Bài thực hành 51: Không đánh giá ai khác ngoại trừ bản thân
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "THE DAILY STOIC" TIẾNG VIỆT BẢN MỚI 2022
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ - TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỂ GẶT HÁI SỨC BẬT TINH THẦN, TỰ TIN VÀ ĐIỀM TĨNH"
“Ai đó tắm vội vàng, đừng kết luận anh ta tắm bẩn, chỉ kết luận anh ta đã tắm vội. Ai đó uống lắm rượu, đừng nói rằng anh ta nghiện rượu, chỉ kết luận anh ta uống nhiều. Trừ khi ngươi hiểu lý do của những hành động đó, sao ngươi có thể vội vàng cho rằng hành động của họ là xấu? Nhìn thấy sự việc như thế nào thì nên tránh đưa ra kết luận khác với những gì quan sát được.”
– EPICTETUS
Trí óc của chúng ta phán đoán rất nhanh.
Chúng ta có những định kiến với người khác cho dù biết rất ít về họ. Chúng ta là như vậy đó. Ồ, anh này là giáo viên. Ồ, người đó là phụ nữ. Ồ, nhìn đôi giày anh ta đi kìa.
Chúng ta hay soi những lỗi rất nhỏ nhặt.
Hãy nhìn xem, hầu hết các trường hợp chúng ta đều không muốn đánh giá người khác quá vội vã, nhưng việc đó cứ xảy ra tự động, những phán xét cứ thế xuất hiện liên tục trong tâm trí chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta phải chịu trách nhiệm về những nhận định của mình. Bởi vì chúng ta có thể chọn chấp nhận những điều đó hay không. Vì vậy, ngay cả khi tâm trí nói với bạn rằng người đàn ông này là một ông bố tồi vì không quan tâm đến con cái của mình, bạn có thể chọn chấp nhận định kiến này hoặc không.
Bạn có khả năng dừng lại một lúc để nhìn nhận tình hình một cách khách quan. Bạn biết gì về người đàn ông này? Điều gì đang thực sự xảy ra?
Từ chối chấp nhận những nhận định chủ quan. Bám sát thực tế và miêu tả tình huống một cách trung lập. Và đừng sử dụng những đánh giá chủ quan của mình.
Hãy nhớ rằng, bạn chỉ tự do nếu bạn có thể nhìn nhận các sự việc với sự thờ ơ. Và việc sử dụng những nhận định chủ quan của mình thì không phải sự thờ ơ.
Chúng ta phải phân biệt giữa thực tại và những nhận định chủ quan. Đâu là sự thực? Đâu là ý kiến chủ quan của bản thân?
Chìa khóa để có thể làm được điều đó là trì hoãn những phản ứng tự động của chúng ta.
“Chờ chút, đừng vội phản ứng, cần kiểm tra phản ứng này đã.”
Và sau đó, thay vì kiểm tra lại những phản ứng của mình – điều này không quan trọng lắm đâu – bạn nhắc nhở bản thân về mục tiêu của cuộc đời mình. Nếu bạn thực sự làm theo những lời khuyên của chủ nghĩa Khắc kỷ, thì mục tiêu của bạn là cải thiện bản thân, trở nên tốt hơn, trở thành phiên bản tốt nhất của mình.
“Hãy để triết học là phương thức loại bỏ lỗi lầm của chính ngươi, thay vì là phương thức lên án lỗi lầm của người khác.”
Seneca nhắc nhở chúng ta trọng tâm ở đây là: chúng ta muốn loại bỏ lỗi lầm của chính mình. Tập trung vào bên trong. Làm sao khiến bản thân trở nên tốt hơn và để người khác tự chịu trách nhiệm cho việc cải thiện bản thân họ. Mỗi người có một cuộc sống riêng.
Lỗi lầm của bạn là thứ nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Lỗi lầm của người khác thì không. Bạn loại bỏ lỗi lầm của mình và để người khác tự loại bỏ lỗi lầm của họ.
Chúng ta không được quên lý do tại sao chúng ta áp dụng chủ nghĩa này: vì muốn cải thiện bản thân. Đây không phải một công cụ để sửa người khác. Điều này sẽ chỉ gây ra đau đớn và khổ sở.
Đừng để tâm đến lỗi lầm của họ. Chủ nghĩa Khắc kỷ không cho phép chúng ta đánh giá họ – chúng ta chỉ chấp nhận và yêu thương họ như bản chất của họ. Hãy tập trung vào bên trong. Chúng ta có đủ thứ cần thay đổi.
Bây giờ hãy dừng lại một chút và tưởng tượng ra cái thế giới mà mọi người đều không phán xét vội vàng mà thay vào đó tập trung vào việc sửa chữa những điều chưa tốt ở bản thân. Bạn thấy gì trong thế giới đó?