Làm thế nào để một người là hiện thân cho eustatheia (từ mà Arrian được sử dụng để mô tả lời truyền dạy này của Epictetus)?
Chà, đó không phải sự may mắn. Đó không phải bằng cách loại bỏ những ảnh hưởng bên ngoài hoặc chạy trốn để kiếm tìm sự yên tĩnh và cô độc. Thay vào đó, nó nói về việc sàng lọc thế giới bên ngoài thông qua sự phán đoán của chúng ta. Đó là những gì mà lý trí của chúng ta có thể làm được, nó có thể mang bản chất lòng vòng, khó hiểu và choáng ngợp của các sự kiện bên ngoài và làm cho chúng có trật tự.
Tuy nhiên, nếu phán đoán của chúng ta trở nên lệch lạc vì chúng ta không sử dụng lý trí, thì mọi thứ sau đó sẽ bị méo mó, và chúng ta sẽ mất khả năng ổn định bản thân trong sự hỗn loạn và vội vã của cuộc sống. Nếu bạn muốn ổn định, nếu bạn muốn rõ ràng, phán đoán đúng đắn là cách tốt nhất.

Ngày 11 tháng 1: NẾU BẠN KHÔNG MUỐN ỔN ĐỊNH

“Nếu một người chuyển sự thận trọng của họ sang lựa chọn hợp lý của họ và hành động cho những lựa chọn đó, họ sẽ đồng thời có thêm ý chí để tránh [những gì bị người khác kiểm soát]; nhưng nếu họ chuyển sự thận trọng của họ khỏi những lựa chọn hợp lý đó sang những thứ không thuộc quyền kiểm soát của họ, tìm cách tránh những gì bị người khác kiểm soát, thì họ sẽ bị kích động, sợ hãi và không ổn định.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.1.12

Hình ảnh của những triết gia thiền định là nhà sư ở trên những ngọn đồi xanh, yên tĩnh hoặc trong một ngôi đền đẹp trên một vách đá. Các nhà Khắc kỷ là sự tương phản của ý tưởng này. Thay vào đó, họ là người ở chốn đông người, là thượng nghị sĩ trong phòng diễn thuyết, là người vợ dũng cảm chờ đợi người lính của mình trở về sau trận chiến, là nhà điêu khắc bận rộn trong xưởng vẽ của mình. Tuy vậy, ai cũng đều bình thản.
Epictetus đang nhắc nhở bạn rằng sự thanh thản và an nhiên là kết quả của sự lựa chọn và phán đoán của bạn chứ không phải môi trường của bạn. Nếu bạn tìm cách né tránh mọi sự gián đoạn đối với sự yên tĩnh đến từ những người khác, các sự kiện bên ngoài, sự căng thẳng, bạn sẽ không bao giờ thành công. Rắc rối của bạn sẽ theo bạn bất cứ nơi nào bạn chạy đến và trốn tránh. Nhưng nếu bạn tìm cách tránh được những phán xét có hại và có tính khiêu khích gây ra những vấn đề trên, thì bạn sẽ cảm thấy ổn hơn và bình yên ở bất cứ nơi nào bạn gặp phải những rắc rối.

Ngày 12 tháng 1: CON ĐƯỜNG ĐI TỚI SỰ BÌNH THẢN

“Giữ cho suy nghĩ này luôn sẵn sàng vào lúc bình minh, và xuyên từ ngày này đến đêm khác — chỉ có một con đường dẫn đến hạnh phúc, và đó là từ bỏ mọi thứ bên ngoài phạm vi vòng tròn lựa chọn của ngươi, không cho rằng những điều khác là thuộc về mình, đem tất cả dâng cho Chúa và Vận mệnh.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.4.39

Vào sáng nay, hãy nhắc nhở bản thân về những gì trong tầm kiểm soát của bạn và những gì mà không nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Nhắc nhở bản thân tập trung vào cái trước chứ không phải cái sau.
Trước bữa trưa, hãy nhắc nhở bản thân rằng điều duy nhất bạn thực sự sở hữu là khả năng đưa ra lựa chọn (và sử dụng lý trí và phán đoán khi làm vậy). Đây là điều duy nhất hoàn toàn không bao giờ có thể bị lấy đi từ bạn.
Vào buổi chiều, hãy nhắc nhở bản thân rằng ngoài những lựa chọn bạn đưa ra, số phận của bạn không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Thế giới đang quay cuồng và chúng ta quay cuồng cùng với nó, bất kể hướng nào, dù là tốt hay xấu.
Vào buổi tối, hãy nhắc nhở bản thân một lần nữa có bao nhiêu thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn cùng với nơi mà lựa chọn của bạn bắt đầu và kết thúc.
Khi bạn nằm trên giường, hãy nhớ rằng giấc ngủ là một hình thức đầu hàng, là sự tin tưởng và giấc ngủ đến dễ dàng đến như thế nào. Và chuẩn bị để bắt đầu toàn bộ chu kỳ một lần nữa vào ngày mai.

Ngày 13 tháng 1: VÒNG TRÒN KIỂM SOÁT

“Chúng ta kiểm soát sự lựa chọn hợp lý của mình và tất cả các hành vi hợp đạo đức. Những gì không thuộc quyền kiểm soát của chúng ta là cơ thể và các bộ phận cơ thể, tài sản của chúng ta, cha mẹ, anh chị em, con cái hoặc đất nước, bất cứ điều gì mà chúng ta có thể nghĩ đến.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 1.22.10

