Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

CHƯƠNG 1: Lời hứa của Chủ nghĩa Khắc kỷ

Phần 1  : Chủ nghĩa Khắc kỷ là gì?

“Điều không phải thì đừng làm, lời không đúng thì đừng nói.”
MARCUS AURELIUS

CHƯƠNG 1: Lời hứa của Chủ nghĩa Khắc kỷ

Cây phát triển bộ rễ khủng và trở nên vững chắc nhờ có gió mạnh thổi vào. Gió tạt ngang dọc mới là điều khiến cây bám chặt vào đất và vươn rễ sâu hơn; những cây mỏng manh là những cây được trồng trong một thung lũng đầy nắng. Seneca hỏi, “Ngươi có bao giờ thắc mắc rằng những người tốt bị thử thách là vì để họ có thể phát triển mạnh mẽ?” Giống như đối với cây cối, mưa to và gió lớn là lợi thế của những người tốt, đó là cách họ có thể trở nên điềm tĩnh, kỷ luật, khiêm tốn và mạnh mẽ.

Giống như cái cây phải bám chặt lấy đất để không bị gió quật ngã, chúng ta phải củng cố vị trí của mình nếu không muốn bị những chuyện vặt vãnh đánh gục. Đây là mục đích của triết lý Khắc kỷ – nó sẽ giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn và khiến khó khăn trông thật dễ dàng, và giữ bạn đứng vững trên đôi chân trong mọi hoàn cảnh. Nói cách khác, nó sẽ chuẩn bị hành trang cho bạn để đối phó một cách hiệu quả hơn với bất kỳ thử thách trong đời.

Bắt đầu từ những triết gia và ẩn dụ về đấu vật đến những con sói hung hăng mang tên cảm xúc kích động, chương đầu tiên này bao gồm tất cả những gì bạn cần biết về lời hứa của triết học Khắc kỷ, hoặc lý do bạn nên thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ.
Cảnh báo: Cuốn sách này sẽ chứa một số từ ngữ khá khủng bố như Eudaimonia, Areté, hoặc Virtue. Những từ ngữ xa lạ này sẽ khiến bạn muốn lật trang, vì vậy hãy chuẩn bị tinh thần và giữ vững tâm lý. Bất chấp sự phản kháng, nó sẽ xứng đáng nếu bạn trụ lại và bạn thậm chí có thể thêm chúng vào vốn từ vựng hàng ngày của mình. Và này, đây sẽ không phải là triết học cổ xưa nếu không có ít nhất một số từ trông hơi khó nuốt.

Thực hành Nghệ thuật sống: Trở thành Chiến binh Triết gia

“Trước tiên xác định với bản thân về người ngươi muốn trở thành,
và sau đó làm những điều ngươi cần phải làm.”
– EPICTETUS

Làm thế nào để sống một cuộc đời tươi đẹp? Câu hỏi kinh điển này là gốc rễ của mối quan tâm hàng đầu của triết học Khắc kỷ: Làm thế nào để sống, hay nói cách khác, “Nghệ thuật sống”. Nhà khắc kỷ Epictetus đã so sánh triết học với các nghệ nhân: Giống như [mối quan hệ của] gỗ đối với người thợ mộc và đồ đồng đối với người điêu khắc, thì cuộc sống của chính chúng ta cũng là chất liệu thích hợp đối với Nghệ thuật sống. Triết học không dành riêng cho những ông già thông thái, nó là một bài học cần thiết cho tất cả những ai muốn học cách sống (và chết) một cách sâu sắc. Mỗi hoàn cảnh cuộc sống đều như một tấm vải trắng hoặc một khối đá cẩm thạch thô mà chúng ta có thể dùng để điêu khắc và tập luyện, để chúng ta có thể hoàn thiện tay nghề đến cuối đời. Về cơ bản, đó là những gì Chủ nghĩa Khắc kỷ làm, nó dạy chúng ta cách trở nên xuất sắc trong cuộc sống, chuẩn bị hành trang cho chúng ta đối mặt với nghịch cảnh một cách bình tĩnh, và chỉ đơn giản là giúp chúng ta tạo dựng và tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp.

