Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

CHƯƠNG 3: Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ

CHƯƠNG 3: Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ

“Ngọn lửa hừng hực thêm bừng bừng và rực sáng nhờ tất cả những gì được ném vào nó. ”
MARCUS AURELIUS

Học lịch sử đủ rồi, đã đến lúc đi vào cốt lõi của chủ nghĩa Khắc kỷ. Chính xác thì những triết gia thú vị này đã tin và dạy điều gì? Họ đã lên kế hoạch như thế nào để giữ lời hứa về một cuộc sống vô cùng hạnh phúc và trôi chảy? Làm thế nào các nguyên tắc của họ có thể hành trang cho chúng ta để đối mặt với bất kỳ thử thách nào mà cuộc sống ném vào ta? Và làm thế nào chúng ta có thể chế ngự cảm xúc của mình và trở thành một tòa tháp sức mạnh không thể lay chuyển? Rất đơn giản: bạn cần ra ngoài thế giới thực và rèn luyện như một chiến binh-triết gia. Nhưng trước tiên, bạn cần biết luật chơi, bạn cần biết lý do đấu tranh, và bạn cần biết nên đi hướng đi nào. Đây là những nguyên tắc cốt lõi của Chủ nghĩa Khắc kỷ mà bạn sẽ học trong phần này.

Bây giờ, bạn có thể nghĩ rằng điều này sẽ khá dễ dàng, “Nào nói ra đi, các nguyên tắc cốt lõi là gì?”. Tôi cũng nghĩ như vậy khi lần đầu tiên tôi tìm hiểu chủ nghĩa Khắc kỷ. Tôi nhanh chóng bị thu hút, đọc khá nhiều về nó và kể cho bạn bè nghe về triết lý thú vị này. Nhưng khi họ muốn biết chính xác nó là gì, thì tôi đã thất bại thảm hại trong việc giải thích nó. Tôi nhận ra rằng mặc dù đã đọc nhiều tài liệu, tôi hầu như không biết gì về Chủ nghĩa Khắc kỷ, thậm chí tôi không thể giải thích nó một cách chính xác cho bạn bè.

Hóa ra, không dễ dàng để có một cái nhìn tổng quan đơn giản về triết lý này. Các văn bản gốc – bao gồm ghi chú bài giảng, thư cá nhân và nhật ký – không đưa ra câu trả lời rõ ràng như cuốn sách giáo khoa thông thường. Và, tôi nhận thấy ngay cả những cuốn sách hiện đại cũng thiếu những lời giải thích dễ hiểu. Nó thường là sự kết hợp của những ý tưởng Khắc kỷ tuyệt vời, chắc chắn đáng để nghiên cứu, nhưng không mang lại một cái nhìn tổng quan đơn giản để nắm bắt.

Về cơ bản, đây là khái niệm về Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ. Nó cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan đơn giản về các nguyên tắc cốt lõi của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Nếu bạn nhận diện được hình tam giác, bạn sẽ hiểu và có thể giải thích những khía cạnh quan trọng nhất của chủ nghĩa Khắc kỷ là gì – ngay cả cho một đứa trẻ năm tuổi. Đó là cách tốt nhất tôi có thể nghĩ ra để trình bày triết học Khắc kỷ một cách đơn giản và trực quan, kết hợp tài liệu cổ đại và hiện đại. Tôi hy vọng bạn sẽ thấy nó hữu ích. Và hãy nhớ rằng Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ không phải là những gì Các nhà Khắc kỷ đã dạy, đó là hình dung của tôi về những lời dạy cốt lõi của họ.

Tóm gọn về Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ

Tam giác Khắc Kỷ
Tam giác Khắc Kỷ

Eudaimonia:

Cốt lõi của tam giác là eudaimonia – tất cả các nền triết học cổ đại đều nhất trí rằng đây là đích đến cuối cùng của cuộc đời. Như đã đề cập trong Chương 1, đây là lời hứa quan trọng của triết học Khắc kỷ và đó chính là việc sống một cuộc sống mãn nguyện và trôi chảy. Đó là về sự thăng hoa trong cuộc sống. Về cơ bản, đó là điều mà tất cả chúng ta đều muốn, để thăng hoa và sống hạnh phúc, phải không nào? Đó là lý do tại sao nó là cốt lõi của Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ. Bạn có nhớ nguồn gốc Hy Lạp của từ này không? Nó có nghĩa là sống hòa hợp (eu) với daimon bên trong của bạn, phiên bản tốt nhất của bạn. Và làm thế nào chúng ta có thể đạt được điều này? Bằng cách sống với areté.

Sống với Areté (đức hạnh)

Thể hiện phiên bản tốt nhất của bạn trong mọi khoảnh khắc. Nếu chúng ta muốn sống hòa hợp với phiên bản tốt đẹp nhất của mình, chúng ta cần thu hẹp khoảng cách giữa những gì chúng ta có khả năng trở thành và những gì chúng ta đang là. Đó chính là việc trở thành phiên bản tốt nhất của bạn ngay ở đây và bây giờ. Đó là về việc sử dụng lý trí trong hành động của chúng ta và sống hài hòa với các giá trị sâu sắc. Điều này rõ ràng là nói dễ hơn làm, điều bổ trợ cho mục tiêu đầy tham vọng này chính là tách biệt điều tốt với điều xấu và tập trung vào những gì chúng ta kiểm soát.

Tập trung vào những gì bạn kiểm soát được

Đây là nguyên tắc nổi bật nhất trong chủ nghĩa Khắc kỷ. Trong mọi thời điểm, chúng ta cần tập trung vào những thứ chúng ta kiểm soát được và để những thứ khác xảy ra theo cách nó xảy ra. Phải chấp nhận những gì đã bởi ta không có quyền hành để mà thay đổi nó. Những gì vượt quá khả năng của chúng ta thì đến cuối cùng không còn quan trọng đối với quá trình phát triển của chúng ta. Điều quan trọng đối với sự phát triển của chúng ta là những gì chúng ta lựa chọn để đối mặt với những ngoại cảnh được đem đến. Vì vậy, trong bất kể tình huống nào, ta luôn có sự kiểm soát với việc tận dụng hoàn cảnh và sống hòa hợp với phiên bản lý tưởng của mình.

Chịu trách nhiệm

Tốt và xấu chỉ đến từ chính bạn. Điều này bám sát hai góc đầu tiên của tam giác đề cập rằng những thứ bên ngoài không có tầm ảnh hưởng đến cuộc sống tốt đẹp, vì vậy, sống với areté, trong tầm kiểm soát của bạn, là đủ để thăng hoa trong cuộc sống. Ngoài ra, bạn phải chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình vì mọi ngoại cảnh bạn không kiểm soát được đều đưa đến một khía cạnh mà bạn có thể kiểm soát, đó là cách bạn chọn để đối phó với ngoại cảnh. Điều này rất quan trọng trong chủ nghĩa Khắc kỷ, nó không phải là những sự việc khiến chúng ta hạnh phúc hay đau khổ, mà là cách giải thích của chúng ta về những sự việc đó. Đây là lúc tháp sức mạnh có thể được dựng lên – thời điểm bạn quyết định không cho phép các ngoại cảnh áp đặt bạn.

Tất nhiên những gì được đề cập chỉ là khung của hình tam giác và chúng ta hầu như chỉ mới đi qua phần khái quát. Trong các trang tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét từng góc tam giác một cách chi tiết với những ý tưởng và phép ẩn dụ rõ ràng, đồng thời chúng ta sẽ nhận biết được kẻ phản diện đã cản trở rất nhiều người trong chúng ta thể hiện phiên bản tốt nhất của mình trong từng khoảnh khắc. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy nhớ lại về bài học lướt sóng.

Tiếp theo là phần lý thuyết rất quan trọng nhưng không quá vui nhộn ở phần đầu bài học lướt sóng đầu tiên của bạn. Ồ, thấy chưa… một số kẻ tự cho khôn ngoan chạy thẳng xuống nước, bất chấp những lời cảnh báo. Điều này luôn luôn xảy ra. Đây là điều thú vị – khi chúng ta đã hoàn thành bài học trên cạn và các bạn bắt đầu xuống nước theo chân họ, ngay lập tức các bạn sẽ làm tốt hơn họ vì họ thiếu kiến thức cơ bản, và đó là lúc bạn cần phải nhìn thấy khuôn mặt của họ – thật vô giá! Tuy nhiên, một số người sẽ quay lại bờ sớm thôi vì họ nhận ra rằng họ đang thiếu thứ gì đó hoặc họ đã tự làm tổn thương chính mình. Dù sao, hãy bắt đầu mà không trốn tránh và rồi bạn rồi sẽ đến lúc bạn được xuống nước. Còn giờ, trên bãi cát này, khởi động, bắt đầu!

1. Sống cùng Areté: Thể hiện phiên bản tốt nhất của bạn trong mọi khoảnh khắc

“Một nhân cách tốt là điều duy nhất đảm bảo cho niềm hạnh phúc thảnh thơi vô tận.”
– SENECA

Chủ Nghĩa Khắc Kỷ
 

Góc đầu tiên của Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ là Sống với Areté. Bản dịch cổ điển cho từ Hy Lạp này là “đức hạnh” hoặc “xuất sắc”. Tôi thích cách Brian Johnson, nhà triết học của trang optimize.me, dịch là: “Thể hiện phiên bản tốt nhất của bản thân từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác”. Vì từ này có ý nghĩa sâu sắc hơn thế và bởi vì nó dường như là một trong những lý tưởng cao nhất của văn hóa Hy Lạp, chúng ta hãy sử dụng từ gốc cho tên của góc đầu tiên của hình tam giác. Chúng ta cũng sẽ cần phải sử dụng từ dịch tiếng Anh phổ biến khác, virtue (đức hạnh) vì vậy hãy ghi nhớ điều đó.

Mục tiêu cuối cùng của Chủ nghĩa Khắc kỷ được đặt ở trung tâm của tam giác: eu-daimon-ia, để sống một cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần sống hòa hợp (eu) với daimon bên trong của chúng ta, phiên bản cao nhất của bản thân, tiềm năng bẩm sinh của chúng ta. Trong bất cứ việc gì bạn làm, hãy tưởng tượng có hai phiên bản: phiên bản cao hơn cho thấy người bạn có tiềm năng trở thành và phiên bản thấp hơn cho thấy người bạn đang thật sự là. Sống với areté là cố gắng vươn tới tầm cao hơn và thể hiện những gì bạn có thể làm trong chính giây phút này. Đó là hiện thực hóa phiên bản cao nhất của chính bạn, đó là sống hòa hợp với daimon bên trong của bạn, đó là khi bạn đạt được cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy – eudaimonia.

bạn hiện tại và con người tiềm năng của bạn
Bạn và phiên bản lý tưởng của bạn

Hiện tại, việc hiện thực hóa hoàn hảo cái tôi cao nhất của chúng ta có thể không quá khó để thực hiện trong các tình huống đơn lẻ hoặc trong trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng nếu phải mang ra hiện thực thì ta sẽ thất bại thảm bại. Và không sao cả, đó là lý do chúng ta ở đây, tìm hiểu về bản thân và cách thể hiện phiên bản cao nhất của chúng ta từ giây phút này sang thời điểm khác. Đó là lý do tại sao chúng ta cố gắng trở nên tốt hơn, đó là lý do tại sao chúng ta cố gắng trau dồi phẩm chất của mình. Hãy nghĩ về areté hay đức hạnh như sự sáng suốt hoặc sức mạnh giúp bạn luôn làm điều thích hợp, để hành động của bạn hài hòa với phiên bản cao nhất của bạn – chẳng hạn như phiên bản can đảm, có kỷ luật và tốt bụng. Đức hạnh là thứ giúp bạn thu hẹp khoảng cách giữa những gì bạn thực sự đang là và những gì bạn có khả năng trở thành. Khoảng cách đó càng lớn, bạn càng cách xa eudaimonia và bạn càng tệ hơn. Bởi đâu đó trong bóng tối của khoảng trống, những kẻ xấu xa đang rình rập, những kẻ xấu xa mang tên sự tiếc nuối, nỗi lo lắng, sự vỡ mộng.

Được rồi, đức hạnh là cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất có thể trong mọi khoảnh khắc. Và nếu bạn có thể làm được điều đó, thì bạn sẽ có mối quan hệ thân thiết với phiên bản cao nhất của mình và sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy. Nếu bạn không thể thể hiện phiên bản cao nhất của chính mình, điều này sẽ tạo ra khoảng trống cho sự hối tiếc và lo lắng chui ra khỏi bóng tối và gieo rắc đau khổ. Cần biết điều quan trọng này, nhưng thành thật mà nói, nó vẫn chưa giúp được gì nhiều. Ý tôi là, không phải tất cả chúng ta đều muốn trở thành người giỏi nhất có thể sao? (Tôi chắc chắn như vậy.) Giờ đây, ngoài việc sống với areté, các nhà Khắc kỷ đã sử dụng một cụm từ cổ điển khác cho cùng mục tiêu thể hiện phiên bản cao nhất của bản thân: sống thuận đạo. Hãy cùng làm sáng tỏ điều đó và xem liệu sau khi tìm hiểu xong chúng ta có sáng dạ hơn chút nào không.

Sự hoàn hảo của tiềm năng tự nhiên của chúng ta

Các nhà Khắc kỷ tin rằng Thiên Nhiên muốn chúng ta thăng hoa trong cuộc sống. Đây là lý do tại sao daimon nội tại, phiên bản cao nhất của chúng ta, đã được gieo vào trong tất cả chúng ta như một hạt giống thần thánh, để chúng ta có khả năng bẩm sinh trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Như Musonius Rufus đã nói, tất cả chúng ta đều “được sinh ra để hướng về đức hạnh”. Nói cách khác, bản chất của chúng ta là hoàn thành những gì đã được gieo mầm bằng hạt giống thần thánh đó và mang tiềm năng của chúng ta vào trong cuộc sống. Vì vậy, đức hạnh của một người phụ thuộc vào sự xuất sắc của họ với tư cách là một con người, vào mức độ họ thể hiện tiềm năng tự nhiên của mình. Do đó, để có đức hạnh cần phải sống theo cách Thiên Nhiên đã sắp đặt. Đây là nơi bắt nguồn của câu cách ngôn Khắc kỷ Sống thuận theo Đạo.

Nói một cách đơn giản, vạn vật đều hạt giống đức hạnh – phiên bản tốt nhất của mình. Vì vậy, sống với areté về cơ bản là để hoàn thiện bản chất của chúng ta. Nếu không có sự hoàn thiện đó, chúng ta thấy thiếu thốn và cuộc sống của chúng ta sẽ không được thỏa mãn. Rõ ràng là, nếu chúng ta không phát huy hết tiềm năng bẩm sinh của mình, chúng ta sẽ không bao giờ thấy thỏa mãn.