Điều này đủ quan trọng để được lặp đi lặp lại: một người khôn ngoan biết những gì bên trong vòng tròn kiểm soát của họ và những gì bên ngoài nó. Tin tốt là rất dễ nhớ những gì trong tầm kiểm soát của chúng ta. Theo các nhà Khắc kỷ, vòng tròn kiểm soát của bạn chỉ chứa duy nhất một thứ: TÂM TRÍ CỦA BẠN. Điều này đúng, ngay cả cơ thể vật lý của bạn cũng không hoàn toàn trong vòng tròn. Rốt cuộc, bạn có thể bị tấn công bởi một bệnh tật nào đó hoặc bị suy yếu bất cứ lúc nào. Bạn có thể đi du lịch nước ngoài và bị tống vào tù.
Nhưng đây là tất cả tin tốt vì nó làm giảm đáng kể số lượng các thứ mà bạn cần phải nghĩ đến. Trong sự đơn giản gói gọn sự rõ ràng. Trong khi mọi người đang hối hả với một danh sách các trách nhiệm dài dằng dặc — những thứ mà họ không thực sự phải chịu trách nhiệm — thì danh sách của bạn chỉ có một. Bạn chỉ có một thứ để quản lý: những lựa chọn của bạn, ý chí nghị lực của bạn, tâm trí của bạn.
Vì vậy, hãy để tâm đến nó.

Ngày 14 tháng 1: CẮT BỎ SỢI DÂY KIỂM SOÁT TÂM TRÍ BẠN

“Hãy hiểu rằng cuối cùng thì ngươi có một thứ gì đó trong mình mạnh mẽ và thiêng liêng hơn điều gây ra những đam mê thể xác và kéo ngươi như một con rối. Suy nghĩ gì đang chiếm giữ tâm trí ta? Không phải là nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ, mong muốn hay điều gì đó tương tự sao?”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 12.19

Hãy nghĩ về các bên có lợi đang ganh đua nhau vì một phần túi tiền của bạn hoặc vì một giây sự chú ý của bạn. Các nhà khoa học thực phẩm đang tạo ra các sản phẩm để khai thác vị giác của bạn. Các kỹ sư của thung lũng Silicon đang thiết kế các ứng dụng gây nghiện như đánh bạc. Các phương tiện truyền thông đang sản xuất những câu chuyện để kích động sự phẫn nộ và tức giận.
Đây chỉ là một phần nhỏ của những cám dỗ và các yếu tố tác động lên chúng ta — khiến chúng ta mất tập trung và kéo chúng ta ra khỏi những điều thực sự quan trọng. Marcus, rất may, không bị ảnh hưởng bởi những mặt tối của văn hóa hiện đại. Nhưng ông biết rất nhiều hố sụt gây mất tập trung như: ngồi lê đôi mách, những cuộc gọi vô tận của công việc, và sự sợ hãi, nghi ngờ, ham muốn. Mỗi con người bị lôi kéo bởi các tác động bên trong và bên ngoài này một cách ngày càng mạnh hơn và khó chống lại hơn.
Triết học chỉ đơn giản là yêu cầu chúng ta chú ý cẩn thận và cố gắng thoát khỏi số phận một quân cờ. Như Viktor Frankl đã từng nói trong cuốn sách The Will to Meaning (Lẽ sống — ND): “Con người được thúc đẩy bởi động lực nhưng bị điều khiển bởi các giá trị”. Những giá trị này và nhận thức bên trong ngăn chúng ta khỏi trở thành những con rối. Chắc chắn là rằng để chú ý điều này ta cần nỗ lực và nhận thức, nhưng nó tốt hơn việc bị điều khiển (như một con rối) đúng không?

Ngày 15 tháng 1: SỰ BÌNH YÊN NẰM Ở TRONG HÀNH TRÌNH

”Chỉ những ai có được những phán đoán vững vàng và không dao động mới có được sự thanh bình — đám đông còn lại thì liên tục cầm lên đặt xuống các quyết định của họ trong trạng thái chối bỏ và chấp nhận sự việc. Điều gì là nguyên nhân của sự lưỡng lự này? Bởi vì không có gì là rõ ràng và họ phụ thuộc vào sự chỉ dẫn không chắc chắn nhất — quan điểm của số đông.”
— SENECA, MORAL LETTERS, 95.57b–58a

Trong bài viết của Seneca về sự thanh bình, ông dùng từ Hy Lạp euthymia, nghĩa là ”tin tưởng vào bản thân và tin rằng mình đang đi đúng hướng, và không nghi ngờ khi đi theo vô số lối đi của những người lang thang trên mọi hướng.” Ở trạng thái này của tâm trí, theo ông, sẽ tạo ra sự thanh bình.
Sự rõ ràng trong tầm nhìn cho phép bạn có được niềm tin này. Không phải là bạn cần phải luôn chắc chắn 100% về mọi thứ, hoặc bạn thậm chí nên như vậy. Thay vào đó, nên chắc chắn rằng về tổng quát bạn đang đi đúng hướng — và không nhất thiết phải liên tục so sánh bản thân với những người khác hoặc thay đổi ý kiến của mình mỗi 3 giây khi nhận được thông tin mới.
Thay vào đó, sự tĩnh lặng và yên bình được tìm thấy trong việc nhận ra con đường của bạn và kiên định với nó: tiếp tục hành trình — điều chỉnh tùy chỗ đó đây một cách tự nhiên — nhưng hãy phớt lờ những sự mất tập trung dẫn bạn đâm đầu vào ngõ cụt.