Điều gì làm cho một người thạo cách sống? Theo Epictetus, đó không phải là sự giàu có, cũng không phải là chức vụ cao, cũng không phải là vị trí chỉ huy. Phải có một cái gì đó khác. Cũng giống như người muốn viết đẹp phải luyện chữ và hiểu biết sâu rộng về nét chữ, hay một người muốn giỏi về âm nhạc thì phải học nhạc lý; người muốn giỏi về cách sống thì phải có kiến ​​thức sâu rộng về nghệ thuật sống. Nghe có lý, phải không? Seneca, một nhà triết học Khắc kỷ quan trọng khác mà chúng ta sẽ được tìm hiểu trong Chương 2, nói rằng “[nhà triết học] là người nắm rõ điều cơ bản: cách sống.”

Một “nhà triết học” dịch theo nghĩa đen từ tiếng Hy Lạp thành “người yêu thích sự thông thái”, một người thích học cách sống, một người muốn có được sự từng trải trong cách sống. Như Epictetus đã từng nói với chúng ta, nếu chúng ta muốn thạo cách sống, chúng ta phải nắm được nhiều kiến ​​thức về cách sống. Điều này có thể làm bạn ngạc nhiên, nhưng triết học thực sự nằm ở việc thực hành, bằng việc học cách “điêu khắc” nên cuộc sống của chúng ta. Nếu chỉ học lý thuyết, ta sẽ không biết cách sử dụng các đục và cái vồ để điêu khắc nên khối đá cẩm thạch. Những nhà Khắc kỷ đặc biệt quan tâm đến việc áp dụng triết học vào cuộc sống hàng ngày. Họ coi mình là những chiến binh thực sự của trí óc và nghĩ rằng lý do chính để nghiên cứu triết học là để áp dụng nó vào thực tế.

Dưới đây là một so sánh thú vị của tác giả Donald Robertson trong cuốn sách The Philosophy of Cognitive Behavioural Therapy (Triết lý của Liệu pháp hành vi nhận thức – ND) . Ông nói rằng trong thời cổ đại, nhà triết học lý tưởng là một chiến binh thực sự của tâm trí, nhưng trong thời hiện đại, “nhà triết học đã trở thành một thứ gì đó thiên về sách vở hơn, không phải là một chiến binh, mà chỉ là một thủ thư của tâm trí.” Giống ông thầy già hay nói triết lý. Vì thế, chúng ta muốn trở thành những chiến binh; và điều quan trọng nhất không phải là khả năng học thuộc lòng các nguyên tắc Khắc kỷ, mà là khả năng áp dụng trong thế giới thực. Khi Epictetus hỏi các học trò của mình, “Nếu trò không học những điều này để áp dụng chúng trong thực tế, trò học chúng để làm gì?” Ông tiếp tục nói rằng họ (các học trò của ông) không có đủ sự thèm khát và can đảm để ra ngoài thế giới thực và chứng minh lý thuyết trong thực tế, “Đó là lý do tại sao ta muốn đến Rome để xem đấu vật, vì ít ra đô vật còn biết đưa chiến thuật vào thực tiễn.”

Triết học đích thực nằm ở lý thuyết ít và thực hành nhiều, giống như đấu vật thời xưa và lướt sóng ngày nay. Hãy nhớ rằng, trong môn lướt sóng, chúng ta được thực hành dưới nước sau phần lý thuyết trên bãi biển. Những con sóng giúp ta trưởng thành, không phải lý thuyết. Và Chủ nghĩa Khắc kỷ yêu cầu chính xác điều đó: bước ra ngoài thế giới thực và áp dụng triệt để những gì chúng ta đã học trong lớp học. Cuộc sống thực tế cho ta cơ hội luyện tập hàng ngày.

Chiều hướng “Nghệ thuật sống” thực tế này của Chủ nghĩa Khắc kỷ chứa đựng hai lời hứa chính: Thứ nhất, nó dạy cách sống một cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy; thứ hai, nó dạy bạn cách kiên cường về mặt cảm xúc để duy trì cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy ngay cả trong nghịch cảnh. Hãy đến với lời hứa số 1 với một từ trông khó hiểu: Eudaimonia.