Hãy lấy một ví dụ trong tự nhiên. Tiềm năng tự nhiên của hạt nho là phát triển thành cây nho và sai thành quả nho. Vì vậy, một hạt nho sống với areté hoặc thuận theo tự nhiên (thuận theo đạo – ND) khi nó phát huy hết tiềm năng tự nhiên của mình bằng cách phát triển thành một cây nho và tạo ra quả nho.

Đối với giàn nho, cuộc sống tươi đẹp là tạo ra chùm nho – như vậy là đủ; tương tự như thế, việc chúng ta thể hiện phiên bản tốt nhất của mình trong mọi khoảnh khắc là đủ rồi. Đó là tất cả những gì cần phải làm. Không có thứ gì bên ngoài là cần thiết để có được cuộc sống tốt đẹp – không có biệt thự bên bờ biển, không có nhẫn kim cương, không có đĩa sứ và khái quát hơn là không cần có thứ gì không chứa đựng tiềm năng tự nhiên. Và đó là điều khiến chủ nghĩa Khắc kỷ trở nên hấp dẫn. Tiềm năng để sống một cuộc sống tốt đẹp nằm trong tất cả chúng ta – cho dù chúng ta giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay ốm yếu, xinh đẹp như người mẫu hay xinh đẹp theo kiểu khác. Tất cả chúng ta đều có thể có được cuộc sống tốt đẹp. Nhưng tôi đang cầm đèn chạy trước ô tô, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của những thứ bên ngoài trong góc thứ hai của Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ.

Tiềm năng tự nhiên của bạn nằm ở phiên bản cao nhất của bạn. Tuy nhiên, còn nhiều hơn thế nữa. Các nhà Khắc kỷ lập luận rằng sự khác biệt đáng kể nhất so với các loài động vật khác là khả năng sử dụng lý trí của con người. Giáo viên Khắc kỷ Epictetus giải thích rằng điều tách biệt chúng ta khỏi thú dữ và cừu là yếu tố lý trí của chúng ta chứ không phải là làn da trần, khung xương yếu hơn hay việc không có đuôi. Chúng ta phủ nhận chính con người của mình và trở thành con cừu khi chúng ta để cho những hành động của mình trở nên bốc đồng và thiếu cân nhắc. Ông hỏi, “Khi hành động của chúng ta hiếu chiến, ranh mãnh, tức giận và thô lỗ, chúng ta có đang hạ mình và trở thành thú dữ không?”

Theo quan điểm của Epictetus, khả năng sử dụng lý trí là cốt lõi của tiềm năng tự nhiên mà chúng ta cần phát huy, và nó được phát huy tốt nhất nếu ta thể hiện nó mọi lúc mọi nơi. Một mặt thì, khả năng sử dụng lý trí là món quà quý giá nhất của chúng ta và nếu chúng ta sống theo nó, chúng ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy – giống như một cây nho tạo ra quả nho. Mặt khác, đây cũng là gánh nặng lớn nhất của chúng ta, bởi vì nếu chúng ta không sống được theo nó, chúng ta sẽ rơi xuống cấp độ của một con thú, phủ nhận nhân tính của mình và sẽ không sống một cuộc sống hạnh phúc – giống như một giàn nho thất bại trong việc tạo ra những quả nho có thể ăn được.

Vì vậy, đối với những người theo Khắc kỷ, điều hợp lý là luôn cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất có thể. Tất cả chúng ta đều có hạt giống lý trí này, hạt giống phiên bản tốt nhất của chúng ta, được gieo hạt bên trong. Và do đó, chúng ta có tiềm năng sống một cuộc sống đức hạnh – nghĩa là, một cuộc sống được dẫn dắt bởi lý trí và thể hiện phiên bản lý tưởng của chúng ta. Và từ đó ra đời những hành động đáng tôn vinh và đáng khen ngợi, có lợi cho bản thân và người khác. Như đã nói trước đó, đức hạnh của vạn vật là sự hoàn thiện bản chất của riêng mỗi vật; trong trường hợp của con người, thì đức hạnh là sự hoàn hảo của lý trí. Nói cách khác, sống với areté là việc thể hiện phiên bản tốt nhất của chúng ta trong mọi khoảnh khắc một cách hoàn hảo. Hãy nhớ rằng, việc sống với areté, đức hạnh, lý trí và thuận đạo đều là cách diễn đạt khác nhau cho cùng một mục tiêu.

Trong triết học Khắc kỷ, rõ ràng là sự hoàn hảo của lý trí không chỉ bao gồm những hành động mang tính lý trí mà còn mà hành động mang tính xã hội dưới hình thức bổn phận đối với đồng loại, chẳng hạn như hiếu kính với cha mẹ, hòa thuận với bạn bè và quan tâm đến hạnh phúc của xã hội. Do vậy, là những cá nhân có lý trí và hướng về xã hội, chúng ta nên áp dụng lý trí và thể hiện phiên bản cao nhất của mình trong ba lĩnh vực chính của cuộc sống:

∙ Trí óc của chúng ta: Là những người có khả năng suy nghĩ hợp lý, chúng ta nên xem xét hành động của mình một cách lý trí và sáng suốt, và luôn cố gắng trở nên tốt nhất có thể.
∙ Với người khác: Là những người sống trong xã hội bẩm sinh đã quan tâm đến nhau, chúng ta nên cố gắng sống hài hòa với những người khác và đóng góp vào hạnh phúc chung của nhân loại.
∙ Trong vũ trụ: Là công dân của vũ trụ rộng lớn, chúng ta nên cố gắng sống hài hòa với thiên nhiên, bình tĩnh đón nhận những sự kiện xảy đến với mình và cố gắng ứng phó một cách khôn ngoan.

Tôi biết, mấy thứ như areté, đức hạnh, lý trí và việc hoàn thiện bản chất của chúng ta nghe rất trừu tượng và rất khó để hiểu rõ ràng về những thứ này trong thực tế. May mắn thay, các nhà Khắc kỷ đã sử dụng một cách phân loại dễ hiểu hơn về đức hạnh để chia nó thành bốn đặc điểm tính cách mong muốn, được gọi là Bốn Đức Hạnh Cốt Yếu. Tuy nhiên, trước khi xem xét chúng, chúng ta hãy cùng nghĩ đến Stoic Sage (Nhà Hiền triết Khắc kỷ – ND), hình mẫu giả định mà Nhà khắc kỷ sử dụng để miêu tả một người khôn ngoan và có đức hạnh – tính cách của Adonis, nếu bạn muốn.

Bạn có thể đã tự hỏi, việc trở thành phiên bản tốt nhất có thể mọi lúc mọi nơi thậm chí có khả thi không? Không, không phải lúc nào cũng vậy. Đây là lý do tại sao Nhà Khắc kỷ coi Nhà Hiền triết như một lý tưởng, bởi vì không có con người hoàn hảo. Và chúng ta không cần phải hoàn hảo với tư cách là người theo Khắc kỷ, nhưng ít nhất chúng ta có thể cố gắng trở nên tốt nhất có thể. Đây là lý do tại sao những nhà Khắc kỷ nghĩ đến Nhà Hiền triết, họ muốn trở nên tốt nhất có thể, và đạt được eudaimonia hoàn hảo như Nhà Hiền triết. Donald Robertson mô tả: “Người ấy sống hòa hợp hoàn toàn thành một thể với bản thân, với phần còn lại của nhân loại và Thiên nhiên, bởi vì người ấy đi theo lý trí và chấp nhận số phận của mình một cách khoan dung, chừng nào nó nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Người ấy đã vượt lên trên những ham muốn và cảm xúc phi lý trí, để đạt được sự thanh thản trong tâm hồn. Nhân cách của người ấy cao đẹp, đáng ca ngợi, và đáng trân trọng ”.

Không có gì ngạc nhiên khi Nhà Hiền Triết là một lý tưởng giả định, nhưng các nhà Khắc kỷ cho rằng sẽ có lợi khi có một hình mẫu để ngưỡng mộ và so sánh với chính chúng ta. Nhà Hiền Triết giúp chúng ta dễ dàng hình dung ra con người lý tưởng của chúng ta hơn và trở thành một biển chỉ đường soi phương hướng ta đi. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét bốn đức hạnh mà có thể giúp chúng ta giống với Nhà Hiền Triết.

Bốn Đức Hạnh Quan trọng

Bạn và tôi, chúng ta tiến gần hơn đến mục tiêu chung của chúng ta về một cuộc sống tốt đẹp bằng cách trau dồi để tiến đến việc sống với areté. Bây giờ, chúng ta có thể đánh giá sự tiến bộ này theo bốn đặc điểm chung mà các nhà Khắc kỷ đã áp dụng từ triết học Socrate. Họ chia nhân đức thành bốn đức hạnh cơ bản là wisdom (sự thông thái), justice (sự công bằng), courage (sự can đảm), and self-discipline (sự kỉ luật hay sự điều độ). Sống theo những phẩm chất này tạo nên một tính cách mạnh mẽ và cho phép bạn thực hiện những hành động đáng tôn vinh và đáng khen ngợi, giống như Nhà Hiền Triết. Những đặc điểm tính cách trái ngược, vô đạo đức và độc ác được gọi là Bốn Thói Tật Xấu. Kakia là một từ tiếng Hy Lạp trái ngược với areté và nó tạo nên một tính cách yếu đuối, thể hiện những hành vi đáng xấu hổ và thiếu hiểu biết. Hãy cùng xem xét tất cả, từng cái một:

Wisdom (sự thông thái) là việc biết hành động và cảm nhận một cách phù hợp. Sự thông thái bao gồm khả năng suy xét tuyệt vời, khả năng phán đoán lành mạnh, có quan điểm và ý thức đúng đắn. Nó trái ngược với sự ngu ngốc hoặc thiếu suy nghĩ.

Justice (sự công bằng) là biết cách hành động và cảm nhận sâu sắc trong các mối quan hệ của chúng ta với những người khác. Sự công bằng bao gồm lòng tốt, sự chính trực, hành động vì cộng đồng, và sự không thiên vị. Nó trái ngược với việc làm sai trái hoặc bất công.

Courage (sự can đảm) là biết cách hành động và cảm nhận một cách chính xác khi đối mặt với những tình huống đáng sợ. Sự can đảm bao gồm lòng dũng cảm, kiên trì, trung thực và tự tin. Nó trái ngược với sự hèn nhát.

Self-discipline/Temperance (sự kỉ luật/sự điều độ) là biết cách hành động và cảm nhận đúng đắn, bất chấp những cảm xúc như mong muốn mạnh mẽ, sự phản kháng bên trong hoặc ham muốn. Kỷ luật tự giác bao gồm trật tự, tự chủ, tha thứ và khiêm tốn. Nó trái ngược với sự dư thừa.

Đây chắc chắn là những nét tính cách đáng để phấn đấu đúng không? Nếu bạn đồng quan điểm với tôi, những điều này đều rất hợp lý, và tất cả chúng ta, ngay cả khi có các tôn giáo và nền văn hóa khác nhau, đều đánh giá cao những đức tính này ở những người xung quanh và ở chính mình. Khi bạn đọc qua những đức tính này, bạn có thể nghĩ rằng bạn thành thạo sự công bằng vì bạn luôn đối xử với người khác với sự công bằng tuyệt đối, nhưng bạn không thành thạo sự điều độ vì bạn thường phải vật lộn với việc không uống quá một ly rượu Rioja. Giờ đây, mặc dù việc nói rằng bạn giỏi hơn trong một số đức hạnh và kém hơn ở một số đức hạnh khác là hoàn toàn hợp lý, đối với nhà Khắc kỷ, điều quan trọng là cái gói bao trọn tất cả số đó. Đức hạnh là một gói có-tất-cả-hoặc-không-có-gì.

Các nhà Khắc kỷ đưa ra một phép loại suy để làm sáng tỏ mọi thứ: Ai đó có thể vừa là nhà thơ, vừa là nhà hùng biện và một vị tướng, nhưng đồng thời anh ta cũng chỉ là một cá nhân. Và các đức hạnh cũng vậy, được thống nhất trong một gói nhưng có thể được áp dụng cho các lĩnh vực hành động khác nhau. Vì vậy, người này có thể là một nhà thơ xuất sắc, một nhà hùng biện tài ba và một vị tướng tệ hại, nhưng điều quan trọng là đánh giá tổng thể về cá nhân đó chứ không phải chỉ quan tâm đến một phần tính cách của họ. Và nếu ta suy ngẫm thì sẽ thấy gói có-tất-cả-hoặc-không-có-gì này nghe rất hợp lý. Rốt cuộc, chúng ta không muốn gọi một tên cướp ngân hàng có sự điều độ và sự can đảm là một người có đạo đức.

Sự hoàn hảo về mặt đạo đức là lý tưởng mà chỉ có Hiền nhân mới có thể đạt tới, vì thế điều quan trọng ở đây là con người của bạn về tổng thể. Bạn có thể phát triển và trưởng thành như một cá thể toàn diện và việc người có nhìn thấy các hành động có đạo đức của bạn hay không không quan trọng, việc tiến bộ và cố gắng trở thành phiên bản giỏi nhất có thể là đủ rồi. Vì vậy, đức hạnh về cơ bản là một dạng của sự thông thái thực tế: biết đâu là điều thích hợp để làm và thực sự làm điều đó. Và hãy nhớ rằng, giống như một giàn nho sẽ không tạo ra những trái nho hoàn hảo trong những năm đầu tiên, và vẫn sẽ có một số trái nho chua lè trong những năm sai quả, bạn rồi cũng sẽ trở nên tốt hơn nếu bạn cố gắng hết sức, nhưng bạn cũng sẽ tiếp tục mắc phải một số sai sót. Sự không hoàn hảo này là hoàn toàn tự nhiên và là điều mà các nhà Khắc kỷ quan sát thấy trong cuộc sống của chính họ.

Dưới đây là một ví dụ từ Seneca: “Khi ánh sáng đã tắt và vợ ta chìm vào im lặng, như một thói quen, ta dượt lại một ngày của mình, xem xét những gì ta đã làm và đã nói.” Seneca đã bào chữa cho bản thân tại mỗi đêm và đã chia sẻ một số ví dụ trong lá thư On Anger (Đôi điều về nỗi sợ). Câu chuyện yêu thích của tôi là tại một sự kiện nào đó, ông ấy tức giận vì không được ngồi ở một nơi danh dự mà ông ấy nghĩ rằng mình xứng đáng. Ông đã dành cả buổi tối để tức giận với chủ tiệc đã sắp xếp chỗ ngồi cho mình và với những vị khách ngồi cao hơn chỗ ông ấy. “Đồ điên,” ông ấy viết trong nhật ký, “Cái ghế ta ngồi thì có gì khác biệt đâu?”