Ngày 16 tháng 1: ĐỪNG CHỈ LÀM MỌI THỨ THEO THÓI QUEN

“Trong hầu hết các sự việc, ta không quyết định dựa vào những nhận định đúng đắn, mà lại dựa vào thói quen tệ hại để giải quyết vấn đề. Những trường hợp ta nhắc đến ở trên đều diễn ra theo chiều hướng đó, và đó là thứ bất kỳ người nào có luyện tập đều cần vượt qua. Điều này là để họ tránh việc chạy theo thú vui và chạy trốn khỏi đau khổ; để họ tránh việc ham sống sợ chết; và về vấn đề của cải vật chất, họ cần tránh việc coi trọng việc nhận hơn việc cho đi.”
— MUSONIUS RUFUS, LECTURES, 6.25.5–11

Một nhân viên được hỏi rằng: “Tại sao anh lại thực hiện theo cách này?” Người nhân viên đó đáp lại: “Sếp ơi, bao lâu nay chúng tôi vẫn làm thế mà!” Câu trả lời trên làm một người sếp giỏi phải bực mình, và nhóm lên hi vọng cho bao công ty khởi nghiệp khác. Người nhân viên này đã dừng việc suy nghĩ, và làm việc một cách máy móc theo thói quen. Giờ đây, việc làm ăn của tổ chức nọ trở nên dễ tổn thương hơn bởi các đối thủ. Bất kỳ người sếp biết suy nghĩ nào cũng sẽ cân nhắc sa thải nhân viên nói trên.
Chúng ta nên đem sự tàn nhẫn trong quyết định trên vào việc xem xét thói quen của mình. Thậm chí việc nghiên cứu triết học một cách nghiêm túc là để giúp bạn thoát khỏi những vòng lặp thói quen. Hãy quan sát, đánh hơi xem những hành động nào của bạn xuất phát từ thói quen. Rồi hãy tự hỏi: Liệu đây có phải cách tốt nhất để thực hiện việc đó? Hãy biết rõ lý do đằng sau mỗi hành động của mình – và hành động vì các lý do đúng đắn.

Ngày 17 tháng 1: KHỞI ĐỘNG LẠI CÔNG VIỆC THẬT SỰ

“Ta là thầy giáo của ngươi, và ngươi đang học tập tại trường học của ta. Mục tiêu của ta là mang đến cho người sự hoàn thiện, tự do, thoát khỏi các hành động bộc phát, không còn bị kiềm chế, không còn cảm giác tủi nhục, tràn đầy niềm vui và sự thịnh vượng, cũng như trông chờ Chúa trong mọi sự vật sự việc, dù là lớn hay nhỏ — còn mục tiêu của ngươi là học tập và thực hành chăm chỉ những điều kể trên. Vậy thì sao ngươi lại không hoàn thành công việc của mình nhỉ, nếu ngươi có mục tiêu đúng đắn, còn ta có cả mục tiêu đúng đắn lẫn cách tiếp cận đúng đắn? Còn gì thiếu ở đây chăng? … Công việc này là hoàn toàn khả thi, và là thứ duy nhất nằm trong quyền kiểm soát của chúng ta… Hãy để quá khứ trôi đi. Hãy bắt đầu. Hãy tin ta, và ngươi sẽ thấy”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.19.29–34

Liệu bạn còn nhớ lúc vẫn còn trên ghế nhà trường, hay khoảng thời gian đầu cuộc đời, bạn ngại làm nhiều thứ vì nỗi sợ rằng bạn sẽ thất bại? Hầu hết đám trẻ vị thành niên chọn cách đùa cợt thay vì nỗ lực thực hiện. Với nỗ lực nửa vời của mình, họ luôn có sẵn một cái cớ: “Việc này đâu có quan trọng, tôi còn chẳng thèm cố gắng.”
Khi ta bắt đầu có tuổi, thất bại không còn kinh khủng khiếp như xưa nữa. Giờ đây, điểm số hay mấy cái cúp thể thao nội bộ không còn quan trọng, mà thay vào đó là chất lượng cuộc sống, là khả năng đối mặt với thế giới quanh mình.
Cũng đừng để điều trên khiến bạn lo sợ. Bạn có những người thầy đỉnh nhất thế giới – đó là những triết gia vĩ đại nhất đã từng sống trên trái đất. Và bạn không chỉ đủ khả năng, mà yêu cầu của các vị thầy cũng rất đơn giản: chỉ cần bắt tay vào làm. Rồi đâu sẽ vào đấy.

Ngày 18 tháng 1: NHÌN THẾ GIỚI NÀY NHƯ MỘT NGHỆ SĨ

“Lướt qua khoảng thời gian ngắn ngủi trên đời này trong sự hòa hợp với bản tính tự nhiên, và đến với nơi an nghỉ cuối cùng trong sự biết ơn — như quả ô liu chín mọng rồi cũng sẽ rụng, và khi rụng nó ca ngợi đất mẹ đã nuôi dưỡng nó và biết ơn đến cái cây đã sinh thành nó.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.48.2

Trong tác phẩm Meditations — Suy tưởng của Marcus Aurelius, có những đoạn văn đẹp một cách sững sờ — một sự thiết đãi bất ngờ, nếu ta nghĩ đến đối tượng mà ông hướng đến (cuốn sách này vốn chỉ để cho ông tự đọc). Trong một đoạn, ông ca ngợi vẻ “duyên dáng và cuốn hút” của chu trình tự nhiên: “bông lúa chín nặng trĩu, cái cau mày của con sư tử, bọt mép chảy nơi khóe miệng con lợn rừng.” Chúng ta cần cảm ơn người gia sư dạy thuật hùng biện cho cá nhân Marcus, là Cornelius Fronto, vì tính nghệ thuật trong những đoạn văn sinh động kể trên. Fronto, người được công nhận rộng rãi là một trong những nhà hùng biện giỏi nhất thành Rome cùng với Cicero, đã được cha nuôi của Marcus chọn để giảng dạy cách nghĩ, cách viết, cách ăn nói.
Không chỉ là những đoạn văn đẹp, Marcus – và bây giờ là cả chúng ta – còn nhận được từ họ một góc nhìn mạnh mẽ về những thứ thường ngày, thậm chí những thứ được coi là không tốt đẹp. Cần con mắt của một họa sĩ để thấy được sự tương đồng giữa lúc ra đi của mỗi người với việc quả chín rụng khỏi cây. Cần có nhận thức của một nhà thơ để ý thức được “những vết nứt trên vỏ bánh mì, và những vết nứt này, cho dù không nằm trong ý định của người làm bánh, cũng đã thu hút được ánh mắt và tăng sự thèm ăn của ta” và tìm được phép ẩn dụ trong đó.
Có một sự sáng suốt (và cả niềm vui) khi nhìn thấy những gì kẻ khác không thấy được, khi tìm thấy được sự hòa hợp và đẹp đẽ trong từng nơi, từng thứ mà kẻ khác chỉ nhìn lướt qua. Chẳng phải như vậy tốt hơn hẳn hơn so với việc chỉ nhìn thấy một thế giới tối tăm hay sao?