Lời hứa #1: Eudaimonia

“Đào sâu vào. Dưới đó là suối nguồn của Đức hạnh; luôn dồi dào đến mức sẽ trào lên nếu ngươi chịu đào xuống.” – MARCUS AURELIUS

Hãy tưởng tượng phiên bản tốt nhất của chính bạn. Hãy nhìn vào bên trong, bạn có nhìn thấy và nhận biết được phiên bản tốt nhất của bạn; người hành động đúng đắn trong mọi tình huống, người không mắc sai lầm và dường như bất bại; là ai không,? Nếu bạn giống tôi và cũng đang cố gắng cải thiện bản thân, thì có lẽ bạn đã biết đến phiên bản lý tưởng này của mình. Chà, trong tiếng Hy Lạp, phiên bản tốt nhất này sẽ là daimon nằm trong bạn, một linh hồn hoặc một tia lửa thiêng liêng nằm trong bạn. Đối với trường phái Khắc kỷ và tất cả các trường phái triết học cổ đại khác, mục tiêu tối thượng của cuộc sống là Eudaimonia, hoàn thiện (eu) với daimon ngụ tại trong bạn. (Không nên nhầm lẫn với demon – quỷ dữ, đó là một linh hồn xấu.)

Eudaimonia: Hoàn thiện bản thân, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Eudaimonia: Hoàn thiện bản thân, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

-> Eudaimonia: Hoàn thiện bản thân, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ tin rằng Tự Nhiên mong muốn ta trở thành phiên bản cao cấp nhất/tốt đẹp nhất của chính mình. Đây là lý do tại sao daimon nội tại (hay tia lửa thiêng liêng) đã có sẵn trong ta, một tiềm năng để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Nói cách khác, ta được lập trình để nuôi nấng và phát triển tiềm năng ấy. Vì thế, để hoàn thiện daimon bên trong của chúng ta, để trở thành phiên bản lý tưởng của chúng ta, phải trở nên giống với phiên bản lý tưởng đó nhất có thể.

Chúng ta nên thu hẹp khoảng cách giữa người chúng ta có thể trở thành (phiên bản lý tưởng của chúng ta) và người chúng ta thực sự đang là tại thời điểm đó. Làm thế nào đạt được điều đó? Nhà Khắc kỷ cũng có một từ cho điều đó: Areté. Nói một cách ngắn gọn, areté được dịch nghĩa đen là “đức hạnh” hoặc “sự xuất sắc”, nhưng nó có một ý nghĩa sâu sắc hơn – “thể hiện phiên bản cao nhất của bản thân trong mọi khoảnh khắc”. Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào điều này trong Chương 3, nhưng bạn đã có thể thấy rằng Chủ nghĩa Khắc kỷ bàn về những hành động trong từng khoảnh khắc của bạn và bàn về việc sống càng sát với phiên bản lý tưởng của bạn càng tốt.

Mục tiêu bao trùm của những người thực hành Chủ nghĩa khắc kỷ là eudaimonia; hoàn thiện với daimon bên trong của bạn, sống hòa hợp với phiên bản lý tưởng của bạn, để thể hiện phiên bản tốt nhất của bạn trong mọi khoảnh khắc. Nhưng nghĩa chính xác của nó là gì? Bản dịch phổ biến nhất của từ eudaimonia trong tiếng Hy Lạp là hạnh phúc. Tuy nhiên, các bản dịch “thịnh vượng” hoặc “thăng hoa”sát nghĩa gốc hơn vì chúng biểu thị một quá trình – bạn chỉ có thể hoàn thiện daimon của mình khi mà mọi hành động trong từng khoảnh khắc của bạn hòa hợp với con người lý tưởng của bạn. Bạn thăng hoa khi sống một cách đúng đắn, và chỉ khi đó kết quả gặt hái được là bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Eudaimonia bàn về chất lượng tổng thể của cuộc đời, thay vì bàn về những trạng thái có tính tạm thời như hạnh phúc. Đó là điều kiện để một người thăng hoa và sống có ý nghĩa và hạnh phúc. Như Zeno, người sáng lập Chủ nghĩa Khắc kỷ, đã nói, “hạnh phúc chính là một cuộc sống trôi chảy.” Điều này đòi hỏi cuộc sống của bạn về tổng thể cũng phải trôi chảy. Hãy kết luận rằng eudaimonia mang ý nghĩa là một cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy, sinh ra từ sự thăng hoa khi đem đến sự hòa hợp giữa những hành động trong từng khoảnh khắc của chúng ta với phiên bản tốt đẹp nhất của ta.