Vấn đề là, không ai là người hoàn hảo trong mọi hành động của họ và miễn là chúng ta cố gắng hết sức, điều này không thành vấn đề. Thế giới không có đen và trắng, chúng ta không phải lúc nào cũng có thể biết điều đúng đắn cần làm là gì, nhưng chúng ta luôn có thể cố gắng hành động với ý định tốt nhất của mình. Và theo tôi đây là cách dễ nhất để hiểu về việc sống với areté – trong mọi lúc, hãy cố gắng trở nên tốt nhất có thể, cố gắng chọn hành động/phản ứng thích hợp và chỉ đơn giản là cố gắng trở thành một người tốt, quan tâm đến người khác và thiên nhiên một cách toàn diện. Nói cách khác, hãy phát triển phẩm chất của bạn. Và đó là những gì chúng ta sẽ xem xét sau khi xem qua một ghi chú quan trọng.

Chú ý (theo nghĩa đen): Nếu chúng ta muốn trở thành người giỏi nhất có thể trong mọi tình huống, nếu chúng ta muốn sống với areté, thì chúng ta cần phải nhận thức được từng hành động của mình. Ngày nay, chúng ta gọi đây là “mindfulness – chánh niệm”, các nhà Khắc kỷ đã sử dụng thuật ngữ “chú ý” (prosochê). Theo lời của Marcus Aurelius, chúng ta nên “đặc biệt chú ý. . . tới việc thực hiện bổn phận cùng với sự phân tích chuẩn xác, với phẩm giá không thể lay chuyển, với sự cảm thông đầy nhân văn, với sự công bằng không có chút thiên vị.” Chúng ta có thể đạt được một tâm trí không tạp niệm bằng cách thực hiện “mỗi hành động như thể đó là hành động cuối cùng trong đời”.

Hãy tưởng tượng bạn đang đi chân trần dọc theo bãi biển thì đột nhiên gặp phải một đoạn đường đầy những mảnh kính vỡ. Giờ đây, bạn bước đi rất thận trọng và quan sát cẩn trọng như diều hâu trong mỗi bước đi để không làm tổn thương chính mình – đó là sự chú ý mà các nhà Khắc kỷ muốn chúng ta hướng đến trong mỗi hành động. Sự chuyên tâm chú ý và tự quan sát liên tục này là cần thiết nếu chúng ta chủ động muốn điều chỉnh hành động của mình khớp với đức hạnh, bởi vì làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng chúng ta hành động một cách có đạo đức nếu chúng ta thậm chí không nhận thức được hành động của mình? Khi chúng ta để cho suy nghĩ của mình trôi đi, hành động của chúng ta trở nên thiếu suy xét, chúng ta hành động dại dột và đánh mất đi cơ hội tốt nhất để có được eudaimonia vì chúng ta đã không còn thể hiện phiên bản tốt nhất trong thời điểm này. Điều này sẽ xảy ra vô số lần, nhưng đó là lúc cần sự tập trung chú ý nhất. Seneca nói: “Ý thức về hành vi sai trái là bước đầu tiên để tiến đến sự cứu rỗi. Ngươi phải bắt quả tang mình đang làm những hành vi đó trước khi ngươi có thể sửa chữa hành vi của mình”. Cũng giống như cách ông ấy đã làm khi ông ấy nhận ra mình là một kẻ mất trí vì đã nổi giận với người khác về chỗ ngồi của mình. Nếu không nhận thức được như vậy, hành động của chúng ta trở nên bốc đồng, vô thức và ngẫu nhiên – hoàn toàn ngược lại với những gì chúng ta muốn.

Tác giả Pierre Hadot giải thích: “Sự chú ý (prosochê) là thái độ tinh thần cơ bản của phái Khắc kỷ. Đó là sự thận trọng và hiện diện liên tục của tâm trí, sự tự ý thức không bao giờ ngủ, và sức căng liên tục của tinh thần. Nhờ thái độ này, nhà triết học hoàn toàn nhận thức được những gì anh ta làm trong mỗi khoảnh khắc, và anh ta chế ngự hoàn toàn hành động của mình.” Ngay cả khi ý thức không bao giờ ngủ này là mục tiêu của nhà Khắc kỷ, Epictetus nói rằng việc trở nên hoàn hảo là bất khả thi, nhưng chúng ta có thể cố gắng và “chúng ta phải bằng lòng rằng việc tập trung chú ý này sẽ giúp ta tránh mắc phải ít nhất một vài lỗi.”

Cái nết đánh chết cái đẹp

“Bỏ bộ đồ của viện nguyên lão sang một bên, mặc quần áo rách rưới và xuất hiện với hình tượng đó.” Bất kể bạn đóng vai trò nào trong xã hội, bất kể bạn mặc vest và thắt cà vạt hay đi tất và dép xăng đan, Epictetus chỉ ra rằng điều quan trọng là cốt lõi của bạn, phẩm chất của bạn. Do đó, cách duy nhất để nhận ra một người theo phái Khắc kỷ thực sự là qua tính cách của họ.

Hãy nghĩ về một người mà bạn biết, người có sự chính trực và cứng rắn như đá hoa cương. Bruno là cái tên xuất hiện trong tâm trí tôi. Bruno là một trong những huấn luyện viên bóng đá đầu tiên của tôi. Anh ấy đáng dựa dẫm, đáng tin cậy và quan trọng nhất là anh ấy luôn kiên định trong hành động của mình. Anh ấy công bằng và trung thực không chỉ khi điều đó là cần thiết, mà luôn luôn như vậy. Anh ấy là một người đàn ông vững chãi như một tảng đá với khiếu hài hước tuyệt vời. Tôi chắc rằng bạn có thể liên hệ tới một Bruno nào đó trong cuộc sống của chính mình và điều đó trở nên rõ ràng tại sao Chủ nghĩa Khắc kỷ lại đánh giá cao tính cách của một người đến vậy.

Tôi đã từng viết trong một bài báo: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Điều này có lẽ không đúng với thời đại của chúng ta, vốn được gọi là kỷ nguyên mê sắc đẹp trong sử sách, nhưng nó chắc chắn đúng trong triết học Khắc kỷ. Những người theo Khắc kỷ sẽ tiến xa hơn một bước và tuyên bố rằng “cái nết không chỉ đánh bại vẻ đẹp mà còn cả sự giàu có, quyền lực, và vâng, thậm chí là cả Joker”. Trở thành một người có đức hạnh thực sự có nghĩa là phải thể hiện xuất sắc tính nết của người đó và luôn cố gắng làm hết sức mình cũng như làm những gì được cho là đáng vinh dự và đáng ca ngợi. Đức hạnh thực sự là điều tốt đẹp nhất trong chủ nghĩa Khắc kỷ và sống theo nó cuối cùng sẽ rèn giũa bạn thành một người tốt đẹp tuyệt vời. Và điều đó sẽ đi kèm với nhiều lợi ích khác. Hãy để tôi giải thích.

Hãy quay lại Bruno. Bạn có nghĩ rằng những hành động công bằng và trung thực một cách nhất quán của anh ấy đã không nhận được sự chú ý? Không hề! Là một huấn luyện viên, anh ấy đã được thăng chức nhiều lần và trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất ở câu lạc bộ. Theo tôi được biết, mọi người đều yêu quý và đánh giá cao anh ấy. Tính cách đáng tin cậy và kiên định của anh ấy đã mang lại cho anh ấy nhiều phần thưởng. Chỉ cần đề cập đến một số như: tình yêu và sự ngưỡng mộ từ các cầu thủ, sự tôn trọng và quyền lực ở câu lạc bộ, v.v. Và nhờ những phần thưởng này, Bruno chắc chắn đã trải qua cảm xúc hạnh phúc và đáng giá.

Và những điều này cũng có thể tồn tại trong cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta hành động dũng cảm, trung thực và công bằng, thì chúng ta có lại được những cảm xúc tốt lành. Khi bạn lên tiếng chống lại kẻ bắt nạt Jimmy, nạn nhân có thể cảm ơn bạn vì điều đó và kết quả là bạn sẽ thấy tự hào. Khi bạn nói với cha mẹ sự thật về việc bạn đi bar, bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Khi kiên trì tìm việc, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được báo trúng tuyển.

Đối với những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ, điều quan trọng là những cảm xúc tích cực này không nên là động cơ chính cho những hành động có đạo đức của chúng ta. Những cảm xúc tích cực nên được xem như là phần thưởng thêm vào. Đức hạnh tự thân đã là phần thưởng vì ít nhất hai lý do:

1. Phần thưởng thêm vào (ví dụ: cảm giác vui vẻ) không nằm trong tầm kiểm soát của ta.

2. Phần thưởng thêm vào có thể do các hành động phi đạo đức khác gây ra.

Bạn nên hành động một cách có đạo đức vì đó là điều đúng đắn nên làm chứ không phải vì điều đó sẽ mang lại lợi ích cho bạn theo cách này hay cách khác. Giúp đỡ cô gái bị bắt nạt vì đó là điều thích hợp nên làm chứ không phải là vì sau đó bạn sẽ cảm thấy tuyệt vời và bạn sẽ có cơ hội để hẹn hò với người ta. Phần thưởng thêm vào là không chắc chắn và không nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Bạn chỉ kiểm soát hành động của mình chứ không phải những gì xảy ra sau đó. Đúng thế, bạn có thể cảm thấy dễ chịu khi giúp cô ấy. Đúng thế, bạn có thể có được số điện thoại của cô ấy. Nhưng bạn cũng có thể ăn cái tát của kẻ bắt nạt nào đó. Và bạn có thể bị cô gái phớt lờ. Vì vậy, một người theo chủ nghĩa Khắc kỷ nên sẵn sàng để hành động một cách can đảm bất chấp dòng cảm xúc đang ngăn anh ta lại thay vì hành động một cách can đảm để nhận được những lợi ích có thể có trong tương lai.

Marcus Aurelius đã đề cập đến điều này trong cuốn Suy tưởng của mình. Ông phân biệt ba loại người. Loại người thứ nhất, sau khi làm một hành động tử tế với người khác, sẽ nhanh chóng đòi hỏi sự đáp lại. Loại người thứ hai không vội vã đòi hỏi sự báo đáp, mà âm thầm coi người kia là con nợ của mình. Loại người thứ ba chỉ “giống như cây nho đã tạo ra trái nho và không tìm kiếm gì khác một khi nó đã tạo ra quả ngọt của chính mình”. Giống như một con ngựa sau cuộc đua của nó hoặc một con ong sau khi tạo ra mật ong, loại người thứ ba này không yêu cầu gì khác ngoài việc tiếp tục hành động, “giống như cây nho lại tiếp tục sinh ra quả nho khi vào mùa”. Bản chất của chúng ta là làm điều tốt cho người khác và chúng ta nên làm điều đó đơn giản là vì đó là điều nên làm.

Tình yêu Khắc kỷ với Nhân loại: Hành động vì lợi ích chung

Chúng ta là những cá thể sống xã hội có tình cảm tự nhiên đối với người khác. Seneca nói, triết học Khắc kỷ bao gồm sự tử tế, sự dịu dàng, tình yêu thương đồng loại và sự quan tâm đến lợi ích chung. Mục tiêu là trở nên hữu ích, là giúp đỡ người khác và chăm sóc bản thân cũng như những người khác.

Những người theo trường phái Khắc kỷ nuôi dưỡng ý tưởng rằng chúng ta nên quan tâm đến những người khác, mong cho họ trưởng thành, và coi những người khác như anh em bạn bè: Đối xử ngay cả với những người lạ và những người chống đối chúng ta như họ hàng – anh chị em, cô dì chú bác. Tất cả chúng ta đều là công dân sống cùng một thế giới. Mối quan hệ thân thích này tạo nền tảng cho tình yêu và tình bạn giữa người và người.

Epictetus cho rằng: “Một người không thể trở thành người có đạo đức, trừ khi anh ta đóng góp chút sức mình phục vụ cho cộng đồng.” Đó là bản chất của chúng ta – sinh vật sống có tổ chức và có lý trí. “Chúng ta được tạo hóa sắp xếp để sống với những cá thể khác, rất giống với loài ong”. Musonius Rufus tiếp tục: “Một con ong không thể sống một mình: nó sẽ chết khi bị cô lập”. Và Marcus bổ sung “Những gì không mang lại lợi ích cho tổ ong thì cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho con ong”. Hành động của chúng ta phải mang lại lợi ích chung, nếu không chúng sẽ không mang lại lợi ích cho chính chúng ta. Chúng ta giống như một cơ thể khổng lồ: tất cả đều phụ thuộc vào nhau.

Bổn phận xã hội của chúng ta là quan tâm đến nhân loại, làm việc cùng nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Marcus nói: “Tất cả những gì ta làm, nên hướng đến mục tiêu duy nhất này – lợi ích chung và sự hài hòa.” Chúng ta không thể thể hiện phiên bản cao nhất của mình mà không đồng thời đóng góp vào lợi ích chung. Nếu chúng ta tìm kiếm điều tốt nhất ở bản thân, chúng ta cũng sẽ chủ động quan tâm đến cuộc sống của những người khác. Điều tốt nhất cho người khác sẽ là điều tốt nhất cho bạn.

Thiên hướng xã hội của chúng ta không nằm ở việc chúng ta thích ở bên người khác, mà theo nghĩa sâu xa hơn là chúng ta không thể tồn tại nếu không có sự giúp đỡ của người khác. Vì vậy, khi chúng ta làm điều tốt cho người khác, chúng ta thực sự mang lại lợi ích cho chính mình. Mang lại lợi ích cho người khác là một hình thái khác của đức hạnh, và cuối cùng nó mang lại lợi ích cho chính ta vì đức hạnh bản thân nó đã là một phần thưởng. Bây giờ bạn đã biết làm điều tốt cho người khác cũng mang lại lợi ích cho bản thân, bạn có thể làm điều tốt cho người khác một cách ích kỷ. Tất cả cuối cùng đều vì lợi ích của chính bạn.

Và cuối cùng, không quan trọng chúng ta làm điều tốt cho người khác vì lý do ích kỷ hay vị kỷ, miễn có mục đích là hành động vì lợi ích chung. Nhớ ba kiểu người mà Marcus mô tả chứ? Người đầu tiên luôn tìm kiếm sự báo đáp, người thứ hai nghĩ rằng người kia là con nợ của mình, và người thứ ba, giống như một cây nho, tạo ra chùm nho và không mong chờ sự đền đáp. Nghĩa vụ xã hội của người đó là làm điều tốt cho người khác và người đó không mong muốn được nhận lại gì cả.