Ngày 19 tháng 1: DÙ BẠN ĐI ĐÂU, BẠN VẪN CÓ QUYỀN LỰA CHỌN

“Khán đài và nhà tù là những nơi khác nhau, một trên cao và cái còn lại dưới thấp, nhưng cho dù ở đâu, sự tự do lựa chọn của ngươi vẫn có thể được giữ gìn nếu muốn như vậy.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 2.6.25

Các nhà Khắc kỷ đến từ khắp ngóc ngách của cuộc sống. Một số giàu có, một số sinh ra tận đáy giai cấp tại Rome. Một số có cuộc sống dễ dàng, và một số thì sống chật vật đến mức khó mà hình dung được. Điều này đúng với tất cả chúng ta — chúng ta đến với triết học từ những hoàn cảnh khác nhau của mình, và chúng ta, trong cuộc sống của mình, cũng trải nghiệm cả điều tốt và xấu.
Nhưng trong mọi hoàn cảnh — nghịch cảnh hay thuận lợi — chúng ta chỉ có một thứ chúng ta thực sự cần làm: tập trung vào cái chúng ta kiểm soát thay vì những cái ta không kiểm soát được. Ngay bây giờ, chúng ta có thể đang oằn mình với khó khăn, trong khi chỉ vài năm trước chúng ta còn đang sống trong nhung lụa, và chỉ sau vài ngày, chúng ta có thể xoay xở tốt đến mức thành công trở thành một gánh nặng. Chỉ một thứ không thay đổi: sự tự do lựa chọn của chúng ta – trong sự việc nhỏ nhoi và trong bức tranh toàn cảnh của cuộc sống.
Cuối cùng thì tất cả đều là về sự rõ ràng. Bất kể chúng ta là ai, chúng ta ở nơi nào — điều thực sự quan trọng các lựa chọn của ta. Chúng là gì? Làm sao chúng ta đánh giá chúng? Làm sao tận dụng chúng tối đa? Những câu hỏi này là những câu hỏi mà cuộc sống đặt ra cho chúng ta, bất kể bạn đang ở chặng đời nào. Bạn sẽ trả lời như thế nào?

Ngày 20 tháng 1: THẮP SÁNG LẠI SUY NGHĨ CỦA BẠN

“Các nguyên tắc của ngươi không thể bị dập tắt trừ phi ngươi dập tắt những suy nghĩ nuôi dưỡng chúng, người hoàn toàn có sức mạnh để thắp lên những suy nghĩ mới… Sống lại lần nữa là điều hoàn toàn khả thi! Thấy mọi thứ mới mẻ như ngươi từng thấy — đó là cách khởi động lại cuộc sống.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 7.2

Bạn đã có một vài tuần tồi tệ? Bạn đã chệch hướng ra khỏi các nguyên tắc và niềm tin mà bạn đã nắm giữ? Điều đó hoàn toàn ổn. Điều đó luôn xảy ra với tất cả chúng ta.
Thật ra, nó có thể đã xảy ra với Marcus – đó có thể là lý do tại sao ông lại viết nhanh ghi chú này cho chính mình. Có lẽ ông đã đương đầu với một cận thần cứng đầu hoặc có những khó khăn nhất định với người con trai đầy vấn đề của mình. Có lẽ trong những hoàn cảnh này, ông đã đánh mất khí chất của mình, trở nên chán nản, hoặc dừng việc kiểm điểm bản thân. Ai mà không thế chứ?
Nhưng một sự nhắc nhở ở đây là cho dù chuyện gì xảy ra, cho dù bạn đã thất vọng như thế nào về những cư xử của mình trong quá khứ, những nguyên tắc đó, bản thân chúng không thay đổi. Bạn có thể trở lại và ôm lấy những nguyên tắc đó bất kỳ lúc nào. Những gì xảy ra ngày hôm qua — những gì xảy ra năm phút trước — đó là quá khứ. Bạn có thể điều chỉnh và khởi động lại bất kể lúc nào bạn muốn.
Vậy tại sao không làm điều đó ngay bây giờ?

Ngày 21 tháng 1: NGHI THỨC BUỔI SÁNG

“Mỗi buổi sáng hãy hỏi bản thân những câu hỏi này đầu tiên:
• Ta còn thiếu điều gì để giải phóng bản thân khỏi những thú vui?
• Điều gì cho ta sự thanh bình?
• Ta là ai? Chỉ là một thân xác đơn thuần, một người nắm giữ bất động sản, hay là danh tiếng này? Không có cái nào cả trong số đó cả.
• Vậy ta là gì? Một sinh vật lý trí.
• Điều này đòi hỏi ta phải làm gì? Suy ngẫm về những hành động của mình.
• Làm thế nào mà ta đã vuột mất sự thanh bình?
• Những hành động nào ta đã làm là không thân thiện, không mang tính cộng đồng và không chu đáo?
• Ta đã không thực hiện được điều gì trong số những điều này?”