Lời hứa eudaimonia này đòi hỏi rằng chúng ta phải được trang bị tất cả những gì chúng ta cần để đối phó với bất kỳ thách thức nào mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống. Làm thế nào khác chúng ta có thể giữ hạnh phúc ngay cả khi cuộc sống trở nên khó khăn? Cuộc sống khá dễ dàng khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, nhưng nó lại trở nên gian nan khi mọi thứ dường như quay lưng lại với chúng ta, khi chúng ta đang đối mặt với những khó khăn và vất vả. Điều này đưa chúng ta đến lời hứa thứ hai của Chủ nghĩa Khắc kỷ: Triết học rèn luyện chúng ta để chúng ta có thể đương đầu với mọi trở ngại trong cuộc sống với tư duy đúng đắn rằng cuộc sống vẫn đang trôi chảy.

Lời hứa #2: Sức bật cảm xúc

“Việc chịu đựng thử thách với một tâm trí bình lặng sẽ cướp đi sức mạnh và gánh nặng của sự bất hạnh.”
– SENECA

“Nhưng triết học là gì?” Epictetus hỏi. “Không phải nó có nghĩa là sự chuẩn bị để đối mặt với những điều xảy ra với chúng ta?” Đúng như ông nói, triết học hành trang cho chúng ta khả năng chịu đựng bất cứ điều gì xảy ra. “Nếu không, ta sẽ giống như võ sĩ rời sàn đấu vì mới chịu có vài cú đấm.” Chúng ta có thể rời khỏi sàn đấu mà không phải gánh có bất kỳ hậu quả nào, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ta từ bỏ việc theo đuổi sự thông thái? “Vì vậy, mỗi người trong chúng ta nên nói gì khi phải đối mặt với thử thách? Tôi ở đây để chấp nhận, đây là thử thách của tôi!” Bạn à, một võ sĩ quyền anh bị đấm vào mặt sẽ không rời sàn đấu, đó là những gì anh ấy đã lường trước, đó là thử thách của anh ấy. Và điều này cũng đúng đối với các triết gia; chỉ vì cuộc đời khinh thường và đánh gục ta không có nghĩa là chúng ta nên bỏ cuộc và rời đi, mà thay vào đó chúng ta nên đứng dậy và nỗ lực cải thiện để trở nên tốt hơn. Đây là cuộc sống – một võ đài, những quả đấm và cú đá là những gì chúng ta đã lường trước, đây là thử thách của chúng ta.

Seneca nói: “Thành công mà không có sóng gió thì sẽ không thể trụ nổi sau một cú hích, nhưng một người đàn ông đã trải qua vô số bất hạnh “thì sẽ trở nên chai lì với khổ đau.” Người này sẽ quyết chiến đến cùng và tiếp tục chiến đấu ngay cả khi phải lê lết trên đầu gối của mình. Người này không bao giờ bỏ cuộc. Những nhà Khắc kỷ yêu thích phép ẩn dụ về đấu vật, vì vậy Marcus Aurelius cũng có câu nói tương tự, “Nghệ thuật sống giống với đấu vật hơn là khiêu vũ”. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho những cuộc tấn công bất ngờ. Không ai làm khó dễ một vũ công. Vũ công, khác với đô vật, sẽ không bao giờ phải trải qua cảm giác bị bóp nghẹt bởi nghịch cảnh. Vì vậy, là chiến binh-triết gia, chúng ta biết rằng cuộc sống sẽ đầy thử thách. Trên thực tế, chúng ta thậm chí nên xoa tay vào nhau và mong chờ việc “ăn” một vài cú đấm, với niềm tin chúng sẽ khiến ta thêm mạnh mẽ và da thịt thì chai cứng hơn.