Marcus nói rằng việc hoàn thành các bổn phận xã hội của bạn sẽ chỉ đơn giản là mang lại cho bạn cơ hội tốt nhất để có một cuộc sống tốt đẹp. Đó là phần thưởng cho việc hành động vì lợi ích chung, không phải lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ hay cảm thông – đây là những phần thưởng bổ sung (không chắc chắn) và không nên trở thành lý do cho hành động của bạn. Vì vậy, ngay cả Marcus Aurelius cũng hành động vì lợi ích chung vì một lý do ích kỷ – bởi vì ông nghĩ điều đó sẽ cho ông cơ hội tốt nhất để có một cuộc sống tốt đẹp.

Sống với areté và hướng hành động của mình đến lợi ích chung tự thân nó đã là phần thưởng. Đây là bản chất của chúng ta và nó đem lại cơ hội tốt nhất để chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy. Chúng ta không được tìm kiếm hoặc mong muốn có thêm phần thưởng, chẳng hạn như sự ngưỡng mộ từ người khác, bởi vì chúng không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta và có thể phai nhòa nhanh chóng. “Nhưng kẻ khôn ngoan không thể mất gì,” Seneca lập luận, “sự tốt đẹp của những kẻ đó được giữ gìn cẩn thận, ràng buộc với đức hạnh, là thứ không đòi hỏi gì từ những cơ hội, và do đó không thể gia tăng hay mất đi.”

Phẩm chất của bạn, bắt nguồn từ hành động của bạn, là thứ bạn có thể tin cậy mọi lúc. Theo triết lý Khắc kỷ, chỉ cần cố gắng thể hiện phiên bản cao nhất của bạn mọi lúc và hướng hành động của bạn đến lợi ích chung là đủ. Đó là tất cả những gì bạn có thể làm. Marcus Aurelius khéo léo nhắc nhở bản thân rằng một ngọn đèn sáng mãi cho đến khi hết dầu để đốt. Vậy tại sao tấm lòng chân thật, sự công bằng và sự tự chủ của ông không tiếp tục tỏa sáng cho đến khi ông không còn nữa? Theo nghĩa đó, chúng ta hãy thắp sáng những ngọn đèn đức hạnh và để chúng tỏa sáng bằng cách thể hiện những phiên bản cao nhất của chính mình chừng nào chúng ta còn có thể tồn tại.

2. Tập trung vào Điều trong tầm Kiểm soát: Chấp nhận mọi sự và Làm Tốt nhất có thể

“Thế nào là được coi là đã tiếp thu được bài học? Đó là học cách áp dụng những nhận thức tự nhiên của chúng ta vào những điều đúng đắn thuận theo Tự nhiên, và xa hơn thế là tách biệt những thứ nằm trong khả năng của chúng ta với những thứ nằm ngoài nó.”
– EPICTETUS

“Có những thứ nằm trong kiểm soát của chúng ta, những thứ khác thì không”. Đây là những từ đầu tiên trong cuốn Enchiridion (Giáo khoa thư) của Epictetus. Như chúng ta đã tìm hiểu trước đó, Enchiridion có nghĩa là sẵn sàng trong tầm tay – giống như một con dao găm – và sự tách biệt giữa những gì nằm trong quyền lực của chúng ta và những gì không, là thứ chúng ta nên thủ sẵn trong tay mọi lúc, sẵn sàng giúp chúng ta đối phó với bất cứ điều gì cuộc đời ném vào ta. Bài giảng cốt lõi của Epictetus là có những thứ tùy thuộc vào chúng ta và những thứ thì không; chúng ta phải luôn luôn “tận dụng tối đa những gì nằm trong khả năng của mình và chấp nhận những thứ còn lại xảy ra tự nhiên.” Tư tưởng này là nền tảng của triết học Khắc kỷ, và do đó tạo nên góc thứ hai của Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ.

Hãy tưởng tượng bạn cầm trên tay một con búp bê giống hệt bạn. Hãy gọi nó là búp bê voodoo (Búp bê voodoo là một loại hình nộm dùng cho tà thuật, thường có những mũi kim đâm vào – Google). Xinh xắn làm sao. Bây giờ, bạn bước tới cửa sổ, mở cửa sổ và ném con búp bê của bạn ra đường. Bạn ở trong nhà và hy vọng rằng trời đầy nắng và đời vô vàn may mắn. Đột nhiên, cuộc sống trở thành một chuyến tàu lượn đầy cảm xúc – mà bạn không có quyền can thiệp. Con chó Pug đánh dấu chủ quyền bạn, đá bạn qua lại và con xe Prius chẹt qua bạn. Ặc. . . đời sao mà tệ! Lúc này đây, không ai sẽ thực sự làm điều đó với con búp bê voodoo của họ. Hay họ sẽ làm thế nhỉ? Đó chẳng phải chính xác là điều mà nhiều người thường làm khi lo lắng về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của họ sao? Đúng vậy, lo lắng về ngoại cảnh là nguyên nhân sâu xa của sự đau khổ. Steven có thích tôi không? Tôi sẽ nhận được công việc đó chứ? Tại sao tôi không cao hơn/gầy hơn/đẹp hơn? Giao quyền hành cho những thứ chúng ta không thể kiểm soát trực tiếp sẽ gây ra đau khổ về mặt tinh thần. Đây là lý do tại sao các nhà Khắc kỷ sẽ yêu cầu chúng ta lấy lại con búp bê voodoo tưởng tượng đó vào tay của chính mình, và để chúng ta tự quyết định liệu có nên quăng quật con búp bê hay không. Trọng điểm là, những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ muốn chúng ta tập trung vào những gì chúng ta kiểm soát và cứ để những con chó Pug đánh dấu chỗ nào chúng muốn.

Vậy chúng ta có quyền kiểm soát cái gì? Chỉ một số thứ mà thôi – những suy nghĩ và hành động tự nguyện của ta. Chúng ta có thể quyết định các sự việc có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta và cách chúng ta muốn phản ứng với chúng (chúng ta sẽ xem xét các đánh giá của mình kỹ hơn ở góc thứ ba của Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ). Về hành động của chúng ta, chúng ta có thể chủ động điều chỉnh chúng phù hợp với đức hạnh, như đã thảo luận trong phần trước. Tất cả những thứ khác không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Bất kể đó là thời tiết, những người khác và hành động của họ, hay sức khỏe và cơ thể của chúng ta, và đúng ra chính là tất cả những gì diễn ra xung quanh chúng ta.

Đúng thế, ví dụ là, cơ thể của chúng ta, không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Chúng ta chắc chắn có thể ảnh hưởng đến nó bằng hành động của mình – chúng ta có thể nâng tạ, chạy nước rút hết sức và ăn bông cải xanh mỗi ngày – nhưng điều này sẽ không làm cho hông của chúng ta nhỏ lại, vai rộng hơn, mũi thẳng hơn hoặc mắt xanh hơn. Có một số điều ảnh hưởng đến cơ thể mà chúng ta không kiểm soát được, chẳng hạn như gen, sự phát bệnh sớm hoặc chấn thương. Cái gọi là sự phân đôi của sự kiểm soát theo kiểu Khắc kỷ – một số thứ phụ thuộc quyết định của chúng ta, những thứ khác thì không – chính là việc nhận thức ba mức độ ảnh hưởng của chúng ta trên thế giới:

∙ Ảnh hưởng mạnh: Lựa chọn của chúng ta trong các phán đoán và hành động
∙ Ảnh hưởng một phần: Sức khỏe, sự giàu có, các mối quan hệ và kết quả các hành động của chúng ta
∙ Không ảnh hưởng: Thời tiết, dân tộc và hầu hết các ngoại cảnh

“Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nhà ngươi – ai có thể ngăn cản ngươi trở thành người có đức hạnh và chân thành?” Marcus Aurelius thường nhắc nhở bản thân về quyền hạn mà ông được thiên nhiên ban tặng – quyền hạn để lựa chọn những hành động và mài dũa phẩm chất của chính mình. Ông nói rằng người khác không thể ngưỡng mộ bạn vì những gì thiên nhiên ban tặng cho bạn, nhưng có rất nhiều phẩm chất khác cần phải trau dồi. “Vì vậy, hãy thể hiện những đức tính hoàn toàn nằm trong khả năng của ngươi – sự liêm chính, phẩm giá, chăm chỉ, sự hy sinh, sự thỏa mãn, sự tiết kiệm, tốt bụng, độc lập, giản dị, thận trọng, hào hiệp.”

Chúng ta là những người duy nhất cản trở bản thân trau dồi những phẩm chất này. Việc ngăn chặn sự xấu xa, kiềm chế sự kiêu ngạo, ngừng ham muốn danh tiếng và kiểm soát tính khí của chúng ta, những điều này đều nằm trong khả năng. Bạn không thấy bao nhiêu đức hạnh bạn có thể thể hiện ra mà không cần lấy cớ mình không có tài năng hay năng khiếu hay sao? Hay việc bạn không có năng khiếu bẩm sinh đẩy bạn vào cảnh phải càu nhàu, chê bai hay đổ lỗi? Làm gì có chuyện đó! Chúng ta có quyền lựa chọn hành động của mình, ngay cả khi những thứ khác hoàn toàn nằm ngoài hay chỉ nằm một phần trong sự kiểm soát của ta.

Trước khi xem xét chi tiết hơn những gì nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, hãy lấy một ví dụ về điều đó trong thực tế. Serenity Prayer (Lời nguyện An tĩnh – ND), một lời cầu nguyện được sử dụng bởi Alcoholics Anonymous (một tổ chức từ thiện giúp cai nghiện rượu – ND) và các cộng đồng hỗ trợ khác, chính là ví dụ được áp dụng trong thực tế:

“Lạy Chúa, xin ban cho con
Sự An Tĩnh để chấp nhận những điều con không thể thay đổi
Sự Can Đảm để thay đổi những điều con có thể [thay đổi]
Và Sự Thông Thái để biết khác biệt giữa hai điều [điều có thể thay đổi và điều không thể]”

Những người đang cai nghiện không thể thay đổi sự bạo hành phải gánh chịu suốt thời thơ ấu, hoặc thậm chí có thể trước khi họ được sinh ra. Họ không thể xóa đi các lựa chọn mà họ đã thực hiện trong quá khứ; họ đã không thể không hút cocain, không uống rượu hoặc không sử dụng thuốc. Họ không thể xóa bỏ nỗi đau mà họ đã gây ra cho bản thân và người khác. Nhưng họ có thể chấp nhận quá khứ và cố gắng thay đổi hiện tại và tương lai bằng cách tập trung vào những lựa chọn mà họ đang thực hiện ngay bây giờ. Và chúng ta có thể làm điều tương tự bằng cách tập trung vào những gì chúng ta có khả năng kiểm soát – cụ thể là những lựa chọn chúng ta thực hiện hàng ngày – và chấp nhận những gì xảy ra như nó vốn phải xảy ra. Epictetus nói, lo lắng về những điều không theo ý mình là một việc vô ích và do đó là việc ngu ngốc.

Cung thủ Khắc kỷ: Tập trung vào quá trình

Cung Thủ Khắc Kỷ, Tập Trung Vào quá trình
Cung Thủ Khắc Kỷ, Tập Trung Vào quá trình

Vì tôi là người Thụy Sĩ, đã đến lúc kể về một huyền thoại của Thụy Sĩ. Vào đầu thế kỷ thứ mười bốn, một phần của Thụy Sĩ bị trấn áp bởi các hoàng đế Habsburg của Vienna. Ở một ngôi làng nọ, một tên cai quản độc ác đã dựng một cái cột ở chợ, treo chiếc mũ lông vũ của mình lên và yêu cầu mọi người phải cúi đầu kính trọng trước chiếc mũ đó. Khi William Tell và con trai đi qua nơi này mà không cúi đầu – họ có thể đã không biết hoặc cố tình phớt lờ – Tell đã bị ép buộc phải dùng cây cung bắn một quả táo đặt trên đầu con trai mình. May mắn thay, ông là một cung thủ và bắn trúng quả táo dễ dàng. Cuối cùng ông vẫn bị bắt vì đã thừa nhận rằng mình đã chuẩn bị một mũi tên thứ hai để giết tên cai quản đó trong trường hợp ông bắn trượt quả táo và bắn trúng con trai mình. Nhờ một cơn bão, Tell đã trốn thoát khỏi chiếc thuyền được cho là sẽ đưa ông đến lâu đài của tên cai quản để giam cầm. Biết rằng mình đang phải đối mặt với bản án tử hình, ông vội vã chạy đến con hẻm dẫn đến lâu đài và phục kích. Khi tên cai quản tàn ác cùng đám tùy tùng đi qua con hẻm, William Tell nhảy ra và bắn tên đó với một cú xuyên thẳng vào tim, trước khi ông lẩn vào rừng. Hành động dũng cảm của người đồng hương của tôi đã châm ngòi cho một cuộc nổi dậy và dẫn đến sự giải phóng của Liên bang Thụy Sĩ – Hoan hô!

Hàng trăm năm trước khi Tell bắn một quả táo khỏi đầu con trai mình, nhà Khắc kỷ đã sử dụng phép ẩn dụ cung thủ để giải thích tư tưởng cơ bản về việc tập trung vào những gì bạn kiểm soát. Tell có thể giương cung, nhắm một mắt, tập trung, nhắm đích, nín thở và cuối cùng là bắn tên. Bây giờ hãy tưởng tượng mũi tên bay trên không trung với chuyển động chậm. Mũi tên được phóng đi, xé không khí về phía quả táo. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát – Tell không thể ảnh hưởng đến nó nữa, ông chỉ có thể chờ đợi và quan sát. Một cơn gió bất ngờ có thể thổi bay mũi tên. Một con chim có thể bay đến trước mũi tên. Cậu con trai có thể khom lưng xuống, hoặc mẹ cậu ấy có thể nhảy vào và đỡ thay mũi tên một cách dũng cảm.

Vấn đề là, Tell có thể cố gắng hết sức cho đến thời điểm anh bắn tên, nhưng việc anh bắn trúng quả táo hay con mắt [của cậu con trai] không nằm trong khả năng của anh. Và điều này cũng tương tự với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta có thể lựa chọn ý định và hành động của mình nhưng kết quả cuối cùng phụ thuộc vào những biến số bên ngoài không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Đây là lý do tại sao các nhà Khắc kỷ khuyên rằng ta nên tập trung vào những gì chúng ta kiểm soát và để phần còn lại diễn ra như tự nhiên.