— EPICTETUS, DISCOURSES, 4.6.34–35

Rất nhiều người thành công đều có một nghi thức vào buổi sáng. Với một số người, đó là thiền. Một số khác là tập thể dục. Với nhiều người, đó là viết lách – chỉ một vài trang, để họ ghi vào đó những suy nghĩ, sợ hãi, hay hy vọng của họ. Quan trọng là phải dành thời gian để quan sát và suy xét bên trong mình.
Sử dụng khoảng thời gian đó là những gì các nhà Khắc kỷ ủng hộ hơn tất thảy mọi thứ. Chúng ta không biết chính xác Marcus Aurelius viết tập Meditations — Suy tưởng vào buổi sáng hay buổi tối, nhưng chúng ta biết ông đã dành một khoảng thời gian yên lặng một mình – và ông viết cho bản thân mình, chứ không cho ai khác. Nếu bạn tìm kiếm nơi để bắt đầu nghi thức của mình, bạn có thể làm nó đơn giản hơn so với những ví dụ của Marcus hay danh sách việc phải làm của Epictetus.
Mọi ngày, bắt đầu từ hôm nay, hỏi bản thân những câu hỏi cứng rắn tương tự. Để triết học và sự chăm chỉ hướng bạn đến những câu trả lời tốt hơn, một lần vào buổi sáng, cứ thế đến suốt đời.

Ngày 22 tháng 1: ĐÁNH GIÁ LẠI MỘT NGÀY

“Ta sẽ liên tục quan sát bản thân và tốt nhất là sẽ đánh giá lại mỗi ngày trôi qua của mình. Chúng ta trở nên xấu xa vì điều này đây — không một ai nhìn lại cuộc sống của chính mình. Ta chỉ để trong mắt những điều ta định sẽ làm. Mà thực ra những dự định cho tương lai của ta đều bắt nguồn từ quá khứ”
— SENECA, MORAL LETTERS, 83.2

Trong lá thư gửi người anh trai Novatus, Seneca miêu tả một bài tập bổ ích ông mượn được từ một triết gia lỗi lạc khác. Vào cuối mỗi ngày ông sẽ tự vấn bản thân một loạt những câu hỏi: Thói quen xấu nào ta đã kiềm chế được trong hôm nay? Ta đã trở nên tốt hơn như thế nào? Hành động của ta đã chính đáng chưa? Bằng cách nào ta có thể cải thiện?
Khi bắt đầu hay kết thúc một ngày, những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ ngồi xuống với cuốn nhật ký và đánh giá: anh đã nghĩ gì, anh đã làm gì, anh có thể cải thiện điều gì. Vì lý do này mà cuốn Meditations — Suy tưởng của Marcus Aurelius có thể được coi là một cuốn sách khó hiểu — nó dành cho sự nhìn thấu mang tính cá nhân thay vì lợi ích cộng đồng. Viết xuống những bài thực hành Khắc kỷ đã và đang là hình thức tập luyện chủ nghĩa này, cũng giống như việc lặp lại lời nguyện cầu hay bài thánh ca.
Giữ cuốn nhật kí của riêng bạn, bằng việc lưu trên máy tính hay viết ra trong cuốn sổ nhỏ. Dành thời gian để cẩn thận nhớ lại những sự kiện của ngày hôm trước. Đừng do dự khi thực hiện các thực hành. Để tâm những điều xây dựng hạnh phúc của bạn và cả những điều lấy đi của bạn hạnh phúc. Viết xuống những điều bạn muốn thực hiện và cả những trích dẫn bạn yêu thích. Bằng việc cố gắng ghi lại những suy nghĩ này, bạn sẽ ít có khả năng lãng quên chúng. Thêm một điều nữa, bạn sẽ có một bản đối chiếu để theo dõi quá trình thực hành của mình.

Ngày 23 tháng 1: SỰ THẬT VỀ TIỀN BẠC

“Hãy nhìn vào những kẻ vô cùng giàu có xem — những dịp mà họ trông giống như kẻ bần hàn mới nhiều làm sao! Khi họ du lịch, họ phải hạn chế số hành lý, và khi vội vàng quá, họ sẵn sàng bỏ lại đoàn tùy tùng của mình. Và cả những kẻ trong quân đội kia, số tài sản mà họ có thể nắm giữ mới ít làm sao…”
— SENECA, ON CONSOLATION TO HELVIA, 12. 1.b–2

Tác giả F. Scott Fitzgerald, người thường tôn vinh cuộc sống của những kẻ giàu có và nổi tiếng trong các tác phẩm như The Great Gatsby — Gatsby Vĩ đại, bắt đầu câu chuyện ngắn của mình với những lời kinh điển: “Để tôi kể bạn nghe về những người giàu. Họ rất khác bạn và tôi”. Vài năm sau khi câu chuyện được xuất bản, bạn của ông, Ernest Hemingway, đã chọc Fitzgerald bằng việc viết rằng: “Đúng vậy, họ là những kẻ có nhiều tiền hơn.”
Đây là điều Seneca đang nhắc nhở chúng ta. Là người nằm trong số những người giàu nhất ở Rome, ông hiểu ngay rằng tiền chỉ thay đổi đời ta ở phần rìa mà thôi. Nó chẳng thể giải quyết những vấn đề mà những người thiếu nó nghĩ rằng nó có thể thay đổi. Sự thật là, không có sự sở hữu về vật chất nào làm được điều này. Những thứ bên ngoài không thể giải quyết những vấn đề xuất phát từ bên trong. Ta liên tục quên đi điều này — và nó mang đến cho ta quá nhiều sự hỗn độn và đau đớn. Giống như Hemingway về sau viết về Fitzgerald: “Ông ấy tưởng rằng [những kẻ giàu có] là chủng tộc quyến rũ, và khi ông phát hiện ra họ không hề như vậy, sự thật ấy khiến ông sụp đổ cũng như những điều khác đã làm ông sụp đổ vậy.” Điều tương tự cũng sẽ đúng với chúng ta.