Đây là lý do tại sao chúng ta nên có mong muốn được tham gia và huấn luyện trong cuộc chiến mang tên cuộc đời. Bởi vì chúng ta muốn trở nên mạnh mẽ, chúng ta muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy. Chúng ta muốn kiểm soát bản thân và hành động của mình khi cuộc sống trở nên khó khăn. Chúng ta muốn trở thành một tòa tháp của sức mạnh, không thể lay chuyển ngay cả khi đang ở đỉnh điểm của một cuộc tấn công cuồng nộ. Khi người khác hoảng sợ, chúng ta muốn giữ bình tĩnh, suy nghĩ thấu suốt và nỗ lực để trở nên tốt nhất có thể. Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ giúp chúng ta phát triển các công cụ để ứng phó một cách hiệu quả nhất có thể với bất kỳ cú đá hay đấm nào mà cuộc đời ném vào chúng ta. Bất kể điều gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta – chúng ta đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì – chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để bắt lấy những cú hook và side-kick (móc ngang và đạp tống ngang – ND), không bao giờ bỏ cuộc, và tận dụng tình thế. Đây là lời hứa của triết học Khắc kỷ. Tuy nhiên, ngay bây giờ, nếu bạn bị đấm vào mặt, điều gì sẽ xảy ra? Bạn bị chi phối bởi cảm xúc. Cũng như những người khác, hoặc bạn sẽ giận dữ đánh trả hoặc thậm chí bạn bắt đầu khóc.

Các nhà Khắc kỷ đã chỉ ra những cảm xúc mạnh mẽ là nhược điểm lớn của chúng ta; đặc biệt là khi ta để chúng chi phối hành vi của mình. Chúng độc hại với eudaimonia và chúng là gốc rễ của mọi đau khổ của nhân loại. Điều không may là, theo những nhà Khắc kỷ, hầu hết chúng ta đều biến thành nô lệ của những cảm xúc kích động – những cảm xúc tiêu cực có tác động lớn như sợ hãi, đau buồn hoặc tức giận một cách phi lý trí. Đây là lý do tại sao rất nhiều người trong chúng ta khổ sở, chúng ta còn cách xa với cái lý tưởng trở thành một tòa tháp của sức mạnh, chúng ta cách xa lắm mới đạt được sự hòa hợp với phiên bản lý tưởng của mình. Những cảm xúc kích động này đẩy ta vào vị trí thấp hơn nhiều so với những gì ta có thể đạt được.

Theo những nhà Khắc kỷ, nếu chúng ta muốn có đủ khả năng hành động giống như phiên bản lý tưởng của mình, chúng ta cần kiểm soát cảm xúc, chúng ta cần chế ngự chúng để chúng không gây cản trở trên hành trình đến với cuộc sống tốt đẹp. “Không nhé, xin cảm ơn, tôi chả có hơi đâu mà đi hoảng sợ ngay lúc này.”

Chế ngự cảm xúc (≠ Không cảm xúc)

Lời hứa của triết học Khắc kỷ bao gồm cả cuộc sống viên mãn (eudaimonia) và sự chuẩn bị (tâm lý sẵn sàng cho mọi tình huống) để đối phó hiệu quả với bất cứ điều gì cuộc sống ném vào chúng ta. Tuy nhiên, ta chỉ có thể đối phó tốt với những thách thức trong đời khi ta dễ lấy lại tinh thần và không để cảm xúc chi phối.

Đây là lý do tại sao chúng ta cần cải thiện việc chế ngự và đánh bại những ham muốn và cảm xúc nhiễu loạn, để giống như lời Seneca, “ánh sáng phản chiếu từ thỏi vàng cũng không làm ta lung lay hơn so với ánh sáng phản chiếu từ một thanh gươm”, và ta có thể dễ dàng hẩy những điều mà người khác khao khát hay sợ hãi sang một bên. Việc một người chế ngự cảm xúc của mình đôi khi được gọi là “liệu pháp đối phó với những cảm xúc kích động” trong Triết lý Khắc kỷ và có thể cũng là lý do vì sao Epictetus nói rằng: “Với triết gia, triết học có thể chữa bệnh”.