Trong thời hiện đại, chúng tôi gọi đây là tập trung vào quá trình – tập trung vào quá trình (nằm trong sự kiểm soát của chúng ta), thay vì kết quả mong muốn (không nằm trong sự kiểm soát của chúng ta). Trong bắn cung, kết quả mong muốn là bắn trúng mục tiêu, nhưng không nên tập trung vào nó vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Sẽ thông minh hơn khi tập trung vào quá trình mà trong tình huống tốt nhất sẽ dẫn đến kết quả mong muốn. Các nhà Khắc kỷ nhận ra rằng quá trình sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Quá trình này là về hành vi của chúng ta, sự luyện tập có chủ đích và tất cả những gì hành trang cho chúng ta để bắn tên chuẩn.

Vì vậy, thành công được định nghĩa bằng nỗ lực của chúng ta để làm mọi thứ trong khả năng của mình. Dù chúng ta có nhắm trúng mục tiêu hay không, dù thắng hay thua, dù có giảm cân được hay không, cuối cùng đều không quan trọng. Việc chúng ta thành công hay thất bại đều nằm trong quá trình. Vì vậy, cung thủ Khắc kỷ tập trung vào quá trình (việc chuẩn bị và việc bắn tên tốt); một kết quả tích cực có thể xảy ra (trúng mục tiêu) sẽ không khơi dậy niềm hân hoan và một kết quả tiêu cực có thể xảy ra (trượt mục tiêu) sẽ không khơi dậy sự tuyệt vọng. Người bắn cung Khắc kỷ đạt thành công trong quá trình này và sẵn sàng đón nhận bất kỳ kết quả nào với sự thư thái và sự bình tĩnh tự tin, khi biết rằng họ đã cố gắng hết sức.

Sự tập trung vào quá trình hay vào những gì bạn kiểm soát được, là liều tăng lực cho sự tự tin. Bạn biết nếu bạn làm hết sức mình, bạn sẽ thành công cho dù thế nào đi nữa. Đó là tất cả những gì bạn có thể làm. Nếu bạn cố gắng hết sức trong công việc, trong các mối quan hệ, và vì sức khỏe của mình, thì bạn sẽ luôn cảm thấy tự tin và bình thản với chính mình. Sự tự tin hay sự bình thản này nằm ở chỗ bạn biết rằng bạn đã làm mọi thứ có thể trong khả năng của mình, bởi vì đó là tất cả những gì bạn kiểm soát. Ngay cả khi mọi thứ không diễn ra tốt đẹp, bạn vẫn có thể thấy hài lòng khi biết mình đã làm hết sức. Không cần phải biện minh cho những kết quả không như mong muốn, vì ngoài kia có vô vàn yếu tố không thể kiểm soát được đã ảnh hưởng đến kết quả.

Chỉ khi bạn biết mình chưa làm mọi thứ trong khả năng thì bạn mới cảm thấy bất an và phải tìm cách biện minh cho bản thân. Đó là khoảng cách giữa những gì bạn đang làm và những gì bạn có khả năng làm, như đã thảo luận trước đó. Nhà Khắc kỷ nhấn mạnh rằng nỗi lo lắng và xáo trộn nội tâm đến từ việc chúng ta mong cầu những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Ví dụ, Epictetus nói rằng thật ngu ngốc khi muốn bạn bè và người thân sống mãi mãi vì điều đó không phụ thuộc vào chúng ta. Như đã đề cập, nguyên nhân sâu xa của cảm xúc đau khổ đến từ việc lo lắng về những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta nên tập trung vào quá trình; quá trình này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Và nếu chúng ta định nghĩa thành công là nỗ lực hết mình trong quá trình, thì chúng ta không thể thất bại, ta cảm thấy tự tin một cách bình thản và có thể chấp nhận mọi kết quả một cách nhẹ nhàng.

Chấp nhận theo kiểu Khắc kỷ: Tận hưởng chuyến đi hay bị kéo theo nó

Dan Millman giải thích trong cuốn The Way of the Peaceful Warriors (Con đường Tâm Linh Hành trình thay đổi cuộc đời): “Đau khổ là sự phản kháng đến từ tâm trí ta đối với những gì xảy ra.” Các sự việc có thể mang lại cho chúng ta nỗi đau thể xác, nhưng sự đau khổ và xáo trộn nội tâm chỉ đến từ việc phản kháng những gì đang diễn ra, từ việc đấu tranh với hiện thực. Chúng ta tức giận vì người lái xe nào đó đột ngột tạt ngang, chúng ta không hài lòng với điểm thi của mình và chúng ta tuyệt vọng vì tàu chạy trễ. Nếu chúng ta nhìn nhận những tình huống đó một cách khách quan, chúng ta nhận ra rằng việc đấu tranh với chúng là vô ích, bởi vì chúng ta không thể thay đổi hoặc hoàn tác những gì đã xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta luôn phản kháng với hiện thực và muốn nó khác đi. Người lái xe đó không nên lái xe như vậy, điểm của tôi phải cao hơn, chuyến tàu phải đúng giờ. Chúng ta muốn nó phải theo cách của mình, theo cách chúng ta muốn, theo cách chúng ta mong đợi.

Epictetus nói rằng đây chính là phản kháng với các vị Thần linh, trong khi mọi thứ phải xảy ra theo cách nó phải xảy ra. Nỗi đau tinh thần của chúng ta bắt nguồn từ việc nhầm lẫn giữa những thứ tùy thuộc vào chúng ta và những thứ không tùy thuộc vào chúng ta. Đấu tranh với thực tại, đấu tranh với những điều chúng ta không thể thay đổi, sẽ khiến chúng ta bối rối, giận dữ với thế giới, đổ lỗi cho người khác, oán hận cuộc đời và căm ghét các vị thần.

Bất cứ khi nào chúng ta mong muốn một điều gì đó không thuộc khả năng của mình, sự bình thản và tự tin của chúng ta sẽ bị xáo trộn; nếu chúng ta không đạt được những gì mình muốn, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu và nếu chúng ta đạt được những gì mình muốn, chúng ta sẽ cảm thấy lo lắng và bất an trong quá trình đạt được nó vì chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng mình sẽ đạt được nó. Vì vậy, chúng ta nên luôn luôn tập trung vào những gì tùy thuộc vào chúng ta; bằng cách đó chúng ta sẽ không đổ lỗi cho người khác, không oán giận cuộc đời và chắc chắn sẽ không tranh đấu với các vị thần. Đó là nơi khởi nguồn sức mạnh của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Việc hiểu rõ sự thật cơ bản rằng chúng ta có thể kiểm soát hành động của mình nhưng không thể kiểm soát kết quả của chúng khiến chúng ta tự tin bởi vì chúng ta đã trao tất cả những gì trong khả năng của mình, và sự tự tin này cho phép chúng ta bình tĩnh chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra.

Tập trung vào những gì bạn kiểm soát và để yên cho những thứ khác diễn ra. Những thứ khác không nằm trong tầm kiểm soát của bạn, đó là lý do tại sao các nhà Khắc kỷ khuyên bạn nên chấp nhận nó ngay cả khi nó không dễ chịu gì. Hãy chấp nhận hoàn cảnh trước, và sau đó cố gắng tận dụng nó một cách tốt nhất. Chúng ta nên chấp nhận hơn là tranh đấu cho từng điều nhỏ nhặt. Nếu anh chàng này cắt ngang lời bạn, thì hãy để như vậy. Nếu điểm của bạn kém, thì điểm cũng đã kém rồi, và bạn đã được trao cơ hội để có sự chuẩn bị tốt hơn. Nếu tàu đến muộn, tức là nó đến muộn. Tàu đến muộn có lẽ lại tốt. Ai biết được nhỉ? Tất cả những gì bạn biết là tàu vẫn chưa ở đây. Và điều đó không sao cả, vì người lái tàu là người khác [không phải bạn].

Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ muốn chúng ta trau dồi khả năng chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra bởi vì hầu hết các sự việc xảy ra đều là sự việc ta không có quyền tự quyết. Bạn có thể đón nhận nó khi nó đến và cố gắng tận hưởng, hoặc bạn có thể thấy miễn cưỡng và cảm thấy như bị kéo xềnh xệch theo. Có một phép ẩn dụ tuyệt vời mà các nhà Khắc kỷ sử dụng để giải thích điều này. Hãy tưởng tượng một con chó bị xích vào một chiếc xe kéo đang di chuyển. Dây xích đủ dài để mang đến cho chú chó hai lựa chọn: (1) hoặc chú chó có thể chấp thuận đi theo hướng của xe kéo mà chú chó không có quyền điều khiển, đồng thời tận hưởng chuyến đi và ngắm nhìn quang cảnh xung quanh, (2) hoặc chú chó có thể ngoan cố chống lại chiếc xe với tất cả sức lực và cuối cùng vẫn bị lôi đi cùng – trong suốt cả hành trình.

Cũng giống như đối với con chó, có rất nhiều điều trong cuộc sống của chúng ta mà chúng ta không thể kiểm soát. Hoặc chúng ta chấp nhận hoàn cảnh và cố gắng làm tốt nhất có thể, hoặc chúng ta chiến đấu với hoàn cảnh như một đứa trẻ bướng bỉnh và cuối cùng khóc lóc và cảm thấy đau khổ. Đó là sự lựa chọn của chúng ta. Theo cách nói của Ryan Holiday: “Việc thấy buồn bực bởi những thứ xung quanh chính là việc đưa ra giả thuyết sai lầm rằng những thứ đó sẽ không thay đổi; và việc thấy không bằng lòng với sự thay đổi chính là việc đưa ra giả thuyết sai lầm rằng bạn có quyền quyết định điều gì xảy ra.” Đó là lý do tại sao chúng ta nên ghi nhớ lời khuyên của Epictetus: “Không mong cầu những sự việc xảy ra theo ý muốn của ta, thay vào đó hãy mong cầu những sự việc xảy ra theo cách nó nên xảy ra và rồi cuộc đời ta sẽ thật êm ả”. Rất đơn giản (nhưng không dễ thực hiện – chúng ta sẽ xem xét các bài thực hành khác trong Phần 2).

Không có gì phải bàn cãi rằng có những việc xảy ra rất đáng tiếc. Những người thân yêu qua đời, một trận lũ lụt phá hủy ngôi nhà của bạn, bạn mất việc làm hoặc thi trượt. Bạn không thể thay đổi những điều đó, bạn chỉ có thể cố gắng chịu đựng chúng với sự rộng lượng và cố gắng làm tốt nhất có thể với tình huống đã xảy ra. Triết học Khắc kỷ dạy hãy tập trung vào những gì bạn kiểm soát, để phần còn lại diễn ra tự nhiên và cố gắng tận dụng nó một cách tốt nhất. Điều quan trọng là những hành động bạn lựa chọn để làm trong hoàn cảnh đó và cách bạn thực hiện chúng. Còn kết quả thì nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn và không quan trọng lắm.

Đó là mẫu người mà Epictetus đang tìm kiếm, “Hãy tìm cho ta một người quan tâm đến cách anh ta làm những gì anh ta làm và chú trọng đến lối hành động của chính mình chứ không phải những gì anh ta có thể nhận được.”

Chú ý: Việc để mọi thứ diễn ra tự nhiên không có dính líu gì đến việc từ bỏ. Chỉ vì những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ nói rằng nhiều thứ không nằm trong khả năng của chúng ta và chúng ta nên chấp nhận bất kỳ kết quả nào một cách bình tĩnh không có nghĩa là họ không có tham vọng, cảm thấy bất lực hoặc cam chịu. Trái lại, việc từ bỏ hoàn toàn đi ngược lại những gì Nhà Khắc kỷ đã rao giảng và thực hành. Không phải các sự việc xảy ra bất chấp hành động của bạn là gì đi nữa, mà [các sự việc xảy ra] phụ thuộc vào hành động của bạn. Với các hành động tự nguyện của mình, bạn có thể phần nào tác động đến kết quả. Việc bạn luyện tập chăm chỉ và cố gắng hết sức nhắm trúng mục tiêu là rất quan trọng, nhưng việc bạn bắn trúng hay trượt thì không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.

Cái tư tưởng bạn có thể bỏ cuộc nếu bạn vui vẻ chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra là thiếu chiều sâu và chỉ đơn giản thể hiện sự lười biếng. Việc chấp nhận mọi thứ diễn ra yêu cầu nhiều hơn việc đấu tranh với nó. Cần một người đàn ông hay phụ nữ thực thụ để đối mặt với hoàn cảnh bắt buộc, và cần có một tâm hồn cứng rắn nhưng khiêm nhường để chấp nhận và đối phó với bất hạnh. Nói cách khác, cần có một chiến binh-triết gia. Bởi vì một chiến binh coi mọi thứ như một thử thách để trau dồi thành phiên bản tốt nhất của mình, trong khi một người bình thường chỉ coi những gì xảy ra như một phước lành hoặc một lời nguyền.

Chỉ bởi vì chúng ta nên cố gắng chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra không có nghĩa là chúng ta đồng tình với nó. Chỉ nên hiểu đơn giản ta không thể thay đổi điều đó. Và vì thế, lựa chọn tốt nhất là chấp nhận nó – và bên cạnh sự chấp nhận này, hãy cố gắng tận dụng nó một cách tốt nhất có thể. “Không ai muốn con mình bị bệnh, không ai muốn bị tai nạn xe cộ; nhưng khi những điều này xảy ra, thì việc đấu tranh với nó có đem lại ích lợi gì không?” Đó là những lời Byron Katie đã nói trong cuốn sách Loving What Is (Yêu những gì vốn là – ND). Chắc chắn, đôi khi mọi thứ thật tệ, nhưng việc chống lại chúng không giúp ích gì cả, việc bỏ cuộc và cảm thấy bất lực cũng không giúp ích gì nốt. Điều mà những nhà Khắc kỷ nói sẽ giúp ích chính là hãy xem chúng như một thử thách, như một khối đá cẩm thạch cần chúng ta mài giũa để thể hiện phiên bản tốt nhất của mình và cuối cùng trở nên mạnh mẽ hơn.

Các nhà Khắc kỷ đã không từ bỏ – họ đã cam kết thực hiện các hành động thích hợp khắp nơi. Marcus Aurelius là nhà lãnh đạo quân sự và chính trị mạnh mẽ nhất trong suốt đời mình và đã lãnh đạo quân đội của mình tham gia vô số trận chiến để bảo vệ Đế chế La Mã. Ông đủ thông thái để biết sự khác biệt giữa điều gì là tùy thuộc vào mình và điều gì không, đủ can đảm để tập trung và hành động theo sức mạnh của mình, và đủ bình tĩnh để loại bỏ những gì trong tầm tay một cách bình thản để nó không ảnh hưởng đến bản thân (Xem lại Serenity Prayer – Lời nguyện An Tĩnh).

