Bài thực hành 24: Chọn Can đảm và Bình tĩnh thay vì Giận dữ
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "THE DAILY STOIC" TIẾNG VIỆT BẢN MỚI 2022
👉TẢI EBOOK PDF SÁCH "SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ - TƯ TƯỞNG VƯỢT THỜI ĐẠI ĐỂ GẶT HÁI SỨC BẬT TINH THẦN, TỰ TIN VÀ ĐIỀM TĨNH"
“Hãy nghĩ đến điều này khi ngươi cảm thấy một cơn thịnh nộ đang bùng phát – nổi giận thì không nam tính. Thay vào đó, sự lịch thiệp và văn minh thì nhân văn hơn, và do đó nam tính hơn. Một đại trượng phu không tức giận và bất mãn, và vì thế có được sức mạnh, lòng dũng cảm và sự bền bỉ – trái ngược với một kẻ đang tức giận và phàn nàn. Một người đàn ông càng bình thản thì càng mạnh mẽ.”
– MARCUS AURELIUS
Sự tức giận là một cảm xúc kích động, một cảm xúc tiêu cực mà các nhà Khắc kỷ muốn giảm thiểu. Seneca đã đưa ra lời khuyên hữu ích về sự tức giận trong Bài luận về Sự tức giận.
Seneca nói: Giận dữ, hay mong muốn đáp trả lại sự đau khổ, là điều điên rồ. Bởi vì một người đàn ông tức giận thì thiếu tự chủ, thiếu suy nghĩ, bỏ ngoài tai lý lẽ và lời khuyên, bị kích động bởi những điều vặt vãnh và không biết đâu là đúng đâu là sai – “giống như một tảng đá rơi xuống vỡ vụn khi gặp vật cản.”
Nổi giận sẽ chỉ khiến bạn bị tổn thương. Và thiệt hại của nó là rất lớn: “Không một tai họa nào khiến con người phải trả giá đắt hơn thế”.
Đó là lý do tại sao cần ngay lập tức dập tắt ngọn lửa nhen nhóm sự tức giận. Bởi vì một khi chúng ta bị cơn giận lấn át, lý lẽ mất đi giá trị, cơn giận sẽ gây hậu quả nặng nề và sẽ rất khó để dập tắt nó.
Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát phản ứng ban đầu của mình, nhưng nếu chúng ta có đủ nhận thức, ta có thể quyết định có bị nó cuốn theo hay không. Vì vậy, tức giận là một hình thức đánh giá. Ta diễn giải tình huống theo cách khiến ta nổi giận.
Nhưng Seneca nói rằng: “Nếu biết lý lẽ thì cần gì phải tức giận?”
Giận dữ thiên về sự thiếu suy nghĩ. Lý lẽ đáng tin cậy hơn vì nó được cân nhắc thận trọng và kỹ lưỡng. “Lý lẽ thì mong muốn lựa chọn quyết định chính đáng; còn giận dữ thì chỉ mong muốn quyết định của nó được coi là chính đáng.”
“Thanh gươm của công lý trở nên vô dụng trong tay một kẻ giận dữ.”
Giận dữ không có ích lợi, “Không ai trở nên dũng cảm hơn khi nổi giận, ngoại trừ kẻ nếu không nổi giận thì không thể trở nên dũng cảm. Vì vậy, sự nổi giận không đến để tương trợ lòng dũng cảm, mà để thế chỗ nó.” Ta có thể thể hiện những giá trị phù hợp khác thay vì sự tức giận – như tình yêu, lòng trắc ẩn, công lý và lòng dũng cảm.
Thay vì bị dẫn dắt bởi những cơn giận dữ khó lường, chúng ta thể hiện những giá trị đạo đức và chủ tâm làm điều đúng đắn. “Khi có người lang thang trên cánh đồng của ta vì anh ta lạc đường, tốt hơn là hãy chỉ anh ta đi đúng đường thay vì xua đuổi anh ta.” Seneca đã so sánh như vậy. Ông nói chúng ta không nên trừng phạt những người đã lạc lối và chê bai hành động của họ, mà hãy chỉ cho họ con đường đúng đắn. Thay vì dùng sự tức giận để đáp trả sự tức giận, chúng ta nên chọn cách hợp lý và nhân ái hơn, và cố gắng giúp họ.
Thay vì nóng nảy một cách bốc đồng, hãy hít thở sâu và chủ động giữ bình tĩnh. Sự bình tĩnh này không chỉ khiến bạn không bị tác động, mà còn cho phép bạn hành động một cách công bằng và can đảm. Như Marcus đã nói, “Một người đàn ông càng bình thản thì càng mạnh mẽ”.
Nói chung, chúng ta không cần phải tức giận với hoàn cảnh. Hoàn cảnh chẳng quan tâm đâu. Hoàn cảnh đâu có nằm trong kiểm soát của ta. Ta đang tức giận với một thứ chẳng dính dáng đến ta. Hoàn cảnh chỉ đơn giản là xảy ra mà thôi, chứ không có nhằm vào ta.
Tức giận với hoàn cảnh sẽ không thay đổi hoàn cảnh đó. Hoàn cảnh không thay đổi, cũng không cải thiện chút nào. Thông thường, những gì khiến chúng ta tức giận không thực sự gây hại cho chúng ta và sự tức giận của ta còn tác động mạnh mẽ hơn cả những thiệt hại ta phải chịu.
Chúng ta thật là những kẻ ngu ngốc khi cho phép sự bình thản của bản thân bị phá vỡ bởi những chuyện vặt vãnh. Đó là lý do tại sao Marcus khuyên bạn nên suy ngẫm về sự vô thường của thế giới xung quanh. Điều khiến ta nổi giận bây giờ sẽ bị rơi vào quên lãng khi ngày mai đến.
Seneca đưa ra lời khuyên rằng: Khi tức giận, hãy thực hiện các bước sau để chuyển hóa cơn tức giận thành điều đối lập: Buộc bản thân thư giãn cơ mặt, hít thở sâu, hạ giọng xuống và đi chậm lại – và trạng thái tinh thần sẽ trở nên nhẹ nhàng như hành động của bạn vậy.
Bạn cũng có thể cố gắng mô tả tình huống khiến bạn tức giận theo cách lãnh đạm và khách quan nhất có thể, Epictetus giải thích. Điều này cho bạn thêm thời gian nhìn nhận tình huống khách quan hơn. Và ông nói, ta nên nhớ rằng không phải hoàn cảnh, mà cách diễn giải của ta về nó, khiến ta tổn thương.
“Vì vậy, khi ai đó khơi dậy cơn giận của ngươi, hãy hiểu rằng chính quan điểm của ngươi đã khơi dậy sự giận dữ”.
Vì thế, thay vì luôn tức giận và giày vò cuộc sống của những người xung quanh, tại sao bạn không “trở thành người được mọi người yêu mến khi còn sống và được nhớ nhung khi đã ra đi?” Seneca hỏi.