Bây giờ, nếu chúng ta tưởng tượng phòng khám của bác sĩ cùng một chiếc ghế dài trong đó, thì một cách rập khuôn, chúng ta sẽ có một phòng trị liệu tâm lý. Quay trở lại thời kỳ của Epictetus, khi bạn gặp vấn đề với tâm trí hoặc tâm hồn, bạn sẽ không đến gặp bác sĩ tâm thần mà thay vào đó là một triết gia – họ là những bác sĩ của tâm trí mà nhận được nhiều thiện cảm hơn. Các nhà Khắc kỷ là những nhà quan sát tuyệt vời về tâm trí con người và có nhiều kiến thức tâm lý sâu sắc. Chẳng hạn, họ nhận ra rằng điều khiến những lời lăng mạ gây tổn thương không phải là nội dung của chúng mà là cách diễn giải về những lời lăng mạ đó. Họ đã hiểu đúng về tâm trí của chúng ta và phát triển các kỹ thuật tâm lý để ngăn chặn cũng như đối phó với những cảm xúc tiêu cực (hầu hết các kỹ thuật sẽ được đề cập trong phần thứ hai của cuốn sách này).

Mặc dù chủ nghĩa Khắc kỷ nằm ở phạm trù triết học, nó có bao gồm khía cạnh tâm lý quan trọng. Nhiều niềm tin của nó, chẳng hạn như mục tiêu được thăng hoa của cá nhân, song hành với nghiên cứu hiện đại trong Tâm lý học Tích cực; đây là điều mà tôi thấy rất hấp dẫn về chủ nghĩa Khắc kỷ. Việc đào sâu về khía cạnh khoa học đằng sau những ý tưởng Khắc kỷ lại nằm ngoài phạm vi của cuốn sách, nhưng nếu bạn tình cờ đọc một cuốn sách về Tâm lý học tích cực, bạn sẽ thấy sự đồng điệu (The Happiness Advantage – Lợi thế hạnh phúc của Shawn Achor là một khởi đầu tuyệt vời).

Cũng như những bệnh tật về thể chất, những căn bệnh về tâm trí cũng tồn tại; và các nhà Khắc kỷ đã nhận thức rõ điều đó. Họ nói rằng để thăng hoa trong cuộc sống trong khi vẫn bị những cảm xúc phi lý trí giày vò là điều bất khả thi. Do đó, chúng ta cần có apatheia – khả năng vượt qua những cảm xúc gây nhiễu loạn này. Từ “apathy” (sự thờ ơ, lãnh đạm – ND) bắt nguồn từ đây, và đó là lý do chính dẫn đến sự hiểu lầm kinh điển rằng những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ không có cảm xúc/vô cảm hoặc đang tìm cách kìm nén cảm xúc của họ. Lý do khác dẫn đến sự hiểu lầm này đến từ từ “stoic” được viết thường (khắc kỷ) – có nghĩa là “nuốt vào trong” hoặc “tỏ ra kiên cường”; nó hoàn toàn không dính dáng gì đến Stoicism được viết hoa (chủ nghĩa Khắc kỷ) mà cuốn sách này bàn đến.

Hãy làm sáng tỏ hiểu lầm “Khắc kỷ là vô cảm” này ngay bây giờ.

Chủ nghĩa khắc kỷ không liên quan gì đến việc kìm nén hoặc che giấu cảm xúc hay trở nên vô cảm. Thay vào đó là việc thừa nhận những cảm xúc của chúng ta, xem xét nguyên nhân gây ra chúng và học cách chuyển hóa chúng theo chiều hướng có lợi cho chúng ta. Nói cách khác, đó là việc giải thoát bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực, chế ngự thay vì loại bỏ chúng.

Hãy tưởng tượng những cảm xúc mạnh mẽ giống như con sói nằm bên trong bạn – nếu xổng ra sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ và có thể kéo bạn đến bất cứ nơi nào nó muốn. Cảm xúc kích hoạt xu hướng hành động – chẳng hạn như khi bạn cảm thấy tức giận, bạn có xu hướng nắm chặt tay, la hét và ném đồ đạc. Về cơ bản, khi con sói bên trong tức giận, chúng ta để nó kiểm soát, và sau đó chúng ta mù quáng chạy theo xu hướng hành động và làm đủ thứ điên khùng. Tuy nhiên, điều mà các nhà Khắc kỷ nhận thấy là chúng ta không cần phải chạy theo xu hướng đó. Chúng ta có thể rèn luyện bản thân để cư xử bình tĩnh cho dù đang cảm thấy tức giận, hành động can đảm cho dù đang cảm thấy lo lắng, và đi về hướng ngược lại với con sói.