Điều Tốt, Điều Xấu, Điều Vô Thưởng Vô Phạt

“Trong mọi sự có điều tốt, điều xấu và điều vô thưởng vô phạt.” Epictetus và các nhà Khắc kỷ không chỉ phân biệt giữa những gì tùy thuộc vào chúng ta và những gì không, mà còn giữa những gì tốt, những gì xấu và những gì vô thưởng vô phạt. Quan trọng là, chỉ những thứ tùy thuộc vào chúng ta mới có thể là điều tốt hoặc xấu, và tất cả những thứ không phụ thuộc vào chúng ta mới được xếp vào loại vô thưởng vô phạt. Đây là lý do tại sao cung thủ Khắc kỷ chấp nhận bất kỳ kết quả nào với sự bình tĩnh, bởi vì nó không phụ thuộc vào người đó và vì thế [kết quả] trở nên vô thưởng vô phạt. Tuy nhiên, các nhà Khắc kỷ đã sử dụng sự phân biệt rõ ràng hơn bằng cách định nghĩa việc bắn trúng mục tiêu (hoặc quả táo) là một điều vô thưởng vô phạt được yêu thích hơn. Nếu kết quả là điều hoàn toàn vô thưởng vô phạt, vậy tại sao bạn lại cố gắng bắn trúng mục tiêu ngay từ đầu? Trước khi chúng ta xem xét kỹ hơn sự khác biệt đó, hãy chú tâm đến những điều tốt, xấu và vô thưởng vô phạt gồm:

∙ Điều tốt: Tất cả những gì là đức hạnh; minh triết, công lý, lòng dũng cảm, kỷ luật tự giác.
∙ Điều xấu: Tất cả những điều đó chỉ là thói xấu; ngu xuẩn, bất công, hèn nhát, không điều độ.
∙ Điều vô thưởng vô phạt: Những thứ khác; sự sống và cái chết, sức khỏe & bệnh tật, giàu có & nghèo đói, niềm vui & nỗi đau, danh tiếng & tai tiếng.

Những điều tốt và xấu chỉ có thể được tìm thấy trong hành vi của bạn. Thể hiện phiên bản cao nhất của bạn, như đã thấy ở trên, là đủ cho cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy. Bởi vì đó là tất cả những gì nằm trong khả năng của chúng ta. Hành động của chúng ta có ý nghĩa rất lớn và sự hoàn thiện tính cách của một người là tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống tốt đẹp. Không có gì bên ngoài là cần thiết. Điều này cũng đúng đối với một cuộc sống bất hạnh – nó đến từ hành vi xấu xa, bất kể hoàn cảnh bên ngoài. Vậy, điều tốt duy nhất là sống thuận Đạo, phát huy hết tiềm năng tự nhiên của chúng ta, và do đó sống với các đức tính như thông thái, công bằng, can cảm và kỷ luật tự giác. Tuy nhiên, kết quả của hành vi đức hạnh của chúng ta phụ thuộc vào số phận, nó nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của chúng ta, và do đó không tốt cũng không xấu, mà là vô thưởng vô phạt. Nếu những điều không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta được xếp vào điều tốt hoặc điều xấu, thì chúng ta sẽ thống khổ vì không có khả năng làm gì chúng. Mọi điều tốt đẹp nhất thiết phải xuất phát từ chính chúng ta.

Những thứ vô thưởng vô phạt thường được cho là sức khỏe, sự giàu có và danh tiếng; nhưng về cơ bản, mọi thứ bên ngoài, những thứ không phụ thuộc vào chúng ta, đều được xếp vào điều vô thưởng vô phạt. Vô thưởng vô phạt được trường phái Khắc kỷ định nghĩa rằng những sự kiện này là trung lập, không giúp ích cũng như không gây hại cho sự phát triển của chúng ta với tư cách là những cá nhân, chúng không quan trọng đối với cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy. Nếu chúng ta cần những thứ bên ngoài đó cho cuộc sống tốt đẹp, thì những người chưa có được nó sẽ thoái chí. Vì vậy, chúng ta nên học cách thờ ơ với những điều vô thưởng vô phạt, và như đã thảo luận trước đây, hãy chấp nhận phần còn lại xảy ra tự nhiên thay vì chiến đấu với nó. Hãy nhớ rằng, cung thủ Khắc kỷ sẵn sàng đón nhận bất kỳ kết quả nào một cách bình tĩnh, bởi vì kết quả nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân.

Tuy nhiên, thuật ngữ vô thưởng vô phạt có thể gây chút hiểu lầm vì nó ngụ ý những thứ này không có giá trị gì cả. Không phải vậy. Mặc dù những thứ bên ngoài này không liên quan đến cuộc sống tốt đẹp, nhưng một số vẫn được ưa thích hơn những thứ khác. Rất hợp lý nếu bạn ưa thích khỏe mạnh hơn là ốm đau, giàu có hơn là nghèo, và đẹp hơn là xấu. Ngoài ra, rõ ràng là William Tell thích bắn trúng quả táo hơn là bắn trúng con trai mình. Chúng được gọi là điều vô thưởng vô phạt được yêu thích hơn. Nếu có thể lựa chọn, chúng ta sẽ luôn đưa ra những lựa chọn tốt hơn. Và điều đó cũng tương tự đối với nhà Khắc kỷ, họ tìm kiếm những lựa chọn tốt hơn với tâm thế không bám chấp. Họ mưu cầu những điều này nhưng vẫn sẽ thấy không sao cả nếu không đạt được. Và ưu tiên số một vẫn là sống với areté, vì vậy họ chỉ tìm kiếm những điều vô thưởng vô phạt được yêu thích hơn miễn là những điều đó không cản trở việc thể hiện phiên bản tốt nhất của họ.

Tình bạn là điều vô thưởng vô phạt được yêu thích hơn cả đối với các nhà Khắc kỷ. Bản chất con người của chúng ta không chỉ lý trí mà còn có tính xã hội và do đó, chúng ta bẩm sinh đã hướng đến những người khác. Và một người tốt luôn thể hiện tình yêu thương, lòng tốt, sự công bằng và quan tâm đến đồng loại của mình – đối với anh em, hàng xóm và cả những người xa lạ. Điều bên ngoài quý giá nhất trên đời này chính là có những người bạn thông thái và tốt bụng.

Như Seneca viết, người thông thái “vẫn mong muốn có bạn bè, hàng xóm và cộng sự, cho dù anh ta tự thấy bản thân đã là đủ rồi”. Chúng ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc mà không có bạn bè, nhưng chúng ta không muốn vậy.

Tuy nhiên, không giống như trong các bộ phim của Hollywood, những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ không bao giờ coi trọng tình yêu hơn sự chính trực về mặt đạo đức. Bất cứ khi nào đức hạnh có liên quan, tất cả những điều khác cần phải nhường chỗ. “Tình yêu chinh phục tất cả” nghe thì lãng mạn và giúp tạo nên những bộ phim hay, nhưng nó hoàn toàn ngược lại với những ưu tiên của phái Khắc kỷ – Tình yêu cũng chẳng đáng để trao đổi nếu cái giá phải trả là việc phải thỏa hiệp với phẩm chất của mình. Vì vậy, hãy bước đi và tìm kiếm tình bạn, miễn là bạn không bỏ quên đức hạnh. Thà phải chịu đựng sự cô đơn, bệnh tật và nghèo đói một cách danh dự còn tốt hơn là tìm kiếm tình bạn, sức khỏe và sự giàu có một cách đáng hổ thẹn. Người tốt sẽ luôn mưu cầu đức hạnh và tránh xa những điều trái ngược bằng mọi giá.

Cách Seneca giải thích thật khó tin: “Những người tốt sẽ làm những gì họ thấy vinh dự để làm, ngay cả khi việc đó đòi hỏi phải làm việc khổ sở; họ sẽ làm điều đó ngay cả khi việc đó khiến họ bị thương; họ sẽ làm điều đó ngay cả khi nó mang lại nguy hiểm. Một lần nữa, họ sẽ không làm những gì họ thấy hèn hạ, ngay cả khi nó mang lại sự giàu có, niềm vui hoặc quyền lực. Không có gì sẽ ngăn cản họ làm những điều ngay thẳng, và không gì sẽ lôi kéo họ làm những điều hèn hạ.”

Bạn có thể thắng ván bài Poker cũng như ván bài cuộc đời

Poker giải thích rất hay về những điều tốt, điều xấu và điều vô thưởng vô phạt. Những lá bài bạn phải đối mặt là những điều kiện và hoàn cảnh sống khác nhau: TV màn hình phẳng, người sếp xấu tính của bạn, bệnh tật của vợ bạn, điểm kém của con trai bạn và người bạn thân luôn khích lệ bạn. Bạn được chia cho những lá bài này và giờ thì phải chơi thôi. Lá bài được sắp xếp ngẫu nhiên; bạn không có quyền lựa chọn. Vì vậy, các lá bài không quan trọng, chúng trung lập, vô thưởng vô phạt. Điều quan trọng là bạn tận dụng chúng tốt đến đâu.

Trong poker cũng như trong cuộc sống, bạn có thể thắng với bất kì lá bài nào. Khá chắc kèo là bạn thích nhận được đôi át chủ bài và một người vợ khỏe mạnh, nhưng điều đó không phụ thuộc vào bạn. Điều tùy thuộc vào bạn là những gì bạn làm với tình huống nhất định. Một khi ván bài đã được chia, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những gì đã quá muộn để thay đổi, và bạn không còn mong muốn một ván bài thuận lợi hơn mà thay vào đó là sức mạnh để chơi nó tốt nhất có thể.

Vì vậy, dấu hiệu xác nhận người chơi đáng khâm phục là người đó chơi hết mình bất kể quân bài của người đó là gì và người đó bình tĩnh chấp nhận bất cứ kết quả nào. Đó là tất cả những gì họ có thể làm – cố gắng hết sức với bất kỳ lá bài nào họ đã được chia. Cuối cùng, không phải người chơi có lá bài tốt nhất mà là người chơi bài một cách tốt nhất trong suốt giải đấu, hoặc trong cả cuộc đời, sẽ giành chiến thắng.

Những lá bài tốt nhất – sức khoẻ dẻo dai, sự giàu có và danh vọng – tự chúng cũng không thể giúp một kẻ ngu ngốc và bất chính đạt được cuộc sống tốt đẹp. Và lá bài tồi tệ nhất – bệnh tật, nghèo đói và tai tiếng – cũng không thể làm tổn hại đến hạnh phúc của người có đạo đức. Khi đặt trên bàn cân, đức hạnh và phẩm chất tốt sẽ có tầm quan trọng hơn sức khỏe, sự giàu có và danh tiếng. Không có sự dồi dào trong bất cứ thứ gì bên ngoài có thể sánh với phẩm chất của một người. Một số điều kiện bên ngoài có thể được ưa chuộng hơn những điều kiện khác, nhưng cuối cùng chúng đều vô thưởng vô phạt; điều quan trọng nhất cho cuộc sống tốt đẹp là cách chúng ta tận dụng chúng.

Đối với một người tốt, mất đi toàn bộ tài sản cũng giống như mất đi một đồng xu, và ốm đau không tệ hơn là bao so với bị vấp ngã, đó là những gì nhà Khắc kỷ Chrysippus đã nói. Seneca cũng từng hùng hồn bày tỏ điều tương tự, “Cuộc sống không tốt cũng không xấu; nó nằm trong khoảng tốt và xấu”. Cuộc sống và tất cả các tình huống khác nhau của nó có thể được tận dụng một cách khôn ngoan hay ngu ngốc, chính hành động của chúng ta mới làm cho chúng tốt hay xấu. Đó là trọng điểm. Tuy những thứ bên ngoài là vô thưởng vô phạt nhưng cách chúng ta xử lý thì không. Chính cái cách ta sử dụng những điều vô thưởng vô phạt sẽ tạo nên một cuộc sống hạnh phúc hoặc một cuộc sống tồi tệ.

3. Chịu trách nhiệm: Làm tốt từ phía mình

“Nếu muốn kiếm tìm những điều tốt đẹp, hãy bắt đầu từ phía mình trước tiên”
– EPICTETUS

Tam Giác Khắc Kỷ.
Tam Giác Khắc Kỷ.

Góc cuối cùng của Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ được xây dựng dựa trên hai góc còn lại; hai góc này khiến góc thứ ba trở nên khả thi. Nguyên tắc đầu tiên là sống cùng areté, hay thể hiện phiên bản cao nhất của bạn, với những điều tốt đẹp nhất, trong khi nguyên tắc thứ hai cho chúng ta biết rằng hoàn cảnh bên ngoài không quan trọng đối với cuộc sống tốt đẹp bởi vì chúng không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Điều đó có nghĩa là chỉ riêng areté là đủ cho cuộc sống tốt đẹp và bởi vì nó nằm trong tầm kiểm soát của ta, nó khiến ta có trách nhiệm với sự phát triển của chính mình.
Đây là “khía cạnh khó nhằn nhất và hấp dẫn nhất của Chủ nghĩa Khắc kỷ,” như Donald Robertson đã nói, bởi vì trách nhiệm này tước đi bất kỳ lời bào chữa nào cho việc chúng ta không đạt được cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy mà tất cả chúng ta đều khao khát. Chúng ta là những người duy nhất ngăn cản bản thân thể hiện những hành động có đạo đức, chúng ta là những người duy nhất ngăn cản bản thân sống một cuộc sống tốt đẹp.

Việc sống với areté nằm trong tầm kiểm soát của ta

+ những thứ ngoài tầm kiểm soát của chúng ta mà không liên quan đến cuộc sống hạnh phúc
= việc sống với areté nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta & đủ cho cuộc sống hạnh phúc.

Điều này dẫn đến việc chúng ta phải có trách nhiệm với cuộc sống hạnh phúc của chính mình.

Hãy làm sáng tỏ điều này thêm một chút nữa. Mục tiêu cuối cùng là eudaimonia – một cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà Khắc kỷ đã xác định một mục tiêu khác: sống với areté hay sống thuận Đạo. Bản chất của con người là áp dụng lý trí vào các ý định và hành động của mình. Vì vậy, mục tiêu để sống với areté là áp dụng lý trí vào hành động của chúng ta và luôn cố gắng thể hiện phiên bản tốt nhất của bản thân.