Ngày 24 tháng 1: THÔI THÚC TÌM ĐẾN NHỮNG KIẾN THỨC SÂU SẮC

“Từ Rusticus… Ta đã học được cách để đọc cẩn thận và không dễ dàng hài lòng với những hiểu biết sơ bộ về tổng thể, và không đồng ý quá vội vàng với những ai có quá nhiều thứ để nói về điều gì đó”.
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 1.7.3

Cuốn Meditations — Suy tưởng của Marcus Aurelius bắt đầu với danh sách những người ông tỏ lòng biết ơn. Ông cảm ơn từng người một — những người có tác động mạnh mẽ trong cuộc đời ông. Một trong số đó là Quintus Junius Rusticus, người thầy đã giúp học trò của mình xây dựng tình yêu với sự thông suốt và hiểu biết sâu sắc — sự khát khao học hỏi không chỉ dừng lại ở bề nổi kiến thức.
Cũng từ Rusticus mà Marcus biết đến Epictetus. Sự thật là, Rusticus cho Marcus mượn bản sao chép cá nhân của ông về những bài giảng của Epictetus. Marcus rõ ràng đã không hài lòng với việc chỉ biết được ý chính của những bài giảng này và đơn giản là ông đã không chấp nhận nó khi được thầy mình giới thiệu. Paul Johnson từng đùa rằng Edmund Wilson đọc sách “như thể ông đang đối mặt với một bản án lớn trong đời”. Đó là cách Marcus đọc tác phẩm của Epictetus. Khi những bài học đến ngưỡng nhất định, ông hấp thu chúng. Chúng trở thành một phần trong DNA của ông. Ông đã nhắc lại chúng trong suốt cuộc đời mình, khi đang tìm kiếm sự thông suốt và sức mạnh trong ngôn từ, và trong những điều xa xỉ cùng năng lực vô tận mà ông rồi sẽ sở hữu.
Đây mới đích xác là kiểu đọc và học sâu ta cần phải bồi đắp, và nó cũng là lý do vì sao bạn chỉ nên đọc một trang mỗi ngày thay vì đọc cả chương trong một lần.
Vì nhờ thế bạn mới có thể dành thời gian đọc một cách chăm chú và sâu sắc.

Ngày 25 tháng 1: PHẦN THƯỞNG DUY NHẤT

“Thứ còn lại đáng trân trọng là gì? Ta nghĩ — đó là giới hạn việc hành động hoặc không hành động vào những điều thật sự cần thiết…trong việc chuẩn bị cho tương lai. Đó là những gì mà việc học tập và giảng dạy đang hướng đến — Đó là điều đáng được trân trọng. Nếu giữ vững được nó ngươi sẽ không cần phải cố gắng ở những điều khác nữa… Ngược lại ngươi sẽ không bao giờ có được tự do, độc lập hay thoát ra được những thú vui thấp hèn và điều tất yếu là trong ngươi đầy những đố kỵ, ghen ghét, mưu mô và ngờ vực… Nhưng bằng cách tôn trọng chính tâm trí của ngươi và đánh giá cao nó, ngươi sẽ làm hài lòng chính mình và hòa hợp hơn với đồng loại, và đồng điệu hơn với các vị thần, ca ngợi và thuận theo những thứ mà tự nhiên sắp đặt cho mình”.
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 6.16.2b–4a

Warren Buffett, với khối tài sản 65 tỷ đô, vẫn sống trong 1 căn nhà mà ông ấy mua năm 1958 với giá 35.000 đô. John Urschel, nhân viên phụ trách của Baltimore Ravens, kiếm được hàng triệu đô nhưng chỉ tiêu xài 25.000 đô 1 năm. Ngôi sao của San Antonio Spurs, Kawhi Leonard đi trên chiếc Chevy Tahoe 1997 mà ông có khi còn là một thiếu niên, ngay cả khi ông đang có một hợp đồng trị giá 94 triệu USD. Tại sao? Không phải vì những người này nghèo, mà bởi vì những gì thực sự quan trọng với họ rất rẻ. Không phải tự nhiên mà cả Buffett, Leonard hay Urschel đều làm như vậy.
Phong cách sống của họ là kết quả của việc biết ưu tiên những gì thật sự quan trọng. Họ chỉ nuôi dưỡng những nhu cầu cá nhân trong mức thu nhập của mình, kết quả là, cho dù với bất cứ mức thu nhập nào họ cũng đều có thể tự do theo đuổi những thứ mình quan tâm. Nó cứ thế mà xảy ra với sự giàu có vượt qua bất kỳ mong đợi nào.
Và điều này sẽ giúp họ biết điều gì khiến họ hạnh phúc nhất, đồng nghĩa với việc họ sẽ tận hưởng cuộc sống của mình, cho dù thị trường có khủng hoảng, hay sự nghiệp của họ tạm thời đi xuống.
Chúng ta càng mong muốn nhiều thứ thì chúng ta càng phải làm nhiều thứ để kiếm được hoặc đạt được những thành tựu đó. Khi chúng ta càng ít thực sự tận hưởng cuộc sống thì chúng ta càng ít tự do hơn.

Ngày 26 tháng 1: SỨC MẠNH CỦA THẦN CHÚ (MANTRA)

“Loại bỏ những tạp niệm trong đầu ngươi bằng cách liên tục nói với bản thân mình rằng. Ta có sức mạnh trong tâm hồn mình để thoát khỏi mọi quỷ dữ, ham muốn hay bất điều rắc rối nào; nhờ đó, ta có thể thấy bản chất thật của sự vật, và có cách xử lý đúng cho mọi vấn đề. Hãy luôn luôn ghi nhớ nguồn sức mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng đó.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 8.29

Bất kỳ ai tham gia 1 lớp học yoga hay tiếp xúc với đạo Phật, đạo Ấn, đều chắc chắn có nghe, hay biết câu thần chú là gì. Trong ngôn ngữ cổ đại nó có nghĩa là “cách nói linh thiêng”, một từ hay cụm từ, một suy nghĩ hay thậm chí một âm thanh – với mục đích cung cấp một sự soi sáng hay một chỉ dẫn tâm linh. Câu thần chú có thể đặc biệt hữu ích trong quá trình thiền định bởi nó cho phép ta cách ly với mọi thứ xung quanh khi đang cố gắng tập trung.
Điều này phù hợp, nên Marcus Aurelius gợi ý về “Câu thần chú Khắc kỷ”. Một lời nhắc nhở hay một cụm từ được sử dụng khi chúng ta cảm nhận được những ấn tượng sai lầm, những điều gây phân tâm hoặc áp lực trong cuộc sống thường ngày. Câu thần chú về cơ bản nói rằng “Trong tôi có sức mạnh để ngăn ngừa điều đó, tôi có thể nhìn ra sự thật của mọi vấn đề”.
Từ ngữ có thể được thay đổi tùy theo ý bạn, nhưng hãy luôn nắm giữ một câu thần chú và sử dụng để tìm kiếm sự thông thái mà bạn mong ước.