May mắn thay, chúng ta không cần phải giả vờ như con sói không có ở đó, hoặc thậm chí giết chết nó (điều này là không thể). Các nhà Khắc kỷ muốn chúng ta thuần hóa và học cách hiểu con sói đó. Thay vì để nó ra lệnh cho hành động của chúng ta khi nó tức giận, lo lắng hay đói khát, chúng ta hành động bình tĩnh bất chấp cơn tức giận. Nó có thể gầm gừ và hú bao nhiêu nó muốn, chúng ta không sợ nó và chỉ hành động theo những gì ta lựa chọn. Mặc dù vẫn tồn tại xu hướng hành động, con sói đã không còn tiếng nói trong các quyết định của chúng ta nữa.

Mục tiêu không phải là loại bỏ tất cả cảm xúc, mục tiêu là không bị chúng lấn át cho dùng những cảm xúc ấy có mạnh mẽ thế nào chăng nữa. Chúng ta cảm nhận được con sói đang kích động, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục đi trên con đường của mình mặc cho nó đang kéo đi một hướng khác. “Được rồi, con sói muốn phát tiết, nhưng điều này có giúp ích gì cho tình hình không?” Ta tự nhủ. Chúng ta đứng trên cảm xúc của mình, ta có thể nghe nó gầm gừ, nhưng ta hiểu rằng không cần phải lắng nghe hay làm theo.

Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ không phải là những người vô cảm với trái tim bằng đá. Họ thừa nhận rằng ham muốn và cảm xúc là điều bình thường, nhưng ta mới là người nắm trong tay khả năng vượt lên trên những cảm xúc và không để chúng quấy rầy (quá mức). Seneca nói. “Trường học nào cũng như nhau. Tất cả đều hướng ta trở thành người hữu dụng, giúp đỡ người khác và chăm sóc không chỉ bản thân mà còn cho tất cả mọi người.” Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ có quan tâm đến những người thân yêu và đồng bào của họ; họ chỉ chế ngự cảm xúc của mình để không bị chúng lấn át một cách vô lý trí. Như Seneca đã nói, việc “chịu đựng điều mà người đó còn không cảm nhận được” thì không ấn tượng. Donald Robertson, một tác giả theo trường phái khắc kỷ, đã giải thích rõ hơn: “Một người dũng cảm không phải là người chưa từng trải qua sợ hãi, mà là người hành động một cách can đảm bất chấp việc đang cảm thấy lo lắng”.

Các nhà Khắc kỷ muốn chúng ta chinh phục những cảm xúc kích động đó của mình bằng cách trở nên mạnh mẽ hơn chúng chứ không phải bằng cách loại bỏ chúng. Chúng ta sẽ luôn cảm nhận được sự trỗi dậy của con sói kích động, nhưng chúng ta có thể rèn luyện bản thân để nhận ra xu hướng bị kéo theo của mình, và sau đó cân nhắc việc có nên để mình bị lôi đi bởi con sói này không. Chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ giúp chúng ta ít bị cản trở bởi những cảm xúc tiêu cực, và đồng thời, trải nghiệm những cảm xúc tích cực hơn như vui vẻ hoặc bình thản. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là: đối với trường phái Khắc kỷ, những cảm xúc tích cực này giống như một phần thưởng bổ sung hơn là một động cơ tự thân. Chúng ta hãy đào sâu vào sự bình thản – một sản phẩm phụ của việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ.

Thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ và gặt hái sự Bình thản như một sản phẩm phụ

Điều này có thể gây ngạc nhiên, nhưng chủ nghĩa Khắc kỷ là một triết lý sống thú vị. Khi bạn đọc về các nhà Khắc kỷ, bạn thấy hình ảnh những người vui vẻ và lạc quan tận hưởng hoàn toàn những gì cuộc sống mang lại. Họ không phải là vô cảm, họ chỉ nhận ra rằng cảm xúc mạnh mẽ là điểm yếu của họ và cản đường họ sống hết khả năng của mình.