Theo thuật ngữ hiện đại, mục tiêu là cả quá trình. Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ không tập trung vào kết quả tương lai (một cuộc sống hạnh phúc) mà vào quá trình trong thời điểm hiện tại (sống với areté) mà [quá trình này] cuối cùng sẽ dẫn đến kết quả như ý muốn. Sự tập trung vào quy trình này là điều khiến chúng ta, với tư cách là những nhà Khắc kỷ đầy tham vọng, chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự phát triển của chính mình vì chúng ta kiểm soát quá trình đó. Mặc dù kết quả có thể bị ngăn cản bởi các điều kiện ngoại cảnh, nhưng quá trình và ý định của chúng ta được hoàn thành trong thời điểm hiện tại và không thể bị chặn đường bởi bất cứ điều gì nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Như Seneca đã nói, “Người khôn ngoan nhìn vào mục đích của mọi hành động, chứ không phải hậu quả của chúng; quá trình nằm trong khả năng của ta nhưng Vận mệnh mới là người quyết định kết quả, và ta không cho phép nàng [Vận mệnh] được áp phán quyết lên ta.”

Chủ nghĩa Khắc kỷ dạy rằng chúng ta phải chịu phần lớn trách nhiệm đối với hạnh phúc cũng như bất hạnh của chính mình. Nó cũng dạy rằng việc nhận lấy trách nhiệm này sẽ nâng cao cơ hội đạt được eudaimonia. Mặt khác, tâm lý nạn nhân – đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài gây ra bất hạnh cho chúng ta – sẽ khiến cuộc sống hạnh phúc trở thành mục tiêu không thể đạt tới.

Chúng ta phải từ chối để những lá bài được chia cho mình có quyền quyết định hạnh phúc của chúng ta. Các nhà Khắc kỷ nói rằng các ngoại cảnh và những người khác có thể có sức ảnh hưởng đến cách thức bạn sống trên đời và thậm chí việc bạn có sống được trên đời hay không, nhưng lại không có quyền hạn để tàn phá cuộc sống của chúng ta. Chỉ bản thân bạn mới có thể hủy hoại cuộc sống của mình khi để cho những thứ bạn không kiểm soát được và việc bạn không thể hành động tốt nhất trong khả năng cho phép quăng quật bạn túi bụi.

Chúng ta phải chắc chắn rằng hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài ít nhất có thể. Chỉ nên có một mối liên kết lỏng lẻo giữa những gì xảy đến với chúng ta và mức độ hạnh phúc của chúng ta. Điều đó có thể thực hiện được bằng cách tập trung vào những gì nằm trong tầm kiểm soát và cố gắng làm tốt nhất có thể trong khả năng. Và cũng chỉ ham muốn những gì trong khả năng của chúng ta, bởi vì như đã học trước đó, ham muốn những gì không nằm trong khả năng của chúng ta là nguyên nhân sâu xa của những đau khổ về tinh thần.

“Hạnh phúc không bao giờ xuất hiện nếu vẫn còn mong cầu những điều chưa có trong hiện tại. Vì hạnh phúc đích thực bao hàm việc đã nắm trong tay những gì mong muốn, như trong trường hợp khi đã thấy no bụng sẽ không có đói khát.” Điều mà Epictetus nhắc đến ở đây chính là cái mà ngày nay chúng ta gọi là hạnh phúc có điều kiện – ràng buộc hạnh phúc với một số sự việc trong tương lai. Tôi sẽ thấy vui vẻ sau khi kỳ thi của mình kết thúc. Tôi sẽ thấy vui vẻ khi có được chiếc Porsche 911 mới toanh đó. Tôi sẽ thấy vui vẻ khi cuối cùng lương lên đến sáu con số. Tựa như đường chân trời – bạn có thể đi bộ hàng ngàn dặm mà vẫn chẳng thể chạm tới. Hoặc chúng ta tiếp tục khao khát những thứ chúng ta không có, hoặc chúng ta nắm lấy cơ hội để được hạnh phúc. Chúng ta không thể có cả hai. Hạnh phúc thực sự là khi bạn có tất cả những gì bạn mong muốn.

“Những thứ bên ngoài không nằm trong quyền hạn của ta; ý chí nằm trong quyền hạn của ta. Ta sẽ tìm kiếm điều tốt và điều xấu ở đâu? Bên trong, trong những thứ thuộc về riêng ta. Nhưng trong những gì không thuộc về mình thì không tốt không xấu”. Epictetus nhắc nhở chúng ta đi tìm kiếm những điều tốt đẹp bên trong chính mình. Ông có thông điệp rất dễ hiểu, “Nếu muốn kiếm tìm những điều tốt đẹp, hãy bắt đầu từ phía mình trước tiên”. Chúng ta phải tìm kiếm hạnh phúc bên trong chính mình, không phải ở những thứ bên ngoài – chúng không nằm trong quyền lực của chúng ta, chúng không tốt cũng không xấu chỉ là vô thưởng vô phạt mà thôi

Thiên nhiên đã trang bị cho chúng ta những công cụ cần thiết để tạo ra một cuộc sống đáng hài lòng và hạnh phúc cho dù chúng ta phải đối mặt với những khó khăn nào trong cuộc sống. Vì vậy, nếu chúng ta muốn đạt được sự thỏa mãn, chúng ta phải thay đổi bản thân và mong muốn của mình. Chúng ta không thể thay đổi những điều xảy ra trong thế giới xung quanh, chúng ta chỉ có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận những điều đó và những gì chúng ta lựa chọn để hành động.

Thay đổi sự việc là không thể.
Thay đổi quan điểm của bạn về những sự việc đó là có thể.
Vậy tại sao không thử thay đổi những gì có thể?

Quyền tự do lựa chọn

“Có ba thứ cấu thành nên ngươi: cơ thể, hơi thở và tâm trí,” Marcus Aurelius tự nhắc mình. “Hai thứ đầu tiên chỉ thuộc một phần sở hữu của ngươi – ngươi cùng lắm phải chăm chút cho chúng [đến mức độ nhất định], nhưng chỉ thứ cuối cùng mới thuộc sở hữu của ngươi hoàn toàn”. Chỉ có tâm trí mới thực sự là của bạn. Chỉ có tâm trí nằm trong vòng tròn quyền hạn Khắc kỷ. Tất cả những thứ khác không một chút hoặc chỉ một phần nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.

Như đã thảo luận trước đó, các hành động của chúng ta nằm trong quyền hạn của chúng ta, chứ không phải là kết quả của chúng [nằm trong quyền hạn của chúng ta]. May mắn thay, Epictetus nói, “Năng lực xuất sắc và ưu việt nhất” – khả năng sử dụng lý trí của chúng ta – cũng được đặt trong kiểm soát của chúng ta, để chúng ta có thể “hành xử đúng trước mọi sự”. Ngay cả khi chúng ta “chỉ” được trao quyền kiểm soát tâm trí, điều này mang lại cho chúng ta rất nhiều quyền hạn – khả năng quyết định những ngoại cảnh sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta. Khi đó, Óc phán đoán trở thành điểm khác biệt của những sinh vật có lý trí như chúng ta, và đồng thời cũng là điểm bắt nguồn của sự tự do.

Chúng ta không kiểm soát những gì xảy ra xung quanh mình, nhưng chúng ta có quyền kiểm soát quan điểm ​​của mình về những sự việc này. “Chúng ta không thể chọn ngoại cảnh của mình, nhưng chúng ta luôn có thể chọn cách chúng ta đáp lại chúng,” Epictetus khuyên chúng ta như vậy. Chúng ta phải nhận ra rằng các sự kiện bên ngoài là trung lập, và chỉ có cách chúng ta chọn để đáp lại chúng mới làm cho chúng tốt hay xấu.

Hoặc chúng ta trở thành nạn nhân của hoàn cảnh và bị quăng quật như con búp bê voodoo, hoặc chúng ta chọn chịu trách nhiệm về cách chúng ta xử lý tình huống và đảm bảo rằng chúng ta không để mình bị quăng quật. Việc trở thành một nạn nhân bất lực không bao giờ đem lại ích lợi gì cả. Mặt khác, việc nhận trách nhiệm sẽ cho chúng ta sức mạnh để làm tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.

Do đó, mọi ngoại cảnh đều đưa ra một khía cạnh mà ta nắm quyền kiểm soát hoàn toàn, cụ thể là cách ta hành động trong sự việc đó. Đây là mức độ kiểm soát đích thực và công bằng, xuất phát từ khả năng đánh giá các sự việc của chúng ta khi chúng ta lựa chọn. Việc có thể lựa chọn có nghĩa là chúng ta có một sự lựa chọn, và có một sự lựa chọn có nghĩa là sự tự do. Hãy gọi đây là quyền tự do lựa chọn, lấy cảm hứng từ Viktor Frankl, người đã nói trong cuốn sách A Man’s Search for Meaning [Đi tìm lẽ sống], “Người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do – sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”

Điều gì đó xảy ra (stimulus – tác nhân kích thích) và sau đó chúng ta phản ứng với nó (response – phản ứng). Thông thường, phản ứng này xảy ra tự động, một cách vô thức và chúng ta không cần suy nghĩ về nó (automatic/unconscious). Chúng ta có thể dễ dàng quan sát hành vi này ở những người khác – có điều gì đó xảy ra và họ phản ứng lại một cách bốc đồng. Ở trẻ em, điều đó thậm chí còn rõ ràng hơn. Giả sử một cậu bé đang chơi đùa với con khủng long Bronty của mình, và sau đó bạn lấy con khủng long đi. Điều gì xảy ra nào? Khả năng cao là cậu bé sẽ ngay lập tức khóc òa lên. Cậu bé không nghĩ ngợi gì về phản ứng của mình, phản ứng tự động xảy ra. Hoặc có thể cậu bé sẽ nhìn bạn với vẻ hoài nghi trước khi bắt đầu cười phá lên. Ai mà biết được? Cậu bé ấy và những đứa trẻ khác không có đủ khả năng để lựa chọn cách mình phản ứng. Nhưng bạn và tôi thì khác. Có một khoảng trống nhỏ giữa tác nhân kích thích và sự phản ứng. Sức mạnh nằm trong khoảng trống đó. The freedom to choose – Quyền tự do lựa chọn nằm trong khoảng trống đó.

Khoảng trống có nghĩa là chúng ta có cơ hội đứng giữa tác nhân kích thích và sự phản ứng; và lựa chọn hành động một cách tự nguyện (hoặc không hành động gì cả). Khoảng trống có khả năng xuất hiện, bởi vì trong trường hợp chúng ta không đủ nhận thức thì sẽ không có khoảng trống nào tồn tại và chúng ta sẽ vô thức thực hiện những phản ứng mặc định (hoặc tự động). Nhận thức, chánh niệm, hay sự chú ý theo các nhà Khắc kỷ, là cần thiết để bạn có thể chen vào giữa tác nhân kích thích và phản ứng. Tùy thuộc vào nhận thức của bạn, khoảng trống trở nên lớn hơn hoặc nhỏ hơn hoặc thậm chí không tồn tại.

Vấn đề là, khi có điều gì đó xảy ra với bạn – bạn làm vỡ kính, dẫm phải phân chó hoặc bị người lạ chỉ ngón giữa vào mặt – bạn có thể bước vào khoảng trống đó trước khi phản ứng một cách tự động. Một khi bạn chen vào khoảng trống đó, bạn có thể suy nghĩ về các lựa chọn của mình và sau đó lựa chọn phản ứng tốt nhất của bạn. Hầu hết mọi người sẽ phản ứng một cách tự động, và sau đó (hoặc không bao giờ) nhận ra rằng phản ứng của họ là không phù hợp.

Khi bạn dẫm phải phân chó, khả năng là các phản ứng sẽ tự động xảy ra. Điều gì đó bên trong bạn tự cho rằng tình huống này thật tồi tệ; những gì xảy ra tiếp theo là cảm giác tức giận, khó chịu và hoảng sợ, kèm theo những lời chửi thề và tay chân cử động loạn xạ. Tình huống có vẻ không quá tệ đâu, nhưng điều xảy ra là bạn để bản thân bị trêu đùa bởi một ngoại cảnh mà bạn không thể thay đổi được nữa. Bạn để một hoàn cảnh bên ngoài quyết định cảm xúc của bạn. Nếu chúng ta lựa chọn phản ứng một cách tự động, chúng ta sẽ luôn phụ thuộc vào những gì xảy ra xung quanh mình; việc dẫm phải phân chó khiến chúng ta khổ sở, việc dẫm phải tờ 10 đô la khiến chúng ta sung sướng. Chúng ta lệ thuộc vào ngoại cảnh, nếu phản ứng mặc định của chúng ta đối với tình huống là tích cực, thì hoan hô, nếu không [tích cực], thì Ôi không. Đây cũng giống như việc ném con búp bê voodoo của chúng ta ra ngoài đường hết lần này đến lần khác.

May mắn thay, không cần phải như vậy.

Những nhà Khắc kỷ cho rằng bạn có thể xen vào giữa những gì xảy ra (phân chó) và phản ứng của bạn với nó (tức giận và những lời nói tục tĩu). Mấu chốt là lựa chọn phản hồi với phẩm chất tốt nhất của bạn thay vì lựa chọn phản ứng mặc định. Để làm được điều đó, bạn cần có khả năng phát hiện ra phản ứng tự động của mình (phản ứng tồi tệ) ngay từ đầu. Nếu bạn muốn bước chân vào khoảng trống đó và lựa chọn phản ứng của mình, bạn cần có nhận thức để phát hiện ra phản ứng đầu tiên nảy sinh dưới dạng suy nghĩ và/hoặc cảm xúc. Khi bạn nhận ra phản ứng đầu tiên này, bạn có thể lùi lại và đặt câu hỏi liệu phản ứng này nên được xuất hiện hay không. Bạn có thể nhìn nhận phản ứng dưới dạng suy nghĩ này như một giả thuyết để cân nhắc trước khi xem xét nó một cách lý trí.

Về cơ bản thì, bạn không chấp nhận phản ứng đó và tránh xa hành vi hấp tấp, bốc đồng và tự động. Điều này có tác động vô cùng lớn và cho phép bạn suy nghĩ trước khi bạn (lại) phản ứng. Nó cung cấp cho bạn sức mạnh để lựa chọn phản ứng tốt nhất có thể; và những gì xảy ra xung quanh bạn không còn quá quan trọng nữa. Nó trao cho bạn chìa khóa dẫn đến hành động lý tưởng vì bạn có thể lựa chọn hành động theo cách khôn ngoan, bình thản và vị tha – mỉm cười, lau giày và tiếp tục bước đi.