Ngày 27 tháng 1: BA LĨNH VỰC CỦA SỰ HUẤN LUYỆN

“Có ba khía cạnh mà người khôn ngoan và có đạo đức phải trải qua huấn luyện. Khía cạnh đầu tiên liên quan đến những mong muốn và sự phản đối — người đó không bao giờ không đạt được được mục tiêu cũng như không rơi vào những cái bẫy ngăn người đó đạt mục tiêu của mình. Khía cạnh thứ hai liên quan đến những thôi thúc để hành động và không hành động — nghĩa rộng hơn là nghĩa vụ — một người phải hành động vì những lý do chính đáng một cách chủ động thay vì hời hợt. Khía cạnh thứ ba liên quan đến việc giải thoát khỏi sự lừa dối, sự điềm tĩnh và tất cả những phán xét mà tâm trí ta đưa ra. Trong số các khía cạnh này, điều quan trọng và cần thiết nhất là điều đầu tiên liên quan đến những mong muốn, vì những cảm xúc mạnh mẽ nảy sinh chỉ khi chúng ta hoặc đang trong trạng thái mong muốn hoặc đang ghét bỏ điều gì đó.”
— EPICTETUS, DISCOURSES, 3.2.1–3a

Hôm nay, bạn hãy tập trung vào ba lĩnh vực huấn luyện mà Epictetus đã đặt ra cho chúng ta.
Đầu tiên, bạn cần phải xem xét những gì bạn nên mong muốn và những gì bạn nên phản đối. Tại sao? Để bạn biết muốn những gì tốt và tránh xa những gì xấu. Nếu chỉ lắng nghe cơ thể là không đủ bởi vì những điều khiến bạn hấp dẫn thường sẽ khiến bạn lạc lối.
Tiếp theo, bạn phải kiểm tra những thôi thúc của mình để hành động, động lực của bạn. Có phải bạn đang làm vì lý do đúng đắn? Hay bạn chỉ làm thôi mà không ngừng lại để suy nghĩ? Hay bạn làm bởi bạn tin mình luôn phải làm một điều gì đó.
Cuối cùng, sự phán đoán của bạn. Khả năng để bạn có thể nhìn thấy mọi thứ rõ ràng và đúng đắn, khi bạn sử dụng món quà tuyệt vời từ thiên nhiên: lý trí.
Đây là ba lĩnh vực riêng biệt, nhưng trong thực tế, chúng gắn bó chặt chẽ với nhau. Phán đoán của bạn ảnh hưởng đến những gì bạn mong muốn, những ham muốn của bạn ảnh hưởng đến cách bạn hành động, do đó phán đoán của bạn quyết định cách bạn hành động. Nhưng bạn không thể mong đợi nó tự xảy ra. Bạn phải tập trung suy nghĩ và năng lượng vào từng lĩnh vực đó trong cuộc sống. Nếu bạn làm được, bạn sẽ tìm thấy sự thanh khiết và thành công thực sự.

Ngày 28 tháng 1: QUAN SÁT NGƯỜI KHÔN NGOAN

“Để ý kĩ nguyên tắc chủ đạo của mọi người, đặc biệt là người khôn ngoan, họ tránh xa và tìm tòi điều gì.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 4.38

Seneca đã nói, “Nếu không có thước, ngươi không thể biến cong thành thẳng.” Đấy là vai trò của người khôn ngoan trong cuộc sống chúng ta — làm hình mẫu và truyền cảm hứng để gợi ý tưởng và kiểm nghiệm các giả định của chúng ta. Người đó là ai còn tùy vào bạn. Có thể đó là bố mẹ bạn. Có thể đó là một triết gia hoặc một nhà văn hay một nhà tư tưởng. Bạn cũng có thể tự hỏi “Liệu Chúa sẽ làm gì [trong tình huống này]?”
Chọn lấy một người, xem họ làm gì (và họ không làm điều gì), rồi cố gắng hết mình để hành động tương tự.

Ngày 29 tháng 1: GIỮ MỌI VIỆC ĐƠN GIẢN

“Trong từng khoảnh khắc hãy giữ vững tinh thần mạnh mẽ như người La Mã đang sẵn sàng làm nhiệm vụ, hãy thực hiện với phẩm giá, lòng cảm kích, tự do và công lý cùng thái độ nghiêm túc và giản dị — cho phép bản thân phá vỡ mọi sự săm soi từ người khác. Ngươi có thể làm được điều này nếu ngươi tiếp cận nó như thể đấy là nhiệm vụ cuối cùng, từ bỏ mọi xao lãng, lật đổ cảm xúc bằng lý trí, mọi kịch tính, phù du, và lời phàn nàn của ngươi về sự công bằng. Ngươi có thể thấy chỉ với việc kiểm soát một số ít điều trong cuộc sống cũng có thể giúp ngươi sống một cuộc đời phong phú và tận tụy — nếu ngươi tiếp tục theo dõi những điều này, Chúa sẽ không yêu cầu gì thêm.”

— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 2.5

Mỗi ngày chúng ta lo nghĩ quá nhiều chuyện. Tôi nên mặc gì? Họ thích tôi chứ? Tôi ăn đủ ngon không? Điều gì sẽ xảy đến trong đời? Tôi đi làm sếp có vui không?
Hôm nay, bạn hãy tập trung vào những gì ở trước mắt. Bạn sẽ theo châm ngôn mà huấn luyện viên của đội bóng New England Patriots—Bill Belichick đã dạy các cầu thủ của ông: “Làm việc của anh đi.” Như người La Mã, như một người lính giỏi, giống như một thợ thủ công lành nghề. Bạn không cần phải lạc lối trong bạt ngàn phiền nhiễu hoặc xen vào chuyện của người ta.
Marcus nói hãy làm mọi việc như thể đó nhiệm vụ cuối cùng, bởi điều đó thực sự có thể xảy ra. Kể cả không phải thế, phá hỏng mọi thứ trước mặt bạn cũng chẳng giúp được gì cả. Hãy tìm kiếm sự rõ ràng, đơn giản trong công việc bạn làm ngay hôm nay.

Ngày 30 tháng 1: BẠN KHÔNG CẦN GIỎI TẤT CẢ MỌI THỨ

“Nếu ngươi muốn tiến bộ, hãy bằng lòng thể hiện rằng mình không biết hay còn dốt đặc về những vấn đề ngoài kia — đừng cố tỏ ra hiểu biết. Và nếu có ai cho rằng ngươi là người quan trọng, hãy nghi ngờ bản thân.”
— EPICTETUS, ENCHIRIDION, 13a

Một trong những điều mạnh mẽ nhất ta có thể làm với tư cách là một cá thể trong thế giới siêu kết nối với truyền thông đăng tin 24/7 này đó là nói: “Tôi không biết.” hoặc khiêu khích hơn nữa: “Tôi không quan tâm.”
Hầu như xã hội lấy đó làm điều răn dạy rằng một người phải biết tất tần tật từng sự kiện đơn lẻ, xem tất cả các tập của chương trình truyền hình được tung hô, theo dõi tin tức một cách chu đáo và trình bày với người khác như một người thông thái và hiểu về thế giới này.
Nhưng ai chứng minh được điều đó cần thiết? Cảnh sát có bắt bạn phải làm hế không? Hay là bạn chỉ sợ rằng bạn trông như một kẻ ngốc chẳng biết gì cả khi tham dự một buổi tiệc? Vâng, bạn nợ đất nước mình và gia đình mình việc cái gì cũng phải biết một tí về các sự kiện có thể ảnh hưởng trực tiếp đến họ, nhưng cũng chỉ có vậy mà thôi.
Bạn sẽ có thêm bao nhiêu thời gian, năng lượng và trí tuệ thuần túy nếu bạn cắt giảm đáng kể mức sử dụng truyền thông của mình? Bạn sẽ cảm thấy mình sống cho hiện tại và thư thả biết bao nếu bạn không còn hào hứng và phẫn nộ trước mỗi vụ bê bối, mấy chuyện giật gân, và những cuộc khủng hoảng tiềm ẩn (phần lớn chúng đều không xảy ra)?

Ngày 31 tháng 1: TRIẾT HỌC LÀ LIỀU THUỐC CHO TÂM HỒN

“Đừng đối đáp với triết học như một người thực hành, mà là bệnh nhân đang tìm thuốc chữa cho đôi mắt đang đau, tương tự việc tìm băng gạc hoặc thuốc mỡ cho vết bỏng. Với góc nhìn này, ngươi sẽ thuận theo lý trí, thay vì đem nó ra trưng bày, và có thể yên lòng nghỉ ngơi để nó chăm sóc mình.”
— MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.9

Càng bận rộn, học tập, ghi chép và công tác nhiều hơn, thì bạn cũng xa rời mọi thứ càng nhiều. Chúng ta bắt cùng một nhịp. Ta kiếm tiền, sáng tạo, được kích thích và luôn bận rộn. Dường như mọi thứ đang đi đúng hướng. Nhưng ta cũng dần rời xa triết học.
Cuối cùng, sự lơ là này sẽ góp phần gây ra vấn đề — sự căng thẳng tích tụ, tâm hồn ta sẽ trở nên u uất, ta sẽ quên mất điều gì mới là quan trọng — hậu quả là tổn thương xuất hiện. Khi điều đó xảy ra, điều quan trọng là ta phải nhấn phanh — gạt mọi quán tính sang một bên ngay lúc này. Trở lại với chế độ luyện tập ta biết rằng nó bắt nguồn từ sự thông suốt, phán đoán tốt, nguyên tắc đúng đắn và sức khỏe tốt.
Chủ nghĩa Khắc kỷ được dựng nên để làm liều thuốc cho tâm hồn. Nó cứu chữa những thương tổn của thời đại mới. Nó tiếp cho bạn sức sống, cái bạn cần để thăng hoa trong đời. Hôm nay, hãy đến phòng khám của triết học và để triết học giúp ta chữa lành những tổn thương.

Danh Sách Các Tháng Khác

Daily Stoic Tháng 1: Sự Rõ Ràng
Daily Stoic Tháng 2: Thú Vui Và Cảm Xúc
Daily Stoic Tháng 3: Nhận Thức
Daily Stoic Tháng 4: Tư Tưởng Không Thiên Vị
Daily Stoic Tháng 5: Hành Động Đúng Đắn
Daily Stoic Tháng 6: Giải Quyết Vấn Đề
Daily Stoic Tháng 7: Nghĩa Vụ
Daily Stoic Tháng 8: Chủ Nghĩa Thực Dụng
Daily Stoic Tháng 9: Kiên Cường Và Sức Bật Tinh Thần
Daily Stoic Tháng 10: Đức Hạnh Và Lòng Tốt
Daily Stoic Tháng 11: Sự Chấp Nhận – Amor Fati
Daily Stoic Tháng 12: Thiền Định Về Cái Chết