Hãy nhớ rằng, mục tiêu cuối cùng của cuộc sống là eudaimonia – cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy đến từ sự thăng hoa khi thể hiện phiên bản lý tưởng của mình từ giây phút này sang thời điểm khác. Và nếu bạn trở thành nô lệ cho con sói cảm xúc của mình, thì bạn sẽ hoảng sợ và bị kéo theo xu hướng hành động – thứ thấp kém hơn nhiều so với khả năng của bạn. Đó là lý do tại sao những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ muốn chúng ta giảm thiểu tối đa những tác động mà cảm xúc mạnh mẽ gây ra với cuộc sống của mình, họ muốn chúng ta thuần hóa con sói đó để chúng ta có thể luôn đứng vững thay vì để con sói kiểm soát bất cứ khi nào nó muốn. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể thể hiện phiên bản tốt nhất của mình và sống một cuộc sống hạnh phúc và trôi chảy.

Vì vậy, khi không bị nô lệ cho cảm xúc của mình, chúng ta có thể thể hiện phiên bản tốt đẹp nhất của bản thân trong mọi khoảnh khắc. Khi chúng ta làm điều đó, rõ ràng là không có chỗ cho sự hối tiếc, sợ hãi hoặc bất an. Đây là một tác dụng phụ vô cùng có ích – Tranquility (Sự Bình thản – ND). Trong thế giới hối hả ngày nay, đó là điều mà rất nhiều người tìm kiếm, để có thể giữ bình tĩnh, cảm thấy tự tin và an tâm, ngay cả khi đang thấy hỗn loạn. Nếu thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, đây chính xác là những gì chúng ta nhận được như một sản phẩm phụ. Đó là một sản phẩm phụ bởi vì nó không phải là thứ mà các nhà Khắc kỷ tìm kiếm ngay từ đầu. Họ không tìm kiếm sự bình thản, họ đi tìm eudaimonia, và sự bình thản tìm đến như một phần thưởng bổ sung (và được chào đón). Vì vậy, nếu cho rằng thực hành Khắc kỷ chỉ để đạt được sự bình thản thì hoàn toàn không đúng.

Vậy sự bình thản là gì? Seneca nhắc đến sức mạnh của euthymia trong những bức thư kinh điển của mình. Ông nói với chúng ta rằng euthymia, được dịch là sự bình thản, gói gọn trong việc bạn nhận biết con đường của mình và bước đi trên con đường đó. Đó là cảm giác mà chúng ta có được khi thực sự tin tưởng vào bản thân. Bạn tự tin rằng những gì bạn đang làm là đúng và bạn không cần phải lắng nghe những gì người khác nói. Bạn không cần phải lúc nào cũng phỏng đoán và so sánh mình với người khác. Bạn tin tưởng vào những gì bạn đang làm bởi vì bạn đang cố gắng hết sức, bạn đang sống thuận theo những giá trị của mình và biết rằng đó là tất cả những gì bạn có thể làm.

Đó là calm confidence – sự tự tin bình tĩnh mà bạn cảm nhận được khi sống trọn vẹn với những giá trị tốt đẹp nhất. Seneca nói rằng bạn có được sự bình an nội tại bởi vì bạn tuân thủ theo danh sách tiêu chuẩn không bao giờ thay đổi, không giống như những người khác, những người “luôn đắn đo trong các quyết định, lúc thế này lúc thế nọ.”
Chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ cho bạn những mỏ neo để bạn bám víu, rồi từ đó có thể tìm ra con đường của mình và vững tâm bước đi. Điều này sẽ khiến bạn có được bình an nội tại, sự tự tin bình tĩnh mọi lúc, ngay cả khi cuộc sống trở nên khó khăn và tung ra những cú đấm hèn hạ nhất. Bởi vì bạn biết vì sao bạn làm những gì bạn làm. Bạn có sự vững tâm trong lòng rằng bạn đang làm điều đúng đắn, và cho dù điều gì xảy ra, bạn cũng kiên cố như ngọn tháp sức mạnh đó và không gì có thể đánh gục bạn.

Theo dõi Facebook Page của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ để tải thêm nhiều tài liệu hay (Click)

Tải sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” tiếng Việt (phát hành vào tháng 9 hoặc 10 năm 2021)

Nghe sách nói bản đầy đủ dài 7 tiếng của sách “Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ” :