Quyền tự do lựa chọn, hay theo cách nhà Khắc kỷ gọi là lựa chọn lý trí, chính là về việc chủ động lựa chọn phản ứng của chúng ta thay vì tự động cuốn theo phản ứng tự động. Để có thể làm được điều đó, chúng ta cần đưa nhận thức vào tình huống để có thể phát hiện ra phản ứng đầu tiên của mình, tránh bị nó cuốn theo và phản ứng lại. Phản ứng tự động có thể là hành vi không có đạo đức và gây ra những cảm xúc không lành mạnh như tức giận, sợ hãi hoặc ham muốn. Thay vào đó, nếu có thể lùi lại khi đã nhận thức về phản ứng đầu tiên của mình, chúng ta có thể đánh giá phản ứng đó một cách lý trí, xem xét các phản ứng khác và sau đó lựa chọn phản ứng tốt nhất hoặc lựa chọn không phản ứng (trong một số trường hợp thì không có phản ứng gì là tốt nhất). Hãy lựa chọn phản ứng có đạo đức.

Tâm trí giúp bạn giàu có, ngay cả khi phải sống lưu vong

Những nhà Khắc kỷ đã phản ứng như thế nào trước nghịch cảnh? Ba trong số bốn nhân vật chính của chúng ta đã từng bị lưu đày ít nhất một lần. Họ đã hành động như những nhà Khắc kỷ mẫu mực. Seneca nói, “Chính tâm trí làm cho chúng ta giàu có; điều này cũng đúng khi chúng ta bị lưu đày,” Musonius Rufus, người đã bị đày đến những nơi tồi tệ nhất, Gyara, nói rằng cuộc sống lưu đày tước đoạt quê hương khỏi ông ấy nhưng không phải là khả năng chịu đựng cuộc sống lưu đày của ông. Ông thậm chí còn nói rằng cuộc sống lưu vong không tước đi bất cứ giá trị nào của một người – đức hạnh không thể bị tước đoạt. Sống lưu vong không ngăn cản sự can đảm và công bằng của bạn. Chúng ta phải ghi nhớ rằng hạnh phúc phụ thuộc vào hành động của chúng ta trong ngoại cảnh hơn là chính ngoại cảnh đó. Bất kể điều gì xảy ra với bạn, tâm trí của bạn luôn sẵn sàng để biến nó thành vận may bằng cách đáp lại với những hành động có đạo đức.

Nhà Hiền triết Khắc kỷ, và cũng như các triết gia mẫu mực khác, hoàn toàn tự do ngay cả khi sống lưu vong. Bởi vì sự tự do của họ bao gồm khả năng thuận theo bản năng lý trí của họ, đó là tập trung vào những gì có thể kiểm soát, để phần còn lại xảy ra tự nhiên và đáp lại tình huống với đức hạnh. Mọi trở ngại đều trở thành cơ hội để rèn luyện sự thông thái, sự can đảm, sự công bằng và sự điều độ. Một người theo chủ nghĩa Khắc kỷ lý tưởng chỉ phản ứng nếu như điều đó có sự hài hòa với lý trí và phiên bản tốt nhất của mình, và không gì có thể ngăn cản người ấy làm điều đó. Người ấy chỉ ham muốn những gì nằm trong tầm kiểm soát của mình, và do vậy người ấy vẫn “tự do” ngay cả khi bị lưu đày hoặc ngồi tù.

Chủ nghĩa Khắc kỷ thách thức bạn thay đổi bản thân bất cứ khi nào bạn không thể thay đổi hoàn cảnh. Ngay cả khi bạn không thể thay đổi hoàn cảnh, bạn vẫn có khả năng thay đổi thái độ của mình với hoàn cảnh đó và phản ứng cùng với đức hạnh. Bất kể bạn ở đâu (nhà tù hay cung điện), và bất kể bạn đang phải đối mặt với thách thức nào (phân chó hay tờ 10 đô la), bạn sẽ luôn có quyền tự do lựa chọn; bạn chỉ cần xác định phản ứng đầu tiên của mình, tránh trở nên lo lắng hay sợ hãi, thay vào đó hãy lùi lại một bước, đánh giá tình hình và chọn phản ứng khôn ngoan nhất. Các sự việc bên ngoài không quan trọng, mà hành động của bạn khi đáp lại các sự việc đó mới quan trọng.

Chúng ta phải nhận ra sự thật rằng chúng ta có khả năng phản ứng lại với cách chúng ta lựa chọn để phản ứng lại sự việc. Viktor Frankl, người đưa ra khái niệm quyền tự do lựa chọn, đã trải qua những trải nghiệm tàn khốc nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng ra. Ông mất đi toàn bộ gia đình của mình và khó khăn lắm mới sống sót qua sự kinh khủng của các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Bất chấp những điều ghê rợn ấy, ông vẫn có khả năng lựa chọn thái độ sống của mình và ông đã chọn không nhượng bộ những tình huống khủng khiếp đó. Đúng là tất cả chúng ta đều đã trải qua nhiều điều tồi tệ trong cuộc sống của mình, nhưng chắc chắn không thể tồi tệ bằng việc mất đi toàn bộ gia đình và sống trong các trại tập trung. Mấu chốt là, nếu đến Frankl cũng có khả năng lựa chọn phản ứng của mình khi đối mặt với nỗi kinh hoàng không thể diễn tả được, thì chúng ta cũng có đủ khả năng để lựa chọn phản ứng của mình.

(Nhắc đến Viktor Frankl, hãy đọc cuốn sách Đi tìm lẽ sống của ông.)

Chú ý: Mặc dù các triết gia Khắc kỷ nói rằng chúng ta có thể xen vào giữa tác nhân kích thích và sự phản ứng, nhưng họ thừa nhận rằng có những phản ứng tự động mà chúng ta không kiểm soát được. Đây là những phản ứng cảm xúc theo phản xạ, ví dụ như: đỏ mặt, đổ mồ hôi, căng thẳng, rơi nước mắt hoặc giật mình. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những phản ứng cơ thể xảy ra trong chớp mắt ấy. Một tiếng động đột ngột có thể khiến bạn bị giật mình mà bạn không kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu chúng ta có đủ nhận thức về tình huống, chúng ta có thể phát hiện ra phản ứng của mình, lùi lại và tránh bị hùa theo phản ứng đó.

Ngay cả khi bạn không kiểm soát được những phản xạ tức thời này, bạn vẫn có khả năng kiểm soát những gì xảy ra tiếp theo: để bản thân cuốn theo những phản ứng đó hoặc lùi lại, đánh giá tình huống và chọn phản ứng phù hợp với giá trị của bạn.

Bị lay động hay không thể bị quật ngã: Điều đó phụ thuộc vào Bạn

“Con người bị xáo trộn không phải bởi những sự việc, mà bởi những nhận định về sự việc đó.” Câu nói của Epictetus là một điều quan trọng rút ra từ những gì chúng ta vừa học được: Các sự việc bên ngoài không nằm trong khả năng của chúng ta nhưng chúng cung cấp một khía cạnh mà chúng ta kiểm soát; chúng ta có quyền lựa chọn những sự việc này có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta và chính lựa chọn của chúng ta mới là điều quan trọng, chứ không phải sự việc đó. Các ngoại cảnh về cơ bản không mang ý nghĩa gì cả; cách chúng ta nhìn nhận chúng, chính những đánh giá của chúng ta mang lại ý nghĩa cho các sự việc và khiến chúng trở nên tốt hay xấu.

(Nhân tiện, rất khó để nhận ra điều này chừng nào mọi người vẫn còn phản ứng một cách bốc đồng và phi lý trí với các sự việc, bởi vì họ cho rằng các sự việc đó có vẻ như đã đem đến đau khổ cho họ. Ngay khi họ thuần thục hơn việc lùi lại sau khi các phản ứng ban đầu xuất hiện, họ sẽ thấy rằng điều khiến họ khó chịu là nhận định của họ về sự việc).

Bài học đầu tiên là, đừng bao giờ đổ lỗi cho người khác hoặc ngoại cảnh về bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào mà chúng ta đang trải qua.

Hãy chịu trách nhiệm. Đối với trường phái Khắc kỷ, rõ ràng không phải sự việc mà chính những quan điểm của ta về những sự việc đó mới là nguyên nhân khiến tâm trí rối bời. Nó là những đau khổ và bất hạnh nảy sinh khi chúng ta tin vào những câu chuyện mình tự tạo nên. Một phản ứng dưới dạng suy nghĩ bật lên trong đầu và rồi ta coi nó là sự thật. “Tôi bị lưu đày, điều này thật khủng khiếp làm sao.” Bản thân hoàn cảnh (lưu đày) không làm chúng ta bất hạnh, nó có thể gây ra nỗi đau thể xác trong một số tình huống nhất định, nhưng ý kiến chủ quan về hoàn cảnh (điều này thật khủng khiếp) mới gây ra rắc rối. Những phán xét của bạn dưới dạng suy nghĩ, quan điểm ​​và diễn giải đã khiến bạn không hạnh phúc. Tốt hay xấu chỉ có thể được tìm thấy trong các phán đoán và hành động của bạn, không phải trong ngoại cảnh.

Tâm trí rối bời xuất phát từ việc đánh giá một sự việc là không như mong muốn hoặc tệ hại, thường dưới hình thức phàn nàn. Chúng ta khiến sự việc đó trở nên có ý nghĩa nhất định bằng cách đánh giá nó là khủng khiếp chẳng hạn, và quên rằng bản thân sự việc đó không tốt cũng không xấu; nó rỗng tuếch và không mang ý nghĩa gì cả. Chúng ta gán cho nó ý nghĩa bằng cách đánh giá nó, trở nên phẫn nộ và muốn nó khác đi. Điều này gây ra đau đớn về tinh thần. Nếu bạn có thể để yên mọi thứ như nó vốn là, nếu bạn không đánh giá nó tốt hay xấu nhưng hãy chấp nhận nó như nó vốn là (trung lập, vô thưởng vô phạt), thì tâm trí bạn sẽ không rối bời. Epictetus nói rằng bạn sẽ không còn đau khổ nếu bạn không quan tâm đến những thứ không thuộc về khả năng của bạn.

Á đù, tôi thật vụng về VỚI Kính bị vỡ mất rồi.

Đây là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi! VỚI Có phân chó dưới đế giày của tôi. Nó bốc mùi.

Argh, đồ đểu! Tôi ghét gã này. VỚI Anh ta dựng ngón giữa về hướng của tôi.

Bản thân các sự việc không mang ý nghĩa gì cả. Chính những đánh giá của chúng ta làm cho chúng trở nên tốt hoặc xấu. Tôi thích cách Ellie Goulding truyền tải trong bài hát First Time (Lần đầu tiên – ND) của cô ấy, “Ngón giữa là ký hiệu hòa bình của chúng ta.” Khi bạn nghĩ về nó theo cách này, thì “Ặc, đồ đểu!” có thể dễ dàng biến thành một nụ cười và, “Ỏ, dễ thương ghê ha”. Cùng một sự việc nhưng có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau và khơi dậy những cảm giác hoàn toàn trái ngược nhau.

Nhìn này, tôi biết bạn không ngu ngốc và biết rất rõ người kia đang muốn nói gì với bạn; vấn đề là, điều anh ấy đang cố gắng nói với bạn không quan trọng, điều quan trọng là bạn hành động thế nào với nó. Vì vậy, ngay cả khi có vẻ như (hoặc rõ ràng) ai đó đang cố gắng xúc phạm bạn, thì chính sự đánh giá của bạn đã kích động bạn. Bạn không thể bị tổn thương trừ khi bạn để nó xảy ra, bởi vì người khác không thể lay động tâm trí bạn.

“Nếu không thì,” Marcus Aurelius nói, “tính tình cổ quái của người hàng xóm sẽ là tai họa cho chính ta: điều này – để sự bất hạnh của ta phụ thuộc vào tay kẻ khác – không nằm trong ý định của thần”. Chỉ bản thân bạn mới có thể lay động tâm trí bạn, và chỉ bạn mới có thể hủy hoại cuộc đời mình. Bạn là người chịu trách nhiệm.

Không một ai có thể khiến bạn thất vọng, phân chó không thể khiến bạn chán nản – đây là những ngoại cảnh không thể làm rối bời tâm trí bạn. Những cảm xúc bạn cảm nhận được, cho dù có chân thật như thế nào, không đến từ bên ngoài mà là từ bên trong. Bạn tạo ra những cảm xúc đó, bạn tạo ra đau khổ cho mình. Một tấm kính vỡ là một tấm kính vỡ. Chính sự phán xét của bạn (“Á đù, tôi thật vụng về”) khiến bạn cảm thấy mình như một kẻ thất bại. Đừng đổ lỗi cho sự việc, hãy đổ lỗi cho bản thân vì những cảm xúc phải trải qua ấy. Nguyên nhân nằm ở phán đoán của bạn. “Hãy vứt bỏ những phán xét,” Marcus nói, “và nỗi đau cũng được xóa bỏ.” Đừng phán xét sự việc và bạn sẽ không bị tổn thương. Sau đó, phản ứng của bạn sẽ cho thấy liệu bạn có bị tổn thương hay không. Khi làm vỡ một chiếc ly, bạn có hai lựa chọn: Bị tổn thương hoặc không bị tổn thương.

“Á đù, tôi thật vụng về” + bắt đầu khóc và cảm thấy đau khổ = phản ứng mạnh mẽ, bị tổn thương.

“Úi” + dọn dẹp và tiếp tục cuộc sống của bạn = không phản ứng, không bị tổn thương.

Điều này tiếp cho bạn rất nhiều sức mạnh, bởi vì nó có nghĩa là bạn không thể bị rối bời bởi bất cứ điều gì nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Chỉ sự phán xét của bản thân mới có thể làm hại bạn. Bất kể bạn đang phải đối mặt với những thách thức không thể kiểm soát nào trong cuộc sống, bạn có quyền quyết định những sự việc này có ý nghĩa như thế nào đối với bạn, chỉ bạn mới có quyền tự do lựa chọn phản ứng tốt nhất của mình. Phản ứng của bạn sẽ khiến bạn vui vẻ hoặc khiến bạn tổn thương.

Đó là lý do tại sao Epictetus khuyên hãy luôn chuẩn bị sẵn hai quy tắc: (1) không có gì tốt hay xấu trừ khi chúng ta lựa chọn coi nó như vậy; và (2) chúng ta không nên cố gắng xoay chuyển các sự việc mà hãy thuận theo chúng. Chống cự là vô ích, hãy tiếp nhận mọi sự thuận theo tự nhiên và tận dụng tối đa những gì trong khả năng của bạn.

Theo dõi Facebook Page của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ để tải thêm nhiều tài liệu hay (Click)

Tải sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” tiếng Việt (phát hành vào tháng 9 hoặc 10 năm 2021)

Nghe sách nói bản đầy đủ dài 7 tiếng của sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” :